Cư trần lạc đạo

Chào các bạn,

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vua Đại Việt thứ ba của nhà Trần. Trước đó là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.

Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của Tuệ Trung Thượng Sĩ, lên núi Yên Tử tu thiền, và tập hợp ba dòng thiền tại Việt Nam lúc đó là dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), dòng Vô Ngôn Thông, và dòng Thảo Đường, thành Thiền phái Trúc Lâm, còn tồn tại cho đến ngày nay với Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt do thiền sư Thích Thanh Từ chủ trì.

Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu một bài thiền thi ngắn nhưng rất sâu sắc của vua Trần Nhân Tông, là bài Cư trần lạc đạo, vừa đăng gần đây trong slideshow Thiền Thi.

Cư trần lạc đạo

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu báo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

    Trần Nhân Tông
    (Trần Khâm 1258-1308)


Sống đời vui đạo

Sống đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói thì ăn no mệt ngủ liền
Trong nhà có của, đừng tìm nữa
Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền

    TĐH dịch

Sống đời vui đạo cứ tùy duyên. Sống đời vui đạo. Không phải là “trốn đời vui đạo” theo kiểu “Lan và Điệp” như mọi người thường lầm tưởng. Đời và đạo là sống và vui.

“Đời đạo là sống vui. Đạo đời là vui sống.”

Có “sống đời” thì mới “vui đạo” được. Vì đời là đạo và đạo là đời. Ngoài đời không có đạo, ngoài đạo không có đời. Như thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói trong Chứng Đạo Ca :

Vô minh thực tính tức phật tính
Huyễn hóa không thân tức pháp thân

Giải thích:

Bản tính thực của vô minh (si mê) chính là tính phật
“Thân không thực” huyền ảo này chính là thân (thực) của tất cả mọi thứ

Đây cũng chính là “sắc bất dị không, không bất dị sắc” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc) của Bát Nhã Tâm Kinh.

• Muốn “sống đời vui đạo” thì phải “tùy duyên” Chữ “duyên” là chữ bao gồm toàn bộ tư tưởng Phật học.

“Duyên” là nhân quả. Những gì xảy ra bây giờ là kết quả của tất cả mọi nguyên nhân (mọi nhân duyên) trước đó—một tích tắc trước cũng như vô lượng kiếp trước—và là nguyên nhân của những gì sau đó—một tích tắc sau cũng như vô lượng kiếp sau.

(Chỉ cần hiểu hết được lý‎ lẽ của chữ duyên—thập nhị nhân duyên, mười hai bước nhân duyên của cuộc đời—là đã có thể giác ngộ thành Bích Chi Phật)

“Tùy duyên” là “theo duyên”. Nghĩa là chuyện gì xảy đến cũng có l‎ý do của nó, cứ thuận theo đó mà sống–không cần phải chống lại nó, không cần phải phàn nàn về nó, không cần phải lo âu về nó, không cần phải stress về nó, như là:

Đói thì ăn no, mệt ngủ liền.

Chẳng ai phàn nàn tại sao đói. Chẳng ai thắc mắc tại sao mệt. Chẳng ai đau khổ mỗi khi đói bụng hay buồn ngủ.

Vậy thì, bệnh thì tìm thuốc chữa, cần tiền thì đi làm kiếm tiền, cần thi đậu thì học, cần hết stress thì giải stress…

Việc gì phải làm thì làm, chẳng lý do gì phải stress, phải phàn nàn, phải trách móc, phải giận dữ, phải đau khổ, phải than thân trách phận, phải tiêu cực.

Trong nhà có của, đừng tìm nữa.

Cái gì là báu vật vậy? USD? Hột xoàn mười mấy cara?

Không. Báu vật đó là cái tất cả mọi người trong thiên hạ đi tìm: Hạnh phúc.

Hạnh phúc: Nhà Phật gọi là Niết Bàn—hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn an lạc, thành người tĩnh thức, thành Phật.

Nhưng Niết Bàn không nằm ngoài ta—Niết Bàn đã có sẵn trong tâm ta. Phật cũng không nằm ngoài ta, Phật đã nằm sẵn trong tâm. Mỗi người chúng ta là Phật đang thành, là Niết Bàn sắp hiện.

