Dam San thời thơ ấu – Trường ca Êđê

Người kể : AÊ  WƯU

Sưu tầm, dịch LINH NGA NIÊ KĐĂM-Y’KHEM

Chỉnh lý văn học   H’LINH NIÊ

Thầy trò già Y Blo, H’Nhé, Y Hil hát sử thi cho buôn làng nghe-Ảnh: L.Vân
Tóm tắt cốt chuyện : Đăm Săn có hai người chị , nhưng là những người nghèo, những nô lệ bị chủ ruồng bỏ. Nhờ được sự cứu giúp của những chàng trai nhà Trời, nên cuộc sống ngày một sung túc hơn. Dam San lớn lên,  trả thù Mtao và chăm chỉ làm ăn nên gia đình trở thành giàu có. Đăm Săn cũng không phải lấy vợ nối dây, còn đưa vợ về chung sống tại gia đình mình.

Dẫn chuyện :

Chúng tôi kể về chuyện cổ xưa xa lắc xa lơ của núi non quê hương ta. Theo lời truyền từ ông bà để lại, từ vạn vật rẫy nương, lời dặn dò từ chú qua bác. Chuyện này kể về Đăm Săn và các chị em chàng là nô lệ của tù trưởng giàu có. Họ phải ở ngoài bìa rào ngăn cách. Nghe lời chú kể, bác bảo phải đi tìm, nên tổi cầm tẩu thuốc theo từ bác, làm rẫy nương theo từ chú. Tôi người còn trẻ, lưng chưa dài vai chưa rộng, chưa đủ lớn để cà răng. Nên tôi tìm học từ chú, nghe từ bác câu chuyện xưa. Nay tôi đã quen lối, đã rõ đường họ đi. Lời họ k’ưt, họ k’han tôi đã thấy, đã lấy được từ lời họ nói.

Tên của hai chị là H’Prăk, H’Nui. Họ đã từng làm nô lệ của Mtao. Nhưng nay tù trưởng vì lý do gì đó đã không còn đoái hoài, không muốn nuôi chị em họ nữa, nên Mtao mới buộc họ ra ở ngoài rìa, nơi ven suối, bên kia bờ rào. Thức ăn hắn không cho, cơm cũng không cấp, không nuôi ba chị em họ nữa.

Mtao :

– Này H’Prăk, H’Nui ! Hãy ra ở ngoài luôn, ngoài rìa bên kia rào. Ngủ tại đây, ở tại đây. Hãy ở lại đó mà nghe tiếng chiêng, tiếng trống của nhà ta.

H’Prăk, H’Nui van xin :

– Thưa Mtao, sao lại như thế này ? Ông làm như vậy thì chúng tôi biết sống dựa vào đâu ? Sao Mtao lại bỏ rơi ba chị em chúng tôi vậy ?

Mtao nói :

– Ai mà biết được các người. Hãy tục kiếm lấy mà ăn. Khoai êning tự đi đào, khoai rừng tự đi bới. Tự cầm knuih, cầm phal đi tìm chớ, ba chị em chúng mày. Ta không muốn nuôi các người nữa. Ching ta đã đầy gian ngoài, knă ta đã chật gian trong. Người hầu kẻ hạ của ta cả nam lẫn nữ cũng đã đầy ắp trong nhà. Chúng mày hãy đi đi, ra ngoài buôn ngoài rào của ta mà ở.

Mtao chỉ để lại cho họ một cái bát, một cái nồi. Họ đã đi với chỉ từng ấy thứ ra ở ngoài rìa rào mà thôi. Ba chị em bảo nhau :

– Thôi đừng nên ở nhà người Bih. Đừng nên sang nhà người Mnông. Hãy chỉ ở nhà kho bỏ hoang để trống đó thôi.

Họ ở được một ngày, hai ngày vẫn còn gạo ăn trong hũ. Nhưng gạo cạn dần rồi hết hẳn. Thấy tội nghiệp đứa em trai không còn thứ gì để ăn. Nên chị em mới rủ nhau :

– Chúng ta hãy đi đào củ mài, đi tìm cái gì mà lót bụng đi.

Ba chị em đi mãi trong rừng kiếm củ mài hay củ êning để làm cái ăn.. nhưng tìm chỗ này không gặp, đào chỗ kia cũng không thấy, trong rừng trong rú không chỗ nào thấy củ. Họ cứ như khách qua đường đi ngang qua rừng, nên nhièn chẳng thấy có củ khoai nào.

Qua một ngày, ở hết một đêm, đến một sáng sớm chị em lại đi tìm. Đi hết cánh rừng già, đi thử qua ven đầm sậy, đạp lên cả rừng cỏ tranh. Hết cả ngày mới tìm được một dây củ mài. Thế là họ bắt tay vào đào. Ba chị em thay nhau đào mãi, đào mãi, sao chẳng thấy củ ? Càng đào, càng mong lại càng không thấy bóng dáng một củ nào, dù nhỏ. Đào tiếp thêm một đoạn knuih nữa, ngước mắt lên đã thấy mặt trời xế bóng. Ba chị em lại rủ nhau đi tìm củ nơi khác. Họ cứ đi, đi mãi. Qua một cánh rừng khộp lại dừng tìm củ mài, kiếm vài dây củ êning. Mãi cũng gặp một dây.

– Ba chị em mình lại đào chỗ này thôi.

Họ cứ thế mà cắm cúi đào mãi. Lúc này nghe có tiếng người đi săn, họ cầm theo giáo để đâm, cầm nỏ để bắn. Họ đi tìm cả bắp chuối non và đọt rau rừng. Một người đi săn nói :

– Này bạn ơi ! Chúng ta đi qua rừng nào đây?

– Chúng ta sẽ đi tìm nơi thú nằm, nơi nào có con thú ra ăn, nơi đó chúng ta sẽ đi qua.

Đi được một đoạn rừng khộp, qua ngang một khúc rừng già, đi một quãng dài cùng với bầy chó, thì họ nghe tiếng lịch bịch của những người đang đào củ.

Mấy người đi săn bảo nhau :

– Chắc vùng này là nơi thú ăn, là chỗ thú nằm rồi đó !

Thế nên họ bảo nhau đi nhẹ bước. Tai cứ nghe tiếng lịch bịch, làm cho ai cũng muốn bắn ngay bằng nỏ với mũi tên độc. Nhưng rồi họ giật mình, vì ai đó làm gì rung cả núi, động cả rừng.

– Đúng là vùng có con thú ăn rồi. Nhưng tôi bắn không kịp bạn ơi.

– Vậy thì về thôi. Mặt trời đã xuống ngang qua chiều rồi. Chúng ta về đi bạn ơi.

Khi về tới nhà bà hỏi cháu :

– Các cháu đi săn có gì may mắn không ?

– Ôi ! Tội nghiệp quá bà ơi ! Chẳng được một chút gì cả bà ạ. Chỉ nghe có tiếng động rung rừng rung núi. Tưởng bắn được, nhưng lại không thấy con thú nữa. Chắc lũ nó trốn trong hang hay trong động gì đó rồi.

– Không phải đâu cháu ạ. Đó là người trần gian họ đói khoai phải đi tìm đào, đói rau không có gì mà ăn. Nên họ phải mang Knuih đi đào, cầm Phal đi bới đó thôi.

– Ôi ! Thế thật hả bà ? Họ là người dưới trần gian hả bà ? Vậy họ người ngợm ra sao ?

Bà bảo :

– Tên của họ bà cũng biết. Họ là H’Prăk, H’Nui và chàng Đăm Săn. Ba chị em họ đi tìm củ êning, đi đào củ mài. Trước họ là nô lệ của Mtao. Nay Mtao để họ ở ngoài hàng rào tự đi đào củ mài, bới củ êning, khổ như thế đấy.

Chàng trai người trời :

– Bà ơi ! Hãy cho cháu đi xem họ ra sao nhé !

– Thôi thôi cháu ơi ! Họ sẽ xấu hổ với cháu đấy. Cháu là người may mắn, được ăn ngon, ngủ sướng, khỏe khoắn đẹp trai. Còn họ nghèo khổ, mặc m’yêng chỉ đến đầu gối. Thôi cháu đừng đi xem họ làm gì. Họ lại càng xấu hổ với cháu là người trai trẻ.

Lâu lâu chàng đi săn lại nhắc với bà lời cầu xin ấy .Một lần, hai lần. Đến lần thứ ba thì bà đành phải cho phép :

– Cháu thật sự muốn biết họ à ? Thế thì cháu đi, nhưng đem theo cả cơm gạo thức ăn cho họ. Đem theo cho họ lúa một hạt, bắp một hạt, bầu bí ớt cà mỗi thứ đều một hạt nhé.

Chàng trai rủ bạn :

– Chúng mình đi thôi bạn ơi. Đi tới chỗ chúng ta định săn mồi bữa trước đó mà.

– Thế thì bạn cứ đi trước đi. Vì đường chúng tôi không rõ nên chúng tôi sẽ theo sau.

Họ cùng ra đi tới gần nơi ba chị em đang đào củ. Nghe tiếng người, H’Nui mắc cỡ vì bận váy cộc nên bỏ chạy nấp sau bụi cây, còn hai người vẫn đào tiếp. Các chàng trai lên tiếng gọi :

– Ô ! Các chị em đang làm gì đấy ?

– Thôi thôi đừng có hỏi làm gì các anh ơi. Bụng cào, ruột kéo, người chúng toi héo vì đã hết cơm, cạn gạo rồi. Chúng tôi phải đi tìm êning, đi đào củ mài, nên mới phải cầm phal, cầm knuih này.

– Thế hả ? Đâu, để chúng tôi xem xem hố củ êning, củ mài mọi người đào như thế nào rồi. Ôi ! Sao chỉ có củ cỡ này thôi à chị em ? Củ nhỏ vậy làm sao ăn được đây ? Củ chỉ bằng cán dao, đào mãi cũng chỉ thấy bằng cán cuốc, ăn thì đầy xơ, đầy sợi…

– Biết làm thế nào được hả các anh em ? Đành phải chịu thế thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng đào tiếp cho được dài thêm rồi mới bẻ về ăn, mang về nấu. Như thế thôi các anh ạ.

– Chúng tôi đi ngang qua chỗ kia thấy có một dây củ mài có gai như dây này các bạn ơi ! Mình lại xem chỗ cái dây củ mài tôi đụng phải, đúng cái dây củ mài tôi vấp xem sao nhé !

Họ kéo nhau đi xem và kêu lên :

– Đúng là dây củ mài thật rồi, đào đi chị em ơi. Mình cứ đào thử đi chị em à.

Thế là họ xúm nhau bắt đầu đào. Mới bịch bịch hai ba nhát đã đụng củ. Đào chệch sang một bên cũng lại gặp củ.

– Sao lại nhiều thế nhỉ ?

– Ô ! Tại sao dây củ này to bằng ngón chân cái, nên củ khoai mới to bằng cái mặt gùi đó.

– Chao ôi ! Tôi không biết phải đào như thế nào nữa các anh ơi.

– Thì cứ đào xa xa ra một tý. Mở rộng miệng hố ra mà đào xuống chớ.

Các chàng trai gọi nhau :

– Này bạn ! Giúp chị em đi, bới đi bạn ơi. Hãy giúp họ một tay, mở miệng hố, đào một vòng cho họ.

Đào xuống khoảng chừng một khuỷu tay thì gặp củ càng to hơn.

– Ôi ! Củ to lắm ! Củ to lắm ! Này hãy nhìn mà xem. Bỏ trong gùi là đầy hết gùi. Chùi sạch đất đi bỏ vào cũng đầy nữa.

Họ mải mê đào, chiều xế lúc nào không ai hay. Một chàng đi săn nói :

– Chị em cứ ở đây mà đào cho xong, đong cho đầy gùi nhé. Còn chúng tối ná cầm trong tay, giáo mang trên người, nên chúng tôi phải đi săn, đi tìm đọt non, bắp chuối đây.

– Thế thì các anh em cứ đi đi ! Cứ đi thôi !

– Chị em đào xong mang về nhà cho hết nhé. Nếu tiện đường, chúng tôi sẽ ghé qua. Chị em hãy nấu nồi to, nồi lớn cho chúng tôi ăn thử với.

– Thôi anh em ạ, ngại lắm. Không muốn để các anh tới nhà chúng tôi đâu. Không thể được đâu các anh ơi. Nhà đã rách rưới dột nát, nhìn lên trên ngó được trăng sao, trông xuống dưới thấy phân trâu, phân bò. Nhà như thế đó, các anh đừng có ghé chúng tôi.

Các chàng trai cầm nỏ đi săn, cấm giáo đi tìm. Nhưng họ không phải đi săn mà lần theo dấu chân đi đào củ mài của ba chị em H’Prăk, H’Nui.

– Đây rồi ! Đây rồi ! Nhìn thấy dấu chân của họ đây rồi.

Đi ngược lên một đoạn thì các chàng tới con đường đi về buôn của Mtao, qua một hồi nữa đến bến nước của Mtao, họ gặp ngay lũ trẻ đi gùi nước. Các chàng trai hỏi thăm :

– Hỡi các em đi gùi nước, đây là buôn gì ?

– Đây là buôn Mtao của chúng tôi đấy. Tất cả chúng tôi đây đều là người của nhà Mtao.

– Thế còn nhà kia bỏ hoang à ? Nhà đó có người ở không ?

– Đó là nhà của ba chị em mà chủ chúng tôi đã bỏ. Thức ăn chủ chúng tôi không cấp, cơm cũng không cho. Chủ chúng tôi không thể nuôi họ được nữa. Mtao chúng tôi là người giàu có, chiêng bằng đầy gian ngoài, chiêng núm đầy gian trong. Người hầu kẻ hạ đầy nhà.

– Thế tại sao lại bỏ họ ở ngoài rào ? Tại sao phải bỏ họ ở ngoài rìa, ngoài buôn ?

– Chúng tôi làm sao biết được vì sao Mtao lại để họ ở ngoài đó. Chỉ biết người ta gọi họ là H’Prăk, H’Nui thôi.

– Tiếc thật ! Sao Mtao lại đối xử với người ta như thế nhỉ ? Bạn ơi ! Chúng ta đi lên xem thử nhà của họ nhé.

Các chàng trai lên chòi. Họ chỉ nhìn thấy một cái nồi nấu cơm nhỏ, nồi nấu thức ăn cũng một cái. Chảo rang bắp, nơi bếp nấu ăn họ đều ngó qua hết cả.

– Ôi tội nghiệp mấy chị em quá ! Sao Mtao lại để họ đến nông nỗi này nhỉ ? Thôi các bạn ạ, chúng ta làm phép giúp đỡ cho họ đi. Đây này, tôi lấy lá úp, lá mở cho các Yang đỡ hộ, làm phép cho gạo bò vào trong hũ nhé !

Gạo từ từ dâng lên đầy hũ. Thế là đã có gạo cho ba chị em H’Prăk, H’Nui ăn rồi. Chàng đi săn lại mở chiếc gùi đậy tấm vải để ở chỗ đầu nằm. Chàng ngó xem rồi nói :

– Ta lấy lá úp, lá mở ngược nhau, có các Yang giúp đỡ cho họ m’yêng, áo mới, ban cho họ áo váy đầy gùi.

Chẳng mấy chốc áo đã đầy gùi, m’yêng đã đầy giỏ, bỏ ngay ngắn ở chỗ đầu nằm của ba chị em. Thấy gạo đã có, m’yêng áo đã đầy mà thức ăn lại không có. Các chàng trai bảo nhau :

– Chúng ta phải cho họ cả thức ăn nữa chứ.

Thế rồi chàng làm phép biến bên Tây có ba con gà mái, bên Đông cũng có ba con mái gà đang ấp. Rồi lại làm phép cho thịt khô từng bó bằng cây cột nhà, sắp dọc trên xà ngang. Xong xuôi họ bảo nhau :

– Thôi chúng ta đi săn bạn ạ !

Trước khi đi họ nhìn lại tất cả, rồi làm phép cho căn chòi có thêm nào là bầu nước, ché để ủ rượu, tất cả đều đầy đủ hết. Mải miết giúp đỡ, họ quên là trời đã xế chiều. Một người nhắc :

– Đã đến giờ về rồi đấy, chúng ta phải đi thôi.

Họ đi xa được một đoạn, ngừng lại chờ khoảng một hồi, rồi lại bảo nhau :

– Này các bạn ! Bây giờ chúng ta ghé thử lại nhà họ đi. Chắc họ đã nấu xong củ mài rồi đấy.

Họ quay lại. Con đường đi qua, không ghé cũng phải tới nhà. Một chàng trai hỏi với lên :

– Chị em ơi ! Về nhà rồi chớ ? Mang theo cả êning đi đào, củ mài đi bới đó chớ ?

– Ô về rồi các anh ạ. Nhưng thôi, các anh đừng có lên nhà chúng tôi làm gì. Nhà cột cong cột vẹo, nhìn lên thấy trăng sao, nhìn xuống dưới thấy phân heo, phân bò.

– Không sao đâu mà ! Chúng tôi muốn lên nhà là để xem củ mài đã nấu chín chưa thôi.

– Chúng tôi nấu xong đây rồi các anh ạ. Nấu bằng nồi to để các anh cùng ăn khoai rừng. Củ nhiều xơ, đành ăn tạm cho đỡ thôi.

Mấy chị em bầy khoai ra mời khách.

– Mời các anh ăn đi ! Khoai này xơ, khoai sọ. Hãy ăn củ êning, củ rừng đi các anh.

– Thôi này, chúng ta cùng ăn đi chứ.

Tất cả mấy người cùng ngồi ăn. Vừa ăn các chàng trai đi săn vừa khen :

– Củ ngon, khoai tốt lắm đấy chứ ! Ăn no đấy, cũng như ăn cơm thôi chị em ạ.

Một chàng trai đã ăn xong, uống ngụm nước rồi xúc miệng. Chàng ra sàn nhà sau nhổ nước miếng, không ngờ nhổ trúng chiếc nong che úp H’Nui đang nấp trong đó, khiến cô phải chui ra.

– Ôi có người hả ? Không may tôi lại nhổ trúng rồi ! Xin lỗi chị em nhé.

– Ôi ! Nó không sao đâu ! Nó xấu hổ với các anh em đó thôi.

– Thôi vô trong nhà ăn khoai đi. Sao lại làm như thế ? Ủa đây là con của chị hay là … sao ?

– Các anh ạ. Chúng tôi là ba chị em mồ côi, không cha, không mẹ. Là những người mà người ta đã bỏ đi rồi đó.

– Thật tội nghiệp ! Có chuyện như thế thật sao ?

– Cũng thật tội nghiệp cho các anh khi lên đây, chúng tôi không có gì ngoài củ mài này đâu.

– Này các chị em ơi. Hãy thử tìm trên xà nhà xem, biết đâu Mtao để sót lại gạo ăn thì sao ?

– Làm gì mà có gạo họ để đây cơ chứ. Họ đuổi chúng tôi đi vì họ không cần đến chúng tôi nữa, không muốn nuôi chúng tôi nữa. Như vậy các anh còn bảo có gì mà để lại gạo ở đây ?

– Thế mình cứ thử lên xem sao, thử một chút có gì mất đâu chứ. Biết đâu thấy được gạo bị bỏ quên trên đó cũng nên.

H’Prăk không muốn lên cũng đành phải leo lên gác bếp. Không định bắc thang cũng phải bắc mà trèo. Khi lên đến nơi lại thấy có đầy một hũ gạo. Cô kêu lên :

– Ơ ! Có gạo thật, có gạo thật đấy các anh ơi ! Thôi, hãy lấy nồi mà nhóm bếp lên đi.

Mấy chị em lấy cái nồi to, nồi lớn nấu cơm đãi khách. H’Nui ngồi nấu cơm chỉ có chiếc váy cộc, ngắn ngang đầu gối. Cô vẫn còn mắc cỡ lắm. H’Prăk lại nói :

– Cơm thì có gạo để nấu rồi. Nhưng thức ăn đến canh lạt muối, canh rau rừng cũng không có. Tôi biết lấy gì làm thức ăn cho các anh bây giờ đây ?

– Chị lại đi xem thử ở cửa sau, biết đâu Mtao còn để lại một con gà nhép nào chăng ?

– Người ta đã đuổi mình đi thì làm gì mà có gà heo để lại cơ chứ.

– Cứ đi xem thử chỗ cửa sau đã.

Nàng không muốn đi cũng phải đứng lên bước ra cửa sau và nhìn thấy lúc nhúc bầy gà đang ấp. Nàng liền bắt lấy một con gà. Vậy là đã có thức ăn rồi. Chàng trai lại bảo :

–  Sao có thể như thế được ? Lấy gà mái đang ấp thì còn trứng nó ấp với ai ? Nếu đã lấy thì phải lấy hết cả trứng cả gà mái chứ !

H’Nui lại đi ra lấy hết cả gà và trứng, rồi đem nấu cả trứng lần gà làm thức ăn, mời các chàng trai ăn cơm. Các chàng trai bảo mấy chị em :

– Chị em ơi, ăn cơm đi. Hôm qua hôm kia các chị em không có cả cơm mà ăn, không có cả thịt mà bốc. Chị em cứ phải nhịn cơm nhịn canh mà đi đào củ êning, đi tìm củ mài. Phải cầm knuih, cầm phal mà vào rừng tìm củ.

– Thế thôi các anh ạ. Bây giờ cũng sẽ như vậy thôi. Đã ăn khoai ăn củ rồi, lại có gạo tấm nấu thành cơm thì các anh cứ ăn đi chứ.

– Cả ba chị em hãy ăn cho nhiều đi. Chúng tôi chỉ ăn vậy thôi.

Một chàng trai nói với cả bọn :

-Các bạn hãy ở trong nhà này, tôi ra ngoài đi dạo một vòng đã nhé.

Chàng đi xuống nhà sau phía bên Tây, dậm dậm đất trên con đường ra rẫy ngang qua gần nhà, có tiếng kêu bịch bịch.

– Ô ! Cái gì đây nhỉ ? Cái gì dưới này mà có tiếng vang như thế ? Ơ ông, ơ bà, ơ các chị em ơi !

– Có việc gì mà chàng  kêu bốn, năm, hai, ba người thế ?

– Tôi đi qua sau nhà nghe có tiếng vang bịch bịch, các chị các em hãy thử đi xem sao. Biết đâu là hố người ta chôn chiêng núm, chiêng bằng hay hố họ chôn ché chăng ?

– Làm gì có việc họ để lại như thế hả anh. Bếp họ đã bốc, tro họ hốt, ổ mối họ cũng san bằng.

Nhưng ba chị em vẫn kéo nhau đi xem thử phía đằng sau nhà, chỗ đằng tây hiên, dậm thử coi đất bên tây đó có gì. Họ không muốn đi cũng phải đi. Đến dậm thử thì thấy nó rung đấy, nó rung nghe ình ịch thật.

– Không biết làm sao nó lại như thế này nhỉ ? Lại đây nào các em ơi. Hãy mang cuốc lại đây tôi đào thử, em bốc thử xem sao.

Người em lấy cuốc đến đào một nhát không thấy, hai lần bổ cũng chưa sao. Ba lần cuốc mới đụng vào cây chắn. Nhìn thấy đúng là gỗ nhà Mtao thường dùng, vì thế nên đất mới rung. Họ xúm lại bới, lát sau được một cái hố rộng, quả có chôn ché thật, ngổn ngang ché Tul blang ang, ché Tang m’ang. Nhiều tới không dám nhìn nữa.

H’Prăk gọi to :

– Ơi các anh ơi ! Các anh đi xem thử, bới thử, cuốc thử đi. Chúng tôi đàn bà con gái, chẳng biết làm thế nào nữa đây.

– Đúng là ché thật rồi các chị em ạ. Đúng như người ta nói : Ché Tul blang ang, ché Tang m’ang ra từ tai cắm đó. Có cả cây cột gơng bôi mỡ heo người giàu làm để buộc ché Tuk đó. Kéo ché lên chị ơi. Lôi ché dậy em à.

Mấy chị em H’Prăk, H’Nui kẻ ôm, người kéo, bê ra khỏi hố, mang lên trên nhà.H’Prăk giục các em :

– Thôi bọn trẻ mau đi múc nước đi.

