Tâm linh của trí thức trẻ

Chào các bạn,

Các câu hỏi và phản hồi của các bạn trong bài “Tuyệt vọng ?“ làm mình rất hứng khởi. Mình thấy đó là bằng chứng hiển nhiên rằng trí thức trẻ chúng ta có trí tuệ đủ để quan tâm và tìm kiếm những vấn đề sâu thẳm của trái tim của chính ta nói riêng và của loài người nói chung. Khác với lo sợ của nhiều người là tuổi trẻ ngày nay quá hời hợt, chỉ biết game online và chít chát nhảm nhí. Vào thời đại nào cũng luôn luôn có một số trí thức đi trước đám đông. Đó chính là tiềm năng lãnh đạo của xã hội.

Hôm nay mình sẽ nói lại các điều mình đã nói trong các phản hồi trong bài “Tuyệt vọng ?”, để tóm tắt lại giản dị, có hệ thống, và rõ ràng hơn cho mọi người.

“Tâm linh” là “trái tim linh thiêng” của mỗi chúng ta. Tức là các tầng sâu thẳm của trái tim ta mà nhiều khi ta chưa khám phá đến.

Các tôn giáo và triết gia đã cố gắng tìm hiểu chiều sâu đó trong suốt chiều dài của lịch sử. Các triết thuyết đến rồi đi, nhưng các tôn giáo lớn vẫn ở nguyên đó cả mấy ngàn năm, vì các tôn giáo này đã thành công một phần lớn trong hành trình khám phá chiều sâu của trái tim con người.

Các tôn giáo dùng rất nhiều từ ngữ và khái niệm khác nhau trong tiến trình tìm kiếm này, và trong nhiều ngàn năm quá nhiều kinh sách đã được viết, và người ta do đó thường bị lạc trong các rừng kinh sách, mà không thấy được chân l‎ý giản dị ngay trước mắt mình.

Dù là có rất nhiều tôn giáo và trường phái tâm linh khác nhau, dạy nhiều điều khác nhau, có một điều căn bản mà mọi thánh nhân đều dạy, và đại đa số học trò/tín đồ của các thánh nhân đều quên hay bỏ ngoài tai là: “Yêu tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của mình.” Không có ngoại lệ cho tình yêu. Đây là căn bản tâm linh cho mỗi người chúng ta. mà mọi thánh nhân đều đã dạy.

Khổng tử gọi đó là Nhân. Lão tử gọi đó là Đạo. Thích Ca gọi đó là “lòng từ” (hay một cách triết l‎ý là tâm không phân biệt “ta/người”). Giêsu gọi đó là yêu người, kể cả kẻ thù, mà ngày nay người ta gọi là “tình yêu vô điều kiện”.

“Yêu tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của mình” chính là cách khám phá và phát huy sức mạnh của trái tim linh thiêng của mỗi chúng ta.

Tuy nhiên, rất khó cho chúng ta để làm điều đó, nếu ta không tin vào một điều gì đó, một ai đó linh thiêng—Chúa, Phật, Allah, Ông Trời–và tin vào liên hệ giữa mình là đấng linh thiêng đó.

Bạn có thể nói tôi thực sự có thể yêu mọi người trên thế giới, vô điều kiện, và tôi không cần tin vào một ai, một điều gì, linh thiêng cả. Đương nhiên là bạn có thể nói được điều đó, nhưng hãy thực hành đi rồi bạn sẽ thấy bạn làm được không.

Yêu là cảm xúc. Ta chỉ yêu thực sự khi ta cảm thấy ta yêu ở trong lòng, và cố gắng làm gì đó vì tình yêu đó. Kinh nghiệm cho thấy rất khó cho một người để yêu tất cả mọi người mà không có một nền tảng tâm linh. Thường thì chỉ yêu một người là người yêu hay vợ/chồng cũng đủ cho ta có vấn đề rồi, đừng nói là yêu cả thế giới, đặc biệt là kẻ thù mà ta chỉ muốn ăn tươi nuốt sống. Yêu tất cả mọi người không phải là bản tính hàng ngày của mọi người. Đó là một cố gắng đi ngược lại bản tính tầm thường của ta, để lên một tầng sống tâm linh cao hơn rất nhiều.

