Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Si La

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca Sán Dìu, mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Si La hôm nay.

Tộc Si La là một trong số 54 sắc dân sống tại Việt Nam. Ngoài tên Si La, sắc dân này còn được biết đến với các tên khác như Cú Dé Xử, Khà Pé.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Si La ở Việt Nam có dân số 709 người, có mặt tại 17 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Si La cư trú tập trung tại các tỉnh: Lai Châu (530 người, chiếm 74,75% tổng số người Si La tại Việt Nam), Điện Biên (148 người, chiếm 20,87% tổng số người Si La tại Việt Nam), các tỉnh khác mỗi tỉnh có không quá 10 người.

Người Si La có nguồn gốc xa xưa ở Tây Tạng (Trung Hoa), qua Lào rồi đến lập nghiệp ở Việt Nam khoảng 150 năm nay. Tiếng nói của người Si La thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, ngữ hệ Hán-Tạng. Người Si La chưa có chữ viết riêng.

Người Si La sống bằng nghề trồng lúa, làm nương ngô. Họ vỡ đất ở sườn núi và bìa rừng để trồng trọt. Khoảng vài thập niên gần đây, người Si La học trồng thêm lúa nước. Mặc dầu nông nghiệp đóng vai trò chính nhưng săn bắn và hái lượm vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Thí sinh Hà Hồng Nhung, tộc Si La,  trong kỳ thi Trang Phục Truyền Thống Dân Tộc.
Thí sinh Hà Hồng Nhung, tộc Si La, trong một cuộc thi Trang Phục Truyền Thống Dân Tộc.

Người Si La có nhiều dòng họ. Quan hệ họ hàng rất khắng khít. Trưởng tộc của một chi họ là người đàn ông cao tuổi nhất. Người này giữ vai trò lãnh đạo, có trách nhiệm tổ chức các sinh hoạt chung cho họ mình. Ngoài trưởng tộc, người Si La có thầy mo.

Hàng năm vào hai kỳ, Tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Con cái thờ bố mẹ đã mất. Mỗi bàn thờ phải có chén thờ lấy từ chén cúng cơm bố mẹ trong ngày làm ma. Nhà có bao nhiêu con trai thì có bấy nhiêu chén và tất cả để lên bàn thờ. Ðến khi chia nhà thì mang chén đó ra lập bàn thờ riêng. Thờ tổ tiên từ đời ông trở lên do người trưởng họ đảm nhận. Lễ cúng bàn là lễ cúng quan trọng nhất cầu mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm. Cứ 7 năm lại làm lễ cúng hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để đưa hồn lúa từ nương về bản, tới nhà rồi cất kỹ trên bồ thóc.

Cuộc sống của người Si La gắn bó với cây lúa, cây ngô trên nương, cho nên những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp từng được bà con rất chú ý. Trước mùa gieo hạt (tháng Hai) họ làm lễ bìa khớ (cúng bản) và mía lô lô (cấm bản). Sau đó, họ tiến hành lễ cá si ta (gieo hạt tượng trưng). Khi lúa đang sinh trưởng và phát triển, họ tiếp tục làm lễ co zá mì lô và mường mì a lô (lễ cầu lúa nhanh lớn, cho nhiều bông, cầu không bị chim, chuột thú rừng không phá hoại). Sau khi thu hoạch, người Si La làm lễ cò ve phạ (cúng hồn lúa)… Nhưng ngày nay, những lễ nghi mang tính tượng trưng này cũng đang mờ nhạt dần trong đời sống của dân tộc này.

sl6

Trai gái Si La yêu nhau được quan hệ với nhau, người con trai được ngủ qua đêm tại nhà người yêu của mình. Có tục cưới hai lần. Lần đầu đón cô dâu về nhà chồng. Lần thứ hai sau một năm, Nhà trai phải trình một khoản tiền cưới cho nhà gái để được rước dâu.

