Phố Đêm – Tâm Anh – Thanh Thúy

 

Chào các bạn,

Thanh Thúy

“Phố Đêm” có lẽ là bản nhạc signature của ca sĩ Thanh Thúy, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh ngày 2 tháng 12 năm 1943 tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình có 5 chị em, trong đó có Thanh Mỹ và Thanh Châu cũng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Thanh Thúy được gọi là “Tiếng hát liêu trai” tại miền nam VN trước 1975. Thanh Thúy từng lập gia đình với một sĩ quan không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Nhạc sĩ Tâm Anh tên thật là Trần Công Tâm sinh tại Sài gòn vào ngày 29 – 07 – 1948. Bắt đầu tuổi 20 khi còn là sinh viên của trường Kỹ Thuật Phú Thọ (Đại Học Bách Khoa, Sài Gòn, ngày nay).

Đã thành lập ban kích động nhạc trình diễn hằng đêm tại các phòng trà vũ trường và đồng thời tham gia sáng tác. NS Tâm Anh đánh dấu bước đầu của sự thành công trong âm nhạc nghệ thuật qua bài “PHỐ ĐÊM” vào cuối năm 1968… Qua cảm hứng của bài “PHỐ ĐÊM” tiếp liền nhạc phẩm “TRÁI MỘNG TẦM TAY” đã lên ngôi và được nhạc sĩ Nguyễn Đức chuyên đào tạo danh ca đã ghi bút như sau : “…Cuộc đời đào tạo ca sĩ của tôi chỉ thích một số nhạc sĩ sáng tác chuyển hướng. Trong số này có nhạc sĩ trẻ tuổi Tâm Anh. Nhạc sĩ Tâm Anh vừa qua một ngõ rẽ của nghệ thuật có chiều sâu hơn chiều rộng…” 1969.

NS Tâm Anh
Dưới đèn mờ giăng giăng giữa “PHỐ ĐÊM” đã dệt thành “ƯỚC VỌNG” của “NHỮNG CHUYỆN TÌNH” nào là “KHÔNG SUY TƯ, KHÔNG DĨ VÃNG, KHÔNG ĐAM MÊ, KHÔNG HỐI TIẾC và cũng KHÔNG ĐOẠN KẾT”. “CHUYỆN TÌNH MONG MANH” nên “NẾU AI THƯƠNG AI” và ai đó khi “ĐỐI DIỆN NGƯỜI TÌNH”, hãy coi CHUYỆN TÌNH YÊU “NHƯ MỘT GIẤC MƠ” dù biết rằng “MỘT LẦN YÊU VẠN LẦN SẦU ” của “LỆ TÌNH “…

Nhạc sĩ Tâm Anh ngưng sáng tác trước tháng 4/1975 với lời dặn “..KHI TÔI CHẾT” của một thực tại rất chắc chắn vì biế mình rằng “GIẤC MƠ KHÔNG ĐẾN HAI LẦN” dù là “TÌNH MỘNG” mà “CÕI VĨNH HẰNG” đã đón người nhạc sĩ “NHỮNG CHUYỆN TÌNH….” vào cuộc đời ” Miên Viễn ” vào ngày 17 – 06 – 2006. Nguồn: Blog Ngọc Sơn

Trong tiến trình tìm thông tin cho bài này, mình đụng thông tin là năm 2005 Đàm Vĩnh Hưng làm một CD có bài Phố Đêm này nhưng bị hai vấn đề: (1) Đề tên tác giả là một người khác chứ không phải Tâm Anh, và (2) hát nhạc lính Sài Gòn trước 1975 mà chưa có phép của Sở Văn Hóa thành phố. Các bạn xem hai bài báo Việt Báo dưới đây về vụ này.

Video clip mình có đây lại còn có hình lính Sài Gòn trước 1975. Coi như các bạn xem những hình đó để xem lại một mảnh tí ti của lịch sử của miền nam trước 1975.

Mời các bạn nghe nhé.

