Bài học ngoại giao 7 – Dùng tên trong giao tiếp quốc tế

Chuỗi “Bài học ngoại giao”

Chào các bạn,

Hôm nay mình nói đến cách dùng tên trong ngoại giao quốc tế. Hãy dùng tên một cô làm ví dụ: Nguyễn Thị Minh Trang.

I. Câu hỏi đầu tiên là first name (tên) của cô này là gì? Middle name (tên đệm ở giữa) là gì? Last name (family name, họ) là gì?

Nếu là nam, tên thường chỉ có 3 từ, như Trần Đức Thành, thì rất dễ. Ta biết ngay Thành là first name, Trần là last name, và Đức là middle name. Nếu đổi theo thứ tự Âu Mỹ thì tên đầy đủ sẽ là Thanh Duc Tran.

Ở Mỹ thì người ta thường viết tắt tên giữa, cho nên sẽ là Thanh D. Tran. Thông thường người ta chỉ gọi cho tiện hai từ, first name và last name, cho nên tên sẽ là Thanh Tran.

Nhưng nếu bạn là phụ nữ Việt, thông thường tên có 4 từ: Nguyễn Thị Minh Trang. Last name (family name, họ) của bạn thì dễ: Nguyễn.

Nhưng first name và middle name của bạn là gì? Nếu first name của bạn là Trang, thì middle name là Thị Minh. Và khi viết theo thứ tự Âu Mỹ sẽ là Trang Thi Minh Nguyen. Nhìn là ta có cảm tưởng không đúng, vì Thị và Minh không đi đôi với nhau như thế.

Trong ngôn ngữ Việt, Minh đi theo Trang. Người ta gọi cô này là Trang hay Minh Trang. Và tên đệm ở giữa là Thị mới hợp lý. Trần . Thị . Minh Trang, hay Minh Trang . Thi . Trần theo Âu Mỹ.

Điều này quan trọng khi làm giấy tờ, vì khi làm giấy tờ lần đầu xin đi du học hay gì đó, cách mình ghi tên lần đầu cho Âu Mỹ có thể ảnh hưởng vĩnh viễn sau đó. Mình khuyên các bạn ghi thế này:

– First name: Minh-Trang (hay Minh Trang.  Có  gạch nối ở giữa, hay không gạch nối cũng được)
– Middle name: Thi
– Last name: Nguyen

Vậy thì tên sẽ đẹp và hợp lý với văn hóa Việt hơn là Trang Minh Thi Nguyen.

Đó là giấy tờ. Dùng trong giao tiếp thì sao?

II. Trước hết là danh thiếp. Nếu bạn đang du học hay làm việc ở Âu Mỹ, hay giao tiếp thường xuyên với người Âu Mỹ ở Việt Nam, trên danh thiếp thường có hai mặt, một mặt là tiếng Việt và ghi Nguyễn Thị Minh Trang, mặt kia là tiếng Anh (chẳng hạn) và ghi Minh-Trang Thi Nguyen.

Vậy thì rất dễ hiểu cho mọi người, và bạn cũng không tốn công giải thích.

Nếu là danh thiếp chỉ một mặt, và nếu đó là tiếng Việt thì bạn để Nguyễn Thị Minh Trang. Và khi đưa danh thiếp cho người Mỹ chẳng hạn, có lẽ bạn nên chỉ vào chỗ tên của mình và nói: “This is my Vietnamese name. So, my family name is the first word ‘Nguyen’, this one here. And my own name is the last two words ‘Minh Trang’ here”. (Nhưng nếu người Mỹ đó ở VN thường trực, có lẽ bạn không cần giải thích, vì anh ta tự biết).

Nếu đó là tiếng Anh, có lẽ bạn nên để Minh-Trang Thi Nguyen, vì danh thiếp tiếng Anh thường là để dùng cho người nước ngoài.

Business card của mình hiện tại, vì mình tập trung vào các vấn đề Việt Nam và muốn mọi người nhớ điều đó, nên mình ghi tên mình bằng tiếng Việt “Trần Đình Hoành” và phải giải thích mỗi khi đưa nó cho người Mỹ (my last name stands first, and first name stands last 🙂 )

III. Bây giờ nói đến phần nói chuyện, bắt tay chào hỏi, là phần rắc rối hơn nhiều. Câu hỏi là: Ta bắt tay và tự giới thiệu tên mình thế nào? Nguyen Thi Minh Trang? Minh-Trang Nguyen? Trang Nguyen? Minh Trang?

Theo ý mình, nói chuyện thì ta cần đơn giản và gần gũi, chọn cách dễ nhất và gần gũi nhất: “Good morning. Minh Trang from MOFA. Nice to meet you.” (MOFA là Ministry of Foreign Affairs). Minh Trang, tên hai từ, nghe cũng hơi trịnh trọng, nhưng thân tình, dùng rất tốt.

Ngay cả phái nam, first name chỉ một từ, cũng dùng được: “Good morning, Tien, also from MOFA”.

Vì người Việt gọi trịnh trọng bằng first name: Ông First name, Ông Vinh, Ông Hải… Bà First Name, Bà Hồng, Bà Cúc… cho nên tự giới thiệu bằng first name vừa thân tình vừa dùng được trịnh trọng.

Mình nghĩ rằng trong các cuộc gặp gỡ thảo luận với người nước ngoài, không cần tự giới thiệu tên đầy đủ vì rườm rà quá, người nước ngoài cũng không nghe hết được.

• Câu hỏi là: Có nên dùng 2 từ ngược lại như người nước ngoài không, như Huong Pham, Hung Tran, Hai Bui…?

Mình chẳng nghĩ ra được lý do gì cần thiết để dùng cách này ở Việt Nam. Người ở Mỹ, thì đương nhiên đây là tên chính thức của họ ở Mỹ, dùng là phải rồi. Người ở Việt Nam, mình không thấy có lý do gì phải dùng tên Tây hóa như thế.

• Đôi khi tên đầy đủ của mình đã là thương hiệu, thì phải dùng đầy đủ thương hiệu thiên hạ mới nhận ra, dù là nói chuyện với người nước nào. Ví dụ, một số người muốn gặp mình vì mình là tác giả các sách tư duy tích cực, thì đương nhiên mình phải dùng tên Trần Đình Hoành, không có cách nào khác. Hay ca sĩ Phạm Ngọc Lân chẳng hạn.

• Trong các cuộc họp chính trị hay kinh doanh, chức vụ là cần thiết, vì người ta phải biết họ đang nói chuyện với ai. Cho nên khi giới thiệu, cần cho thêm chức vụ (trừ khi chức vụ mình rất nhỏ trong đoàn, không cần thiết): “How do you do. Tien, deputy director of North America Department, MOFA.”

Đại khái các nét chung là như thế. Nhưng mỗi người luôn có thể biến chế chút đỉnh để tạo cái riêng cho mình, tùy theo ấn tượng gì mình muốn tạo cho ai.

Ngoại giao là một nghệ thuật, nên sáng tạo luôn là một phần của ngoại giao. Các quy luật chung có đó, nếu mình sáng tạo cái mới mà không tạo nên động đất thì cứ thử, chết ai?

Chúc các bạn nhiều sáng tạo.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Bài học ngoại giao 7 – Dùng tên trong giao tiếp quốc tế”

Leave a comment