Lý lẽ tâm linh

Chào các bạn,

Nếu bạn muốn giải thích lý lẽ tâm linh cho người khác nghe, bạn luôn cần có một mức tự tin rất cao, vì lý lẽ tâm linh nói ra ít người hiểu, và thiên hạ thường nghe không hợp lý. Như là:

– Yêu tất cả mọi người.
– Nhẫn nhịn với tất cả mọi người.
– Xử với người “ác” như Phật đang thành.
– Tha thứ 77 lần.
– Hiến dâng hoàn toàn cho Chúa, thì ta có được tự do.
– Bỏ tôi, thì tôi có tự do.

Đối với lý luận hàng ngày, những lý lẽ tâm linh này hoặc là nghe không thực tế, quá ngây thơ, hoặc là quá bí ẩn. Người ta hiểu dễ hơn nếu ta nói “hắn đã đánh tôi, tôi phải đánh lại.”

Nhưng khi bạn đã hiểu được các lý lẽ tâm linh, đương nhiên là bạn đã nhận ra là số đông còn lầm lạc trong bóng tối, và điều bạn biết bạn cần chia sẻ lại, vì hiểu được các lý lẽ tâm linh là một ân phước đặc biệt, không phải tự nhiên mà mình có thể có được, dù bạn gọi đó là nghiệp duyên từ vô lượng kiếp hay bàn tay thượng đế đã sờ đến tim bạn.

Những lý lẽ tâm linh có một điều dị thường là chúng chẳng lệ thuộc gì đến sự thông minh của con người. Chưa đến lúc hiểu, thì người có mức IQ thiên tài vẫn không thể hiểu được một chân lý tâm linh giản dị, như là “Nếu ta lệ thuộc vào Thiên chúa 100%, thì ta có được tự do hoàn toàn”.

Các lý lẽ tâm linh thường đến với những trái tim khiêm tốn. Những trái tim khiêm tốn có khả năng hiểu được những điều tâm linh rất dễ dàng.

Tuy vậy, có một điều chúng ta có thể nhận thấy rất nhanh là, nếu chúng ta cố gắng sống thật lòng với những lý lẽ tâm linh, thì có lẽ ta chẳng cần nói nhiều, mọi người đều có thể cảm nhận được thiện tâm trong ta. Và đó là nói được nhiều nhất. Mình chỉ nói một hai câu mà có thể thuyết phục lòng người, không chỉ vì lời nói, mà chính vì con người của mình và sự hiện diện bình an của mình.

Chúc các bạn nắm được lý lẽ tâm linh.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Lý lẽ tâm linh”

  1. Bài viết của anh Hoành hay quá.
    Trước đây em cũng cố gắng tìm kiếm từ sách vở, dùng lý luận và logic thông thường để giải thích, để hiểu những điều thuốc về tâm linh, những nỗ lực đó lại càng làm em rối thêm.
    Em đã làm theo lời khuyên của một vị Thầy: ngừng đọc sách một thời gian và tập chung vào việc tu tập, quan sát cuộc sống nhiều hơn. Hiện nay em cảm thấy mình đã dần hiểu được một số điều mà trước đây em cố gắng để chấp nhận- một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng, chẳng hạn như câu “Địa ngục tức Niết bàn”.
    Thầy em từng nói những gì chúng ta nói với nhau hay đọc từ sách vở chỉ là những kiến giải, ngôn ngữ không đủ để truyền tải được hết những gì thuộc về tâm linh, nó chỉ là nhưng phương tiện giúp chúng ta tiếp cận thôi, không đủ để làm chúng ta Ngộ đạo.
    Giữa Kến giải và Ngộ đạo khác nhau một trời một vực, chỉ có sự Thành tâm, kiêm tốn và bền chí thực tập những bài học mới từng bước giúp chúng ta có được những bước tiến trên con đường đạt Đạo, để được hưởng “hương vị của sự Giải thoát”.

