Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Phù Lá

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo Dân ca Ơ Đu, mình giới thiệu đến các bạn Dân ca Phù Lá (Phu Khla/Fu Khla) hôm nay.

Dân tộc Phù Lá (Phu Khla/Fu Khla) còn có tên gọi khác là Phù Lá Hán, Phu Kha, Phu La, Xá Phó, Bồ Khô Pạ, Mú Dí Pạ, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang, là một dân tộc thiểu số cư trú tại Việt Nam và Trung Hoa. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến, sử dụng chữ Hán và xem tiếng Hán phương Nam như công cụ giao tiếp hàng ngày.

Nhóm Phù Lá Lão – Bồ Khô Pạ là cư dân có mặt tương đối sớm ở Tây Bắc nước ta. Các nhóm khác đến muộn hơn, khoảng 200-300 năm trở lại, quá trình hội nhập của nhóm Phù Lá Hán còn tiếp diễn cho tới những năm 40 của thế kỷ XX.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Phù Lá ở Việt Nam có dân số 10.944 người, có mặt tại 23 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Phù Lá cư trú tập trung tại các tỉnh: Lào Cai (8.926 người, chiếm 81,6% tổng số người Phù Lá tại Việt Nam), Yên Bái (942 người), Hà Giang (785 người), Điện Biên (206 người), Hà Nội (28 người)…

Tộc Phù Lá là một nhóm có liên hệ với tộc Lô Lô và tộc Di (Yi). Có khoảng 4.200 người Phù Lá sống tại Trung Hoa, nhưng tại đây họ được phân loại là thành viên của nhóm sắc tộc Di (Yi)

Tộc Di (Yi) ở Yunnan, Sichuan, Guizhou - Trung Hoa.
Tộc Di (Yi) ở Yunnan, Sichuan, Guizhou – Trung Hoa.

Người Di (Yi) theo cách gọi ở Trung Hoa (tiếng Trung: 彝族, bính âm: Yìzú, âm Hán Việt: Di tộc), Mùn Di, Màn Di, La La, Qua La, Ô Man, Lu Lộc Màn. Có hai nhóm: Di trắng (bình dân) và Di đen (quý tộc).

Ở Trung Hoa, với số dân 7.762.286 người, người Di (tên tự gọi theo phiên tự: Nuosu) là dân tộc đông thứ 7 trong số 56 dân tộc được công nhận chính thức của Trung Hoa. Họ sống chủ yếu ở các vùng nông thôn, vùng núi thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.

Truyền thuyết nói rằng người Di bắt nguốn từ tộc người Khương cổ (古羌) ở miền Tây Trung Hoa. Người Khương cổ được coi là thủy tổ của các dân tộc Tạng, Nạp Tây và Khương (羌 Qiang) ở Trung Hoa ngày nay. Người Di đã di cư từ vùng đông nam Tây Tạng qua Tứ Xuyên xuống Vân Nam, là nơi ngày nay họ tập trung đông nhất.

Châu tự trị dân tộc Di, Lương Sơn (凉山彝族自治州) là một châu tự trị tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa.

Vị trí của châu Lương Sơn trong tỉnh Tứ Xuyên.
Vị trí của châu Lương Sơn trong tỉnh Tứ Xuyên.

Dân tộc Phù Lá sống thành bản riêng, xen kẽ trong vùng có nhiều dân tộc như Mông, Dao, Tày. Mỗi bản thường có từ 10 đến 5 nóc nhà. Các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có vai trò rất lớn trong iệc điều hành các công việc ở làng bản.

Người Phù Lá có cả nhà sàn và nhà đất. Người Phù Lá ở Bắc Hà, Mường Khương, Sin Ma Cai ở nhà đất. Phu Lá Hoa, Phù Lá Bô Khố Pạ ở nhà sàn.

Đời sống kinh tế của dân tộc Phù Lá dựa vào việc làm nương và ruộng bậc thang. Chăn nuôi gồm có trâu để kéo cày, ngựa để thồ, gà, lợn để lấy thịt. Nghề thủ công nổi tiếng của người Phù Lá là đan mây, tre làm gùi và các dụng cụ để chứa đựng… với nhiều hoa văn đẹp. Những sản phẩm này, họ còn mang bán hoặc đổi hàng, được nhiều dân tộc khác ưa dùng.

Lạc Sơn Đại Phật - Tứ Xuyên.
Lạc Sơn Đại Phật – Tứ Xuyên.

Tộc Phù Lá ăn mừng Tết Nguyên Đán, các Tết tháng năm, tháng bảy, và cơm mới.

Thanh niên nam nữ tộc Phù Lá không bị ép buộc trong hôn nhân. Khi yêu nhau, trai gái nói cho bố mẹ biết, hai gia đình sẽ tổ chức bữa cơm thân mật. Từ đó đôi trai gái coi như đã đính hôn. Đám cưới có thể tổ chức sau một, hai năm. Theo tập quán Phù Lá, cô dâu về ở nhà chồng.

Trang phục truyền thống của tộc Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó lẫn lộn với bất cứ tộc người nào trong hệ ngôn ngữ và khu vực vừa mang nét đẹp cổ truyền và cũng khá “hiện đại”. Thường nhật, nam giới mặc áo loại xẻ ngực (Bảo thắng, Lào Cai). Áo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, không cài cúc nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ.

Phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu thường khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc hai áo như một số dân tộc (Tày, Dao đỏ…). Họ thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí (2 phần gần như chia đôi giữa thân, vai, và ống tay cũng như gấu áo). Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu khó làm cho áo phụ nữ Phù Lá lẫn lộn với các tộc người khác. Vay màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng vàng (giống áo) với diện tích 2/3 trên nền chàm. Đầu vấn khăn, hoặc đội mũ thêu ghép hoa văn theo lối chữ nhất (-). Chị em còn có loại áo dài 5 thân cài nách phải, hoặc loại tứ thân cổ cao, tròn cài cúc vải.

Sáo trúc Nuosu.
Sáo trúc Nuosu.

Kho tàng văn học dân gian của tộc Phù Lá khá phong phú, nhiều truyện cổ tích rất gần với người Việt, phản ánh tâm tư, tình cảm của người lao động, ca ngợi tình yêu chung thủy, tài năng trí tuệ của tộc người.

Người Phù Lá sử dụng kèn, trống trong các dịp lễ hội. Nhạc cụ tiêu biểu là trống được bưng bằng gia thú, gồm: trống đại, trung, tiểu thường dùng trong lễ hội và việc liên lạc bằng âm thanh của mỗi gia đình. Các loại nhạc cụ khá phổ biến là bộ hơi gồm: Khèn bầu (ma nhí) và các loại tiêu, sáo… Đặc biệt là Sáo Cúc Kẹ.

Sáo Cúc Kẹ.
Sáo Cúc Kẹ.

Hát kể là thể loại độc đáo trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc Phù Lá và được truyền từ đời này sang đời khác. Theo quan niệm của họ, chu kỳ đời người gồm bốn giai đoạn: sinh ra, trưởng thành, xây dựng gia đình và già yếu rồi chết. Mỗi mốc thời gian bắt đầu một chu kỳ đều gắn với nhiều lễ hội đặc trưng mang ý nghĩa khác nhau và không thể thiếu hát kể – hình thức truyền tải câu nói mang giai điệu với giá trị nhân văn sâu sắc.

Trai gái thích hát giao duyên, nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xoè trong âm hưởng của các làn điệu dân ca Thái. Trong các trò chơi dân gian, trẻ em Phù Lá thích chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù… Trong các dịp hội hè, lễ tết… ngay cả người lớn cũng tham gia vào các trò chơi vui nhộn với phong thái rất hồn nhiên.