Đừng tìm Phật bên ngoài, đừng tìm Niết Bàn bên ngoài. Trong nhà có của, đừng tìm nữa.

Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền.

Nhìn cảnh thì thấy cảnh, đừng “chú giải” thêm vào cảnh đó. Như là nhìn“mưa rơi trên mái hiên” thì thấy “mưa rơi trên mái hiên”, chứ đừng chú giải thêm là “mưa rơi trên mái hiên buồn tênh” hay “mưa rơi trên mái hiên như những bước nhảy nhót của người yêu.”

Phụ chú tình cảm chủ quan vào “cảnh” ta thấy, là có tâm ý.

Chỉ nhìn cảnh, thấy cảnh, nhưng không phụ chú, không tam quốc diễn nghĩa thêm vào, gọi là “không tâm ý”, tức là “vô tâm.”

“Nhìn cảnh vô tâm” tức là nhìn người chửi mình mà không nổi giận; nhìn bệnh tật đến với mình mà không sợ hãi; nhìn nguy hiểm trước mắt mà không kinh khiếp; nhìn đống vàng mà không hoa mắt; nhìn danh vị mà không ham hố; nhìn quyền lực mà không say mê; nhìn túi quần không một xu teng mà không mặc cảm; nhìn thân thể tật nguyền mà không tủi thân, nhìn thế lực địa vị trong tay mà không kiêu mạn…

Điều gì đến thì đến, điều gì phải làm thì làm. Đến thì đến, nhìn thì nhìn, làm thì làm, nhưng tâm luôn bình lặng, luôn thoải mái, luôn an lạc.

Đó là vô tâm.

Và đó là Hạnh phúc, là Niết Bàn, là Phật tính.

Đối cảnh vô tâm. Nhìn cuộc đời với con tim hoàn toàn tĩnh lặng.

Như thế thì không còn tham lan, sân hận, si mê, kiêu mạn, sợ hãi, làm cho tâm bị mù lòa nữa.

Lúc đó tự nhiên ta thấy được của báu đã có sẵn trong nhà—cái tâm tĩnh lặng của mình, Phật tính của mình, Niết Bàn của mình.

“Đối cảnh vô tâm” là Phật, là Niết Bàn, là an lạc, là Hạnh phúc.

Thế thì đâu cần phải hỏi chi đến thiền, hay tu, hay pháp?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2009
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Cư trần lạc đạo”

  1. Tâm và duyên

    Trong bài cảm nhận về bài thơ Cư Trần của vua Trần Nhân Tông, mình có thêm một vài suy nghĩ liên quan đến 2 từ duyên và tâm trong Phật pháp.

    Trước hết xin thưa rõ, mình không rành về Phật pháp theo đúng với cách hiểu của những nhà nghiên cứu Phật. Mình chỉ hiểu Phật pháp theo cách diễn giải của người đời nay mà thôi.

    Người ta thường nói đến duyên nghiệp và tâm khi nói đến Phật tánh, Phật pháp. Nhờ thế mình hiểu chữ duyên theo cách thế này

    Duyên là một chuỗi một tập hợp các hiện tượng xảy ra, có nguyên nhân và có kết quả. Từ chuỗi ấy, ta nhận ra các quy luật của vũ trụ, của kiếp nhân sinh.

    Tôi muốn gặp anh,muốn nói với bạn điều gì đó… đây chỉ mới là ý của ta. Thực hiện việc ấy như thế nào, ở đâu, khi nào… ấy lại là duyên. Cũng có thể hiểu kiếp trước ta và bạn có một cái duyên nào đó nên kiếp này gặp nhau. Trong cái duyên của vô lượng kiếp kia, giữa ta vẫn còn 1 chút vấn đề chưa hiểu nhau, đã từng xảy ra ngộ nhận thậm chí tranh cải hay xung đột. Thế nên kiếp này ta có cái duyên để nhận thức lại vấn đề ấy và có cái duyên để cùng hóa giải hoặc cảm thông nhau, cùng giúp nhau tiến bộ…

    Có lần xem 1 bộ phim truyền hình của Hàn quốc. Trong đó 1 cặp vợ chồng nọ có duyên gặp một vị cao tăng. Vị này nhìn ra tiền kiếp của cả hai. Kiếp trước họ là 2 kẻ thù bất cộng đáy thiên của nhau…. Thế nên kiếp này, duyên trời định cho họ phải sống với nhau, yêu thương và tha thứ cho nhau trong đạo nghĩa vợ chồng… Thật là một cách giải thích rất nhân ái về đạo vợ chồng và cả những xung đột, mâu thuẩn thường xảy ra trong đời sống vợ chồng. Họ phải cãi nhau vì cái tiền nghiệp chưa thuận hòa với nhau. Và họ phải yêu thương nhau cũng vì sự bất hòa của tiền kiếp.

