Trăng Khuyết

 

(Phóng tác theo phim Crescent Moon)

Đứa lớn cõng đứa nhỏ, đó là một thằng bé ốm nhách chừng 8, 9 tuổi và đứa con gái nhỏ 3, 4 tuổi cũng chẳng có da thịt gì hơn… Chúng đi giữa đồng cỏ khô, hai cái bóng nhỏ, cõng nhau, đi lẻ loi giữa một khung trời chiều mông quạnh. Trên mặt chúng nó, những vết chàm, vết bùn đất quến lại với nhau như mặt mèo, che mất những đường nét mặt non nớt, thơ ngây của hai đứa trẻ đã sớm mồ côi cha mẹ. Con bé khẽ cựa quậy trên vai. Thằng anh chợt giựt mình, lên tiếng:

– Oghi, em không sao chứ? Cái gù có làm em đau lắm đó không?

Con bé nhướng cặp mắt bồ câu trong trẻo lên, nhìn mây trắng trôi lẩn từng cụm nhẹ nhàng:

– Anh Nannah…em không sao, chỉ hơi ê một tí thôi, em tự té mà..

Rồi, cũng cặp mắt ấy, cặp mắt sáng trên khuôn mặt bầu bĩnh nho nhỏ và mái tóc ngang cắt ngắn gọn gàng, chớp chớp nhìn bầu trời rộng lớn xanh thẳm, khẽ long lanh. Con bé nói với anh nó:

– Anh Nanah, khi lớn lên nếu em sống tốt và yêu mọi người, cái gù của em sẽ rồi biến thành một đôi cánh cho em bay lên tít tận trên ấy, trên trời đó, phải không anh? Bà nói với em như vậy.

Thằng bé, khẽ cười và nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ đang bấu vào ngực nó, bảo:

– Phải, em nói phải rồi, cái gù của em sẽ biến thành đôi cánh cho em bay tít lên
trời..

Ráng đỏ nổi một dải ở cuối đường chân trời, và chẳng mấy chốc chúng đã về đến nhà. Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ xiêu vẹo ở một vùng quê nghèo hẻo lánh, với con chó màu vàng vện chạy ra quấn lấy chúng nó, mừng chủ về nhà. Cột khói thong thả thổi những luồng thẳng đứng từ mái căn nhà tí tẹo báo hiệu bà chúng nó đã về nhà, hai đứa chạy vào reo hò mừng rỡ: ‘’A, bà đã về, đã về..’’

***

Hai năm trôi qua, mọi thứ vẫn như vậy. Thằng Nanah đi học ngoài trường tiểu học chừng đã lên lớp cuối. Bà chúng nó, vẫn đi bắt ốc, mò cua cá ngoài gành biển với những người phụ nữ khác trong làng, kiếm từng đồng cho thằng anh lớn đi học, còn con bé gù em nó ở nhà, vì hình như một mình bà không thể nào nuôi học chữ cho cả hai đứa. Một lần dẫn em vào thị trấn, thằng Nahna để em đứng một mình giữa một đám xiếc đông người qua lại, trố mắt trông chú hề xanh đỏ và người quản lí bán thuốc dạo, trong khi đó thằng anh chạy vào quán truyện tranh gần đó, ngồi đọc mê mải giữa hàng tá những cuốn truyện đẹp, mới, quên mất đang bỏ em gái mình ngoài kia. Oghi chưa bao giờ nhìn thấy chú hề vui tính cười với nó bằng ánh mắt trìu mến thật dễ thương, và đưa cho em một bộ quần áo ngộ nghĩnh, rủ em múa may với chiếc gù to độn phía sau gây cười cho những người bộ hành trong chợ. Đám xiếc tan, con bé thích thú đi theo chú hề và người bán thuốc dạo trong chiếc xe thùng đến bán hàng tại một nơi khác. Đến trời tối, thằng Nanah cùng bà, chạy hết chỗ này đến chỗ nọ tìm em nó, lòng đầy lo sợ như ai đó sẽ bắt mất em của mình. May mắn làm sao khi người bán
thuốc dạo cũng là một người đàn ông tử tế, đưa cháu bé nhỏ trả về nhà. Đó là một việc nhớ đời làm thằng Nanah nhớ nó sợ mất em nó đến thế nào, cho đến bây giờ, lớn rồi, nó vẫn nhớ hoài cảm giác ấy – sợ mất em nó.

