Thực và Đạo


 
Trên Đọt Chuối Non, có lần một bạn đọc đã nhắc đến thành ngữ “có thực mới vực được đạo.” Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Lương Thực Thế Giới, 16 tháng 10, 2010, do Tổ chức Lương Nông (Food and Agriculture Organization, FAO) Liên Hiệp Quốc khởi xướng, xin được mạn đàm về một sinh hoạt căn bản của con người, một đề tài rất đời thường nhưng quan trọng: chuyện ăn uống.

Theo thống kê năm 2009, trên thế giới hiện nay có trên 1 tỷ người đói. Đói là một vấn nạn của toàn cầu, và số người đói ngày càng gia tăng, khiến Tổng Giám đốc FAO, Tiến sĩ Jacques Diouf, phải tuyên bố: “Đây là một ‘thành tựu’ bi thảm của thời hiện đại.”

“Chẳng thà không biết thì thôi,” nhưng khi đã ý thức được điều này, chúng ta nên làm gì để giúp đỡ anh chị em của chúng ta?

Hiện nay một số lớn tài nguyên của Địa Cầu – đất, nước, lương thực  v.v. – được dùng để nuôi nông súc. Theo tài liệu trong quyển “Dinh Dưỡng Cho Một Hoa Kỳ Mới” (“Diet for a New America”) tái bản lần thứ hai của John Robbins:

Ở Hoa Kỳ, ngô trồng cho con người ăn: 20%

Ở Hoa Kỳ, ngô trồng cho nông súc ăn: 80 %

Ở Hoa Kỳ, lúa kiều mạch trồng cho nông súc ăn: 95%

Tỷ lệ chất đạm bị hoang phí khi cho nông súc ăn ngũ cốc: 90 %

Trọng lượng thịt bò sản xuất khi nuôi bò trên 1 mẫu đất: 250 cân Anh (hơn 113 kilograms)

Trọng lượng khoai tây có thể trồng trên 1 mẫu đất: 40.000cân Anh (hơn 18,143 kilograms)

Để có 1 cân Anh (0,45 kilogram) thịt bò, trọng lượng ngũ cốc và đậu nành cần thiết: 16 cân Anh (hơn 7 kilograms)

Một em bé chết vì suy dinh dưỡng: mỗi 2,3 giây



Ký giả và tác giả người Anh George Monbio cho biết: “Lương thực thì có nhiều, nhưng không đến bao tử con người mà thôi.” Ông nhấn mạnh rằng năm 2008, theo lời Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, trong số 2,14 tỷ tấn thực phẩm dùng để ăn, chỉ có 1,01 tỷ là được dùng cho con người. Ký giả Monbio kết luận: “Nếu quý vị quan tâm về nạn đói, hãy bớt ăn thịt.”

Trong đời sống hàng ngày, ăn thịt động vật là một thói quen chứ không phải là điều tối quan trọng cho sự sinh tồn của cá nhân. Không ai không ăn thịt mà chết bao giờ. Bằng chứng là các tu sĩ Phật giáo và tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm. Khi mọi người cùng giảm việc ăn thịt, chuyển sang lối ăn bằng thực vật, chúng ta có thể dùng ngũ cốc, bắp ngô, kiều mạch v.v. cho các anh chị em đang đói. Chủ đề của Ngày Lương Thực Thế Giới năm 2010 là “Đoàn kết chống đói.” Theo tư duy tích cực (TDTC), ta có thể nói: “Đoàn kết cho mọi người được ấm no.”

Trở lại câu “Có thực mới vực được đạo.” Vực là nâng đỡ, như bênh vực, phò vua vực nước. Tất nhiên, cần phải có sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ, đầu óc ta mới có thể sáng suốt và phát huy tâm linh được. Nhưng cũng không có nghĩa là cả đời chỉ chú trọng vào miếng cơm, manh áo, như thế cũng rất uổng phí thời gian và cơ hội được hiện hữu trên hành tinh xinh đẹp này, vì khi từ giã trần gian cũng chẳng được mang theo thức ăn “food to go.”

