Chàng K’Srai, cháu nữ thần Mặt trời

 

K’Ho là một trong những tộc người đã từng có trường ca, sử thi. Nhưng qua quá trình “đứt gãy” hiện đã không còn được đầy đủ. Trích đoạn này chúng tôi ghi được trong quá trình sưu tầm & nghiên cứu về văn hoá K’Ho tại vùng Di linh, tỉnh Lâm Đồng.

Trích đoạn trường ca K’Ho

Một hôm chàng K’Ngê con của bà Nar Nữ Thần mặt trời xin phép mẹ cưỡi ngựa trắng phi nước đại xuống trần, trên đường đi từ trên trời chàng nhìn xuống đất thấy quang cảnh nhộn nhịp của các Bòn làn đang chuẩn bị cho ngày hội “Tắc nang Lang Biang” (*), chu kỳ cứ mười hai mùa rẫy lại tổ chức lễ hội tạ ơn Thần linh một lần để tưởng nhớ công trình cuối cùng mà người đã tạo dựng đó là ngọn Lang Biang, họ gọi là rốn trời, vùng đất này được xem là đất thiêng, là cái tâm điểm của vũ trụ.

Lúc này cả Bòn làn đang hì hục chuẩn bị cho ngày hội. Đàn bà con gái người thì đi gùi nước kẻ thì giã gạo và làm những công việc bếp núc, những người đàn ông con trai thì lên rừng đốn cây về làm cột nêu trang hoàng thật lộng lẫy, họ đan những sợi dây “dàm” (**) để buộc con trâu mộng béo tốt dành riêng cho lễ hội, những người khác làm “Rơsal” cái rạp bằng tre nứa và lợp bằng lá cọ.

K’ Nghê phi ngựa bay lượn khắp vùng chàng thấy vui con mắt lắm. Đến một Bon làn nọ chàng nhìn xuống thấy một cô thiếu nữ nước da ngăm đen đang ngồi phơi lúa. Bàn tay xinh xinh của cô gái nhịp nhàng đảo qua đảo lại để hạt lúa mau khô, để giã kịp trong ngày vì ngày hôm sau còn nhiều việc khác. Chàng thấy nhiều điều khác lạ so với quê trời của mình, làm cho chàng rất ấn tượng liền đem lòng yêu cô gái. Chàng làm đủ mọi thứ để cô gái nhận biết chàng đang yêu, nhưng cô gái vẫn chưa nhận được tín hiệu nào từ chàng. K’Nghê đùa giỡn một hồi, mà người đẹp vẫn không để ý tới. Chàng thèm yêu quá, liền dùng tia sáng của mình soi rọi lên khắp thân thể của cô gái, làm cho nàng ngất ngây sung sướng vì nhận được một phép màu từ tia nắng ấm của chàng, như làn môi ai đang lướt nhẹ hôn lên môi, má và khắp người của nàng, cảm giác hạnh phúc tuyệt vời này cô chưa gặp bao giờ. Họ yêu nhau lúc thì nhẹ nhàng lúc thì mãnh liệt theo nhịp tia nắng của chàng. Cuối cùng chàng dồn hết sinh lực và tia nắng của mình bấy lâu nay như bị dồn nén và kết tinh thành chất keo trút xuống mình cô gái, làm cô ngất lịm lúc nào không hay. Chàng xuống ngựa hôn nhẹ lên môi từ biệt cô gái, rồi leo lưng ngựa phi một lèo lên trời vừa đi vừa hát khúc hát hoan ca “mừng chiến thắng”.

Nữ Thần mặt trời rất vui khi thấy con mình trở về khỏe mạnh lại vui tươi khác thường, khiến bà cũng sinh nghi có điều gì xảy ra chăng? nhưng bà chưa dám hỏi.

K’Bing, tên của cô gái, sau một giấc ngủ như bị thôi miên vội thức dậy thu gom hết lúa khi thấy ông mặt trời đã biến mất từ lúc nào không hay. Vào những ngày lễ hội trong khi cả Bòn làn tưng bừng nhộn nhịp vui múa hát theo tiếng trống tiếng chiêng, thì riêng nàng đột nhiên rất thèm uống rượu cần. Nàng vít cong cần xuống uống lấy uống để như chưa từng được uống rượu bao giờ. Giọt rượu lễ thơm nồng thấm từ hồi nào không hay làm nàng say khướt, thiếu nữ trong Bòn làn thấy nàng say rượu liền dìu lên nhà sàn ngủ.