Theo phong tục Si La, khi có người chết, người trong bản tổ chức vui chơi, ca hát, nhưng không khóc. Nghĩa địa thường để dưới bản, mộ của những người cùng họ thường ở gần nhau. Kiêng đặt mộ xa giữa những người khác họ. Chọn được đất ưng ý để đặt mộ thì cuốc một nhát, đặt cục than vào nhát cuốc đó, coi như đất đã có chủ. Sáng hôm sau mới làm nhà táng và đào huyệt. Quan tài bằng khúc gỗ bổ đôi khoét rỗng. Cúng đưa hồn người chết về quê hương cũ ở Mồ U. Sau khi chôn, gia đình tang chủ dội nước tắt bếp, mang hết than củi cũ ra ngoài nhà rồi mới đốt bếp. Không có tục cải táng và tảo mộ. Ðể tang bằng cách: con trai buộc túm ít tóc trên đỉnh đầu, con gái tháo vòng tay, vòng cổ. Con cái để tang cho cha mẹ 3 năm.

Người Si La có phong tục đàn ông nhuộm răng đỏ, đàn bà nhuộm răng đen. Tuy nhiên, hiện nay đa số người Si La để răng trắng.

Nhà của tộc Si La.
Nhà của tộc Si La.

Người Si La ở nhà trệt, có bếp lửa đặt giữa nhà.

Trang phục của phụ nữ Si La khá cầu kỳ. Mảng áo trước ngực áo may bằng vải khác màu với áo và được gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm. Khăn đội đầu của phụ nữ khác nhau theo lứa tuổi. Các cô thường đeo chiếc túi bằng dây rừng, được trang trí những tơ chỉ đỏ sặc sỡ.

Tộc Si La thường hay che dấu gốc gác của mình và ít giao tiếp với các dân tộc khác nên bản sắc văn hoá của dân tộc Si La ít được người khác biết đến.Trước đây, người Si La thường dùng lời ca, tiếng hát để gửi gắm cảm xúc của mình. Họ hát mừng các cháu thêm tuổi, dựng vợ gả chồng, hát giao duyên giữa các đôi trai gái đang tìm hiểu nhau, hát thay tiếng khóc trong tang ma, hát khi lên nương, hát khi xuống suối… Vào các dịp lễ tết, dân bản tổ chức hát múa vui vẻ. Nhạc cụ được người Si La sử dụng nhiều là sáo, đàn, lạc.

Dưới đây mình có các bài:

– Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Si La ở Lai Châu
– Lễ cúng tổ tiên độc đáo của người Si La ở Lai Châu
– Điện Biên: Độc đáo Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La
– Độc đáo Lễ cúng bản của người Si La, Điện Biên
– Trang phục dân tộc Si La
– Chiếc khăn – nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Si La ở Lai Châu

Cùng với 3 clips tổng thể văn hóa tộc Si La để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia & DTV)

sl5

Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Si La ở Lai Châu

Ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có những nghệ nhân đang nỗ lực lưu giữ, truyền dạy những nét đẹp văn hóa của dân tộc Si La cho thế hệ trẻ.

Bản Seo Hai có hơn 60 hộ dân với gần 300 nhân khẩu đều là người dân tộc Si La.

Ở bản, cụ Hù Chà Khao là người hiểu biết nhiều về tập tục, nét văn hóa của người Si La. Không khó để có thể tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm sát sườn đồi ở cuối bản của cụ, khi đường bêtông đã được trải dài đến tận cổng. Tuổi đã ngoài 80 nhưng nghệ nhân Khao vẫn khỏe và minh mẫn. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu nét văn hóa của dân tộc mình, cụ Khao như được “tiếp thêm lửa.”

Nghệ nhân Hù Chà Khao cho biết người Si La có luật tục, hương ước riêng để thể hiện phong tục, tập quán của mình. Bản sắc dân tộc được thể hiện trong việc thờ tổ tiên, tổ chức lễ cưới hỏi, lễ mừng cơm mới, lễ tạ ơn trời đất hay đơn giản chỉ là cách đặt tên con.

