Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Ni sư Đức Hạnh

Sư bà ở Thanh Lương họ Phạm, một gia tộc ở đất Giao Chỉ. Bà xuất gia tu hành ở đất Thanh Lương, giả trang để tu khổ hạnh, tu hành tinh tấn cần mẫn, thông suốt đạo mầu. Bà thường hay thiền định, có đạo cốt trông giống như các vị La Hán, nên có nhiều thiện nam tín nữ xa gần đều ngưỡng mộ, tôn bà lên bậc tôn sư ngang hàng với các vị cao tăng đức hạnh. Năm Hồng Vũ (1), vào đời vua Trần Nghệ Tông bà được sắc phong làm Huệ Thông Đại Sư, sống ở núi Vọng Đông.

Một ngày kia, bà bỗng nhiên nói với đệ tử rằng: “Ta muốn lấy thân xác ta cho cọp, beo”. Rồi một buổi chiều, bà lên núi ngồi thiền trên một tảng đá, tuyệt thực nhiều ngày. Cọp beo ngày ngày vây quanh, nhưng đều không dám động đến bà. Sau đó, các đệ tử khẩn cầu bà trở về am tu, thuyết pháp cho mọi người nghe. Xong, bà viên tịch, hưởng thọ được hơn 80 tuổi. Sau lễ Trà tì, có nhiều Xá lợi để lại, được quan sở tại dựng chùa cất giữ, thờ phụng.

Bà thường hay dặn dò đệ tử rằng: “Sau khi ta mất, hãy mài xương cốt ta làm thuốc để cứu người bệnh tật”. Sau khi mất, đệ tử không nhẫn tâm làm theo lời dặn, mà đem xương cốt bà cất giữ cẩn thận. Qua đêm, bỗng nhiên thấy xương cốt của bà ở ngoài vườn, mọi người đếu lấy làm kinh dị. Sau có người bị bệnh tật, các đệ tử đem xương bà ra mài, cho uống với nước thì bệnh lành ngay.

Lời thề của bà uy lực thâm sâu, cho đến nay cũng vậy.

Chú Thích:

1) Hồng Vũ: Là niên hiệu của Minh Thái Tổ, làm vua từ năm 1368. Vào những năm này, Trần Nghệ Tôn lên làm vua ở nước ta từ năm 1370 đến năm 1372.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

• Truyện này có vẻ như là một truyện đấu tranh cho phụ nữ trong Phật giáo nguyên thủy (còn gọi là Phật giáo tiểu thừa, Theravada). Phật giáo Đại thừa (Mahayana) thì luôn luôn chấp nhận nữ tu. Nhưng, cho đến ngày nay Phật giáo nguyên thủy vẫn chưa chấp nhận phụ nữ đi tu như đàn ông. Hằng tăng sĩ Phật giáo nguyên thủy thuần túy là nam.

Trong truyện nói ni sư Đức Hạnh phải giả trang để tu khổ hạnh. “Khổ hạnh” là ám chỉ Phật giáo nguyên thủy, vì so với Đại thừa nơi có Phật Di Lặc bụng bự cười hể hả, thì Phật giáo nguyên thủy, chú trọng đến khất thực (đi xin ăn), là lối tu rất khổ hạnh. Và giả trang thì đương nhiên là giả trai, vì chẳng còn phải giả gì khác để đi tu.

• Ni sư muốn hy sinh thân xác cho cọp beo, tức là Tâm bồ tát của ni sư không thua gì nam giới, và sự can đảm cũng chẳng thua gì nam giới. Và ni sư cũng rất uy lực sau khi chết.

• Vua sắc phong ni sư là Huệ Thông Đại Sư, tức là cũng là “thầy” (sư) như các sư nam, và ni sư trí tuệ thông suốt (Huệ Thông) cũng như quí vị đàn ông, không thể nói đàn bà là dốt như xưa kia người ta vẫn có thành kiến như vậy.

• Tóm lại, chẳng có lý do gì mà không cho phụ nữ đi tu và trở thành thầy của hàng giáo chúng.

(Trần Đình Hoành bình)

3 thoughts on “Lĩnh Nam Chích Quái – Truyện Ni sư Đức Hạnh”

  1. Mô phật cho con hỏi, làm sao tìm và xác định niên đại vị Ni sư này ak

    Like

  2. Chào Quảng Bảo,

    Trong bài có viết: Năm Hồng Vũ (1), vào đời vua Trần Nghệ Tông bà được sắc phong làm Huệ Thông Đại Sư, sống ở núi Vọng Đông.

    Và học giả Nguyễn Hữu Vinh (người dịch bài) có ghi chú:

    1) Hồng Vũ: Là niên hiệu của Minh Thành Tổ [nhà Minh, Trung Hoa], làm vua từ năm 1368. Vào những năm này, Trần Nghệ Tôn lên làm vua ở nước ta từ năm 1370 đến năm 1372.

    Trần Nghệ Tôn làm vua chỉ 3 năm, từ 1370 dến 1372, vậy thì ni sư Đức Hạnh được sắc phong làm Huệ Thông Đại Sư trong khoảng 3 năm này.

    Like

  3. Chào Quảng Bảo,

    DIch giả Nguyễn Hữu Vinh xác nhận Hồng Vũ là niên hiệu của Minh Thái Tổ, không phải Minh Thành Tổ như ghi nhầm trong bài.

    Lỗi này do một bạn có nick Thánh Hiền chỉ ra, nhưng vì nick có tinh thần ngạo mạn, mình không cho đăng vì không muốn các bạn khác học theo, để ta có các nick Thánh Hiền, Thánh Nhân, Bồ tát… trên ĐCN. Nhưng cũng cảm ơn nick Thánh Hiền đã chỉ ra chỗ nhầm.

    Chúc Quảng Bảo vui khỏe.

    Like

Leave a comment