Dưới đây mình có các bài:

– Múa dân gian dân tộc Xá Phó ở Lào Cai
– Người thổi sáo bằng mũi duy nhất Việt Nam
– Múa dân gian dân tộc Xá Phó ở Lào Cai
– Giọng rau biển của dân tộc Di (Yi)
– Bộ ảnh tộc Yi trình diễn ở Lễ hội Torch Festival
– Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Phù Lá ở Lào Cai
– Phong tục Ngày Tết của dân tộc Phù Lá ở Lào Cai
– Độc đáo Lễ ăn cơm mới “Giày xí mà” của người Phù Lá
– Hội hoa chuối của người Phù Lá, Lào Cai
– Lễ trao tơ hồng của người Phù Lá ở Bắc Hà, Lào Cai
– Lễ lên nhà mới của người Phù Lá, Yên Bái
– Nhà của người Phù Lá, Yên Bái
– Trang phục dân tộc Phù Lá

Cùng với 14 clips tổng thể văn hóa của tộc Phù Lá, tộc Di (Yi-Nuosu), để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

Bà Thanh thường ra bờ suối Nhầy gần nhà để thổi sáo.
Bà Đặng Thị Thanh thường ra bờ suối Nhầy gần nhà để thổi sáo.

Người thổi sáo bằng mũi duy nhất Việt Nam

(Đinh Liên)

Trong những đêm khuya thanh vắng, điệu “khùi xì mờ” (hay còn gọi là “mời trăng”) lại réo rắt vang lên bên bờ suối Nhầy (Châu Quế Thượng, Văn Yên, Yên Bái).

Bài hát của dân tộc Xá Phó (người Phù Lá) hòa với âm điệu độc đáo của cây sáo Cúc Kẹ cứ trong veo như nước suối, mát lành như cơn gió đại ngàn…

Bà Đặng Thị Thanh (ở Châu Quế Thượng) tự hào là người cuối cùng của dân tộc Xá Phó biết thổi loại sáo mũi này. Hơn 30 mùa nương đã qua, cũng chừng ấy năm tháng bà Thanh gắn bó với cây sáo thiêng của dân tộc. Tiếng sáo giờ đây đã bay xa, không chỉ đem lại niềm vui cho hơn 30 nóc nhà sàn ở Châu Quế Thượng, mà lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Xá Phó-dân tộc duy nhất có loại sáo mũi độc đáo này.

Nghệ nhân Đặng Thị Thanh dạy các cô gái thổi sáo.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh dạy các cô gái thổi sáo.

Báu vật của người Xá Phó

Rong ruổi mãi trên những cung đường khó, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản làng của những người Xá Phó nằm chênh vênh bên sườn núi. Mới đến đầu bản, âm điệu réo rắt của tiếng sáo đã nghe như mời gọi. Bà Đặng Thị Thanh đang dạy cho những cô học trò trong bản cách thổi loại sáo mũi độc đáo của dân tộc. Mời khách chén nước lá nghi ngút khói, bà nhìn ra con suối Nhầy trước nhà, ánh mắt xa xăm: “Lửa cháy rồi sẽ tắt, nhưng nhất định không thể để tiếng sáo Cúc Kẹ mai một đi. Không còn sáo, người Xá Phó cũng mất đi một mảnh hồn, một báu vật thiêng liêng”.

Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng: Vào một đêm giông tố cách nay hàng thế kỉ, cụ tổ của cây sáo Cúc Kẹ vào rừng kiếm cái rau, săn con thú. Bỗng dưng, sấm nổ rền vang, mưa lớn trút xuống ào ào như thác lũ, bầu trời đang sáng trăng bỗng vần vũ mây đen. Sợ quá, cụ tổ liền trú chân dưới một khóm nứa. Bỗng từ đâu phát ra một âm thanh rất lạ. Ngước nhìn lên rặng nứa trước mặt, cụ tổ thấy âm thanh đó phát ra từ lỗ thủng duy nhất trên thân một cây nứa. Cùng lúc đó, giông tố cũng biến mất, mưa không còn nặng hạt, mây đen cũng tan dần nhường chỗ cho đêm trăng sáng. Thấy sự lạ, cụ tổ liền chặt đoạn nứa mang về, dạy cho dân bản biết thổi sáo. Cụ tổ nói với lũ làng: “Cây sáo này Thần Nứa ban cho dân làng, mang nó sẽ tránh được mọi điềm xấu, mọi rủi ro”.

Phụ nữ Xa Phó trong trang phục truyền thống và những nhạc cụ truyền thống như kèn Ma Nhí, sáo mũi. (ảnh Hồng Vân)
Phụ nữ Xa Phó trong trang phục truyền thống và những nhạc cụ truyền thống như kèn Ma Nhí, sáo mũi. (ảnh Hồng Vân)

Cũng từ đó, đời nọ truyền đời kia, cây sáo Cúc Kẹ gắn bó với người Xá Phó như một báu vật linh thiêng. Trong những mùa nương, những ngày lễ… đều không thể thiếu được tiếng sáo vi vu. Do loại nhạc cụ này được thổi bằng mũi, lại có yêu cầu cao, phức tạp về cách thổi nên rất ít người của dân tộc Xá Phó biết thổi, thổi thành thạo lại càng hiếm. Thông thường, mỗi đời hoặc khuyết một đời mới có một người biết thổi. Dân làng cho rằng, những người thổi được loại sáo này đã được Thần Nứa tuyển chọn, ngài ưng cái bụng nên mới cho năng khiếu thổi hay, thổi giỏi.

Đưa tay lấy cây sáo vẫn đặt nghiêm trang trên bàn thờ tổ tiên, bà Thanh giới thiệu: “Mỗi cây sáo có độ dài chừng 60cm, được chọn từ đoạn kẹ cây nứa. Cây nứa thẳng, chắc, một đầu kín, một đầu thủng và hoàn toàn không có một lỗ chỉnh âm nào. Khi thổi đưa đầu sáo lên mũi, hơi mũi của người thổi sẽ quy định nên âm điệu của tiếng sáo. Người thổi sáo cũng phải kiêng 3 tháng: 10, 11, 12. Đó là những tháng mùa đông giá rét. Vì theo truyền thuyết, trong 3 tháng đó Thần Nứa không cho phép, nếu làm sáo hoặc thổi sáo sẽ gặp nhiều ốm đau, bệnh tật. Cũng vì lẽ đó mà 3 tháng dài mùa đông, tiếng sáo tắt lịm trên nương”.

Cây sáo mũi đã gắn bó với người Xá Phó hàng thế kỉ, trở thành báu vật linh thiêng của dân tộc. Biết bao mùa nương đã qua, bao đêm trăng đã sáng, điệu sáo mũi lại réo rắt vang lên thấm vào đồi núi, vào nếp sống, nếp nghĩ của tộc người ít ỏi sinh sống trên mảnh đất này.

Nghệ nhân Đặng Thị Thanh truyền dạy sáo mũi Cúc Kẹ.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh truyền dạy sáo mũi Cúc Kẹ.

Người giữ báu vật cuối cùng

Cho đến nay, trên cả nước, những nghệ nhân dân gian như bà Thanh có thể thổi điệu nghệ sáo Cúc Kẹ rất hiếm hoi. Dẫn chúng tôi thăm nhà, bà Thanh cười lớn: “Hơn 30 năm gắn bó với sáo, con người mình cũng mang một phần hồn của sáo, cây sáo cũng mang một phần hồn người. Báu vật này đã cùng tôi đi khắp mọi miền đất nước, sang cả những đất nước xa xôi”.