Người bẻ lá, kẻ cắm cần, thêm nước. Chị uống thử thấy rượu ngọt lắm, đậm lắm, liền bảo với mọi người :

– Ché này của người ta là ché xưa, uống vô thấy rượu đậm, ngọt cay, ngọt đắng. Uống nước một không ăn thua. Uống nước hai không phai lạt. Hãy uống thử đi các anh.

Rồi tất cả cùng uống. Chị em H’Prăk, H’Nui uống một sừng chóng mày quay mặt, uống một bát nóng mặt gần như dại như điên.

– Chúng tôi uống một sừng đầu đã quay, uống một chén đã chóng mặt, nên chúng tôi chỉ uống thế thôi. Còn các anh cứ uống đi, rượu này còn đậm, còn tốt mà.

Chàng trai uống liền một hơi ba sừng, rồi kêu H’Nui cùng uống với mình :

– H’Nui ơi ! Hãy uống cùng với tôi, chúng ta uống chung nhé.

– Ôi ! Em uống không được đâu. Em còn nhỏ, còn ít tuổi mà. Uống mới một sừng mặt đã quay cuồng rồi. Sợ uống nữa em trở thành như người dại, người điên thôi.

– Ôi ! Ai lại đi chấp nhau làm gì. Êning khi nhai không ai nói. Củ mài ăn không ai phạt H’Nui đâu mà sợ.

Thế là hai chị em lại uống, cứ từ từ mà uống. Thêm một sừng nữa đầu óc quay cuồng, H’Prăk không chịu nổi nữa, lăn ra ngủ khì khì. Còn lại H’Nui ngồi uống với chàng trai đi săn. Người bên phải mười bốn lần uống, người bên trái mười lăm lần uống. Rượu còn đậm, không nhạt, uống từ tối đến sáng rượu vẫn chưa phai. Chàng đi săn lay gọi H’Prăk :

– Dậy ! Dậy đi H’Prăk ơi ! Sao lại ngủ khì, ngủ khịt. Ngủ miết không biết dậy thế ?

– Ôi ! Xin lỗi các anh nhé. Rượu thấm, rượu say tôi không còn biết gì nữa. Tôi ngủ quên mất rồi đây.

– Này, bây giờ tôi muốn hỏi chị có cho tôi lấy em gái chị không ?

– Chàng hỏi chúng tôi làm gì ? Hãy xem em nó chỉ mặc có m’iêng cộc, váy cụt, mặc m’iêng ngang đầu gối. Chúng tôi nghèo như thế, sáng đã đói, trưa cũng nhịn. Chàng nói như thế làm gì ?

– Dù có như thế nào đi nữa tôi cũng vẫn muốn lấy cô ấy làm vợ. Mà còn muốn lấy ngay hôm nay nữa.

Một lần chàng xin, hai lần chàng hỏi, ba lần chàng nài nỉ vẫn không được chấp nhận. Chàng lại nói hai lần, ba lượt nữa thì không muốn cho cũng phải cho. Thế là hai người lấy nhau thành chồng và thành vợ. Họ ở với nhau một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày. Một chàng trai nói với H’Nui rằng :

– Tôi nghe người ta kể chuyện xưa như thế này : Cưới đã ba ngày thì được đi rẫy.

– Đúng vậy anh ạ. Nếu anh muốn thì ta đi rẫy.

– Vậy thì H’Nui cứ ở nhà với H’Prăk nhé. Tôi đi một mình trước đã. Tôi đi tìm rừng, xem đất nơi sẽ làm rẫy. Còn các nàng là phụ nữ không biết được việc này đâu.

Nói rồi chàng đi tìm. Chàng đến nơi rừng già, nơi đầm sâu, nơi rừng không có tranh, có sậy. Đây đúng là nơi chàng muốn cắm sào đốt rẫy. Đi thêm một đoạn nữa chàng lại thấy qua cánh rừng già có chỗ đất đẹp hơn. bên ngoài có một dòng suối, bên trái cũng có một dòng sông. Chàng chọn ngay khu đất ở giữa. Ưng ý rồi chàng liền khấn :

– Này đây tôi lấy lá úp, lá mở từ chú đưa, từ bác dạy cho đến bây giờ để hóa thành rẫy cho lúa lên xanh, cho cây không chết rụi.

Chàng bắt tay vào phát dọn một hồi, rồi lấy quả cà quăng xa xa sang phía Đông, quăng đi một đoạn Nam. Quăng cà thêm một đoạn Bắc và đủ cả. Quả cà rơi ở đau, là bìa rẫy ở đó. Phát dọn xong chàng đi về nhà. H’Prăk thấy em rể về liền hỏi :

– Có thấy được rừng tốt, có chọn được rừng ưng ý không em ?

– Chỉ thấy có đất hoang đất trống. Tôi lấy tạm làm rẫy, tôi dọn tạm coi thử lúa có được tốt, được xanh không. Ngày mai tôi sẽ lại đi phát tiếp.

Hôm sau chàng đi ra rẫy, gọi các con vật trong rừng đến giúp đỡ. Nhờ có thỏ phát cây, có dúi dũi đất, nên rẫy của chàng thật là tơi xốp. Về nhà nghỉ qua một ngày, hết một đêm tới một ngày mới, chàng lại đi đến rẫy. Trước khi đi chàng bảo vợ :

– H’Nui à ! Nàng hãy nấu cơm sớm cho tôi đi làm rẫy. Tôi đem ở chòi sẽ ăn, tôi đem ở rẫy sẽ uống. Tôi đi phát rẫy hạ cây một mình tôi.

– Không ! Em sẽ đi cùng. Em sẽ mang nước cho chàng, gùi cơm cho chàng tại vì chàng là chồng em. Đã là chồng vợ thì đâu cũng phải có nhau cùng đi.

– Không ! Chưa được đi đâu H’Nui à ! Tôi chưa muốn cho nàng đi. Nàng không muốn vậy cũng vẫn phải ở nhà thôi.

Vậy là H’Nui và H’Prăk đều ở nhà. Chàng lại đi rẫy một mình từ sáng sớm hôm sau. Đến nơi chàng gọi :

– Ơ thỏ cái ! Hãy đốt rẫy giùm tôi. Ơ hoẵng, hãy đi đốt rẫy cho tôi.

Con hoẵng nghe lời đi đốt rẫy cho chàng. Vì không cẩn thận nên nó bị lửa cháy xém cả đuôi, bây giờ còn chiếc đuôi cụt lủn như thế. Sau khi hoẵng với thỏ đã đốt xong, chàng lại nói :

– Này đây tôi lấy lá úp, lá mở ở Yang có từ chú trước, cho đến bác dạy khôn sau, hãy cho heo ủi củ gai trong rẫy giúp tôi.

Cả một bầy anh chị em họ hàng nhà heo kéo đến ủi đất cho chàng. Chỉ một hồi sau đã sạch trơn, gọn gàng như là có người cuốc. Bóng đã xế chiều, chàng về nhà. Bước chân lên bậc thang nhà dài, dắt cây rìu và xà gạc, đã nghe tiếng chị H’Prăk.

H’Nui hỏi :

– Chàng đã phát xong chưa ?

Mặc dù đã làm xong hết nhưng chàng vẫn nói :

– Tôi phát chưa xong đâu. Mới làm được chút ít thôi.

– Thế tại sao chàng lại về ? Chắc sắp xong rồi chứ ?

– Ôi ! Làm gì mà đã xong ! Chắc tôi phải đi làm hai buổi nữa mới xong phần còn lại.

– Vậy hả ! Thế thì cho chúng em đi với. Nếu không ai sẽ mang nước cho chàng ? Ai sẽ đi gùi cơm canh cho chàng ?

– Thôi để tự tôi mang cơm, tự khắc tôi vác nước. Làm gì đến nổi để em phải đi. Để tôi đi một mình trước đã.

Rồi chàng lại đi lên rẫy, một mình làm tất cả mọi việc. Chàng lấy lá úp, lá mở thần ban cho từ chú, qua bác dạy khôn để làm phép cho kê mọc lên, lúa xanh tốt không bị chết rụi chết khô. Thế là lúa lập tức mọc lên xanh tươi. Có nơi lúa cao ngang đầu gối. Có chỗ lúa mọc tới ngang hông. Có vùng đã vàng bông đến ngọn. Chàng nhìn rẫy lên tươi tốt, hài lòng thốt lên :

– Chà ! Thế là tôi đã có lúa nuôi vợ tôi đây.

Mặt trời đã xế ngang phía chiều, chàng rời rẫy đi về nhà. H’Nui thấy chồng về liền hỏi :

– Chàng đi làm rẫy xong chưa vậy ?

– Làm gì mà đã xong hả em ? Ngày mai tôi sẽ đưa cả em cùng đi nhé. Em mang cơm, đem nước cho tôi để làm hết những việc còn lại.

Quay nhìn H’Nui thấy nàng vẫn mặc m’iêng ngang gối, mặc váy cộc ngang chân. Sợ nàng buồn, mắc cỡ với bè bạn. Chàng bảo :

– Ôi H’Prăk, H’Nui ơi ! Hãy mở thử gùi trên đầu nằm xem sao.

– Làm gì mà có cái gì ở trong đấy ? Đó chỉ là gùi không trống rỗng mà thôi.

– Thì cứ thử mở ra xem sao đi. Thử mở đi !

Hai nàng đi mở chiếc gùi ở trên đầu nằm. Nhìn vào thấy m’iêng đầy rổ, áo đầy gùi, đầy thúng. Chàng giục hai người :

– Hãy mặc thử m’iêng này, thay thử áo kia rồi chúng ta đi xem rẫy.

Hai chị em thay m’iêng áo mới, mang theo cả cơm ăn và nước uống cùng chàng đi đến rẫy. Đi tới nơi chàng chỉ tay và nói :

– Đây là rẫy tôi phát. Chúng ta hãy đi tới chỗ chòi làm ba gian rộng đó mà ngồi.

– Ôi ! Đây là rẫy của chàng làm à ? Hay là rẫy của nhà Mtao chứ ?

– Này, chị em hãy bỏ gùi xuống. Rẫy tôi phát đây mà. Rẫy của gia đình chúng ta đó. Nhìn xem, lúa đã chín vàng rồi. Hãy đem gùi đi tuốt đi vì các nàng sợ chưa có cơm ăn.

Hai chị em vẫn chưa dám đi tuốt. Họ còn e sợ quá. Nhưng chàng đã giục.

– Đi tuốt đi ! Mang gùi mà ra tuốt lúc đi chớ ! Suốt bỏ vào gùi lúa từng bông, từng nắm. Bỏ cả bụi thì sẽ đầy gùi đó.

Thế là hai chị em vui mừng vào tuốt lúa. Quả nhiên tuốt một bông đã được một nắm, tuốt một bụi đã được một gùi. Chỉ trong chốc lát đã đầy những gùi lúa vàng óng. H’Nui bảo với chồng :

– Đầy gùi rồi ! Thôi chúng ta đi về chứ ?

– Hãy chờ đã ! Tôi muốn nhóm lửa bên rìa. Tôi đi vòng quanh rẫy đã.

Chàng vừa đi vừa nói :

– Ơ này chim Nghiêk ! Hàng ngày hãy canh chừng lúa cho tôi nhé. Này sóc đang kêu ở trên cây kia ! Hãy canh chừng lúa cho tao nhé. Nếu chúng mày ăn lúa của ta, mẹ mày tao sẽ chém dọc, rọc ngang, chém ngang đầu gối. Ta sẽ làm cho chúng mày chết hết cả bầy, cháy hết cả khu rừng. Nếu mà ăn lúa ta như thế đấy.

Nghe vậy cả bầy chim nói :

– Để đó chúng tôi canh chừng lúa cho, không có ai ăn một hạt nào đâu.

Tất cả đi về buôn. H’Prăk và H’Nui chuẩn bị m’iêng áo để đi tắm. Nhìn ra bến nước nhà Mtao mà trước đây họ đã từng tắm gội, nay sao đẹp thế, ống dưới bằng đồng, ống trên bằng thiếc. Bên tây có cây sung, bên đông có cây đa. Có cả cục đá to đẹp bằng phẳng nơi H’Nui thường tắm xong ngồi thoa nghệ. Đám trai gái trong buôn ai cũng thích tới tắm nơi bến nước đẹp này. Tắm rửa sạch sẽ rồi H’Prăk, H’Nui đi về nhà. Ở một ngày, nghỉ một đêm. Có năm có tháng. Rồi lại qua một năm, hai năm. Đến ba năm. Người hầu nay họ có hai, người giúp việc họ có trăm, có ngàn. Họ sai bảo :

– Này bạn ! Hãy đi múc nước cho tôi. Hãy đi lấy củi, hái rau, nấu cơm cho tôi. Ai nấy đều hăng hái đi làm nhé !

Còn H’Nui chẳng mấy chốc đã thấy nặng trong đầu, đã thấy đầy trong bụng. Nàng bảo với chồng :

– Anh ơi, nay bụng em đã nặng, vú đã đen. Sẽ có con cho em bế, có con cho anh cõng rồi đấy.

– Thế mới đáng mừng chớ. Bây giờ chúng ta có người đi lấy củi cho đốt, lấy nước cho xài. Lại có con trong bụng. Vui quá !

Đến trọn ngày đủ tháng, tới lúc H’Nui nằm chỗ. Chàng gọi mọi người :

– Ơ này các con, hãy đi rước người đỡ, hãy đi gọi người giúp sanh cho bà nhanh lên.

Bà đỡ tới, đưa nàng ra nằm ở hướng nam, một lát sau thì sinh.

Chồng mừng quá hỏi to :

– Con trai hay con gái H’Nui ?

– Con gái chàng ạ !

– Ô ! Vậy thì có người để mai mốt chúng ta sai gùi củi, chúng ta bảo gùi nước rồi đây.

Bà đỡ rửa ráy cho bé xong, đã thấy rõ hoàn toàn là một đứa trẻ khỏe mạnh. Cha nó lấy từ ngón tay út ra chiếc nhẫn, đeo vào tay cho con. Con bé hãy ăn chóng lớn như thổi. Con của H’Nui một năm đã biết đi, biết chạy. Dần dần lớn lên biết mang gùi với một chiếc bầu đi cõng nước. Chàng trai một hôm buồn rầu nói với vợ :

– H’Nui ơi ! Nay đã có con gái để chúng ta sai, có người để giúp chúng ta công việc. Tôi có chuyện này chắc sẽ khiến lòng nàng đau như dao cắt. Nhưng tôi ở đây đã lâu. Đốt rẫy nương, lấy củi, sửa bến nước tôi đều đã làm xong. Lúa cũng đã chín rồi, nàng hãy đi mà tuốt. Từ nay công việc nàng hãy tự làm lấy. Vì tôi buồn nhớ ăn không vô, ngủ không yên. Tôi phải đi buôn thăm ông bà cha mẹ tôi.

H’Nui kêu kêu lên :

– Ôi ! Sao lại như thế ? Chưa được đâu ! Bây giờ hãy đi tuốt lúa đã, lúa chín đều hết rồi. Phải mang voi Bih, phải cùng voi Mnông nữa. Hãy đi gọi voi để mà chở lúa chớ ! nếu không lúa sẽ bị rụng hết thôi.

Thế là chàng đành phải đi mượn voi phía đông để chở, lấy hết cả voi buôn đằng tây để kéo. Chở hết lúa về nhà cho H’Nui. Chàng vẫn ăn không biết ngon, ngủ không chịu yên, nên gặt lúa xong chàng theo con đường Pơr kwei (đường lên làng Trời) về nhà. H’Nui khóc nức nở :

– Ôi ! Chàng ơi ! Tưởng ăn ở với nhau cho đến khi mắt mờ, tóc bạc. Tưởng cùng nhau cầm nạng khi lưng đã còng. Sao chàng lại bỏ em bơ vơ một mình.

Nhưng chàng làm như không nghe thấy, không quay mặt nhìn lại lần nào, cứ đi một mạch về buôn của chàng. Nghe tiếng con heo kêu, chàng cũng không nhìn thấy nó ở đâu. Va phải con hoẵng hếch hai lỗ mũi kêu trong rừng chàng cũng không biết. Chỉ nghe vang tiếng H’Nui kêu khóc :

– Ôi ! Ôi sao chàng nỡ đối xử với mẹ con em như thế ? Chàng hỏi lấy em làm vợ, tưởng già cùng nhau, đầu bạc, răng rụng cùng nhau. Sao bây giờ chàng đã bỏ đi ?

Chàng trai đành nói vọng lại :

– Nhưng nương rẫy tôi đã làm xong. Lúa bắp cũng đã lên xanh tốt thì thôi mới đi chớ.

– Sao lại thế ? Sao chàng lại bỏ đi như thế ?

Nhưng ở nhà một ngày, lại thấy sốt ruột, nên chàng gọi chim Nghiêk đến bảo :

– Này chim Nghiêk, mày hãy đi xem thử nhà H’Nui coi. Nàng có còn đi thăm, đi làm rẫy nữa không ?

Chim Nghiêk liền bay đi, sà xuống đậu trên cành tre nghe ngóng, tìm kiếm. Nhìn thấy chim Nghiêk, H’Nui bảo :

– Có cái gì vui vẻ đâu mà kêu hoài vậy chim Nghiêk ? Mong cho mày bị diều hâu vồ, con cáo bắt. Cho đàu mày diều hâu ngoạm, đùi mày cáo nhai. Sao mày cứ kêu mãi thế hả chim ?

Rồi nàng xua chim đi một hồi, đuổi chim chạy một hơi. Chim Nghiêk liền vỗ cánh bay đi mất. Về đến làng Trời chàng hỏi :

– Thế nào Nghiêk ? Họ đối xử với mày có tốt không ?

– Làm gì mà có tốt, họ đuổi bắt, họ chửi bới, rủa cho diều hâu bắt tôi nữa chớ.

– Thế hả ? Thôi vậy, bồ câu với chim cu đi xem thử H’Nui thế nào nhé. Làm sao đến nỗi cột giăng chỉ rung vậy ?

Vậy là bồ câu và chim cu bay đi, vừa bay vừa kêu cút cu cút cu. Nghe tiếng chim kêu, nàng H’Nui mắng :

– Chim cu kia, sao mày vui thế ? Tôi đang buồn, đang khổ đây. Người tôi không được khỏe. Vừa mệt vừa nhớ đến người chồng yêu quý của tôi. Đến nổi cơm không đói ăn, nước không khát uống, nói cười cũng không ra tiếng. Sao mày sung sướng thế chim cu ?

Nói rồi nàng ném đá rượt đuổi chim cu, không chỉ chửi bới mà dọa gọi diều hâu đến bắt đi. Chim cu đành quay về. Chàng trai lại hỏi :

– Họ như thế nào rồi chim ? Họ có khỏe không ? Họ có đón tiếp mày tử tế không chim cu ?

– Làm gì mà có tốt. Họ chửi bới, họ đánh đuổi tôi. H’Nui còn chửi hết cả họ hàng nhà tôi nữa đấy.

– Thật như thế hả chim cu ? Họ buồn rầu lắm à ?

– Họ buồn lắm đấy !

Chàng trai sai đủ các loại vật, kể cả con ve ru buồn đến an ủi cho nàng H’Nui. Nhưng thảy đều bị họ hàng nhà nàng xua đuổi, đánh đập. Lòng chàng dù ở quê hương nhưng vẫn nung nấu nổi nhớ về nàng. Còn H’Nui, nổi nhớ càng sâu đậm hơn. nàng thường cả ngày không nói năng một câu, không buồn sờ đến khung dệt vải, cơm nước không hề đoái hoài. Người cứ mỗi ngày một rộc đi, âu sầu như đang mang bệnh nặng trong người. Con gái nàng thấy vậy nói :

– Amí không ăn uống gì coi chừng chết yểu. Con biết ở với ai ?

– Nhưng mẹ nhớ cha con quá !

Nàng H’Prăk thấy em buồn bã quá mới bảo :

– Thôi để chị cho Đăm Săn đi tìm, dẫn con đi kêu ama về.

Nghe chị nói thế H’Nui cơm mới chịu ăn, người mới khỏe dần ra. Nàng gọi chàng Đăm Săn lại hỏi :

– Em có biết đường anh đi, lối anh bước, con đường mà anh đã đi về không ?

– Em làm sao biết được cơ chứ !

– Hay là em thử đến nhà Mtao Ak hỏi xem sao.

Sáng sớm hôm sau, con gái gọi mẹ dậy nấu cơm, gói xôi từ tờ mờ :

– Amí ơi  ! Hãy dậy nấu cơm gói xôi cho con đi tìm cha thử xem.

H’Nui làm gà một con, gói xôi một nắm rồi hai cậu cháu đi tìm đến buôn Mtao Ak. Đến bến nước hai người hỏi :

– Này ơi bọn trẻ ! Có biết làng của Mtao Ak ở đâu không ? Là người chăn trâu, chăn bò chắc biết rõ. Tôi muốn đến nhà của Mtao Ak, hãy chỉ dùm cho phải đi con đường nào đây ?

– Ôi ! Chúng tôi không được biết đâu anh em ạ. Đi hỏi thử bà già đang trồng chuối, đi hỏi thăm ông đang trồng cây kia. Chắc có lẽ họ biết nhà Mtao chăng ?

Hai cậu cháu cảm ơn rồi đi đến gặp người đàn bà đang trồng cây chuối. Đến nơi họ hỏi :

– Này bà ơi ! Bà có biết nhà Mtao Ak không ?

– Cháu muốn gì hở cô gái xinh đẹp kia ?

– Tôi chỉ muốn đi thăm anh em, thăm chú bác tôi thôi mà.

– Ừ, thì đi đường này cháu ạ. Khi mấy chỗ bà làm chỉ đỏ ở bên trong, làm chỉ đen ở bên ngoài, thì đó là nhà Mtao Ak đấy. Hãy nhìn xem nhà nào có cầu thang bằng cây gỗ bổ ngang, nhà nào cho heo ăn bằng chiêng char, mẹ, thì đó là nhà chủ đấy.

Họ đi một hồi nữa thì tới nhà dài, liền leo lên thang kéo cửa mà vào. Gặp bà già hỏi :

– Cháu muốn gì hở cháu ?

– Cháu có việc muốn gặp ông bà ạ.

– Ô ! Ông cháu đang ngủ kia kìa.

Bà đến lay bên phải lại quay bên trái. Lay bên trái lại quay bên phải, gọi mãi mà ông vẫn không chịu dậy, thức vẫn không chịu thức.

– Sao ông không dậy, không thức thế hả bà ?

– Cháu hãy thử kéo tay ông, lấy lông công ngay chỗ cây cột ấy mà làm cho ông cháu nhột xem sao nào.

Nhột quá, ông già kêu lên :

– Nhột ! Nhột hãy để yên cho tôi ngủ !

– Cháu đây ông ơi !

– Cháu muốn gì ở tôi đây ?

– Cháu cần mượn cái áo bay của ông để đi tìm ama cháu. Ama đã làm cho amí cháu già đi, lại không muốn ở với amí cho đến khi già. Bây giờ ama đã về buôn làng xứ sở của ông rồi. Nên cháu muốn mượn áo của ông để đi tìm.

– Ừ ! Thế thì cứ lấy mà dùng cháu ạ.

Con bé lấy một chiếc áo mặc vào định bay thử ngang qua ngọn cây nhưng lại bị rơi xuống đất.

– Không phải áo này rồi ông ơi ?

Nó lại lấy một m’iêng, hai m’iêng, đến cái m’iêng thứ ba thì bắt đầu bay được từ bên Đông sang bên Tây. Bay lên bay xuống đều được cả. Được áo rồi con gái bay đi tìm cha. Đi được hai đoạn rồi ba đoạn, thì gặp đường thẳng có cây to, thấy bầy trâu bò đông đúc có người chăn dắt, cô gái hỏi :

– Đây là buôn gì vậy ?

– A ! Đây là buôn của Trời ! Thế cô đi đâu mà lên đây ?

– Tôi đi tìm ama tôi. Các bạn có biết ông không ? Có thấy cha tôi không ?

