Tuyệt vọng?

Chào các bạn,

Nếu bạn là một trong những người bình thường của thế giới thì khi bạn tuyệt vọng là khi con đường tâm linh của bạn bắt đầu hé mở.

Khi mọi sự đều là hoa hồng và hừng đông, chẳng mấy ai trong chúng ta tốn thời giờ suy tư về đau khổ, giải thoát, ý nghĩa của đời sống, định mệnh, sự yếu ớt của con người, tìm nơi tựa, Chúa Phật…

Đau khổ và tuyệt vọng thường là ngưỡng cửa đầu tiên của con đường tâm linh sâu thẳm, đưa ta đến những tầng sâu thẳm của trái tim ta, ở đó ta sẽ thấy Chúa, Phật hay một vị thánh không tên nào đó đã đợi chờ ta từ lâu lắm, với đôi tay rộng mở, ôm ta vào lòng, vỗ về, tiếp sức và khai hóa cho ta.

Mỗi một đau khổ là một cơn đau sinh nở, để ta lột xác, cởi bỏ cái ta cũ, và một ta mới ra đời, sâu sắc hơn, khiêm tốn hơn, trí tuệ hơn, và tĩnh lặng hơn.

Đương nhiên là chúng ta cũng đã thấy có những người bị đau khổ làm cho họ thành hằn học, chai đá, và dữ dằn hơn.

Đau khổ có thể đưa ta đến gần Thiện, nhưng cũng có thể đưa ta đến gần Ác. Đó là tùy theo ta dựa vào ai trong cơn tuyệt vọng. Nếu ta dựa vào chư thánh, ta sẽ được vỗ về an ủi, được giáo huấn về nghiệp duyên nhân quả hay sự an bài của Chúa, được một bờ vai để tựa, được thấy tình yêu, và thấy được bên kia bóng đêm là ánh mặt trời. Nhưng nếu khi tuyệt vọng ta chỉ dựa thuần túy vào chính ta và bản tính con người, thì có lẽ cuộc đời đối với ta chỉ là một đêm dài băng giá, vô hy vọng, con người chỉ là những sinh vật tồi tệ, không thuốc chữa, và con đường còn lại cho ta chỉ là “lấy lại cho huề vốn”, “trả thù đời”…

Cho nên, nếu bạn đang tuyệt vọng, dù vì lý do gì, hãy biết rằng bạn đang bước chân vào ngưỡng cửa tâm linh. Đau khổ luôn luôn là mảnh đất của những rừng hoa tâm linh rực rỡ nếu ta hiểu được chân lý đó. Bạn hãy mở cửa trái tim, với cánh tay ra ngoài, và nói: “Chúa ơi—Quan thế âm Bồ tát ơi, Allah ơi, Thượng đế ơi…—con tuyệt vọng quá. Hãy đến đây trò chuyện cùng con.”

Bạn sẽ rất ngạc nhiên điều gì sẽ đến với bạn sau đó. Chư thánh không bỏ quên ai. Những tia sáng le lói của hừng đông tưởng như không bao giờ có sẽ bắt đầu xuất hiện trong đêm.

Chúc các bạn một ngày rộng mở.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

21 thoughts on “Tuyệt vọng?”

  1. Cảm ơn anh Hoành. Những điều anh nói rất đúng. Em quote lại sau đây một câu nói kinh điển của Oswald Chambers mà em biết khi xem DVD về cuộc đời ông ta:

    “No man is the same after an agony; he is either better or worse, and the agony of a man’s experience is nearly always the first thing that opens his mind to understand the need of redemption worked out by Jesus Christ. At the back of the wall of the world stands God with His arms outstretched, and every man driven there is driven into the arms of God. The cross of Jesus is the supreme evidence of the love of God.”

    ~ Oswald Chambers to soilders in Egypt

    “Không có ai như cũ sau sự đau đớn, anh ta hoặc là tốt hơn hay xấu hơn, và sự đau đớn của trải nghiệm của người đó gần như luôn luôn là điều đầu tiên mở cánh cửa tâm trí của anh ta cho sự cần thiết của cứu chuộc thực hiện bởi Jesus Christ. Thượng đế đứng ở phía sau bức tưởng của thế giới với đôi tay trải rộng và mọi người được đưa vào đó được đưa vào đôi tay của Thượng đế. Thánh giá của Jesus là bằng chứng tối cao của tình yêu của Thượng đế.”

