Tự do lựa chọn

Chào các bạn,

Sự phát triển của các hệ thống quản lý kinh tế chính trị đều nhằm mục đích, nói đến tận cùng, là tự do lựa chọn cho mỗi người.

Khi nghèo thì ta chỉ có 5, 7 món ăn để chọn lựa cả năm. Khi giàu thì có cả hàng trăm món để lựa chọn.

Trang phục, xe cộ, trường học… cũng thế. Đó là chưa nói đến lựa chọn nhà cửa, nơi giải trí, nơi nghỉ hè…

Về tâm linh, ta có nhiều tôn giáo, và các trường phái tâm linh không tôn giáo, kể cả chẳng cần tâm linh chút nào, đều là những cơ hội chọn lựa.

Về kinh tế thì đủ mọi loại cửa hàng, mọi loại công ty cạnh tranh trong mọi lãnh vực, không chỉ là cửa hàng quốc doanh với các nhân viên bán hàng quát như xưa.

Về chính trị thì chúng ta hy vọng là đất nước càng phát triển mọi người càng nhiều cơ hội để chọn người tài ra làm việc, thay vì chỉ từ trong Đảng mà ra.

Quan trọng hơn cả là tự do chọn lựa này không dành riêng cho người có tiền và quyền lực, mà đại đa số người dân đều có nhiều cơ hội chọn lựa, dù rằng nếu bạn không nhiều tiền thì chẳng thể chọn lựa các túi xách hàng nghìn đô. Hãy tạm chấp nhận là hệ thống kinh tế hiện nay dựa vào cạnh tranh để tăng năng suất kinh tế, mà đã cạnh tranh thì người cạnh tranh giỏi phải giàu hơn người cạnh tranh yếu. Điều chính là chặn đứng mọi bất công tạo ra từ lạm quyền kinh tế hay lạm quyền chính trị. Chúng ta cần sân chơi bằng phẳng cho mọi người, mọi công ty, còn chênh lệch trong lợi tức tư nhân là hậu quả tất yếu của tự do cạnh tranh, trong đó mọi người đều có cơ hội (gần như) ngang nhau để cạnh tranh.

Nói vậy để chúng ta hiểu rằng khái niệm “phát triển” trong thực tế là tạo thêm cơ hội chọn lựa trong mọi lãnh vực, cơ hội bình đẳng cho mọi người để đóng góp vào việc tạo ra các cơ hội chọn lựa đó – tức là cơ hội sản xuất, cũng như cơ hội bình đẳng để chọn lựa – tức là cơ hội tiêu thụ.

Điều này thì liên quan gì đến mỗi người chúng ta?

Liên quan rất nhiều. Chúng ta thường có khái niệm rất mù mờ về “phát triển” (development). Phát triển là gì? Người ta thường chỉ dùng GDP (Gross Domestic Product – Tổng Sản lượng Nội địa), hay GNP (Gross National Product – Tổng Sản lượng Quốc gia), hay các chỉ số kinh tế tương tự để định giá phát triển. Nhưng không nói đến các bất bình đẳng xã hội mà trong đó những thành phần nghèo khổ chẳng có cơ hội chọn lựa gì, từ thực phẩm đến áo quần đến y tế và giáo dục.

Bhutan có Gross National Happiness (Tổng Hạnh phúc Quốc gia) để đo lường phát triển, và hy vọng là thế giới từ từ sẽ đi theo hướng đó. Nhưng nếu ta tăng cơ hội chọn lựa cho mọi người, cả người giàu lẫn người nghèo, cả người siêng cày lẫn người người chỉ thích an nhiên tự tại sống nhàn, thì có lẽ đó là cách khá khách quan và rõ ràng để đo phát triển kinh tế và hạnh phúc cùng một lúc.

Và trong khung cảnh đó, sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong nền kinh tế rất quan trọng. Sáng tạo là liên tục cho ra đời những sản phẩm mới, dịch vụ mới, và do đó tạo nên cơ hội lựa chọn và cũng tạo thêm bình đẳng xã hội, vì càng nhiều người có cơ hội chọn lựa thì xã hội càng bình đẳng.