Hàng chục giải thưởng, bằng khen được treo trang trọng trên bức tường đất đã thủng lỗ chỗ vì thời gian. Căn nhà mái lá xiêu vẹo bên bờ suối như được thổi thêm sinh khí. Bà Thanh hồi tưởng kí ức, đôi mắt long lanh những niềm vui: “Ngày ấy, trong một đêm đi trông nương, ngủ lại trên rừng, tôi bỗng nghe thấy âm thanh vi vu, da diết vang lên trong đêm khuya tĩnh lặng. Tiếng sáo ấy như có ma lực, cứ kéo tôi đi. Tôi bước qua những con đường mòn trong đêm tối, tay phát cây rừng mà đi, đến một căn chòi nhỏ thấy cụ Bơ Thị Bà đang ngồi thổi sáo. Thấy tò mò, tôi xin cụ dạy thổi sáo”.

Được sự đồng ý của cụ Bà, ngày nào cô gái trẻ Đặng Thị Thanh cũng ngồi trên nương, quên công việc đồng áng, say mê cây sáo. Cô học thổi hết những bài hát của dân tộc mình, học thêm cả cách thổi kèn ma nhí.

Nghệ nhân Đặng Thị Thanh và sáo mũi Cúc Kẹ.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh và sáo mũi Cúc Kẹ.

Đến năm 16 tuổi, lần đầu tiên cô gái trẻ xa nhà lên khu gang thép Thái Nguyên biểu diễn một làn điệu của dân tộc mình. Cũng từ đó, tiếng sáo bay xa, cây sáo Cúc Kẹ đã giúp bà Thanh giành được giải A trong liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam, đi biểu diễn tại Pháp, Liên Xô (cũ) và được công nhận là nghệ nhân dân gian. Bà nói: “Giải thưởng với tôi đã quý, vì cố gắng, nỗ lực của bản thân đã được công nhận. Nhưng quý hơn tất cả, đấy là việc tiếng sáo đã đi xa, không chỉ có dân tộc Xá Phó biết đến, mà những người Tày, Dao, Mông cũng biết đến… Cả nước đã biết đến vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc mình. Đấy là giải thưởng to lớn nhất mà tôi hằng mong đợi hơn 30 năm qua”.

Giờ đây, cô gái trẻ say mê điệu sáo Cúc Kẹ đã có tuổi, mái đầu đã bạc, tâm tư đau đáu một nỗi niềm: “Người mất đi thì sáo cũng mất. Làm sao để truyền dạy cho thế hệ sau được biết, để tiếng sáo vẫn đêm đêm vang lên trên đỉnh Châu Quế Thượng này”. Nghĩ là làm, bà Thanh đang hướng dẫn 3 người học trò thổi sáo. Bà lấy đó làm niềm vui của tuổi già. “Được nhìn lũ trẻ say mê những điệu nhạc, tuy thổi âm điệu chưa thật hay, cái tay cầm sáo vẫn còn ngượng, nhưng tôi thấy mình như sống lại một thời tuổi trẻ. Nghĩ đến tương lai không xa, tiếng sáo còn được nhiều người biết đến, nhiều người biết thổi là vui lắm rồi”.

Giờ đây, bà Thanh vẫn đêm đêm thổi sáo. Dù bà bận bịu với công việc gia đình, những mối lo toan vụn vặt của đời sống hàng ngày nhưng chưa đêm nào, bản làng Xá Phó mất đi tiếng sáo. Những đêm sáng trăng, tiếng suối Nhầy vẫn chảy róc rách, hòa cùng tiếng sáo Cúc Kẹ như một âm điệu đầy say mê, lôi cuốn “đêm khuya trăng tàn, tiếng gió vi vu đã lặng im, chỉ còn tiếng sáo cất lên như mạch suối rừng. Những con chim, và thú rừng hãy lặng im..”. Điệu “khùi xì mờ” của người Xá Phó lại vang lên…

Múa dân gian - dân tộc Phù Lá.
Múa dân gian – dân tộc Phù Lá.

Múa dân gian dân tộc Xá Phó ở Lào Cai

Người Xá Phó ở Lào Cai có dân số khoảng trên 1.000 người, sống thành từng làng bản giữa lưng chừng núi cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai… Nguồn thu nhập chính của người Xá Phó từ canh tác ruộng nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cũng như các dân tộc anh em khác, dân tộc Xá Phó có nghệ thuật múa dân gian truyền thống rất độc đáo, không bị ảnh hưởng pha tạp của các dân tộc khác. Các điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua phương pháp truyền dạy (mẹ truyền dạy cho con, bà truyền dạy cho cháu). Mỗi thế hệ tiếp nhận đều trân trọng giữ gìn nghiêm túc phong cách thể hiện độc đáo.

Múa Xá Phó là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng cao, có nhiều màu sắc riêng biệt. Các điệu múa dân gian như múa khăn, múa xe chỉ, múa hái, múa lượn… đều được múa theo hình thức tập thể từng tốp, từng nhóm từ 5 – 10 người, đội hình múa theo hình vòng cung hoặc hàng ngang. Trong các động tác múa, tay trái sử dụng quả nhạc, tay phải cầm khăn (màu xanh, đỏ hoặc trắng) múa theo nhịp 2/4.

pl_Nuosu kèn ống tre

Âm nhạc đệm cho múa là kèn Ma nhí (loại nhạc cụ riêng của người Xá Phó) và những quả nhạc (từ 5 – 8 quả nhỏ thành chùm) phát ra tiếng vang rộn ràng. Các cô gái vừa múa, vừa đánh nhạc theo nhịp chẵn (trường canh). Trước khi múa, mỗi người đều gõ 8 nhịp trường canh, nhấn mạnh vào nhịp 3 và 4 của mỗi khuôn múa. Dân tộc Xá Phó có khuôn múa cho nam riêng, nữ riêng, ít thấy điệu nam, nữ múa chung.

Trước khi biểu diễn, các cô gái thường mặc trang phục truyền thống, váy, áo bằng vải chàm tự dệt, tự may, thêu thùa, trang trí hoa văn rất công phu và đẹp mắt.

Múa Xá Phó gần như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong dịp lễ tết, hội hè, múa dân tộc Xá Phó là tiết mục hấp dẫn, sống động cùng với những trò chơi truyền thống các dân tộc như: ném còn, đánh én, đu quay…

pl_Di1

Giọng rau biển của dân tộc Di (Yi)

Giọng rau biển của dân tộc Di là loại hình dân ca độc đáo của dân tộc Di tỉnh Vân Nam, còn gọi là giọng Thạch Bình, chủ yếu lưu truyền tại những bản làng của người Ni-su dân tộc Di huyện Thạch Bình Châu Tự trị dân tộc Ha-ni, dân tộc Di, Hồng Hà, tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

pl_Di2

Giọng rau biển có lịch sử lâu đời, chịu sự ảnh hưởng của văn hóa dân tộc Hán thời kỳ nhà Minh, nhà Thanh trong quá trình hình thành và phát triển. Trong địa phương chí đời nhà Thanh, có rất nhiều ghi chép và thơ văn về giọng rau biển. Một điệu hát giọng rau biển hoàn chỉnh kết cấu phức tạp, khuôn khổ hoành tráng, là một tổ khúc thanh nhạc cỡ lớn gồm nhiều đoạn nhạc, tập hợp đơn ca, hát đôi, lĩnh xướng, hát đều, hợp xướng…

pl_Di3

Danh mục tiêu biểu của giọng rau biển có “Anh hát tiểu khúc em học theo”, “Rau ô-liu Thạch Bình”… Là hình thức nghệ thuật truyền thống ra đời trong môi trường đặc biệt, giọng rau biển có tính thích ứng cao và tính quần chúng rộng rãi trong văn hóa sinh thái, xã hội, có giá trị quan trọng trong công tác nghiên cứu các đề tài lịch sử phát triển, lịch sử văn hóa, giá trị quan đạo đức, cách tư duy nghệ thuật của dân tộc Di cũng như sự giao thoa văn hóa dân tộc Di và dân tộc Hán…

pl_Di4

pl_Di6

Việc khai thác, cứu vãn và nghiên cứu một cách hệ thống đối với dân ca độc đáo của dân tộc thiểu số lấy giọng rau biển làm đại diện có ý nghĩa tích cực đối với việc phong phú và hoàn thiện công tác nghiên cứu hệ thống âm nhạc truyền thống và lịch sử âm nhạc Trung Quốc.

