Giản dị hóa để giải quyết vấn đề

Chào các bạn,

Những bài thơ có ấn tượng nhất đối với chúng ta thường là những bài thơ rất giản dị, như là

Bão

Cơn bão nghiêng đêm
Cây gẫy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi

Và cơn bão lòng ta thổi mãi…

(Tế Hanh)

Ngôn ngữ giản dị, ý‎ tưởng giản dị, trình bày trực tiếp, là cách nói/viết nhiều hiệu quả nhất.

Và ngay trong suy tư cũng thế. Ngay cả khi không nói chuyện với ai cả và ta đang có vấn đề rối rắm trong lòng với cả chục cảm xúc và câu hỏi mâu thuẫn nhau như một mớ bòng bong, điều trước tiên ta cần làm là giản dị hóa vấn đề để giải quyết.

Ví dụ: Chàng và nàng có vấn đề tình cảm. Nàng ngồi một mình với bao nhiêu yêu ghét nghọt đắng, và đủ loại câu hỏi trong đầu, “Giờ phải làm gì? Đi hay ở? Làm hòa hay làm dữ? Con cái thì sao?…” Rất nhiều câu hỏi mà như chẳng có câu trả lời. Rất là rối rắm.

Cách giải quyết vấn đề là phải làm cho vấn đề giản dị lại, bài toán phải trở thành giản dị mới giải được.

Nhưng trước khi vấn đề có thể thành giản dị, thì tâm ta phải thành tĩnh lặng. Một trái tim xung động luôn luôn tạo thêm rối rắm. Ta phải cho lòng ta một khoảng thời gian để mọi sự lắng đọng lại một chút—cầu nguyện, Thiền, đến một nơi khác (như là nhà bố mẹ) vài hôm để tĩnh tâm… Nói chung là trái tim đang rối rắm thì phải được nghỉ ngơi yên tĩnh trước khi nó có thể tĩnh lặng.

Tĩnh lặng rồi thì ta phải giản dị hoá vấn đề. Và cách giản dị hóa vấn đề duy nhất là hỏi: “Mình muốn gì?” Hỏi trái tim mình: “Mình muốn gì?”. Tức là “Mình muốn ở lại với chàng suốt quãng đường còn lại, hay mình muốn rẽ đôi, hay là gì khác?”

Khi đã xác định được ‎ý mình muốn là gì, tự nhiên ta sẽ biết làm sao để đạt được ý muốn đó.

Vấn đề như vậy trở thành rất giản dị: (1) Ý muốn tức là mục tiêu của mình, và (2) phương cách để đạt mục tiêu.

Vấn đề thường rối rắm khi người ta không tập trung vào ý muốn của mình, mà lại tập trung tư duy vào hàng trăm dữ kiện vụn vặt—chàng có bồ, vậy chắc là không đi cùng đường được nữa; nhưng chàng đã xin lỗi, chắc là đi chung được; nhưng tương lai biết tin thế nào, chắc là không được; nhưng chàng dù có lỗi cũng đâu phải là người tệ, vậy chắc còn đi chung được… Suy nghĩ kiểu “phản ứng” (reaction) đối với các dữ kiện trong đầu thế thì càng suy nghĩ càng rối rắm và nhức đầu mà chẳng đến đâu cả.

Cho nên khi chúng ta có vấn đề, tình cảm hay kinh tế tài chính, ba việc ta cần làm là:

1. Tĩnh lặng.
2. Hỏi mình muốn gì?
3. Có mục tiêu “muốn gì” rồi thì cứ tính đường để đạt mục tiêu đó.

Đây là các bước rất giản dị để giải quyết vấn đề.

Chúc các bạn một ngày giản dị.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Giản dị hóa để giải quyết vấn đề”

  1. Giản dị làm sáng tỏ chân lý, vì chân lý thường đơn giản.
    Như: Chân lý cuối cùng trên cõi đời nầy là tình yêu.

    Like

  2. cảm ơn anh Hoành !
    Em nhận ra được điểm yếu cảu mình chính là không làm chủ được cảm xúc và hay làm phúc tập vấn đề.
    hi, thực tập bình tĩnh nào….

    Like

  3. Thật tuyệt. Giản dị.
    ” ba việc ta cần làm là:

    1. Tĩnh lặng.
    2. Hỏi mình muốn gì?
    3. Có mục tiêu “muốn gì” rồi thì cứ tính đường để đạt mục tiêu đó”.

    Cảm ơn anh.

    Like

  4. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng dạy :”Nước tĩnh lặng chiếu. Không gian mênh mang”. Cảm ơn anh Hoành.

    Like

Leave a comment