– Thế ama bạn tên là gì ? Sao ? Bạn không từng nghe à ? Phải biết tường tận tên ông bà họ hàng chớ ! Nhưng chúng tôi cũng biết rồi. Bây giờ ông đang ăn uống gả chồng, lấy vợ. Họ đang cúng thần linh vì làm quen được với con cái của Mtao Sắt đấy !

– Ôi ! Sao lại đến nỗi thế ? Sao ông lại độc ác thế ?

Nói rồi nó bay đi. Được một đoạn thì đến nhà, liền hạ xuống thềm ở ngoài sàn. Có người trong nhà bước ra hỏi :

– Có việc gì mà cháu đến đây vậy ?

– Nhờ nói giùm với chủ nhà là có cháu đang chờ nhé !

Nói rồi cô bé ngồi chờ ở hành lang nhà sàn. Người ta đến báo với ông chủ nhà rằng có một cô bé xinh đẹp đang ngồi chờ ở ngoài sàn. Ông chủ ra xem, chưa biết đầu đuôi câu chuyện ra sao nhưng vẫn mời cô bé vô nhà. Cô gái bước vô ngồi ngay đầu ghế kpan(4). Rồi bắt đầu kể cho ama và mọi người trong nhà nghe đầu đuôi câu chuyện vì sao mình đến đây. Ama mừng quá. Lại liếc nhìn trên tay cô bé, quả thực có chiếc nhẫn ông đã đeo cho con ngày mà nó mới chào đời. Ông ngắm cô, thấy quả là xinh người đẹp nết. Váy kur(1) cô mặc người Yoan không sánh bằng, người Êđê cũng không ai giống. Ông kêu lên :

– Ôi này con gái của ama đó ư ? Con thật là đã lớn khôn rồi đấy. Con làm cho ama ngạc nhiên quá đi mất.

– Cha đã làm mẹ con già đi. Cha đã để mẹ con buồn khổ. Con tưởng rằng cha nuôi cho đến khi con khôn lớn, đến lúc con biết cà răng làm đẹp cho mình, đến tận ngày con bắt chồng, sinh con đẻ cái chớ. Vậy mà cha lại đối xử với mẹ con con như thế.

– Thôi được rồi con ạ, ama sẽ đi cùng con, sẽ về nhà cùng con. Cha cũng không muốn nói chuyện này với nhiều người nữa đâu. Bớ người ta, thôi đùng cắm rượu cần nữa. Tôi đi về với con gái tôi bây giờ đây. Về thôi con ạ.

Họ đi lấy ngựa đực bờm dài, loại ngựa khỏe mạnh nhất đàn, ngựa mang lục lạc kêu như chuông, rồi cha con lên ngựa. Ngựa bay nhanh như con bươm bướm. Đi ngang đường gặp heo kêu chó sủa, nhưng tiếng kêu chưa hết, cha con đã về đến nhà. H’Nui trông thấy liền nói :

– Chàng đã đi, đã bỏ em, sao còn về đây nữa ?

– Thôi, tôi đã về đây rồi. Bây giờ tôi sẽ làm rẫy tỉa lúa cho em, làm nhà, dựng chòi cho em và con. Hãy đi kêu em trai của em đi.

H’Nui đi gọi Đăm Săn :

– Em ơi vô trong nhà, anh rể muốn nói chuyện với em đây này.

– Có việc gì mà anh gọi em ?

– Chúng ta hãy đi chặt tre, đẵn lồ ô, chặt le cắt tranh về làm nhà cậu nó ạ. Nếu em thấy còn non tuổi thì vác ít ít thôi cũng được.

– Nếu cần đi thì ta làm ngay thôi anh ạ.

Hai anh em đi chặt mơô, cắt tranh để làm nhà cửa. Đến lúc chặt alê đã đủ, mơô đã nhiều, tranh lá đều đủ cả, họ mới bắt tay vào làm nhà. Hai anh em làm đêm ngày. nhà mới bây giờ mới xong. Nhà tường nghiêng cũng đã cất. Chỗ ăn chỗ ngủ cũng sắp có rồi. Hì hà hì hục làm một tháng, hai tháng, rồi tiếp đến ba tháng, gia đình mở lễ mừng nhà mới như ăn năm uống tháng. Họ đánh chiêng to chiêng nhỏ để đầy ắp trong nhà. Tiếng chiêng bay xa đến tận tai Mtao.Mtao lắng nghe rồi hỏi lũ tôi tớ :

– Ta nghe tiếng chiêng núm của ai đánh từ gian ngoài ? Chiêng bằng của ai vang từ gian trong ? Ai mà đánh đẹp, đánh nghe hay như thế chứ ? Hỡi trai giỏi, gái xinh của ta, hãy đi xem họ là ai, họ ở buôn nào thế ?

– Thưa ông chủ, chúng tôi không biết đâu ạ, chúng tôi cũng chỉ được nghe tiếng núm của ta, tiếng chiêng bằng của chủ mà thôi. Chúng tôi thất không biết gì nữa cả. Tất thảy còn đang chạy lăng xăng đằng Đông, chạy lông nhông đằng Tây. Làm sao chúng tôi biết rõ được cơ chớ. Mtao kêu to :

– Ơ lũ trẻ con ! Hãy đi xem thử đi !

Nhưng nói mãi bọn trẻ không ai đi. Bảo người già cũng không ai chịu. Bảo đến Knuh Prong Mưng đi xem ở buôn nào đánh chiêng chàng cũng không muốn đi.

– Ôi ! Chúng tôi không dám tới đó đâu. Người ma Mtao đã bỏ họ đi, nay sao chúng tôi lại dám đến với họ được ?

Ơ nhà của vợ chồng con cái H’Nui, sau khi đã mổ heo làm gà ăn năm uống tháng, cúng cho nhà cửa xong xuôi, thì mọi việc lại vào nề nếp cũ. Sáng sớm có người đi rẫy, người đi bẻ củi, kẻ đi kiếm rau ăn.Một hôm con gái rủ :

– Ama ơi ! Chúng ta hãy đi làm rẫy, làm cỏ cuốc đất đi.

Cả gia đình chăm chỉ làm rẫy. Một ngày nọ anh rể bảo Đăm Săn :

– Này em ! Đừng đi chơi ở buôn đằng Tây. Đừng lấy gì ở buôn đằng Đông. Có người nào em đã quen. Có ai em đã yêu thì hãy đưa về nhà.

– Ôi anh ạ ! Em như là chiếc chiêng núm bị bể, xưng hô với người ta em sợ. Em chỉ là chiếc chiêng bằng bị vỡ, nói chuyện với người bị người ta khinh. Không ai yêu em đâu anh ạ. Mà em cũng còn trẻ, em chỉ thích đi vác nước cùng chị, đi làm rẫy cùng anh thôi.

– Dù thế này thế nọ thì cũng sẽ có người xấu nó thích, người cùng lứa tuổi với em nó ưa. Nếu có ai chỗ em thường đánh chơi một chiêng núm chiêng bằng đó, thì rủ họ về, mang nó tới nhà ta cậu ạ.

– Anh nói vậy em không muốn ừ thì cũng phải ừ. Không nói vâng thì cũng phải vâng. Nhưng biết làm sao có để cho em rủ, hay mang về nhà đây chứ ?

– Không sao đâu ! Cậu nó bây giờ đã khôn lớn, đã biết anh biết em rồi. Chắc cậu đang buồn điều gì đó thôi.

– Thôi anh ạ. Khỏi nói khỏi nghĩ đi ! Tốt hơn hết là để cho em làm ăn. Tốt hơn hết chúng ta đi làm rẫy để kiếm sống thì hơn.

Ở một ngày, hai ngày. Một năm, hai năm rồi ba năm, Đăm Săn không còn ở yên nữa. Trái tim chàng bắt đầu nghĩ, cái đầu chàng bắt đầu suy. Rằng người chàng đang khỏe mạnh, đôi chân chàng nhanh nhẹn, tai thính, mắt tinh. Tay cầm dao, xà gạc với hết cả sức lực mình. Chàng muốn có một sự thay đổi. Muốn trong một đêm trở thành người tốt. Muốn trong một buổi trở nên người đẹp. Chàng cũng đã rõ sự côi cút của mình, biết là do đâu chị em mình khổ. Chàng muốn đi đánh nhau với Mtao. Muốn vây bắt trong nhà, muốn dỡ cà phá ớt Mtao ngoài rẫy. Chính ông ta đã làm cho chàng thúi cái bụng một tháng, một năm. Hắn đã đuổi chị em họ ra ngoài rìa làng, ra ở ngoài buôn. Đầu chàng nhớ lại chuyện cũ, tai chàng nhớ tới chuyện xưa. Chị em chàng không quên sự côi cút, nhớ rõ họ đã trở thành rách rưới như thế nào. Vì biết rõ sự cút côi khổ sở của mình mà Đăm Săn muốn đi mài gươm, muốn được so đao. Chàng hỏi chị gái :

– Chúng ta có tiếp tục sống như thế này được không chị ? Chồng của chị có thể nuôi nổi chị không ?

– Sao em lại hỏi chị như thế ? Em có điều gì không ưng trong lòng ? Hay em đang ngủ mơ giữa ban ngày vậy ?

– Em muốn hỏi thử xem. Em sợ chồng chị nuôi chị không xong. Nhưng có chắc anh rể không xấu bụng bỏ chị đi như trước nữa chứ ? Anh đã chịu chăm chị lúc đau yếu, ăn ở với nhau đến tóc đã bạc chưa ?

– Sao cậu nó lại nghĩ bậy, nghĩ xấu trong bụng thế ? Đừng nghĩ đến việc trả thù làm gì em ạ. Hãy cứ xem anh rể em đấy ! Muốn ăn trâu không cần đâm. Muốn ăn bò không cần đi đến đâu. Muốn ăn gà cũng đã có trong nhà. Muốn uống rượu ché Tuk, ché Tang cũng đã có trong hầm. Anh rể em lúc nào cũng ăn ở đàng hoàng, anh chị sẽ ở với nhau cho đến ngày tuổi già chứ !

– Chị sao nông cạn quá vậy ? Em tưởng chị còn nhớ chúng ta đã từng côi cút nghèo khổ như thế nào chứ ?

– Không phải các chị đã quên, cũng không phải không muốn cho em đi trả thù. Nhưng em còn như đứa trẻ mới tập đi, là trai mới lớn, tìm nai đực, nai cái cũng còn chưa dám. Còn người ta thì voi rừng đã từng bắt, chiêng núm, chiêng bằng đều đã từng đánh qua. Họ đã bao lần ăn năm uống tháng, lại là người giàu sang. Con đường em đi mới chỉ nửa chừng, ăn chuối một quả bỏ cả nải dưới sạp. Thôi em đừng làm điều dại dột.

– Dù thế nào đi nữa em cũng không quên được đâu chị ạ ! Tại em con ve đã thôi cắn mà tiếng nó còn văng vẳng đâu đây. Đó chính là đám mây đen trong đầu mà em muốn kéo bỏ đi, bởi em đã từng bị khổ vì miếng ăn quá rồi. Em chỉ muốn thử sức một lần thôi chị ạ.

– Thôi ! Em đừng làm thế ! Không thể tới chỗ Mtao được đâu.

– Em đã xem sưc mình. Em đã nghĩ trong đầu, đã nghe trái tim mách bảo rằng em sẽ thắng. Cần phải thử sức, đi phá cái nơi sang giàu ấy xem sao.

– Chị xin em thôi đi ! Em là con một người ta quý, là chuỗi một quả người ta cất trong giỏ. Đừng có nghĩ quẩn quanh, nghĩ lung tung rồi gây sự với người ta em ơi.

– Em không thể cử ngồi yên mãi. Không thích cá ở hai hang, không ưng chỉ một xâu cá, bỏ sót lại ở rừng đang phát dỡ dang như thế !

– Chị ngăn, em không chịu ở yên. Chị cấm, em không chịu nghe lời. Em như bị cây môn nghệ làm ngứa, không chịu nổi, nên các chị ngăn không nổi. Em muốn đi xem thử Mtao hùng mạnh như thế nào ư ?

– Dù hắn có chiêng núm đầy gian ngoài, chiêng bằng đầy gian trong đi chăng nữa, em cũng vẫn muốn thử sức. Em muốn thử đi đá chiêng núm gian ngoài, chiêng bằng gian trong của hắn. Coi thử lúc đó hắn ở được trong nhà hay không ? Em nghĩ và muốn làm được như thế đó.

– Nhưng mà em còn non nớt lắm, như nước mới đổ đầy bình thôi. Nếu còn cha mẹ thì đã có người chỉnh đầu tóc, có người lo việc cà răng. Còn em làm việc gì cũng chưa tới, sao lại còn đòi làm đến đỉnh, đến gốc hả em ? Nhưng chị vẫn ngăn em lúc đó. Chị sẽ không cho em đi gây sự với người ta đâu. Nhà người ta thì to, rộng, em với mông voi họ còn chưa tới. Nhà người ta dài, em sờ bành trên lưng voi họ còn chưa được. Thôi em đừng nghĩ dại dột như thế nữa đi.

– Chị ơi ! Chị hãy đi làm rượu cùng anh rể, dệt áo khố cho anh ấy, để mặc em đi ngang qua núi, đi qua cọc đâm chân. Một mình em tự làm tự chịu chị ạ. Em sẽ không làm phiền gì đến các chị đâu.

– Ngăn em không nghe. Nói em không chịu hiểu. Bảo yên em cũng không chịu yên. Em muốn đi đèn thì đốt lửa đêm. Em muốn đi tối thì hãy đốt lửa tối. Thôi đành tùy em vậy !

Thế là Đăm Săn quyết định một mình đi đánh nhau với Mtao. Ở nhà Mtao cũng đang uống rượu đánh chiêng. Đăm Săn bước lên nhà Mtao, hỏi :

– Ở đây ai ăn năm uống tháng vậy ? Tôi nghe có tiếng chiêng núm đánh đầy gian ngoài, chiêng bằng đánh đầy gian trong, nhà đầy người hầu trai xinh gái đẹp. Bác có việc gì vui ? Hay bác có điều gì không tốt mà đánh chiêng đây ?

– Không phải thế đâu. Nhưng cháu là ai ? Ở đâu đến vậy ? Hãy lên nhà đi. Chúng tôi đang ăn năm uống tháng, mổ trâu thịt heo đó mà.

– Thôi lên nhà làm gì. Chúng tôi là những người nghèo khổ, rách rưới, đến cơm cũng không có mà ăn. Phải mang Phal đi đào củ mài, tìm củ êning, đi bới trong rừng.

– Ôi ! Tôi cứ tưởng cậu là người Bih, Mnông hay Drai, Dring gì đó chớ. Thôi ! cậu cứ lên nhà uống rượu ché Tuk bơng ang, uống ché Tang bơng m’ăng đi. Hãy nhắm thử rượu ngon rượu ngọt từ ông bà chúng ta xưa để lại.

– Thôi bác ạ ! Tôi run như là bị sốt thế này. Tôi đang muốn đến đá thử cho muối của bác văng ra đây.

– Ô hố ! Chưa được đâu. Cậu còn non nớt lắm. Còn tôi là người giàu sang, từng buôn đằng đông đã đi, buôn đằng tây đã biết. Đến đâu cũng có rượu người ta bưng, gà người ta thịt. Họ đều dọn mâm cơm ngon canh ngọt cho tôi ăn. Rượu người ta cột ché Tuk đã có, ché Tang đã từng. Trâu bò bao nhiêu tôi cũng đã từng ăn.

– Đối với ông thì chiêng ché đã đủ đầy. Nên bây giờ tôi muốn đã thử chiêng của ông ở gian ngoài, tôi vào gian trong phá thử cơm nước của nhà ông xem sao.

– Thôi thôi cháu ơi ! Cháu chưa đủ khôn lớn, chưa biết cà răng, mà đòi đánh người giàu sang. Chưa nổi đâu cháu ạ.

– Dù thế nào thì tôi cũng đã từng ở không yên, ngủ không được. Tôi đi làm rẫy cho các chị cũng không thỏa. Tôi muốn đánh thử chiêng núm của ông cho đến bể. Đánh chiêng bằng cho đến vỡ, rồi đem quăng vào hố củ êning, củ mài hết. Nếu có chết thì cũng như thay cán xà gạc ra.

– Thôi thôi đi cháu ơi. Tiếc cho cháu sống mới nửa vời nửa chừng. Chưa từng được ăn năm uống tháng, chưa từng mổ heo mổ trâu. Buôn Ki chưa từng đi, buôn Ru chưa từng tới, buôn Kur, buôn Lao chưa bao giờ đến gần. Còn tôi đây ngựa đầy chuồng, thức ăn đầy nhà. Đi cả Bih cả Mnông cơm nước người ta bê. Người ta bưng gà, người ta cho thịt, người ta ăn toàn cơm nếp gạo ngon.

– Tôi cũng muốn được như thế đấy ông ạ. Người Êđê mà được tôn vinh thì thần linh hay ma quỷ cũng phải bỏ chạy đi rừng xa thôi.

– Dù có thế nào thì cháu phá phách trong nhà, tôi cũng tiếc cho cháu lắm. Cháu như ốc có một con, như nước vơi trong ống ấy. Không còn cha mẹ nên cháu không biết dòng họ đông, dòng họ sang như thế nào. Tôi thật tiếc cho cháu !

– Tôi muốn biết nhà ông rộng mấy gian ? Nhà dài cỡ nào ? Muốn thử coi cột nhà ông to cỡ nào ? Muốn thấy của cải, muốn biết nô lệ ông có bao nhiêu ? Thôi đừng nói nhiều. Xuống ! Xuống đi ông. Xuống đây chúng ta chơi thử với nhau một chút xem sao.

– Tôi không muốn xuống đâu cháu ạ. Có chém thì chém thử con heo cái của nhà tôi ở ngoài kia kìa !

Không nói một lời thêm, chàng trai chém luôn. Chàng chém heo rồi chém luôn cả chó. Chưa cảm thấy đã tay liền nhảy lên chỗ Mtao đứng, đánh chỗ Mtao nằm. Chàng chém một lần sập một gian nhà. Mtao vội vàng kêu lên :

– Thôi đi cháu ơi ! Như thế thì lấy đâu chỗ chúng tôi nằm, lấy đâu nhà chúng tôi ở. Thôi được rồi ! Để tôi xuống ! Để tôi xuống !

Trong nháy mắt Mtao đã nhảy xuống, họ bắt đầu múa đao để xem ai giỏi, múa khiêl để coi ai hay. Mtao nghiêng đầu múa đằng tây, nghiêng người múa đằng đông, nhảy tưng tưng qua từng động tác vung gươm. Mtao vừa múa vừa nói :

– Nào hãy múa xem. Ta là người đã có chiêng đầy nhà. Gươm này đã từng ăn trâu, đao này đã từng ăn bò rồi đấy.

– Còn tôi không có gì cả ông ạ. Tôi múa không hay, đánh gươm cũng không đẹp. Ông cứ múa và chém thử tôi trước đi.

Thế là Mtao múa nghiêng múa ngửa. Vừa múa vừa chém, chặt đến nỗi cán gươm bị nứt cả ra. Đăm Săn vừa đỡ đường gươm của Mtao vừa nói :

– Ông vẫn tự khen là đã từng trải, từng đi đó đây. Chân đã bước đi nhiều nơi, đường Kur, đường Lao cũng đã tới. Buôn Ki đã dừng, buôn Dur đã qua. Không ai sánh nổi, không ai đánh được. Còn tôi chân mềm sức yếu, chỉ là người ngu dốt, còn là đứa trẻ con. Nên ông cứ múa đi, ông cứ nhảy đi. Hãy nắm cán đao cho chắc, muốn chém ai thì chém, nhưng đừng chém vào chân, đừng chặt vào tay mình như thế. Coi kìa, sao chân tay ông đầy máu me vậy ? Ông tự chém vào mình hay sao ?

– Không phải đâu cháu ạ. Đấy là máu trong khăn tay của vợ cả ta ở nhà đấy !

Rồi Mtao lại múa tiếp. Vừa múa vừa cố gắng chém Đăm Săn. Nhưng một lần nữa lại tự chém vào đùi mình. Đăm Săn lại hỏi :

– Sao vậy hả ông ? Sao mà chân ông, đùi ông đầy máu me thế kia ?

– Không sao đâu cháu ạ. Máu trên đùi là từ khăn tay của vợ hai ta ở nhà đó thôi.

– Ôi thật là đẹp, chiếc khăn của vợ ông sao màu mè thế nhỉ. Khăn đội đầu này người Tàu khách cũng không dệt đẹp bằng đâu.

Mtao thở hổn hển nói :

– Tôi nay đã mệt rồi, đến lượt cháu múa đi. Tôi không nói dối, cũng không nói quá đâu, tôi bây giờ thua bọn trẻ rồi.

– Không đâu ! Ông là người đã từng nhiều lần cầm khiêl đao. Nhà ông đầy chiêng núm chiêng bằng, đã từng đánh ăn năm uống tháng. Còn tôi thì chẳng có gì. Tôi đến đây chỉ để chơi vui với bác thôi.

Thế là chàng vừa múa vừa hát :

Rung rung lưỡi đao ta sắc/Rung rung khiêl ta rung rung/Ầm ầm nhà lớn gió thổi./Bay bay nhà nhỏ chấp chới/Gió nổi gà con không mẹ ấp/Thổi từ bến nước sang/Thổi từ đại ngàn về /Tạt một lần Mtao chới với…

Chàng lại hỏi Mtao :

– Thế ông từ đâu về mà mồ hôi mồ kê đầy người thế kia hả ?

– Không có gì đâu cháu ạ. Tôi vừa đi xem lại bến nước ở trên ống đồng, ở dưới ống thiếc. Đúng là bến nước của người giàu sang đấy cháu ạ.

– Ông tốt thật đấy. Đường ông vạch, đường ông mở sẵn rồi.

Chàng lại múa, lại nhảy. Đường kiếm, đường đao đi cùng khiêl vung, rung lên nghe ầm ầm. Nhà nhỏ bay phấp phới, nhà lớn thì chới với. Mtao như con gà con không có gà mái ấp cũng chới với đằng đông, chới với đằng tây. Mỗi một lần khiêl chàng tạt qua dạt hết một đám rẫy. Chàng lại hỏi Mtao :

– Ông ơi, ông đi đâu về mà mồ hôi nhễ nhại thế ?

– Không sao đâu cháu ạ. Tôi đi đuổi chim ăn lúa hdrô của tôi mới trổ. Tôi đi thăm rẫy gieo lúa hbla đằng xa. Tôi đi thăm lúa mkit cất trong chòi, để trong kho. Tôi không đi là quạ ăn, chim cu tới mổ hết cùng với chim vẹt đấy.

– Thế thì ông nhanh chân thật đấy. Lại còn cầm giáo vẫn giỏi nữa. Nay ông chiêng núm đầy gian trong, chiêng bằng đầy gian ngoài, người hầu trai xinh gái đẹp đầy khắp trong nhà cơ mà. Nhưng thôi ông ạ ! Chúng ta chơi với nhau vậy thôi nhé.

– Bây giờ cháu thử nhìn lên trời, trông lên cây xem thấy những gì ở trên đó ?

– Trời đầy sao ông ạ. Ở trên thì sao, ở dưới thì đất.

– Vậy cháu hãy nhìn lần nữa đi.

Trong lúc Đăm Săn đang ngước nhìn lên trời thì Mtao lén chém chàng. Lòng chàng bừng bừng tức giận không ở yên được nữa. Chỉ còn muốn đánh, muốn chém thôi. Xiết chặt cán gươm và nhảy lên nhà, Đăm Săn chém vỡ một chiếc ché quí, chém ngay đầu Mtao lìa cổ :

– Đó ông muốn ở đâu thì ở, ở đó mà ăn năm uống tháng, ăn trâu, ăn heo, uống ché Tuk, ché Tang thì cứ việc.