Bộ ảnh tộc Yi/Phù Lá trình diễn ở Lễ hội Torch Festival

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-1

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-10

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-11

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-12

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-13

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-14

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-15

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-16

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-17

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-2

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-3

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-4

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-6

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-7

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-8

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-9

pl_Bộ ảnh tộc Yi trình diễn văn hóa dân nhạc truyền thống Lễ hội Torch Festival năm 2013-18

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Phù Lá ở Lào Cai

(TH-Cinet-DTV)

Bình sơn mài của tộc Nuosu.
Bình sơn mài của tộc Nuosu-Yi.

Người Phù Lá là một trong những dân tộc ít người ở Lào Cai còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tín ngưỡng văn hóa dân gian đặc sắc, mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh được thể hiện rõ trong các quan niệm, nghi lễ và kiêng kỵ của cộng đồng người Phù Lá ở Lào Cai.

Người Phù Lá quan niệm tổ tiên thuộc loại ma lành luôn phù hộ cho con cháu do đó phải thờ phụng chu đáo, nếu thờ cúng không cẩn thận con cháu sẽ bị tổ tiên chê trách, trừng phạt làm cho gia đình gặp chuyện không hay, con cháu bị ốm đau…

Nơi thờ cúng tổ tiên được lập ở gian giữa nhà của người Phù Lá, bởi quan niệm gian giữa có vị trí là trung tâm và trang trọng nhất. Tổ tiên rất linh thiêng, đặc biệt quan trọng nên phải đặt chỗ thờ ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà.

Sản phẩm sơn mài của tộc Nuosu/Yi.
Sản phẩm sơn mài của tộc Nuosu-Yi.

Bàn thờ của người Phù Lá chỉ là một tấm phên đan bằng nứa hoặc vầu đặt ở gian giữa nơi nối hai miếng vách đan bằng dát tre, bên cạnh phía bên phải có mở một cửa giả gọi là cửa ma “Na tánh”. Cửa này chỉ được mở ra khi cúng lễ.

Nơi thờ tổ tiên là nơi linh thiêng, vì thế khi đi chọn vật liệu phải tìm ngày tốt, thường là ngày chẵn, tránh ngày sinh và ngày mất của người thân đồng thời phải tránh ngày con Hổ (ngày đổ máu), ngày con rắn là ngày không may mắn. Chủ nhà chọn chặt những cây nứa già và thẳng không bị sâu đục thân hoặc không bị cụt ngọn hay bị dây leo vì quan niệm đây là những cây không trọn vẹn, không đầy đủ sau này con cháu làm ăn không phát triển được, trong nhà hay có người ốm đau.

Lễ vật dâng cúng trong lễ cúng lập cửa ma gồm: con gà trống, con lợn, 2 bát xôi kén, 2 bát cơm nương, 2 đôi đũa, 2 chiếc bát, 2 chén rượu, 1 ống rượu (1 chai rượu), 1 búp cây chẩn, 1 gói muối ớt, 3 chiếc vòng tay bạc, 1 bát nước, 1 bát mỡ làm đèn thắp, 1 bó hương, 2 bộ trang phục nam nữ. Mâm lễ vật được bày ngay trên sàn nhà ở dưới có dải lót 2 tàu lá chuối gốc vào phía trong cửa ma (hướng Đông) đầu ngọn quay ra phía ngoài (hướng Tây), thể hiện mong muốn cầu cho “người yên vật thịnh”.

Bộ bình sơn mài của tộc Nuosu-Yi.
Bộ bình sơn mài của tộc Nuosu-Yi.

Lễ vật do chủ nhà xếp thành vòng tròn quanh mâm cúng, con gà để chính giữa mâm, đầu hướng vào phía cửa ma, riêng con lợn được chặt cắt thành từng bộ phận để ghép vào nhau thành hình con lợn đặt lên phía trên trước chỗ đặt con gà trong mâm cúng với ý nghĩa: “Dâng lợn gà cúng cho tổ tiên về nhận ăn uống no say rồi cầu sự phù hộ từ tổ tiên”.

Gia chủ sau khi bày lễ xong mời thầy cúng “à pơ” giúp cúng. Thầy rót rượu và đọc cúng đại ý cầu mong phù hộ cho gia đình con cháu được mạnh khỏe, người già sống lâu trăm tuổi, người trẻ mau ăn chóng lớn làm việc năng suất; cầu cho vật nuôi trong nhà không bị ốm đau bệnh dịch mà sinh sôi phát triển đông con như đàn gà, nhiều con như đàn lợn; cầu cho mùa màng tươi tốt, không bị sâu hại lá, không bị sâu đục thân, cho vụ mùa thu được đầy nhà…

Người Phù Lá thường cúng tổ tiên vào các dịp như: tết nguyên đán” Khuy cua mạ”, tết rằm tháng giêng 15/1 “Khủi êm mề hà sơ nga nhị”, tết thanh minh 3/3 “ Khủi êm mế”, tết rằm tháng năm 5/5, tết rằm tháng 7 (14/7) “Khủi sính sị”, lễ cơm mới “ Dạ ì sình da”(tháng 9 âm lịch), hoặc khi tổ chức cúng gọi hồn, cúng chữa bệnh, lên nhà mới… Mục đích của mỗi lần cúng đều tương đối giống nhau, họ đều mong muốn gia đình được yên ổn làm ăn, con cháu người già đều mạnh khỏe, vật nuôi phát triển, mùa màng bội thu..

Người Phù Lá ở Lào Cai vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống trong Ngày Tết.
Người Phù Lá ở Lào Cai vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống trong Ngày Tết.

Phong tục Ngày Tết của dân tộc Phù Lá ở Lào Cai

(TH-Cinet-DTV)

Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, người Phù Lá ở Lào Cai vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là phong tục ăn Tết mừng năm mới.

Lào Cai có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một kiểu đón Tết riêng, đôi khi kéo dài rất nhiều ngày, gọi là mùa Tết. Mỗi kiểu ăn Tết của đồng bào đều biểu hiện nét đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình như: Hội chơi núi mùa Xuân của dân tộc Mông (còn gọi là hội Gầu Tào), Tết nhảy của người Dao đỏ, hội Lồng Tồng của người Tày…

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác, đồng bào Phù Lá sống thành từng làng, mỗi làng có vài chục nóc nhà, chủ yếu ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng và Bảo Yên. Với đặc thù riêng về phong tục tập quán, lối sống, ngày nay người Phù Lá vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là tục ăn Tết mừng năm mới.

