Yêu sớm

Chào các bạn,

Mùa hè năm 2014 em Nhíp ra trường sau hơn hai năm học Trung cấp Sư phạm Tiểu học ở tỉnh Hải Dương. Dưới cơn mưa nhỏ, mình đến thăm gia đình em Nhíp, nhưng chỉ gặp mẹ Nhíp và em Hang-vợ em Nhíp, cùng với đứa con trai nhỏ trên một tuổi, còn bố và em Nhíp đi ra ruộng không ở nhà.

Nói chuyện với mẹ Nhíp, mình hỏi: “Em Nhíp ra trường bây giờ định xin đi dạy học ở đâu? Em Nhíp ra trường nhưng phải hai tháng nữa mới nhận bằng tốt nghiệp, gia đình cũng đang lo xin cho em Nhíp được dạy học ở xã mình, nhưng thấy cũng khó lắm vì hiện tại xã đang có chế độ hưởng lương thu hút, các giáo viên ở ngoài thị trấn xin về xã mình rất đông!”.

“Bố Nhíp là giáo viên lâu năm trong Buôn Làng, lại không xin cho em Nhíp dạy học ở Buôn Làng được sao?”. Nghe mình hỏi như vậy, mẹ Nhíp chỉ cười.

Ngồi nói chuyện lúc đó cũng có em Hang-vợ của em Nhíp-đang địu đứa con trai trên một tuổi. Em bé trên một tuổi nhưng nhìn gầy guộc ốm yếu, mình hỏi: “Em bé biết đi chưa?”. “Em bé biết đi rồi nhưng rất yếu và hay đau, chắc vì em bị sanh thiếu tháng”.

“Em bé thích bố Nhíp không?”. Em Hang lắc đầu nói: “Đã không thích còn sợ nữa! Không cần đụng đến, chỉ cần bố Nhíp nhìn, em đã khóc ré lên. Trong nhà em bé quen chơi với hết mọi người trừ bố Nhíp, thành ra hai tuần nay bố Nhíp về nhưng chưa địu con được lần nào!”.

“Hiện giờ em bé chưa quen bố Nhíp cũng không sao, vì bố Nhíp đã ra trường ở nhà luôn, như vậy một thời gian em bé sẽ quen, và sẽ biết thương bố Nhíp vì bố con!”.

Có bà nội cùng ngồi nói chuyện nhưng em Hang cởi mở nói: “Giai đoạn khi em bé còn nhỏ, em bé đau khóc đêm cả hai ba tháng, có những đêm em bé đau mình phải ngủ ngồi vì không địu bé, bé sẽ khóc. Lúc đó bà nội cũng đang nuôi chú còn quá nhỏ, nên cũng không địu bé thay cho mình được! Bây giờ bố Nhíp đã ra trường, em bé đã biết đi tương đối cũng đã dễ hơn nhiều, nên mình mơ ước một điều: Mình ước sao được giống mẹ Thép!”.

“Em Hang ước được giống mẹ Thép nghĩa là sao?”. “Yăh không biết bố Thép đã ở nhà nuôi em Thép khi em Thép mới được ba tháng, để cho mẹ Thép đi học nữ hộ sinh một năm tại Tp. Buôn Ma Thuột sao? Mình thấy bố mẹ Thép biết hy sinh cho nhau, biết cùng lo cho tương lai gia đình nên bây giờ mẹ Thép có việc làm ổn định ở xã, hiện tại là nữ hộ sinh giỏi nhiều kinh nghiệm của xã mình, và kinh tế gia đình cũng ổn định.

Mình nghĩ năm nay nếu bố Nhíp chưa xin được việc, bố Nhíp ở nhà giữ em bé để mình tiếp tục học Cao đẳng sư phạm, vì mình còn một năm nữa ra trường, điểm của năm học trước cũng đang được bảo lưu tại trường.”

Suy nghĩ một chút, em Hang nói: “Nếu mình không yêu sớm, mình đã học xong! Như vậy không biết đó là do số phận hay do mình đã không biết dùng cơ hội mình có, Yăh hể?”

Matta Xuân Lành

8 thoughts on “Yêu sớm”

  1. Chế độ lương ưu đãi làm cho các giáo viên người dân tộc không thể cạnh tranh được với các giáo viên từ Sài Gòn về. Nhưng chính sách này còn thiếu một điểm lớn, là giáo viên dân tộc cần có một chút ưu tiên trong khi tuyển chọn, ví dụ được thêm 15% số điểm tuyển chọn (nếu có hệ thống định điểm) thì như thế mới hữu lý.

    Tại sao cần cho giáo viên người dân tộc ưu đãi? Vì :

    1. Cần giúp người dân tộc phát triển lãnh đạo, và

    2. Người dân tộc dạy người dân tộc thì sẽ phát triển được văn hóa dân tộc hơn là người Kinh dạy người dân tộc.

    Like

  2. Thương em Hang quá. Em vẫn luôn nói, tình yêu không có tội, nhưng buông xuôi theo cảm xúc thì nhiều khi dẫn đến các khó khăn, hệ lụy.

    Về chuyện lương thu hút, em cũng thấy ngạc nhiên chẳng lẽ nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ người dân tộc, ưu tiên vào đại học,… mà lại không có chính sách nào để ưu tiên, hỗ trợ anh em có việc làm tại địa phương? Tại sao phải thu hút “củi” ở nơi khác về “rừng” làm gì.

