Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một “NATO ở châu Á”

Đại sứ Nguyễn Quang Khai | 07/08/2021 19:10

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một "NATO ở châu Á"
Ảnh: AP

SHRút quân khỏi Iraq tiếp sau Afghanistan, Washington đang điều chỉnh lại chiến lược toàn cầu, tập trung đối đầu với Trung Quốc và Nga.

Ngày 27/7/2021, tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi đã ký Thỏa thuận về việc chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ tại Iraq vào cuối năm nay.

MỸ VÀ IRAQ SANG GIAI ĐOẠN MỚI

Ông J. Biden tuyên bố, hợp tác quân sự giữa Mỹ và Iraq sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, theo đó vai trò của Mỹ sẽ chỉ giới hạn trong việc trong việc tư vấn, huấn luyện cho quân đội Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuyên bố chung nêu rõ, thời gian tới, Washington và Baghdad sẽ tập trung vào việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược dài hạn trong các vấn đề lớn hai bên cùng quan tâm.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi. Ảnh: AP

Dư luận xã hội và chính giới Iraq đều hoan nghênh thỏa thuận này. Tổng thống Iraq Bahram Saleh coi thỏa thuận mang tính chiến lược quan trọng, góp phần ổn định tình hình và củng cố chủ quyến của Iraq. Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed Al-Halbousi và các nhóm trong Quốc hội đã hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận rút quân Mỹ khỏi Iraq.

Việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Iraq diễn ra vào lúc quân đội Mỹ đang gấp rút rời khỏi Afghanistan.

LÝ DO MỸ RÚT QUÂN KHỎI IRAQ

Trong bối cảnh mới trên thế giới, chính quyền Mỹ đang thay đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Cựu Tổng thống D. Trump đã lên tiếng phản đối “những cuộc chiến tranh phi lý vô tận” ở Iraq, Syria và Afghanistan. Trước đó, năm 2011, Cựu Tổng thống B. Obama cũng đã quyết định sẽ rút toàn bộ binh lính tại Iraq về nước, nhưng năm 2014 lại đưa quân trở lại giúp Iraq trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), giải phóng Mosul.

Rút quân khỏi Iraq là chủ trương nhất quán của Mỹ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hầu hết người Mỹ ủng hộ việc rút quân khỏi Iraq và Afghanistan và họ tin rằng sự hiện diện của Mỹ ở hai nước này chỉ tốn nhiều tiền bạc, sinh mạng mà không mang lại lợi ích gì.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 2.

Lính Mỹ ở Iraq. Ảnh: Military Times

Mỹ đã không hoàn thành nhiệm vụ đặt ra khi phát động cuộc chiến năm 2003, truyền bá các tư tưởng dân chủ và chủ nghĩa tự do ở Iraq. Đất nước đang sống thanh bình bỗng chốc trở nên hỗn loạn.

Mỹ và liên quân đã lật đổ được chế độ Saddam Hussein, đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng sau đó lại xuất hiện nhiều phe phái vũ trang khác nhau, Iraq rơi vào cuộc nội chiến sắc tộc và tôn giáo triền miên. Bất đồng giữa người Shiite và Sunni bùng phát dẫn đến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đẫm máu, cướp đi sinh mạng của 200-300 nghìn dân thường vô tội.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 3.

Tướng Qassem Soleimani

Mặc dù có quan điểm khác nhau trong nhiều vấn đề, nhưng các lực lượng chính trị, tôn giáo, sắc tộc, các lực lượng Shia được Iran hậu thuẫn đều mong muốn Mỹ rút quân, đặc biệt là sau khi Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và thủ lĩnh của lực lượng dân quân Hashd Sha’abi Abu Mahdi al-Muhandis gần sân bay Baghdad tháng 1/2020.