    Thông thường ở các bạn du học sinh em thấy như sau. Thường thì các bạn giỏi và có cái tôi cao ở Việt Nam thì thường vượt hơn các bạn đồng lứa ở Việt Nam để đạt giải này giải nọ. Với một tầm nhìn ra nước ngoài và với thành tích, các bạn có thể xin được học bổng để đi học ở Mỹ.

    Bước vào môi trường Mỹ với đủ sự đa dạng và áp lực của nó, trong một thời gian khoảng 3 tới 5 năm đầu, có thể các bạn “ego lớn” sẽ rất đau khổ, cô đơn, tuyệt vọng, bế tắc.

    Nếu may mắn tìm đến được với sức mạnh tâm linh thì các bạn có thể thoát. Nếu không quá trình khô héo vẫn tiếp tục diễn ra.

    Chỉ là quan sát cá nhân của em. Tất nhiên có nhiều bạn vững vàng ngay từ đầu 🙂

    Hiển

    Liked by 1 person

  2. Anh Hoành thân,

    Sáng nay em chợt nảy ra câu hỏi mà có lẽ mầm mống đã có từ lâu. Đó là anh thường đề cập đến Thượng đế trong các bài viết của anh, có thể là Chúa, Phật, Alas, hay đơn thuần chỉ là Thượng đế. Anh thường khuyên khi đau khổ hãy tựa vào thượng đế, khi căm hận ai đó hãy cầu nguyện cho họ, hằng ngày hãy cảm ơn Thượng đế vì cuộc sống giàu có mình đang có …

    Vậy thì cho em hỏi, có phải tư duy tích cực mà anh đang cố gắng dạy chỉ thích hợp (một số bài viết và quan niệm) cho những ai tin vào Thượng đế, hoặc thiên đàng, hay một cõi nào khác tốt hơn cõi người hay không? Và mục đích để ta tư duy tích cực là giải thoát, để lên thiên đàng, hay giác ngộ gì đó. Vì em có rất nhiều người bạn không tin gì hết, không tin thánh thần, có hay không tồn tại thánh, nhưng họ vẫn rất tốt, và họ chỉ tin đây là đời sống duy nhất, và chết là hết.

    Thậm chí chính em đôi khi cũng hoài nghi một cõi nào khác, cũng như “tất cả đều là con của thượng đế”, cơ bản vì em chưa tìm được một bằng chứng nào minh chứng cho điều đó.

    Anh có thể giải thích rõ hơn cho em về phần này được không? Không tin gì hết có hạn chế em cũng như các bạn trong con đường tư duy tích cực hay không? Và con người ta có thể sống tốt, sống đẹp chỉ vì mục đích sống đẹp và không màng đến lợi ích giải thoát hoặc để làm đẹp lòng một vị thánh vô hình nào đó không?

    Mong anh giải đáp.

    Huyền Vân

    Liked by 1 person

  3. Cảm ơn anh Hoành và anh Hiển, em đã trải qua ngưỡng cửa của sự tuyệt vọng này trong năm vừa rồi – đã có lúc tưởng chừng như gục ngã, nhưng cuối cùng em đã đứng dậy và lột xác thành 1 con người khác. Nghĩ lại những gì đã qua, em tin rằng, ranh giới của sự tuyệt vọng trên là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của em từ trước đến h. Và em tin rằng, khi em phải tiếp tục đối mặt với nó, đồng nghĩa với việc em đang đi đúng đường.

    Like

  4. Thanks anh Hoành đã chia sẽ nhưng kiến giải về sự tuyệt vọng cũng như mặt tích cực của nó. Theo như anh nói thì khi tuyệt vọng con người sẽ có tâm lý cầu cứu đến các vị thần là đại diện của thế giới tâm linh, thế giới sẽ giúp ta hoàn thiện con người hơn và cả mặt thể xác lẫn tâm hồn, điều này mình cũng đồng tình vì chính mình cũng từng trải nghiệm không chỉ một lần.
    Khi người ta quá thành công và đủ đầy, ít khi nào họ tìm đến với thế giới tâm linh, hay nói cụ thể hơn là cầu nhờ thần thánh vì khi đó cảm giác mạnh mẽ và tự cao rất lớn khiến họ nghĩ mình chả cần ai hay cái gì, mình trên tất cả, nhưng khi thất bại và sa sút thì ngược lại. Chí ít khi đó cũng còn có chút cứu rỗi về linh hồn.
    Có điều không phải ai cũng đi theo hướng tốt đẹp đó, một số người sẽ tuyệt vọng hơn khi sự kêu cầu tâm linh trở nên…vô ích cho cuộc sống thực tại mà họ đang đối mặt, đó thật sự là điều tuyệt vọng thật sự, và mình mong là ai cũng có thể có được hướng suy nghĩ tích cực như anh Hoành đã nói ở bài trên.

