Chuyện nghề ngày 21/6: Giữa muôn trùng cạm bẫy

Ký sự của Hoàng Thiên Nga

Nhiệm vụ khó khăn, gai góc nhất đối với phóng viên chính là thực hiện các loạt bài điều tra và phản biện chủ trương chính sách, để góp phần xây dựng xã hội liêm chính. Công việc đầy thử thách này đòi hỏi người làm báo phải có nhiều tố chất, và liên tục học hỏi, trui rèn.

TN1_Truyền lửa về lý tưởng Liêm Chính cho thế hệ trẻ
Nhà báo Hoàng Thiên Nga chia sẻ về liêm chính tại trường Đại học Thái Bình Dương


Tâm-Trí-Thể-Dũng

Đoạn cuối Truyện Kiều có một câu thơ hàm súc, người Việt hầu như ai cũng thuộc: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Càng dấn thân vào phần việc gian nan nhất của nghề báo, tôi càng thấm thía thông điệp sâu sắc này.

Làm phóng viên, muốn chẳng mất lòng ai, chỉ tới những nơi “được ăn, được nói, được gói mang về”, là điều không khó. Nhiều người cầm bút suốt đời “mũ ni che tai” trước mọi nỗi oan khổ, chuyện sai trái, hiện tượng áp bức bất công, để việc nước khỏi ảnh hưởng tới “lợi nhà”. Làm vậy thì an toàn cho bản thân lẫn tòa soạn, tránh hẳn mọi cuộc đối đầu, kiện thưa, gây thù chuốc oán. Nhưng báo chí mà không phản biện thì lấy gì tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển? Còn đâu chữ Tâm của nghiệp dĩ “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” ?

TN2_ Với các diễn giả và học viên dự diễn đàn Liêm chính tại trường Đại học Thái Bình Dương
Với các diễn giả và học viên dự diễn đàn Liêm chính tại trường Đại học Thái Bình Dương

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người làm báo :“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại…”. Làm đúng theo những lời dạy rất đỗi giản dị này, người làm báo trước hết phải có Tâm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy bằng tình thương dân, yêu nước. Nhưng Tâm thôi chưa đủ. Để từng câu chữ đăng lên đạt hiệu quả tác động tích cực, người cầm bút còn phải có Trí. Trí là sự sáng suốt, hiểu biết, được vun xới từ ý thức tự học, bổ túc kiến thức suốt đời.

Nhiều phóng sự điều tra buộc nhà báo phải cải trang, hoán đổi thân phận. Yêu cầu dấn thân, thực hiện cách sao tùy từng trường hợp, đều buộc phóng viên phải có đầu óc minh mẫn, sức khỏe dẻo dai. Đó là Thể. Trước khi lâm trận, phóng viên luôn lường trước mình sẽ đối mặt với những thế lực nào, để chuẩn bị tâm thế chiến đấu vững vàng, không sợ hãi, không khuất phục trước mọi thủ đoạn mua chuộc, hăm dọa, tấn công. Đó là Dũng.

TN3_ Đồng nghiệp chụp HTN trên đường điều tra vụ phá rừng dự án Lách Ló
Đồng nghiệp chụp HTN trên đường điều tra vụ phá rừng dự án Lách Ló

Khi bước chân vào nghề báo, tôi đang là một nữ cán bộ Đoàn mộng mơ với mảnh bằng cử nhân Văn chương, háo hức mong vận dụng chữ nghĩa làm được nhiều điều tốt cho xã hội, chưa hiểu gì về các đòi hỏi gắt gao “Tâm-Trí-Thể-Dũng” này. Nhưng rồi nghề đã dạy nghề, đồng nghiệp dạy nhau, học ở trường đời, tôi trưởng thành dần lên qua những cuộc cọ xát bầm trầy, tỉnh ngộ.

Suốt 26 năm làm báo chuyên trách, tôi gắn bó thủy chung với nhiệm sở duy nhất là Văn phòng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, tòa soạn báo có truyền thống chiến đấu mạnh mẽ của Trung ương Đoàn. Dù là Trưởng Ban, tôi vẫn tự mình thực hiện hàng nghìn phóng sự điều tra. Đã chỉ rõ họ tên nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Nhà nước. Đã giúp tẩy sạch nhiều vết bẩn trên án tích dân oan. Được công chúng tin yêu, từ đó, tôi dễ dàng kết nối được nhiều tấm lòng hào hiệp để tổ chức hàng trăm chương trình thiện nguyện, nhân ái.

