Tâm bạn là chủ đời bạn

Chào các bạn,

“Tâm là chủ” có nhiều nghĩa sâu sắc, nhưng nghĩa trực tiếp quan trọng nhất cho bạn là “Tâm bạn là chủ đời bạn”. Bạn tư duy thế nào thì đời bạn thế đó.

Có một công thức chẳng thể sai trong trường kỳ là: Nếu bạn luôn tích cực về đời bạn, tích cực phấn đấu để hoàn thiện mình mỗi ngày, tiếp tục chiến đấu với mọi khó khăn ở đời, thì bắt buộc một ngày nào đó sẽ có nhiều người hỏi bạn, có thể là trên TV, radio, báo chí, blogs: “Bí quyết thành công của anh/chị là gì?”

Bí quyết thành công là: Luôn luôn tích cực tiến bước.

1. Đừng đổ tội cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh chỉ là thử thách (challenges), và thử thách là để vượt qua. Mọi dũng sĩ đều phải thường xuyên vượt qua thử thách mọi kiểu trên đời. Chẳng có dũng sĩ nào ăn rồi chỉ vào quán cà phê nghe nhạc mà thành dũng sĩ.

Never, never, never đổ tội cho hoàn cảnh hay số phận, kiểu ông bà ta chẳng hề biết tư duy tích cực mà chỉ biết “số mình nó vậy”. Đó là tiêu cực số 1, killer number 1.

“Số em sinh ra cha mẹ nghèo em không được đi học.” Vậy thì em tìm cách học bây giờ nhé, có đủ kiểu học ở trường hay internet, đủ mọi môn để sống ở đời.

“Số em xui gặp con vợ làm em tán gia bại sản.” Vậy thì em học khôn rồi, và bây giờ tiếp tục sự nghiệp tốt hơn.

“Số em sinh ra đã mù.” Chẳng phải là mù thì chẳng làm gì được. Thiếu gì người mù làm luật sư, hay giáo sư, hay nhạc sĩ.

2. Rất nhiều người quanh bạn muốn giữ bạn dưới bùn với họ. Đừng ngu dốt mà nghe lời họ. Rất ít người khuyến khích bạn cố gắng tiến lên.

Hồi mình mới qua Mỹ, người Việt được người Mỹ, xem TV chiến tranh VN thường xuyên, coi như là những người nông dân ngu dốt ở trong những túp lều tranh cháy rực lửa trong chiến tranh, chẳng biết làm quái gì cả, cho nên xin việc quét nhà rửa chén nhổ cỏ cũng khó. Mọi người Việt (trừ những người đã du học Mỹ trước 1975) đều phải làm các công việc lao động lương thấp nhất nước Mỹ.

Một thời gian ngắn sau mình thấy cần phải có một bước đột phá có lý hơn, nên vào thư viện học ôn kế toán. (Kế toán đã có học ở Cao học Quốc gia Hành chánh ở Sài Gòn rồi, nhưng trong đầu chẳng có chữ nào, vì tối ngày lo chở đào đi chơi – đào đó là bà xã mình hiện nay). Mình ôn một loạt mấy chục ngày, mắt đọc sách 12 tiếng một ngày, không rời cuốn sách. Mình nói với các bạn Việt là mình muốn có việc văn phòng, nên thử kế toán để tìm việc. Những người bạn Việt của mình, đã tốt nghiệp đại học ở VN, nhưng tâm lý rất tồi. Họ nói với mình, thẳng mặt, ngay cả trước mặt bà xã mình, không nhân nhượng: “Tụi tôi thân cu li, nên an phận làm cu li. Chẳng như ai đó đèo bòng muốn làm boss Mỹ.” Mình rất bực mình, nhưng nói thầm: Mấy tên này đã nói kiểu đó thì cái đầu rất u mê, mình có giải thích hay cãi cọ gì thì mấy hắn cũng chẳng hiểu. Nín thinh mỉm cười cho được việc.

Rồi các quý vị lại nói: “Bộ dân Mỹ thiếu người làm kế toán hay sao mà phải cần đến ông? Ngay cả người Mỹ da đen còn bị kỳ thị. Ông Việt Nam thì ai thèm thuê?”