    Tôi lại nhớ đến câu chuyện cổ tích Việt Nam khác. Theo câu chuyện có 1 người nọ suốt kiếp lận đận, nghèo khổ nên phải vay nợ một người bạn. Anh nhà nghèo vay cả đời mà trả vẫn không hết nợ. Đến ngày cả 2 ra trước Diêm vương, anh chủ nợ nằng nặc đòi anh kia phải trả nốt cả vốn lẩn lãi của kiếp vừa rồi. Diêm vương thuận cho đòi hỏi này và thế là… Trong kiếp kế tiếp anh con nợ làm cha sinh ra anh chủ nợ…

    Ông bà ta giải thích rằng phận làm cha là phải thương yêu con cái đến nỗi có thể hy sinh tất cả, hy sinh cả tương lai, hiện tại và tính mạng cho con cái của mình. Sự hy sinh vô bờ bến ấy bởi cái nợ của tiền kiếp. Tôi nghĩ đây cũng là một kiểu giải thích về chữ duyên hết sức nhân ái và dễ thương.

    cái duyên mà kiếp này ta gặp là để hòa giải các mâu thuẩn đã có với nhau trong tiền kiếp.

    Cái tâm là gì?

    Nhiều người thường đưa ra hình ảnh các vị thiền sư cao minh thoát tục…. đến nổi giống như gỗ đá vô tri, vô giác, vô cảm với các nhiễu động của thế sự. Tôi cho rằng suy nghĩ như thế chỉ mới thấy cái vỏ bên ngoài của thiền sư.

    Cho dù tâm thiền sư có tĩnh như mặt hồ, ta ném vào đó viên đá., mặt hồ chợt chao động rồi lại tiếp tục tĩnh lặng. Nhưng nếu ta bỏ vào đó một đường cống đầy nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt thì mặt hồ có còn như xưa hay không?

    Suy nghĩ thế tôi lại cho rằng, thật vô duyên khi một con người trở nên vô cảm trước thế sự. Ta sẽ giống anh AQ của Lỗ Tấn. Chúng mày đánh tao như đánh cha chúng mày vậy. Chửi tao là chửi cha mày đấy… Cứ nghĩ thế thì ta cũng có được bản mặt lạnh lùng., bất biến trước các lời thị phi. Phải vậy chăng?

    Bạn và tôi cùng không đồng ý về cái kiểu tự lý giải các hiện tượng như thế để có một trạng thái bình an như AQ. Tâm ở đây nên hiểu là khả năng thấu hiểu thế sự để tìm một lời giải đáp nhân ái và tích cực cho thế sự. Ta hóa giải nó không phải để tâm ta vô cảm nhưng để lắng đọng các cơn giông bão của thế sự.

    Làm sao tìm được cái tâm hòa giải, cảm thông này? Tôi nghĩ chính là việc ta hiểu được chữ duyên. Nghĩa là ta nên hiểu thế sự vận động theo một số quy luật riêng của nó. Vì ta chưa thấu hiểu các quy luật ấy nên cái đáp trả response của ta với thế sự dễ đi vào những ngõ bí trong tâm thức, những vực thẳm của khổ đau và thù hận.

    Hiểu được duyên để tìm được một giải pháp ôn hòa giúp cho chính ta và những người tham gia trong cái thế sự điên đảo ấy cùng tìm một giải pháp tích cực chung và mọi người cùng tiến bộ đến miền hạnh phúc thật… cõi Niết bàn trong tâm ta.

    Như thế Tâm cũng là lòng dục., lòng tham, sự ham muốn đến cái thiện hảo. Tâm cũng là lòng sân hận với những điều tiêu cực, hại người hại đời mình. Tâm là tập hợp các trạng thái mà khoa học thực dụng ngày nay gọi chung là trạng thái tâm lý như thất tình, lục dục. Nhưng là loại trạng thái tâm lý hướng đến sự bình an chung.