Sáng hôm sau trong khi mọi người đều dậy từ sớm, con gái đi lấy nước rồi nấu ăn, cánh đàn ông con trai nhóm lửa thui con heo tiếp tục cho ngày thứ hai của lễ hội, nhưng riêng K’bing lúc này vẫn chưa dậy. Thường ngày nàng rất vui vẻ siêng năng và tháo vát trong công việc nên mọi người rất yêu thương. Sự vắng mặt của nàng khiến ai nấy cũng đều hỏi thăm, trong đó có nhiều chàng chết mê chết mệt thương thầm nhớ trộm, nhân dịp này cũng muốn thể hiện sự quan tâm của mình, để mong được nàng chiếu cố. Nhưng có được đâu, nàng cũng muốn mình như bao cô gái thôi. Nào có ai hiểu nàng đang rất đau khổ, không biết phải giải thích cho Bòn làn hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nàng lúc này, khi cái vú của nàng ngày càng nhô ra như bắp chuối rừng sắp trổ bông vào mùa xuân…

Lễ hội đã qua đi, K’Bing trở về nhà với cuộc sống thường ngày. Biết mình có thai nhưng nàng tự hỏi mình có ăn ngủ với ai đâu?…Chỉ có những cái lạ trong người và cảm giác nặng nề thoáng như thế đã khiến nàng bị mang tiếng chửa hoang. Nàng làm sao tránh khỏi sự khinh rẻ của lũ làng, khi cái bụng của nàng ngày càng phình ra dần như quả bầu đầu mùa. Cha mẹ , dòng họ rất buồn bã và giận dữ khi nghe tin nàng có bầu, bèn điều tra hết thảy các chàng trai trong Bòn làn, nhưng không phát hiện ai là cha của đứa bé trong bụng của nàng cả…Để thoát ra khỏi sự dị nghị của Bòn làn, gia đình nàng quyết định nhờ thầy “Gru” giỏi nhất trong vùng đến để tìm ra sự thật. Người “gru” đầu tiên họ tìm đến là thầy của loài động vật có vú, đó là một con nai già rất to, sau khi làm lễ lạt và khấn vái, con nai già phán rằng: trường hợp này chẳng qua là…

Bầu đá/No nước/ Tham ăn/Cơm no/Bụng to.

“Bôn lố/Pố dà/Cơ ngà/ hờm sa/hờm sào.”

Sau khi cúng kiếng tốn một mớ lễ vật, trả công xong, gia đình của K’bing vẫn chưa hài lòng với sự tiên đoán của họ nhà nai, họ bèn tiếp tục đi tìm đến thầy gru của các loài chim muông. Họ nhà chim cũng rất nhiệt tình và nhanh nhẹn. Chim Têk chim Ti phán: đây không phải “bầu đá, no nước, tham ăn, cơm no, bụng to đâu…mà là có bầu bởi một vị thần nào đó”… Nghe thầy gru họ nhà chim phán như thế họ rất hoang mang lo lắng, nhưng không biết hỏi ai nữa, đành quay về và chấp nhận sự tủi nhục này với Bòn làn.

Mấy tháng sau K’bing sinh ra được một đứa con trai, thằng bé khỏe mạnh, đầy đủ mặt mũi chân tay, nước da ngăm đen như bao nhiêu trai làng khác. Mỗi tội là chàng trai không có cha, đó là nỗi buồn của nàng. Dân làng khinh ghét, xa lánh hai mẹ con nàng như xa lánh người có malai, như con quỷ ở trên rừng ấy. Hai mẹ con K’Bing đau buồn lắm! Nhưng nhìn đứa con ngày một lớn, càng đẹp trai làm nàng vơi đi nỗi đau buồn, mặc sự khinh ghét và xa lánh của mọi người, K’Bing vẫn chăm lo nuôi đứa con của mình và làm lễ đặt tên cho thằng bé là K’Srai như bao đứa trẻ khác trong bon. K’Srai ngoan ngoãn, ăn khỏe và lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu thành một thiếu niên thông minh, hiền lành và chăm chỉ. Bởi mang tiếng không cha nên K’Srai luôn bị chúng bạn xa lánh hắt hủi, đi đến đâu cũng bị bọn chúng xua đuổi, nhổ bọt nước miếng vào người. Người già, người trẻ, con trai, con gái trong Bòn làn nhìn thấy chàng cũng không muốn tiếp xúc và nói chuyện. Ngày qua ngày chàng chỉ biết sống lủi thủi một mình bên mẹ.