Hoành

 

PHỐ ĐÊM
Nhạc và lời: Tâm Anh

Phố đêm đèn mờ giăng giăng
Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên
Phố đêm nhiều lần suy tư
Ghi nhớ còn trong đời
Những ngày thương tích lớn
Mây đen làm úa trăng gầy
Cho nên còn tiếng say mềm
Trước thềm ngàn lời vu vơ
Vì người hay mơ dòng đời như thơ

Nhớ ngày nao hoa nắng ngủ trên cây
Thương lá vàng úa tan
Mây bơ vơ bay khắp nẽo vô tình
Cho người yêu ước mơ
Người đi khai phá nét kiêu sa
Tuy lính chiến xa nhà mà vẫn luôn yêu đời
Bằng câu ca tiếng cười
Tìm vui trong giấc mơ
Dù bâng khuâng chữ ngờ

Phố đêm lạc loài hương yêu
Chìm đắm như hàng cây giá lạnh ướt mềm
Phố đêm chờ người phong sương
Chinh chiến từ lâu rồi
Có niềm riêng hay ước
Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để rồi dìu người tôi yêu
Dìu người đang yêu
Và người chưa yêu

 

 

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: “Tôi không phải là kẻ lừa lọc”

17 tháng 1, 2006

Ca si Dam Vinh Hung Toi khong phai la ke lua loc

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một buổi biểu diễn

Sau sự kiện album Tình ca 50 của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sử dụng ca khúc Phố đêm của nhạc sĩ Tâm Anh nhưng lại đề tên ngoài bìa là sáng tác của Nguyễn Tuấn Kiệt, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để mổ xẻ vấn đề. Biện pháp xử lý cuối cùng là thu hồi toàn bộ album Tình ca 50. Nhưng dường sự việc chưa dừng lại ở đó khi mà gần đây rộ lên dư luận là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cố tình lừa dối cơ quan chức năng.

Về phía nhạc sĩ Tâm Anh, người đứng đơn kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Công ty Lạc Hồng Audio – Video ngày 12/1/2006 đã gửi một bức thư đính chính về sự cố nhạc phẩm Phố đêm đến Cục Biểu diễn nghệ thuật, Sở VHTT TP.HCM và các cơ quan báo chí. Xin trích nội dung bức thư như sau:

“…Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn quý cơ quan chức năng cùng các báo đã nhanh chóng xem xét giải quyết cho phổ biến việc vi phạm tác quyền nhạc phẩm Phố đêm của tôi qua đơn khiếu nại ngày 8/12/2005, khi dựa vào đĩa nhạc album Đàm Vĩnh Hưng Tình ca 50 do Lạc Hồng Audio – Video sản xuất và phát hành có ghi âm, in tờ bướm bài Phố đêm của tôi (Tâm Anh) nhưng đề tên tác giả là Nguyễn Tuấn Kiệt, cho nên tôi bức xúc làm đơn khiếu nại.

Sau khi làm việc với Trung tâm Lạc Hồng (ngày 20/12/2005) và Thanh tra Sở VHTT (ngày 3/1/2006), tôi mới biết có nhạc phẩm Phố đêm của ông Nguyễn Tuấn Kiệt được phép phổ biến năm 2004, hoàn toàn khác hẳn nhạc phẩm Phố đêm của tôi sáng tác năm 1968.

Và trong cuộc họp ngày 10/1/2006 tại Thanh tra Sở VHTT TP.HCM, sau khi trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi đều xác nhận sự cố nhạc phẩm Phố đêm là lỗi hoàn toàn do Trung tâm Lạc Hồng. Thể theo yêu cầu của ông Nguyễn Tuấn Kiệt, tôi xin đính chính và xin rút lại từ đạo nhạc mà tôi đã gán cho ông…”.

Thư đính chính của nhạc sĩ Tâm Anh kết luận sự cố lầm lẫn tác giả bài Phố đêm là lỗi của Công ty Lạc Hồng gửi đi ngày 12/1/2006 thì ngay sau đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã phát đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng vì có dư luận cho rằng anh cố ý lừa dối khán giả và cơ quan chức năng. Trong đơn kêu cứu, Đàm Vĩnh Hưng thừa nhận sai sót lầm lẫn của anh và ê-kíp khi thực hiện album Tình ca 50. Đàm Vĩnh Hưng trình bày rằng anh nhận thức sự cố này nên ngay sau khi báo Thanh Niên đăng thông tin về “sự cố” Phố đêm, anh đã chủ động xin lỗi nhạc sĩ Tâm Anh, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt và khẳng định anh đã nhận được sự thông cảm, thấu hiểu từ hai nhạc sĩ này. Đồng thời, Đàm Vĩnh Hưng và Lạc Hồng đã nghiêm chỉnh chấp hành quyết định thu hồi album Tình ca 50, không tiếp tục phát hành album này trên thị trường. Đàm Vĩnh Hưng phát biểu: “Tôi khẳng định tôi không lừa khán giả của mình trong việc này. Thật sự tôi không biết có hai nhạc sĩ có ca khúc cùng tựa là Phố đêm. Khi tôi làm album, tôi chỉ biết nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt nên cứ nghĩ là của ông và khi xin giấy phép vẫn được cơ quan chức năng chấp nhận nên mới ghi lên bìa đĩa như thế! Sau sự cố, tôi đã rất cầu thị trong việc sửa sai, sao lại cố tình cho tôi là kẻ lừa lọc?”.