Trong thế kỷ 20 thế giới đã trải nghiệm nhiều cuộc cách mạng chính trị cho bình đẳng và nhân ái giữa con người trên thế giới, nhưng quyết liệt gạt bỏ yếu tố tâm linh ra ngoài, và chỉ dựa trên các l‎ý luận thuần kinh tế. Đó là những cuộc cách mạng yêu mọi người, không tâm linh. Và các cuộc cách mạng đó đã đem đến những thảm trạng lớn nào cho thế giới, các bạn còn nhớ không?

Trái tim con người rất dễ đi lạc nếu nó không được ràng buộc chặt chẽ với tâm linh, với ai đó hay điều gì đó linh thiêng và cao cả. Trái tim muốn làm thiện, nhưng nó sẽ làm ác, vì nếu không có ánh sáng tâm linh dẫn đường, trái tim con người không đủ sức để biết nó mù.

Đó là vấn đề chiều sâu của trái tim linh thiêng của chính ta mà mỗi người chúng ta phải đối diện.

Quy luật phát huy sức mạnh của trái tim của ta là “Yêu tất cả mọi người, kể cả kẻ thù”. Nhưng muốn đủ nội lực để thực hành điều này, chúng ta cần điểm tựa tâm lình mà các truyền thống tôn giáo đều đã có. Ta cũng có thể tìm điểm tựa tâm linh của riêng ta, không nằm trong truyền thống tôn giáo nào (ví dụ, tựa vào Ông Trời). Nhưng điểm tựa tâm linh là điều phải có, bằng không thì ta không thể thực hành quy luật “yêu người vô điều kiện” một cách nghiêm chỉnh được, và khả năng bị lạc sang hướng đối nghịch là rất cao.

Việc tìm tòi học hỏi các truyền thống tâm linh để tìm điểm tựa tinh thần cho mình là điều cần thiết. Các bạn cũng có thể trộn lẫn các truyền thống có sẵn để tạo ra một tổng hợp tâm linh cho mình. Triết lý, thần học đều tốt để giúp ta, nhưng sự thực chúng chỉ là những chiếc xe chuyên chở, không quan trọng.

*  Quan trọng là chúng ta nắm được tất yếu là mỗi chúng ta là một hạt nước trong đại dương vũ trụ, liên hệ mật thiết với Đại Vũ Trụ như giọt nước trong đại dương liên hệ với đại dương. Đại vũ Trụ đó là Không, hay Thượng đế, hay Allah, hay The One, hay Ông Trời, Bà Trời… tên gì cũng được.

*  Và như giọt nước trong đại dương liên hệ chặt chẽ với mọi giọt nước khác trong đại dương, mọi chúng ta liên hệ chăt chẽ với nhau trong một tổng thể, gọi là Không, hay Thượng đế, hay Allah, hay The One, hay Ông Trời, Bà Trời… tên gì cũng được.

*  Và trong thực hành, chúng ta có nhiệm vụ yêu tất cả các giọt nước khác trong đại dương, yêu tất cả mọi người, kể cả kẻ thù.

Đó là nền tảng tâm linh mà có lẽ là mọi chúng ta đều có thể có được, mà không nhất thiết phải vào chùa hay vào nhà thờ.

Chúc các bạn một ngày thông suốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

13 thoughts on “Tâm linh của trí thức trẻ”

  1. “Thường thì chỉ yêu một người là người yêu hay vợ/chồng cũng đủ cho ta có vấn đề rồi,…” – em nghĩ các vấn đề liên quan đến tình yêu vợ chồng là vì tình yêu này tiềm ẩn sự gắn kết với vài điều kiện nào đó, nếu vợ chồng mà yêu nhau vô điều kiện (anh bệnh hiểm nghèo em cũng yêu, anh bị tâm thần em cũng yêu, anh đi theo cô bé khác thì em cũng yêu anh như vậy…) thì sẽ loại bỏ được rất nhiều vấn đề (rất nhiều nhưng cũng không phải tất cả, vì sẽ còn những vấn đề của 1 teamwork nữa).

    Like

  2. Không mê tín nhưng mình rát tin có một thế giới tâm linh tồn tại, mình có đọc “Một hành trình đầy bí ẩn” của Giáo sư Trần Phương và một số chuyện về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thấy rất hay, chắc anh Hoành cũng từng coi qua rồi,
    Đọt chuối non có tư liệu gì hay về thế giới tâm linh cho đọc ké với nhé. cám ơn

    Like

  3. Hi Trường Giang,

    Mình có đọc các tài tiệu của GS Trần Phương và nghe các cuộc nói chuyện của chị Phan Thị Bích Hằng. Rất fascinating!