Bỏ mặc xác Mtao nằm đó, chàng đi vào trong nhà kêu mọi người :

– Ơ này chim Nghiêk hàng ngàn, chim Nghiêk cả trăm, hỡi chim cu chim Ktrâu, người hầu, nô lệ ở đây. Chủ các ngươi chiêng núm đầy gian ngoài, chiêng bằng đầy gian trong, người hầu kẻ hạ trai thanh gái đẹp ở ngay trong nhà, bây giờ hãy nghe ta đây : Hãy vác chiêng ché và tài sản đi theo sau voi, ai không nghe thì sẽ bị chém đầu, quăng xác cho kiến mối ăn.

– Thôi thôi ông chủ ơi, chúng tôi sẽ đi theo tất cả mà.

Người chăn trâu bò thì kéo theo trâu bò, người nuôi gà thì bắt gà, người nuôi heo thì khiêng heo. Người coi voi ngựa đều đủ cả.

– Còn ai không muốn đi không ? Hãy lại đây xem thử mũi đao ta, sờ thử lưỡi gươm ta và thử sức với ta luôn.

– Tất cả chúng tôi đều sẽ đi cùng ông, tôi đi cùng cậu, tôi đi cùng chú, chúng tôi sẽ khuân vác tài sản, chúng tôi sẽ khiêng gùi đi.

Chàng đi khắp các nhà kêu gọi dân làng. Ai ai cũng sợ bị chém đầu nên đều thuận lòng đi theo răm rắp. Không ai muốn ở lại. Họ mang tất cả tài sản của Mtao về cho chị em chàng. Về đến nhà các chị chàng hỏi :

– Em làm tất cả những việc đó à ?

– Thế đấy chị ạ ! Em đã làm những gì em nghĩ là phải làm thôi.

– Bởi vì em chỉ là chàng trai mới lớn, chưa đủ khôn, chưa được cà răng.

– Chị sợ rằng em chưa đủ trí để đánh người Mnông, người Bih. Vì em múa đao chưa giỏi, nên chị không muốn để em đi đó thôi.

– Bây giờ em chỉ muốn các chị mở hội ăn năm uống tháng, mổ heo mổ gà.

– Cúng thì cúng. Ăn thì ăn em ạ. Vì muốn mổ heo đã có heo trong nhà, muốn ăn thịt gà đã có gà đầy sân. Ché Tuk, ché Tang đầy đủ cả, chị đã ủ sẵn cho em từ lâu rồi. Nhưng em ơi, ai sẽ làm lễ cho, ai sẽ ăn năm uống tháng cùng em đây chứ ?

– Ôi chim Nghiêk cả ngàn. Thiếu gì người mổ giùm, người cột ché, người biết chia thịt cơ chứ. Rồi sẽ có người làm tất cả mọi việc. Chị xem đấy, từng này người của nhà Mtao sẽ là tôi tớ của nhà ta chị ạ. Họ đều biết nấu nướng làm ăn, biết nói năng, tiếp cả khách Kur, khách Lao đấy.

– Những người đó nhà họ đều có chiêng, họ đều đã giàu, có sự hiểu biết. Sợ họ sẽ chống lại em. Vậy nên em phải theo gương chú đã làm trước, theo chân bác đã đi qua, đã vạch đường vạch lối từ lâu. Bây giờ chị muốn tìm cho em một người ở cùng. Người đó đã đủ lớn, nhưng gia đình nghèo nàn, cơm không đủ ăn, canh không có. Vậy em có ưng không ?

– Thôi chị ơi, em sao có thể theo cậu, theo bác mà bỏ các chị ở một mình được ?

– Không sao đâu em ạ. Tất cả mọi việc các chị đều tự làm được, mà còn có anh rể em nữa cơ chứ. Còn người chị muốn cho em, chị sẽ hỏi sẽ lo, nếu cần sẽ khuyên bảo nữa.

– Thôi tùy chị ! Chị muốn kêu họ sang thì chị kêu.

Chị của Đăm Săn đi hỏi cô gái nghèo :

– Hãy sang nhà chị chơi. Em có ưng lấy em trai chị không ?

– Ôi chị ! Em là người xấu xí, nghèo khổ. Sợ em trai chị không thèm ưng em. Lại còn không biết nấu ăn gì, vì nhà nghèo cơm không có, thức ăn cũng không, lấy gì mà học nấu ?

– Không sao đâu em ạ ! Chị đã hỏi thử em trai rồi, cũng đã nói kỹ, hỏi đủ mọi điều. Nó ưng em rồi đó.

Nghe vậy cô gái nghèo mới dám bỏ nhà mình đi sang nhà Đăm Săn. Cô lên nhà. H’Prăk ra đón và chỉ chỗ :

– Đây là chỗ của các em. Chỗ này có năm cái bếp ở gian ngoài, năm cái bếp bên gian trong. Các em ở giữa. Em để gùi giỏ của em ở đây.

Chị lại gọi Đăm Săn :

– Lại đây em, vào trong nhà đây em.

– Có việc gì đấy hả chị ?

– Chỗ của vợ chồng em bây giờ ở giữa. Đằng gian ngoài năm cái bếp, gian trong năm cái bếp nữa. Vợ em sẽ nấu nướng ở đây. Đây là chỗ của các em nhé.

– Chị muốn đặt ở đâu thì đặt, tùy chị ! Thế nào em cũng ưng thôi. Chị đã kiếm tìm, chị đã gọi vợ về cho em, thì em cũng nghe theo ý chị thôi.

Ở một ngày, nghĩ một đem, nghĩ thêm một năm. Đăm Săn bảo :

– Chị ơi, nay em muốn làm một lễ cúng lớn cho tất cả mọi người.

– Tùy ý em ! Em đã nghĩ được như thế thì em làm đi. Vì nếu muốn ăn bò đã có sẵn trong nhà. Muốn mổ heo cũng đã có ngay trong sân. Ơ các con. Bây giờ người nào nuôi heo thì hãy đi lấy heo. Ai là người làm rượu thì hãy đi cột rượu đi nhé.

Người ta bắt con heo to có cái răng nanh một tấc, đuôi dài một gang. Họ cầm cám rủ nhau cùng đi gọi heo, bắt heo.

– Này gọi đi, kêu đi cho heo về ăn cám.

– Ơ heo ! Răng nanh của mày một tấc, đuôi dài một sải. Chỗ mày nằm như chỗ con tê giác.

Mấy người nuôi heo vừa gõ vừa gọi, một lúc heo đã về.

– Bắt đi, bắt đi !

Mấy  người xúm vào bắt, nhưng người này không bắt được, người kia túm cũng không xong. Vợ Đăm Săn đành đi gọi chàng bắt hộ cho con heo, vì tất cả mọi người đều đã chịu. Cả ngàn người đàn ông đông như chim nghiêk vậy mà không ai bắt nổi heo. Có người còn bị rách hết cả áo. Họ cùng gọi Đăm Săn. Chỉ một hồi sau chàng đã vồ đè trên heo, rồi cột hai đôi chân quăng lên sàn trước nhà.

– Mổ đi anh em, để nhanh chóng ta ăn mừng.

Người này bảo người kia, hai người khiêng, ba người nắm, bốn người cùng làm mới vật được con heo. Họ chọc tiết đầy một nồi Biê, chất tim gan đầy một nồi Bung, da đủ phủ một chiếc trống. Họ mang đi đốt heo ngay tại bờ suối, đốt xong lại mang về nhà xẻ.

Tiếng chiêng bắt đầu vang lên khiến cho đàn khỉ Voọc trong rừng mải nghe quên cả nhảy qua cành cây. Những người phụ nữ lắng nghe quên đi gùi nước, người gùi củi quên cả củi. Ai cũng ngẩn ngơ.

– Ôi ! Chiêng của ai mà nghe hay thế nhỉ ?

Chiêng nhà Đăm Săn vang đi khắp buôn trên làng dưới, ai cũng khen tiếng chiêng sao mà vang thế, hay thế ?

– Đúng như người ta nói là : Chiêng núm đầy gian ngoài, chiêng bằng đầy gian trong. Thật đẹp tiếng chiêng nhà H’Prăk, H’Nui. Bây giờ không ai băng họ nữa.

Chị em H’Prăk, H’Nui và Đăm Săn nay đều đã khôn lớn, giầu sang. Dù trước đây họ nghèo tả tơi, phải đi đào củ êning, đi tìm củ mài, tay cầm knuih, cầm phal. Bây giờ chiêng trăm họ đủ, chiêng ngàn họ có. Nhà to rộng không ai bằng, không ai giống. Họ giàu nhanh như ngọn đao phóng qua đám sậy, như cái sào vút qua đám tranh. Nhờ có các loại thú rừng giúp làm rẫy, nên nhà họ rất nhiều lúa, nhiều kê.

Những người tôi tớ vừa làm việc vừa nói chuyện với nhau như vậy. Họ mỗi người một việc. Người cắm cần rượu, kẻ đánh chiêng. Dứt chiêng thì cúng các thần linh. Mọi việc đã xong. Họ ăn uống một ngày rồi hai ngày. nhiều khách xa, khách gần cũng tìm đến. Có cả khách Kur và khách Yoan, trông thấy người Êđê mở hội rất vui vẻ cũng đến chơi. Cho đến khi xong hội hè, ăn uống là đã ba ngày ba đêm.

Thời gian trôi đi thế là được một tuần trăng, hai lần trăng, rồi một mùa rẫy, hai mùa rẫy. Ngoài rẫy của chị em Đăm Săn đã có chòi một sải, trong rẫy đã có chỗ hái rau. Vợ chồng sống với nhau trật trọn vẹn, hạnh phúc. Cùng với người hầu kẻ hạ ngàn từng này, nô lệ trăm từng kia. Nhưng Đăm Săn lại thấy buồn. Chị chàng hỏi :

– Chúng ta ăn ở vậy tốt rồi em ạ. Nhà to thì đã có, trên sàn đông đúc người nữ dệt vải. Bây giờ còn cần gì nữa đâu em ?

– Em muốn tổ chức việc làm ăn lớn, mở mang rẫy nương. Làm thêm chòi nơi bờ suối, làm thêm rẫy trên đồi cao, chọn nơi nào đất tốt, nước đẹp.

Nói rồi chàng đi tìm đất phát rẫy. Chọn nơi vừa ý chàng phát rất nhanh được một khoảnh lớn. Nhưng qua một đêm, sáng ra đến rẫy xem thử, muốn tìm nơi đã phát hôm qua mà chẳng thấy đâu. Nơi nào cũng thấy cây cối tốt tươi, các loài cây còn như mọc dày hơn.

– Ồ ! Chỗ tôi phát hôm qua đâu rồi ? Chính tôi đã phát được một phần khu rừng này cơ mà ?

Một buổi sáng, hai buổi sáng, rồi ba buổi sáng như vậy. Nên Đăm Săn quyết định phải phục bắt cho được kẻ nào đã làm cho các cây cối nơi chàng phát càng mọc dày thêm như vậy.

Chuẩn bị sẵn cơm nước và thịt gà, chàng nằm phục từ sáng tinh mơ cho đến hết cả ngày tới chiều. Chờ cả mặt trời xuống cũng chưa chịu về. Đến tận khuya mới nghe thấy tiếng người nói :

– Dậy dậy đi cỏ. Dậy dậy đi tranh, đừng có chết khô. Dậy dậy cây ơi, đừng héo đừng mòn. Hãy dậy hết đi cây cỏ, đừng có buồn bã.

Chàng nhanh như tia chớp nhảy ra túm ngay tay kẻ phá hoại đã làm cho cây cỏ trong rẫy chàng mọc lại :

– Tôi đã đi mấy buổi rồi. Nay tôi bắt được tay người làm cho rẫy tôi cỏ mọc, làm cho rẫy tôi cây sống lại.

– Ôi ! Chúng tôi sai với chàng rồi. Chúng tôi cứ tưởng đây là rẫy Bih, đây là rẫy Bang chớ. Cứ tưởng rẫy này của người ngoài. Không ngờ lại là rẫy của chàng à Đăm Săn ?

– Đúng đây là rẫy của tôi. Tôi đã mất bao nhiêu công sức mới phát được. Bây giờ tôi phải quăng cho mày chết, ném mày trong bụi rậm thôi.

– Thôi thôi Đăm Săn ơi. Để chòi đó chúng tôi dựng. Để rẫy đó chúng tôi làm. Nhất định làm lại cho chàng cả lúa cả kê, chúng tôi sẽ phát rẫy thật to, sẽ cuốc, sẽ trỉa lại giống, giúp cho chàng làm cỏ để đền lại cho chàng.

– Không được. Tôi tức lắm rồi. Để tôi chém ông ngay đây còn hơn. công sức ba buổi tối làm mệt lắm rồi. Tốt hơn là tôi chém và quăng mày trong sông suối kia còn hơn.

– Thôi đừng chàng Đăm Săn ạ. Hãy để cho tôi sống. Tôi sẽ làm chòi một sải. Làm rẫy thật to cho chàng có chỗ hái bẻ thức ăn nhé.

Nghe hắn năn nỉ hoài chàng không đánh chém chết, cũng không đành quăng xác trong bụi cây nữa. Được Đăm Săn tha chết, kẻ đó làm phép chỉ một loáng là có ngay rẫy lúa rộng mênh mông, con chim nghiêk bay mỏi cánh. Đăm Săn về buôn gọi kẻ hầu người hạ :

– Tất cả hãy theo tôi đi làm rẫy. Ai dọn cỏ thì dọn. Ai trỉa hạt thì đi trỉa, người trồng bắp trồng dưa thì đi trồng trong rẫy cho tôi.

Các tôi tớ tranh nhau trả lời :

– Tôi đi lấp hố !

– Tôi cũng xin đi…

Người gọi anh, người gọi cậu, có người gọi chú, đều đồng lòng đi giúp cho Đăm Săn. Công việc sắp xếp đâu vào đó. Ai dọn thì dọn. Ai cầm cuốc thì cuốc, ai đốt rác cứ đốt. Quả là thành một cái rẫy to. Lúa lên xanh tốt. Người ta thì mới bắt đầu phát, mà rẫy nhà chàng Đăm Săn đã sắp vàng bông.

Trích tiếng Êđê –  Klei Êđê

Mtao lac :

– Dôk bĕ ti ktăm anei H’Nui, H’Prăk ah, đăm bĕ diih dê ti nei. Knŏng kăp hmư mă ênai cing char kâo.

H’Nui, H’Prăk awưh akâo :

– Hbuih khua ah, si lei ih ngă kơ hmei sơnei, si hmei gơ thâo lŏ hdĭp ? Si ih lui hĕ hmei gơ tlâo amai adei ?

Mtao lac :

-Thâo gah diih, kpư bơng gơ kơh ênĭng diih duah klei gơ, hbei tih knih phal diih duah djă gơ kơh. Di ih dê thâo amai adei. Amâo mâo mnơng kâo dưi lŏ brei kơ diih ôh. Cing dâo leh bŏ gah, knah dâo leh bŏ lam, hlŭn êdam êra bŏ leh sang kblăl. Đuê bĕ diih dê ti êngao, nao bĕ diih dê ti mnư.

Mtao lui kơ digơ bưng kpŏ gŏ êsei sa boh mơh, brei kơ digơ, gŏ djam sa boh mơh, lui bưng kpŏ amŏ gơ hruê lui kơ H’Nui gơ dôk hŏng mtâo, digơ dôk ti êngao mnư anăn yơh. Anei bi mtă tlâo amai adei :

– Đăm nao ôh kơ sang Bih, đăm dôh ôh ti sang Mnông, dôk ti hdjiê anăn yơh.

Anei digơ dôk sa hruê, dua hruê, dôk mơh braih gơ hlăm mluê. Brư hruê jih yơ braih. Buh pap kơ adei diňu amâo lŏ mâo mnơng bơng anăn diňu pi jăk.

– Nao bĕ drei bi tih hbei, klei ênĭng.

Đuê hiu yơh tlâo amai adei digơ, duah ênăn kăn Ьuh lei hbei. Dliê huông kmrơng buôt. Amai di ňu lac :

Bun msĕ amŏk sĕ buôt yơh drei anei cuă dliê dih hbei kăn mâo. Anei tơl mgi aguah lŏ dơng nao duah, nao lăng dliê kjăp, nao hlăm trăp ktang, nao klăm dliê hlang mbô. Sa hruê hiu Ьuh yơh hbei, bi tih yơh tlâo amai adei diňu, anei tih căng yăn hbei kăn yăn, căng prŏng hbei kăn prŏng. Tih jih sa awan, dua awan knih. Dlăng yang hruê leh wih snăn bi jăk duah anôk mkăn. Digơ lŏ hiu truh sa wưng hdrăh lŏ duah nao hbei klei nao ênĭng, ti nei Ьuh mơh hruê hbei klei ênĭng. Anăn bi lac :

–          Bơ bĕ drei bi tih !

Tiăo amai adei bi kphưk dŏng bi tih . Anăm buh hmư ênai mnuih duah lua mnah; djă kju lua han mnah hiu duah guôi mông.Anăn sa cô hlăm phung hiu lua lac :

–          Ti kdrăn drei nao anei ơ knai awa ňu?

Pô dih wit lac :

–          Ih drei nao gơˇ ti dlie hlô Бơng kơh

Anei sa wưng êdrah sa wah kmrơˇng hiu lăng dơˇng rơˇng hong asâo yan bhang, anăn bi hmưˇ brĭ brĭ ênai phung dôk tih hbei.Sa cô lac :

–          Buih anôk anei lah êgap hlô bơng

Năn ňŭ lua mnah mut jih sa kdrăn , lŏ hmˇ mơh brĭk brĭk. Ňu mĭn ciăng mnah Ьrăm.Di ňu kdjăt asei mlei :

– Hbưih ! Hơăi mang yơh anei hlei pô anei mgei hĕ yang cˇ kpˇ hĕ yang lăn , anôk yŏng mâo mnah lah knai awa ňu. Pô dih lac :

– Thao we, nao bĕ drei nao wit kơ glai rai kơ tluôn wit kơ buôn sang be. Yang hruê ti rôc lĕ rôc lĕ tlam

Sa cô lac :

–          Nao be drei wit kani wa nu

Wit ktruh kơ sang aduôn nu êmuh:

– Si ngă cô muyn mơ hĕ, ih đăm gua lua mnah duah Ьơng, muyn mơh deh cô. Cô ňu wit lac :

– Buih ! păp mňai aduôn aê ah, amâo mâo ôh. Mgei hĕ yang cưˇ kpưˇ yang lăn anôk kdrăn hlô Бơˇng nik, anei kâo mĭn dơˇng ciăng mnah hlô blut đuê hĕ mŭt hlăm băng ak.

Aduôn ňu lac :

– Lui bĕ cô ah ! Anăk jiă kmar gơˇ ơˇ êning duah klei, gơˇ ơˇêya êpa hŏng trong amrêc gơˇ knap digơˇ amâo mâo mnơˇng digơˇ Бơˇng . Êning duah klei hbei tih knih phal gơ djiă.

– Ih sơnăn deh aduôn. Si ngă diňu aduôn? Mnuih kmưn bĕ diňu aduôn?

Cô lac :

–          Hbôih ! Ei leh ngă kơ mnuih gơ sơnăn.

Aduôn lo blŭ:

– Mtao anăn kmang dôk huă blăm, huă êsei siam djam jăk. Biaw dah lui he mnuih ti êngao mnư

Cô lac :

–          Brei lăng kâo nao dlăng diňu aduôn?

Aduôn gă :

– Lui bĕ cô ah. Gơˇ hên kơ ih, gơˇ mlâo kơ ih, ŏng dê gơˇ jăk êning, jing krang yang brêi , ong kbăt êkêi hruê. Di gơˇ đê jơ jơ m’iêng mơng kđao lah êkei êdam ah.

Tơl Бia lŏ nao akâo, dua kma tlâo aduôn ňu brei yơh ! Aduôn nu lac :

– Ŏng ciăng dlăng êdi hĕ cô, dah sơnăn ih mơit brei yơh mnơˇng Бơˇng huă.

Anăn aduôn ňu mprăp mdiê asăr brei djă, ktơr sa asăr brei nu djă. Plei gôt sa asăr sơăi , amrêc trŏng mnah mbruê anăn, djăt lŏ hmưˇ săp ênai ňu mơh brei ňu djă ba

Anei dơng đuê nao yơh :

–  Nao drei nao ơ knai ah! Drei lo nao kơ anôk drei mnah mbruê a năn, djăt lo hmư săp ênai nu

Sui biaw kơ năn hmư yơh phúng phúng . Sa co lac:

– Nă hmưˇ yơh knai awa ňu, di ňu tih hbei yơh anăn. Anei nao bĕ ŏng êlâo knai awa ňu , kâo dê êlan amâo thâo lo công kâo dê knai ah! Klông amâo thâo lŏ buh nao bĕ ŏng êlâo, kâo tui tluôn  .

Anăn di ňu dơˇng nao, nao brưˇ brưˇ giăm êjai buh yơh asei mlei di gơˇ. Brơˇk amai adei digơˇ hmưˇ ênai juă bhit êkhêc êrêc . Sa cô bluê đuê yơh d’duăt dăp hĕ hlăm cuê, a năn adôh dua amai adei bi tih yơh H’ňui duê dăp hĕ leh .Phung dua cô êkei êmuh :

–          H’bơih ! Ya leh diih dôk ngă kơh amai adei ?

H’Prăk wit lac :

– H’bôi ! Ayŏng adei ah ! Tian ktŭng êhŭng kpưˇ hmei duah brư tơl jing êsei djam, êning hmei duah klei êkei dam ah. Êning duah klei hbei tih knih phal hmei djă anei.

Dua cô êkei wit lac :

– Бuih ! sơnăn deh amai adei. Si ngă amai adei tih lăng kâo dlăng, tibi kâo dlăng lăng nu Ьăng hbei ŏng?

Arei nao dlăng ti băng hbei iêp :

– Бuih ! Đơnei deh amai ah ! Si lei thâo hdip, si lei thâo bơˇng enei, gơˇ đơ grăn kgă lah anei cŏng djhuôi .

H’Prăk :

– Бuih ! Si lei mngă ayŏng adei ah ! Hmei djă ba hnăn, anei hmei gơˇ tih dlông biă hmei gơˇ wơk băn Ьơˇng, ba tuk sơnăn lah ayŏng adei ah .

Dua cô êkei :

– Kâo hriê mơˇng ngŏ sơnei mơh, kâo buh hruêˇ gơˇ bi êruê. Ih nao dlăng lăng êlâo ơ knai awa ňu

Sa co lac :

– Nao kơh amai adei ah ! Dlăng lăng gơˇ dah gơˇ djŏ ih klei, dah gơˇ amâo djŏ ih lui. Săm dah ňu lui ti anăn dlăng yơh

–  Nĕ anei bruêˇ ňu amai ah. Ňu mơh hbei yơh anei. Klei wêˇ amai adei ah. Anăn klei tĭp tĭp, klei hơnăn tĭp hbei mơh

Tlâo ˇcô amai adei :

– Бuih ! Si ngă hmei sơnei ? Anei dlăng lăng hruêˇňu đơ ana jơng. Dlăng lăng kŏ đơ bŭng. Anei yơh kâo amâo thâo lŏ klei lah ơ ayŏng adei ah !

Dua ˇcô êkei :

– Ih ŏng klei gơˇ kbưi mkơh, klei gơˇ kbưi biă kơh. Lŏ dơng phai bĕ, ơ knai awa ňu. Ih klei brei bĕ kơ digơˇ, ih mdar brei êlâo. Anăn sa ˇcô phiang mă wăng klei brei yơh.

– Nĕ gơˇ anei lah amai adei ah, hbei êdi kơh.

Sơnăn lŏ dơˇng klei tơl nơˇng awăn boh tih hbei hin êjai lŏ prŏng. Dlăng lăng yơh ˇchĭ hlăm bŭng bŏ hlăm bŭng ˇchĭ hlăm mnơˇng ňu kuêˇ lăn bŏ hĕ mơh.Yưˇ yưˇ yơh yang hruê dơˇng tlam.

