Tiếng nói chung của thế giới về Biển Đông

Biên Phòng – Thanh Trúc 26/09/2021 – 14:13

Mới đây, Mỹ và Australia đã tiến hành cuộc tham vấn thường niên theo cơ chế “2+2” lần thứ 31, trong đó nhấn mạnh tới những quan ngại về Biển Đông, cũng như đề cao việc thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

(Từ trái qua phải) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp tại Thủ đô Washington, Mỹ trong tuần trước. Ảnh: REUTERS

Kiên quyết phản đối các diễn biến phức tạp

Tham dự cuộc tham vấn này, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Anthony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin; về phía Australia có Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton. Sau cuộc tham vấn, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề cao tầm quan trọng trong việc thực hiện các quyền và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, phù hợp với UNCLOS, gồm quyền tự do hàng hải, hàng không và việc sử dụng hợp pháp vùng biển này trên bình diện quốc tế gắn với các quyền tự do đó.

Các Bộ trưởng của hai nước cùng nhấn mạnh rằng, việc tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng bậc nhất để đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng của khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Mặt khác, các Bộ trưởng của hai nước tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trên biển với nhiều đối tác, đồng thời quyết tâm phối hợp với các đối tác để đối phó với những diễn biến phức tạp tại khu vực.

Một trong những điểm nhấn quan trọng, các Bộ trưởng của Mỹ và Australia quan ngại về những tuyên bố chủ quyền hàng hải, cũng như những hành động không dựa trên cơ sở pháp lý, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với UNCLOS và Phán quyết trọng tài 2016 có tính ràng buộc pháp lý với các bên liên quan.

Các Bộ trưởng cũng tiếp tục thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với mọi hành động quân sự hóa các thực thể địa lý đang tranh chấp; những hành vi gây mất ổn định khác, gồm những hành vi sử dụng lực lượng vũ trang và dân quân biển; các động thái làm gián đoạn hoạt động khai thác toàn nguyên biển của các quốc gia…

Trước đó, trong cuộc gặp theo cơ chế “2+2” giữa Australia và Pháp, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước nhấn mạnh lập trường kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn, có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Đồng thời tái khẳng định, mọi bất đồng đều phải được giải quyết theo giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS.

Theo Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược tại khu vực nhằm đảm bảo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đồng thời khẳng định, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế của ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, bởi đây là cốt lõi, đóng vai trò quyết định cho nền hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Cam kết vững chắc vì lợi ích khu vực

Phó Đô đốc Michael McAllister, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cho biết, Mỹ là nước đi đầu trong lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải nên luôn có vai trò đóng góp vào sự ổn định và an ninh của khu vực. Điều này là động lực để Mỹ nâng cao khả năng và năng lực của các nước đối tác trong việc thực hiện sứ mệnh đóng góp cho lợi ích chung. Phó Đô đốc Michael McAllister cũng nhấn mạnh, cam kết của Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong đó, Mỹ luôn khẳng định rằng, quan hệ đối tác là chìa khóa để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và quản trị hàng hải.

Về Biển Đông, Phó đô đốc Michael McAllister đánh giá, đây là tuyến đường vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới nên sự hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển có vai trò rất quan trọng. Theo quan điểm xuyên suốt của Mỹ, điều quan trọng nhất là thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong khu vực.

Tại khu vực Biển Đông, gần đây, Mỹ và Philippines cam kết đẩy mạnh hợp tác quân sự với một trong những trọng tâm là đảm bảo hòa bình, ổn định. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana đã đưa ra Tuyên bố chung của hai nước khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quân sự; thống nhất hợp tác trong khuôn khổ hàng hải song phương nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải; nối lại các dự án quốc phòng;… Bên cạnh việc khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, giới chức hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác hàng hải chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Trường Sa tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng bày tỏ những quan ngại xoay quanh những diễn biến phức tạp trên vùng biển này. Đồng thời tái khẳng định, Mỹ và Philippines đã duy trì tốt các cam kết trong Hiệp ước Phòng thủ chung xuyên suốt 7 thập kỷ. Điều này là nền tảng và động lực để hai nước tiếp tục cam kết giữ mối quan hệ đồng minh vững chắc trong thời gian tới, cùng ứng phó và giải quyết hiệu quả các thách thức đặt ra tại khu vực.

Tại châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova vừa qua khẳng định trước truyền thông quốc tế rằng, quan điểm của Nga đối với Biển Đông là nhất quán. Nga không phải là một bên trong các tranh chấp ở Biển Đông và không đứng về bên nào. Đồng thời, Nga coi những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông là phản tác dụng. Thay vào đó, các bên liên quan cần tổ chức tham vấn, đàm phán theo các hình thức phù hợp để giải quyết bất đồng một cách hòa bình và hài hòa.

Theo giới quan sát an ninh quốc tế, trước đây, Liên minh châu Âu (EU) thường đứng trung lập trong tranh chấp Biển Đông. Song, đến nay, 27 quốc gia thành viên EU đã khẳng định rằng, căng thẳng ở Biển Đông đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Giới chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh quan điểm, thái độ của EU đối với Biển Đông cho thấy sự thay đổi nhận thức của phương Tây đối với khu vực là rất đáng kể. Trong lời kêu gọi liên quan tới nỗ lực quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, EU nhấn mạnh rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào đều sẽ làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Leave a comment