Hãy là người quan sát

  1. Bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta, dù điều đó là tốt hoặc xấu, điều đầu tiên chúng ta cần làm khi đón nhận chúng là quan sát.

Đón nhận vấn đề với tâm người quan sát sẽ cho ta cơ hội thấy được vẻ đẹp của chúng. Và ta sẽ khám phá ra rằng mọi vấn đề điều có vẻ đẹp riêng. Vấn đề đó là đau khổ vẫn có vẻ đẹp riêng của đau khổ. Vấn đề đó là hạnh phúc cũng có vẻ đẹp riêng của hạnh phúc. Vẻ đẹp của khổ đau và vẻ đẹp của hạnh phúc hoàn toàn không trái chống nhau. Không những không trái chống nhau mà còn tô điểm cho nhau.

Nếu sự kiện đó là một sự kiện xấu thì ta cũng thấy được những ảnh hưởng tốt từ chúng đem lại. Và nhờ thấy được như thế nên ta không bị những khổ đau, buồn thương nhấn chìm. Còn với một điều tốt xảy đến với chúng ta, chúng ta vẫn thấy được mặt bên kia của chúng. Chúng ta thấy được những nguy cơ đàng tiềm ẩn trong chúng. Vì thấy được những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn nên ta không quá vui, không quá tự mãn nhưng đồng thời ta cũng biết cách tạo thêm nhiều điều kiện cho những điều tốt ấy phát triển.

Ví như có một người phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả để thực hiện lý tưởng, hoài bão, ước mơ của mình. Rồi một ngày kia người ấy đạt được những gì mình mong ước. Thì rõ ràng những khó khăn ấy đã làm đẹp thêm thành công của người này.

Là người quan sát, ta sẽ làm chủ được đời sống của mình.

 

  1. Ta hãy biến ta thành người quan sát.

Chỉ có là người quan sát mới cho ta cơ hội để nhận ra vẻ đẹp của sự sống. Chỉ có là người quan sát mới cho ta thấy được hai mặt của một vấn đề. Chỉ có là người quan sát mới cho ta thấy được bình an, hạnh phúc là những gì đã có sẵn trong giây phút này.

Khi ta trở thành người quan sát thì ta sẽ không bị đồng hoá bởi những sự kiện đang xảy ra. Vì không bị đồng hoá nên ta đón nhận những sự kiện đang xảy đến với chúng ta một cách tròn đầy. Tiếp nhận một sự kiện đến với chúng ta một cách tròn đầy là cho ta cơ hội thấy được tính hai mặt của chúng.

Là người quan sát nên dù cho dòng đời có biến động như thế nào đi chăng nữa ta vẫn luôn là người chủ động.

 

  1. Và để trở thành người quan sát thật thụ ta phải biết cách quan sát, ta phải học cách quan sát.

Trước tiên ta phải quan sát những gì đang diễn ra trong thân thể của ta. Ta phải thấy được những mấy động của thân thể ta khi ta đi, đứng, nằm, và ngồi. Ta phải quan sát thân thể ta trong mọi lúc, mọi nơi. Bởi vì ta mới tập làm người quan sát nên ta sẽ thường quên, quên quan sát những gì đang diễn ra nơi thân thể ta. Điều này không quan trọng, miễn là khi biết rằng ta đã quên thì đơn giản là trở về làm người quan sát lại. Ta quan sát thân thể ta trong khi ta đi, trong khi ta đứng, nằm và ngồi được thuần thục thì ta sẽ dễ dàng nhận thấy những gì đang diễn ra trong tâm của ta.

Với tâm của ta, ta quan sát thấy tâm ta đang giận; ta quan sát thấy tâm ta đang buồn; ta quan sát thấy tâm ta đang vui… Dù có giận, buồn, vui… hay bất cứ điều gì khác thì ta vẫn hãy là người quan sát.

Nhìn những vấn đề đang xảy đến với chúng ta như người quan sát, ta sẽ không đắm chìm vào chúng. Ta sẽ biết xử lý chúng. Và ta cũng biết cách đón nhận chúng. Và ta chỉ có thể bình an khi ta biết nhìn những vấn đề đến với chúng ta như người quan sát. Niềm vui là gì, hạnh phúc là gì nếu không phải là sự bình an trong đời sống hàng ngày của chúng ta?!

Hãy là người quan sát.

Pháp Nhật

One thought on “Hãy là người quan sát”

  1. “Hãy là người quan sát”.

    Và quan sát tâm – có lẽ đó là việc quan trọng nhất của mỗi người.

    Như lời Phật dạy tại Kinh Pháp Cú: “Nếu với tâm ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo. Nếu với tâm thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình”.

    Cảm ơn tác giả Pháp Nhật và ĐCN!

    Like

Leave a comment