    Like

  5. Hi Huyền Vân,

    Câu hỏi của em rất hay và rất tốt. Cảm ơn em đã hỏi.

    Để anh trả lời từ dễ đến khó.

    Dễ nhất là, anh chỉ quan tâm đến tư duy tích cực “ở đây lúc này”. Anh không quan tâm về đời sau kiếp sau, vì anh có biết gì đến đời sau kiếp sau đâu mà nói gì (anh chưa chết kiếp này mà, làm sao biết có gì sau khi chết? )

    Tuy nhiên tư duy tích cực có nhiều mức độ, và anh đã vượt qua từng mức độ một trong đời sống của anh.

    Nếu em đọc chuỗi bài tư duy tích cực của anh, em sẽ thấy những bài đầu tiên anh hầu như chẳng nói gì đến Thượng đế, Trời, Phật, Allah…

    Rồi đến những bài rất lâu sau đó anh bắt đầu phải nói nhiều đến các vấn đề tâm linh và Trời Phật Allah.

    Vì theo kinh nghiệm của anh, tư duy tích cực mà không tâm linh chỉ tiến đến một đoạn nào đó rồi đứng yên. Muốn tư duy tích cực cao đến đỉnh phi thường, thì đời sống tâm linh là cần thiết–tức là khám phát trái tim sâu thẳm của mình với các giáo huấn tâm linh đã đứng vững mấy nghìn năm trong lịch sử con người (mà 2 dòng chính anh rất rành là Phật học và Thiên chúa học).

    Nếu anh không phải nhắc đến Chúa Phật thì anh đã không nhắc, vì anh biết có nhiều bạn không quen các điều đó. Nhưng nếu anh không nhắc đến các điều đó, thì các em sẽ không bao giờ khám phá được toàn sức mạnh của trái tim sâu thẳm của chính mình, và sẽ đứng dừng ở mức rất thấp.

    Ít ra đó là kinh nghiệm của riêng anh. Trong khỏang 20 năm, anh đã thực hành hầu hết mọi trường phái tư duy tích cực mà anh đọc được. Và kinh nghiệm đã đến với anh bằng cách thực hành không tâm linh, một cách cứng đầu, của một luật gia và triết gia dùng lý luận lạnh lùng làm sức mạnh trong anh, rất nhiều năm, cho đến khi anh thấy tư duy tích cực của anh không tiến được và cứ đứng dừng ở mức thấp, dù là anh nghiên cứu phân tâm học nhiều đến thế nào.

    Rổi anh bắt buộc phải nghiên cứu và khám phá con đường anh đã gạt bỏ ngay từ đầu vì không muốn khám phá, là con đường tâm linh, tức là khám phá chiều sâu thẳm của trái tim của chính mình, qua các giáo huấn và thực hành của các tôn giáo lớn trên thế giới đã mấy nghìn năm. Và ở trong các giáo huấn tâm linh đó, anh tìm ra câu trả lời, dù là mỗi tôn giáo dùng các từ khác nhau và cũng trả lời hơi khác nhau một chút.

    Kết luận của anh là chúng ta chỉ có thể tư duy tích cực đến mức tuyệt đỉnh, phi thường, kinh khủng, làm mọi người khác và ngay cả chính ta kinh ngạc, nếu ta thực hành các quy luật tâm linh. Nếu không thì ta sẽ dừng ở khoảng đai xanh, không tiến hơn được.

    Và thực sự là “khi anh nói đến tâm linh (trái tim linh thiêng) của mỗi người chúng ta, anh không nói đến tôn giáo”. Nếu em chưa hiểu anh nói gì, thì cứ nhớ câu quote này của anh, sau này em sẽ hiểu. Tâm linh luôn luôn nằm trong các giáo huấn cốt lõi của các tôn giáo lớn, nhưng đa số người rất tôn giáo lại rất công thức, mà là công thức sai, và không hiểu tâm linh là gì. Khi em hiểu rất rõ sự khác biệt giữa tâm linh và tôn giáo, lúc đó là lúc em đã đủ sức làm thầy đa số người khác..