    Tâm và duyên phải đi chung với nhau và hài hòa với nhau. Chúng cũng hài hòa với hoàn cảnh mà con người đang cư trần.

    Cư trần thì nhiễm trần…

    Bạn đi qua một bãi lầy thì có cách gì để áo quần không lấm bùn? Vậy thì tội gì bạn phải tìm sự sạch sẽ của những người đi trên thảm đỏ, sống trong nhung lụa? Chính các hoàn cảnh chung quanh ta, chung quanh nơi ta sống đã định hình cái kiểu tâm của ta sao cho ứng với cái duyên mà ta hội ngộ…

    Những cái này ta có thể nói tràng giang đại hải, hết ngày này đến ngày khác và tốn hàng tỷ tỷ GB bộ nhớ máy tính… Nhưng ta vẫn không tìm được một quy luật chung cho mọi người. Nghĩa là ta không thể gói trọn những điều tốt đẹp ấy trong một số lượng từ ngữ giới hạn nào cả. Vì khi gói vào trong một câu, một đoạn văn nào đó, điều ấy chỉ đúng với ta trong một số trường hợp cụ thể. Nó không thể đúng với mọi người trong mọi lúc. Nó không thể bất biến với không gian, thời gian, hoàn cảnh văn hóa, kinh tế, điều kiện sống, tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm cá nhân của bao tỷ con người được. Đấy chính là cái không của tâm và duyên. Ta chỉ hiểu nó bằng cái không của tâm hồn. Nhưng cái không tinh tế có thể ứng với mọi hình thức sắc tướng. Tâm và duyên ấy giống như nước. Bạn chứa trong bầu thì tron, trong ống thì dài… Sắc và không là vậy. Tâm và duyên là thế…

    mến
    Tran Ba Thien
    tranbathien@gmail.com

    Like

  2. Hi anh Thiện,

    Cám ơn anh Thiện đã chia sẻ với một bài luận rất dài 🙂 Rất nhiều điểm trong bài của anh chúng ta có thể bàn luận dài dài, nhiều GB như anh nói. Và rất nhiều điểm mình đồng ý với anh.

    Tại đây mình muốn nói đến một điểm mà các quí vị chưa thực hành tâm tĩnh lặng của nhà Phật hay hiểu lầm, và là điểm mình phải trả lời thường xuyên nhất cho các bạn khi nói về Phật pháp. Đó là khái niệm tĩnh lặng hoàn toàn của tâm, hay là “vô tâm” trong bài Cư Trần Lạc Đạo.

    Để mình lấy một thí dụ cùng nằm trong truyền thống vô tâm của Phật gia, nhưng ở mức thấp hơn là mức vô tâm của Bồ tát. Đó là “tâm tĩnh tặng” hay “vô tâm” của chiến sĩ.

    Nói đến tâm tĩnh lặng của các chiến sĩ nhiều người rất ngạc nhiên. Nhưng đó là qui luật chiến đấu đầu tiên trong tòa án, trong võ đường, hay trên đường phố. (Cả ba nơi này mình đều có kinh nghiệm thật) .

    Nếu đối diện địch thủ (hay kẻ có thể là địch thủ) mà tâm bị xao đông, sợ hãi, hay nóng giận, thì hỏng. Vì sơ hãi hay nóng giận sẽ làm mình bị mờ mắt mờ tai, phản ứng bậy bạ, suy nghĩ bậy bạ, không chính xác.

    Nếu tâm mình tĩnh lặng, mình sẽ (1) làm được mọi sự–từ mỉm cười thân thiện đến chiến đấu hết mình, (2) thấy được mọi sự–từ cái chớp mắt mất bình tĩnh của địch thủ, đến một rung động nhỏ của đầu một ngón tay đang chuẩn bị tấn công, và (3) suy nghĩ được mọi sự–từ việc tìm lời nói từ tốn xin lỗi để làm hòa, đến việc biết được tình hình quanh mình, đến việc tiến thoái nếu phải chiến đấu.

    Nếu tâm buồn bực, nóng giận hay sợ hãi, thì có thể chỉ làm được 1/10 của các điều kể trên.