Nói về những mũi tên và cọc tiêu với hình thù lạ được dựng thành cổng chào ở đầu bản, cụ Khao cho biết, đó là biểu tượng của nghi lễ “Mía lô lô” hay còn gọi là lễ Cấm bản. Theo truyền thống, lễ Cấm bản nhằm cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt và thường được tổ chức trước các vụ sản xuất. Qua các buổi lễ, tế, việc diễn xướng được thực hiện, góp phần lưu giữ được cái hồn của dân tộc và truyền thụ lại cho thế hệ sau.

sl_ĐB

Trong quá trình lao động sản xuất, người Si La đã tự tạo ra một số nhạc cụ với những điệu múa, câu dân ca phục vụ đời sống tinh thần. Cầm trên tay chiếc sáo “Là pí”- sáo ngắn và sáo “Pờ tư thế lế”- sáo dài, cụ Khao nói, nhạc cụ của người Si La chủ yếu làm từ tre, nứa và gỗ rừng. Tuy chế tác thủ công và đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên cùng giai điệu dân ca sẽ có âm hưởng riêng, tạo ấn tượng lạ cho người nghe. Việc sử dụng những nhạc cụ cũng có luật lệ riêng, phù hợp với thời gian sản xuất nên không phải lúc nào cũng có thể cất tiếng được. Một ngày, người nghệ nhân này có thể hoàn thành một sản phẩm đàn tính 3 dây.

Tâm huyết với việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Si La, nghệ nhân Hù Chà Khao đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong bản, ngoài nghệ nhân Hù Chà Khao, nghệ nhân Hù Cố Xuân cũng là một người dồn hết tâm huyết để truyền đạt các điệu dân ca, giao duyên cho thế hệ trẻ. Chúng tôi đến gặp bà Xuân trong lúc bà đang say sưa chỉ dẫn những động tác múa dân tộc cho các nữ thanh niên trong bản. Từng động tác, từng cử chỉ múa của họ được bà chú ý từng ly từng tý. Mỗi bước chân còn lệch, ngón tay chưa đủ độ nghiêng hay ánh mắt nhìn của người múa sai hướng… đều được nghệ nhân Hù Cố Xuân uốn nắn cho các bạn trẻ.

sl_ĐB1

Nghệ nhân Hù Cố Xuân chia sẻ: nhiều nét văn hóa của dân tộc Si La chúng tôi đã bị mất đi. Thế hệ sau bây giờ nhiều người không còn thấy hứng thú với những điệu nhảy, những câu ca cổ nữa. Đây là những nét văn hóa đặc sắc, không những người con của dân tộc Si La phải bảo tồn mà các cấp chính quyền khác cũng cần có trách nhiệm quan tâm hơn. Bản thân tôi và nghệ nhân Khao đã tích cực truyền đạt cho thế hệ sau nhưng cần phải mở rộng khảo sát, sưu tầm hay phục dựng các nghi thức tế lễ, văn hóa của người dân tộc Si La.

Em Hù Thị Liên đang là học sinh trung học phổ thông tại trường huyện Mường Tè, dù trường cách nhà gần 15km nhưng cuối tuần là Liên lại về để tham gia múa, hát cùng các bạn trong bản. Với Liên, được hiểu biết về văn hóa của dân tộc là một niềm vinh dự để những bạn trẻ như em góp phần lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa độc đáo ấy.

Trưởng bản Seo Hai Giàng Chà Ngời cho biết được sự quan tâm của Nhà nước, những năm qua, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng ở địa phương như nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, bể chứa nước sinh hoạt, đường giao thông bêtông mà đặc biệt là cây cầu treo bằng sắt bắc qua sông Đà đã tạo điều kiện cho bà con trong bản buôn bán nông sản. Có sự quan tâm này, bà con trong bản đã từ bỏ được tập quán du canh du cư, đời sống đã ấm no hơn nhiều. Từ đó, bà con chú ý hơn đến việc gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình.

Người Si La ở Lai Châu.
Người Si La ở Lai Châu.

Lễ cúng tổ tiên độc đáo của người Si La ở Lai Châu

(TH-Cinet-DTV)

Theo nghi lễ của tổ tiên truyền lại, mỗi năm, người Si La (Lai Châu) phải cúng sóc ba lần, vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới.

Người Si La ở xã Chung Trải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) quan niệm, những người cùng họ là cùng một tổ tiên, cho nên không được lấy nhau. Trưởng các dòng họ thường là người già nhất, chứ không phân biệt trưởng, thứ, “vai trên, vai dưới” như người miền xuôi. Ông trưởng họ lo việc thờ cúng và có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ, cũng như mỗi khi có sự kiện lớn như cưới xin, ma chay…

Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Những đồ thờ gia bảo của dòng họ bày ở bàn thờ là trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu. Khi người trưởng họ mất, chỉ sau 3 năm người lên thay mới được quyền chuyển những đồ thờ này sang bàn thờ nhà mình. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Những người cùng họ không được lấy nhau.

