Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 11: Tạ ơn

Toàn tập 21 chương >>

Sáng hôm sau đêm thắng trận, Đại Diệu Tâm gọi hai phó tướng vào lễ Phật tạ ơn. Họ vào sân chùa hái một tá hoa cúc đại đóa vàng rực rỡ, cắm vào bình, rồi mang vào đại điện để dưới chân Phật tổ. Ba chị em thắp nhang, mỗi người vài que nhang, cùng vái ba lạy, và Đại Diệu Tâm nói lớn đủ cho cả ba cùng nghe: “Chúng con tạ ơn Phật tổ và chư Phật, chư Bồ tát, đã giúp chúng con chiến thắng, bảo vệ quê hương đất nước. Xin Phật tổ và chư Phật, chư Bồ tát, tiếp tục đồng hành cùng chúng con mỗi ngày để chúng con luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến binh bảo vệ tổ quốc và người con Phật nhẫn nhục từ bi.” Khấn xong ba cô vái ba lạy và bước lui ra khỏi đại điện, lòng mỗi người tràn ngập yêu thương và niềm biết ơn chư Phật.

Ra ngoài, Đại Diệu Tâm đưa hai em bước chầm chậm trên con đường cát vòng quanh sân chùa, thường được mọi người dùng để thực hành thiền đi. Ba cô bước chầm chậm, tập trung vào mỗi bước chân, để lòng mình tĩnh lặng.

Đại Diệu Tâm nói từ tốn: “Tạ ơn thường xuyên là cách mình tự giúp mình luôn nhớ mình là ai. Chúng ta tầm thường yếu đuối, có làm nên việc gì cũng đều do thánh thần cùng mọi người hỗ trợ. Phần công của mình chỉ là hạt cát.” Cô ngưng và hai cô em gật đầu nhè nhẹ. Cô tiếp: “Cũng như không khí, quan trọng dường nào cho sự sống của chúng ta, nhưng mấy ai nhớ để cám ơn không khí? Hay con lợn cho ta phân bón cho cả vườn hoa đẹp, ai đã từng cám ơn con lợn? Tạ ơn mỗi ngày, nhiều lần, tạ ơn nhiều người, nhiều vật, là cách tuyệt vời nhất để luôn biết mình là ai, luôn nhớ mình là ai.” Hai cô em “dạ” nho nhỏ.

– “Chị cũng cám ơn hai em đã luôn ở cùng chị, chia sẻ mọi vui buồn và mọi gánh nặng cùng chị. Cho chị luôn thấy mạnh mẽ và chẳng cảm thấy cô đơn. Mỗi khi có điều lo lắng và cảm thấy cô đơn, chị gọi Bụt bà để tâm sự và chị nghĩ đến hai em, thế là chị cảm thấy ấm cúng và mạnh mẽ trở lại.” Đại Diệu Tâm vừa dứt thì Phạm Hồng đã tiếp:

– “Tụi em cũng cám ơn chị đã dày công dạy bảo và hướng dẫn tụi em trong mọi việc. Không có chị thì tụi em vẫn chỉ là hai đứa con nít chẳng biết gì.” Đại Diệu Tâm mỉm cười:

– “Thực sự thì không có chư Phật và mọi người, chúng ta chỉ là những đứa con nít chẳng biết gì.” Cả ba cô cùng mỉm cười.

Trở về trại binh, Đại Diệu Tâm cho triệu tập mọi người trước đại kỳ rồi nói với cả quân đoàn:

– “Chúng ta đã thắng, đó là ý muốn của Trời Phật. Đừng kiêu căng, hãy cảm tạ Trời Phật, và xin Trời Phật tiếp tục hỗ trợ chúng ta trong sứ mạng bảo vệ tổ quốc. Chị cũng cám ơn tất cả các em và mỗi em đã làm việc chăm chỉ, sống và làm việc tốt với các chị em, chiến đấu hăng say và anh dũng. Công sức của mỗi em là công phu chính của quân đoàn ta, giúp chúng ta chiến thắng. Hoan hô các em!”

