Phát triển tiềm năng bằng quan sát và lắng nghe

Ngày xưa, mình có đọc một cuốn truyện rất rất hay và tinh tế: “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” về một thằng nhỏ nó có khả năng quan sát và lắng nghe cực kì tốt. Nó có thể luyện đến nghe được tiếng bước chân cách nó bao nhiêu xa hay âm thanh phát ra từ hướng nào; ba nó, bạn nó, mẹ nó đang có tâm trạng như thế nào…v…..v…….

Một câu chuyện ấn tượng cực mạnh với mình. Bởi vì ngày xưa mình đã từng thế, có thể ngồi hàng giờ lắng nghe tiếng mưa, nhìn mây, lắng nghe tiếng chim hót,….v….v….. Rồi lớn dần mình lắng nghe ba mẹ, quan sát ba mẹ, chỉ cần nhìn khuôn mặt điệu bộ cử chỉ, nghe tiếng bước chân mình biết tâm trạng ba mẹ thế nào.

Chính vì sự nhạy bén đó và tình yêu hồn nhiên nên theo phản xạ, mình biết phải làm cách nào để ba mẹ hài lòng, ba mẹ vui vẻ.

Nhưng mà khi càng lớn lên, khi đến trường, đọc sách, tìm tòi, nhiều lúc mình có những giá trị, suy nghĩ khác ba mẹ tuy nhiên mình không thể cảm nhận được điều đó và vì ước muốn được yêu thương vẫn theo phản xạ, mình đáp ứng lại mọi yêu cầu của ba mẹ. Và nén những tiềm năng của mình vào bên trong.

Nhớ ngày xưa ba có kể mình nghe về 1 thầy của Leonado Da Vinci đã bắt ổng vẽ đi vẽ lại cùng 1 quả trứng dưới nhiều góc độ khác nhau.

Khi mà ta có thể thấy được sự khác biệt của 1 cái dường như đã cũ thì độ tinh tế, nhạy bén sẽ tăng dần lên. Và cái sự nhạy bén đó không chỉ áp dụng vào 1 vấn đề mà rất nhiều vấn đề khác.

Vào đây học về kĩ năng làm việc nhóm. Người ta bảo phải thay đổi nhóm thường xuyên để biết được nhiều tính cách. Tuy nhiên, khi không thể bén rễ vào 1 nhóm cố định và khai thác những tiềm năng của các thành viên trong nhóm thì dù thay đổi nhiều thì càng khiến người ta trở nên hời hợt.

Vì thế nên ta sống luôn cần những người thân, bạn thân để ta yêu thương và khiến mình trở nên tinh tế hơn. Vừa giữ được tinh tế vừa giữ được tình yêu nên sẽ không bị đánh mất mình trong người khác. Sẽ phát hiện ra tiềm năng của mình và hệ thống giá trị bản thân mạnh mẽ.

Phải bắt đầu từ những người thân yêu, gần gũi nhất để thấy họ thay đổi, đẹp lên mỗi ngày.

Người lớn cũng phải yêu thương trẻ con đúng cách để không biến độ tinh tế trong tình yêu đứa trẻ trở thành nỗi đau lớn và sự hận thù sâu sắc.

Nguyễn Thiện Chân

10 thoughts on “Phát triển tiềm năng bằng quan sát và lắng nghe”

  1. Mình thuộc típ ngươi phản diện với nhân vật trong bài viết, Xin hãy cho một lời khuyên để sửa đổi.

    Like

  2. Mình rất tâm đắc với đoạn này: “Vì thế nên ta sống luôn cần những người thân, bạn thân để ta yêu thương và khiến mình trở nên tinh tế hơn. Vừa giữ được tinh tế vừa giữ được tình yêu nên sẽ không bị đánh mất mình trong người khác. Sẽ phát hiện ra tiềm năng của mình và hệ thống giá trị bản thân mạnh mẽ.”

    Like

  3. Cám ơn Nguyễn Thiện Chân, mình rất thích bài này. 🙂

    “Khi mà ta có thể thấy được sự khác biệt của 1 cái dường như đã cũ thì độ tinh tế, nhạy bén sẽ tăng dần lên. Và cái sự nhạy bén đó không chỉ áp dụng vào 1 vấn đề mà rất nhiều vấn đề khác.” Mình đang tiếp cận Thiền Minh Sát (vipassana) và mình gặp điều bạn nói trong việc quan sát phồng xẹp, quan sát bước đi – ở đó sự tu tập được thực hiện bằng cách chú tâm quan sát sự chuyển động của cơ bụng theo hơi thở và các cảm giác ở chân khi bước đi.

    Mình cũng đồng ý với bạn về điều này “Phải bắt đầu từ những người thân yêu, gần gũi nhất để thấy họ thay đổi, đẹp lên mỗi ngày.”

    Còn điều này thì khiến mình hơi chột dạ và không cảm thấy hiểu rõ bạn đang “lường trước” cho bối cảnh nào “Người lớn cũng phải yêu thương trẻ con đúng cách để không biến độ tinh tế trong tình yêu đứa trẻ trở thành nỗi đau lớn và sự hận thù sâu sắc.”