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Si La không thể thiếu thịt sóc. Theo qui định của tổ tiên truyền lại, mỗi năm, người Si La phải cúng sóc ba lần, vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới. Nhất là khi ốm đau, bệnh hoạn, người Si La lại càng cần đến thịt sóc để làm lễ cúng, cầu cho tai qua, nạn khỏi.

Đối với người Si La con Sóc quan trọng đến độ, cộng đồng đưa ra hẳn một quy định: dòng họ nào không bắt được sóc để cúng tổ tiên thì không được ăn tết năm mới.

Nghi lễ cúng tổ tiên của người Si La được thực hiện ở bếp thiêng. Bếp thiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Si La. Vào những ngày lễ, tết các gia đình trong dòng họ sẽ mang lễ vật tới cúng tế ở bếp thiêng nhà ông trưởng họ, tưởng nhớ đến tổ tiên và cầu may.

Trong bếp thiên ở chỗ bàn thờ nhà người Si La có 3 hòn đá. Ngày xưa, người ta chôn thẳng đứng với chỗ thờ, một cái chôn thẳng đứng với cửa chính, một cái chôn theo hướng giường nằm của chủ hộ. Ba hòn đá này, một tượng trưng cho tổ tiên, một hòn đá gác cửa, ngăn không cho những gì xấu xa, uế tạp vào nhà. Còn hòn kia thì gác chạn bát, để giữ gìn của cải cho gia đình.

Nếu làm khách của người Si La, bạn chú ý chớ có đạp chân vào bếp thiêng. Làm vỡ hòn đá nơi bếp thiêng là rất xúi quẩy, sẽ bị phạt. Nếu nhỡ làm vỡ hòn đá kia thì bị phạt, 2 đồng bạc, một chai rượu để mời thầy mo về cúng hồn cho gia đình bị vỡ hòn đá nơi bếp thiêng. Không may làm vỡ đá bếp thiêng thì dứt khoát phải làm lễ cúng, xin tổ tiên thứ lỗi, hứa sẽ không để xảy ra. Người Si La tin rằng, nếu không mời thầy về cúng rất có thể bị tai nạn, rủi ro, hoả hoạn.

Người Si La còn có rất nhiều nghi thức, lễ hội. Những nghi thức, lễ hội đó được diễn ra ngay trong đời sống hàng ngày của người dân phản ánh hiện thực cuộc sống đồng thời truyền tải những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và những quan điểm sống của con người.

Lễ Mừng Cơm Mới.
Lễ Mừng Cơm Mới.

Điện Biên: Độc đáo Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La

(TH-Cinet-DTV)

Lễ Mừng cơm mới không chỉ là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực, còn là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Si La ở Điện Biên.

Theo quan niệm của người Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy, khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất và luôn phù hộ, che chở, bảo vệ sức khỏe và mùa màng cho con cháu. Người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch.

Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La thường được tổ chức từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (khoảng tháng 8 âm lịch) là thời gian vụ lúa đầu mùa bắt đầu chín và được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Tỵ.

Theo truyền thống của người Si La, lễ mừng cơm mới được diễn ra trong một ngày tại gia đình trưởng mỗi dòng họ. Gia đình trưởng dòng họ có bàn thờ và trưởng họ thường là người thay mặt cho cả dòng họ làm các thủ tục trong các nghi lễ cúng bái.

Sáng hôm tổ chức làm lễ, tất cả các gia đình trong bản cử người tổng vệ sinh chung cho cả bản, sau đó các gia đình quét dọn nhà cửa, rửa bát đũa, lau chùi các đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Trong đó mâm cúng phải rửa sạch và sửa sang nơi thờ cúng để bầy các đồ cúng. Sau khi mọi thứ được chuẩn bị xong, đến chiều tối gia chủ bắt đầu nấu cơm mới và chế biến các đồ lễ như con cá, con cua, con sóc, củ mài, củ khoai… hấp cho chín, bầy lên mâm đợi khi mặt trời lặn hẳn, gia chủ (trưởng dòng họ) tiến hành phần lễ cúng mời tổ tiên về hưởng thụ. Người Si La quan niệm khi mặt trời lặn, đêm tối buông xuống là lúc tổ tiên trở về gần con cháu.