ĐĂM SĂN THỜI THƠ ẤU

Người kể : AE WƯU

Sưu tầm, dịch LINH NGA NIÊ KĐĂM-Y’KHEM

Chỉnh lý văn học   H’LINH NIÊ

Tóm tắt cốt chuyện : Đăm Săn có hai người chị , nhưng là những người nghèo, những nô lệ bị chủ ruồng bỏ. Nhờ được sự cứu giúp của những chàng trai nhà Trời, nên cuộc sống ngày một sung túc hơn. Dam San lớn lên,  trả thù Mtao và chăm chỉ làm ăn nên gia đình trở thành giàu có. Đăm Săn cũng không phải lấy vợ nối dây, còn đưa vợ về chung sống tại gia đình mình.

Dẫn chuyện :

Chúng tôi kể về chuyện cổ xưa xa lắc xa lơ của núi non quê hương ta. Theo lời truyền từ ông bà để lại, từ vạn vật rẫy nương, lời dặn dò từ chú qua bác. Chuyện này kể về Đăm Săn và các chị em chàng là nô lệ cảu tù trưởng giàu có. Họ phải ở ngoài bìa rào ngăn cách. Nghe lời chú kể, bác bảo phải đi tìm, nên tổi cầm tẩu thuốc theo từ bác, làm rẫy nương theo từ chú. Tôi người còn trẻ, lưng chưa dài vai chưa rộng, chưa đủ lớn để cà răng. Nên tôi tìm học từ chú, nghe từ bác câu chuyện xưa. Nay tôi đã quen lối, đã rõ đường họ đi. Lời họ k’ưt, họ k’han tôi đã thấy, đã lấy được từ lời họ nói.

Tên của hai chị là H’Prăk, H’Nui. Họ đã từng làm nô lệ của Mtao. Nhưng nay tù trưởng vì lý do gì đó đã không còn đoái hoài, không muốn nuôi chị em họ nữa, nên Mtao mới buộc họ ra ở ngoài rìa, nơi ven suối, bên kia bờ rào. Thức ăn hắn không cho, cơm cũng không cấp, không nuôi ba chị em họ nữa.

Mtao :

– Này H’Prăk, H’Nui ! Hãy ra ở ngoài luôn, ngoài rìa bên kia rào. Ngủ tại đây, ở tại đây. Hãy ở lại đó mà nghe tiếng chiêng, tiếng trống của nhà ta.

H’Prăk, H’Nui van xin :

– Thưa Mtao, sao lại như thế này ? Ông làm như vậy thì chúng tôi biết sống dựa vào đâu ? Sao Mtao lại bỏ rơi ba chị em chúng tôi vậy ?

Mtao nói :

– Ai mà biết được các người. Hãy tục kiếm lấy mà ăn. Khoai êning tự đi đào, khoai rừng tự đi bới. Tự cầm knuih, cầm phal(1) đi tìm chớ, ba chị em chúng mày. Ta không muốn nuôi các người nữa. Chiêng ta đã đầy gian ngoài, knă(2) ta đã chật gian trong. Người hầu kẻ hạ của ta cả nam lẫn nữ cũng đã đầy ắp trong nhà. Chúng mày hãy đi đi, ra ngoài buôn ngoài rào của ta mà ở.

Mtao chỉ để lại cho họ một cái bát, một cái nồi. Họ đã đi với chỉ từng ấy thứ ra ở ngoài rìa rào mà thôi. Ba chị em bảo nhau :

– Thôi đừng nên ở nhà người Bih. Đừng nên sang nhà người Mnông. Hãy chỉ ở nhà kho bỏ hoang để trống đó thôi.

Họ ở được một ngày, hai ngày vẫn còn gạo ăn trong hũ. Nhưng gạo cạn dần rồi hết hẳn. Thấy tội nghiệp đứa em trai không còn thứ gì để ăn. Nên chị em mới rủ nhau :

– Chúng ta hãy đi đào củ mài, đi tìm cái gì mà lót bụng đi.

Ba chị em đi mãi trong rừng kiếm củ mài hay củ êning (3) để làm cái ăn.. nhưng tìm chỗ này không gặp, đào chỗ kia cũng không thấy, trong rừng trong rú không chỗ nào thấy củ. Họ cứ như khách qua đường đi ngang qua rừng, nên nhièn chẳng thấy có củ khoai nào.

Qua một ngày, ở hết một đêm, đến một sáng sớm chị em lại đi tìm. Đi hết cánh rừng già, đi thử qua ven đầm sậy, đạp lên cả rừng cỏ tranh. Hết cả ngày mới tìm được một dây củ mài. Thế là họ bắt tay vào đào. Ba chị em thay nhau đào mãi, đào mãi, sao chẳng thấy củ ? Càng đào, càng mong lại càng không thấy bóng dáng một củ nào, dù nhỏ. Đào tiếp thêm một đoạn knuih nữa, ngước mắt lên đã thấy mặt trời xế bóng. Ba chị em lại rủ nhau đi tìm củ nơi khác. Họ cứ đi, đi mãi. Qua một cánh rừng khộp lại dừng tìm củ mài, kiếm vài dây củ êning. Mãi cũng gặp một dây.

– Ba chị em mình lại đào chỗ này thôi.

Họ cứ thế mà cắm cúi đào mãi. Lúc này nghe có tiếng người đi săn, họ cầm theo giáo để đâm, cầm nỏ để bắn. Họ đi tìm cả bắp chuối non và đọt rau rừng. Một người đi săn nói :

– Này bạn ơi ! Chúng ta đi qua rừng nào đây?

– Chúng ta sẽ đi tìm nơi thú nằm, nơi nào có con thú ra ăn, nơi đó chúng ta sẽ đi qua.

Đi được một đoạn rừng khộp, qua ngang một khúc rừng già, đi một quãng dài cùng với bầy chó, thì họ nghe tiếng lịch bịch của những người đang đào củ.

Mấy người đi săn bảo nhau :

– Chắc vùng này là nơi thú ăn, là chỗ thú nằm rồi đó !

Thế nên họ bảo nhau đi nhẹ bước. Tai cứ nghe tiếng lịch bịch, làm cho ai cũng muốn bắn ngay bằng nỏ với mũi tên độc. Nhưng rồi họ giật mình, vì ai đó làm gì rung cả núi, động cả rừng.

– Đúng là vùng có con thú ăn rồi. Nhưng tôi bắn không kịp bạn ơi.

– Vậy thì về thôi. Mặt trời đã xuống ngang qua chiều rồi. Chúng ta về đi bạn ơi.

Khi về tới nhà bà hỏi cháu :

– Các cháu đi săn có gì may mắn không ?

– Ôi ! Tội nghiệp quá bà ơi ! Chẳng được một chút gì cả bà ạ. Chỉ nghe có tiếng động rung rừng rung núi. Tưởng bắn được, nhưng lại không thấy con thú nữa. Chắc lũ nó trốn trong hang hay trong động gì đó rồi.

– Không phải đâu cháu ạ. Đó là người trần gian họ đói khoai phải đi tìm đào, đói rau không có gì mà ăn. Nên họ phải mang Knuih đi đào, cầm Phal đi bới đó thôi.

– Ôi ! Thế thật hả bà ? Họ là người dưới trần gian hả bà ? Vậy họ người ngợm ra sao ?

Bà bảo :

– Tên của họ bà cũng biết. Họ là H’Prăk, H’Nui và chàng Đăm Săn. Ba chị em họ đi tìm củ êning, đi đào củ mài. Trước họ là nô lệ của Mtao. Nay Mtao để họ ở ngoài hàng rào tự đi đào củ mài, bới củ êning, khổ như thế đấy.

Chàng trai người trời :

– Bà ơi ! Hãy cho cháu đi xem họ ra sao nhé !

– Thôi thôi cháu ơi ! Họ sẽ xấu hổ với cháu đấy. Cháu là người may mắn, được ăn ngon, ngủ sướng, khỏe khoắn đẹp trai. Còn họ nghèo khổ, mặc m’yêng chỉ đến đầu gối. Thôi cháu đừng đi xem họ làm gì. Họ lại càng xấu hổ với cháu là người trai trẻ.

Lâu lâu chàng đi săn lại nhắc với bà lời cầu xin ấy .Một lần, hai lần. Đến lần thứ ba thì bà đành phải cho phép :

– Cháu thật sự muốn biết họ à ? Thế thì cháu đi, nhưng đem theo cả cơm gạo thức ăn cho họ. Đem theo cho họ lúa một hạt, bắp một hạt, bầu bí ớt cà mỗi thứ đều một hạt nhé.

Chàng trai rủ bạn :

– Chúng mình đi thôi bạn ơi. Đi tới chỗ chúng ta định săn mồi bữa trước đó mà.

– Thế thì bạn cứ đi trước đi. Vì đường chúng tôi không rõ nên chúng tôi sẽ theo sau.

Họ cùng ra đi tới gần nơi ba chị em đang đào củ. Nghe tiếng người, H’Nui mắc cỡ vì bận váy cộc nên bỏ chạy nấp sau bụi cây, còn hai người vẫn đào tiếp. Các chàng trai lên tiếng gọi :

– Ô ! Các chị em đang làm gì đấy ?

– Thôi thôi đừng có hỏi làm gì các anh ơi. Bụng cào, ruột kéo, người chúng toi héo vì đã hết cơm, cạn gạo rồi. Chúng tôi phải đi tìm êning, đi đào củ mài, nên mới phải cầm phal, cầm knuih này.

– Thế hả ? Đâu, để chúng tôi xem xem hố củ êning, củ mài mọi người đào như thế nào rồi. Ôi ! Sao chỉ có củ cỡ này thôi à chị em ? Củ nhỏ vậy làm sao ăn được đây ? Củ chỉ bằng cán dao, đào mãi cũng chỉ thấy bằng cán cuốc, ăn thì đầy xơ, đầy sợi…

– Biết làm thế nào được hả các anh em ? Đành phải chịu thế thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng đào tiếp cho được dài thêm rồi mới bẻ về ăn, mang về nấu. Như thế thôi các anh ạ.

– Chúng tôi đi ngang qua chỗ kia thấy có một dây củ mài có gai như dây này các bạn ơi ! Mình lại xem chỗ cái dây củ mài tôi đụng phải, đúng cái dây củ mài tôi vấp xem sao nhé !

Họ kéo nhau đi xem và kêu lên :

– Đúng là dây củ mài thật rồi, đào đi chị em ơi. Mình cứ đào thử đi chị em à.

Thế là họ xúm nhau bắt đầu đào. Mới bịch bịch hai ba nhát đã đụng củ. Đào chệch sang một bên cũng lại gặp củ.

– Sao lại nhiều thế nhỉ ?

– Ô ! Tại sao dây củ này to bằng ngón chân cái, nên củ khoai mới to bằng cái mặt gùi đó.

– Chao ôi ! Tôi không biết phải đào như thế nào nữa các anh ơi.

– Thì cứ đào xa xa ra một tý. Mở rộng miệng hố ra mà đào xuống chớ.

Các chàng trai gọi nhau :

– Này bạn ! Giúp chị em đi, bới đi bạn ơi. Hãy giúp họ một tay, mở miệng hố, đào một vòng cho họ.

Đào xuống khoảng chừng một khuỷu tay thì gặp củ càng to hơn.

– Ôi ! Củ to lắm ! Củ to lắm ! Này hãy nhìn mà xem. Bỏ trong gùi là đầy hết gùi. Chùi sạch đất đi bỏ vào cũng đầy nữa.

Họ mải mê đào, chiều xế lúc nào không ai hay. Một chàng đi săn nói :

– Chị em cứ ở đây mà đào cho xong, đong cho đầy gùi nhé. Còn chúng tối ná cầm trong tay, giáo mang trên người, nên chúng tôi phải đi săn, đi tìm đọt non, bắp chuối đây.

– Thế thì các anh em cứ đi đi ! Cứ đi thôi !

– Chị em đào xong mang về nhà cho hết nhé. Nếu tiện đường, chúng tôi sẽ ghé qua. Chị em hãy nấu nồi to, nồi lớn cho chúng tôi ăn thử với.

– Thôi anh em ạ, ngại lắm. Không muốn để các anh tới nhà chúng tôi đâu. Không thể được đâu các anh ơi. Nhà đã rách rưới dột nát, nhìn lên trên ngó được trăng sao, trông xuống dưới thấy phân trâu, phân bò. Nhà như thế đó, các anh đừng có ghé chúng tôi.

Các chàng trai cầm nỏ đi săn, cấm giáo đi tìm. Nhưng họ không phải đi săn mà lần theo dấu chân đi đào củ mài của ba chị em H’Prăk, H’Nui.

– Đây rồi ! Đây rồi ! Nhìn thấy dấu chân của họ đây rồi.

Đi ngược lên một đoạn thì các chàng tới con đường đi về buôn của Mtao, qua một hồi nữa đến bến nước của Mtao, họ gặp ngay lũ trẻ đi gùi nước. Các chàng trai hỏi thăm :

– Hỡi các em đi gùi nước, đây là buôn gì ?

– Đây là buôn Mtao của chúng tôi đấy. Tất cả chúng tôi đây đều là người của nhà Mtao.

– Thế còn nhà kia bỏ hoang à ? Nhà đó có người ở không ?

– Đó là nhà của ba chị em mà chủ chúng tôi đã bỏ. Thức ăn chủ chúng tôi không cấp, cơm cũng không cho. Chủ chúng tôi không thể nuôi họ được nữa. Mtao chúng tôi là người giàu có, chiêng bằng đầy gian ngoài, chiêng núm đầy gian trong. Người hầu kẻ hạ đầy nhà.

– Thế tại sao lại bỏ họ ở ngoài rào ? Tại sao phải bỏ họ ở ngoài rìa, ngoài buôn ?

– Chúng tôi làm sao biết được vì sao Mtao lại để họ ở ngoài đó. Chỉ biết người ta gọi họ là H’Prăk, H’Nui thôi.

– Tiếc thật ! Sao Mtao lại đối xử với người ta như thế nhỉ ? Bạn ơi ! Chúng ta đi lên xem thử nhà của họ nhé.

Các chàng trai lên chòi. Họ chỉ nhìn thấy một cái nồi nấu cơm nhỏ, nồi nấu thức ăn cũng một cái. Chảo rang bắp, nơi bếp nấu ăn họ đều ngó qua hết cả.

– Ôi tội nghiệp mấy chị em quá ! Sao Mtao lại để họ đến nông nỗi này nhỉ ? Thôi các bạn ạ, chúng ta làm phép giúp đỡ cho họ đi. Đây này, tôi lấy lá úp, lá mở cho các Yang đỡ hộ, làm phép cho gạo bò vào trong hũ nhé !

Gạo từ từ dâng lên đầy hũ. Thế là đã có gạo cho ba chị em H’Prăk, H’Nui ăn rồi. Chàng đi săn lại mở chiếc gùi đậy tấm vải để ở chỗ đầu nằm. Chàng ngó xem rồi nói :

– Ta lấy lá úp, lá mở ngược nhau, có các Yang giúp đỡ cho họ m’yêng, áo mới, ban cho họ áo váy đầy gùi.

Chẳng mấy chốc áo đã đầy gùi, m’yêng đã đầy giỏ, bỏ ngay ngắn ở chỗ đầu nằm của ba chị em. Thấy gạo đã có, m’yêng áo đã đầy mà thức ăn lại không có. Các chàng trai bảo nhau :

– Chúng ta phải cho họ cả thức ăn nữa chứ.

Thế rồi chàng làm phép biến bên Tây có ba con gà mái, bên Đông cũng có ba con mái gà đang ấp. Rồi lại làm phép cho thịt khô từng bó bằng cây cột nhà, sắp dọc trên xà ngang. Xong xuôi họ bảo nhau :

– Thôi chúng ta đi săn bạn ạ !

Trước khi đi họ nhìn lại tất cả, rồi làm phép cho căn chòi có thêm nào là bầu nước, ché để ủ rượu, tất cả đều đầy đủ hết. Mải miết giúp đỡ, họ quên là trời đã xế chiều. Một người nhắc :

– Đã đến giờ về rồi đấy, chúng ta phải đi thôi.

Họ đi xa được một đoạn, ngừng lại chờ khoảng một hồi, rồi lại bảo nhau :

– Này các bạn ! Bây giờ chúng ta ghé thử lại nhà họ đi. Chắc họ đã nấu xong củ mài rồi đấy.

Họ quay lại. Con đường đi qua, không ghé cũng phải tới nhà. Một chàng trai hỏi với lên :

– Chị em ơi ! Về nhà rồi chớ ? Mang theo cả êning đi đào, củ mài đi bới đó chớ ?

– Ô về rồi các anh ạ. Nhưng thôi, các anh đừng có lên nhà chúng tôi làm gì. Nhà cột cong cột vẹo, nhìn lên thấy trăng sao, nhìn xuống dưới thấy phân heo, phân bò.

– Không sao đâu mà ! Chúng tôi muốn lên nhà là để xem củ mài đã nấu chín chưa thôi.

– Chúng tôi nấu xong đây rồi các anh ạ. Nấu bằng nồi to để các anh cùng ăn khoai rừng. Củ nhiều xơ, đành ăn tạm cho đỡ thôi.

Mấy chị em bầy khoai ra mời khách.

– Mời các anh ăn đi ! Khoai này xơ, khoai sọ. Hãy ăn củ êning, củ rừng đi các anh.

– Thôi này, chúng ta cùng ăn đi chứ.

Tất cả mấy người cùng ngồi ăn. Vừa ăn các chàng trai đi săn vừa khen :

– Củ ngon, khoai tốt lắm đấy chứ ! Ăn no đấy, cũng như ăn cơm thôi chị em ạ.

Một chàng trai đã ăn xong, uống ngụm nước rồi xúc miệng. Chàng ra sàn nhà sau nhổ nước miếng, không ngờ nhổ trúng chiếc nong che úp H’Nui đang nấp trong đó, khiến cô phải chui ra.

– Ôi có người hả ? Không may tôi lại nhổ trúng rồi ! Xin lỗi chị em nhé.

– Ôi ! Nó không sao đâu ! Nó xấu hổ với các anh em đó thôi.

– Thôi vô trong nhà ăn khoai đi. Sao lại làm như thế ? Ủa đây là con của chị hay là … sao ?

– Các anh ạ. Chúng tôi là ba chị em mồ côi, không cha, không mẹ. Là những người mà người ta đã bỏ đi rồi đó.

– Thật tội nghiệp ! Có chuyện như thế thật sao ?

– Cũng thật tội nghiệp cho các anh khi lên đây, chúng tôi không có gì ngoài củ mài này đâu.

– Này các chị em ơi. Hãy thử tìm trên xà nhà xem, biết đâu Mtao để sót lại gạo ăn thì sao ?

– Làm gì mà có gạo họ để đây cơ chứ. Họ đuổi chúng tôi đi vì họ không cần đến chúng tôi nữa, không muốn nuôi chúng tôi nữa. Như vậy các anh còn bảo có gì mà để lại gạo ở đây ?

– Thế mình cứ thử lên xem sao, thử một chút có gì mất đâu chứ. Biết đâu thấy được gạo bị bỏ quên trên đó cũng nên.

H’Prăk không muốn lên cũng đành phải leo lên gác bếp. Không định bắc thang cũng phải bắc mà trèo. Khi lên đến nơi lại thấy có đầy một hũ gạo. Cô kêu lên :

– Ơ ! Có gạo thật, có gạo thật đấy các anh ơi ! Thôi, hãy lấy nồi mà nhóm bếp lên đi.

Mấy chị em lấy cái nồi to, nồi lớn nấu cơm đãi khách. H’Nui ngồi nấu cơm chỉ có chiếc váy cộc, ngắn ngang đầu gối. Cô vẫn còn mắc cỡ lắm. H’Prăk lại nói :

– Cơm thì có gạo để nấu rồi. Nhưng thức ăn đến canh lạt muối, canh rau rừng cũng không có. Tôi biết lấy gì làm thức ăn cho các anh bây giờ đây ?

– Chị lại đi xem thử ở cửa sau, biết đâu Mtao còn để lại một con gà nhép nào chăng ?

– Người ta đã đuổi mình đi thì làm gì mà có gà heo để lại cơ chứ.

– Cứ đi xem thử chỗ cửa sau đã.

Nàng không muốn đi cũng phải đứng lên bước ra cửa sau và nhìn thấy lúc nhúc bầy gà đang ấp. Nàng liền bắt lấy một con gà. Vậy là đã có thức ăn rồi. Chàng trai lại bảo :

–  Sao có thể như thế được ? Lấy gà mái đang ấp thì còn trứng nó ấp với ai ? Nếu đã lấy thì phải lấy hết cả trứng cả gà mái chứ !

H’Nui lại đi ra lấy hết cả gà và trứng, rồi đem nấu cả trứng lần gà làm thức ăn, mời các chàng trai ăn cơm. Các chàng trai bảo mấy chị em :

– Chị em ơi, ăn cơm đi. Hôm qua hôm kia các chị em không có cả cơm mà ăn, không có cả thịt mà bốc. Chị em cứ phải nhịn cơm nhịn canh mà đi đào củ êning, đi tìm củ mài. Phải cầm knuih, cầm phal mà vào rừng tìm củ.

– Thế thôi các anh ạ. Bây giờ cũng sẽ như vậy thôi. Đã ăn khoai ăn củ rồi, lại có gạo tấm nấu thành cơm thì các anh cứ ăn đi chứ.

– Cả ba chị em hãy ăn cho nhiều đi. Chúng tôi chỉ ăn vậy thôi.

Một chàng trai nói với cả bọn :

-Các bạn hãy ở trong nhà này, tôi ra ngoài đi dạo một vòng đã nhé.

Chàng đi xuống nhà sau phía bên Tây, dậm dậm đất trên con đường ra rẫy ngang qua gần nhà, có tiếng kêu bịch bịch.

– Ô ! Cái gì đây nhỉ ? Cái gì dưới này mà có tiếng vang như thế ? Ơ ông, ơ bà, ơ các chị em ơi !

– Có việc gì mà chàng  kêu bốn, năm, hai, ba người thế ?

– Tôi đi qua sau nhà nghe có tiếng vang bịch bịch, các chị các em hãy thử đi xem sao. Biết đâu là hố người ta chôn chiêng núm, chiêng bằng hay hố họ chôn ché chăng ?

– Làm gì có việc họ để lại như thế hả anh. Bếp họ đã bốc, tro họ hốt, ổ mối họ cũng san bằng.

Nhưng ba chị em vẫn kéo nhau đi xem thử phía đằng sau nhà, chỗ đằng tây hiên, dậm thử coi đất bên tây đó có gì. Họ không muốn đi cũng phải đi. Đến dậm thử thì thấy nó rung đấy, nó rung nghe ình ịch thật.

– Không biết làm sao nó lại như thế này nhỉ ? Lại đây nào các em ơi. Hãy mang cuốc lại đây tôi đào thử, em bốc thử xem sao.

Người em lấy cuốc đến đào một nhát không thấy, hai lần bổ cũng chưa sao. Ba lần cuốc mới đụng vào cây chắn. Nhìn thấy đúng là gỗ nhà Mtao thường dùng, vì thế nên đất mới rung. Họ xúm lại bới, lát sau được một cái hố rộng, quả có chôn ché thật, ngổn ngang ché Tul blang ang, ché Tang m’ang. Nhiều tới không dám nhìn nữa.

H’Prăk gọi to :

– Ơi các anh ơi ! Các anh đi xem thử, bới thử, cuốc thử đi. Chúng tôi đàn bà con gái, chẳng biết làm thế nào nữa đây.

– Đúng là ché thật rồi các chị em ạ. Đúng như người ta nói : Ché Tul blang ang, ché Tang m’ang ra từ tai cắm đó. Có cả cây cột gơng bôi mỡ heo người giàu làm để buộc ché Tuk đó. Kéo ché lên chị ơi. Lôi ché dậy em à.

Mấy chị em H’Prăk, H’Nui kẻ ôm, người kéo, bê ra khỏi hố, mang lên trên nhà.H’Prăk giục các em :

– Thôi bọn trẻ mau đi múc nước đi.

Người bẻ lá, kẻ cắm cần, thêm nước. Chị uống thử thấy rượu ngọt lắm, đậm lắm, liền bảo với mọi người :

– Ché này của người ta là ché xưa, uống vô thấy rượu đậm, ngọt cay, ngọt đắng. Uống nước một không ăn thua. Uống nước hai không phai lạt. Hãy uống thử đi các anh.