Đại Diệu Tâm đưa cao nắm tay lên trời. Đoàn quân reo hò tở mở.

Đợi ba quân lắng xuống rồi, Đại Diệu Tâm nói tiếp:

– “Khi các em về gia đình gặp ba mẹ, anh chị em, thân nhân, người quen, nhớ nhắn với họ một câu: ‘Nguyên soái và các quân tướng và cả quân đoàn biết ơn mỗi người dân đã đóng góp công của, khích lệ tinh thần, và thường xuyên cầu nguyện, đã giúp cho đại binh thắng trận.’”

Ba quân lại la ó vang trời.

Đại Diệu Tâm truyền lệnh: “Ba quân giải tán để ăn mừng chiến thắng.”

Tiếng hò reo vang dội góc trời.

Ngay sau đó, Đại Diệu Tâm cùng hai phó tướng đến gặp sư mẫu Trường Bình để bàn việc thả 10 ngàn tù binh Xiêm Bộ về nước họ. Cô nói với sư mẫu: “Con nghĩ là mình nên dùng cơ hội này, thả hết tù binh Xiêm Bộ về nước để tỏ lòng mình muốn giữ hòa khí với Xiêm Bộ, sẽ tốt cho cả hai nước sau này.” Sư mẫu nói: “Sư mẫu cũng đã tính là con sẽ tính như thế. Con có đầu óc rất lỗi lạc. Để sư mẫu mời quan tri huyện đến vấn ý ngài ra sao.”

Quan tri huyện nghe nói ni cô Trường Bình mời, quan bỏ mọi công việc, tức tốc đến chùa, thấy ni cô, Đại Diệu Tâm và hai phó tướng đang chờ. Sau khi nghe ni cô nói ý của Đại Diệu Tâm, quan tri huyện mừng rỡ:

– “Thật là tầm nhìn sâu rộng. Hạ quan rất cảm phục và xin hỗ trợ hết lòng.”
– “Nhưng chúng ta có quyền thả tù binh như thế không?” ni cô hỏi.
– “Điều này thì hơi khó nói. Theo suy nghĩ của hạ quan, đây là tù binh của nữ quân đoàn của Nguyên soái Đại Diệu Tâm, chẳng phải tù binh của huyện hay của triều đình. Tù binh của Nguyên soái thì Nguyên soái có quyền thả, chẳng ai có thể phàn nàn. Quân đoàn của Nguyên soái Đại Diệu Tâm là quân đoàn dân binh, do người dân tự thành lập để bảo vệ quê nhà của chính họ, không phải là quân đoàn của triều đình thành lập, cho nên triều đình chẳng có quyền hành gì trong việc điều hành và quản lý quân đoàn.”
– “Nhưng nếu có người vu oan giá họa thì sao?” Đại Diệu Tâm hỏi.
– “Đương nhiên là có khả năng rất cao là sẽ có người vu oan giá họa. Ví dụ, Lã Quý Phi và Tả tướng quân Mạnh Kha muốn Nguyên soái Đại Diệu Tâm thần phục, tất nhiên chúng ta biết là Nguyên soái sẽ chẳng bao giờ thần phục họ, và tất nhiên là họ sẽ vu oan giá họa, gán cho Nguyên soái tội phản nghịch hay phản quốc, dám thả 10 ngàn tù binh ra đi.”
– “Điều đó thì rất dễ hiểu. Chẳng hơi đâu mà lo,” Đại Diệu Tâm nói.
– “Nhưng một vị vua anh minh sẽ tâm phục khẩu phục quyết định của Nguyên soái,” quan tri huyện nói. “Và hạ quan tin rằng với Hữu tướng quân Công Đức và hoàng tử cả Đức Chính, chúng ta rồi sẽ có một vị vua anh minh. Chỉ là vấn đề thời gian.”
– “Được, vậy thì mình nên thả,” Đại Diệu Tâm nói. “Sư mẫu thấy được không?”
– “Được, ” ni cô Trường Bình gật đầu.