Bà con bắt con cá, con cua để chuẩn bị đồ lễ cúng.
Bà con bắt con cá, con cua để chuẩn bị đồ lễ cúng.

Mâm lễ được bày đầy đủ đồ lễ và đặt dưới bàn thờ, gia chủ (trưởng họ) thay mặt cho con cháu cả dòng họ cúng mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất về hưởng đồ lễ cơm mới.

Lễ cúng dưới bàn thờ xong, gia chủ cử người chuyển nguyên mâm lễ đó đặt cạnh bếp chính bên giường gia chủ (Với người Si La chỉ có những gia đình trưởng họ mới được làm bếp này. Bếp làm ở trong nhà, ngay cạnh cột chính của nhà, là nơi giữ lửa ấm cho cả họ, bảo vệ che chở mọi người và là nơi chủ họ sưởi ấm, hút thuốc). Mâm cúng có đặt thêm bát nước trắng và một ống tre cao 15cm, có đường kính miệng khoảng 8cm, bên trong ống có men rượu, trên miệng phủ lá chuối và cắm 3 que tre, tượng trưng cho bình rượu cần.

Lúc này gia chủ bắt đầu cúng tổ tiên lần hai. Sau mỗi lần cúng của gia chủ (trưởng họ) sẽ cho một người con cháu trong nhà cầm thìa múc lần đầu 3 thìa nước trắng vào ống, hai lần sau mỗi lần múc lấy một thìa. Khi xướng cúng đủ ba lần là xong lễ cúng mời tổ tiên.

Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng dòng họ. Lễ mừng cơm mới của người Si La kết thúc trong tiếng nói cười và những lời chúc tụng nhau trong bữa cơm liên hoan của gia chủ.

Chỉ có đàn ông SiLa mới được tham gia lễ cúng bản.
Chỉ có đàn ông SiLa mới được tham gia lễ cúng bản.

Độc đáo Lễ cúng bản của người Si La, Điện Biên

(TH-Cinet-DTV)

Lễ cúng bản (Plạ khơ thú) là một nghi lễ tiêu biểu và quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Si La ở Điện Biên đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số ít người cư trú ở miền núi phía Tây Bắc và chỉ sinh sống ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên người Si La sống tập trung duy nhất ở bản Nậm Sin, huyện Mường Nhé. Trong số các nghi lễ truyền thống của người Si La, Lễ cúng bản là một trong những nghi lễ tiêu biểu và quan trọng.

Cứ vào cuối tháng giêng âm lịch hàng năm người Si La ở Điện Biên lại tổ chức lễ cúng bản, trước khi bắt đầu vào vụ mùa mới. Theo quan niệm người Si La, tổ chức lễ cúng bản là để cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho dân bản hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, chăn nuôi phát triển đầy đàn, qua đó tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, cuộc sống sẽ ấm no, tốt đẹp hơn…

Trước khi tổ chức cúng bản, những người có trách nhiệm như già làng, trưởng bản, đại diện các đoàn thể sẽ tổ chức buổi họp toàn thể dân bản để cùng nhau bàn bạc và đi đến thống nhất trong việc chọn ngày giờ làm lễ cúng bản.

Lễ vật chuẩn bị cho lễ cúng bản, ngoài những con vật hiến sinh là con chó đen và con gà trắng, cùng với một bát gạo, củ gừng hoặc quả trứng gà thì dân bản còn phải chế tác ra rất nhiều loại vũ khí mang tính tượng trưng bằng gỗ như: kiếm, giáo, súng, dao, cung, nỏ, máy bay và biểu tượng sinh thực khí của nam giới. Tất cả các biểu tượng này sẽ được gắn, treo và dựng cùng với cổng cấm bản. Riêng biểu tượng sinh thực khí của nam giới được buộc vào sinh thực khí của con chó hiến sinh rồi treo lên cổng bản.

Vào ngày cúng bản, trước giờ dựng cổng cấm bản, Trưởng bản trong trang phục truyền thống của dân tộc, vai đeo túi, hông đeo dao đi một vòng quanh bản thông báo. Mỗi hộ sẽ cử ra một người nam giới trong gia đình, theo hiệu lệnh của trưởng bản tiến về phía đầu bản, khi đi mỗi người mang theo một con dao, một số người mang theo thuổng, xà beng.

