Làm sao quên được tiếng nói của mình

Chào các bạn,

Mình đến sóc Bù Có hỏi thăm những người đi đường chỉ giúp nhà của bố mẹ Khang, mình hỏi rất nhiều người đi đường nhưng vẫn chưa tìm ra nhà do chỉ nhầm người, cuối cùng mình phải trở ra nhà của bố mẹ Minh ở ngay đầu sóc.

Nhà mình được chỉ là một nhà bán quán tạp hóa rất lớn có bán cả kem và nước mía, mình không ngờ anh em đồng bào ở sóc Bù Có xa xôi này lại biết buôn bán và buôn bán giỏi như vậy.

Mình dừng xe bước vào sân, trong sân và trong nhà rất nhiều người đến mua hàng, người ra đón mình là một mẹ trên bốn mươi tuổi thấp người da đen. Sau khi chào nhau mình hỏi mẹ:

– “Đây có phải nhà bố mẹ Khang không?”

Mẹ đưa tay chỉ nhà đối diện bên kia đường mới là nhà của bố mẹ Khang, còn đây là nhà của người em trai ruột của bố Khang tên là bố Tang, và mẹ Tang là em dâu của bố Khang. Mình hiểu ra sáng nay mình hỏi và được chỉ lung tung do anh em đồng bào ở sóc này xa người Kinh, cũng như theo phong tục bố mẹ được gọi tên của người con lớn trong gia đình, nên nhiều người hàng xóm không còn nhớ tên thật của bố mẹ đó là gì. Đã biết vào nhầm nhà nhưng mình cũng ở lại ngồi chơi hỏi chuyện, mình hỏi điều thắc mắc đầu tiên là mẹ Tang người sắc tộc gì? Bởi nhìn mẹ Tang đen nhưng nói tiếng Kinh không mang âm của người đồng bào khi nói tiếng Kinh, và mẹ Tang cho biết:

– “Mình người Khờ me (Khmer) quê ở Trà Vinh lên đây đi làm nên lấy chồng ở đây.”

– “Nhà mẹ Tang ở Trà Vinh có đông anh em không?”

– “Nhà chỉ có hai chị em mình và người em trai, bởi vậy khi mình lấy chồng ở đây bố mẹ buồn lắm không đồng ý, nhưng sau vì thương con bố mẹ đã đồng ý và tổ chức đám cưới cho mình.”

– “Mẹ Tang có thường về Trà Vinh thăm bố mẹ không?”

– “Mỗi năm gia đình mình về thăm một lần, từ khi lấy chồng chưa năm nào mình không về bởi đó là bổn phận là chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ mình.”

– “Mẹ Tang còn nói được tiếng Khờ me nữa không? Vì mình biết có một số bố cũng như mẹ người Kinh trong các sóc, sau khi lấy chồng lấy vợ người Stiêng và ở luôn bên nhà chồng nhà vợ, đến lúc có được ba bốn người con gặp mình nói chuyện đã quên tiếng Kinh, không còn biết nói tiếng Kinh nữa!”

– “Mình không quên và cũng không thể quên được, vì mỗi tháng bố ở Trà Vinh nhớ mình nên ra thăm mình một lần, tháng nào cũng vậy nên không chỉ mình mà cả những người con của mình cũng biết ít tiếng Khờ me.”

Nghe mẹ Tang kể mình cảm nhận và rất ngưỡng mộ tình thương của bố dành cho con cái, mặc dầu con đã lớn đã có gia đình như mẹ Tang, và sự cảm nhận của mình cũng được mẹ Tang đồng cảm qua tâm sự:

– “Mười mấy năm nay tháng nào bố cũng đến thăm, tuy không nói nhưng mình biết bố rất thương mình. Bố đến thăm đem theo tiếng mẹ đẻ đến làm sao mình quên được tiếng nói của mình!”

Matta Xuân Lành

Leave a comment