Đại Diệu Tâm và hai phó tướng trở về trại binh. Cô cho gọi Đề đốc Thủy quân Xiêm Bộ lên để bàn chuyện, và còn nói thêm nếu Đề đốc có người thông dịch riêng, thì mang luôn người đó lên. Trong giây lát, Đề đốc Thủy quân Xiêm Bộ, người tù binh có quân hàm cao nhất, đến với người thông dịch, gặp Đại Diệu Tâm và hai phó tướng. Đại Diệu Tâm bước tới, chắp tay hình búp sen, cúi đầu chào Đề đốc, theo đúng tục lệ của Xiêm Bộ. Hai phó tướng cũng làm theo như thế, và Đề đốc Xiêm Bộ cũng chào lại cùng cung cách.

Đại Diệu Tâm mời Đề đốc và người thông dịch ngồi vào bàn. Cô rót trà cho mỗi người rồi nói với người thông dịch: “Anh có thể làm thông dịch cho chúng tôi luôn được không? Tôi cũng có người thông dịch riêng, nhưng có anh đây chắc là đủ rồi, nếu anh không phiền.” Cô nói thế để Đề đốc Xiêm Bộ thấy là cô tin ông ta và người thông dịch của ông ta, không cần dùng thêm thông dịch riêng.

Người thông dịch nói: “Nguyên soái yên tâm, tôi sẽ thông dịch tốt và chính xác cho tất cả mọi người. Tôi làm việc rất chuyên nghiệp.”

– “Cám ơn,” Đại Diệu Tâm nói. Rồi cô bắt đầu nói với Đề đốc Xiêm Bộ: “Tôi rất tiếc chúng ta gặp nhau trong tình cảnh chiến tranh thế này. Lẽ ra thì gặp nhau để mời nhau ăn uống và nghe múa hát thì hay hơn. Nhưng tôi biết ơn Trời Phật đã cho chúng ta ngưng chiến mà chẳng đổ máu. Đó là một ân huệ lớn từ Trời Phật.”

Người thông dịch dịch lại cho Đề đốc, và Đề đốc gật đầu nói: “Tôi cũng đã thấy rõ điều đó. Đó thật là một ân huệ lớn cho cả hai nước.”

– “Vâng,” Đại Diệu Tâm nói. “Tôi nghĩ là đã có một hiểu lầm gì đó trong chuyện này. Hai nước chẳng có gì thù oán, chẳng lý do gì mà phải đánh nhau. Mai mốt khi tôi có dịp qua thăm quý quốc, hay vua nước tôi qua thăm, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận để biết vì sao mà có hiểu lầm. Nhưng bây giờ việc cần làm là nên để các bạn Xiêm Bộ về nước ngay với gia đình, vì có lẽ mọi người đang chờ đợi các bạn trở về càng sớm càng tốt.”
– “Nguyên soái nói vậy có nghĩa là…?” Đề đốc Xiêm Bộ chưa hoàn toàn hiểu điều gì đang xảy ra.
– “Ngày mai tất cả các bạn có thể rời đây, đi đường bộ trở về quý quốc. Rất tiếc là chúng tôi không đủ thuyền bè để giúp các bạn di chuyển, nhưng chúng tôi sẽ có đủ lương thực cho tất cả các bạn trong hai tuần, đủ để các bạn đi về đến nhà.”

Đại Diệu Tâm nói đến đây thì quân hầu báo tin ni cô cần gặp Nguyên soái tức thì. Cô xin lỗi mọi người quanh bàn và bước ra. Ni cô đang cầm trong tay một tượng Phật Thích Ca có vẻ rất cổ, điêu khắc theo kiểu Tây Trúc. Ni cô nói: “Đây là một bức tượng cổ, chùa đã có từ lâu, do một thương buôn mua từ Tây Trúc tặng lại cho thầy của sư mẫu. Tượng này được cho là rất quý. Con mang tặng Đề đốc Xiêm Bộ làm quà.”