***

Lớn lên một chút, Nanah đã biết là nó có một đứa em gái xấu xí, với một chiếc gù to tướng sau lưng ấy làm người con bé khọm lại như một bà cụ già. Mỗi lần thấy chúng bạn cùng trường bu vào chọc ghẹo hai anh em, nó chỉ biết cúi đầu lầm lũi đi miết trong nỗi tức tối, trong khi em nó, lủi thủi nối bước theo sau hoặc chân nam đá chân chiêu chống lại bọn trẻ làng độc ác. Mọi thứ tiếp diễn, lần lượt, hết lần nọ đến lần sau.

Mãi đến một ngày kia, khi đem cơm vào trường cho anh mình ăn để chiều ở lại học, Oghi bị bọn trẻ tụ lại cười ồ chỉ trỏ:

‘’ Trông nó kìa, sao mà xấu xí…Đồ con gù, con gù…’’

Con nhỏ dứ dứ nắm đấm vào mặt bọn nhóc, còn thì khép nép người đi vào trường tìm anh nó. Nanah thấy em nó đến thì mặt bỗng chốc tối sầm, nó chạy lại, thô bạo giựt hộp cơm nghèo nàn mà trừng mắt lườm em nó:

– ‘’ Mày đi vô đây làm gì vậy hở, đồ con gù.. Chỉ làm tao xấu hổ với tụi bạn thôi, mày có biết không?’’

Oghi sững sờ nhìn anh, mi mắt rơm rớm chực khóc liền tức thì, nó không hiểu vì sao anh nó lại trở nên hằn học như vậy..

Nhìn con bé sắp khóc, thằng anh lại muốn phát khùng, nó hét vào mặt em nó:

– ‘’ Cút đi, về… Tao không cần mày đem cơm vào cho mọi người thấy mày nữa, đồ gù xấu xí..’’
– Anh Nanah, sao anh lại giận em thế này, anh Nanah.. – Con bé mếu máo.
– Mày về đi, cút liền…

Con bé òa khóc, tủi thân chạy về, gương mặt bé bỏng vẫn còn bàng hoàng không hiểu anh mình vì sao lại làm như vậy. Thằng Nanah đứng khựng lại, nhìn theo cái dáng còm nhom của con bé tủi hổ, cái gù chực trồi thoát ra khỏi lớp áo sơ mi mỏng manh, như muốn trêu ngươi người đứng nhìn, như trêu ngươi nó…

***

Một ngày, bà chúng nó đi làm được mấy người hàng xóm khiêng về, nói rằng bà bị đau lưng ngã khi đang ở bờ biển lúi húi bắt cua còng. Ông chú ở thành phố được tin về, đưa cả nhà chuyển lên Seoul ở, tìm việc mới mà làm để chú nó dễ dàng thăm nom cả nhà cho tiện. Lấy hết vốn liếng có được từ vùng quê Kiungsu nghèo, bà nó vào chợ mua được một cái sạp bán cá, hòng kiếm miếng ăn qua ngày. Thằng Nanah cũng thôi đi học mà xin được một chân việc làm giao báo cho một hãng nhỏ, nhưng nó tuổi còn bé quá nên cũng bị chủ hiếp đáp trả lương rất thấp, cũng đành chịu để có được chút tiền phụ bà.

Và đời! Khó khăn cũng chẳng chịu buông mấy bà cháu côi cút nghèo nàn, chẳng bao lâu chú nó bị bắt bỏ tù vì tội làm ăn phi pháp, sạp cá của bà chúng nó ở chợ cũng bị tịch biên mất để quy hoạch lại thành một khu thương mại mới sầm uất hơn nhiều. Bà chúng nó tuổi già cũng liều mình lên chính quyền đòi công lý, nào có ai nghe thấy, chỉ biết những nỗ lực kiếm sống cuối cùng ấy cũng bị dày xéo bởi những gã bảo vệ, quan chức cao cấp mặc kệ tiếng kêu khóc của một bà già.

