Thêm teamwork

Chào các bạn,

Mình muốn viết thêm về teamwork vì có lẽ đó là điểm yếu số 1 trong cung cách làm việc của người Việt và làm cho chúng ta yếu kinh khủng. Một ngoại lệ là teamwork của chúng ta rất siêu khi đối diện sống chết trong chiến tranh chống ngoại xâm. Chúng ta có hai thái cực về teamwork, thời chiến và thời bình.

Mình kể lại chuyện này, coi như bài học teamwork lớn nhất mà mình học được. Hình như mình đã kể chuyện này trong một bài trà đàm khá lâu rồi.

Thời mình làm luật sư tranh tụng chống độc quyền kinh tế cho chính phủ (dạng như kiểm sát viên, kiện các đại công ty và tổ chức lớn hàng đầu ở Mỹ vi phạm luật chống độc quyền – antitrust law – nhưng đây là kiện hành chánh trong nhà nước và bán dân sự trong tòa án, tức là có đủ mọi thứ phạt và bồi thường, lấy giấy phép, đóng cửa công ty, chẻ công ty độc quyền thành nhiều mảnh, nhưng chẳng có quyền đưa ai vào tù. Đó là thủ tục hình sự riêng). Trong department của mình có một chị luật sư tên Suzanne Miller, chị này rất hiền hậu dễ thương. Chị hay khen mình: “Hoanh, you’re higher than me several heads,” và mình cũng biết là trình độ chị thấp hơn mình rất nhiều (dù chị có thâm niên nhiều năm hơn mình). Chị hay gõ cửa văn phòng mình hỏi mình một câu gì đó về luật, rồi brainstorm với mình cả tiếng đồng hồ. Đôi khi mình đi ngang văn phòng chị chị cũng gọi vào: “Hoanh, come in, I’d like to use you as a sounding board.” (Tôi muốn dùng anh như một tẩm bảng nghe – nghĩa là nói với mình, để nghe mình “dội lại” thế nào, như tấm bảng dội âm thanh ngược lại, tức là động não – brainstorm).

Đến khi chị viết xong bản thảo văn bản trình tòa của chị, chị đưa cho mình đọc để lấy thêm ý kiến. Mình đọc và giật nẩy mình. Chị này rõ ràng là trình độ bằng học trò mình, nhưng bản thảo này có trình độ từ bằng mình đến thầy mình. Mình chới với. Làm thế nào chị này có thể có kiến thức kinh khủng vậy? Và mình chợt hiểu ra, những thời gian chị “tám” với mình hàng giờ chẳng phải vì mình đẹp trai hấp dẫn 😦 , mà vì chị động não để lấy ý kiến và kiến thức từ mình, và chị làm vậy với tất cả mọi người trong department, cho nên bản thảo của chị chứa ý kiến và kiến thức của cả department, chứ không phải là chỉ một mình chị.

Mình không bao giờ quên cách làm việc này từ đó.

Khiêm tốn và giỏi là lấy kiến thức của mọi người tổng hợp thành kiến thức của mình.

Mình quan sát thấy người Việt thường làm ngược lại. Làm gì cũng làm một mình, cho rằng hỏi người khác là ngu. Biết gì cũng chẳng muốn chia sẻ với đồng nghiệp, giấu giấu giếm giếm một mình, để độc quyền thông tin và kiến thức và nổi trội trên mọi người…

Đó rất là bệnh, và quan trọng hơn cả là làm cho công việc của chính mình dở hơn là lấy kiến thức chung, dù trông mình có thể giỏi hơn mọi người (vì mọi người cũng làm việc kiểu như mình, nhưng không thông minh bằng mình).

Đó là cái tôi của chúng ta quá lớn mà thành stupid. Dù bạn lấy ý kiến của mọi người, thì bản tổng hợp cuối cùng cũng là sản phẩm của bạn, tên bạn, kể cả khi bạn ghi – và nên ghi – đoạn cám ơn có tên 20 người trong đó. Nhưng điều quan trọng hơn là, không phải mình được nổi tiếng hay thán phục, mà mình có sản phẩm tốt cho công việc chung của cả department của mình, đó là chưa nói công việc chung của đất nước.

Nếu chúng ta quên đi cái tôi – vô ngã, không tôi – mà chỉ quan tâm đến công việc, đồng bào, đất nước, thì có lẽ ta sẽ tự nhiên biết cách tụ hội kiến thức khắp nơi về trong cách làm việc và sản phẩm của mình.

Các bạn, teamwork của VN trong thời bình cực kì tồi. Có lẽ các bạn chẳng biết tồi đến mức nào, vì các bạn chẳng có gì để so sánh. Mình có người Mỹ và các nước để so sánh. Phải nói khoản này thì chúng ta tồi tệ kinh khủng.

Please, các bạn, khiêm tốn hơn và thông thái hơn, để giỏi teamwork. Đây là điều, hơn bất kì điều gì khác, liên quan trực tiếp đến phát triển đất nước.

Chúc các bạn teamwork giỏi.

Mến,

Hoành

© copyright 2019
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Bài cùng chuỗi:
Communication trong teamwork
Thêm teamwork
Reliable – Đáng tin cậy
Team disciple – Kỷ luật team

One thought on “Thêm teamwork”

  1. Em chào Anh,

    Cảm ơn Anh về bài học sâu sắc và thực tế trong câu chuyện về luật sư Suzanne Miller.
    Trong thực tế công việc của em, vấn đề communication và team work giữa các bên liên quan (stakeholder) là một section quan trọng trong project management. Tuy nhiên, trong các khóa học do công ty thuê chuyên gia về dạy, người truyền đạt có quá ít kinh nghiệm thực tế để có thể chia sẻ những bài học bổ ích giống như của Anh.

    Cảm ơn Anh rất nhiều.
    Em L.D

    Liked by 3 people

Leave a comment