    Nhưng, nói đến đời sống tâm linh chúng ta dễ bị đam mê vào các chuyện huyền bí như là phép lạ, linh hồn người chết, đầu thai, thiên đàng, hỏa ngục.. mà mỗi tôn giáo nói một kiểu, đôi khi hoàn toàn khác nhau!

    Sự thật là mọi người ai cũng thích nói về thế giới bên kia mà chẳng ai thực sự biết, vì chẳng ai đi chuyến tàu suốt cuối cùng mà trở lại để trà đàm với mình, cùng lắm là mình chỉ nghe ai đó kể chuyện, chẳng chứng minh gì được. Hơn nữa mọi tôn giáo nói một kiểu, thì có cơ hội là tất cả đều sai. Hoặc tất cả đều đúng? vì thế giới tâm linh là thế giới chủ quan, hơn là thế giới khách quan? Who knows?

    Nhưng tại sao ta lại cử quan tâm vào điều không thể biết, mà cũng không cần biết? Tất cả những điều này rất thú vị và gợi tò mò,, nhưng thường làm cho chúng ta lạc đường, vì ta (1) cứ chúi mũi vào đó mà quên chuyện CHÍNH, và (2) mù mờ về chân lý và đôi khi cãi nhau tao đúng mày sai, mà thực ra chẳng ai thực sự biết chân lý là gì ngoại trừ lập lại lời người khác nói.

    CHÂN LÝ của cuộc sống tâm linh mà mọi thánh nhân đều dạy, và chính chúng ta cũng có thể cảm nhận được quyền lực của nó qua lý luận và qua trải nghiệm (nếu ta đã thực hành) là: Yêu mọi người, kể cả kẻ thù, ở đây lúc này.

    Người ta thường thích quan tâm vào các việc huyền bí, để bỏ qua điều thực hành khó khăn mà mọi vị thầy đều dạy mình.

    Trên đời sống này chỉ có hai cách sống: 1. Sống bình thường, không tâm linh, là sống có qua có lại. Yêu người yêu mình, ghét người ghét mình. 2. Sống tâm linh là yêu tất cả mọi người, không trừ ai, kể cả kẻ thù.

    Chính vì thế mà mình cứ lập đi lập lại, đại đa số người tôn giáo cứ lảm nhảm chuyện tôn giáo, thường là chuyện huyền bí, mà chẳng tâm linh một chút nào, tức là không thực hành cách sống tâm linh DUY NHẤT với người khác là “yêu mọi người, kể cả kẻ thù.” Khi ta sống tâm linh cách này, tự nhiên ta sẽ cảm nhận rõ ràng, như là tình yêu với bạn trai/bạn gái, là Thượng đế/Phật tánh ở trong ta, khỏi phải chay đi tìm.

    Còn sau đời sống này có gì thì hãy để cách sống của mình hôm nay, ở đây lúc này, quyết định tương lai. Nếu ta sống yêu mọi người thì nhất định là gặt hái của ta sau khi chết phải tốt, dù nó là gì. Hơi đâu mà quan tâm.

    Like

  4. Em vẫn nhớ câu chuyện mà mọi người hay kể cho nhau về phép mầu.Khi một người yêu cầu Đức Phật hãy làm một phép mầu nào đó để thấy thần thông của ngài, ngài nói: Sự hiện diện của ta là nhiệm mầu lớn nhất .Vậy thì chúng ta hãy khám phá cuộc sống chúng ta đang hiện diện đi đã, có rất nhiều điều thú vị ,thậm chí khiến chúng ta ngạc nhiên từ những điều mà dường như rất nhỏ bé, như anh Hoành nói: yêu tất cả mọi người….. em xin bổ sung: yêu cây cỏ, muông thú ,và những thứ do thiên nhiên ban tặng , nếu chúng ta thực hành hàng ngày, luôn có những điều mới mẻ đến với chúng ta.
    Khi ta yêu mọi thứ trở lên kì diệu lắm các anh chị ạ..

    Like

  5. Mỗi khi gặp phải chuyện bế tắc trong cuộc sống,chỉ khi cố gắng lấy lại tình yêu một phía không đền đáp từ bản thân (tình yêu mà em nói không chỉ là tình yêu nam nữ, mà nó là tình yêu chung )em mới qua khỏi những thất vọng buồn phiền ,lấy lại cân bằng ,em vẫn chưa lí giải được điều này các anh chị ạ ,tình yêu cho đi không mong đền đáp làm nó thật khó,đôi khi bị đau đớn, nhưng khi làm được thì nó lại mang cho mình sức mạnh , thật khó hiểu , có ai có thể giải thích cho em biết được không ạ ?

