Gần đèn thì sáng

Chào các bạn,

Ai trong chúng ta cũng đã biết “gần mực thì đen, gần đền thì sáng”. Câu này khoảng 4,5 tuổi gì đó ta đã thuộc nằm lòng. Mẹ dạy như thế để “chọn bạn mà chơi”.

Nhưng mẹ đã chưa bao giờ dạy rằng con phải là đèn cho chúng nó học. Cho nên chúng ta lớn lên chạy theo những cây đèn khác, mà ít khi nghĩ về mình như là một ngọn đèn của thế giới.

Đó là điều mà chúng ta lập đi lập lại thường xuyên trong tư duy tích cực, và ta gọi đó là năng lượng tích cực. Nếu chúng ta tạo ra năng lượng tích cực cho mình, năng lượng đó sẽ ảnh hưởng những người gần đèn ta, làm cho họ trở thành tích cực hơn, và năng lượng tích cực của họ sẽ làm cho những người quanh họ tích cực hơn, và ảnh hưởng dây chuyền có thể lây lan như thế đến vô tận.

Đó là: Sống tích cực để chuyển hóa thế giới.

Và trong cõi đời này, mỗi chúng ta là một ngọn đèn. Ta sáng thì thế giới quanh ta sáng.

Phải chăng bạn đã dùng quá nhiều năm tháng đời mình chỉ để đi tìm những ngọn đèn nào đó, mà quên mất rằng chính mình là một ngọn đèn chiếu sáng cuộc đời quanh mình.

Dù Chúa và Phật của chúng ta có là dầu lửa, thì chúng ta vẫn phải là ngọn đèn để đốt dầu lửa thành ánh sáng.

Chính chúng ta là những ngọn đèn của thế giới này. Chính bạn là ngọn đèn của thế giới này. Đừng tìm đâu xa. Chính ngọn đèn ta phải rọi sáng cho đời ta và rọi sáng thế giới.

Đó là tự tin tối hậu, tự tin rốt ráo. Một tự tin lớn và nền tảng, đi theo một trách nhiệm lớn và nền tảng–trách nhiệm làm sáng đời mình và làm sáng thế giới.

Hãy là ngọn đèn cho thế giới của bạn.

Chúc các bạn một ngày tươi sáng.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Gần đèn thì sáng”

  1. Cám ơn anh Hoành vì bài viết,
    Thường ngày em cũng vẫn là một ngọn đèn chiếu sáng xung quanh mình, đặc biệt là những chỗ tối hơn mình.
    Nhưng em nhận thấy khi bên cạnh những chỗ sáng hơn mình, lại có xu hướng không cộng hưởng để cùng sáng thêm, mà thay vào đó lại là thấy mình như đố kỵ, thêm chút tự ty.
    Anh Hoành có thể cho em lời khuyên để có thể vượt qua được điều chưa tốt này không anh?
    Cám ơn anh vì tất cả, đọc các bài viết của anh em thấy mình ngày càng biết kiên trì hơn, yêu thương hơn!

    Like

  2. Hi Huy,

    Vấn đề đố kỵ và tự ti thì một phần là do mình. Khiêm tốn là mẹ của mọi đức hạnh. Nếu em tập trung vào khiêm tốn, thật sự tôn trọng những người thấp kém hơn mình, thì tự nhiên mình sẽ bớt đố kị và tự ti với người khác.

    Tuy nhiên vấn đề còn có thể là do chúng ta không biết luật chơi, nhất là không tôn trọng sự lãnh đạo của người khác.

    Ví dụ: Có một nhóm nào đó làm gì đó rất hay, ta muốn nhập bọn để chơi chung. Thì quy tắc đâu tiên là tôn trọng lãnh đạo nhóm và “văn hóa của nhóm”. Nhóm đã có lãnh đạo với cách làm việc như vậy và các hội viên có cách làm việc như vậy, ta là ma mới thì hãy tôn trọng lãnh đạo và văn hóa nhóm, sống như là người lính thấp nhất, khiêm tốn trong nhóm, ai bảo gì làm nấy… Thời gian sẽ làm cho ta từ từ thuần thục, thành chức sắc của nhóm, lúc đó hãy có nhiều ý kiến về lãnh đạo và đường hướng.