Rồi tất cả cùng uống. Chị em H’Prăk, H’Nui uống một sừng chóng mày quay mặt, uống một bát nóng mặt gần như dại như điên.

– Chúng tôi uống một sừng đầu đã quay, uống một chén đã chóng mặt, nên chúng tôi chỉ uống thế thôi. Còn các anh cứ uống đi, rượu này còn đậm, còn tốt mà.

Chàng trai uống liền một hơi ba sừng, rồi kêu H’Nui cùng uống với mình :

– H’Nui ơi ! Hãy uống cùng với tôi, chúng ta uống chung nhé.

– Ôi ! Em uống không được đâu. Em còn nhỏ, còn ít tuổi mà. Uống mới một sừng mặt đã quay cuồng rồi. Sợ uống nữa em trở thành như người dại, người điên thôi.

– Ôi ! Ai lại đi chấp nhau làm gì. Êning khi nhai không ai nói. Củ mài ăn không ai phạt H’Nui đâu mà sợ.

Thế là hai chị em lại uống, cứ từ từ mà uống. Thêm một sừng nữa đầu óc quay cuồng, H’Prăk không chịu nổi nữa, lăn ra ngủ khì khì. Còn lại H’Nui ngồi uống với chàng trai đi săn. Người bên phải mười bốn lần uống, người bên trái mười lăm lần uống. Rượu còn đậm, không nhạt, uống từ tối đến sáng rượu vẫn chưa phai. Chàng đi săn lay gọi H’Prăk :

– Dậy ! Dậy đi H’Prăk ơi ! Sao lại ngủ khì, ngủ khịt. Ngủ miết không biết dậy thế ?

– Ôi ! Xin lỗi các anh nhé. Rượu thấm, rượu say tôi không còn biết gì nữa. Tôi ngủ quên mất rồi đây.

– Này, bây giờ tôi muốn hỏi chị có cho tôi lấy em gái chị không ?

– Chàng hỏi chúng tôi làm gì ? Hãy xem em nó chỉ mặc có m’iêng cộc, váy cụt, mặc m’iêng ngang đầu gối. Chúng tôi nghèo như thế, sáng đã đói, trưa cũng nhịn. Chàng nói như thế làm gì ?

– Dù có như thế nào đi nữa tôi cũng vẫn muốn lấy cô ấy làm vợ. Mà còn muốn lấy ngay hôm nay nữa.

Một lần chàng xin, hai lần chàng hỏi, ba lần chàng nài nỉ vẫn không được chấp nhận. Chàng lại nói hai lần, ba lượt nữa thì không muốn cho cũng phải cho. Thế là hai người lấy nhau thành chồng và thành vợ. Họ ở với nhau một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày. Một chàng trai nói với H’Nui rằng :

– Tôi nghe người ta kể chuyện xưa như thế này : Cưới đã ba ngày thì được đi rẫy.

– Đúng vậy anh ạ. Nếu anh muốn thì ta đi rẫy.

– Vậy thì H’Nui cứ ở nhà với H’Prăk nhé. Tôi đi một mình trước đã. Tôi đi tìm rừng, xem đất nơi sẽ làm rẫy. Còn các nàng là phụ nữ không biết được việc này đâu.

Nói rồi chàng đi tìm. Chàng đến nơi rừng già, nơi đầm sâu, nơi rừng không có tranh, có sậy. Đây đúng là nơi chàng muốn cắm sào đốt rẫy. Đi thêm một đoạn nữa chàng lại thấy qua cánh rừng già có chỗ đất đẹp hơn. bên ngoài có một dòng suối, bên trái cũng có một dòng sông. Chàng chọn ngay khu đất ở giữa. Ưng ý rồi chàng liền khấn :

– Này đây tôi lấy lá úp, lá mở từ chú đưa, từ bác dạy cho đến bây giờ để hóa thành rẫy cho lúa lên xanh, cho cây không chết rụi.

Chàng bắt tay vào phát dọn một hồi, rồi lấy quả cà quăng xa xa sang phía Đông, quăng đi một đoạn Nam. Quăng cà thêm một đoạn Bắc và đủ cả. Quả cà rơi ở đau, là bìa rẫy ở đó. Phát dọn xong chàng đi về nhà. H’Prăk thấy em rể về liền hỏi :

– Có thấy được rừng tốt, có chọn được rừng ưng ý không em ?

– Chỉ thấy có đất hoang đất trống. Tôi lấy tạm làm rẫy, tôi dọn tạm coi thử lúa có được tốt, được xanh không. Ngày mai tôi sẽ lại đi phát tiếp.

Hôm sau chàng đi ra rẫy, gọi các con vật trong rừng đến giúp đỡ. Nhờ có thỏ phát cây, có dúi dũi đất, nên rẫy của chàng thật là tơi xốp. Về nhà nghỉ qua một ngày, hết một đêm tới một ngày mới, chàng lại đi đến rẫy. Trước khi đi chàng bảo vợ :

– H’Nui à ! Nàng hãy nấu cơm sớm cho tôi đi làm rẫy. Tôi đem ở chòi sẽ ăn, tôi đem ở rẫy sẽ uống. Tôi đi phát rẫy hạ cây một mình tôi.

– Không ! Em sẽ đi cùng. Em sẽ mang nước cho chàng, gùi cơm cho chàng tại vì chàng là chồng em. Đã là chồng vợ thì đâu cũng phải có nhau cùng đi.

– Không ! Chưa được đi đâu H’Nui à ! Tôi chưa muốn cho nàng đi. Nàng không muốn vậy cũng vẫn phải ở nhà thôi.

Vậy là H’Nui và H’Prăk đều ở nhà. Chàng lại đi rẫy một mình từ sáng sớm hôm sau. Đến nơi chàng gọi :

– Ơ thỏ cái ! Hãy đốt rẫy giùm tôi. Ơ hoẵng, hãy đi đốt rẫy cho tôi.

Con hoẵng nghe lời đi đốt rẫy cho chàng. Vì không cẩn thận nên nó bị lửa cháy xém cả đuôi, bây giờ còn chiếc đuôi cụt lủn như thế. Sau khi hoẵng với thỏ đã đốt xong, chàng lại nói :

– Này đây tôi lấy lá úp, lá mở ở Yang có từ chú trước, cho đến bác dạy khôn sau, hãy cho heo ủi củ gai trong rẫy giúp tôi.

Cả một bầy anh chị em họ hàng nhà heo kéo đến ủi đất cho chàng. Chỉ một hồi sau đã sạch trơn, gọn gàng như là có người cuốc. Bóng đã xế chiều, chàng về nhà. Bước chân lên bậc thang nhà dài, dắt cây rìu và xà gạc, đã nghe tiếng chị H’Prăk.

H’Nui hỏi :

– Chàng đã phát xong chưa ?

Mặc dù đã làm xong hết nhưng chàng vẫn nói :

– Tôi phát chưa xong đâu. Mới làm được chút ít thôi.

– Thế tại sao chàng lại về ? Chắc sắp xong rồi chứ ?

– Ôi ! Làm gì mà đã xong ! Chắc tôi phải đi làm hai buổi nữa mới xong phần còn lại.

– Vậy hả ! Thế thì cho chúng em đi với. Nếu không ai sẽ mang nước cho chàng ? Ai sẽ đi gùi cơm canh cho chàng ?

– Thôi để tự tôi mang cơm, tự khắc tôi vác nước. Làm gì đến nổi để em phải đi. Để tôi đi một mình trước đã.

Rồi chàng lại đi lên rẫy, một mình làm tất cả mọi việc. Chàng lấy lá úp, lá mở thần ban cho từ chú, qua bác dạy khôn để làm phép cho kê mọc lên, lúa xanh tốt không bị chết rụi chết khô. Thế là lúa lập tức mọc lên xanh tươi. Có nơi lúa cao ngang đầu gối. Có chỗ lúa mọc tới ngang hông. Có vùng đã vàng bông đến ngọn. Chàng nhìn rẫy lên tươi tốt, hài lòng thốt lên :

– Chà ! Thế là tôi đã có lúa nuôi vợ tôi đây.

Mặt trời đã xế ngang phía chiều, chàng rời rẫy đi về nhà. H’Nui thấy chồng về liền hỏi :

– Chàng đi làm rẫy xong chưa vậy ?

– Làm gì mà đã xong hả em ? Ngày mai tôi sẽ đưa cả em cùng đi nhé. Em mang cơm, đem nước cho tôi để làm hết những việc còn lại.

Quay nhìn H’Nui thấy nàng vẫn mặc m’iêng ngang gối, mặc váy cộc ngang chân. Sợ nàng buồn, mắc cỡ với bè bạn. Chàng bảo :

– Ôi H’Prăk, H’Nui ơi ! Hãy mở thử gùi trên đầu nằm xem sao.

– Làm gì mà có cái gì ở trong đấy ? Đó chỉ là gùi không trống rỗng mà thôi.

– Thì cứ thử mở ra xem sao đi. Thử mở đi !

Hai nàng đi mở chiếc gùi ở trên đầu nằm. Nhìn vào thấy m’iêng đầy rổ, áo đầy gùi, đầy thúng. Chàng giục hai người :

– Hãy mặc thử m’iêng này, thay thử áo kia rồi chúng ta đi xem rẫy.

Hai chị em thay m’iêng áo mới, mang theo cả cơm ăn và nước uống cùng chàng đi đến rẫy. Đi tới nơi chàng chỉ tay và nói :

– Đây là rẫy tôi phát. Chúng ta hãy đi tới chỗ chòi làm ba gian rộng đó mà ngồi.

– Ôi ! Đây là rẫy của chàng làm à ? Hay là rẫy của nhà Mtao chứ ?

– Này, chị em hãy bỏ gùi xuống. Rẫy tôi phát đây mà. Rẫy của gia đình chúng ta đó. Nhìn xem, lúa đã chín vàng rồi. Hãy đem gùi đi tuốt đi vì các nàng sợ chưa có cơm ăn.

Hai chị em vẫn chưa dám đi tuốt. Họ còn e sợ quá. Nhưng chàng đã giục.

– Đi tuốt đi ! Mang gùi mà ra tuốt lúc đi chớ ! Suốt bỏ vào gùi lúa từng bông, từng nắm. Bỏ cả bụi thì sẽ đầy gùi đó.

Thế là hai chị em vui mừng vào tuốt lúa. Quả nhiên tuốt một bông đã được một nắm, tuốt một bụi đã được một gùi. Chỉ trong chốc lát đã đầy những gùi lúa vàng óng. H’Nui bảo với chồng :

– Đầy gùi rồi ! Thôi chúng ta đi về chứ ?

– Hãy chờ đã ! Tôi muốn nhóm lửa bên rìa. Tôi đi vòng quanh rẫy đã.

Chàng vừa đi vừa nói :

– Ơ này chim Nghiêk ! Hàng ngày hãy canh chừng lúa cho tôi nhé. Này sóc đang kêu ở trên cây kia ! Hãy canh chừng lúa cho tao nhé. Nếu chúng mày ăn lúa của ta, mẹ mày tao sẽ chém dọc, rọc ngang, chém ngang đầu gối. Ta sẽ làm cho chúng mày chết hết cả bầy, cháy hết cả khu rừng. Nếu mà ăn lúa ta như thế đấy.

Nghe vậy cả bầy chim nói :

– Để đó chúng tôi canh chừng lúa cho, không có ai ăn một hạt nào đâu.

Tất cả đi về buôn. H’Prăk và H’Nui chuẩn bị m’iêng áo để đi tắm. Nhìn ra bến nước nhà Mtao mà trước đây họ đã từng tắm gội, nay sao đẹp thế, ống dưới bằng đồng, ống trên bằng thiếc. Bên tây có cây sung, bên đông có cây đa. Có cả cục đá to đẹp bằng phẳng nơi H’Nui thường tắm xong ngồi thoa nghệ. Đám trai gái trong buôn ai cũng thích tới tắm nơi bến nước đẹp này. Tắm rửa sạch sẽ rồi H’Prăk, H’Nui đi về nhà. Ở một ngày, nghỉ một đêm. Có năm có tháng. Rồi lại qua một năm, hai năm. Đến ba năm. Người hầu nay họ có hai, người giúp việc họ có trăm, có ngàn. Họ sai bảo :

– Này bạn ! Hãy đi múc nước cho tôi. Hãy đi lấy củi, hái rau, nấu cơm cho tôi. Ai nấy đều hăng hái đi làm nhé !

Còn H’Nui chẳng mấy chốc đã thấy nặng trong đầu, đã thấy đầy trong bụng. Nàng bảo với chồng :

– Anh ơi, nay bụng em đã nặng, vú đã đen. Sẽ có con cho em bế, có con cho anh cõng rồi đấy.

– Thế mới đáng mừng chớ. Bây giờ chúng ta có người đi lấy củi cho đốt, lấy nước cho xài. Lại có con trong bụng. Vui quá !

Đến trọn ngày đủ tháng, tới lúc H’Nui nằm chỗ. Chàng gọi mọi người :

– Ơ này các con, hãy đi rước người đỡ, hãy đi gọi người giúp sanh cho bà nhanh lên.

Bà đỡ tới, đưa nàng ra nằm ở hướng nam, một lát sau thì sinh.

Chồng mừng quá hỏi to :

– Con trai hay con gái H’Nui ?

– Con gái chàng ạ !

– Ô ! Vậy thì có người để mai mốt chúng ta sai gùi củi, chúng ta bảo gùi nước rồi đây.

Bà đỡ rửa ráy cho bé xong, đã thấy rõ hoàn toàn là một đứa trẻ khỏe mạnh. Cha nó lấy từ ngón tay út ra chiếc nhẫn, đeo vào tay cho con. Con bé hãy ăn chóng lớn như thổi. Con của H’Nui một năm đã biết đi, biết chạy. Dần dần lớn lên biết mang gùi với một chiếc bầu đi cõng nước. Chàng trai một hôm buồn rầu nói với vợ :

– H’Nui ơi ! Nay đã có con gái để chúng ta sai, có người để giúp chúng ta công việc. Tôi có chuyện này chắc sẽ khiến lòng nàng đau như dao cắt. Nhưng tôi ở đây đã lâu. Đốt rẫy nương, lấy củi, sửa bến nước tôi đều đã làm xong. Lúa cũng đã chín rồi, nàng hãy đi mà tuốt. Từ nay công việc nàng hãy tự làm lấy. Vì tôi buồn nhớ ăn không vô, ngủ không yên. Tôi phải đi buôn thăm ông bà cha mẹ tôi.

H’Nui kêu kêu lên :

– Ôi ! Sao lại như thế ? Chưa được đâu ! Bây giờ hãy đi tuốt lúa đã, lúa chín đều hết rồi. Phải mang voi Bih, phải cùng voi Mnông nữa. Hãy đi gọi voi để mà chở lúa chớ ! nếu không lúa sẽ bị rụng hết thôi.

Thế là chàng đành phải đi mượn voi phía đông để chở, lấy hết cả voi buôn đằng tây để kéo. Chở hết lúa về nhà cho H’Nui. Chàng vẫn ăn không biết ngon, ngủ không chịu yên, nên gặt lúa xong chàng theo con đường Pơr kwei (đường lên làng Trời) về nhà. H’Nui khóc nức nở :

– Ôi ! Chàng ơi ! Tưởng ăn ở với nhau cho đến khi mắt mờ, tóc bạc. Tưởng cùng nhau cầm nạng khi lưng đã còng. Sao chàng lại bỏ em bơ vơ một mình.

Nhưng chàng làm như không nghe thấy, không quay mặt nhìn lại lần nào, cứ đi một mạch về buôn của chàng. Nghe tiếng con heo kêu, chàng cũng không nhìn thấy nó ở đâu. Va phải con hoẵng hếch hai lỗ mũi kêu trong rừng chàng cũng không biết. Chỉ nghe vang tiếng H’Nui kêu khóc :

– Ôi ! Ôi sao chàng nỡ đối xử với mẹ con em như thế ? Chàng hỏi lấy em làm vợ, tưởng già cùng nhau, đầu bạc, răng rụng cùng nhau. Sao bây giờ chàng đã bỏ đi ?

Chàng trai đành nói vọng lại :

– Nhưng nương rẫy tôi đã làm xong. Lúa bắp cũng đã lên xanh tốt thì thôi mới đi chớ.

– Sao lại thế ? Sao chàng lại bỏ đi như thế ?

Nhưng ở nhà một ngày, lại thấy sốt ruột, nên chàng gọi chim Nghiêk đến bảo :

– Này chim Nghiêk, mày hãy đi xem thử nhà H’Nui coi. Nàng có còn đi thăm, đi làm rẫy nữa không ?

Chim Nghiêk liền bay đi, sà xuống đậu trên cành tre nghe ngóng, tìm kiếm. Nhìn thấy chim Nghiêk, H’Nui bảo :

– Có cái gì vui vẻ đâu mà kêu hoài vậy chim Nghiêk ? Mong cho mày bị diều hâu vồ, con cáo bắt. Cho đàu mày diều hâu ngoạm, đùi mày cáo nhai. Sao mày cứ kêu mãi thế hả chim ?

Rồi nàng xua chim đi một hồi, đuổi chim chạy một hơi. Chim Nghiêk liền vỗ cánh bay đi mất. Về đến làng Trời chàng hỏi :

– Thế nào Nghiêk ? Họ đối xử với mày có tốt không ?

– Làm gì mà có tốt, họ đuổi bắt, họ chửi bới, rủa cho diều hâu bắt tôi nữa chớ.

– Thế hả ? Thôi vậy, bồ câu với chim cu đi xem thử H’Nui thế nào nhé. Làm sao đến nỗi cột giăng chỉ rung vậy ?

Vậy là bồ câu và chim cu bay đi, vừa bay vừa kêu cút cu cút cu. Nghe tiếng chim kêu, nàng H’Nui mắng :

– Chim cu kia, sao mày vui thế ? Tôi đang buồn, đang khổ đây. Người tôi không được khỏe. Vừa mệt vừa nhớ đến người chồng yêu quý của tôi. Đến nổi cơm không đói ăn, nước không khát uống, nói cười cũng không ra tiếng. Sao mày sung sướng thế chim cu ?

Nói rồi nàng ném đá rượt đuổi chim cu, không chỉ chửi bới mà dọa gọi diều hâu đến bắt đi. Chim cu đành quay về. Chàng trai lại hỏi :

– Họ như thế nào rồi chim ? Họ có khỏe không ? Họ có đón tiếp mày tử tế không chim cu ?

– Làm gì mà có tốt. Họ chửi bới, họ đánh đuổi tôi. H’Nui còn chửi hết cả họ hàng nhà tôi nữa đấy.

– Thật như thế hả chim cu ? Họ buồn rầu lắm à ?

– Họ buồn lắm đấy !

Chàng trai sai đủ các loại vật, kể cả con ve ru buồn đến an ủi cho nàng H’Nui. Nhưng thảy đều bị họ hàng nhà nàng xua đuổi, đánh đập. Lòng chàng dù ở quê hương nhưng vẫn nung nấu nổi nhớ về nàng. Còn H’Nui, nổi nhớ càng sâu đậm hơn. nàng thường cả ngày không nói năng một câu, không buồn sờ đến khung dệt vải, cơm nước không hề đoái hoài. Người cứ mỗi ngày một rộc đi, âu sầu như đang mang bệnh nặng trong người. Con gái nàng thấy vậy nói :

– Amí không ăn uống gì coi chừng chết yểu. Con biết ở với ai ?

– Nhưng mẹ nhớ cha con quá !

Nàng H’Prăk thấy em buồn bã quá mới bảo :

– Thôi để chị cho Đăm Săn đi tìm, dẫn con đi kêu ama về.

Nghe chị nói thế H’Nui cơm mới chịu ăn, người mới khỏe dần ra. Nàng gọi chàng Đăm Săn lại hỏi :

– Em có biết đường anh đi, lối anh bước, con đường mà anh đã đi về không ?

– Em làm sao biết được cơ chứ !

– Hay là em thử đến nhà Mtao Ak hỏi xem sao.

Sáng sớm hôm sau, con gái gọi mẹ dậy nấu cơm, gói xôi từ tờ mờ :

– Amí ơi  ! Hãy dậy nấu cơm gói xôi cho con đi tìm cha thử xem.

H’Nui làm gà một con, gói xôi một nắm rồi hai cậu cháu đi tìm đến buôn Mtao Ak. Đến bến nước hai người hỏi :

– Này ơi bọn trẻ ! Có biết làng của Mtao Ak ở đâu không ? Là người chăn trâu, chăn bò chắc biết rõ. Tôi muốn đến nhà của Mtao Ak, hãy chỉ dùm cho phải đi con đường nào đây ?

– Ôi ! Chúng tôi không được biết đâu anh em ạ. Đi hỏi thử bà già đang trồng chuối, đi hỏi thăm ông đang trồng cây kia. Chắc có lẽ họ biết nhà Mtao chăng ?

Hai cậu cháu cảm ơn rồi đi đến gặp người đàn bà đang trồng cây chuối. Đến nơi họ hỏi :

– Này bà ơi ! Bà có biết nhà Mtao Ak không ?

– Cháu muốn gì hở cô gái xinh đẹp kia ?

– Tôi chỉ muốn đi thăm anh em, thăm chú bác tôi thôi mà.

– Ừ, thì đi đường này cháu ạ. Khi mấy chỗ bà làm chỉ đỏ ở bên trong, làm chỉ đen ở bên ngoài, thì đó là nhà Mtao Ak đấy. Hãy nhìn xem nhà nào có cầu thang bằng cây gỗ bổ ngang, nhà nào cho heo ăn bằng chiêng char, mẹ, thì đó là nhà chủ đấy.

Họ đi một hồi nữa thì tới nhà dài, liền leo lên thang kéo cửa mà vào. Gặp bà già hỏi :

– Cháu muốn gì hở cháu ?

– Cháu có việc muốn gặp ông bà ạ.

– Ô ! Ông cháu đang ngủ kia kìa.

Bà đến lay bên phải lại quay bên trái. Lay bên trái lại quay bên phải, gọi mãi mà ông vẫn không chịu dậy, thức vẫn không chịu thức.

– Sao ông không dậy, không thức thế hả bà ?

– Cháu hãy thử kéo tay ông, lấy lông công ngay chỗ cây cột ấy mà làm cho ông cháu nhột xem sao nào.

Nhột quá, ông già kêu lên :

– Nhột ! Nhột hãy để yên cho tôi ngủ !

– Cháu đây ông ơi !

– Cháu muốn gì ở tôi đây ?

– Cháu cần mượn cái áo bay của ông để đi tìm ama cháu. Ama đã làm cho amí cháu già đi, lại không muốn ở với amí cho đến khi già. Bây giờ ama đã về buôn làng xứ sở của ông rồi. Nên cháu muốn mượn áo của ông để đi tìm.

– Ừ ! Thế thì cứ lấy mà dùng cháu ạ.

Con bé lấy một chiếc áo mặc vào định bay thử ngang qua ngọn cây nhưng lại bị rơi xuống đất.

– Không phải áo này rồi ông ơi ?

Nó lại lấy một m’iêng, hai m’iêng, đến cái m’iêng thứ ba thì bắt đầu bay được từ bên Đông sang bên Tây. Bay lên bay xuống đều được cả. Được áo rồi con gái bay đi tìm cha. Đi được hai đoạn rồi ba đoạn, thì gặp đường thẳng có cây to, thấy bầy trâu bò đông đúc có người chăn dắt, cô gái hỏi :

– Đây là buôn gì vậy ?

– A ! Đây là buôn của Trời ! Thế cô đi đâu mà lên đây ?

– Tôi đi tìm ama tôi. Các bạn có biết ông không ? Có thấy cha tôi không ?

– Thế ama bạn tên là gì ? Sao ? Bạn không từng nghe à ? Phải biết tường tận tên ông bà họ hàng chớ ! Nhưng chúng tôi cũng biết rồi. Bây giờ ông đang ăn uống gả chồng, lấy vợ. Họ đang cúng thần linh vì làm quen được với con cái của Mtao Sắt đấy !