Cổng bản được dựng để chuẩn bị cho lễ cúng bản.
Cổng bản được dựng để chuẩn bị cho lễ cúng bản.

Đến nơi đã định trước, trưởng bản tập hợp mọi người, phân công cụ thể cho từng thành viên đảm nhiệm một nhiệm vụ cụ thể: người chặt cây dựng cổng, người chặt tre, nứa làm plạ, người chặt cây đẽo các loại vũ khí tượng trưng,… Mọi người ai vào việc nấy, không khí khẩn trương nhộn nhịp, chỉ trong thời gian ngắn mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, các đồ vật tượng trưng đã được tạo ra, cổng bản được trang trí cẩn thận rồi dựng lên.

Tiếp đến, trưởng bản sẽ cử hai thanh niên khỏe mạnh đi đuổi con chó, làm vật hiến sinh chạy quanh bản, sau đó dắt về vị trí cổng bản, còn mình sẽ đi bắt con gà trắng đem đến. Thầy cúng đi từ trong bản ra, tay bưng một bát gạo trên có đặt quả trứng hoặc củ gừng, đến nơi, chó và gà được cắt tiết lấy máu bôi hết lên các loại vũ khí, plạ chung của bản và của các gia đình, cây Sa nhân. Sau đó người ta đưa chó và gà vào một nhà nhỏ dựng bên cạnh cổng bản, bên trong đã đặt sẵn bát gạo và quả trứng thày cúng (Chủ cổng) tiến hành cúng lần thứ nhất, nội dung cúng là thông báo với các vị thần linh về ngày cúng bản, cầu mong phù hộ cho dân bản sức khỏe, mùa màng tốt tươi.

Hết lần cúng thứ nhất, thầy cúng lấy một cây củi đang cháy đặt lên người con chó, sau lại đặt lên người con gà sao cho mỗi con bị cháy một mảng lông rồi thầy cúng tiếp lần hai. Cúng xong, gà và chó sẽ được chế biến thành các món ăn để mọi người ăn ngay tại nơi cổng bản, từ đây việc cấm bản được thực thi triệt để, không ai được ra hoặc vào bản nữa.

Trước đây, người Si La cấm bản trong thời gian 3 ngày, ngày nay việc cấm bản được thống nhất giảm xuống chỉ còn 1 ngày. Trong lễ cúng bản của người Si La, phụ nữ không được tham gia bất kỳ việc gì, tuyệt đối không được đến gần cổng bản. Sau lễ cúng bản, người ta cấm không cho người nào tự ý phá cổng phải để nó hỏng tự nhiên vì như vậy ma sẽ không về bản gây bệnh dịch, chết chóc cho bản làng. Sau lễ cúng bản, trời đã tối, ai sẽ về nhà nấy không gây tiếng ồn, đồng thời chuẩn bị khí thế để chờ sáng mai bắt đầu vào mùa vụ mới.

Trang phục truyền thống của tộc Si La.
Trang phục truyền thống của tộc Si La.

Trang phục dân tộc Si La

(TQ-DTV)

Trang phục của người Si La mang nhiều nét riêng, ngoài chức năng bảo vệ cơ thể về mặt sinh học còn có chức năng về xã hội, về giới tính và thẩm mỹ rất rõ nét. Đặc biệt là bộ trang phục của nữ giới phản ánh rất rõ những đặc trưng của lứa tuổi cũng như tình trạng hôn nhân gia đình.

Cũng như các dân tộc anh em sinh sống trong vùng, trang phục của nam giới Si La khá đơn giản. Họ mặc quần ống chân què, áo cánh xẻ ngực, cài cúc, cổ đứng, có 2 hoặc 3 túi, màu chàm xanh. Ngoài ra, nam giới Si La còn đội khăn trắng, quấn khăn đầu rìu, tương tự nam giới người Kinh trước đây.

Ngày nay, nam giới Si La đều ăn vận âu phục hiện đại, những bộ trang phục truyền thống đang dần bị mất đi, họ chỉ mặc trong những dịp đặc biệt và tập trung chủ yếu ở tầng lớp trung niên. Bên cạnh đó, tập tục nhuộm răng đỏ cũng không được thanh niên ưa chuộng, phần lớn họ đều để răng trắng như nhiều dân tộc khác.

