Trí thức, lịch sử và chính trị

Chào các bạn,

Ở nước mình, lịch sử và chính trị có liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiểu lịch sử thì hiểu chính trị. Chẳng hiểu lịch sử thì chẳng hiểu chính trị. Đa số trí thức nước mình chẳng hiểu lịch sử, hoặc có trình độ hiểu biết kém, hoặc có trình độ nửa vời (nghiên cứu không tới nơi tới chốn), nhưng lại nói về chính trị như thể mình rất rành. Nếu đây không phải là kiêu căng thì chẳng biết nên gọi là gì.

Chẳng phải tự nhiên mà tin giả có thể nở rộ ở nước ta. Ở nước khác, tin giả có thể dựa vào tình hình chính trị hiện tại để sản xuất. Ở nước mình, phần lớn tin giả dựa vào trình độ yếu kém lịch sử của trí thức để sản xuất.

Vì đa số trí thức không rành lịch sử, nên tin giả tha hồ lộng hành. Tin giả càng lộng hành, đất nước càng tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Chừng nào trí thức còn kém lịch sử, chừng đó tin giả còn nhiều đất để phát triển, và chừng đó đất nước còn nhiều nguy cơ bất ổn.

Chừng nào trí thức còn kém lịch sử, chừng đó trí thức còn bị tin giả dắt mũi và không làm được vai trò trí thức của mình, vai trò dẫn dắt đất nước đến nơi trong sáng, thịnh vượng và hạnh phúc.

Đừng chỉ ngón tay vào hệ thống giáo dục, rằng, vì giáo dục tệ nên mình dốt lịch sử, và vì giáo dục chẳng truyền cảm hứng cho mình nên mình chẳng đam mê lịch sử. Hãy chỉ ngón tay vào chính mình. “Tâm làm chủ”. Bạn mới là người thầy, người cô của chính bạn. Hệ thống giáo dục chỉ hỗ trợ bạn, còn bạn mới là người thầy của chính mình. Chỉ có bạn mới dạy được bạn và mới truyền cảm hứng cho chính bạn.

Dù mình nói về lịch sử và chính trị như thể đây là môn học, như thể tiếng Anh chẳng hạn, phải chăm học thì mới có gì đó trong tay, nhưng mình hoàn toàn chẳng có ý như thế.

Chính trị và lịch sử, dù có vẻ chẳng liên quan đến trái tim, nhưng lại có liên hệ với trái tim rất chặt chẽ.

“Tâm làm chủ”. Trái tim ta mới là chủ của mọi hoạt động của ta. Ta nghiên cứu chính trị và lịch sử, thật ra là nghiên cứu chính trái tim chúng ta.

Đa số mọi người nghiên cứu lịch sử và nhìn các bên (giết người và người bị giết), đặc biệt là bên giết người, như thể họ là những người xa lạ và không liên quan đến mình. Hầu như chẳng có ai nghiên cứu lịch sử mà nhìn kẻ giết người kia chính là mình. Ai cũng luôn nghĩ mình là người thiện. Chẳng ai nghĩ mình có thể là người ác.

Làm sao một thiên thần có trái tim tinh khiết như vậy lại có thể trở thành ác quỷ? Làm sao một người có lý tưởng trong sáng và yêu người đến thế lại trở thành tên đồ tể giết người hàng loạt được? Làm sao mình có thể trở thành tên giết người được? Mình có thể có tham sân si chứ chẳng thể độc ác đến vậy được.

Vâng, ai cũng nghĩ như thế, kể cả tên giết người. Thế nên, người người học sử, nhà nhà bàn chính trị mà thế giới vẫn đầy rẫy chiến tranh và tiềm ẩn chiến tranh.

Nghiên cứu chính trị và lịch sử, thật ra là nghiên cứu chính trái tim chúng ta. Nếu chúng ta nghiên cứu “chúng nó” ác ôn ra sao thì chẳng giải quyết vấn đề gì ở đây. Khi chúng ta nghiên cứu chính trái tim chúng ta thì mới giải quyết tận gốc của vấn đề.

Vấn đề không phải là “chúng nó” ác ôn. Vấn đề là trái tim chúng ta làm sao luôn tĩnh lặng và yêu người dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chính vì thế nghiên cứu lịch sử và chính trị là nghiên cứu chính trái tim chúng ta. Nghiên cứu: làm sao một thiên thần có trái tim tinh khiết như vậy lại có thể trở thành ác quỷ? Biết, để hiểu mình dễ bị cám dỗ đến thế nào. Biết, để giữ gìn trái tim tinh khiết của mình.