Hiện Đàm Vĩnh Hưng đang ở Hà Nội và anh đã gửi đơn kêu cứu đến rất nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Chuyện chưa biết rồi sẽ được giải quyết ra sao nhưng sự việc này cũng là bài học cho các ca sĩ trẻ trong việc chọn các ca khúc trước 1975 nên thật cẩn trọng tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh ra đời của ca khúc để không phải dẫn đến những lầm lẫn đáng tiếc mà hậu quả đôi khi thật khó lường. Còn về phía công luận, cũng cần phải thật thận trọng khi phán xét để làm sao đó khi đưa ra những kết luận mà người ta phải “tâm phục, khẩu phục”!

Cao Minh Hiển – Thuận An

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Về vụ bài hát “Phố đêm”: Đàm Vĩnh Hưng sẽ bị xử lý theo pháp luật

Thứ năm,  19 tháng 1, 2006

Sai phạm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi đứng tên biên tập đĩa nhạc Tình ca 50 của mình (Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng, Công ty Nhiếp ảnh TP. HCM sản xuất), có sử dụng bài hát cấm sản xuất lưu hành: Phố đêm của tác giả Tâm Anh,… đang chờ cơ quan chức năng xử lý thì mới đây Đàm Vĩnh Hưng đã gởi đơn kêu cứu đến cơ quan quản lý Trung ương, nhất là sau khi anh nhận được giải thưởng Trái cóc xanh của Báo Tuổi Trẻ cười. Đàm Vĩnh Hưng cho rằng mình không sai phạm gì và đổ lỗi cho cơ quan xét duyệt cấp phép.

Ông Võ Trọng Nam, Trưởng Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở Văn hoá Thông tin (VH-TT) TP. HCM, cho biết sở sẽ xử lý nghiêm những sai phạm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Thanh tra Sở VH-TT TP. HCM đang hoàn tất hồ sơ chuẩn bị trình Hội đồng Xử lý các vi phạm về hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa TP. HCM.

Hành vi sử dụng nhạc lính chế độ cũ (cấm lưu hành) đưa vào sản xuất chương trình đĩa nhạc, sửa chữa lời, sửa tên tác giả để qua mặt cơ quan quản lý của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng (với vai trò đứng tên biên tập) và Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng cho đến 30 triệu đồng, sau khi đã buộc thu hồi số đĩa đã phát hành. Một sai phạm khác là Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng không thực hiện đúng quy chế nộp lưu chiểu của Bộ VH-TT để dẫn đến tình trạng một số đĩa nhạc đã bán ra không thể thu hồi lại được.

Trong tường trình gởi Sở VH-TT TP. HCM, Đàm Vĩnh Hưng cho rằng anh chép bài hát Phố đêm của tác giả Tâm Anh từ một đĩa nhạc nên không biết tên tác giả và nội dung bài hát có liên quan đến lính chế độ cũ. Thế nhưng trong tờ bướm in nội dung các ca khúc trong đĩa nhạc phát hành kèm theo (ảnh) anh vẫn để nguyên gốc lời bài hát có nội dung cấm (Đi lính chiến xa nhà mà vẫn luôn yêu đời… Chinh chiến từ lâu rồi…). Việc sửa lời bài hát này đã đủ cho thấy biên tập viên Đàm Vĩnh Hưng vô tình hay cố ý qua mặt cơ quan chức năng.

Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VH-TT TP. HCM cho biết khi xin giấy phép sản xuất đĩa nhạc này, Đàm Vĩnh Hưng đã đưa vào danh sách 21 bài hát, trong đó có 3 bài hát chưa được phép phổ biến: Tango dĩ vãng (Anh Bằng), Tình yêu như bóng mây (Song Ngọc) và bài nhạc lính chế độ cũ Nếu đời không có anh (Hoàng Cang). Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã bỏ ra. Đàm Vĩnh Hưng lại bổ sung 5 bài hát khác, trong đó có bài Phố đêm của Tâm Anh nhưng ghi tên tác giả Nguyễn Tuấn Kiệt (tựa bài hát trùng nhau của tác giả đã được cấp phép sản xuất trước đó).

Ông Võ Trọng Nam nói, trách nhiệm của cơ quan quản lý chưa làm đến nơi đến chốn chúng tôi xin nhận. Nhưng sai phạm của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Trung tâm Băng nhạc Lạc Hồng phải được xử lý nghiêm minh.

Ân Thông – (NLĐ)

Việt Báo (Theo_VnMedia)
 

Leave a comment