Cái gốc của mọi kỹ năng làm việc

Chào các bạn,

Có một vài kỹ năng chúng ta cảm thấy là rất cần thiết cho đời sống hàng ngày, như là tự tin (không sợ sệt), hứng thú làm việc (không chán nản hoặc lười biếng), nhạy cảm để hiểu được mọi người quanh mình, cẩn thận để không làm việc cẩu thả, bình tĩnh không nổi giận để khỏi làm hỏng chuyện… Mỗi kỹ năng, nếu bạn đọc sách hoặc đi vào các lớp học về kỹ năng đó, thì các bạn sẽ thấy được một danh sách dài các việc bạn phải làm để phát triển kỹ năng. Thường là một danh sách có ít nhất là 10 điều phải làm, đọc xong là đã sợ; đừng nói là 10 danh sách khác nhau cho 10 kỹ năng ta muốn học.

Đó là vấn đề của những lớp đào tạo “kỹ năng sống” bằng ngọn. Sự thật là bạn không thể học với một danh sách dài như thế, và nhất định là không thể học với 10 danh sách dài như thế.

Cho nên chúng ta phải khôn ngoan để học một điều gốc. Nếu học chỉ một gốc, đương nhiên là ta được tất cả mọi ngọn từ gốc đó sinh ra.

Gốc đó là trái tim tĩnh lặng.

– Tĩnh lặng thì đương nhiên là tự tin, vì người tĩnh lặng chẳng có sợ sệt trong lòng.

– Tĩnh lặng thì thường là có hứng thú làm việc, vì không có những trầm uất hay stress trong lòng làm mình buồn nản hay lười biếng.

– Tĩnh lặng thì đương nhiên là rất nhạy cảm khi nói chuyện với người khác, vì không có các xung động hay thành kiến làm ta chia trí hay mờ mắt.

– Tĩnh lặng thì làm việc cẩn thận, vì tĩnh lặng thì không hấp tấp.

– Tĩnh lặng thì luôn luôn làm việc bình tĩnh và hiệu quả, vì không dễ nổi giận.

– Tĩnh lặng thì khiêm tốn, nên không hỏng việc vì kiêu căng.

Người xưa lấy tĩnh lặng làm gốc cho mọi điều, không phải vì mọi người đều muốn thành thiền sư, mà vì tĩnh lặng làm cho mọi kỹ năng khác đều tăng. Võ sư học Thiền. Kiếm sĩ học Thiền. Người pha trà học Thiền. Người cắm hoa học Thiền. Bác sĩ học Thiền. Doanh nhân học Thiền. Tướng học Thiền. Vua học Thiền…

Khi ta học được tâm tĩnh lặng là ta đã có gốc, các kỹ năng làm việc khác tự nhiên phát triển cho ta.

Cho nên, dù các bạn làm nghề gì—kỹ sư, giáo sư, bác sĩ, luật sư, họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ—hãy tập tâm tĩnh lặng. Rồi các bạn sẽ thấy, càng tĩnh lặng, các kỹ năng làm việc của bạn càng tăng, dù đó là loại việc gì.

Và khi nói đến tĩnh lặng, ta hay nói đến chữ Thiền, vì hai từ đó gần như có nghĩa như nhau. Tâm Thiền là Tâm Tĩnh Lặng.

Nhưng có nhiều cách luyện tâm tĩnh lặng, không chỉ ngồi Thiền mà thôi, như là: tập trung vào chỉ một việc đang làm (thiền từng phút), cầu nguyện, nhìn ngắm thiên nhiên… Có nhiều cách tập tâm tĩnh lặng. Làm sao để trái tim của bạn được rỗng lặng, không có thành kiến và xung động trong đó là được.

Chúc các bạn một ngày được gốc.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

10 thoughts on “Cái gốc của mọi kỹ năng làm việc”

  1. Em cảm ơn anh, một bài viết thật ý nghĩa. Em đã định học ngồi thiền từ lâu để tâm mình tĩnh lại một chút, vì em khá nóng nảy, mất tập trung. Nhiều khi mình phấn đấu theo cái ngọn mà không để ý rằng nên tập trung sức lực vô cái gốc.

    Giống như câu: Dĩ bất biến ứng vạn biến.

    Like

  2. Tùy người nữa pồ, có người tĩnh lặng làm được nhiều như thế, có người tĩnh lặng thì cái là im luôn, chả biết nói gì, mà ngặt nỗi số người này thì đông hơn gấp bội

    Like

  3. một bài viết rất hay anh hoành à.em đọc đọt chuối non 1 năm nay và cảm thấy thay đổi bản thân được nhiều lắm.cảm ơn anh.cảm ơn đọt chuối non

    Like

  4. Nếu chia trình độ của việc tĩnh lặng và tiến bộ ra làm 12 bậc giống như 12 lớp học thì nói thật sau khoảng vài tháng làm theo lời anh thì em chỉ mới lên được lớp 1 của việc tĩnh lặng nhưng sự tiến bộ thì lên được lớp 5 rồi. Em rất biết ơn anh Hoành. Chúc anh luôn mạnh khỏe, anh giúp chúng em nhiều quá !

    Like

  5. Càng trải nghiệm cuộc sống, càng nhận rõ giá trị của tâm tĩnh lặng.

    Người có tâm tĩnh lặng là người tự thắng, hoá giải được mọi sóng xung động khởi lên trong tâm.

    “Tự thắng tối hiền. Cố viết nhân vương” (Kinh Pháp Cú).

    Có thể hiểu là: Người tự thắng là người tài giỏi nhất. Nên người ấy được gọi là vua người (?).

    Có phải vì “tĩnh lặng” là cái “gốc” của mọi cái nên Lão Tử nói: “Quy căn viết tịnh”.

    Trở về cái gốc là trở về với cái im lắng, tĩnh lặng sẵn có trong tâm mình (?).

    Like

  6. Đồng Hoa à,

    Muốn tĩnh lặng đương nhiên là khó. Nhưng nếu tập tĩnh lặng hằng ngày, mỗi ngày một chút thì có thể từ từ mình sẽ tĩnh lặng.

    Dưới đây là 2 bài của anh Hoành (trong chuỗi bài Tư duy tích cực ở cột bên trái trang web) có thể giúp Hoa.

    Làm sao để tĩnh lặng trong dòng đời ?

    Làm sao để tĩnh lặng ?

    Mến chúc Đồng Hoa bình an.

    Liked by 1 person

  7. Chính xác là như vậy anh Hoành ạ. Bài viết rất ý nghĩa. Buồn cái là nhiều khi em vẫn bị rơi vào hôn trầm, người mệt mỏi chán nản. Những lúc ấy phải tìm lại hứng thú bằng những lời dạy của sư phụ, rồi yên lặng lắng nghe mình.

    Like

Leave a comment