Người dân bình thường, các phe phái chính trị cũng như chính giới Iraq đều không muốn sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất nước của họ. Ngày 5/1/2020, Quốc hội Iraq với đa số phiếu đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ chấm dứt mọi sự hiện diện quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Iraq, cũng như hủy bỏ Thỏa thuận về sự giúp đỡ của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Thủ tướng Al-Kadhimi nói, lực lượng an ninh và quân đội Iraq đủ sức bảo vệ đất nước mà không cần đến Mỹ. Trong khi đó, ảnh hưởng của các nhóm dân quân của người Shia thân Iran ngày càng lớn, đòi Mỹ phải rút quân. Theo các nguồn tin từ Iraq, từ đầu năm đến nay họ đã thực hiện khoảng 50 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các căn cứ và các nơi đồn trú của quân Mỹ ở Iraq.Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad được bảo vệ nghiêm ngặt vẫn nhiều lần bị pháo kích.

Trong suốt 18 năm chiến tranh ở Iraq và 20 năm ở Afghanistan, Mỹ đã không đạt được các mục tiêu của mình. Washington đã thất bại, không mang lại được hòa bình, ổn định cho khu vực này và loại bỏ mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Mặc dù Bin Laden, thủ lĩnh Tổ chức Al-Qaeda bị tiêu diệt ở Afghanistan, nhưng mạng lưới khủng bố của chúng vẫn mở rộng hoạt động sang các khu vực khác. Phong trào Taliban từng bị Mỹ liệt kê vào danh sách khủng bố đã trở thành một lực lượng chính trị, quân sự không thể bỏ qua và cuối cùng Mỹ đã phải ký Hiệp định hòa bình với họ.

Bất đồng với D. Trump về nhiều vấn đề, nhưng Tổng thống J. Biden có chung quan điểm với D. Trump về việc giảm bớt sự có mặt về quân sự ở khu vực này, chuyển trọng tâm sang Châu Á – Thái Bình Dương và các khu vực khác để đối phó với vai trò ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc và Nga.

MỸ RÚT QUÂN KHỎI IRAQ: AI HƯỞNG LỢI?

Iran

Về lâu dài, việc Mỹ rút quân khỏi Iraq là có lợi cho Iran. Kể từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 thắng lợi, Iran đã tìm cách đánh đuổi các lực lượng Mỹ ra khỏi các nước lân cận để trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực, nhưng đã không đạt được mục tiêu. Các quốc gia vùng Vịnh, nơi ảnh hưởng của Tehran lúc đó còn chưa đủ mạnh và Mỹ có các căn cứ quân sự và một lực lượng quân sự lớn đóng tại tất cả sáu quốc gia, trong đó cả Hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain.

Năm 2003, lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq, đối thủ chính của Iran, Mỹ đã loại bỏ trở ngại lớn nhất, tạo cho Tehran một cơ hội vàng để họ tăng cường ảnh hưởng ở Iraq. Iran đã đưa được lực lượng dân quân Hashd Sha’abi của người Shia thân Iran (quân đội thứ hai tại Iraq) vào cơ cấu bộ máy an ninh của Iraq. Trong Quốc hội Iraq có nhiều nhân vật thân Iran có tiếng nói mạnh mẽ.

Cuộc xung đột Syria bùng nổ năm 2011 đã mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự lớn của Iran ở Syria. Trong khi đó, đồng minh Hezbollah của Iran đã trở thành lực lượng quân sự lớn nhất của Lebanon.

Iran tiếp tục gây áp lực mọi mặt với Mỹ. Về quân sự, các lực lượng thân Iran liên tục tấn công vào các căn cứ và nơi đồn trú của Mỹ. Về chính trị Tehran ủng hộ các cuộc biểu tình đòi Mỹ rút quân, khiến Iraq trở thành nơi Mỹ khó có thể duy trì sự có mặt quân sự của mình. Chính vì vậy, Iran là một trong những nước đầu tiên hoan nghênh thỏa thuận chấm dứt các hoạt động chiến đấu của Mỹ ở Iraq và coi đó là bước đi đúng hướng.

Trung Quốc

Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Al-Kadhimi tới Washington, Iraq đã ký một số hợp đồng lớn với các công ty Trung Quốc để thực hiện các dự án trong khuôn khổ các khoản vay của Bắc Kinh. Các dự án này gồm khai thác dầu khí ở phía nam với việc mở rộng xuất khẩu qua Vịnh Ba Tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và một sân bay gần thủ đô Baghdad.