Vậy là chúng ta trở lại điểm sáng tạo đã nói hôm qua. Có lẽ không quá đáng để nói sự khác biệt của một nền kinh tế phát triển nhanh và nền kinh tế phát triển chậm là số lượng phát minh hay sản phẩm mới ra đời mỗi năm. Trong nền kinh tế phát triển nhanh, số lượng hàng hóa mới mỗi năm ra đời nhiều đến chóng mặt. Nếu ta tính bất cứ một thay đổi lớn nhỏ nào trong sản phẩm đều là sáng tạo mới, tính từ bao bì, màu sắc, hình thù, kích cỡ, mục đích (cho gia đình, cho cá nhân, cho văn phòng, cho dã ngoại…), rồi ruột sản phẩm bên trong thay đổi công thức và mùi vị, để có sản phẩm mới cho khách hàng có thêm cơ hội chọn lựa, thì có thể là ¼ các món hàng năm ngoái đã có gì mới trong năm nay, và 1/10 các món hàng năm nay năm ngoái không có, là chuyện thường.

Trong nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu, sức mạnh số 1 để chiến thắng là sáng tạo. Và sáng tạo thì không có công thức, mà là một thái độ – thích tìm cái mới, phục người tìm ra cái mới, hỗ trợ và khuyến khích mọi người tạo thêm cái mới. Sáng tạo không có nghĩa là bỏ cái cũ, bỏ truyền thống. Sáng tạo là giữ truyền thống, nhưng luôn luôn làm cho truyền thống phát triển bằng cách tạo nên cái mới, như cành cũ vẫn còn đó nhưng cây vẫn tạo thêm cành mới.

Khái niệm “sáng tạo là một thái độ” rất quan trọng cho sáng tạo, vì nếu bạn không thích đổi mới thì bạn không thể sáng tạo, dù bạn cố gắng thế nào. Thái độ thích tìm tòi cái mới, thích thử cái mới, excited (được kích động) bởi cái mới, hay hơn nữa là thích khai phá vùng đất chưa có vết chân người, là điều kiện để sáng tạo nẩy nở.

Điều này lại càng quan trọng cho người Việt, vì văn hóa Việt có bề dày mấy ngàn năm, và bề dày đó lại là cái làm cho đa số chúng ta thành bảo thủ, chỉ thích khư khư với truyền thống và chống cái mới, hoặc không lắm mặn mà với đổi mới, và đó là đóng cửa tương lai cho chính mình và cho đất nước.

Mình nói “không lắm mặn mà với đổi mới”, có nghĩa là ta không thích chính sự đổi mới, khác với không thích món hàng mới này hay món hàng mới kia. Thực tế, là trong hàng trăm món hàng mới có thể ta chỉ cần 5, 7 món, và thích chừng 20 món. Các món còn lại thì ta không quan tâm hoặc không thích. Mỗi người chỉ thích một ít hàng, không phải là đa số món bày bán. Nhưng ta vẫn thích hỗ trợ và khuyến khích đổi mới, tạo hàng mới, dù ta có thích món hàng nào hay không.

Tiến trình đổi mới, tạo mới, là mục tiêu của sáng tạo. Mỗi món hàng chỉ là mục tiêu riêng của một số người nào đó.

Những điều này nghe như rất lý thuyết, nhưng thực tế không lý thuyết một chút nào. Nếu bạn là giám đốc một công ty thì biết ngay. Công ty nào mà trong mỗi buổi họp các nhân viên nhao nhao nói đến ý mới này, ý mới kia, đó là công ty vô địch. Công ty nào mà chẳng ai nói gì mới bao giờ là công ty đang chờ vô nghĩa trang.

Cuộc sống của chúng ta lệ thuộc rất lớn vào sáng tạo. Và cuộc sống của đất nước cũng lệ thuộc rất lớn vào sáng tạo của chúng ta.

Chúc các bạn luôn sáng tạo.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

One thought on “Tự do lựa chọn”

  1. Em cảm ơn anh vì bài viết ạ. Mỗi ngày được đọc bài anh viết em học hỏi thêm rất nhiều và nỗ lực từng ngày ạ.

    Chúc anh một ngày an lành.

    Like

Leave a comment