TN_Đồng nghiệp VTV lên tiếng trong ngày Nhà báo năm 2017
VTV1 phát phóng sự bảo vệ đồng nghiệp ngày Nhà báo VN 2017

Vốn sống thực tế dày dặn từ chuỗi trải nghiệm không ngừng giúp tôi viết được nhiều bài phản biện chính sách, khi phát hiện đâu đó “có vấn đề”. Thể loại này đòi hỏi nhà báo phải xem xét, đối chiếu rất nhiều văn bản tài liệu, cẩn trọng tham khảo ý kiến các chuyên gia. Lắm khi phải đọc cả nghìn trang để viết đúng vài dòng, chỉ ra đâu là điểm bất hợp lý, cản trở đà tiến của xã hội trong các văn bản, chủ trương, chính sách còn đang dự thảo hay đã ban hành, cần được lãnh đạo các cấp sửa chữa hoặc bãi bỏ, thay thế.

Vũ khí tối thượng: Liêm chính!

Dù được cơ quan, tập thể sẵn sàng đồng hành, nhưng trong thực tế, các phóng viên điều tra luôn phải tự mình đối mặt với nhiều cám dỗ, cạm bẫy nhằm buộc người cầm bút phải bẻ cong sự thật, phải im lặng dù có đủ chứng cứ phanh phui sai phạm, tội ác, bất công. Khi đó, “vũ khí” tự bảo vệ nhà báo hiệu quả nhất, là sự liêm chính.

TN5_Lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp trong Chương trình Chào buổi sáng ngày Nhà báo 2017
Nói chuyện với VTV ngày nhà báo 2017

Trong quãng đời làm báo gần 30 năm của mình, tôi đã nhiều lần bị đe dọa, buộc phải chấm dứt việc phanh phui sai phạm, tội ác của những nhân vật đầy quyền lực. Tôi không đầu hàng, lập tức bị tấn công. Rốt cục, những vụ khủng bố đó càng chứng minh cho công luận thấy tôi đang bảo vệ lẽ phải với tâm thế đàng hoàng, liêm chính.

Năm 2003, do không ngưng loạt phóng sự điều tra dài kỳ “Lật lại hồ sơ phạm pháp của một đại gia”, tôi bị kẻ giấu mặt thuê người đốt xe. Trước đó, họ điện thoại đe dọa “Hễ tiếp tục đăng bài, chị sẽ biến mất không còn dấu vết trên trái đất này”. Tôi trả lời “Chỉ Tổng biên tập mới có quyền yêu cầu tôi ngưng. Nếu tôi sai, các anh cứ kiện, đại gia nhà anh là luật sư mà! Đời người trước sau gì cũng chết, sao tôi phải sợ?”. Mấy ngày sau, ô tô đậu trước sân nhà tôi nửa đêm bốc cháy. Hai kẻ lạ mặt bị bắt. Báo đài đăng tin. Các hãng thông tấn quốc tế như BBC, RFA tìm cách liên lạc, phỏng vấn. Còn Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo CPJ thì gửi thẳng Công điện cho Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đề nghị có biện pháp bảo vệ nhà báo, xử lý bọn khủng bố manh động.

Cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ kết luận kẻ nào đốt xe, nên vụ việc chìm xuồng. Nhưng rồi đại gia bị bắt, lãnh án 3 năm tù vì một trong những hành vi phạm pháp khác mà tôi đã bóc trần. Thụ án xong, tình cờ gặp tôi trong một sự kiện, ông bước tới làm hòa “Xin bỏ qua chuyện cũ, vì chị đúng. Chị hãy tin tôi từ nay sẽ sống tốt hơn, luôn hướng về chân-thiện-mỹ”. Còn em trai ông, người từng hung dữ đe sẽ làm tôi “biến mất” cũng có cuộc chào hỏi tôi đầy vẻ thân tình. Tôi nhẹ lòng nghĩ: Ở hiền, thì gặp lành thôi.