Trước đó, Trung Quốc đã quyết định hủy 80% các khoản nợ của Iraq, tương đương 8,5 tỷ USD. Tháng 9/2019, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Iraq lúc đó Adel Abdul Mahdi, hai bên đã ký 8 hiệp định và bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực. Hai bên thỏa thuận đưa tổng giá trị các dự án hợp tác giữa Iraq và Trung Quốc lên trên 500 tỷ đô la trong 10 năm tới.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 5.

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters

Nga

Mặc dù có khó khăn về kinh tế, nước Nga bắt đầu phục hồi lại vị trí cường quốc của mình. Trước chiến tranh của Mỹ chống Iraq năm 2003, Iraq là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga ở Trung Đông. Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq là cơ hội để Moscow khôi phục lại quan hệ hợp tác chiến lược với Baghdad.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 6.

Ảnh: Reuters

Dầu khí trở thành lĩnh vực quan trọng nhất trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tập đoàn dầu khí Lukoil đang triển khai các công việc phát triển mỏ dầu khổng lồ Qurna-2 trong thời hạn 25 năm.

Gazprom cũng đang tiến hành khai thác mỏ dầu Badra thuộc miền Đông Iraq và thăm dò dầu khí tại khu vực người Kurrd ở miến Bắc.

Trước 2003, Nga là nước cung cấp vũ khí chủ yếu cho Iraq. Hợp tác giữa Nga và Iraq vẫn tiếp tục được mở rông trong lĩnh vực quân sự.

ới đây, hai nước đã ký một thỏa thuận trị giá 4,3 tỷ USD, theo đó Nga sẽ cung cấp cho Iraq các loại máy bay chiến đấu, xe tăng và nhiều vũ khí hiện đại khác.

Tăng cường quan hệ với Iraq là nằm trong chiến lược chung của Nga nhằm khôi phục lại ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, trước hết là quan hệ với các đồng minh truyền thống, trong đó có Syria, Libya, Ai Cập, Sudan….sau đó là với các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

TRUNG QUỐC VÀ NGA LÀ ĐỐI THỦ CHÍNH

Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết: “Trong các nguy cơ chính của Mỹ, thì nguy cơ dài hạn là Trung Quốc và có thể nguy cơ ngắn hạn là Nga”. Đề cập đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, tướng J. Hyten nói, Mỹ không nên “phớt lờ các mối đe dọa” ở Trung Đông và nên giải quyết những mối đe dọa ở khu vực này theo một cách khác, với ít dấu ấn hơn, để có thể chuyển hướng tập trung vào mối đe dọa của Nga và Trung Quốc.

Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Trung Quốc còn nằm ở một vị trí chiến lược có một không hai trên lục địa Á-Âu, có quân đội và sức mạnh hạt nhân không thể xem thường. Trung Quốc đang nổi lên vị trí hàng đầu lấy lại sự cân bằng cán cân so sánh lực lượng trên phạm vi toàn cầu, thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Theo Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, hải quân Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Từ năm 2005-2019, số lượng tàu của hải quân Trung Quốc đã tăng 55% lên 335 chiếc. Đến năm 2030, theo một số ước tính, lực lượng hải quân của Bắc Kinh sẽ sở hữu 450 tàu mặt nước và 110 tàu ngầm.

Quân đội Trung Quốc đang đưa vào biên chế các loại vũ khí mới nhất. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, sẽ thắt chặt hơn nữa về mặt kinh tế giữa Trung Quốc và Nga. Tài liệu nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho rằng, Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lâu dài nghiêm trọng nhất”, và tiềm năng quân sự ngày càng tăng của nước này “làm suy yếu lợi thế quân sự của Hoa Kỳ ở mức báo động.”

Mặc dù gặp nhiều khó khăn kinh tế, Nga vẫn là cường quốc hạt nhân lớn nhất sau Mỹ. Các nhà lãnh đạo Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối đầu toàn diện với NATO và sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Mỹ triển khai tên lửa mới ở châu Âu.

