Yêu kẻ thù của bạn – Martin Luther King

Chào các bạn,

Mình mới đọc được bài giảng về “Yêu kẻ thù của bạn” của Martin Luther King Jr. Mình thấy rất hay và muốn chia sẻ với các bạn. Bài nói chuyện của MLK khá dài nên nếu bạn quan tâm, bạn có thể đọc đầy đủ ở đây.

Yêu các kẻ thù của bạn

MLK trích câu dạy của Giê-su: “Các bạn đã nghe nói rằng: ‘Yêu người láng giềng, và ghét kẻ thù’, nhưng tôi nói với các bạn, Yêu kẻ thù các bạn, ban phước cho kẻ đã chửi rủa bạn, đối xử tốt với kẻ ghét bạn, và cầu nguyện cho kẻ lạm dụng bạn, để các bạn có thể là con của Thượng đế trên trời”.

Và tập trung buổi nói chuyện trong chủ đề: “Yêu kẻ thù của bạn”

Kẻ thù của bạn là ai?

Là những người không thích bạn, có thể không phải bởi vì điều gì bạn đã làm đối với họ, nhưng họ đơn giản là không thích bạn. Một số người không thích cách bạn bước chân đi; một số không thích cách bạn nói chuyện. Một số không thích bạn bởi bạn có thể làm việc tốt hơn họ có thể làm. Một số không thích bạn bởi những người khác thích bạn, và bởi bạn được ưa thích. Một số không thích bạn bởi tóc của bạn hơi ngắn một chút hay tóc của bạn hơi dài một chút. Một số không thích bạn bởi da của bạn hơi sáng hay hơi tối một chút. Vậy một số người sẽ không thích bạn, không phải bởi vì bạn là làm gì với họ mà bởi vì những phải ứng ghen tị hay các phản ứng phức tạp khác trong bản chất con người.

Vậy làm sao để trả lời câu hỏi thực tế là: Làm thế nào bạn yêu kẻ thù của bạn?

MLK gợi ý rằng ta cần phải xét chính ta để có thể khám phá ra cách yêu kẻ thù của ta. Ta phải đối mặt với thực tế là một người nào đó không thích ta bởi vì có điều gì đó ta đã làm rất lâu trong quá khứ, điều gì đó trong tính cách của ta đã khơi gợi nên phản ứng hận thù trong người kia.

MLK nói điều này cũng đúng trong cách giằng co quốc tế. Ví dụ: giữa chủ nghĩa cộng sản và dân chủ. Những người theo dân chủ kiểu Mỹ không thể chấp nhận sự tương đối về đạo đức của chủ nghĩa cộng sản: đạt được mục đích bất chấp thủ đoạn bởi đối với họ mục đích nằm phía trước phương tiện. Nhưng mặc dù chủ nghĩa cộng sản có nhiều điều xấu, dân chủ có vấn đề gì xấu không? Dân chủ là dạng chính quyền tốt nhất mà loài người có thể có, nhưng với dân chủ, vẫn có áp bức và lòng tham. Những quốc gia dân chủ phương Tây đã áp dụng chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thuộc địa nhiều năm và gây ra kháng cự từ châu Á và châu Phi. Sự thành công của chủ nghĩa cộng sản vào những năm 1960s là do Dân chủ không thi hành được những ước vọng cao thượng của nó.

Một điều thứ hai có thể làm để yêu kẻ thù là phát hiện ra những điểm tốt đẹp trong kẻ thù. Điều này lúc đầu cũng hơi khó chính bởi bản chất của ta.

Con người của chúng ta từ chối nhìn thấy cái gì xấu là của mình. Ta có sự chia rẽ ở trong chính ta như một cuộc nội chiến. Nhà thơ Latin Ovid nói: “Tôi nhìn thấy và đồng ý với những điều tốt đẹp ở đời, nhưng không với những điều xấu tôi làm.” Nhà thơ Goethe nói: “Có đủ thứ ở trong chính tôi khiến tôi là cả một quý ông lẫn một tên lưu manh”. Vậy trong thứ tốt đẹp nhất của chính ta có vẫn cái gì đó xấu, và trong cái xấu nhất của ta cũng có gì đó tốt. Khi bạn thấy điều này, bạn sẽ thấy có gì đó tốt trong chính kẻ ghét bạn nhất. Cái đó tôn giáo gọi là: ‘hình ảnh của Thượng đế”.

Một cách nữa để yêu kẻ thù của bạn là: khi bạn có cơ hội để đánh bại kẻ thù, không được làm điều đó. Trong cuộc sống bạn sẽ có cơ hội để đánh bại kẻ ghét bạn nhất, kẻ buôn chuyện về bạn nhiều nhất, kẻ đồn thổi tin xấu về bạn. Đó có thể là cơ hội giới thiệu người đó cho một công việc, hay giúp người đó thăng tiến trong đời. Đó là thời điểm bạn không được trả thù. Đó là ý nghĩa của tình yêu. Tình yêu, suy cho cùng, không phải là điều gì đó ủy mị trữ tình mà ta thường nói tới. Tình yêu là thiện chí thông cảm và sáng tạo đối với con người. Tình yêu là từ chối đánh bại người khác. Khi bạn đạt được vẻ đẹp và quyền năng của tình yêu, bạn chỉ tìm cách đánh bại hệ thống độc ác chứ không đánh bại con người mắc kẹt trong hệ thống đó. Bạn yêu những con người đó.