Khác với sự giản dị trong trang phục của nam giới, phụ nữ Si La có cách ăn vận khá độc đáo và phong phú. Bộ trang phục của nữ giới Si La gầm có váy, áo, dây lưng và khăn đội đầu, trên đó nổi bật là mảng ngực áo bằng nhiều loại vải khác màu và áo thì gắn thêm những xu bạc, xu nhôm.

Phụ nữ Si La thường mặc váy ngắn, hở ngực. Khi mặc, họ quấn và giắt váy về phía sau. Váy của người Si La có hai phần gồm cạp và phần thân. Cạp váy là một mảnh vải khác màu rộng khoảng 20cm, cạp được may ráp với thân váy bằng kỹ thuật khâu đột sao cho đường chỉ và mép vải đều được giấu kín phía trong.

Trang phục nữ của tộc Si La.
Trang phục nữ của tộc Si La.

Thân váy dài bằng thân dưới tính từ eo lưng, rộng bằng vòng bụng người mặc. Toàn thân váy để mộc, không trang trí nhưng khi viền gấu váy phụ nữ Si La thường dùng chỉ đỏ nên tạo cho chiếc váy trở nên nổi hơn. Khi mặc, váy được cố định nơi eo lưng bằng một chiếc dây lưng (dò dừ) màu đỏ hoặc trắng, dài khoảng 2 sải tay. Hai đầu dây lưng để tua rua hoặc viền chỉ màu và thả ở phía trước làm duyên.

Áo của nữ giới Si La là loại cài khuy bên nách phải, hơi bó thân, màu chàm. Cổ áo, tay áo và gấu áo được viên hoặc may hững khoanh vải khác màu, những đường viền này khiến cho bộ trang phục trở nên mềm mại, sinh động hơn.

Nét độc đáo trên chiếc áo của phụ nữ Si La chính là phần thân áo. Nó được tạo bởi một miếng vải có hình thang cân, trên đó đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang. Giữa hàng xu bạc có trang trí các đường hoa văn kẻ bằng chỉ đỏ.

Đối với phụ nữ Si La, chiếc khăn đội đầu cũng là một bộ phận không thể thiếu được, nó có liên quan lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Khăn của người phụ nữ gồm có hai loại: khăn trắng và khăn đen, tùy theo lứa tuổi. Trẻ nhỏ thì đội mũ đính nhiều hạt cườm. Những em bé từ 9 – 10 tuổi thì đội khăn trắng, một đầu khăn gấp lại thành mũ có quai. Trong khi đó, phụ nữ có chồng thì đội loại khăn đen, đầu khăn trang trí bằng nhiều xu bạc và chỉ màu như khăn trắng của thiếu nữ. Chiếc khăn trắng biểu thị cho sự trong trắng, thanh cao, song cũng ngầm nói lên rằng chủ nhân của nó chưa lập gia đình.

Nhìn vào cách đội khăn giúp phân biệt cô gái Si La chưa chồng, cô gái đã có chồng nhưng chưa có con và phụ nữ đã có con.
Nhìn vào cách đội khăn giúp phân biệt cô gái Si La chưa chồng, cô gái đã có chồng nhưng chưa có con và phụ nữ đã có con.

Chiếc khăn – nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Si La ở Lai Châu

(TH-Cinet – DTV)

Đối với phụ nữ Si La ở Mường Tè (Lai Châu), chiếc khăn là biểu hiện của tình yêu, tình cảm vợ chồng son sắt, thủy chung và tình mẫu tử thiêng liêng…

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam mỗi dân tộc đều có những trang phục riêng phong phú và rất độc đáo. Trang phục của đồng bào Si La xã Kan Hồ, huyện Mường Tè cũng mang đậm nét văn hóa đặc sắc riêng bởi nó không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của các thiếu nữ, thể hiện được tập quán, nếp sống, trình độ thẩm mỹ và sự cần cù, khéo léo, chịu thương, chịu khó của các cô gái Si La mà nó còn giúp phân biệt cô gái chưa chồng, cô gái đã có chồng nhưng chưa có con và phụ nữ đã có con.

