Giai điệu âm nhạc trong trường ca – sử thi Tây Nguyên

 

          1. GIAI ĐIỆU ÂM NHẠC

Một chi tiết quan trọng trong sự truyền bá từ đời này qua đời khác của thể loại trường ca,sử thi Tây Nguyên  là sự tồn tại hoàn toàn không phải qua bản in ấn, mà hoàn toàn qua hình thức truyền miệng. Đặc điểm bao trùm thống nhất trong thể loại trường ca ở mọi tộc người là : Lời văn trong trường ca bắt buộc phải phù hợp với cách hát để kể, xướng lên để kể, để hoàn toàn không thể là văn học thành văn bản chỉ đọc bằng mắt mà thôi. Lời văn của trường ca được cất lên từ miệng các nghệ nhân,  qua sự diễn tả của nghệ thuật diễn xướng âm nhạc, mà ở đây chúng tôi dùng thuật ngữ “ Hát – kể” cho hình thức diễn xướng văn học độc đáo này ở Tây Nguyên.Đo đó, nghiên cứu trường ca – sử thi Tây Nguyên, không thể chỉ đơn giản ở dưới dạng văn học truyền miệng.

Các phương tiện dùng để diễn tả nội dung câu chuyện bằng ngôn từ, như ngữ điệu và nhịp điệu đều chỉ là cơ sở để tiến hành việc hát kể và đã hoàn toàn được âm nhạc hóa.

Tính chất âm nhạc của trường ca cũng quyết định đặc điểm kết cấu của giai điệu hát – kể, là chỉ gồm một nét nhạc chung, không phân chia chủ đề âm nhạc, từng nhân vật, như trong các ca kịch (opera) của châu Âu, hay các hình thức sân khấu (tuồng, chèo, cải lương, hát bội…) của người Việt Nam. Những đoạn nghệ nhân giữ vai trò chủ thể (tổng hợp, bình luận, trình bày quan điểm cá nhân, hoặc dẫn chuyện) có giai điệu tựa như nói lối trong sân khấu ca kịch dân tộc của người Việt (recitativ). Những đoạn diễn tả nhân vật và lời thoại của nhân vật, thường được sử dụng qua các làn điệu dân ca, bằng văn vần, theo dạng cặp đối xứng, thể biền ngẫu với nét nhạc giàu sức biểu cảm, dễ thuộc, đây cũng là một yếu tố quyết định sự trường tồn trong cộng đồng của thể loại văn chương truyền miệng này.

Trong klei khan của người Êđê

Là một trong những dân tộc được phát hiện đầu tiên về thể loại hát – kể trường ca, sử thi, người Êđê cho đến nay vẫn là một cộng đồng có bề dày về sinh hoạt văn hóa dân gian hát – kể klei khan. Theo báo cáo của chương trình sưu tầm sử thi ở Tây Nguyên, đã có hàng trăm tên trường ca được ghi lại, và các nhà sưu tầm cũng đã có trong tay hàng chục cuốn băng ghi âm khan Êđê.

Như đã nói trên, dân ca Êđê có hai thể loại chính là điệu k’ưt (hát nói) và điệu arei có tiết tấu. Điệu k’ưt cũng chính là hình thức hát – nói (recitativ) của trường ca, sử thi (klei khan).

Trong giai điệu của trường ca Êđê không có mấy sự thay đổi giữa hát và kể. Thường thường các nghệ nhân Êđê kể bằng phương thức hát từ đầu đến cuối bản trường ca (điều này khác với người Bâhnar ở An khê có khi kể, có khi hát). Giai điệu ít biến hóa, thường nhấn đi nhấn lại một nốt (điệp nốt – hát ở một cao độ như nhau) kèm theo những tiếng đệm ơ ơ, vừa để ngừng nghỉ, vừa để suy nghĩ tiếp nội dung sẽ kể. Sau đó đổ dần xuống, và rồi lại đột ngột vút lên, hoặc luyến xuống để ngắt câu. Không thấy xuất hiện những quãng nửa cung, nhưng trong quá trình hát kể có thể sẽ xuất hiện những biến âm nửa cung mơ hồ, bảng lảng rất riêng.

Trong h’amon của người Bana

Cũng mang tính chất ngâm ngợi (recitativ) như trường ca Êđê, nhưng trong khi tiến hành giai điệu trường ca Bâhnar, có lúc là hát, có lúc là kể. Hàng âm bao giờ cũng bắt đầu từ âm vực cao nhất của chủ âm, chuyển dần từng bậc theo hướng đi xuống. Ở mỗi bậc âm, giai điệu cũng chạy dài theo âm đó, tạo thành sự điệp âm của một nốt tương tự như cách kể khan của người Êđê.

Ở phần cuối mỗi mạch ngắt câu, nghệ nhân thường dùng một nốt tô điểm nhỏ (patinot) luyến láy, cùng với các hư từ ơ ơ để báo hiệu chuyển câu hoặc chuyển đoạn. Cuối câu bao giờ cũng có một nốt luyến lên để ngắt câu.

Làn điệu dùng cho h’amon mang đậm yếu tố trữ tình, qua sự cảm thụ âm nhạc và nội dung truyện kể của người nghệ nhân. Tâm trạng này có thể thay đổi, tùy theo trạng thái tâm lý và đối tượng người nghe.

