Học sinh lớp 12 gửi tâm thư cho Bộ trưởng Giáo dục

VnExpressTrong thư gửi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nam sinh này chia sẻ rằng, em và bạn bè đang rất hoang mang, bức xúc trước các đề án về kỳ thi chung quốc gia.

huong_nghiep_chon_nghe_cho_hoc_sinh

Thời gian gần đây, ba phương án cho kỳ thi quốc gia chung có thể được áp dụng vào năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đề tài được các trường ĐH, chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh, học sinh bàn tán xôn xao, trong đó có không ít ý kiến trái chiều.

Trước làn sóng tranh luận ào ạt, nam sinh lớp 12 Nguyễn Đắc Toàn đã viết thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thẳng thắn chia sẻ nỗi bức xúc, hoang mang của mình và bạn bè về đề án thi mới cũng như những hạn chế của giáo dục Việt Nam.

Theo nam sinh này, nền giáo dục của ta quá chú trọng vào lý thuyết, ít quan tâm thực hành nên học sinh không phát triển toàn diện được. Đặc biệt, “cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những con người như chúng em trở thành những chú vẹt đủ màu sắc… Giáo viên không cho học sinh thể hiện cách diễn đạt riêng mà ép chúng em vào những khuôn khổ, luật lệ”, Toàn viết.

Nam sinh lấy ví dụ, để kiểm tra mức độ hiểu bài, giáo viên sẽ đưa học sinh một xấp đề cương, kêu về nhà học thuộc, sáng hôm sau lên trả bài, chỉ cần đọc đúng hết sẽ được điểm cao.

Một điểm bất cập nữa của giáo dục được Toàn nêu ra là việc học sinh phải học quá nhiều môn, trong đó không ít môn “chẳng có ý nghĩa gì khi vào đại học và cũng không phục vụ gì cho cuộc sống tương lai”. Chuyện giáo viên đều dạy theo một khuôn mẫu, nhàm chán khiến học sinh chẳng hứng thú nghe bài, tìm tòi, học hỏi.

Cuối tâm thư gửi cho Bộ trưởng, Nguyễn Đắc Toàn đề nghị, nếu có thay đổi Bộ Giáo dục cần báo sớm cho học sinh.

Lá thư nam sinh gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận được nhiều sự đồng tình từ dư luận, nhất là việc phản ánh nền giáo dục quá chú trọng lý thuyết, học nhiều môn. Song không ít độc giả cho rằng việc chỉ trích một số môn học của Toàn là chưa đúng. “Thế giới mà em đang có, đang hưởng thụ ngày hôm nay là thành quả của sự phối hợp tất cả các môn học một cách đúng đắn. Sai là ở người vận dụng chứ bản thân môn học không sai”, nickname Thành Nam viết.

Quỳnh Trang

****

Tâm thư học sinh lớp 12 gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tao

Em là một học sinh, sinh năm 1997 và sẽ bước vào kỳ thi đại học năm 2015. Trong thời gian gần đây, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra phương án thi mới sẽ gộp tốt nghiệp và đại học làm em và bạn bè hết sức hoang mang và vô cùng bức xúc.

Trước giờ lứa 1997 tụi em cứ ngỡ năm 2015 sẽ là năm thi đại học cuối cùng và chúng em đang dồn hết tâm huyết vào kỳ thi này nhưng sự thật lại trớ trêu không ai ngờ tới. Đất nước ta từ trước tới giờ vẫn theo kiểu “Lối theo lối gió, mây đường mây”, giáo viên dạy một lẽ và học trò học theo một lẽ khác.

Thử hỏi, nền giáo dục nước nhà quá chú trọng vào lý thuyết, không chú trọng vào thực hành thì làm sao học sinh có thể phát triển một cách toàn diện được? Chính cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những con người như chúng em trở thành những chú vẹt đủ màu sắc.

Vì vậy tại sao Bộ lại yêu cầu chúng em phát triển toàn diện chứ? Thật sự là cách dạy của giáo viên hoàn toàn không thể giúp cho học sinh chúng em hiểu được nghĩa của 2 từ “toàn diện”.

Giáo viên quá phụ thuộc vào lý thuyết, dạy chúng em bằng cách đọc và chép, kiểm tra mức độ hiểu bài bằng cách đưa cho chúng em một xấp đề cương, kêu về nhà học thuộc, sáng hôm sau lên trả bài, chỉ cần đọc đúng hết thì chắc chắn điểm sẽ cao. Nói thật, học thuộc là một chuyện quá dễ dàng nhưng cái chính là học sinh có hiểu bài hay không kìa.

Ví dụ, khi lên trả bài môn văn, giáo viên sẽ kêu học sinh phân tích một khổ thơ nào đó. Học sinh có thể đọc hết tất cả những gì trong tập của mình ra nhưng lại không hiểu được gì từ những tác phẩm đã học. Tất cả là do giáo viên áp suy nghĩ của học sinh, không cho học sinh thể hiện cách diễn đạt riêng mà ép học sinh vào những khuôn khổ, luật lệ.