Khi trái tim bạn yêu người, yêu đất nước, bạn sẽ không để lịch sử đẫm máu lặp lại lần nữa, bạn cũng sẽ không để đất nước bất ổn lần nữa, thế nên bạn sẽ nghiên cứu lịch sử thật cẩn thận, đến nơi đến chốn. Khi hiểu lịch sử, bạn sẽ dễ hiểu tình hình chính trị hiện tại và có thể dự đoán được tình hình chính trị tương lai, bạn có thể làm mọi cách để bảo vệ và phát triển đất nước.

Hiểu lịch sử và chính trị chẳng phải là công việc của người thích lịch sử, hay người chuyên làm việc về lịch sử. Đó là nhiệm vụ của trí thức. Trí thức có nhiệm vụ dẫn dắt đất nước đến nơi trong sáng, thịnh vượng và hạnh phúc. Trí thức chẳng thể chối từ nhiệm vụ này được. Nếu trí thức từ chối, ai có thể nhận trách nhiệm này?

Trí thức, lịch sử và chính trị có liên hệ chặt chẽ với nhau như vậy.

Chúc các bạn một ngày tình yêu.

Phạm Thu Hương

 

10 thoughts on “Trí thức, lịch sử và chính trị”

  1. Cám ơn Bài Viết hay quá.Nhưng giờ lịch sử toàn viết theo ý của người Chiến Thắng hay còn gọi là sử nô,giờ Mình mới biết đa số kiến thức lịch sử từ lớp 1-12 là Sai,Ví dụ như Anh hùng ” Lê Văn Tám”,chiến dịch Mậu Thân năm 1968,Vậy làm sao để biết đâu mới là lịch sử đúng?

    Like

  2. Hi Trường,

    Để biết đâu là lịch sử đúng, Trường phải có suy nghĩ riêng của mình. Nghĩa là khi đọc một bài lịch sử, Trường phải tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời.

    Giống như Trường là thám tử điều tra vụ án (vụ án đã diễn ra cách đây mấy chục năm), Trường phải có máu tìm tòi, phải kiên nhẫn thu nhập từng thông tin một, và phải suy nghĩ về các thông tin để tìm ra câu trả lời của vụ án.

    Quan trọng hơn hết, Trường phải có đầu óc không thành kiến với bất kỳ điều gì. Nếu có thành kiến, ví dụ, mấy người này độc ác, ghét, chẳng tin được, tìm đọc “bên kia” cho chắc ăn…, thì khó mà tìm được đáp án đúng. Thành kiến, là một dạng sân si. Thành kiến làm mắt ta đui mù, nên dù ta có tìm được thông tin đúng thì mắt ta vẫn không cho đó là đúng.

    Mình có bài Học lịch sử để làm gì?

    Trường có thể đọc lịch sử ở đây, Thư mục Lịch sử Việt Namebooks (từ số 25 đến 34).

    C Hương

    Liked by 4 people

  3. Cám ơn Chị Hương nhiều.Nhưng để đọc hết thì có vẻ hơi căng chưa nói đến chuyện “tinh thông” là 1 chuyện khác nữa.Thôi thì mưa dầm thấm lâu vậy.Sẽ cố gắng trước tuổi 30.Hy vọng sẽ tinh thông trước khi tham gia hội những người cao tuổi.

    Like

  4. Hi Trường,

    Chị Hương có câu này nhưng có lẽ em chưa nắm: “Ta nghiên cứu chính trị và lịch sử, thật ra là nghiên cứu chính trái tim chúng ta.”

    Thường thì “nghiên cứu chính trái tim chúng ta” có nghĩa là: “Nếu chính mình là lãnh đạo quốc gia – hay lãnh đạo phe này – thì mính đã làm gì lúc đó? Mình có làm gì khác hơn người lãnh đạo này không? Nếu có khác, thì tại sao mình làm khác đi?”

    Đó chính là học lịch sử để nghiên cứu chính trái tim mình.

    Nhưng cũng nhờ đặt trái tim mình vào hoàn cảnh lịch sử mà mình hiểu lịch sử sâu hơn hàng triệu người khác.

    Đồng thời, khi đặt trái tim mình vào việc học lịch sử như thế, thì minh cũng hiểu được trái tim của triệu người vào thơi kỳ lịch sử mình đang học, và do đó hiểu lịch sử sâu sắc hơn triệu người, vì mình hiểu lịch sử bằng cách hiểu trái tim của mọi người đã làm nên giai đoạn lịch sử đó.

    Tâm là chủ.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

  5. Tôi cũng là người thích nghiên cứu về chính trị tôi cứ ngỡ chính trị là những hoạt động ở hiện tại không có liên quan tới lịch sử qua bài viết này tôi mới hiểu Chính trị và lịch sử có mối quan hệ với nhau như thế nào.

    Like

Leave a comment