Cho đến một ngày mặc cho sự khinh chê của đám con trai con gái, chàng đánh liều theo đám trai làng đi chăn trâu. Trong khi trai gái làng reo vui tát cá dưới suối thì chàng phải chăn hết thảy đàn trâu của họ. Bắt được nhiều cá họ nấu ăn vui vẻ, chỉ cho chàng ăn cơm cháy, xương cá, ruột cá nên chàng rất giận. K’Srai luôn bị ăn hiếp như thế. Một hôm đám trai gái lùa đàn trâu đến một cánh đồng có con suối nhỏ, trên bờ suối có cây “Klòng”(***) mọc rất đẹp, họ thích quá liền cắm trại và mắc hết những chiếc gùi cơm, bầu nước và quần áo lên cành cây. Nghĩ đến chuyện ngày hôm qua chàng cười thầm, lấy cái roi mây gõ bảy cái vô dưới gốc và nói: “klong” ơi hãy mọc lên cao nhé, tức thì cây liền làm theo, mọc lên cao vút, mang theo cả những chiếc gùi cơm, trái bầu nước và quần áo của họ. Đám trai gái mải mê bắt cá. Họ bắt được rất nhiều, đến hồi cái bụng kêu grọc grọc nó muốn cơm vào bụng rồi, họ lên bờ nhìn lên cây chẳng thấy gùi cơm và quần áo đâu cả, họ liền hỏi chàng. K’Srai chỉ tay lên cây Klong, bọn chúng rất sợ, vì không ai trong số họ trèo được lên cây cả. Cuối cùng chúng xuống giọng hạ mình gọi chàng Srai tới và nói:

– Anh Srai ơi, anh Srai à, anh giúp chúng em lấy những thứ kia đi.

Trả lời họ chàng nói:

– Cây cao thế ai mà dám trèo lên chứ?

Vì chúng quá năn nỉ, một phần chàng biết mình là nô lệ của họ, nên chàng ra điều kiện:

– Nếu các người đưa tôi gùi cá, tôi sẽ lấy giúp những đồ kia cho?

Nghĩ qua nghĩ lại, cuối cùng họ đành phải đồng ý đưa gùi cá cho K’Srai. Vì nếu không chấp nhận, chàng sẽ cho họ ở truồng và bỏ đói đến chiều thì nguy to. Được gùi cá chàng liền mang cho mẹ. Hai mẹ con ăn ngon lành, xong chàng gom hết cả xương lẫn ruột cá mang ra cánh đồng cho đám trai gái kia ăn. Họ rất tức, nhưng đành phải ăn để làm hòa với chàng. Tối về chàng kể lại câu chuyện đã xảy ra lúc trưa, hai mẹ con cười bể cả bụng…

Hôm sau họ lại bày mưu khác nữa nhằm trả thù, họ bảo chàng:

– Hôm nay tụi tao vào rừng hái rau, mày phải canh chừng đàn trâu không được đi theo tụi tao nữa nghe chưa?

Chàng thưa vâng! Rồi bọn họ đi vào rừng hái rau nấu ăn no nê, vừa ăn vừa nói xấu chàng. Ăn xong họ về, không chừa một tí hạt cơm và một miếng nước canh thừa nào hết. K’Srai đoán trước những việc làm của họ, nên trong khi họ đi rừng hái rau thì móc hết tim gan của con trâu mộng tốt béo nhất để ăn. Buổi chiều lùa trâu về chuồng thấy bị chết như thế nên đem mổ thịt, nhưng chẳng thấy tim gan phổi phèo đâu. Cả Bòn làn rất ngạc nhiên. Bọn trai gái kể lại hết đầu đuôi sự việc xảy ra giữa họ và K’Srai với ông chủ Bòn làn. Sau khi bàn bạc xong Già làng cho rằng K’Srai đã bị malai ám nên mới dám hại Bòn làn mình như thế, phải giết nó đi để trừ mọi hiểm họa sau này…

Dân làng đồng thanh hô vang bắt nó đi, ngay sau đó K’Srai đã bị bắt trói. Vì nhà nghèo lại không có cha nên chàng không biết lấy gì mà đền Bòn làn cả. Tài sản duy nhất của chàng chỉ một cái cung và năm mũi tên thôi, nên chàng đành chấp nhận với số phận làm người nô lệ cho dân xứ Lang Biang.