    Huyền Vân, em có sức mạnh tâm linh rất lớn, em chỉ chưa nhận ra mà thôi. Một ngày nào đó em sẽ hiểu.

    Chúc em một ngày rực sáng.

    A. Hoành

    Ô, Huyền Vân, “Thượng đế là tình yêu.” Em không bao giờ có thể có bằng chứng về tình yêu để trình bày với thiên hạ. Em chỉ biết tình yêu hiện diện bằng các cảm xúc trong tim mình mà thôi, không thể là bằng chứng cho người khác.

    Thượng đế cũng thế. Em chỉ có thể cảm xức được Thượng đế hiện diện trong em, chẳng có bằng chứng cho người khác được.

    Em có a good day nhé.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  6. Hi Vân!
    Trước khi anh Hòanh trả lời bạn mình xin mạo muội chia sẻ với bạn vài dòng nhé, vì mình thấy câu hỏi của bạn rất hay, rất thiết thực, mình cũng đã từng hỏi như vậy , và mình đã mất rất nhiều thời gian mày mò tìm ra câu hỏi ,không tin vào bất cứ vị thầy nào ở ngòai .
    Mình đã tìm ra câu trả lời,tuy nhiên mình xin thú thật là mình không biết chọn từ ngữ chuẩn xác để trình bày điều đó, mình chỉ có thể chia sẻ thế này: bạn hiểu thánh, thượng đế, chư phật ,là gì ? nếu bạn hiểu và thấy được thượng đế là gì, bạn sẽ hiểu vì sao có nhiều người tốt ,sống rất tốt,nhưng không tin vào thánh thần mà họ vẫn rất tốt, rất tích cực,mình cũng thấy rất nhiều những người như vậy.Tuy nhiên ,mình chưa gặp được ai mà có một tấm lòng vị tha,sống đời sống từ, bi ,hỉ ,xả, yêu thương bình đẳng, chân thật, mà cuộc đời họ đã như vậy từ khi sinh ra, mình chỉ thấy những con người từ, bi, hỷ, xả sau khi gặp những biến cố trong đời và họ đã thay đổi khi tìm tới thánh, phật, thượng đế,có thể có những người như vậy mà mình chưa biết chăng, nhưng mình không tin ai đó khi sinh ra đã đủ đức từ, bi, hỷ, xả, yêu mọi người bình đẳng cả, phải có dẫn dắt, chỉ bảo…
    Những người sống tốt mà bạn thấy có thực sự là những người:từ ,bi,hỷ,xả,yêu thương bình đẳng không, họ luôn an vui và tĩnh lặng chứ?
    Theo mình, những người không tin vào thánh, thần ,thượng đế, phật,chúa, mà họ sống rất tốt vì trong bản thân họ đã có thượng đế rồi, chỉ là do họ và chính mình không nhận ra điều đó thôi, bạn chỉ cần hiểu thượng đế là gì bạn sẽ giải đáp được câu hỏi của bạn.
    Mình rất muốn chia sẻ nhiều với Vân, tuy nhiên mình trình bày rất kém, để anh Hòanh trả lời bạn và mình cũng muốn nghe anh Hòanh chỉ bảo .Vài dòng với Vân, chúc bạn một ngày an vui.

    Like

  7. Em muốn tìm cái mặt cười để in vào đây mà em không biết tìm ở đâu quá anh Hòanh ơi ? Em post comment xong đã thấy trả lời của anh. Quả thật , anh thực sự đang tiến dần đến trung tâm rồi , em phải cố gắng theo anh thôi…hi hi

    Like

  8. Cám ơn chị Huyền Vân có câu hỏi hay và câu trả lời của anh Hoành giải đáp được vấn đề em cũng hay nghĩ ngợi giữa ý chí con người và sức mạnh tôn giáo, nhất là sau khi đọc bài viết trên của anh.