– Ôi ! Sao lại đến nỗi thế ? Sao ông lại độc ác thế ?

Nói rồi nó bay đi. Được một đoạn thì đến nhà, liền hạ xuống thềm ở ngoài sàn. Có người trong nhà bước ra hỏi :

– Có việc gì mà cháu đến đây vậy ?

– Nhờ nói giùm với chủ nhà là có cháu đang chờ nhé !

Nói rồi cô bé ngồi chờ ở hành lang nhà sàn. Người ta đến báo với ông chủ nhà rằng có một cô bé xinh đẹp đang ngồi chờ ở ngoài sàn. Ông chủ ra xem, chưa biết đầu đuôi câu chuyện ra sao nhưng vẫn mời cô bé vô nhà. Cô gái bước vô ngồi ngay đầu ghế kpan(4). Rồi bắt đầu kể cho ama và mọi người trong nhà nghe đầu đuôi câu chuyện vì sao mình đến đây. Ama mừng quá. Lại liếc nhìn trên tay cô bé, quả thực có chiếc nhẫn ông đã đeo cho con ngày mà nó mới chào đời. Ông ngắm cô, thấy quả là xinh người đẹp nết. Váy kur(1) cô mặc người Yoan không sánh bằng, người Êđê cũng không ai giống. Ông kêu lên :

– Ôi này con gái của ama đó ư ? Con thật là đã lớn khôn rồi đấy. Con làm cho ama ngạc nhiên quá đi mất.

– Cha đã làm mẹ con già đi. Cha đã để mẹ con buồn khổ. Con tưởng rằng cha nuôi cho đến khi con khôn lớn, đến lúc con biết cà răng làm đẹp cho mình, đến tận ngày con bắt chồng, sinh con đẻ cái chớ. Vậy mà cha lại đối xử với mẹ con con như thế.

– Thôi được rồi con ạ, ama sẽ đi cùng con, sẽ về nhà cùng con. Cha cũng không muốn nói chuyện này với nhiều người nữa đâu. Bớ người ta, thôi đùng cắm rượu cần nữa. Tôi đi về với con gái tôi bây giờ đây. Về thôi con ạ.

Họ đi lấy ngựa đực bờm dài, loại ngựa khỏe mạnh nhất đàn, ngựa mang lục lạc kêu như chuông, rồi cha con lên ngựa. Ngựa bay nhanh như con bươm bướm. Đi ngang đường gặp heo kêu chó sủa, nhưng tiếng kêu chưa hết, cha con đã về đến nhà. H’Nui trông thấy liền nói :

– Chàng đã đi, đã bỏ em, sao còn về đây nữa ?

– Thôi, tôi đã về đây rồi. Bây giờ tôi sẽ làm rẫy tỉa lúa cho em, làm nhà, dựng chòi cho em và con. Hãy đi kêu em trai của em đi.

H’Nui đi gọi Đăm Săn :

– Em ơi vô trong nhà, anh rể muốn nói chuyện với em đây này.

– Có việc gì mà anh gọi em ?

– Chúng ta hãy đi chặt tre, đẵn lồ ô, chặt le cắt tranh về làm nhà cậu nó ạ. Nếu em thấy còn non tuổi thì vác ít ít thôi cũng được.

– Nếu cần đi thì ta làm ngay thôi anh ạ.

Hai anh em đi chặt mơô, cắt tranh để làm nhà cửa. Đến lúc chặt alê đã đủ, mơô đã nhiều, tranh lá đều đủ cả, họ mới bắt tay vào làm nhà. Hai anh em làm đêm ngày. nhà mới bây giờ mới xong. Nhà tường nghiêng cũng đã cất. Chỗ ăn chỗ ngủ cũng sắp có rồi. Hì hà hì hục làm một tháng, hai tháng, rồi tiếp đến ba tháng, gia đình mở lễ mừng nhà mới như ăn năm uống tháng. Họ đánh chiêng to chiêng nhỏ để đầy ắp trong nhà. Tiếng chiêng bay xa đến tận tai Mtao.Mtao lắng nghe rồi hỏi lũ tôi tớ :

– Ta nghe tiếng chiêng núm của ai đánh từ gian ngoài ? Chiêng bằng của ai vang từ gian trong ? Ai mà đánh đẹp, đánh nghe hay như thế chứ ? Hỡi trai giỏi, gái xinh của ta, hãy đi xem họ là ai, họ ở buôn nào thế ?

– Thưa ông chủ, chúng tôi không biết đâu ạ, chúng tôi cũng chỉ được nghe tiếng núm của ta, tiếng chiêng bằng của chủ mà thôi. Chúng tôi thất không biết gì nữa cả. Tất thảy còn đang chạy lăng xăng đằng Đông, chạy lông nhông đằng Tây. Làm sao chúng tôi biết rõ được cơ chớ. Mtao kêu to :

– Ơ lũ trẻ con ! Hãy đi xem thử đi !

Nhưng nói mãi bọn trẻ không ai đi. Bảo người già cũng không ai chịu. Bảo đến Knuh Prong Mưng đi xem ở buôn nào đánh chiêng chàng cũng không muốn đi.

– Ôi ! Chúng tôi không dám tới đó đâu. Người ma Mtao đã bỏ họ đi, nay sao chúng tôi lại dám đến với họ được ?

Ơ nhà của vợ chồng con cái H’Nui, sau khi đã mổ heo làm gà ăn năm uống tháng, cúng cho nhà cửa xong xuôi, thì mọi việc lại vào nề nếp cũ. Sáng sớm có người đi rẫy, người đi bẻ củi, kẻ đi kiếm rau ăn.Một hôm con gái rủ :

– Ama ơi ! Chúng ta hãy đi làm rẫy, làm cỏ cuốc đất đi.

Cả gia đình chăm chỉ làm rẫy. Một ngày nọ anh rể bảo Đăm Săn :

– Này em ! Đừng đi chơi ở buôn đằng Tây. Đừng lấy gì ở buôn đằng Đông. Có người nào em đã quen. Có ai em đã yêu thì hãy đưa về nhà.

– Ôi anh ạ ! Em như là chiếc chiêng núm bị bể, xưng hô với người ta em sợ. Em chỉ là chiếc chiêng bằng bị vỡ, nói chuyện với người bị người ta khinh. Không ai yêu em đâu anh ạ. Mà em cũng còn trẻ, em chỉ thích đi vác nước cùng chị, đi làm rẫy cùng anh thôi.

– Dù thế này thế nọ thì cũng sẽ có người xấu nó thích, người cùng lứa tuổi với em nó ưa. Nếu có ai chỗ em thường đánh chơi một chiêng núm chiêng bằng đó, thì rủ họ về, mang nó tới nhà ta cậu ạ.

– Anh nói vậy em không muốn ừ thì cũng phải ừ. Không nói vâng thì cũng phải vâng. Nhưng biết làm sao có để cho em rủ, hay mang về nhà đây chứ ?

– Không sao đâu ! Cậu nó bây giờ đã khôn lớn, đã biết anh biết em rồi. Chắc cậu đang buồn điều gì đó thôi.

– Thôi anh ạ. Khỏi nói khỏi nghĩ đi ! Tốt hơn hết là để cho em làm ăn. Tốt hơn hết chúng ta đi làm rẫy để kiếm sống thì hơn.

Ở một ngày, hai ngày. Một năm, hai năm rồi ba năm, Đăm Săn không còn ở yên nữa. Trái tim chàng bắt đầu nghĩ, cái đầu chàng bắt đầu suy. Rằng người chàng đang khỏe mạnh, đôi chân chàng nhanh nhẹn, tai thính, mắt tinh. Tay cầm dao, xà gạc với hết cả sức lực mình. Chàng muốn có một sự thay đổi. Muốn trong một đêm trở thành người tốt. Muốn trong một buổi trở nên người đẹp. Chàng cũng đã rõ sự côi cút của mình, biết là do đâu chị em mình khổ. Chàng muốn đi đánh nhau với Mtao. Muốn vây bắt trong nhà, muốn dỡ cà phá ớt Mtao ngoài rẫy. Chính ông ta đã làm cho chàng thúi cái bụng một tháng, một năm. Hắn đã đuổi chị em họ ra ngoài rìa làng, ra ở ngoài buôn. Đầu chàng nhớ lại chuyện cũ, tai chàng nhớ tới chuyện xưa. Chị em chàng không quên sự côi cút, nhớ rõ họ đã trở thành rách rưới như thế nào. Vì biết rõ sự cút côi khổ sở của mình mà Đăm Săn muốn đi mài gươm, muốn được so đao. Chàng hỏi chị gái :

– Chúng ta có tiếp tục sống như thế này được không chị ? Chồng của chị có thể nuôi nổi chị không ?

– Sao em lại hỏi chị như thế ? Em có điều gì không ưng trong lòng ? Hay em đang ngủ mơ giữa ban ngày vậy ?

– Em muốn hỏi thử xem. Em sợ chồng chị nuôi chị không xong. Nhưng có chắc anh rể không xấu bụng bỏ chị đi như trước nữa chứ ? Anh đã chịu chăm chị lúc đau yếu, ăn ở với nhau đến tóc đã bạc chưa ?

– Sao cậu nó lại nghĩ bậy, nghĩ xấu trong bụng thế ? Đừng nghĩ đến việc trả thù làm gì em ạ. Hãy cứ xem anh rể em đấy ! Muốn ăn trâu không cần đâm. Muốn ăn bò không cần đi đến đâu. Muốn ăn gà cũng đã có trong nhà. Muốn uống rượu ché Tuk, ché Tang cũng đã có trong hầm. Anh rể em lúc nào cũng ăn ở đàng hoàng, anh chị sẽ ở với nhau cho đến ngày tuổi già chứ !

– Chị sao nông cạn quá vậy ? Em tưởng chị còn nhớ chúng ta đã từng côi cút nghèo khổ như thế nào chứ ?

– Không phải các chị đã quên, cũng không phải không muốn cho em đi trả thù. Nhưng em còn như đứa trẻ mới tập đi, là trai mới lớn, tìm nai đực, nai cái cũng còn chưa dám. Còn người ta thì voi rừng đã từng bắt, chiêng núm, chiêng bằng đều đã từng đánh qua. Họ đã bao lần ăn năm uống tháng, lại là người giàu sang. Con đường em đi mới chỉ nửa chừng, ăn chuối một quả bỏ cả nải dưới sạp. Thôi em đừng làm điều dại dột.

– Dù thế nào đi nữa em cũng không quên được đâu chị ạ ! Tại em con ve đã thôi cắn mà tiếng nó còn văng vẳng đâu đây. Đó chính là đám mây đen trong đầu mà em muốn kéo bỏ đi, bởi em đã từng bị khổ vì miếng ăn quá rồi. Em chỉ muốn thử sức một lần thôi chị ạ.

– Thôi ! Em đừng làm thế ! Không thể tới chỗ Mtao được đâu.

– Em đã xem sưc mình. Em đã nghĩ trong đầu, đã nghe trái tim mách bảo rằng em sẽ thắng. Cần phải thử sức, đi phá cái nơi sang giàu ấy xem sao.

– Chị xin em thôi đi ! Em là con một người ta quý, là chuỗi một quả người ta cất trong giỏ. Đừng có nghĩ quẩn quanh, nghĩ lung tung rồi gây sự với người ta em ơi.

– Em không thể cử ngồi yên mãi. Không thích cá ở hai hang, không ưng chỉ một xâu cá, bỏ sót lại ở rừng đang phát dỡ dang như thế !

– Chị ngăn, em không chịu ở yên. Chị cấm, em không chịu nghe lời. Em như bị cây môn nghệ làm ngứa, không chịu nổi, nên các chị ngăn không nổi. Em muốn đi xem thử Mtao hùng mạnh như thế nào ư ?

– Dù hắn có chiêng núm đầy gian ngoài, chiêng bằng đầy gian trong đi chăng nữa, em cũng vẫn muốn thử sức. Em muốn thử đi đá chiêng núm gian ngoài, chiêng bằng gian trong của hắn. Coi thử lúc đó hắn ở được trong nhà hay không ? Em nghĩ và muốn làm được như thế đó.

– Nhưng mà em còn non nớt lắm, như nước mới đổ đầy bình thôi. Nếu còn cha mẹ thì đã có người chỉnh đầu tóc, có người lo việc cà răng. Còn em làm việc gì cũng chưa tới, sao lại còn đòi làm đến đỉnh, đến gốc hả em ? Nhưng chị vẫn ngăn em lúc đó. Chị sẽ không cho em đi gây sự với người ta đâu. Nhà người ta thì to, rộng, em với mông voi họ còn chưa tới. Nhà người ta dài, em sờ bành trên lưng voi họ còn chưa được. Thôi em đừng nghĩ dại dột như thế nữa đi.

– Chị ơi ! Chị hãy đi làm rượu cùng anh rể, dệt áo khố cho anh ấy, để mặc em đi ngang qua núi, đi qua cọc đâm chân. Một mình em tự làm tự chịu chị ạ. Em sẽ không làm phiền gì đến các chị đâu.

– Ngăn em không nghe. Nói em không chịu hiểu. Bảo yên em cũng không chịu yên. Em muốn đi đèn thì đốt lửa đêm. Em muốn đi tối thì hãy đốt lửa tối. Thôi đành tùy em vậy !

Thế là Đăm Săn quyết định một mình đi đánh nhau với Mtao. Ở nhà Mtao cũng đang uống rượu đánh chiêng. Đăm Săn bước lên nhà Mtao, hỏi :

– Ở đây ai ăn năm uống tháng vậy ? Tôi nghe có tiếng chiêng núm đánh đầy gian ngoài, chiêng bằng đánh đầy gian trong, nhà đầy người hầu trai xinh gái đẹp. Bác có việc gì vui ? Hay bác có điều gì không tốt mà đánh chiêng đây ?

– Không phải thế đâu. Nhưng cháu là ai ? Ở đâu đến vậy ? Hãy lên nhà đi. Chúng tôi đang ăn năm uống tháng, mổ trâu thịt heo đó mà.

– Thôi lên nhà làm gì. Chúng tôi là những người nghèo khổ, rách rưới, đến cơm cũng không có mà ăn. Phải mang Phal đi đào củ mài, tìm củ êning, đi bới trong rừng.

– Ôi ! Tôi cứ tưởng cậu là người Bih, Mnông hay Drai, Dring gì đó chớ. Thôi ! cậu cứ lên nhà uống rượu ché Tuk bơng ang, uống ché Tang bơng m’ăng đi. Hãy nhắm thử rượu ngon rượu ngọt từ ông bà chúng ta xưa để lại.

– Thôi bác ạ ! Tôi run như là bị sốt thế này. Tôi đang muốn đến đá thử cho muối của bác văng ra đây.

– Ô hố ! Chưa được đâu. Cậu còn non nớt lắm. Còn tôi là người giàu sang, từng buôn đằng đông đã đi, buôn đằng tây đã biết. Đến đâu cũng có rượu người ta bưng, gà người ta thịt. Họ đều dọn mâm cơm ngon canh ngọt cho tôi ăn. Rượu người ta cột ché Tuk đã có, ché Tang đã từng. Trâu bò bao nhiêu tôi cũng đã từng ăn.

– Đối với ông thì chiêng ché đã đủ đầy. Nên bây giờ tôi muốn đã thử chiêng của ông ở gian ngoài, tôi vào gian trong phá thử cơm nước của nhà ông xem sao.

– Thôi thôi cháu ơi ! Cháu chưa đủ khôn lớn, chưa biết cà răng, mà đòi đánh người giàu sang. Chưa nổi đâu cháu ạ.

– Dù thế nào thì tôi cũng đã từng ở không yên, ngủ không được. Tôi đi làm rẫy cho các chị cũng không thỏa. Tôi muốn đánh thử chiêng núm của ông cho đến bể. Đánh chiêng bằng cho đến vỡ, rồi đem quăng vào hố củ êning, củ mài hết. Nếu có chết thì cũng như thay cán xà gạc ra.

– Thôi thôi đi cháu ơi. Tiếc cho cháu sống mới nửa vời nửa chừng. Chưa từng được ăn năm uống tháng, chưa từng mổ heo mổ trâu. Buôn Ki chưa từng đi, buôn Ru chưa từng tới, buôn Kur, buôn Lao chưa bao giờ đến gần. Còn tôi đây ngựa đầy chuồng, thức ăn đầy nhà. Đi cả Bih cả Mnông cơm nước người ta bê. Người ta bưng gà, người ta cho thịt, người ta ăn toàn cơm nếp gạo ngon.

– Tôi cũng muốn được như thế đấy ông ạ. Người Êđê mà được tôn vinh thì thần linh hay ma quỷ cũng phải bỏ chạy đi rừng xa thôi.

– Dù có thế nào thì cháu phá phách trong nhà, tôi cũng tiếc cho cháu lắm. Cháu như ốc có một con, như nước vơi trong ống ấy. Không còn cha mẹ nên cháu không biết dòng họ đông, dòng họ sang như thế nào. Tôi thật tiếc cho cháu !

– Tôi muốn biết nhà ông rộng mấy gian ? Nhà dài cỡ nào ? Muốn thử coi cột nhà ông to cỡ nào ? Muốn thấy của cải, muốn biết nô lệ ông có bao nhiêu ? Thôi đừng nói nhiều. Xuống ! Xuống đi ông. Xuống đây chúng ta chơi thử với nhau một chút xem sao.

– Tôi không muốn xuống đâu cháu ạ. Có chém thì chém thử con heo cái của nhà tôi ở ngoài kia kìa !

Không nói một lời thêm, chàng trai chém luôn. Chàng chém heo rồi chém luôn cả chó. Chưa cảm thấy đã tay liền nhảy lên chỗ Mtao đứng, đánh chỗ Mtao nằm. Chàng chém một lần sập một gian nhà. Mtao vội vàng kêu lên :

– Thôi đi cháu ơi ! Như thế thì lấy đâu chỗ chúng tôi nằm, lấy đâu nhà chúng tôi ở. Thôi được rồi ! Để tôi xuống ! Để tôi xuống !

Trong nháy mắt Mtao đã nhảy xuống, họ bắt đầu múa đao để xem ai giỏi, múa khiêl để coi ai hay. Mtao nghiêng đầu múa đằng tây, nghiêng người múa đằng đông, nhảy tưng tưng qua từng động tác vung gươm. Mtao vừa múa vừa nói :

– Nào hãy múa xem. Ta là người đã có chiêng đầy nhà. Gươm này đã từng ăn trâu, đao này đã từng ăn bò rồi đấy.

– Còn tôi không có gì cả ông ạ. Tôi múa không hay, đánh gươm cũng không đẹp. Ông cứ múa và chém thử tôi trước đi.

Thế là Mtao múa nghiêng múa ngửa. Vừa múa vừa chém, chặt đến nỗi cán gươm bị nứt cả ra. Đăm Săn vừa đỡ đường gươm của Mtao vừa nói :

– Ông vẫn tự khen là đã từng trải, từng đi đó đây. Chân đã bước đi nhiều nơi, đường Kur, đường Lao cũng đã tới. Buôn Ki đã dừng, buôn Dur đã qua. Không ai sánh nổi, không ai đánh được. Còn tôi chân mềm sức yếu, chỉ là người ngu dốt, còn là đứa trẻ con. Nên ông cứ múa đi, ông cứ nhảy đi. Hãy nắm cán đao cho chắc, muốn chém ai thì chém, nhưng đừng chém vào chân, đừng chặt vào tay mình như thế. Coi kìa, sao chân tay ông đầy máu me vậy ? Ông tự chém vào mình hay sao ?

– Không phải đâu cháu ạ. Đấy là máu trong khăn tay của vợ cả ta ở nhà đấy !

Rồi Mtao lại múa tiếp. Vừa múa vừa cố gắng chém Đăm Săn. Nhưng một lần nữa lại tự chém vào đùi mình. Đăm Săn lại hỏi :

– Sao vậy hả ông ? Sao mà chân ông, đùi ông đầy máu me thế kia ?

– Không sao đâu cháu ạ. Máu trên đùi là từ khăn tay của vợ hai ta ở nhà đó thôi.

– Ôi thật là đẹp, chiếc khăn của vợ ông sao màu mè thế nhỉ. Khăn đội đầu này người Tàu khách cũng không dệt đẹp bằng đâu.

Mtao thở hổn hển nói :

– Tôi nay đã mệt rồi, đến lượt cháu múa đi. Tôi không nói dối, cũng không nói quá đâu, tôi bây giờ thua bọn trẻ rồi.

– Không đâu ! Ông là người đã từng nhiều lần cầm khiêl đao. Nhà ông đầy chiêng núm chiêng bằng, đã từng đánh ăn năm uống tháng. Còn tôi thì chẳng có gì. Tôi đến đây chỉ để chơi vui với bác thôi.

Thế là chàng vừa múa vừa hát :

Rung rung lưỡi đao ta sắc/Rung rung khiêl ta rung rung/Ầm ầm nhà lớn gió thổi./Bay bay nhà nhỏ chấp chới/Gió nổi gà con không mẹ ấp/Thổi từ bến nước sang/Thổi từ đại ngàn về /Tạt một lần Mtao chới với…

Chàng lại hỏi Mtao :

– Thế ông từ đâu về mà mồ hôi mồ kê đầy người thế kia hả ?

– Không có gì đâu cháu ạ. Tôi vừa đi xem lại bến nước ở trên ống đồng, ở dưới ống thiếc. Đúng là bến nước của người giàu sang đấy cháu ạ.

– Ông tốt thật đấy. Đường ông vạch, đường ông mở sẵn rồi.

Chàng lại múa, lại nhảy. Đường kiếm, đường đao đi cùng khiêl vung, rung lên nghe ầm ầm. Nhà nhỏ bay phấp phới, nhà lớn thì chới với. Mtao như con gà con không có gà mái ấp cũng chới với đằng đông, chới với đằng tây. Mỗi một lần khiêl chàng tạt qua dạt hết một đám rẫy. Chàng lại hỏi Mtao :

– Ông ơi, ông đi đâu về mà mồ hôi nhễ nhại thế ?

– Không sao đâu cháu ạ. Tôi đi đuổi chim ăn lúa hdrô của tôi mới trổ. Tôi đi thăm rẫy gieo lúa hbla đằng xa. Tôi đi thăm lúa mkit cất trong chòi, để trong kho. Tôi không đi là quạ ăn, chim cu tới mổ hết cùng với chim vẹt đấy.

– Thế thì ông nhanh chân thật đấy. Lại còn cầm giáo vẫn giỏi nữa. Nay ông chiêng núm đầy gian trong, chiêng bằng đầy gian ngoài, người hầu trai xinh gái đẹp đầy khắp trong nhà cơ mà. Nhưng thôi ông ạ ! Chúng ta chơi với nhau vậy thôi nhé.

– Bây giờ cháu thử nhìn lên trời, trông lên cây xem thấy những gì ở trên đó ?

– Trời đầy sao ông ạ. Ở trên thì sao, ở dưới thì đất.

– Vậy cháu hãy nhìn lần nữa đi.

Trong lúc Đăm Săn đang ngước nhìn lên trời thì Mtao lén chém chàng. Lòng chàng bừng bừng tức giận không ở yên được nữa. Chỉ còn muốn đánh, muốn chém thôi. Xiết chặt cán gươm và nhảy lên nhà, Đăm Săn chém vỡ một chiếc ché quí, chém ngay đầu Mtao lìa cổ :

– Đó ông muốn ở đâu thì ở, ở đó mà ăn năm uống tháng, ăn trâu, ăn heo, uống ché Tuk, ché Tang thì cứ việc.

Bỏ mặc xác Mtao nằm đó, chàng đi vào trong nhà kêu mọi người :

– Ơ này chim Nghiêk hàng ngàn, chim Nghiêk cả trăm, hỡi chim cu chim Ktrâu, người hầu, nô lệ ở đây. Chủ các ngươi chiêng núm đầy gian ngoài, chiêng bằng đầy gian trong, người hầu kẻ hạ trai thanh gái đẹp ở ngay trong nhà, bây giờ hãy nghe ta đây : Hãy vác chiêng ché và tài sản đi theo sau voi, ai không nghe thì sẽ bị chém đầu, quăng xác cho kiến mối ăn.