Nhìn từ góc cạnh khác – lấy đạo làm gốc– khi tâm linh, lòng thương khai mở, mọi người biết nhường nhịn nhau, xem sự an vui của người khác như sự an vui của chính mình, xem sự ấm no, hạnh phúc của người khác cũng như của chính mình, thì tự động ta biết san sẻ, biết hy sinh nếu cần, rồi đời sống vật chất của mọi người cũng tự nhiên được quân bình. Và nạn đói sẽ giản dị dễ dàng thành dĩ vãng!

Trọng lượng, tỷ lệ, con số và thống kê còn có thể tranh luận, một sợi tóc có thể chẻ làm tư, nhưng con đường của con tim, của tình thương thì không có gì để cãi bàn.

Chúc tất cả các bạn vừa được thực, vừa được đạo, và nếu có thể, xin nhớ đến trên 1 tỷ anh chị em còn đang đói rét, rồi từ đó hành động theo tư duy tích cực của mình.

Thân thương,

Thiên Ân

8 thoughts on “Thực và Đạo”

  1. Cám ơn Thiên Ân. Người Việt mình ăn uống có vẻ balanced hơn dân Mỹ. Không ăn thịt nhiều như Mỹ, và ăn rau đậu nhiều hơn. Kinh tế phát triển người ta có khuynh hướng ăn thịt nhiều hơn, có lẽ vì lượng protein lớn trong thịt, hay vì vị, hay vì cả hai? Nước nào cũng vậy. Hy vọng dân Việt sẽ không bỏ đi khoản nấu ăn balanced có hạng trên thế giới của ta khi kinh tế ta ngày càng phát triển.

    Interesting là truyền thống xưa củ của Thiên chúa giáo cũng chú trọng đến việc ăn uống chừng mực, như truyền thống Phật giáo Tội ham ăn uống là một trong 7 trọng tội (seven cardinal sins) trong lịch sử giáo hội Thiên chúa giáo. Nhưng chẳng ai còn nói đến việc này, và hầu như nó chết hẳn trong văn minh Tây phương, và văn hóa Mỹ ngày nay đẩy việc ăn uống lên hàng đầu với đủ mọi thứ junk foods và fast foods tiếp thị đầy dẫy, tạo ra đủ thứ bệnh cho dân Mỹ.

    Like

  2. Cám ơn anh Hoành. Hôm nay Thiên Ân được học hỏi thêm về việc “ham ăn uống” là một trong bảy trọng tội theo truyền thống Thiên Chúa giáo. Điều này nghĩ lại cũng rất hợp lý, vì giáo lý chính thống của đạo Thiên Chúa cao cả vô ngần, điều chi có sự tham lam và vật chất quá có lẽ không thích hợp với phong độ của những người con yêu quý phái do Thượng Đế tạo ra.

    Anh Hoành nói đúng, theo nghiên cứu cho thấy thì các nước càng giàu, càng ăn thịt nhiều. Ngày xưa Trung Quốc không có điều kiện tài chính, không ăn thit nhiều, tỷ lệ ung thư thấp. Bây giờ kinh tế khá hơn, ăn thịt nhiều hơn, thì tỷ lệ ung thư cũng cao hơn.

    Thiên Ân nghĩ sự liên hệ giữa sự giàu có và việc ăn thịt là do con người – phần nhiều là trong vô thức – chạy theo “status symbol,” một dấu hiệu để chứng minh ta là người có tiền. Thịt bò đắt hơn ngũ cốc là phải, vì muốn có 1 cân thịt bò phải đổi lấy 16 cân ngũ cốc và đậu nành, đó là chưa kể những tài nguyên khác như đất, nước, nhân lực. Tốn kém nhiều thì phải chi tiền nhiều. Chi tiền nhiều thì đối với thế giới này mới được gọi là sang. Nhưng đó là với thế giới này, còn Nước Trời thì có lẽ không dùng tiêu chuẩn đó 🙂