    Em đã từng cảm nhận có sự khác biệt rất lớn giữa các hình thức phụng thờ tôn giáo cho dù là 1 tôn giáo ở nơi này nơi khác. Rồi cùng một bài trong kinh sách, có thầy giảng cách này, có thầy giảng cách khác… Rất rối rắm, nhiều khi em nghĩ, trải qua những khó khăn trong cuộc sống, em không muốn mình làm người chai sạn, hằn thù mà muốn hướng đến điều tốt, với tình yêu thương, mà sao chạm tới tôn giáo cũng nhiều vấn đề quá. Và thực sự em đã tĩnh tâm lại hơn trước nhờ tình cờ vào website của “Trần Đình Hoành” một lần cách đây cũng lâu. Sau đó em thỉnh thoảng hay vào đọc để củng cố tinh thần mình (em không đọc thường xuyên vì trong lúc nhạy cảm, chỉ cần đọc hoài 1 vấn đề, em cũng bị nghĩ quẩn).

    Website Đọt Chuối Non với nhiều tình thân, cách lập luận rõ ràng nhưng lúc nào cũng đầy tình cảm là những gì giúp em thấy mình không cô độc trong cuộc sống tinh thần hằng ngày. Mong là anh Hoành và các anh chị luôn mạnh khỏe và sống vui, để những bài viết của Đọt Chuối Non luôn đầy ắp niềm vui với cuộc sống và những suy nghĩ tích cực dù cuộc sống có gặp phải khó khăn.

    Cám ơn các anh chị lần nữa
    Hồng Quyên

    Like

  9. Dear anh Hoành,

    Vấn đề làm sao giúp một người đi đúng đường trong sự đau khổ? Mình có thể làm thử, làm được những gì? Phải chăng đó cũng là một điều mà mình phải tự thao thức và tự tìm giải pháp cho mỗi trường hợp cụ thể?

    Like

  10. Hi QL,

    Anh nghĩ là một phần tùy theo văn hóa có sẵn của mình. Chúng ta thường có khuynh hướng “về nguồn” của truyền thống gia đình (ông bà cha mẹ) của mình để tìm kiếm, tức là tôn giáo mà gia đình mình đã theo.

    Kế đó là bạn bè. Bạn mình biết gì, thì thường chia sẻ với mình điều họ biết.

    Và đương nhiên là “người tìm kiếm” phải luôn luôn là chính mình.

    Anh nghiên cứu cả hai truyền thống Phật giáo và Thiên chúa giáo (Do thái giáo, Ki tô giáo, Hồi giáo). Đây là hai truyền thống hoàn toàn khác nhau trong căn bản luận lý. và trong truyền thống Thiên chúa giáo, anh thấy là Ki tô giáo (Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành) là phát triển sâu sắc hơn cả về thần học.

    Và trong tiến trình tìm kiếm này anh học được 3 điều.

    1. Mỗi truyền thống (Phật giáo và Thiên chúa giáo) qua hàng nghìn năm đã phát triển cực kỳ cao. Mình chẳng có thể thêm thắt gì. Dù là mình viêt thêm vài quyển sách thì cũng chỉ là footnotes cho những gì đã có sẵn. Cho nên tốt hơn là cứ học điều có sẵn. (Trừ khi mình muốn sáng tạo một trường phái mới).

    2. Tư tưởng trong 2 truyền thống này đều rất sâu sắc trong thực hành, cho đến nỗi đa số các “thầy” (linh mục, mục sư, sư) không nắm vững. Và đi lạc. Cho nên anh thường khuyên các bạn là tự mình đọc kinh sách và tìm hiểu, hơn là đi theo các thầy có trí tuệ thấp hơn mình.

    3. Tất cả các truyền thống, dù là luận lý và ngôn ngữ khác nhau, đều dạy một điều rất khó thực hành: Yêu TẤT CẢ mọi người, kể cả kẻ thù của mình.

    Và đó là điều mà đại đa số mọi người, kể cả các “thầy”, không làm được và thường đi lạc. Đại đa số các “thầy” của thế giới rất thích chia lằn ranh, ta đúng chúng sai, ta thiện chúng ác. Mỗi thầy đều có cao ngạo, âm thầm hoặc lộ liễu, là đường mình mới đúng, đường khác mình là sai hoặc ít ra thì cũng hơi bị chệch hướng.

    Nếu em nghe được hai con kiến tranh cãi “Tao đúng mày sai” có lẽ em sẽ phì cười, đã nhỏ như kiến mà còn tranh cãi, được gì? Thương đế không cần chúng ta tranh cãi, vì ta quá nhỏ để hơn thua mà có nghĩa lý gì.