– Thôi thôi ông chủ ơi, chúng tôi sẽ đi theo tất cả mà.

Người chăn trâu bò thì kéo theo trâu bò, người nuôi gà thì bắt gà, người nuôi heo thì khiêng heo. Người coi voi ngựa đều đủ cả.

– Còn ai không muốn đi không ? Hãy lại đây xem thử mũi đao ta, sờ thử lưỡi gươm ta và thử sức với ta luôn.

– Tất cả chúng tôi đều sẽ đi cùng ông, tôi đi cùng cậu, tôi đi cùng chú, chúng tôi sẽ khuân vác tài sản, chúng tôi sẽ khiêng gùi đi.

Chàng đi khắp các nhà kêu gọi dân làng. Ai ai cũng sợ bị chém đầu nên đều thuận lòng đi theo răm rắp. Không ai muốn ở lại. Họ mang tất cả tài sản của Mtao về cho chị em chàng. Về đến nhà các chị chàng hỏi :

– Em làm tất cả những việc đó à ?

– Thế đấy chị ạ ! Em đã làm những gì em nghĩ là phải làm thôi.

– Bởi vì em chỉ là chàng trai mới lớn, chưa đủ khôn, chưa được cà răng.

– Chị sợ rằng em chưa đủ trí để đánh người Mnông, người Bih. Vì em múa đao chưa giỏi, nên chị không muốn để em đi đó thôi.

– Bây giờ em chỉ muốn các chị mở hội ăn năm uống tháng, mổ heo mổ gà.

– Cúng thì cúng. Ăn thì ăn em ạ. Vì muốn mổ heo đã có heo trong nhà, muốn ăn thịt gà đã có gà đầy sân. Ché Tuk, ché Tang đầy đủ cả, chị đã ủ sẵn cho em từ lâu rồi. Nhưng em ơi, ai sẽ làm lễ cho, ai sẽ ăn năm uống tháng cùng em đây chứ ?

– Ôi chim Nghiêk cả ngàn. Thiếu gì người mổ giùm, người cột ché, người biết chia thịt cơ chứ. Rồi sẽ có người làm tất cả mọi việc. Chị xem đấy, từng này người của nhà Mtao sẽ là tôi tớ của nhà ta chị ạ. Họ đều biết nấu nướng làm ăn, biết nói năng, tiếp cả khách Kur, khách Lao đấy.

– Những người đó nhà họ đều có chiêng, họ đều đã giàu, có sự hiểu biết. Sợ họ sẽ chống lại em. Vậy nên em phải theo gương chú đã làm trước, theo chân bác đã đi qua, đã vạch đường vạch lối từ lâu. Bây giờ chị muốn tìm cho em một người ở cùng. Người đó đã đủ lớn, nhưng gia đình nghèo nàn, cơm không đủ ăn, canh không có. Vậy em có ưng không ?

– Thôi chị ơi, em sao có thể theo cậu, theo bác mà bỏ các chị ở một mình được ?

– Không sao đâu em ạ. Tất cả mọi việc các chị đều tự làm được, mà còn có anh rể em nữa cơ chứ. Còn người chị muốn cho em, chị sẽ hỏi sẽ lo, nếu cần sẽ khuyên bảo nữa.

– Thôi tùy chị ! Chị muốn kêu họ sang thì chị kêu.

Chị của Đăm Săn đi hỏi cô gái nghèo :

– Hãy sang nhà chị chơi. Em có ưng lấy em trai chị không ?

– Ôi chị ! Em là người xấu xí, nghèo khổ. Sợ em trai chị không thèm ưng em. Lại còn không biết nấu ăn gì, vì nhà nghèo cơm không có, thức ăn cũng không, lấy gì mà học nấu ?

– Không sao đâu em ạ ! Chị đã hỏi thử em trai rồi, cũng đã nói kỹ, hỏi đủ mọi điều. Nó ưng em rồi đó.

Nghe vậy cô gái nghèo mới dám bỏ nhà mình đi sang nhà Đăm Săn. Cô lên nhà. H’Prăk ra đón và chỉ chỗ :

– Đây là chỗ của các em. Chỗ này có năm cái bếp ở gian ngoài, năm cái bếp bên gian trong. Các em ở giữa. Em để gùi giỏ của em ở đây.

Chị lại gọi Đăm Săn :

– Lại đây em, vào trong nhà đây em.

– Có việc gì đấy hả chị ?

– Chỗ của vợ chồng em bây giờ ở giữa. Đằng gian ngoài năm cái bếp, gian trong năm cái bếp nữa. Vợ em sẽ nấu nướng ở đây. Đây là chỗ của các em nhé.

– Chị muốn đặt ở đâu thì đặt, tùy chị ! Thế nào em cũng ưng thôi. Chị đã kiếm tìm, chị đã gọi vợ về cho em, thì em cũng nghe theo ý chị thôi.

Ở một ngày, nghĩ một đem, nghĩ thêm một năm. Đăm Săn bảo :

– Chị ơi, nay em muốn làm một lễ cúng lớn cho tất cả mọi người.

– Tùy ý em ! Em đã nghĩ được như thế thì em làm đi. Vì nếu muốn ăn bò đã có sẵn trong nhà. Muốn mổ heo cũng đã có ngay trong sân. Ơ các con. Bây giờ người nào nuôi heo thì hãy đi lấy heo. Ai là người làm rượu thì hãy đi cột rượu đi nhé.

Người ta bắt con heo to có cái răng nanh một tấc, đuôi dài một gang. Họ cầm cám rủ nhau cùng đi gọi heo, bắt heo.

– Này gọi đi, kêu đi cho heo về ăn cám.

– Ơ heo ! Răng nanh của mày một tấc, đuôi dài một sải. Chỗ mày nằm như chỗ con tê giác.

Mấy người nuôi heo vừa gõ vừa gọi, một lúc heo đã về.

– Bắt đi, bắt đi !

Mấy  người xúm vào bắt, nhưng người này không bắt được, người kia túm cũng không xong. Vợ Đăm Săn đành đi gọi chàng bắt hộ cho con heo, vì tất cả mọi người đều đã chịu. Cả ngàn người đàn ông đông như chim nghiêk vậy mà không ai bắt nổi heo. Có người còn bị rách hết cả áo. Họ cùng gọi Đăm Săn. Chỉ một hồi sau chàng đã vồ đè trên heo, rồi cột hai đôi chân quăng lên sàn trước nhà.

– Mổ đi anh em, để nhanh chóng ta ăn mừng.

Người này bảo người kia, hai người khiêng, ba người nắm, bốn người cùng làm mới vật được con heo. Họ chọc tiết đầy một nồi Biê, chất tim gan đầy một nồi Bung, da đủ phủ một chiếc trống. Họ mang đi đốt heo ngay tại bờ suối, đốt xong lại mang về nhà xẻ.

Tiếng chiêng bắt đầu vang lên khiến cho đàn khỉ Voọc trong rừng mải nghe quên cả nhảy qua cành cây. Những người phụ nữ lắng nghe quên đi gùi nước, người gùi củi quên cả củi. Ai cũng ngẩn ngơ.

– Ôi ! Chiêng của ai mà nghe hay thế nhỉ ?

Chiêng nhà Đăm Săn vang đi khắp buôn trên làng dưới, ai cũng khen tiếng chiêng sao mà vang thế, hay thế ?

– Đúng như người ta nói là : Chiêng núm đầy gian ngoài, chiêng bằng đầy gian trong. Thật đẹp tiếng chiêng nhà H’Prăk, H’Nui. Bây giờ không ai băng họ nữa.

Chị em H’Prăk, H’Nui và Đăm Săn nay đều đã khôn lớn, giầu sang. Dù trước đây họ nghèo tả tơi, phải đi đào củ êning, đi tìm củ mài, tay cầm knuih, cầm phal. Bây giờ chiêng trăm họ đủ, chiêng ngàn họ có. Nhà to rộng không ai bằng, không ai giống. Họ giàu nhanh như ngọn đao phóng qua đám sậy, như cái sào vút qua đám tranh. Nhờ có các loại thú rừng giúp làm rẫy, nên nhà họ rất nhiều lúa, nhiều kê.

Những người tôi tớ vừa làm việc vừa nói chuyện với nhau như vậy. Họ mỗi người một việc. Người cắm cần rượu, kẻ đánh chiêng. Dứt chiêng thì cúng các thần linh. Mọi việc đã xong. Họ ăn uống một ngày rồi hai ngày. nhiều khách xa, khách gần cũng tìm đến. Có cả khách Kur và khách Yoan, trông thấy người Êđê mở hội rất vui vẻ cũng đến chơi. Cho đến khi xong hội hè, ăn uống là đã ba ngày ba đêm.

Thời gian trôi đi thế là được một tuần trăng, hai lần trăng, rồi một mùa rẫy, hai mùa rẫy. Ngoài rẫy của chị em Đăm Săn đã có chòi một sải, trong rẫy đã có chỗ hái rau. Vợ chồng sống với nhau trật trọn vẹn, hạnh phúc. Cùng với người hầu kẻ hạ ngàn từng này, nô lệ trăm từng kia. Nhưng Đăm Săn lại thấy buồn. Chị chàng hỏi :

– Chúng ta ăn ở vậy tốt rồi em ạ. Nhà to thì đã có, trên sàn đông đúc người nữ dệt vải. Bây giờ còn cần gì nữa đâu em ?

– Em muốn tổ chức việc làm ăn lớn, mở mang rẫy nương. Làm thêm chòi nơi bờ suối, làm thêm rẫy trên đồi cao, chọn nơi nào đất tốt, nước đẹp.

Nói rồi chàng đi tìm đất phát rẫy. Chọn nơi vừa ý chàng phát rất nhanh được một khoảnh lớn. Nhưng qua một đêm, sáng ra đến rẫy xem thử, muốn tìm nơi đã phát hôm qua mà chẳng thấy đâu. Nơi nào cũng thấy cây cối tốt tươi, các loài cây còn như mọc dày hơn.

– Ồ ! Chỗ tôi phát hôm qua đâu rồi ? Chính tôi đã phát được một phần khu rừng này cơ mà ?

Một buổi sáng, hai buổi sáng, rồi ba buổi sáng như vậy. Nên Đăm Săn quyết định phải phục bắt cho được kẻ nào đã làm cho các cây cối nơi chàng phát càng mọc dày thêm như vậy.

Chuẩn bị sẵn cơm nước và thịt gà, chàng nằm phục từ sáng tinh mơ cho đến hết cả ngày tới chiều. Chờ cả mặt trời xuống cũng chưa chịu về. Đến tận khuya mới nghe thấy tiếng người nói :

– Dậy dậy đi cỏ. Dậy dậy đi tranh, đừng có chết khô. Dậy dậy cây ơi, đừng héo đừng mòn. Hãy dậy hết đi cây cỏ, đừng có buồn bã.

Chàng nhanh như tia chớp nhảy ra túm ngay tay kẻ phá hoại đã làm cho cây cỏ trong rẫy chàng mọc lại :

– Tôi đã đi mấy buổi rồi. Nay tôi bắt được tay người làm cho rẫy tôi cỏ mọc, làm cho rẫy tôi cây sống lại.

– Ôi ! Chúng tôi sai với chàng rồi. Chúng tôi cứ tưởng đây là rẫy Bih, đây là rẫy Bang chớ. Cứ tưởng rẫy này của người ngoài. Không ngờ lại là rẫy của chàng à Đăm Săn ?

– Đúng đây là rẫy của tôi. Tôi đã mất bao nhiêu công sức mới phát được. Bây giờ tôi phải quăng cho mày chết, ném mày trong bụi rậm thôi.

– Thôi thôi Đăm Săn ơi. Để chòi đó chúng tôi dựng. Để rẫy đó chúng tôi làm. Nhất định làm lại cho chàng cả lúa cả kê, chúng tôi sẽ phát rẫy thật to, sẽ cuốc, sẽ trỉa lại giống, giúp cho chàng làm cỏ để đền lại cho chàng.

– Không được. Tôi tức lắm rồi. Để tôi chém ông ngay đây còn hơn. công sức ba buổi tối làm mệt lắm rồi. Tốt hơn là tôi chém và quăng mày trong sông suối kia còn hơn.

– Thôi đừng chàng Đăm Săn ạ. Hãy để cho tôi sống. Tôi sẽ làm chòi một sải. Làm rẫy thật to cho chàng có chỗ hái bẻ thức ăn nhé.

Nghe hắn năn nỉ hoài chàng không đánh chém chết, cũng không đành quăng xác trong bụi cây nữa. Được Đăm Săn tha chết, kẻ đó làm phép chỉ một loáng là có ngay rẫy lúa rộng mênh mông, con chim nghiêk bay mỏi cánh. Đăm Săn về buôn gọi kẻ hầu người hạ :

– Tất cả hãy theo tôi đi làm rẫy. Ai dọn cỏ thì dọn. Ai trỉa hạt thì đi trỉa, người trồng bắp trồng dưa thì đi trồng trong rẫy cho tôi.

Các tôi tớ tranh nhau trả lời :

– Tôi đi lấp hố !

– Tôi cũng xin đi…

Người gọi anh, người gọi cậu, có người gọi chú, đều đồng lòng đi giúp cho Đăm Săn. Công việc sắp xếp đâu vào đó. Ai dọn thì dọn. Ai cầm cuốc thì cuốc, ai đốt rác cứ đốt. Quả là thành một cái rẫy to. Lúa lên xanh tốt. Người ta thì mới bắt đầu phát, mà rẫy nhà chàng Đăm Săn đã sắp vàng bông.

Klei Êđê

Mtao lac :

– Dôk bĕ ti ktăm anei H’Nui, H’Prăk ah, đăm bĕ diih dê ti nei. Knŏng kăp hmư mă ênai cing char kâo.

H’Nui, H’Prăk awưh akâo :

– Hbuih khua ah, si lei ih ngă kơ hmei sơnei, si hmei gơ thâo lŏ hdĭp ? Si ih lui hĕ hmei gơ tlâo amai adei ?

Mtao lac :

-Thâo gah diih, kpư bơng gơ kơh ênĭng diih duah klei gơ, hbei tih knih phal diih duah djă gơ kơh. Di ih dê thâo amai adei. Amâo mâo mnơng kâo dưi lŏ brei kơ diih ôh. Cing dâo leh bŏ gah, knah dâo leh bŏ lam, hlŭn êdam êra bŏ leh sang kblăl. Đuê bĕ diih dê ti êngao, nao bĕ diih dê ti mnư.

Mtao lui kơ digơ bưng kpŏ gŏ êsei sa boh mơh, brei kơ digơ, gŏ djam sa boh mơh, lui bưng kpŏ amŏ gơ hruê lui kơ H’Nui gơ dôk hŏng mtâo, digơ dôk ti êngao mnư anăn yơh. Anei bi mtă tlâo amai adei :

– Đăm nao ôh kơ sang Bih, đăm dôh ôh ti sang Mnông, dôk ti hdjiê anăn yơh.

Anei digơ dôk sa hruê, dua hruê, dôk mơh braih gơ hlăm mluê. Brư hruê jih yơ braih. Buh pap kơ adei diňu amâo lŏ mâo mnơng bơng anăn diňu pi jăk.

– Nao bĕ drei bi tih hbei, klei ênĭng.

Đuê hiu yơh tlâo amai adei digơ, duah ênăn kăn Ьuh lei hbei. Dliê huông kmrơng buôt. Amai di ňu lac :

Bun msĕ amŏk sĕ buôt yơh drei anei cuă dliê dih hbei kăn mâo. Anei tơl mgi aguah lŏ dơng nao duah, nao lăng dliê kjăp, nao hlăm trăp ktang, nao klăm dliê hlang mbô. Sa hruê hiu Ьuh yơh hbei, bi tih yơh tlâo amai adei diňu, anei tih căng yăn hbei kăn yăn, căng prŏng hbei kăn prŏng. Tih jih sa awan, dua awan knih. Dlăng yang hruê leh wih snăn bi jăk duah anôk mkăn. Digơ lŏ hiu truh sa wưng hdrăh lŏ duah nao hbei klei nao ênĭng, ti nei Ьuh mơh hruê hbei klei ênĭng. Anăn bi lac :

–          Bơ bĕ drei bi tih !

Tiăo amai adei bi kphưk dŏng bi tih . Anăm buh hmư ênai mnuih duah lua mnah; djă kju lua han mnah hiu duah guôi mông.Anăn sa cô hlăm phung hiu lua lac :

–          Ti kdrăn drei nao anei ơ knai awa ňu?

Pô dih wit lac :

–          Ih drei nao gơˇ ti dlie hlô Бơng kơh

Anei sa wưng êdrah sa wah kmrơˇng hiu lăng dơˇng rơˇng hong asâo yan bhang, anăn bi hmưˇ brĭ brĭ ênai phung dôk tih hbei.Sa cô lac :

–          Buih anôk anei lah êgap hlô bơng

Năn ňŭ lua mnah mut jih sa kdrăn , lŏ hmˇ mơh brĭk brĭk. Ňu mĭn ciăng mnah Ьrăm.Di ňu kdjăt asei mlei :

– Hbưih ! Hơăi mang yơh anei hlei pô anei mgei hĕ yang cˇ kpˇ hĕ yang lăn , anôk yŏng mâo mnah lah knai awa ňu. Pô dih lac :

– Thao we, nao bĕ drei nao wit kơ glai rai kơ tluôn wit kơ buôn sang be. Yang hruê ti rôc lĕ rôc lĕ tlam

Sa cô lac :

–          Nao be drei wit kani wa nu

Wit ktruh kơ sang aduôn nu êmuh:

– Si ngă cô muyn mơ hĕ, ih đăm gua lua mnah duah Ьơng, muyn mơh deh cô. Cô ňu wit lac :

– Buih ! păp mňai aduôn aê ah, amâo mâo ôh. Mgei hĕ yang cưˇ kpưˇ yang lăn anôk kdrăn hlô Бơˇng nik, anei kâo mĭn dơˇng ciăng mnah hlô blut đuê hĕ mŭt hlăm băng ak.

Aduôn ňu lac :

– Lui bĕ cô ah ! Anăk jiă kmar gơˇ ơˇ êning duah klei, gơˇ ơˇêya êpa hŏng trong amrêc gơˇ knap digơˇ amâo mâo mnơˇng digơˇ Бơˇng . Êning duah klei hbei tih knih phal gơ djiă.

– Ih sơnăn deh aduôn. Si ngă diňu aduôn? Mnuih kmưn bĕ diňu aduôn?

Cô lac :

–          Hbôih ! Ei leh ngă kơ mnuih gơ sơnăn.

Aduôn lo blŭ:

– Mtao anăn kmang dôk huă blăm, huă êsei siam djam jăk. Biaw dah lui he mnuih ti êngao mnư

Cô lac :

–          Brei lăng kâo nao dlăng diňu aduôn?

Aduôn gă :

– Lui bĕ cô ah. Gơˇ hên kơ ih, gơˇ mlâo kơ ih, ŏng dê gơˇ jăk êning, jing krang yang brêi , ong kbăt êkêi hruê. Di gơˇ đê jơ jơ m’iêng mơng kđao lah êkei êdam ah.

Tơl Бia lŏ nao akâo, dua kma tlâo aduôn ňu brei yơh ! Aduôn nu lac :

– Ŏng ciăng dlăng êdi hĕ cô, dah sơnăn ih mơit brei yơh mnơˇng Бơˇng huă.

Anăn aduôn ňu mprăp mdiê asăr brei djă, ktơr sa asăr brei nu djă. Plei gôt sa asăr sơăi , amrêc trŏng mnah mbruê anăn, djăt lŏ hmưˇ săp ênai ňu mơh brei ňu djă ba

Anei dơng đuê nao yơh :

–  Nao drei nao ơ knai ah! Drei lo nao kơ anôk drei mnah mbruê a năn, djăt lo hmư săp ênai nu

Sui biaw kơ năn hmư yơh phúng phúng . Sa co lac:

– Nă hmưˇ yơh knai awa ňu, di ňu tih hbei yơh anăn. Anei nao bĕ ŏng êlâo knai awa ňu , kâo dê êlan amâo thâo lo công kâo dê knai ah! Klông amâo thâo lŏ buh nao bĕ ŏng êlâo, kâo tui tluôn  .

Anăn di ňu dơˇng nao, nao brưˇ brưˇ giăm êjai buh yơh asei mlei di gơˇ. Brơˇk amai adei digơˇ hmưˇ ênai juă bhit êkhêc êrêc . Sa cô bluê đuê yơh d’duăt dăp hĕ hlăm cuê, a năn adôh dua amai adei bi tih yơh H’ňui duê dăp hĕ leh .Phung dua cô êkei êmuh :

–          H’bơih ! Ya leh diih dôk ngă kơh amai adei ?

H’Prăk wit lac :

– H’bôi ! Ayŏng adei ah ! Tian ktŭng êhŭng kpưˇ hmei duah brư tơl jing êsei djam, êning hmei duah klei êkei dam ah. Êning duah klei hbei tih knih phal hmei djă anei.

Dua cô êkei wit lac :

– Бuih ! sơnăn deh amai adei. Si ngă amai adei tih lăng kâo dlăng, tibi kâo dlăng lăng nu Ьăng hbei ŏng?

Arei nao dlăng ti băng hbei iêp :

– Бuih ! Đơnei deh amai ah ! Si lei thâo hdip, si lei thâo bơˇng enei, gơˇ đơ grăn kgă lah anei cŏng djhuôi .

H’Prăk :

– Бuih ! Si lei mngă ayŏng adei ah ! Hmei djă ba hnăn, anei hmei gơˇ tih dlông biă hmei gơˇ wơk băn Ьơˇng, ba tuk sơnăn lah ayŏng adei ah .

Dua cô êkei :

– Kâo hriê mơˇng ngŏ sơnei mơh, kâo buh hruêˇ gơˇ bi êruê. Ih nao dlăng lăng êlâo ơ knai awa ňu

Sa co lac :

– Nao kơh amai adei ah ! Dlăng lăng gơˇ dah gơˇ djŏ ih klei, dah gơˇ amâo djŏ ih lui. Săm dah ňu lui ti anăn dlăng yơh

–  Nĕ anei bruêˇ ňu amai ah. Ňu mơh hbei yơh anei. Klei wêˇ amai adei ah. Anăn klei tĭp tĭp, klei hơnăn tĭp hbei mơh

Tlâo ˇcô amai adei :

– Бuih ! Si ngă hmei sơnei ? Anei dlăng lăng hruêˇňu đơ ana jơng. Dlăng lăng kŏ đơ bŭng. Anei yơh kâo amâo thâo lŏ klei lah ơ ayŏng adei ah !

Dua ˇcô êkei :

– Ih ŏng klei gơˇ kbưi mkơh, klei gơˇ kbưi biă kơh. Lŏ dơng phai bĕ, ơ knai awa ňu. Ih klei brei bĕ kơ digơˇ, ih mdar brei êlâo. Anăn sa ˇcô phiang mă wăng klei brei yơh.

– Nĕ gơˇ anei lah amai adei ah, hbei êdi kơh.

Sơnăn lŏ dơˇng klei tơl nơˇng awăn boh tih hbei hin êjai lŏ prŏng. Dlăng lăng yơh ˇchĭ hlăm bŭng bŏ hlăm bŭng ˇchĭ hlăm mnơˇng ňu kuêˇ lăn bŏ hĕ mơh.Yưˇ yưˇ yơh yang hruê dơˇng tlam.

2 thoughts on “Dam San thời thơ ấu – Trường ca Êđê”

  1. Cảm ơn chị Linh Nga sưu tầm và giới thiệu.
    Trường ca Dam San là một tác phẩm sử thi độc đáo của dân tộc Ê Đê.
    Chắc là còn dài lắm phải không chị?

    Like

  2. NGhệ nhân Hát – kể hoàn toàn ngẫu hứng & sáng tạo tại chỗ, tùy theo sự hưng phấn và sưc skhỏe anh ạ. Tiếc là cụ nghệ nhân này đã mất rồi, tôi chưa có dịp ghi tiếp được. cám ơn anh

    Like

Leave a comment