Mỗi độ xuân về, khi muôn sắc hoa nở rộ trên khắp sườn núi, bản làng cũng là lúc đồng bào các dân tộc Phù Lá tạm gác lại mọi công việc sản xuất để vui Tết, đón xuân.

Người Phù Lá ăn Tết chính trong 3 ngày từ mồng 1 đến mồng 3, nhưng các hoạt động vui Xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến hết ngày 15 tháng giêng, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất trong một mùa vụ mới.

Phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua thực phẩm dự trữ cho những Ngày Tết.
Phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua thực phẩm dự trữ cho những Ngày Tết.

Để chuẩn bị đón Tết, từ tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị củi, dự trữ rau lợn, sấy khô cá, nấu rượu và tìm lá dong để gói bánh chưng. Không chỉ phụ nữ mới khéo tay, người đàn ông Phù Lá cũng rất giỏi nghề làm yên ngựa. Chả vậy mà vào dịp Tết, họ lại làm rất nhiều yên ngựa mang đến chợ bán để lấy tiền mua sắm thức ăn, quần áo, quà cho bố mẹ và các con.

Vào các phiên chợ cuối năm, phụ nữ dân tộc Phù Lá nô nức đi chợ mua sắm quần áo, giày dép cho con cùng các hàng hóa phục vụ cho ngày Tết như: hương, tiền giấy vàng, muối, dầu… Trong dự tính của các chị, lượng thực phẩm hàng hóa đủ phục vụ cho 15 ngày Tết (từ mồng một đến 15 tháng giêng).

Trong tâm trạng háo hức, mong chờ của trẻ nhỏ và không khí rộn rã, tất bật, ngày 30 Tết, mỗi gia đình thường vào rừng lấy một ngọn trúc về để quét dọn trong nhà và đặt bàn thờ tổ tiên, với mong muốn quét sạch mọi cái xấu của năm cũ và đón một năm mới an lành, bội thu. Vào ngày mồng một Tết, tất cả mọi người đều diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất, đi chúc Tết bố mẹ, ông bà và người thân, hàng xóm.

Trong rộn rã tiếng khèn, điệu hát, lời ca, người già gặp nhau trầm ấm bên chén rượu; đám thanh niên trẻ nhỏ tíu tít hòa mình vào các trò chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù… Với đồng bào Phù Lá, Tết thực sự là ngày hội lớn gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xóm mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Phong tục đón tết của người Phù Lá mang đậm nét tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, thể hiện triết lý nhân sinh quan và một niềm tin về cuộc sống vĩnh hằng của con người. Cũng là dịp để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời tạo cho con người khoảng thời gian nghỉ ngơi, giao lưu gặp gỡ anh em, bạn bè cùng nâng chén rượu chúc cho mùa màng tươi tốt, làm ăn gặp nhiều may mắn, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng Giày Xí Mà.
Lễ cúng Giày Xí Mà.

Độc đáo Lễ ăn cơm mới “Giày xí mà” của người Phù Lá

(TQ-DTV)

Đối với người Phù Lá, tết cơm mới “Giày xí mà” là một nghi lễ rất quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, cộng đồng có vụ mùa bội thu. Khi các cánh đồng lúa đã ngả màu, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới, các gia đình trong làng chọn lấy một ngày tốt, ngày đẹp để tổ chức ăn tết cơm mới.

Theo phong tục của người Phù Lá (Lào Cai), ngày tổ chức ăn tết cơm mới, gia đình cử một người phụ nữ đi cắt lúa mới, thường là người vợ của chủ nhà. Người vợ sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương cắt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi việc đi cắt lúa mới không chỉ đơn thuần là cắt lúa mang về nhà mà đây là nghi thức đón hồn lúa về nhà, nên mọi công việc đều diễn ra một cách bí mật. Khi cắt lúa, lúa mặt phải quay về hướng đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở.

Đến sáng hôm sau, họ mới mang những cụm lúa mới xuống giã thành gạo nấu cơm mới để cúng tổ tiên. Tuy nhiên, trước khi đồ cơm, hoặc đồ xôi, gia đình phải vào rừng tìm lấy một bắp chuối rừng, một nắm quả cà dại, một ít cát ở dưới suối mang về nhà.

Ngày gia đình ăn tết cơm mới, toàn bộ thóc gạo cũ của gia đình đều được đem cất đi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ với ý nghĩa để đón hồn lúa mới về. Gạo được đồ chín, sau đó bỏ ra các sàng lót lá chuối bên dưới để chuẩn bị cho nghi lễ thờ cúng.

Mâm cơm dâng cúng là thành quả lao động của một năm vất vả. Những bông lúa chín mẩy vàng được người dân vận chuyển về nhà cũng là lúc gia đình làm lễ tạ ơn tổ tiên và tiến hành làm mâm lễ cúng. Lễ vật dâng cúng gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, chén rượu, nén hương.

pl_Cúng Giày Xí Má1

Ở một số thôn bản người Phù Lá tại Sa Pa và Bảo Thắng, mâm lễ cúng được chuẩn bị kỹ với các vật phẩm cầu kỳ. Họ thường sử dụng 2 – 3 con cá khô (hoặc tươi), 3 – 5 con chuột sấy khô, 1 – 3 con chim, một bát mắm cá ủ chua, một bát ớt nhỏ giã nhuyễn với muối, bốn đôi đũa. Khi chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên chiếc mâm mây đặt trước bàn thờ. Sau đó, chủ nhà ngồi khoanh chân làm lễ cúng. Một số gia đình còn mời thầy cúng giúp hành lễ. Thầy cúng ngồi trên chiếc ghế con trước bàn thờ lầm rầm đọc bái khấn với nội dung: “Hôm nay, ngày con rồng, tháng chín, nhờ công ơn tổ tiên, cha mẹ dạy bảo chúng con biết làm ăn thu được lúa gạo, hôm nay, gia đình làm cơm mời bố mẹ, ông bà…”.

Sau khi cúng xong, gia đình sẽ chia làm hai mâm: Mâm đàn ông và mâm đàn bà. Mâm đàn ông đặt trước bàn thờ mời chủ nhà, thầy cúng và khách. Mâm đàn bà được đặt trên lá chuối phía trong mâm đàn ông. Thầy cúng và những người đàn ông trong gia đình uống rượu xong, người phụ nữ mang đến cho mỗi người một nắm cơm, miếng thịt được đặt trong lá chuối rừng. Những người đàn ông cầm chén rượu nhấp môi ba lần, sau đó mới được ăn cơm.

Trong bữa cơm, ai biết hát, biết thổi sáo thì thể hiện. Nhất là khi màn đêm đã về khua, chất men làm cho mọi người trở nên thăng hoa hơn, họ cùng thi thố tài năng qua các bài hát, điệu nhạc, trai gái cầm tay nhau xòe quanh bếp lửa rồi cùng nhau nâng chén rượu, cầu chúc cho gia đình những lời tốt đẹp nhất, chúc cho cây trồng, mùa vàng bội thu, gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ cơm mới “Giày xí mà” của người Phù Lá đến nay vẫn còn được duy trì, đây là nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của họ nói riêng cũng như các dân tộc vùng cao Tây Bắc nói chung.

Lễ hội Hoa Chuối.
Lễ hội Hoa Chuối.

Hội hoa chuối của người Phù Lá, Lào Cai

(TH-Cinet-DTV)

Hàng năm, người Phù Lá ở Lào Cai tổ chức Hội hoa chuối nhằm cầu mùa màng tốt tươi, gia súc, gia cầm phát triển, nhà nhà ấm no, hạnh phúc…

Ở Lào Cai, người Phù Lá sinh sống nhiều ở xã Bảo Nhai, Lùng Phình (Bắc Hà), Thanh Bình (Mường Khương). Nơi đây còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc, với lễ hội ăn thề bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc Mông, Dao… Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến Hội hoa chuối của người Phù Lá.