Không chỉ vậy, giáo dục nước nhà nghĩ ra quá nhiều môn học, toàn là những môn chẳng có ý nghĩa gì khi vào đại học và cũng không phục vụ gì cho cuộc sống tương lai.

Môn học thì quá nhiều trong khi một ngày chỉ có 24 tiếng thì thử hỏi làm sao mà học sinh có thể sống nổi?Thời gian đâu mà giải trí, thời gian đâu mà phụ giúp gia đình? Đâu phải học nhiều là giỏi, quan trọng là học ít hiểu nhiều, học tới đâu hiểu tới đó và biết áp dụng vào cuộc sống chứ.

Em đồng ý là môn Văn – tiếng Việt rất quan trọng nhưng nếu không phải học sinh chuyên văn thì cũng nên chỉ dừng lại ở cấp độ trung bình chứ đâu cần phải hiểu một cách sâu xa, thâm thúy đâu ạ? Em có mơ ước sau này trở thành bác sĩ, không lẽ em học văn để khi ra toa thuốc cho bệnh nhân thì làm thơ trong toa thuốc đó?

Còn nữa, em thấy cái môn học nghe rất vĩ đại nhưng thật sự nó hoàn toàn vô nghĩa đó là môn Giáo dục công dân. Giáo dục công dân là giúp cho con người trở nên hoàn thiện, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đất nước nhưng đầu óc chúng em không thể nhập tâm những dòng lý thuyết rườm rà đầy tính giáo huấn và sách vở đó. Em chẳng hiểu có môn này để làm gì. Những gì chúng em nhớ chỉ là câu chữ khô khan trong khi chúng em cần tiếp xúc với bên ngoài, gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh… mới có thể hiểu được trách nhiệm công dân, trách nhiệm với xã hội khi còn là học sinh.

Giáo viên dạy ai cũng như ai, không khí học lúc nào cũng nhàm chán, không một tiếng cười thì làm sao mà chúng em có thể tiếp thu tốt được? Nhất là giờ Văn, Sử, Địa, ôi thôi, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật, thật là đau lòng.

Còn môn Toán, chẳng hiểu sao chúng em phải học quá nhiều về lượng giác, tích phân, vi phân, đạo hàm, đường cao, các định lý Pitago… vừa nhức đầu vừa chẳng giúp ích gì cho chúng em sau này.

Môn Hóa lại còn nặng nề lý thuyết hơn nữa. Chúng em được dạy cho đủ các chất, đủ dạng phương trình, đủ cách nhận biết chất nhưng khi chỉ vào chất đó và hỏi đó là chất gì thì em dám khẳng định rằng chẳng mấy học sinh có thể nói ngay và luôn được.

Tiếng Anh đáng lý ra là phải chú trọng nhiều vào kỹ năng nghe và nói thì lại chú trọng vào ngữ pháp. Thử hỏi, một học sinh giỏi ngữ pháp chắc gì đã giỏi tiếng Anh. Bạn nào giỏi ngữ pháp liệu có thể giao tiếp với người Mỹ hay chí ít là hiểu được tất cả những gì họ nói không?

Nếu muốn học sinh chúng em phát triển toàn diện thì trước hết giáo viên phải toàn diện cái đã. Xin đừng dạy học theo kiểu chỉ nói mà không làm, hãy để cho chúng em phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo của chính mình.

Trình độ dạy học của nước nhà thật sự là quá kém, quá kém, thua rất xa với những nước tiến bộ như Mỹ, Singapore nên xin mấy thầy cô đừng bắt học sinh chúng em học theo kiểu Việt Nam mà thi theo kiểu Mỹ, kiểu Úc nữa.

Cái gì cũng vậy, nếu Bộ muốn đổi, muốn ra một đề án nào đó thì cần phải thông báo sớm cho học sinh chúng em biết, năm nay chúng em thi rồi còn thông báo kiểu này chúng em biết xoay sở ra sao?

Các nước tổ chức World Cup còn phải mất 4 năm chuẩn bị, chúng em đã được cha mẹ đầu tư cho đến thời điểm này cũng mất cả 12 năm, chừng ấy năm dồn biết bao nhiêu tâm huyết, nỗ lực để được bước vào cánh cửa đại học. Chúng em là con người, là học sinh chứ không phải là chuột bạch hay vật thí nghiệm cho những hình thức thi cải cách. Em chưa thấy quốc gia nào lấy học sinh ra để làm thí nghiệm nên mong Bộ cũng đừng làm trái với những quy luật bình thường đó.

Hy vọng bài viết này sẽ đến tay Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Em vẫn hy vọng năm nay sẽ được tham dự kỳ thi đại học bình thường như mọi năm.

Em cám ơn nhiều ạ!

Tano Cần Thơ

Leave a comment