    Like

  3. Em cảm ơn Anh Hai và Quỳnh Linh đã chia sẻ, đúng là chế độ lương ưu đãi của ngành giáo dục lẽ ra quá tốt, nay đã trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh của các thầy cô giáo tương lai người địa phương cũng như của anh em Buôn Làng.

    Chính anh em Buôn Làng khi nói chuyện với em họ cũng cảm nhận được điều anh Hai chia sẻ: “Người dân tộc dạy người dân tộc thì sẽ phát triển được văn hóa dân tộc hơn là người Kinh dạy người dân tộc”

    Em M Lành

    Like

  4. Có lẽ là các giáo viên ở BMT hay Buôn Hằng, hay các lãnh đạo người dân tộc, nên viết một lá thư về chuyện này đến Bộ trưởng giáo dục để tỉnh bày vấn đề.

    Like

  5. Em cảm ơn anh Hai, để em nói với Thầy Yoang là người rất trăn trở về vấn đề này, thầy Yoang đã cho em biết trong những buổi họp thầy Yoang cũng đã lên tiếng và ban lãnh đạo đã dọa thầy Yoang: Ông coi chừng tôi cho ông đi vùng sâu vùng xa” và thầy Yoang cũng nói với em: “Vùng mình đang ở không là vừng sâu vùng xa rồi sao còn dọa!!!”

    Thầy Yoang cũng cho em biết những thầy cô giáo mới ra trường về Buôn Làng dạy để hưởng lương thu hút toàn con các vị… Và đến Buôn Làng không phân lớp chỉ ở văn phòng chơi đợi đến khi có một cô hoặc thầy giáo nào đó đau mới vào dạy thế.

    Chế độ hưởng lương thu hút là 10 năm sau đó cắt 5 năm và có lại. Đó là em hỏi và được biết như vậy đó anh Hai.

    Em M Lành

    Like

  6. Hi cả nhà,

    Em vừa đọc một câu thú vị trong Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về công tác giáo dục miền núi (câu tô đậm):

    “..III. NHỮNG BIỆN PHÁP CHỦ YẾU NHẰM ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIÁO DỤC Ở MIỀN NÚI

    Muốn thực hiện được phương hướng và nhiệm vụ đề ra trên đây, cần kiên quyết thực hiện một số biện pháp chủ yếu như sau:

    1. Ra sức đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

    Vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên phải được đặt lên trước hết và phải được giải quyết một cách tích cực nhất. Phương hướng xây dựng đội ngũ giáo viên là:

    a) Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải đi trước việc phát triển giáo dục một bước.

    b) Miền núi phải phấn đấu để đào tạo phần lớn giáo viên là người dân tộc, thực hiện khẩu hiệu “dân tộc nào có giáo viên của dân tộc ấy”.

    c) Phải coi trọng cả hai mặt đào tạo và bồi dưỡng..”

    Link: http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Chi-thi-20-TTg-VG-cong-tac-giao-duc-mien-nui-nhung-nam-toi-18455.aspx

    hoặc http://www.na.gov.vn/sach_qh/chinhsachpl/phan2/p2_b_v_3.html

    Em thấy biện pháp đó thật phù hợp. Nhưng đó là Chỉ thị năm 1969, bây giờ chỉ thị này hết hiệu lực rồi ạ. Kể cả Chỉ thị bổ sung, sửa đổi cũng hết hiệu lực rồi ạ.

    Em đang kiếm Chỉ thị mới nhất của chính phủ về giáo dục miền núi, để xem có nội dung nào tương tự như nội dung trên không mà chưa tìm được ạ.

    Em Hương,

    Like

  7. Hi chị Lành và cả nhà,

    Em ủng hộ chị viết thư cho Bộ trưởng giáo dục.

    Hôm nay em tiếp tục tìm hiểu xem có chính sách nào ưu tiên cho giáo viên người dân tộc hoặc chính sách liên quan tới giáo viên người dân tộc không nhưng chưa có.

    Về việc dạy tiếng dân tộc thiểu số, em thấy trong một số Nghị quyết, Nghị định, Thông tư (còn hiệu lực) thì chẳng có dòng nào nói đến chuyện ưu tiên giáo viên người dân tộc.

    Em liệt kê vài điểm có thể tham khảo khi chị viết thư ạ.

    1. Về việc dạy học tiếng DTTS:

    Đây là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm giáo dục dân tộc năm 2014 – 2015. Nguyên văn của nhiệm vụ này là:

    “Tiếp tục tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng DTTS cho học sinh và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở vùng DTTS, miền núi.”

    (trích Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2014 – 2015 đối với Giáo dục dân tộc)

    2. Về Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số

    Trong Nghị định 82/2010/NĐ-CP về Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên có ghi:

    “Chương 3.
    ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH

    Điều 8. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

    1. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo tại các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên

    2. Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được tiến hành theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ”

    Văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là Chương trình Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Bana, Ê đê, Chăm được quy định tại Thông tư 19/2014/TT-BGDĐT.

    Mục tiêu chung trong Chương trình này là:

    “Trang bị kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho đối tượng chưa qua đào tạo sư phạm tiếng dân tộc Ba-na, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc Ba-na trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và trung tâm giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.”

    Nói chung, sau khi đọc các văn bản này, em thấy Nhà nước đầu tư nhiều cho việc dùng giáo viên chưa biết tiếng dân tộc thiểu số để dạy người dân tộc thiểu số!

    Em Hương,

    Like

Leave a comment