    Like

  4. Gửi chị Quỳnh Linh,
    Cảm ơn chị vì những chia sẻ! 🙂
    Thật ra thì bài viết em có bối cảnh hết, thường thì em dựa theo 1 chuyện gì đó em thấy được rồi viết nó ra. Trong môi trường em học, em quan sát và thấy được nhiều nỗi đau sâu xa của các bạn được bọc ngoài bởi lớp vui vẻ dễ thương. Nhưng mà thật sự đang chất chứa một nỗi đau, nỗi sợ lớn.
    Ví dụ như lúc ở quê, em từng học với những đứa bạn rất quậy, là học sinh cá biệt nhưng vì những đứa đó thiếu đi tình yêu từ gia đình từ nhỏ nhưng sâu thẳm tụi nó sống rất tình cảm nếu mình thật sự lắng nghe chia sẻ.
    Và bài này nó nằm trong chuỗi bài viết của em. Nên có thể tách biệt ra sẽ hơi khiến chị khó hiểu 😉
    Em viết lại cảm nhận của mình để lớn lên mỗi ngày í mà. Nên có cái ngày hôm nay nghĩ thế này nhưng hôm sau thì quan điểm đã thay đổi. 🙂
    Thân,
    Thiện Chân

    Liked by 1 person

  5. xin cảm ơn bài viết. Trong cuộc sống vội vã Yến đã quên mất là phải sống chậm lại và lắng nghe cuộc sống của mình. Lắng nghe và cảm nhận những điều tinh tế từ cuộc sống

    Like

  6. Nhiều lúc trong bộn bề của cuộc sống mà chúng ta quên mắc một ý nghĩa vô cùng quan trọng là phải biết nhìn nhận và lắng nghe..!!!!!!!!!

    Like

  7. Em muốn học cách làm sao đó để tập lắng nghe, nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Em chưa từng kiên nhẫn ngồi lắng nghe tiếng mưa, tiếng chim, quan sát mây trôi…Cuốc sống từ nhỏ đến lớn đều vội vàng, đôi khi cảm thấy bế tắc, không tìm ra được đường đi. Sau khi đọc xong bài này, em đã biết mình nên tập lắng nghe từ những điều nhỏ nhặt nhất. Em cảm ơn bài viết rất nhiều

    Like

  8. Hi Vân Hoàng,

    Em hãy tập nghe thật kỹ, như một điều tra viên. Người điều tra mà không nghe rất kỹ điều nhân chứng nói thì làm sao mà điều tra được?

    Cách điều tra (cũng là cách nói chuyện) thì rất đơn giản. Chuyện gì cũng là “5 W and 1 H”: What (chuyện gì), Where (ở đâu), When (lúc nào), Why (tại sao), Who (ai), và How (thế nào).

    Ví dụ, bạn mình nói có hỏa hoạn ở đường Hai Bà Trưng (đây là what và where). Thì mình hỏi tiếp: Hồi nào vậy? (When?). Tại sao xảy ra hỏa hoạn vậy? (Whys?). Ai là thủ phạm? Có ai chết và bị thương không? (Who?). Và hỏa hoạn xảy ra thế nào vậy (How?) — cháy từ một thùng xăng nhỏ, lan đến các thùng xăng lớn, và nổ ra, trong khi trong xưởng chỉ có một lối ra nhưng bị lửa chắn, còn người kẹt bên trong không có lối thoát.

    Cứ vậy mà lắng nghe và tiếp tục nói chuyện. Công thức rất dễ: 5W 1H
    5W 1H.

    Đây là kỹ thuật điều tra, đồng thời là kỹ thuật nói chuyện.

    Em cứ lắng nghe một câu, rồi hỏi tiếp bằng 5W 1H để kéo dài câu chuyện, và làm cho câu chuyện thành thú vị.

    Nếu em thực hành như vậy, thì em sẽ biết lắng nghe.

    Liked by 1 person

  9. Ô, em cảm ơn anh Hoành vì comment trên đây, em rất thích lắng nghe, quan sát và cảm nhận thiên nhiên. Tuy nhiên, nói chuyện với người khác lại rất dở, nhút nhát và bối rối hổng biết nói gì, nói được đôi ba câu lại tịt mất, đôi khi mở miệng nói điều ngớ ngẩn nữa. Nay có nguyên tắc 5W 1H rồi thì không phải lo, đơn giản dễ hiểu và dễ áp dụng.
    Em Hợp

    Like

  10. “Ta sống luôn cần những người thân, bạn thân để ta yêu thương và khiến mình trở nên tinh tế hơn. Vừa giữ được tinh tế vừa giữ được tình yêu nên sẽ không bị đánh mất mình trong người khác. Sẽ phát hiện ra tiềm năng của mình và hệ thống giá trị bản thân mạnh mẽ.”
    cảm ơn bạn Thiện Chân và chú Trần Đình Hoành về chia sẻ rất bổ ích .

    Like

Leave a comment