Một điểm quan trọng nữa về “Yêu kẻ thù” là “Yêu kẻ thù” không có nghĩa là “Thích kẻ thù”. Bạn không cần phải thích kẻ thù. Bạn không cần phải thích cách họ nói về bạn hay về người khác, hay thái độ của họ. Giê-su bảo yêu họ. Và tình yêu lớn hơn sự ưa thích rất nhiều. Tình yêu là sự thiện chí cảm thông và cứu chuộc đối với mọi con người.

Tiếp theo, MLK trao đổi về Tại sao ta cần yêu kẻ thù?

Lý do đầu tiên là hận thù đáp trả lại hận thù chỉ làm tăng hận thù và điều xấu trên thế gian này. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi và tôi đánh bạn và bạn đánh tôi… sẽ mãi mãi như thế. Ở đâu đó một người nào đó phải tỉnh táo ra, đó chính là người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ có thể cắt đi xiềng xích của hận thù.

Lý do thứ hai là hận thù làm đảo lộn tính cách của chính người hận thù. Bạn không thể nhìn mọi thứ thẳng khi bạn ghét ai được. Bạn cũng không thể đi thẳng được. Bạn sẽ nhìn mọi thứ méo mó. Bạn sẽ thấy một người xinh đẹp xấu xí và một người xấu xí xinh đẹp. Không còn chút khách quan nào cả. Hận thù như một thứ bệnh ung thư gặm nhấm.

Một ví dụ là tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Khi Abraham Lincoln tranh cử, Stanton không thích Lincoln và đi khắp nước Mỹ nói xấu Lincoln, tấn công ngay cả dáng đi cao lênh khênh của ông. Một ngày kia Lincoln trúng cử tổng thông Mỹ và cần chọn nội các, ông đã quyết định chọn Stanton làm bộ trưởng bộ quốc phòng và điều này làm người thân của ông giật mình: “Mr. Lincoln, ông điên à? Ông không biết Mr. Stanton nói xấu gì về ông à? Ông không biết ông ta đã làm gì à?”. Lincoln trả lời là: “Tôi biết tất cả, nhưng sau khi xem khắp đất nước, tôi thấy ông Stanton là phù hợp nhất cho chức vụ đó”.

Chỉ vài tháng sau khi Stanton nhận chức bộ trưởng, Abraham Lincoln bị ám sát chết. Stanton đã nói những lời tuyệt vời nhất về Lincoln như “bây giờ ông ấy thuộc về các thế hệ”. Nếu Lincoln đã hận thù Stanton thì cả hai ông sẽ đi xuống mộ hận nhau. Nhưng tình yêu của Lincoln đã cứu chuộc lại Stanton.

Đó là quyền năng cứu chuộc của tình yêu mà Giê-su đã biết đến từ hàng thế kỷ trước. Gandhi ở Ấn độ phát hiện ra mấy chục năm trước. Nhưng hầu hết mọi người chưa phát hiện ra điều đó. Và nền văn minh của chúng ta phải phát hiện ra tình yêu đó. Mỗi cá nhân phải phát hiện ra trong quan hệ với các cá nhân khác.

MLK cầu nguyện: Ôi Chúa, giúp chúng con trong đời sống và trong thái độ của chúng con, thi hành quyền lực chi phối của tình yêu này, quyền lực chi phối mà có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề chúng con gặp phải trong mọi lĩnh vực. Hãy cho tất cả con người đến với nhau và phát hiện ra rằng khi chúng con giải quyết nguy kịch và giải quyết những vấn đề này – những vấn đề quốc tế, những vấn đề của năng lượng nguyên tử, và, vâng, ngay cả vấn đề về chủng tộc – hãy để chúng con hợp lại với nhau trong một sự bầu bạn của tình yêu và cúi đầu trước chân của Giê-su. Cho chúng con quyết tâm mạnh mẽ này. Trong tên và tinh thần của Christ, chúng con cầu nguyện. Amen.

Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm bạn đối xử với kẻ thù ra sao không? Bạn chỉ lờ họ đi? Hãy cho mình biết comments của bạn.