    Và anh tin rằng “yêu tất cả mọi người” là điểm duy nhất mà Thượng đế quan tâm, và dạy TOÀN THỂ loài người, qua các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, với các kiểu lý luận khác nhau, cùng một điều căn bản: Yêu tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của mình (Nếu mình gọi họ là “kẻ thù”).

    Nếu ta đạt được điều này trong tâm tưởng và trong thực hành, ta đạt được điều tất cả các thánh nhân đều đã dạy và đã cố gắng thực hành. Không cần phải theo một tôn giáo nào. Và nếu có theo tôn giáo nào mà không thực hành điều dạy universal (toàn cầu) này thì cũng vô ích– nhà thờ, nhà chùa, thần học, triết học cũng đều vô nghĩa, nếu điều dạy giản dị và toàn cầu này, mà mọi thánh nhân cổ kim đều dạy, ta không làm được.

    Hy vọng là anh đã trả lời QL rốt ráo.

    Liked by 1 person

  11. Hi Harmony,

    Hiên thời trên thế giới chỉ có hai truyền thống thực sự khác nhau.

    1. Phật giáo: Chú trọng vào luận lý (logic), quan sát của con người, và đinh luật khoa học nhân quả (nguyên nhân và hậu quả). Phật giáo không đề cập đến Thượng đế. Cho rằng vũ trụ (và bản chất thật của nó là “Không”) đã luôn luôn có đó, từ vô lượng kiếp. Và mỗi chúng ta cũng chỉ là một phần của Không, xuất hiện do nhân duyên, như là một lọn sóng của đại dương, xuất hiện trong vài phút, cũng chỉ do các điều kiện gió và nước tạo thành.

    2. Thiên chúa: Tất cả mọi tôn giáo chủ trương có một Thượng đế tạo ra vũ trụ và loài người (và mọi thứ khác). Trong dòng này, lòng tin vào Thượng đế là nền tảng. Mọi điều khác ta học đều là do Thượng đế chỉ dạy, qua các sứ giả của Ngài qua các thời đại, và qua tiếng nói của Thượng đế với chính ta, mà ta nghe được trong lòng ta.

    Đó là sự khác biệt sâu xa giữa hai dòng văn hóa khác nhau.

    Nhưng điều căn bản giống nhau giữa hai dòng là : “Yêu tất cả mọi người, không loại trừ ai”. Và anh cho rằng đây mới là điều căn bản. Mọi khác biệt khác chỉ là do văn hóa và ngôn ngữ, như là tiếng Anh và tiếng Việt.

    Anh tin rằng, Thượng đế/chư Thánh, dù tên gọi là gì, chỉ quan tâm đến một điều chính mà mọi thánh nhân đều đề cập, trong mọi thời đại, tại khắp mọi nơi trên trái đất, là “Yêu tất cả mọi người, không loại trừ ai”. (Mọi khác nhau khác về triết lý và thần học chỉ là ngoài da, chỉ là ngôn ngữ, hoàn toàn không quan trọng).

    Em khỏe nhé. Em là một trong các bạn của Vườn Chuối cho anh rất nhiều kính phục và cảm hứng đó Harmony à.

    Liked by 1 person

  12. Đọc phản hồi của anh Hoành rất thú vị.
    Cả những câu hỏi của các bạn vườn chuối nữa chứ 😀

    Like

  13. Vâng, em cám ơn anh. Em sẽ ghi nhớ những điều universal này làm hành trang đi đường.

    Ơn trời, em bẩm sinh có lẽ có căn cơ tốt, nên chuyện “tu tập” này đối với em rất tự nhiên và dễ dàng. Dễ dàng đến nỗi em cảm thấy … ngại ngùng không muốn thể hiện với người khác – những người em cảm thấy không mang cùng … bộ giá trị với em, những người em cảm thấy sẽ không thể hiểu được tại sao em lại đi đường này và nhìn em như một … dị nhân trong muôn kiểu dị nhân khác ở đời, dù rằng đó là những người em rất yêu thương và quý mến và họ cũng rất yêu em.