Hội hoa chuối của người Phù Lá được tổ chức vào ngày 9/9 hằng năm để cầu mùa màng tốt tươi, gia súc, gia cầm phát triển, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Trước khi tổ chức hội hoa chuối, các gia đình tham dự mang lễ vật đến góp cho gia đình chủ hội gồm: Gạo, gà, rượu, 3 con chim nướng, mắm cá ủ chua, muối ớt… Khi các món ăn đã chế biến xong, chủ nhà bày tất cả lên một chiếc mâm đan bằng mây và đem đặt thành từng dãy theo thứ tự trên khu đất đầu làng nơi tổ chức hội.

Trước khi chủ hội hành lễ, các gia đình thắp hương tại mâm lễ của mình và khấn: “Nhờ có tổ tiên, trời đất phù hộ độ trì, giúp con cháu biết làm ra hạt gạo nuôi sống con người, hôm nay, làng tổ chức hội hoa chuối, gia đình làm mâm cơm đặt giữa nơi đất thiêng đầu làng, mời tổ tiên, thần đất, thần rừng, thần suối… về chứng kiến tấm lòng của gia chủ với thần linh và những người đã khuất”. Khi hương tàn, chủ hội vái lạy rồi xin phép hóa vàng và ra hiệu cho các gia đình hạ lễ. Các món ăn được chia làm 2 mâm, mâm dành riêng cho đàn ông, những người họ hàng, khách mời là đàn ông và một mâm phụ nữ.

Múa trong Hội Hoa Chuối.
Múa trong Hội Hoa Chuối.

Khi đã ăn uống no say, chủ hội và một số nam thanh niên thực hiện nghi lễ trồng cây chuối trong khu vực hành lễ, xung quanh cây chuối cắm các loại hoa rừng, có cả hoa chuối đỏ biểu thị cho sự may mắn. Khi đã chuẩn bị xong, từng đôi thanh niên nam, nữ thực hiện các nghi lễ múa cầu mùa, diễn tả động tác cày, bừa, cấy, hái, gặt lúa, săn bắn… dâng cúng cơm mới và các đặc sản: Cá suối sấy khô, thịt chuột sấy khô, thịt chim rừng, khoai sọ…

Trong ngày hội hoa chuối, các gia đình Phù Lá kiêng không cho ai mang bất cứ thứ gì ra khỏi nhà. Những gia đình ở làng khác chưa tổ chức hội hoa chuối không được mời đến dự

Độc đáo nhất trong ngày hội là các điệu múa truyền thống, các động tác múa diễn tả khung cảnh tăng gia sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Từ nhiều đời nay, trong cuộc sống sinh hoạt của người Phù Lá, những điệu múa, bài hát ru vẫn làm say đắm người xem. Động tác múa vui trong ngày hội mừng cơm mới, hội hoa chuối, hội mừng mưa hay các điệu múa diễn tả khung cảnh ngày hội ở bản làng, đêm trăng bên bờ suối, ngày hội văn hóa các dân tộc đều là điểm nhấn trong các cuộc vui.

Múa Phù Lá là nghệ thuật múa dân gian truyền thống độc đáo, mang nhiều yếu tố hoang dã, không bị pha tạp yếu tố văn hóa của các dân tộc khác. Các điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua phương pháp truyền dạy. Mỗi thế hệ tiếp nhận đều trân trọng, giữ gìn nghiêm túc phong cách thể hiện. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng cao, nhiều màu sắc. Mỗi động tác múa đều có một chủ đề nhất định, có thể là diễn tả những công việc lao động sản xuất hay ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa… được chắt lọc từ chính cuộc sống tình yêu, lao động, sinh hoạt của đồng bào. Chính vì lẽ đó, múa Phù Lá ngày càng có sức sống, tồn tại mãi mãi.

Lễ Trao tơ hồng.
Lễ Trao tơ hồng.

Lễ trao tơ hồng của người Phù Lá ở Bắc Hà, Lào Cai

Người Phù Lá ở Bắc Hà có 656 người, sinh sống chủ yếu ở các xã Na Hối, Lùng Phình, Nậm Mòn, Thải Giàng Phố, Nậm Đét. Người Phù Lá vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, thể hiện bản sắc riêng trong văn hóa tộc người, đặc biệt là trong phong tục cưới.

Trong phong tục cưới của người Phù Lá từ xưa đến nay không thể thiếu lễ trao tơ hồng – “Quả hòng”, đó là một nghi lễ đặc biệt quan trọng được diễn ra tại nhà trai vào đêm trước ngày đón dâu. Tơ hồng được ví như là một sợi dây gắn kết hạnh phúc lâu bền, đó là một dải vải đỏ được cắt may cẩn thận và gập thành một dải dây có độ dài khoảng 100 – 120cm. Ở hai đầu dải tơ hồng được gấp chéo góc thành hình nửa quả trám và buông vài sợi tua rua tạo độ mềm mại khi di chuyển.

Vào đêm trước ngày đón dâu, sau khi ăn xong bữa tối, gia đình nhà trai mời phù rể của hôn lễ – “Pừ làng” đến nhà hướng dẫn chú rể thực hiện từng bước các nghi lễ, như nghi lễ thờ cúng – “Sỉnh lau chu cóng”, cúi lạy gia tiên – “Khù thầu”, những bước đi lại, tạ lễ gia tiên của hai bên gia đình trong ngày đón dâu và đưa dâu về nhà báo cáo tổ tiên gia đình nhà trai. Nghi lễ được diễn ra trang trọng trước bàn thờ gia tiên, trước sự chứng kiến của đại gia đình, gồm ông bà, bố mẹ, các cô, bác, chú, dì và khách gần xa của gia đình nhà trai.

pl_Nuosu embroidery

Theo quan niệm của người Phù Lá, tơ hồng là sợi dây gắn kết đặc biệt trong hôn nhân của đôi trai gái. Do vậy, trong ngày trọng đại của con cháu, người Phù Lá thường thể hiện sự chúc phúc bằng dải tơ hồng trao cho con cháu. Gia đình nào có nhiều anh, em, cô, dì, chú, bác thì càng nhận được nhiều tơ hồng và nhiều lời chúc phúc. Trước khi tiến hành nghi lễ, gia đình sẽ trải một chiếc chiếu xuống nền nhà, ngay chính giữa cửa ra vào, rồi phù rể thắp hương lên bàn thờ mời gia tiên chứng nhận sự cúi lạy báo hiếu của con cháu.