Hiển

Một suy nghĩ 5 thoughts on “Yêu kẻ thù của bạn – Martin Luther King”

  1. Cảm ơn anh HIển về bài viết rất hay,
    Gọi bằng từ “kẻ thù” thì em thấy hơi nặng nề. Với cá nhân em thì đối tượng cho từ này hầu hết không phải con người, mà là tư tưởng, lối sống, tính cách xấu, tệ hại và là những “chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai…”. VD như nói “tham nhũng là kẻ thù, muỗi là kẻ thù”, còn không nói “gã ABC, cô XYZ là kẻ thù”…

    Nhưng như anh viết thì em thấy hầu hết ai cũng có người không thích mình, không muốn hợp tác với mình, hoặc nặng hơn là cố ý gây hại cho mình. Em cũng có, cũng từng gặp, không phải nhiều nhưng cũng ở những mức độ khác nhau: Có bạn không thích chỉ vì mình nhà quê ra thành phố, có bạn không thích vì mình học khá hơn, có bạn không hợp tác vì muốn gây khó dễ, có bạn cố ý gây hại vì muốn mình thất bại…Nhiều năm trước thì đúng là em thường cố gắng lờ đi, hoặc thậm chí khép mình lại, nhẫn nhịn …dù em không ghét, hay thù hận gì họ, nhưng em cũng không đấu tranh, hay có một cách hành động tích cực để “cảm hóa” tình cảm của họ; hoặc ngăn chặn những điều tương tự ở người khác…Có vẻ rất thụ động, họ không thích thì chịu, họ không chơi thì mình tránh xa họ, họ không giúp thì đành thôi, họ chơi xấu thì cố tránh được bao nhiêu thì cố…cứ lặng thầm làm việc của mình:D. Cũng may điều đó không có nhiều, không có nhiều bạn như vậy.

    Sau này thì có thời gian hoạt động các phong trào SV, nên phải phân tích như anh nói trên, là nhìn lại bản thân mình xem vì sao họ lại làm với mình như vậy, mà với người khác lại không. Hoặc có lúc lại như vậy, có lúc khác lại không. Rồi mới nhận ra hai điều, một là do bản thân tính cách của họ (personality); hai là do sự xung đột về quyền lợi (competition) . Trường hợp do tính cách thì em không can thiệp tích cực, cố tránh, có thể góp ý được một cơ hội nào đó thì làm, (nhưng đôi khi làm rồi bị ăn đập gậy vào lưng:D thì im luôn)…Vì nếu là tính cách thì không chỉ mình là “nạn nhân” mà sẽ có vài người khác, em nghĩ rồi sẽ đến lúc người đó tự nhận được bài học. Nhiều khi tặc lưỡi “mình đâu cần phải làm vừa lòng tất cả mọi người” :D. Còn trường hợp xung đột quyền lợi thì cố gắng thể hiện mình không có thái độ tranh giành, chiếm đoạt cái gì đáng thuộc về người ta; và thừa nhận, cũng như ủng hộ những điều vượt trội, xứng đáng của họ. …Cũng như trường hợp Lincoln, em nghĩ một phần của hành động này có lẽ ông không chủ quan đánh đồng personality và ability, nhất là khi dính tới lợi ích quốc gia. “Dầu anh không hợp với tôi nhưng năng lực công việc của anh vượt trội, tôi vẫn phải thừa nhận…”.
    Thực sự về sau này, em đọc nhiều hơn về Phật giáo, tư duy tích cực thì em càng thấy mình vô tư hơn với những giá trị về mặt vật chất, địa vị ; vậy nên những xung đột “cạnh tranh” giảm hẳn, không khí làm việc teamwork tránh đi được những ngột ngạt, ghanh đua và thay dần bằng vui vẻ, hay hợp tác nên dễ chịu hơn…
    Tuy vậy, thực sự thì giúp đỡ họ thì em vẫn luôn làm khi họ cần, nhưng cầu nguyện cho “kẻ thù” của mình em chưa từng làm:D:D:D,

    Thích

  2. Cảm ơn Phúc nhiều, chia sẻ của Phúc rất hay.

    Thường trong bất kỳ một tập thể nào cũng có 3 loại người. (1) Nhóm những người ba phải, không có ý kiến gì, tổ chức thế nào sẽ theo thế ấy (2) Nhóm tích cực (3) Nhóm tiêu cực mà mình làm gì cũng có thể gặp sự chống đối.

    Những người trong nhóm tiêu cực sẽ có cách nối kết lại với nhau thành một bè riêng. Lý do thì đúng là do Phúc đã nói: tính cách và quyền lợi. Ví dụ như tại sao họ được vị trí này mà tôi không được làm mặc dù tôi cũng có khả năng? Hay đơn giản người ta không thích mình do thói quen khác nhau.

    Anh nghĩ mình có thể làm được là đối xử trước tiên là công bằng với tất cả mọi người, và đối xử tốt với mọi người. Tìm cách khai thác những gì chung để có cơ hội tạo rapport với người không ưa mình, như hỏi lời khuyên, ý kiến về lĩnh vực họ giỏi hơn mình.

    Một vấn đề thực tế là khi người ta không thích mình thì cái đầu óc của họ đã đóng lại với mình rồi. Nói chuyện với họ rất khó hay đôi khi không có cơ hội nói chuyện. Bằng cách cầu nguyện cho họ, có thể God mở lòng họ ra, có thể một ngày mát trời họ đi câu cá thấy trời xanh mây trắng rất đẹp và tĩnh tâm lại, hết thù ghét mình 🙂 😀

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s