    Vậy nên, câu hỏi của em là mình có thể giúp gì cho những người không có được căn cơ bẩm sinh này (hay đã lỡ tay đánh rơi đâu đó trong khi ngụp lặn “bể khổ”)? Em chỉ mới nghĩ được một cách là cứ lặng lẽ đi bên cạnh họ, lặng lẽ sống như mình muốn bên cạnh họ, cùng họ trải qua một vài chuyện với cách giải quyết vấn đề của mình … cho đến khi họ tìm thấy được ở mình một vài cái gì đó họ có thể dùng được … Với cách này, mình chỉ có thể giúp được những người ở gần mình. Còn khi họ ở xa? khi cuộc sống thường ngày của họ chẳng có sự hiện diện của mình?

    Like

  14. Hi QL,

    Anh thấy cách sống hay nhất với những người quanh mình là cố găng thương yêu họ thật sự, hết mình. Chỉ vậy là đủ.

    Tình yêu của mình tự nó nói rất nhiều. Không cần phải dạy ai về thần học hay triết học–đó là các điều ngoài da (trừ khi ai hỏi thì trả lời).

    Liked by 1 person

  15. Đúng vậy đó QL. Các soeurs sống cách đó. Rất giản dị, khiêm tốn và yêu người.

    Những người cho anh inspiration mạnh nhất là các soeurs (và các cha thuộc dòng Phanxicô–dòng anh em hèn mọn–cũng cho anh rất nhiều hứng khởi).

    Like

  16. Chào chú Hoành và các anh chị trong vườn chuối 🙂

    Theo cháu thì khi con người ta tuyệt vọng, có lẽ cuộc sống đã trao cho người ấy một cơ hội cực kỳ quý giá để có thể nhận ra được Thượng đế và Phật luôn hiện hữu bên trong mình mà bấy lâu nay bản thân chưa nhận ra. Tuy nhiên chỉ có một số người trong đó tận dụng được cơ hội trời cho ấy, những người khác thì hành động trái ngược hoàn toàn, mất hết niềm tin vào cuộc sống, thật là đáng thương.

    Nếu mỗi khi đang trong tình trạng tuyệt vọng mà chúng ta nghĩ rằng Chúa, Phật vẫn đang ở bên cạnh mình, vẫn đang lo lắng chăm sóc cho chính mình thì sóng gió đã được hạn chế nhiều rồi, những vấn đề khó khăn còn lại chỉ là những tàn dư yếu ớt mà thôi. Hơn nữa, mỗi khi vượt qua được sóng gió thì chúng ta lại càng mạnh mẽ hơn, lại càng tin tưởng vào Thượng đế, Phật hơn nữa. Khi khó khăn không thể làm gục ngã chúng ta, nó sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn trước :).

    Danh từ “Chúa, Phật”, theo cháu có thể được hiểu như là sự vô hạn hoặc là tình yêu vô hạn.

    Đứng trước Chúa, Phật ta thấy trí tuệ của mình thật là nhỏ bé, khổ đau của bản thân chỉ là cơn gió thoảng qua mà thôi, cho nên cũng không có gì mà phải quá đau khổ cả, điều này cháu chỉ mới cảm nhận trên bình diện lý thuyết thôi ạ :).

    Đứng trước Chúa, Phật chúng ta thấy những gì mình làm nhỏ bé quá, ít ỏi quá, tình yêu của bản thân còn hạn hẹp quá, chính điều đó mà bản thân có động lực để tiến bộ hơn, để có thể tiến gần hơn với Chúa, với Phật.

    Đối với những người không tin là có Thượng đế, Phật. Theo cháu thì cũng không nên thuyết phục họ tin điều đó làm gì, mình cứ sống tốt, tin là có Chúa, Phật.. rồi một thời gian họ sẽ thấy rằng trong quan niệm của bản thân có gì đó là không ổn và có lẽ họ sẽ dần dần tin thôi ạ. Hữu xạ tự nhiên hương :).

    3 điều cơ bản mà chú muốn truyền đạt “khiêm tốn, thành thật và nhân ái”, nghe qua thì thấy đơn giản nhưng muốn thực hành được trọn vẹn thì rất khó. Giống như là hành trang để đi vào Thiên đàng, Niết bàn vậy :).

    Chúc sức khỏe chú và các anh chị trong vườn chuối 🙂

    Like

  17. Với mình đây là bài viết thật hay và chính xác về tuyệt vọng, ranh giới giữa tuyệt vọng và hy vọng. Best concise, sincere and beautiful essay ever written on two sides of hope, hopeless and hopeful… Wish the author will translate it to English in near future.

    Like

Leave a comment