Gần đây, quân đội Nga đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều loại vũ khí mới, trong đó có máy bay ném bom chiến lược Tu-95 được trang bị tên lửa siêu thanh, xe tăng điều khiển bằng tia laser, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Trong vòng sáu năm tới, Nga sẽ đóng thêm 14 tàu ngầm hạt nhân và đưa vào biên chế hệ thống phòng không S-500 và tên lửa siêu thanh vào năm 2022.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 8.

Tu-95

Các nhà phân tích chính trị và quân sự của Mỹ nhận định rằng, đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác với nhau trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về quân sự để đối phó với mối đe dọa của Mỹ.

Trong tháng 8/2021, Nga và Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quy mô lớn nhất từ trước tới nay mang tên Zapad/Interaction-2021 với sự tham gia của hơn 10 nghìn binh sỹ cùng nhiều khí tài hiện đại nhất của hai nước. Tổng thống V. Putin thừa nhận rằng một liên minh quân sự với Trung Quốc là hoàn toàn có thể.

Đến nay, Nga đã hoàn thành hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 và các máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc. Ngày 28/6/2021, Tổng thống V. Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký Tuyên bố chung gia hạn thêm 5 năm “Hiệp ước láng giềng thân thiện và hợp tác hữu nghị Nga – Trung Quốc”. Ông Putin nói hiệp ước này đã giúp đưa quan hệ hai nước lên một “tầm cao chưa từng có”.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 9.

Binh sĩ và khí tài quân sự Trung Quốc tham gia tập trận Vostok-2018 tại Nga – Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

MỸ LẬP NATO Ở ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Biển Đông có tầm quan trọng hết sức to lớn. Khoảng 3,5 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế đi qua khu vực này được coi là tuyến hàng hải có đông tàu bè qua lại thứ hai trên thế giới. Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ với khoảng 11 tỷ thùng. Biển Đông còn có 1/3 đa dạng sinh học biển của thế giới, là vùng quan trọng đối với an ninh lương thực của nhiều quốc gia ở Đông Nam Á. Đây là lý do chính để Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc đã trở thành một đối thủ nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu, một mình Mỹ không đủ khả năng để đương đầu. Washington đang tìm kiếm đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc. Khối tương lai được đặt tên là “Đối thoại An ninh Bộ tứ” hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương- QUAD” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Mỹ đang tìm mọi cách để mở rộng ảnh hưởng của họ bằng cách mời New Zealand, Hàn Quốc và các nước ASEAN tham gia QUAD. Theo các chuyên gia, khối này sẽ trở thành một khối tương tự như NATO châu Á.

Mỹ rút quân khỏi Iraq: Lịch sử sang trang, Washington dồn toàn lực cho một NATO ở châu Á - Ảnh 10.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã gia tăng đáng kể sự có mặt quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Từ năm 2020, Hải quân Mỹ bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông. Cùng một lúc các tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76) và USS Nimitz (CVN 68) đã được đưa đến khu vực. Tàu khu trục tên lửa USS McCampbell của Mỹ cũng đã đi qua eo biển Đài Loan. 

Các máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1 và B-2 được chuyển đến căn cứ không quân Andersen trên quần đảo Mariana. 15 máy bay mang vũ khí hạt nhân làm nhiệm vụ tại đây. Các tàu chiến của Hải quân Mỹ thường xuyên đi vào khu vực quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, nhằm thực hiện quyền tự do hàng hải, thách thức những yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc áp đặt.

Năm 2017, nhằm tập hợp lực lượng chống Iran, chính quyến Mỹ đã đưa ra đề nghị thành lập NATO Ả Rập. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không thành do nhiều nước không muốn căng thẳng với Iran. Trong tình hình hiện nay, mặc dù phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước khu vực không dễ gì hy sinh lợi ích của mình trong quan hệ với Bắc Kinh để tham gia khối NATO châu Á của Mỹ.

(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Leave a comment