Trước sự chứng kiến của đại gia đình, phù rể bắt đầu dạy chú rể quỳ lạy tổ tiên theo 4 hướng (tây, bắc, đông, nam), đầu gối bên phải quỳ xuống chạm đất, đầu gối bên trái làm trụ, 2 tay đặt vuông góc lên đầu gối bên trái và cúi lạy mỗi hướng ba lạy, cuối cùng là quỳ chụm hai gối trước bàn thờ với tư thế lưng thẳng, mắt nhìn thẳng lên bàn thờ để các cô, bác, chú, dì lần lượt trao tơ hồng. Người đầu tiên trao tơ hồng là mẹ chú rể, phù rể sẽ đại diện gia đình đeo cho chú rể, vừa đeo phù rể vừa đọc lời chúc.

pl_Nuosu_Khăn đội đầu

Khi đeo xong tơ hồng của gia đình thì đến lượt các anh, chị, cô, bác, dì. Đến lượt ai thì người đó đọc lời chúc phúc rồi lấy tơ hồng vòng chéo từ vai xuống dưới nách áo chú rể và buộc tơ hồng. Tuy nhiên, do một số cô, bác, dì ngại không đọc được lời chúc nên sẽ đưa tơ hồng cho phù rể đeo hộ và người nhờ sẽ phải tạ ơn phù rể bằng cách mời uống cùng nhau một chén rượu đầy. Trong mỗi dải tơ hồng, đều được các anh, chị, cô, chú, bác, dì để sẵn một chút tiền lì xì, khi phù rể nhận tơ hồng sẽ rút lì xì ra và đặt lên bàn thờ gia tiên. Lúc trao hộ tơ hồng, phù rể lại đọc tiếp mấy câu chúc vừa thể hiện sự hài hước, dí dỏm để tạo cho không khí thêm vui vẻ. Những lần đeo tiếp theo, phù rể sẽ đọc chức danh của chủ dây tơ hồng rồi đọc tiếp các bài chúc phúc cho chú rể, cứ trao xong một dải tơ hồng nào thì chủ nhân dải tơ hồng đó lại mời phù rể một chén rượu để tỏ lòng biết ơn. Nghi lễ tiếp tục tiến hành cho đến khi tập trung hết các thành viên của gia đình.

Sau khi kết thúc nghi lễ, gia đình chú rể đã chuẩn bị sẵn mâm rượu được đặt ngay giữa nền nhà tại địa điểm thực hiện nghi lễ, trên mâm có 8 cái chén, 8 đôi đũa và 8 đĩa đồ ăn, nhưng chỉ gồm 2 loại thức ăn là kẹo (4 đĩa), tim, gan, phèo (4 đĩa) và phải bao gồm 8 nam thanh niên cùng ngồi ăn (trong đó có chú rể, phù rể và những người bạn) cùng ngồi uống rượu. Mâm rượu thể hiện sự chúc phúc của gia đình cho đôi trẻ tiến tới hôn nhân ngọt ngào, lâu bền và sống với nhau thành tâm, thật lòng và gần gũi như tim, gan.

Nghi lễ trao tơ hồng là phong tục đẹp, mang giá trị nhân văn sâu sắc nhằm giáo dục ý thức hôn nhân cho giới trẻ và tạo sợi dây gắn kết hạnh phúc lâu bền trong hôn nhân mà đến nay vẫn được cộng đồng dân tộc Phù Lá duy trì và lưu giữ.

Lễ cúng Nhà Mới.
Lễ lên Nhà Mới.

Lễ lên nhà mới của người Phù Lá, Yên Bái

(TH-Cinet-DTV)

Lễ lên nhà mới He-ì-xì-mờ-zu-né vẫn luôn được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng dân tộc Phù Lá ở Yên Bái, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc Yên Bái.

Là một trong 13 dân tộc bản địa cùng cư trú lâu đời trên mảnh đất giàu bản sắc các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của tỉnh Yên Bái, người Phù Lá thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến. Với dân số ít nhưng người Phù Lá lại có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú và đa dạng. Trong chu kỳ vòng đời của người Phù Lá thì nghi lễ lên nhà mới (he-ì-xì-mờ-zu-né) là một nghi thức độc đáo, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa bản địa với tri thức dân gian đặc sắc.

Theo quan niệm dân gian và các phong tục cổ truyền trước đây, đồng bào thường bỏ nhà hoặc đốt bỏ mỗi khi trong nhà có người qua đời, họ chuyển tới một địa điểm mới và dựng nhà tại đó. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, mỗi khi có người qua đời sẽ mang lại những điều xấu xa, đen đủi. Do vậy, để xóa bỏ những vận đen đó người dân phải chuyển tới nơi ở mới.

Lễ lên nhà mới (he-ì-xì-mờ-zu-né) khá quan trọng. Sau khi dựng xong nhà, chủ nhà sẽ làm lễ he-ì-xì-mờ-zu-né. Nghi thức này phải do những thầy cúng giỏi trong làng thực hiện. Gia đình sẽ mời về cầu cúng để trước khi về ở nhà mới sẽ được tổ tiên và các thần thánh phù hộ, giúp đỡ và gặp nhiều may mắn.

Lễ lên nhà mới được xem ngày giờ khá cẩn thận và kiêng vào ngày chết của bố mẹ và những người anh em trong gia đình. Vì nghi thức quan trọng nhất của lễ he-ì-xì-mờ-zu-né là nghi thức cúng bếp mới và “cửa ma”, bếp và “cửa ma” bao giờ cũng đi với nhau và được đặt thẳng nhau trong nhà của người Phù Lá. Thầy cúng lấy một ống nứa đựng nước mới, một ống gạo (mang ý nghĩa về một cuộc sống ấm no, đầy đủ), 3 lá trầu, 3 miếng vỏ trầu đặt ở một góc của bếp. Trên 4 góc xà của gian nhà giữa, thầy cúng dùng 4 cum lúa vắt lên 4 góc xà với quan niệm nhà lúc nào cũng sung túc, mong muốn lúa ngô đầy nhà, mùa màng tươi tốt no đủ.

Thực hiện nghi lễ cúng, thầy cúng ngồi cúng trước “cửa ma” để mời tổ tiên của gia đình về ngự ở ngôi nhà mới kết hợp với việc cúng bếp mới. Ngoài thịt lợn, người dân còn phải mổ một con gà trống, dùng tiết gà với lông gà cắm lên vách “cửa ma”. Sau khi kết thúc nghi thức của thầy cúng, “cửa ma” đó coi như là cho linh thiêng nhất của gia đình. Thầy cúng thông báo và mời tổ tiên của gia chủ về ngự, sau đó cầu xin thổ công và các thần thánh phù hộ và bảo vệ cho gia đình gia chủ.

Kết thúc lễ cúng, người dân và gia chủ cùng múa xòe xung quanh bếp lửa đang cháy bập bùng để mừng cho một ngôi nhà mới với niềm hi vọng và khát khao về một cuộc sống mới âm no, hạnh phúc hơn. Dân làng cùng uống rượu, ăn mừng và chúc phúc cho gia chủ, cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ tới cho gia đình.

Ngày nay, nhà ở của người Phù Lá cố định và được làm vững chắc hơn, song nhiều giá trị văn hóa đặc sắc trong nghi lễ lên nhà mới he-ì-xì-mờ-zu-né vẫn được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng dân tộc Phù Lá ở Yên Bái, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc Yên Bái trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nhà ở của người Phù Lá thường không làm kiên cố.
Nhà ở của người Phù Lá thường không làm kiên cố.

Nhà của người Phù Lá, Yên Bái

(TH-Cinet-DTV)

Người Phù Lá ở Yên Bái thường sống ở trên triền núi cao, mỗi làng ước tính khoảng chục gia đình ở rải rác, cách xa nương rẫy. Nhà ở của người Phù Lá có hai loại là nhà đất và nhà sàn.

Người Phù Lá ở tỉnh Yên Bái cư trú chủ yếu ở huyện Văn Yên, một số rất ít sinh sống tại hai huyện Văn Chấn và Yên Bình với tập quán canh tác lúa nương truyền thống, cùng với kỹ thuật thủ công phát nương trọc lỗ, tra hạt. Họ ở nhà sàn, loại nhà sàn nhỏ, cột chôn với nhà to nhất có 4 gian, trung bình là nhà 2 gian, 3 gian, mỗi gian nhà của họ thường nhỏ vừa, không quá rộng. Nhà ở truyền thống của đồng bào thường có hai hàng cột, trước đây không thấy có nhà 3 hàng chân hay 4 hàng chân.