Mất việc, bệnh chồng chất, người bà khốn khổ đành cho Oghi đi theo người bà trẻ họ hàng, vào giúp việc cho một xưởng dệt, trong lúc đó thằng Nanah vẫn ở lại giao báo nuôi bà.

Thằng Nanah biết chỗ em nó ở đâu, những chiều rảnh rỗi nó vẫn thường vào thị trấn xem xem em mình đang làm gì ở đó. Nó thấy em nó, hồn nhiên, trong sáng, luôn miệng ca hát khi giúp việc cho xưởng dệt có những người phụ nữ hồn hậu, thương người. Chỉ tội có cái lưng gù luôn cản trở nó làm mọi việc, khiến nó bị vướng víu, hay làm đổ bể thứ này thứ nọ chỗ xưởng dệt công việc bộn bề.

***

Có lần gặp lại ông chú của nó, thằng Nanah được bảo rằng mẹ của hai đứa ngày xưa bỏ chúng nó đi, giờ đang sống sang giàu với một gia đình mới hạnh phúc, lại bảo hai đứa nó cùng mẹ mà lại khác cha đẻ. Nanah cứ nghĩ mãi, có phải vì khác cha mà con bé mới bị gù, xấu xí, chứ không phải như nó hay bà. Nó lại hận mẹ, vì theo lời chú nó đã tìm đến một chỗ, thấy một người phụ nữ sang trọng làm quản lí cho một nhà hàng bán bánh rất giàu, nó vẫn tưởng đó là người mẹ đã bỏ chúng nó đi tìm hạnh phúc, quên mất những đứa con khổ sở còn nhỏ mà phải sống cảnh cơ hàn. Nhiều lần nó theo chân người phụ nữ về nhà, và giận dữ thấy căn nhà to đồ sộ, trang trí diễm lệ với người chồng và những đứa con xinh xắn. Có lần nó còn lấy đá đập vỡ cửa kiếng xe hơi, cửa sổ của căn nhà, giận người đàn bà phụ bạc đã bỏ lại nó với một con gù xấu xí như của nợ ở nhà.

Mấy lần gặp em nó vẫn thường đay nghiến: ‘’Tao sẽ cho mày gặp mẹ, để mày ở với người đàn bà giàu có ấy cho tao rảnh nợ nhé, đồ con gù’’.

Con bé – vẫn như thường lệ – cam chịu và nhướng đôi mắt ướt nhìn nó, nửa tủi thân nửa ngơ ngác:

– Anh Nanah, em là em của anh mà..
– Mày là em của tao, nhưng ba của tao không phải là ba của mày, chú đã nói thế. Vì thế mày mới có cái gù.. đồ xấu xí.. tao ghét mày.’’

Một ngày nọ, quyết chí lắm, Nanah đưa em nó cầm chiếc kẹp, kỉ vật duy nhất mẹ đễ lại, rồi dắt em nó đến ngôi nhà sang trọng, nói hãy vào đó mà nhận người đàn bà ấy làm mẹ mày đi. Nói rồi thằng bé chạy đi trốn, để em nó khóc òa vì bị bỏ rơi, gõ cửa căn nhà nguy nga treo rèm diễm lệ. Người phụ nữ sang trọng mở cửa ra, thấy một đứa bé gái nhỏ gầy, đang khóc nức nở và đôi mắt sưng húp chẳng còn nhìn thấy rõ đường, đưa cho bà một chiếc kẹp và kể rằng anh cháu bảo cháu mang cái kẹp đến hỏi bà, cháu sẽ tìm được mẹ. Lúng túng, bà dẫn nó vào và bàn với chồng nên làm thế nào với một đứa con gái nhỏ không biết đường về. Oghi đứng lặng nhìn căn nhà rộng, lấp lánh những món đồ mắc tiền mà nó chưa bao giờ được chạm vào, dù là trong một giấc mơ . Đôi mắt con bé đỏ tấy, sưng húp vì đã khóc quá nhiều, và người nó mệt vì thời gian này cái gù bỗng hành hạ nó đau mãi. Gia đình người phụ nữ đưa nó đến trạm cảnh sát, chẳng may có một có lão già chuyên bắt trẻ lạc để ý thấy đã đến đồn cảnh sát xưng là người nhà nó và đưa nó về.