Ngày qua ngày sống kiếp nô lệ chàng không chịu nổi nữa, nên xin phép mẹ cho đi tìm cha mình. Chàng chuẩn bị cung tên thật tốt, sáng hôm sau chàng dậy từ rất sớm. Khi bình minh lên, thần K’Drêm cưỡi ngựa ló đầu qua khỏi ngọn núi chàng liền dương cung ngắm bắn, thần K’Drêm thấy vậy liền xua tay ngăn chàng và nói :

– Ta không phải cha ngươi đâu mà bắn?

– Vậy cha tôi là ai?

– Cha ngươi là em của ta, là K’Ngê con của Bà K’Nar nữ thần mặt trời, mi không biết sao?

Chàng cảm ơn rồi chào từ biệt thần K’Drêm anh của cha mình và để cho ngài đi qua. Cách đó khoảng ba lần con gà gáy lại xuất hiện một vị thần nữa đang phi ngựa bầu trời, chàng vội dương cung ngắm bắn. Từ trên trời liền vọng xuống tiếng nói :

– Ta đâu phải cha ngươi đâu mà ngắm bắn, bắn nhầm không sợ mang tội chết đó sao?

– Vậy nếu không phải là cha ta thì thần là ai?

– Ta là thần Cơla em trai thứ hai của cha ngươi đó.

Chàng mừng thầm và nghĩ bụng không biết cha mình là con thứ bao nhiêu của thần mặt trời đây. Chàng đành chờ thêm ba canh giờ nữa. Đúng vào lúc mặt trời qua đỉnh đầu, chàng phát hiện một vị thần cưỡi con ngựa trắng phi nước đại, chàng liền dương cung ngắm bắn, từ trên trời cao một giọng nói trầm ấm nghe vừa quen vừa lạ:

– Con đừng dương cung bắn ta làm gì kẻo mang tội, chính ta là thần K’Ngê cha đẻ ra ngươi đây. Ta đã biết cả rồi. Bây giờ con muốn gì ta sẽ ban cái nấy để bù đắp lại những nỗi khổ mà con đã phải chịu ở dưới trần.

Cha chàng cho con ngựa xuống đất, hai cha con ôm nhau khóc, tâm sự đủ mọi chuyện vui buồn, rồi thần K’Ngê đưa con lên trời thăm Bà K’Nar nữ mặt trời.

Về quê cha trên trời chàng được gia đình mặt trời tiếp đón rất thân mật. Tuy được mời gọi ở lại nhưng vì nhớ mẹ nên chàng xin nữ thần và cha mình về dưới trần. Kể từ đó chàng có thêm quyền năng và sức mạnh để trừng phạt những người không tốt bụng.

Chuyện gặp gỡ giữa chàng và gia đình mặt trời, ở dưới trần chẳng ai hay biết gì cả, nên lũ làng vẫn trêu chọc và sỉ nhục, làm nhiều trò khác nữa khiến chàng tức điên lên. Chàng thấy phải giáng hoạ cho cư dân vùng này cho đã tức, nên mỗi khi họ làm ruộng thì trâu chết, làm rẫy thì bị chàng nhổ hết cây cối và trồng ngược ngọn xuống đất rồi cỏ dại và cây có gai mọc đầy rẫy. Kể từ đó vùng này gọi là Lạch, có nghĩa là đồi trọc, một số cư dân khác sợ sự trừng phạt nên bỏ đi về phía bắc thành người Bahnar, Sơdang … chạy về phía nam thành người Chro, Stiêng, Mnông … Các tộc gần khác như Cil, Mạ, Sre cũng lần lượt cũng bỏ xứ ra đi bởi sự trừng phạt nói trên. Chỉ còn lại một phần nhỏ ở lại miền đất thiêng này, đó chính là người Lạch.

K’ra Zan Plin Sưu tầm và biên dịch
Linh Nga Niê kdam chỉnh lý văn học

* Lễ ăn cơm mới
** Dây bện bằng nứa dùng buộc trâu chuẩn bị đâm

2 thoughts on “Chàng K’Srai, cháu nữ thần Mặt trời”

  1. bai viet hay qua co…! hoi truoc nghe bai hat k’bing ma chang biet la viet ve ai? gio thi biet nhan vat k’bing..ma co con nhung mau chuyen nao khac ve dt k’ho khong co? co co the chia se cho con dc ko a..? cam on co nhieu..!

    Like

  2. Có cuốn sách ” Văn hóa dân gian K’Ho” của nhóm tác giả người TN đã in. Con ra hieeujsachs tìm thá»­. Trong đó có 1 số truyện cổ tích & bài dân ca K’Ho nữa.

    Like

Leave a comment