    Về chất đạm thì một số đậu có nhiều protein hơn thịt, và vị thì khi nấu ăn, điều chính yếu là gia vị và texture mà thôi, nên Thiên Ân bảo đảm bánh hỏi “thịt heo” quay chay cũng ngon và mì “vịt” tiềm chay cũng hết xẩy (không biết xẩy hay sẩy đây, nhưng dù sao bớt cholesterol cũng đỡ … chết sớm) 🙂 Các trang hướng dẫn nấu ăn chay cũng nhiều, chẳng hạn: AnChayThoiDaiMoi.blogspot.com, NauAnChay.blogspot.com, AmThucChay.blogspot.com.

    Ngoài ra cho những anh chị nào có huyết áp cao, một nghiên cứu từ đại học Imperial College London với 4.700 người từ Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật và Trung Hoa tham gia, cho thấy chất đạm từ thực vật giúp giảm huyết áp, so với chất đạm động vật. Người càng giàu, càng có địa vị, càng phải miệt mài với đời, càng dễ căng thẳng, càng dễ cao huyết áp, càng nên theo chế độ dinh dưỡng bằng thực vật thay vì động vật.

    Thiên Ân mong có dịp anh Hoành sẽ có cảm hứng viết thêm về các giới luật tình thương của Thiên Chúa giáo mà có lẽ ngày nay ít người trong chúng ta được nghe nhắc đến và khuyến khích thực hành. Tình thương chân chính luôn trong sáng và tích cực, Thiên Ân nghĩ thế.

    Like

  3. Bài này nhắm thẳng vào cái gốc để giải quyết vấn đề. Thông thường mình nghĩ rằng để cứu đói, ta cần đem cho người thức ăn. Nhưng thật không ngờ! Muốn bớt nạn đói trên thế giới, ta chỉ cần ăn chay!

    Cám ơn Thiên Ân cho bài viết rất hay.

    Like

  4. Cám ơn Diệu Sương: “Muốn bớt nạn đói trên thế giới, ta chỉ cần ăn chay! ”

    Như ký giả người Anh George Monbio đã viết: “Nếu quý vị quan tâm về nạn đói, hãy bớt ăn thịt.” Nhưng yếu tố chính là chúng ta có quan tâm hay không? Nếu trái tim của chúng ta không hề rung động trước cái đói đang diễn ra hàng ngày của 1 tỷ người lớn và trẻ em, thì cũng khó mà biến thành hành động.

    Khi thật sự quan tâm, thì rất dễ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề chung. Một người mẹ, người cha, người anh, người chị, khi thương con, em mình, sẽ tìm mọi cách không để cho họ đau khổ, dù ngay chính mình phải hy sinh.

    Bớt ăn thịt để giảm nạn đói trên thế giới, nếu gọi là hy sinh, thì chỉ là một hy sinh nhỏ, cao thượng, và khai ngộ.

    Thiên Ân chúc cả nhà luôn tư duy tích cực và hành động quan tâm. “Yes we can!”

    Like

  5. Bài này hay quá chị Thiên Ân! Những comment của chị, anh Hoành và chị Diệu Sương cũng rất hay!

    Qua những số liệu cụ thể và phân tích của chị, em đã hiểu lời của ký giả Monbio: “Nếu quý vị quan tâm về nạn đói, hãy bớt ăn thịt.”

    Em mong được đọc những chia sẻ tiếp theo của chị.

    Chúc chị luôn vui khoẻ.

    Em Hương,

    Like

  6. Cảm ơn Thu Hương đã dẫn mình đến bài viết của Thiên Ân!

    Mình sẽ thực hành bớt ăn thịt. Mình không phải là bếp trưởng, nên sẽ vận động bà xã, và chắc chắn là được.

    Cảm ơn Thiên Ân!

    Like

Leave a comment