    Like

  2. Hi Tuấn,

    Các nguyên tắc, nói là bỏ, thì không đúng. Nói là vô chấp khi thực hành thì đúng hơn. Tức là thực hành thì uyển chuyển trăm chiều, nguyên tắc thì chỉ có một.

    Like

  3. Tạ ơn Anh Hoành,

    “nếu chúng ta cố gắng sống thật lòng với những lý lẽ tâm linh, thì có lẽ ta chẳng cần nói nhiều, mọi người đều có thể cảm nhận được thiện tâm trong ta. Và đó là nói được nhiều nhất. Mình chỉ nói một hai câu mà có thể thuyết phục lòng người, không chỉ vì lời nói, mà chính vì con người của mình và sự hiện diện bình an của mình”

    Cùng 1 câu chữ nói ra, nhưng người thật tâm và người chưa thật tâm sẽ nói ra với giọng điệu khác nhau, nếu người nhạy cảm, biết lắng nghe, sẽ cảm nhận thấy.

    Chúc Anh Chị và gia đình luôn mạnh khoẻ, an lạc!

    e Minh

    Like

  4. Dear Tuấn,

    Mình xin phép chia sẻ cảm nhận của mình về câu hỏi của bạn, (còn câu trả lời thì anh Hoành đã trả lời rồi).

    Mình nghĩ/cảm giác rằng, nếu đã thật sự nắm được “các lý lẽ tâm linh” thì mình sẽ thấy/cảm nhận được rõ ràng điều gì là chân, là thật và điều gì là tưởng, sẽ thấy/cảm nhận được rõ ràng điều gì nên làm và điều gì không đáng để bám víu. Thế nên khi mình còn thấy phân vân, cắc cớ bỏ hay không bỏ, bỏ gì và giữ gì, thì có lẽ là mình vẫn chưa thật sự nắm được.

    Mặt khác các lý lẽ tâm linh cần được thấu hiểu từ trong tâm mình, không phải bằng các suy luận lý trí thấy xuôi xuôi là đã nắm được. Mà như vậy thì cần có một chút niềm tin là mình đang đi đúng đường và tiếp tục đi tới, tiếp tục thực hành nhìn vào trong mình, chân thật với mình và chân thành mở lòng mình với người và với đời. Loay hoay với những câu hỏi có thể khiến mình bị tắc lại ở tầng lý luận của lý trí mà quên mất các cảm nhận, tu chỉnh của tâm mình.

    Liked by 1 person

  5. Hi Q.Linh, và Tuấn,

    Like ban Q.Linh!

    “Các lý lẽ tâm linh” là niềm tin, là cảm nhận và đi theo trái tim thuần khiết chứ không phải suy nghĩ bằng cái đầu!

    Trước đây có bạn đăng bài trên DCN đã từng hỏi mình nên chọn gì trước ngã ba đường? : ở lại nước ngoài học tiếp hay về VN xin việc…

    Và mình đã từng đặt vào tình huống như vậy: có nên học tiếp NCS hay dừng lại? , học thì vất vả nhưng chua biết kết quả như thế nào , chạy theo cơm áo gạo tiền hay con đương học hành cứ nghĩ đến kết quả làm mình chùn bước, nhưng rồi nhờ DCN và bài Kiên trì là quan trọng số 1 thành công của Anh Hoành nên mình cứ bám theo và bây giờ nhìn lại dù chưa ra trường, Luận án chưa viết xong nhưng mình vẫn rất vui vì nhờ chấp nhận thử thách mà mình mới bén duyên DCN, kết bạn DCN, học và điều khiển tâm mình và bây giờ mình thích Nghiên cứu khoa học(điều mà trước đây mình rất mù mờ) và mình đã nhận ra khi trái tim tĩnh lặng và rộng mở thì cái đầu của mình mở ra tiếp nhận kiến thức, hiểu những điều xung quanh với cái nhìn khác trước và mình rất vui vì điều này.

    Bây giờ mình hiểu hơn câu nói của Steve Jobs: ” vẫn cứ đam mê, vẫn cứ dại khờ”.

    Liked by 1 person

Leave a comment