    Cho nên tâm tĩnh lặng không phải là tâm AQ hay tâm chai đá mà tâm rất tĩnh, đến nỗi nó cực kỳ nhậy bén với chính nó và với thế giới quanh nó.

    Nếu xem phim The Last Samurai, khi Tom Cruise được các Samurai dạy đánh kiếm, đánh quờ quạng, thì các Samurai dạy “no mind, no mind”, tức là “vô tâm.” Không suy nghĩ. Không tính phải đi đường nào, phải đở thế nào… Vô tâm để tâm cực kỳ bén nhậy, để bất kỳ địch chuyền hướng nào ta cũng có thể chuyển theo rất nhanh mà không bị lấn cấn với các tính toán có sẵn.

    Trong thế giới chiến đấu, vô tâm không phải là lý thuyết, mà là qui luật chiến đấu số 1.

    Vô tâm của thiền sư cũng thế, vô tâm để cực kỳ nhậy cảm với đời–thấy khổ đau khi người khác chai đá, thấy hòa bình khi người khác chỉ thấy chiến tranh, thấy ánh sáng khi người khác chỉ thấy bóng tối, thấy yêu thương khi người khác chỉ thấy hận thù, thấy hi vọng khi người khác chỉ thấy tuyệt vọng…

    Đây không phải là các vấn đề tranh luận lý thuyết. Ta phải thực hành tâm tĩnh lặng nhiều năm cho đến khi đạt được một mức công phu nào đó thì mới hiểu tâm tĩnh lặng là gì.

    Thiền không phải là lý luận. Thiền là thực hành, là sống.

    Chia sẻ với anh Thiện và các bạn điểm cốt yếu này, để các bạn đừng hiểu lầm về vô tâm hay tâm tĩnh lặng. 🙂

    Like

  3. anh Hoành mến,

    Thiện đã đọc rồi… Thiện cũng nghĩ về chữ tâm hoặc vô tâm như anh nói qua cái ý: tâm tĩnh như nước, hễ bỏ bầu thì tròn, bỏ ống thì dài…

    Đứng trước thế sự, tâm ta cần giống như tâm của một kịch sĩ trên sân khấu. Đến hồi vui thì tâm cười ha hả, đến hồi buồn thì tâm khóc hu hu và cũng phải có nổi giận có hết mọi thứ… Nhưng mục đích của các trạng thái ấy là để nhắm đến điều thiện hảo an hòa..

    Người đấu sĩ trên đấu trường phải hiểu bước vào đấu trường, anh ta có thể thắng hoặc có thể bại. Cho dù thắng hay bại, nghĩa là bất chấp cái giải thưởng hoặc mục tiêu bên ngoài là thế nào… anh ta phải biểu diễn tuyệt hảo các sở trường sở đoản của mình. Chính việc thi thố tốt nhất năng lực của mình mới là mục tiêu. Khi xét trên cái mục tiêu ấy, người đấu sĩ sẽ không cần dùng các thủ đoạn bẩn thỉu để dành chiến thắng. Mà nêu cái đẹp của võ thuật làm chiến thắng cho chính mình.. Làm cảm hứng hướng thiện cho mọi người…

    mà đúng như anh nói… Thiền là cái để thực hành chứ không phải cái để bàn luận…

    Thiện nhớ 1 lý luận rất hay khi nhận xét về lời vàng của các Đấng Cứu thế…

    Có người nói Chúa Jesus hay Phật Thích ca chỉ giảng có 1 bài giảng cho ngàn người nghe. Trong số ấy có cả trí thức, cả bình dân, cả giàu cả nghèo… Nhưng chỉ 1 lời nói, 1 câu chuyện… Vì sao ngày nay con người lại phải phân chia theo trình độ nhận thức, theo hoàn cảnh để tìm ra các bài giảng nào là cho giới sĩ phu, nào là bài cho dân giả… Bởi lẽ con người đời nay chỉ có nói mà không hành.

    Những điều ngày xưa các vị ấy thuyết giảng không nhắm vào ngôn từ mà nhắm vào hành động. Chỉ thông qua hành động, thử nghiệm, rèn luyện con người khám phá được các bí ẩn trong ngôn từ của các ngài…

    Like

Leave a comment