Đối với thiếu nữ Si La chưa chồng thì quấn một chiếc khăn trắng nhỏ, có 2 tua, gọi là “tê ta y sùa”. Khi thiếu nữ đó lớn lên, xây dựng gia đình và chưa có con thì họ quấn cái khăn, gọi là “dơ phừ”. Và đến khi có chồng, có con rồi, thì quấn cái khăn gọi là “ô phạ”.

Khi đội chiếc khăn “tê ta y sùa”, thiếu nữ Si La đặt phần đầu khăn lên chính giữa đỉnh đầu, phần thân quấn theo chiều dài của tóc, rồi gập lên đỉnh đầu. Đuôi khăn sẽ phủ sang một bên mái tóc. Cô gái phải nhẹ nhàng trong từng cử chỉ, nếu không, chiếc khăn sẽ rất dễ bị rơi hoặc xô lệch.

Các cô gái Si La chuẩn bị kết hôn sẽ được người yêu tặng một chiếc khăn đội đầu, gọi là khăn “dơ phừ”, do mẹ chàng trai khâu. Vì thế, chiếc khăn này là kỷ vật thiêng liêng của mỗi người con gái, cho dù nó chỉ được sử dụng trong thời gian khá ngắn, từ khi kết hôn đến lúc sinh đứa con đầu lòng. Khi sinh con, người phụ nữ sẽ cất chiếc khăn này đi và khi con trai trưởng thành, có người yêu thì chiếc khăn có thể lại trở thành kỷ vật tặng cho người yêu, cho vợ của con trai.

Thiếu nữ Si La chưa chồng.
Thiếu nữ Si La chưa chồng.

Nét độc đáo của chiếc khăn “dơ phừ” là phần đầu khăn được khâu lại, tạo thành một chiếc túi. Người ta búi tóc trên trán, lồng túi vào đó, rồi quấn quanh búi tóc, tạo nên một cuốn tóc rất lớn nằm ngang. Nếu cuốn tóc này chưa đủ to thì phải độn thêm một vật dụng gì đó của chồng, như cái áo, cái mũ hoặc tóc của chồng.

Khi người phụ nữ Si la đã có con thì việc quấn khăn càng trở nên quan trọng. Nếu sinh con gái, búi tóc trước trán sẽ được quấn bằng chiếc khăn thẳng, không có túi để đựng tóc như khăn “dơ phừ”. Họ sẽ quấn phần đầu khăn vào búi tóc và hất đuôi khăn ra phía sau sao cho tua khăn vừa chạm vào vai.

Nếu sinh con trai, người phụ nữ phải độn thêm một ít tóc rụng của mình vào búi tóc. Nếu không có đủ tóc rụng thì phải xin thêm tóc rụng của mẹ đẻ. Vì thế mà khi có chồng, những người phụ nữ Si la đều giữ lại tóc rụng để khi sinh con trai sẽ quấn vào khăn.

Với người Si La, cái cuộn tóc gồm tóc của vợ, áo của chồng có ý nghĩa rất quan trọng. “Khăn “ô phạ” là khăn màu đen hoàn toàn. Các bà có nói là đội khăn mà có quấn áo hay mũ, hay một vật gì của chồng thì thể hiện tình chung thủy của người vợ đối với người chồng. Chính vì thế, cuộc sống vợ chồng hàng ngày của người Si la hầu như không có sự xích mích. Quan hệ vợ chồng rất bền vững, đặc biệt là không có chuyện ly hôn.

Mỗi lần sinh con, phụ nữ Si La lại thay khăn mới và giữ lại khăn cũ. Chỉ cần đếm số khăn “ô phạ” là biết được người ấy có bao nhiêu con.

Ngày nay đời sống của đồng bào dân tộc Si La ngày càng được nâng cao thì việc giữ gìn và phát triển các bản sắc văn hóa của dân tộc rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương. Vì vậy việc tìm hiểu về trang phục của người Si La chúng ta càng thêm tự hào về bề dày truyền thống văn hóa. Đối với họ trang phục chiếm một vị trí quan trọng góp phần tô điểm thêm cho bức tranh 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ, trọn vẹn trong tổng thể hài hòa bản sắc văn hóa Việt Nam.

oOo

Văn hóa dân tộc Si La:

 

Người Si La ở bản Seo Hai:

 

Múa dân tộc Si La:

 

Leave a comment