Mình nói: “Người Mỹ dù có kỳ thị thì các công ty đều phải quan tâm đến kiếm tiền. Nếu mình có thể lọt vào công ty của họ để làm bất cứ việc gì trong văn phòng, kể cả chỉ chạy lăng xăng in giấy tờ, thì mình có thể có cơ hội để cho họ thấy mình có thể làm nhiều chuyện khác cho công ty. Và công ty nào thì cũng bắt buộc phải cần nhân công giỏi, để kiếm tiền.”

Mình đi thi test kế toán của tiểu bang, và tìm việc mãi cũng có. Mình có lẽ là một trong những người Việt có việc văn phòng sớm nhất trong loạt người sang Mỹ thời sau tháng 4, 1975.

Ba năm sau mình rất thành công như là một chuyên gia kế toán cho thành phố, mình quyết định đi học luật. Lại thêm một loạt nói ra của các bạn Việt nhà mình: “Ông người Việt, tiếng Anh thì không rành bằng Mỹ, làm sao làm luật sư được? Trong khi công việc kế toán ông đang làm biết bao người Mỹ muốn có mà không được, sao bỏ ngang để phiêu lưu vậy?”

Mình nói: “Tôi chán kế toán và mấy con số rồi. Cần tìm loại công việc nói chuyện với người nhiều hơn. Nếu tôi thất bại nghề luật thì tôi vẫn luôn luôn có thể tìm việc kế toán, nhưng tôi phải đi học luật, vì nếu không học bây giờ, càng lớn càng khó học, và mai mốt tôi sẽ ấm ức cả đời.”

Thế là đi học luật, ra trường về thủ đô Washington làm luật sư công tố cho chính phủ liên bang.

Đời mình sau đó vẫn còn nhiều việc mình làm mà nhiều người cản vì “khó lắm”, “làm sao được”…

Mình nói thế để các bạn biết mình hiểu rất rõ sức trì mà những người chung quanh bạn muốn trì kéo bạn, đôi khi ngay cả người trong gia đình. Bạn bè thì khỏi nói, đa số bạn bè muốn trì bạn lại. Chẳng phải là họ xấu, nhưng họ tiêu cực, và thấy gì cũng cực kì khó khăn, viễn vông, không thể được.

Cho nên, đừng nghe theo lời trì kéo. Nghe theo thôi thúc của trái tim bạn, và những người tích cực ủng hộ bạn. Bạn là chiếc tàu chạy tới trước, bạn cần những con tàu khác kéo thêm hay đẩy thêm cho bạn. Bạn không cần chiếc tàu nào kéo bạn ngược lại, dù đó là bố mẹ anh chị em hay bạn bè.

Nhớ, tâm bạn làm chủ đời bạn. Nếu tâm bạn tiêu cực thì đời bạn tù mù. Nếu tâm bạn lung lay thì đời bạn khập khênh. Nếu tâm bạn tích cực thì đời bạn sáng láng.

Đừng để điều gì lay chuyển tâm mình. Muốn làm điều gì đó, thì cứ nhắm điều đó mà tiến tới, và vượt qua mọi trở ngại. Chẳng con đường nào đi đến thành công mà không nhiều gai góc.

Chúc các bạn thành công ở đời, dù bạn định nghĩa thành công là gì.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Tâm bạn là chủ đời bạn”

  1. Suy nghĩ tích cực thật sự tạo ra cho mỗi người sức mạnh tinh thần to lớn có thể giúp chúng ta vượt qua trở ngại mà chúng ta nghĩ rằng không thể vượt qua được, em đã trải nghiệm điều đó.
    Chúc anh luôn vui khỏe và tiếp tục chia sẻ với chúng em ^^

    Like

  2. Cám ơn anh . Người anh , người thầy mà em yêu quý nhất . Một Guardian angel .
    Em cầu nguyện cho anh .

    Like

  3. Qua HAY cho cac ban tre minh oi ….gan nam muoi nam roi ….ma Thay Hoanh van tre trung, hien ngang ….tren ” but chien truong ” !!!

    Like

Leave a comment