    Like

  6. Hi Phong Lan,

    Tình yêu của con người lạ vậy đó. Vì thế mà các thánh nhân day dưới đủ mọi tên (lòng nhân, lòng từ, tình yêu…) chỉ có một điều là “yêu mọi người vô điều kiện”. Tình yêu là thứ ta sở hữu mà càng cho đi thì ta lại càng có nhiều, kể cả khi không ai đáp trả điều gì.

    Tình yêu như sông dài biển rộng, phải trôi chảy, đi xa, cho đi… thì tình yêu mới sống và lớn mạnh. Không trôi đi, không cho đi, thì cứ như là ao nước tù, nước chết. Đời sống tâm linh thực sự chỉ có đó là điểm chính, hoặc là điểm “tất cả”.

    Like

  7. Phonglan nói đúng lắm. “Khi ta yêu mọi thứ” chẳng phải là ta đang ở thiên đàng sao?:) Thay vì chờ đợi được “lên thiên đàng” để mọi điều xung quanh đều đáng yêu thì ta cố gắng yêu mọi thứ hiện diện để được ở thiên đàng ngay bây giờ? 😀

    Like

  8. @ phonglan: “tình yêu cho đi không mong đền đáp làm nó thật khó,đôi khi bị đau đớn, nhưng khi làm được thì nó lại mang cho mình sức mạnh…”

    Mình nghĩ tình yêu như vậy – cho đi thuần túy một chiều và không mong bất kỳ đền đáp hay phản hồi nào – chính là một sự buông xả, sự giải thoát.

    Yêu thương để giữ năng lượng tích cực cho mình, lẽ sống tốt lành cho mình. Nhưng cho đi đến tận cùng mà vẫn giữ được tâm không cầu đáp thì đó là khi mình đã trút bỏ được mọi vướng bận, mắc mứu, căn nguyên cho những năng lượng tiêu cực trong tâm mình liên quan đến người/ đối tượng mà mình yêu thương.

    Một mặt khác chỉ có tình yêu không cầu đáp mới có thể tự do yêu hết sức mình – không phải lo ngại xem liệu mình yêu như vậy có bị “quá” hay không, có “phù hợp” hay không, liệu mình có … “lỗ vốn” hay không….

    Có lẽ sự buông xả giúp ta yên bình, và năng lượng tích cực thuần túy được tự do phát huy tối đa mà không bị tác động, “cản phá” của năng lượng tiêu cực nên ta cảm thấy sự tăng lên rõ rệt của sức mạnh nội tâm?

    Like

  9. Cám ơn các anh chị đã chia sẻ ,quả thật em vừa phải trải qua một chuyện buồn và nếu không buông xả như chị QL nói, đúng là buông xả chị ạ,từ đó thật thích hợp ,thì em chìm mất …Có lẽ bản năng không bao giờ muốn mình bị chìm trong nỗi khổ nào khiến con người luôn tìm cách thoát ra khỏi các nỗi phiền não, từ buông xả nghe rất quen thế mà lúc gặp chuyện em không nhớ gì cả, chỉ nghĩ, cho đi, bỏ đi,lỗi ở mình cả, tự nhiên em thoát ra được. Hôm qua đọc lại tâm kinh , em càng thấy mình có lỗi, em đang sống trong vô thường ,trong tâm sanh diệt thì thật ngốc khi vô thường đến với mình lại buồn phiền và trách cứ, khi mình sống với những người có tâm sanh diệt ,mình cũng sanh diệt thì trách ai chứ, em thật ngốc quá, nực cười nữa, sống giữa những người mang tâm sanh diệt mà muốn họ hành xử như không sanh không diệt thì khác gì bảo con mèo kêu gâu gâu , nó không kêu được lại bảo nó sai ,rồi buồn vì nó đã không kêu được gâu gâu ,hì hì.

    Liked by 1 person

  10. Chà, yêu người thân mình thôi đôi khi còn quên và xao lãng trách nhiệm nữa là, yêu luôn kẻ thù như bạn nói nữa thì…khó thật. Nói chung đời sống tâm linh vẫn khôn thể thiếu đối với con người, dần dần tâm hồn cũng thêện hảo hơn nếu ta quan tâm đến nó, không ít thì nhiều 🙂

    Like

Leave a comment