TN6_Nhà báo Hoàng Thiên Nga tổ chức trao quà ủng hộ lực lượng chống dịch tuyến đầu
Nhà báo Hoàng Thiên Nga tổ chức trao quà ủng hộ lực lượng chống dịch tuyến đầu

Tất nhiên, không phải cuộc chiến nào cũng kết thúc có hậu. Hẳn độc giả còn nhớ đầu năm 2017, tôi đã bị vô số nickname cả thật lẫn ảo vu khống, bôi nhọ, mạt sát dữ dằn trên mạng xã hội, chỉ vì tôi liên tục viết bài phanh phui các hành vi tham nhũng, tiêu cực của lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk. Báo đăng mãi mà các cơ quan chức năng vẫn gần như án binh bất động, cho thấy ô dù cỡ này không phải dạng thường.

Kẻ công khai dẫn dắt “đội quân khủng bố” tôi lúc bấy giờ chính là luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân. Ông Triển gửi lá đơn tố cáo tôi dài 8 trang tới 20 cơ quan trung ương, địa phương tại Hà Nội và Đắk Lắk. Trong làng loạt “trọng tội” gán ghép cho tôi, những từ ngữ nặng nề nhất được ông quy chụp tôi đã “vu khống”, “bôi nhọ”, “bóp méo sự thật” về ngành Y tế và lãnh đạo Sở này.

Nhận đơn, báo Tiền Phong gửi công văn mời người tố cáo tới làm việc. Mời 2 lần ông Triển đều không đến. Báo phải cử tổ công tác tìm gặp ông Triển. Hỡi ôi, luật sư đi tố nhà báo mà không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào. Sau đó, ông Triển còn “tư vấn pháp luật” cho 3 phụ nữ nữa gửi đơn bôi nhọ tôi nhiều chuyện bịa đặt khác, cũng không hề có chứng cứ. Trong 3 người này, bà Lê Thị T. từng bị Công an thành phố Buôn Ma Thuột ký công văn cảnh cáo về hành vi bôi nhọ vu khống, còn cô Lê Thị Hồng L. thì sau đó đã tự đến Văn phòng báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên viết giấy xin lỗi, trình bày về việc bị ông Triển xúi giục vu khống nhà báo. Ngày Nhà báo Việt Nam năm 2017, ngay sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự về cuộc tranh đấu gian nan của tôi với thế lực tham nhũng Y tế, ông Triển hồ đồ tương ngay lên facebook :“ Phải chăng nhà báo Hoàng Thiên Nga đã dùng tiền mua cả VTV1” ?

Tôi lập vi bằng, 2 lần tới làm việc chính thức với Đoàn Luật sư Hà Nội, cung cấp các chứng cứ về việc luật sư Trần Đình Triển cố tình vu khống, bôi nhọ nhà báo đang thực thi chức trách nhằm bảo vệ băng nhóm tham nhũng tại Sở Y tế Đắk Lắk. Tháng 12/2019, lãnh đạo báo Tiền Phong cũng đã gửi công văn số 450 tới Sở Tư pháp Hà Nội, Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng-Kỷ luật Đoàn Luật sư Hà Nội, đề nghị các cơ quan này xem xét lại đạo đức, tư cách luật sư Trần Đình Triển. Tới nay, tất cả vẫn im lặng không hồi đáp, trong khi vụ án tham nhũng tại Sở Y tế Đắk Lắk sắp được Tòa tỉnh đưa ra xét xử với 12 bị cáo. Trong đó có cả cựu Giám đốc Sở mà ông Triển từng nhiệt liệt tung hô, che chắn.

Thôi thì, dù sao trắng đen, chính tà đều đã rõ. Ít nhất thì cộng đồng xã hội cũng đã hiểu trong cuộc chiến này, ai thật sự Vì Dân? Sau bao nhiêu cáo buộc oan ức, tôi vẫn được độc giả tin yêu, lại vững tay chèo giữa muôn trùng cạm bẫy.

Được Tổ chức Hướng tới Minh bạch mời đến “truyền lửa” cho học viên các tỉnh thành về dự khóa giáo dục về liêm chính đầu tiên ở Việt Nam, tổ chức tại trường Đại học Thái Bình Dương-Nha Trang, tôi chia sẻ sở dĩ mình nuôi được lửa nghề bền bỉ, vì luôn cảm nhận sâu sắc được sự đóng góp rất đáng kể của những nhà báo liêm chính vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Chỉ khi làm báo tâm huyết với trọn vẹn Tâm-Trí-Thể-Dũng, được xã hội mến yêu tin cậy, bản thân phóng viên mới thật sự hiểu nghề báo cao quý biết bao nhiêu.

H.T.N.

Leave a comment