Đại Diệu Tâm cầm bức tượng đi vào, và nói với Đề đốc Xiêm Bộ: “Sư mẫu tôi vừa đưa tôi bức tượng này, nói rằng đây là một pho tượng quý từ Tây Trúc. Biết rằng Xiêm Bộ là nước trọng Phật pháp, sư mẫu tôi muốn tặng Đề đốc pho tượng này làm quà chia tay.”

Vị Đề đốc Xiêm Bộ lắp bắp cảm ơn với những sự thật đang xảy ra mà ông ta chưa hề một lần nghĩ tới.

Hôm sau trước giờ đoàn quân Xiêm Bộ khởi hành, Đại Diệu Tâm và hai phó nguyên soái đến trước đoàn quân chắp tay búp sen chào đại quân. Mười ngàn người chắp tay chào lại. Đại Diệu Tâm cầm một bó nhang, đốt cháy, chia làm hai, đưa cho Đề đốc Xiêm Bộ một nửa, rồi nói: “Chúng ta hãy tạ ơn Trời Phật đã giúp chúng ta ngưng chiến mà chẳng đổ máu. Đây là một ân huệ lớn.”

Đề đốc gật đầu, nhận bó nhang. Cả hai vái ba vái giữa trời. Đoàn quân Xiêm Bộ la ó vang trời.

Rồi đoàn quân vui vẻ ra đi. Nguyên soái Đại Diệu Tâm và hai phó tướng đứng tiễn mà lòng cảm thấy vừa vui vừa bịn rịn bùi ngùi.

***

© copyright 2020
Trần Đình Hoành & Phạm Thu Hương
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

8 thoughts on “Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 11: Tạ ơn”

  1. Thả quân địch đi rồi .. mà thấy lo cho Đại Diệu Tâm quá, không biết tai họa gì đang chờ cô ấy??

    Like

  2. Chương này thấm đẫm đạo lý tri ân và lòng vị tha con người. Thật là hay.
    Em cảm ơn anh Hoành, chị Hương đã viết truyện.
    Em xin cầu nguyện để anh Hoành, chị Hương, gia đình anh, chị và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Liked by 1 person

  3. Đại Diệu Tâm đối xử với tù binh như đối xử với những người bạn. Đọc chương này cảm nhận được tư tưởng hòa bình rất mạnh.
    Cảm ơn anh Hoành, chị Hương.

    Liked by 1 person

  4. Em chỉ muốn gửi anh Hoành và chị Hương mỗi ngày một “viên vitamin” nhỏ bé.
    Bởi sự kiên trì làm dạy người và làm đẹp cho đời của anh và chị thật đáng khâm phục.
    Điều này làm em nhớ đến đức hạnh cao quý vĩ đại của Bồ tát: Bất thối chuyển.

    Like

  5. Cảm ơn anh chị viết chuyện.

    Chương này hay quá ạ!

    Em đọc cảm thấy xúc động. Con người thực sự cần phải biết trên có Trời và tạ ơn Trời thường xuyên để giữ kết nối tâm linh thường trực. Và nhờ đó giữ được trái tim trong sáng của mình. Người với người cần trân trọng nhau, tử tế, ôn hòa và xử đẹp với nhau. Sống như vậy mới đáng để sống!

    Em Phương.

    Like

  6. Đọc chương này mà tới đoạn kết hai bên chắp tay hình búp sen cúi chào mà con rưng rưng nước mắt xúc động khi tưởng tượng cảnh đó trong đầu. Thật xúc động biết bao.

    Cảm ơn Thầy và Cô đã xây dựng viết lên câu chuyện đầy ý nghĩa này. Con mong ngóng tất cả sẽ được phát hành sách, thành truyện trong nay mai.

    Cầu nguyện cho Thầy cho Cô và cho gia đình Đọt Chuối Non.

    Con Cường.

    Like

  7. Cảm ơn Cường chia sẻ với thầy cô.

    Em có thể cảm ơn thầy cô bằng cách giới thiệu cuốn truyện này rộng rãi đến mọi bạn để các bạn cùng có dịp học thêm và thấm nhuần được Phật pháp sâu sắc của văn hoa ta.

    Thầy Hoành

    Liked by 1 person

Leave a comment