***

Nanah sau khi bỏ em nó lại căn nhà người phụ nữ sang trọng, khi trở về cứ mãi nghĩ đến em mình, nó không biết làm như vậy thì có đúng không nữa, và nó sẽ nói gì với bà, rằng nó đã tìm được mẹ và đã để em nó đến sống với mẹ rồi sao? Nó nhớ lại thuở nhỏ gắn bó cùng em nó, sớm sớm chiều chiều, với bọn trẻ làng.. Lúc xưa xa xăm ấy, nó còn thương em nó vì không may mắn bị khuyết tật, xấu xí và dị hợm khác người.. Thuở ấy, nó thương Oghi lắm, vì con bé, như một thiên thần không cánh, trong sáng, rất tốt bụng, và yêu quý lắm anh mình. Nó nhớ khuôn mặt thơ ngây với đôi mắt bồ câu, cười rộn ràng khi nghịch phá ở dòng sông, và thổn thức trên vai nó cõng đi những khi đau, bị cái gù hành hạ..

Và rôì, chợt nhớ lại, nó không biết chắc rằng liệu đó có phải là mẹ của mình, nó cần tìm đến ông chú và hỏi cho rõ ràng, vì chẳng lẽ mẹ có thể bỏ chúng nó nghèo khổ để sống sung sướng như nó thấy thật đó hay sao. Khi nó đến, người chú khốn nạn dường như cũng đã nhớ ra đã chỉ sai cho Nanah lầm một người phụ nữ khác, nó nghe mà thấy người lạnh ngắt vì đã bỏ lại em mình ở nhà người lạ, không biết Oghi sẽ được đưa đến chỗ nào ấy mất rồi..

Bất chấp việc nó đã giận, đã ghét em nó thế nào, nhớ lại lúc để mất em mình ở gánh xiếc năm xưa, sự sợ hãi lại ùa về và Nanah vội tìm đến chỗ căn nhà hiểu lầm. Gia đình người phụ nữ báo cho người ở đồn cảnh sát đến chở Nanah, thằng bé vừa đi đến trạm đã lao xuống, lùng sục các khung cửa để kiếm em. Nó thấy hối hận vô cùng vì đã bỏ em mình khi con bé khóc hết nước mắt, và xin nó ở lại mà nó lại bỏ đi dửng dưng. Nó tìm hết ngách này chỗ nọ trong đồn cảnh sát mà chẳng thấy em đâu, mới hay em đã bị người đàn ông dắt trẻ nọ bảo lãnh đem về rồi. Thằng Nanah thấy khiếp sợ cả người, nó không biết giờ sẽ bằng cách nào tìm em nó về lại được. May sao có người phụ nữ sang trọng bị hiểu lầm là mẹ ấy, bà trả tiền nhờ cảnh sát những hôm sau đưa Nanah đến các nhà mở, trại mồ côi nuôi trẻ lạc để tìm đứa em tội nghiệp – cô bé nhỏ thó có cái lưng gù.

***

Oghi từ ngày được gã dắt trẽ lạc đem về cứ nằm bệnh liên tục, gầy ốm và sút rõ cả người. Cái gù trên lưng bỗng phát đau, hành em hết trận ốm này đến trận ốm nọ. Và con bé hãi hùng nhận thấy nó đang ở một nơi lạ lẫm có những đứa trẻ bị bắt làm việc nặng nhọc kiếm sống qua ngày. Tinh thần đã xuống, sức khỏe nó cũng bị hủy hoại dần dần theo những trận ốm luân phiên. Đến một ngày, lão già chăn dắt trẻ lạc biết chẳng thể sử dụng nó vào việc gì, chở con bé đến bỏ trước một nhà mở nuôi trẻ không gia đình. Con bé được người ta đưa vào trong cứu chữa, dần dần cũng khỏe lại từ từ.