    Người Việt ta không giỏi teamwork, cho nên người mới vào nhóm lại hay có ý kiến cải tổ lăng nhăng, đôi khi lại còn đẩy ý kiến của mình đến mức gây nhiều xung khắc trong nhóm, cho nên các nhóm nhiều khi cũng ngại cho nhiều người mới vào, không làm việc được.

    Ngoài ra, thấy cái đèn nào đó sáng, không nhất thiết là phải theo sát đèn. Tùy theo điều kiện làm mình và mọi người thoải mái là được. Vi dụ:

    — Đứng xa vỗ tay cổ võ, khuyến khích.
    — Làm fan trung thành.
    — Làm lính mới của nhóm.
    — Làm thành viên nồng cốt.
    _ Làm thành viên lãnh đạo.

    Có nhiều cách để ủng hộ một ngọn đèn. Cứ lựa cách mình thấy thoải mái nhất, thì có lẽ là mĩnh sẽ không thấy lấn cấn gì cả.

    Huy khỏe nhé.

    Like

  3. Chào Harmony và cả nhà,

    Trong sự làm việc thì điểm yếu số 1 của dân Việt chúng ta là teamwork. Thực sự là anh tin rằng teamwork của dân ta có lẽ yếu vào hàng số 1 của thế giới. Teamwork của ta nói chung là vẫn theo mô hình “gia trưởng” từ trong gia đình. Lãnh đạo chỉ nói, và mọi người dưới phải nghe. Lãnh đạo hầu như không có khả năng nghe từ dưới lên.

    Team Việt vì vậy rất thụ động và thiếu sáng tạo. Và mọi người hầu như chẳng hiểu team là gì cả. Lãnh đạo có thể nói với cả team về một điều, và cả team nín thinh hay gật gật ra vẻ đồng tình. Nhưng khi về nhà thì các thành viên lại nói chuyện riêng với nhau, tay đôi hay tay ba, phàn nàn chỉ trích đủ điều, rồi cả team sau đó mạnh ai nấy đi đường của mình, điều lãnh đạo đã nói và cả team có vẻ như đồng ý thì chẳng một ai quan tâm cả.

    Khi họp bàn thì nếu có bất đồng ý là gây lộn. Chẳng biết dùng bất đồng ý để cãi nhau một chút để tăng sáng tạo. Đấu đá với nhau một chút về luận lý để tìm ra tư tưởng và giải pháp hầu như không có đối với người Việt. Nói đến một câu nào có ý phê phán tư tưởng của ai đó là automatically có người gây gổ với mình.

    Nói ra một ý mà ai tranh cãi lại là tự ái ngay. Cho nên không thảo luận được điều gì rốt ráo cả.

    Các dân tộc teamwork giỏi, họ tranh cãi ta tưởng là sắp đánh nhau. Nhưng sau tranh cãi, khi lãnh đạo đã quyết định “Tôi chọn ý kiến này” là mọi người răm rắp làm theo, không một câu phàn nàn, cứ như là trước đó chưa tranh cãi bao giờ.

    Và hết giờ tranh cãi là mọi người bá vai bá cổ nhau đi uống cà phê, chẳng ai tự ái một giây đồng hồ.

    Nếu dân ta không biết teamwork thì đương nhiên là ta sẽ nghèo đói trăm nghìn năm nữa.

    Mình hy vọng là nếu chúng ta học tư duy tích cực, sẽ biết tích cực về chính mình, tích cực về các bạn bè quanh mình, tích cực về đàm luận và tranh luận, tích cực về tính lãnh đạo và kỹ luật nhóm… thì may ra ta sẽ làm được một cuộc cách mạnh văn hóa về teamwork cho dân Việt.

    Like

Leave a comment