Trong hri của người Jrai

Trong hri của người Jrai gia điệu thường được mào đầu bằng một nốt ngân dài như thể chuẩn bị, ở âm vực cao, sau đó đổ xuống dần. Đôi chỗ là một trường đoạn dài gồm những nốt có cao độ bằng nhau. Hết một ý hoặc hết một đoạn lại trở lại cao độ ban đầu. Giai điệu thường ít thay đổi. Tốc độ hát – nói – kể có thể nhanh dần theo diễn biến của câu chuyện. Khi cần bình luận hay phát biểu chính kiến của mình, nghệ nhân có thể chỉ nói vần, không giai điệu. Đến khi trở lại lời thoại của nhân vật hoặc câu dẫn chuyện, lại là lời hát.

2. Hình thức tiến hành giai điệu và lời ca

Đa số các dân tộc Tây Nguyên có hình thức sinh hoạt văn hóa hát – kể trường ca. Nội dung câu chuyện và cách thể hiện có thể khác nhau nhưng đứng về mặt âm nhạc có một số sự giống nhau, hoặc giữa các phương thức hát – kể trường ca của những dân tộc thiểu số Tây Nguyên như sau :

Hình thức tiến hành giai điệu

– Hầu hết đều sử dụng hình thức hát – nói không có nhịp điệu, với giai điệu đơn giản, lặp đi lặp lại.

– Không có sự thay đổi về điệu thức trưởng – thứ. Những biến đổi chỉ như là một sự ly điệu làm cho giai điệu tăng thêm phần hấp dẫn, không trở nên nhàm chám.

– Đường nét giai điệu thường bắt đầu từ những âm vực cao và đổ dần xuống các nốt thấp hơn. Ở cuối câu, cuối đoạn bao giờ cũng có một nốt hoa mỹ láy lên hoặc láy xuống để ngắt câu.

– Khi đến những trường đoạn cao trào, hầu hết nghệ nhân đều nâng âm vực lên ở tầm cao hơn, hoặc một quãng 2 hoặc dùng quãng 1, thậm chí có trường hợp dùng quãng 5 hay quãng 8 để diễn tả cho đúng tính chất của câu chuyện.

Lời ca

Văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có nhiều hình thức xử dụng lời nói vần. Ngoài các thể loại dân ca, tục ngữ, đồng dao, lời cúng… thì luật tục của mỗi tộc người cũng đều sử dụng thể loại văn vần. Đối với trường ca, tức thể loại hát – kể, thường dùng hầu hết là vần lưng, không theo thể lục bát như người Kinh. Vần ở câu sau có thể rơi vào bất cứ chữ thứ hai, thứ ba hoặc thứ năm, thứ sáu… tùy theo diễn xướng của nghệ nhân. Đây cũng là một nghệ thuật vận vần rất tài tình của các nghệ nhân, bởi họ phải rất xuất thần trong khi vừa suy nghĩ, tưởng tượng nội dung câu chuyện, vừa kể dài hơi ngày nọ qua ngày kia, hoặc đêm này sang đêm khác. Vần (duê – tiếng Êđê) chính là cơ sở để thể loại thơ Tây Nguyên mà ngày nay giới khoa học quen gọi là trường ca (klei khan – tiếng Êđê) khác với lối kể chuyện cổ tích không có giai điệu hát (klei đưm – tiếng Êđê) trong văn học dân gian truyền miệng Tây Nguyên.

Ví dụ như trong truyện Thần rắn của người Mnông :

“Lah đi băl may bay blễ tông nke lõng /Gây bap ăt srưt mpăl kông tê rveh an may”.

Ta thấy chữ thứ 6 của câu 1 (blễ), vần với chữ thứ 8 (rveh) của câu 2. trong khi đó chữ thứ 9 (lõng) ở câu 1, lại vần với chữ thứ 6 (kông) của câu 2.

– Hay trong trường ca Ngàng H’Bia tô của người Êđê :

“Mâo sa hruê/Phung binh mniê H’Bia Tô nao jăk, H’Bia Tô đăk ê bung”.

Ta thấy chữ thứ 3 (hruê) của câu 1, vần với chữ thứ 3 (mniê) của câu thứ 2.

Chữ thứ 7 (jăk) của câu thứ 2 vần với chữ thứ 10 (đăk) cùng câu.

– Hoặc trong trường ca Dăm Hrit cứu nàng Bia Rang Hu của người Bâhnar Rngao :

“Bok tơ huăng pơlă/Klă kơ nôk đek yơh/Kră xang xo hơ dro xang đunh…”

Ở đây chữ thứ 4 (pơla) của câu 1, vần với chữ thứ 1 (Klă) của câu thứ 2, điệp vần tiếp với chữ thứ 1 (Kră) của câu 3. Chữ thứ 5 của câu 2 (yơh),  vần với chữ thứ 4 () của câu 3…

– Hoặc trong trường ca Dyông Dư của người Bana :

“Chuă ayok sơkok tai bang rang, prai maih, ăn kơ Dyông nge bich”

Trong câu này nghệ nhân sử dụng điệp vần liền nhau từng đôi một : Ayok – sơkok, bang – rang, prai – maih.

Đây cũng chính là sự đồng nhất trong phương thức vận dụng ngôn ngữ, để khi vang lên qua giọng điệu, giai điệu hát – kể của nghệ nhân trong các trường ca dân gian Tây Nguyên, khiến ngôn ngữ chỉ thuộc về âm nhạc mà không phải chỉ đơn thuần là văn học.

Linh Nga Niê Kdăm

2 thoughts on “Giai điệu âm nhạc trong trường ca – sử thi Tây Nguyên”

  1. Phải cố gắng lắm đấy anh Hoành ạ. vì bận với Trường tư thục quá

    Like

Leave a comment