Một sớm mai nọ, đang ngồi thẫn thờ trong một phòng nhà mở nhìn mấy đứa nhỏ khác chạy nhảy, chơi đùa, Oghi thoáng thấy bóng anh mình đi đến trước cửa, nhìn dáo dác mấy đứa trẻ như tìm kiếm ai đó, có lẽ là tìm kiếm mình. Nó nhớ lại khuôn mặt hằn học của Nanah những lần nhìn thấy nó lếch thếch trong bộ đồ cũ, và cái lưng gù. Nó sè sẽ bước ra chỗ khác, trốn vào một góc của phòng lớn, hòng giấu chính nó được khỏi anh mình. Từ xa, Nanah đã nhìn thấy cái gù to tướng độn dưới chiếc áo sơ mi cũ của em mình, nó thấy cái đầu tóc ngang xơ
rối và làn da xanh bũng của em, đang sợ hãi lẩn đi như sợ nhìn thấy nó. Nó chạy theo, đến chỗ trốn của Oghi và nhìn thấy em nó.

– Ôi, Oghi…….Oghi… anh xin lỗi.

Con bé ngước cặp mắt trong vắt ấy, cặp mắt sưng của những đêm khóc nhiều vì nhớ nhà, và vì sợ hãi, nhìn anh nó, nước mắt lăn từng giọt bé bỏng trên đôi bầu má thơ ngây.

– Oghi… anh xin lỗi, em là em gái của anh. Anh không bỏ rơi em nữa đâu. Chúng mình về nhà với bà, nhé, Oghi…

Con bé giang hai tay ra đón lấy anh nó, hai đứa trẻ vỡ òa ra khóc, chúng khóc như chưa từng được khóc bao giờ.

***

Tối hôm ấy, trên con ngõ hẹp lên dốc dẫn về nhà, có hai đứa trẻ, một lớn một bé, thằng bé ốm nhách 11 tuổi cõng trên vai đứa em gái ốm o của nó, cái lưng gù độn lên thành một chóp trên tấm lưng đứa gái nhỏ, mà nếu không có nó, con bé sẽ đáng yêu như một thiên thần.

– Oghi… Từ nay anh sẽ cố làm để nuôi em và bà, và sau này sẽ cho em được đi học, và chữa cho em hết cái gù trên lưng nũa cơ.
– Anh Nanah… không sao đâu. Nếu em sống tốt và yêu người khác chân thật, sau này lớn cái gù của em sẽ biến mất mà mọc ra một đôi cánh cho em bay lên trời mà.. Bà nói vậy mà..

Thằng Nanah ngước nhìn lên trời, xa xa ấy giữa bầu trời xanh đen thăm thẳm, có một ngôi sao sáng thật sáng, chiếu một khoảnh trời lớn, lấp lánh diệu kì. Và thật lạ lùng, nó thấy người nó nhẹ đi nhiều, và trên lưng em gái nhỏ của nó, cái gù dường như đã biến mất, từ đó mọc ra một đôi cánh trắng muốt, vỗ nhẹ nhàng thanh thoát đưa anh em nó rời khỏi mặt đất, khỏi cái xóm lao động và bay về chỗ ngôi sao sáng trên trời ấy, lấp lánh, diệu kì…

Ngọc Vũ

4 thoughts on “Trăng Khuyết”

  1. hix. minh đọc mà không nỗi nữa. mắt không còn nhìn thấy dòng chữ nữa. hix hix hix..
    ai mà có đứa em gái và hay hành hạ, bắt nạt thì không biết phải ra sao khi đọc bài này !

    Like

  2. Hay quá Vũ , không biết đạo diễn bộ phim có đọc được bài viết của Vũ không .Em viết nữa đi nhé.

    Like

Leave a comment