Thương xuân khúc – Bạch Cư Dị

TĐH: Mùa xuân khóc tuổi xuân. Câu cuối bài này có từ “tận nhật”, có nghĩa là “ngày hết.” Đa số dịch giả cho rằng đó có nghĩa là cuối ngày, tức suốt ngày. Có người dùng “suốt ngày”, có người bỏ luôn vì thấy nó không quan trọng cho bài thơ. Thế thì rất oan cho Bạch Cư Dị, người được coi như đứng hàng đầu trong thơ Đường. Bài thơ chỉ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ, mà câu cuối (câu quan trọng nhất) lại có đến 2 chữ dư, không cần thiết, thì chẳng thể nói đây là thơ của “thi tiên” (tiên thơ) được.

“Tận nhật” – ngày tận, ngày đã tận – phải hiểu như là chúng ta nói: Số ta nay đã tận, đành chịu chết thôi. Thời ta nay đã tận, đành phải nhường ngôi cho hắn.

“Ngày tận” đây nghe có vẻ như “chiều rồi”, nhưng điều chính là nói “ngày xuân/tuổi xuân xanh của em đã hết rồi”. Như vậy thì mới rõ được cảm xúc của bài thơ.

Hy vọng lời giải thích này lấy lại công bình cho Bạch Cư Dị.

Thương xuân khúc

Thâm thiển thiềm hoa thiên vạn chi
Bích sa song ngoại chuyển hoàng ly
Tàn trang hoà lệ há liêm toạ
Tận nhật thương xuân xuân bất tri

(Bạch Cư Dị)

Thương xuân

Đậm nhạt thềm hoa ngàn vạn cành
Ngoài song lụa biếc hót vàng anh
Buông rèm ngồi lặng son nhòa lệ
Ngày tận thương xuân, xuân chẳng rành

(TĐH dịch
Jan. 20, 2019
Stafford, VA, USA)

3 thoughts on “Thương xuân khúc – Bạch Cư Dị”

  1. Bài này viết đời Đường, khoảng 1300 năm về trước. Những bài thơ Đường có nghệ thuật rất cao, ngày nay vẫn còn giá trị lớn. Nhưng về tư tường xã hội thì có một số điều không hợp thời. Ví dụ như bài này, nói về phụ nữ và tuổi thanh xuân, tức là nói về cái đẹp, giá trị xem như là lớn nhất của người phụ nữ thời đó.

    Ngày nay, ở Mỹ chẳng hạn, thơ như thế này sẽ được xem là sexist (tức là phân biệt giới tính), phản tiến hóa (backward) và politically incorrect (sai chính trị).

    Phụ nữ ngày nay cũng được xem là càng lớn tuổi càng thông thái như đàn ông. Chẳng ai dám nói gì về sắc đẹp phụ nữ trong môi trường làm việc.

    Like

  2. Em cảm ơn anh giải nghĩa bài thơ. Nhờ những giải nghĩa này, em thấy mình được đứng gần với bài thơ hơn.

    Bài thơ viết cách đây 1.300 năm trước mà có vẻ vẫn đúng với xã hội VN thời nay – vẫn “thương” phụ nữ không còn trẻ đẹp, “tuổi trẻ tuổi đẹp của em đã hết rồi”, “em không còn trẻ nữa, em già rồi, em ơi”…

    Quả là sexist, backward và politically incorrect.

    Giá trị hiện đại của phụ nữ nên là thông thái, thay vì trẻ đẹp. Trẻ đẹp là giá trị cách đây ít nhất 1.300 năm. Còn giữ giá trị trẻ đẹp, nghĩa là còn giữ phụ nữ ở mức cao lắm là ở thế kỷ 8, không phải ở thế kỷ 21.

    Em Hương

    Like

Leave a comment