Nhà ở của người Phù Lá thường không làm kiên cố, vững chãi lâu dài. Bởi theo quan niệm dân gian và các phong tục cổ truyền trước đây, đồng bào thường bỏ nhà hoặc đốt bỏ mỗi khi trong nhà có người qua đời, họ chuyển tới một địa điểm mới và dựng nhà tại đó. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, mỗi khi có người qua đời sẽ mang lại những điều xấu xa, đen đủi. Do vậy, để xóa bỏ những vận đen đó người dân phải chuyển tới nơi ở mới.

Để chọn đất làm nhà, người dân không chọn tâm nhà, vị trí hướng mà họ lại quan tâm tới vị trí đặt bếp lửa. Bếp lửa có vai trò khá quan trọng trong đời sống của đồng bào, nó được nhóm cháy liên tục từ ngày này qua ngày khác. Do vậy, bếp lửa được đặt thẳng với “cửa ma” – Nơi thờ có cắm vài cái lông gà, một tờ giấy vàng và một gói lá nhỏ giắt trên liếp, cửa này chỉ mở ra khi cúng lễ, đây chính là nơi thờ tổ tiên của đồng bào, vị trí quan trọng nhất trong nhà và là nơi diễn ra lễ cúng tổ tiên chính thức vào dịp tết Nguyên đán

Để chọn đất làm nhà mới, đồng bào mời thầy cúng tới xem đất dựng nhà và chọn nơi mà định đặt bếp lửa. Thầy cúng dùng một chiếc que gỗ nhỏ có hình tam giác cắm thẳng xuống đất, lấy 3 hạt thóc đặt chụm đầu vào 3 cạnh tam giác của cây cọc.

Một hạt thóc người dân quan niệm quay về phía chủ, một hạt quan niệm quay về phía lợn và một hạt quay về phía ruộng nương (gạo, thóc). Dùng một chiếc bát úp lên trên đó và thầy cúng đọc lời cúng khấn để xin thổ công, thổ địa cho phép được làm nhà. Sau một ngày đêm, đến sáng hôm sau mở ra, nếu thấy hạt thóc không xê dịch thì quan niệm đó là chỗ đất tốt và có thể dựng nhà ở.

Nhà của người Phù Lá có hai loại:

Nhà đất: Vì kèo đơn giản nhất chỉ có một bộ kèo tam giác gồm hai kèo, một quá giang gác lên đầu tường và vì kèo này có khác ở chỗ vì kèo tam giác có thêm hai cột phụ bên ngoài tường. Cột phía sau không đấu vào kèo và cũng không có xà liên kết với tường. Còn cột phía trước đầu đấu vào đầu quá giang. Dạng vì kèo tam giác, bên ngoài tường phía trước có hai cột, một cột đứng sát vào tường và cột hiên. Cột hiên chỉ có xà ngang liên kết với cột bên trong.

Bên trong nhà, về gian hồi bên phải, giáp tường phía trước có giường. Đầu giường về bên trái có một đoạn vách ngăn với gian giữa. Giáp tường đầu hồi có bếp. Gian giữa, giáp tường hậu là một buồng nhỏ. Trên vách ngăn phía trước cửa buồng này treo bàn thờ tổ tiên. Gian hồi bên trái, giáp tường phía trước cũng có giường và vách ngăn như gian hồi bên phải. Lui về phía sau là bếp.

Nhà sàn: Trong nhà, hai gian bên phải và bên trái để trống. Gian giữa, về phía trước giáp vách là chạn bát, giữa nhà là bếp. Trên sàn ngoài nhà bên trái đặt cối giã gạo chày tay. Bàn thờ giáp vách hậu của gian thứ ba về bên trái.

Người Phù Lá thường sống ở trên triền núi cao, mỗi làng ước tính khoảng chục gia đình ở rải rác, cách xa nương rẫy.

Trang phục nam, nữ dân tộc Phù Lá ở tỉnh Lào Cai.
Trang phục nam, nữ dân tộc Phù Lá ở tỉnh Lào Cai.

Trang phục dân tộc Phù Lá

(TQ-DTV)

Mỗi dân tộc đều biết cách tạo nên những bộ trang phục riêng của mình, nó thể hiện sự sáng tạo tinh tế của con người và tạo nên những nét văn hóa riêng biệt, mang tính đặc trưng của từng tộc người.

Về trang phục của người Phá Lá, nam giới ở đây nổi bật với chiếc áo xòe ngực, không có cổ riêng, thân áo được đính nhiều hạt cườm thành những hình chữ thập. Trước đây, họ thường búi tóc trên đỉnh đầu và cả búi khăn.

Hàng ngày, nam giới thường mặc bộ quần áo cánh, dài tay được gọi là “dờ bía” được cắt theo kiểu áo bốn thân gồm hai thân đằng trước và hai thân đằng sau. Áo được cắt theo kiểu áo không có cầu vai mà khi cắt họ sẽ tính toán cho phù hợp với vai của người mặc rồi đo khổ vải cắt theo, phần trên thân áo được khoét cong tạo thành cổ áo. Cổ áo “bè khú”, được khâu đính liền với phần thân áo gồm có hai lớp, có chiều rộng 3 – 4 cm được người thợ làm sẵn từ trước. Điểm nổi bật nhất trên trang phục của nam giới là phần nẹp áo trước ngực.

Màu sắc chủ đạo trên trang phục của nam giới gồm có hai màu chính là màu chàm và màu xanh da trời. Trong đó màu chàm đen là màu truyền thống, màu áo này được những người già, người cao tuổi ưa chuộng, một phần họ vẫn luôn có ý thức trong việc gìn giữ màu áo truyền thống của dân tộc mình, đồng thời nó thể hiện sự chín chắn, kín đáo của người già. Còn đối với tầng lớp trẻ tuổi, họ thường xử dụng gam màu xanh da trời, tạo sự trẻ chung cho người mặc.

Trang phục truyền thống nữ - tộc Phù Lá.
Trang phục truyền thống nữ – tộc Phù Lá.

Trong khi đó, trang phục của nữ giới Phù Lá đa dạng và phong phú hơn. Trang phục hàng ngày đó là kiểu áo cánh ” dờ mỉ bía” ngắn, có xẻ tà hai bên hông, cúc cài bên nách trái. Áo được thiết kế theo kiểu áo chiết eo làm nổi bật đường cong tự nhiên của cơ thể tạo sự duyên dáng của người phụ nữ. Phần tay áo được cắt theo kiểu tay áo thẳng và lượn to dần về phía trên, phần cổ tay được thu nhỏ và ngắn nên khi mặc sẽ để lộ ra những chiếc vòng tay trang trí trên cổ tay của cô gái.

Nét đặc trưng nhất là trên toàn bộ thân trước, thân sau và cánh tay đều trang trí hoa văn bằng chỉ màu trắng, đỏ trên nền vải xanh, đen. Tay áo là mô-típ hoa văn hình con thoi, hình hoa thị, được trang trí theo kiểu vòng tròn ôm lấy cánh tay. Thân áo sau cũng là hoa văn như thân trước.

Váy thiếu nữ Phù Lá may kiểu hình nơm, thân váy chia thành hai mảng hoa văn rõ rệt, mảng chân váy và cạp váy thêu hình hoa thị lớn, phía dưới sử dụng hoa văn hình sóng nước, xen lẫn hình lá cây liên tiếp nhau theo chiều ngang thân váy, tạo cảm giác mềm mại, duyên dáng của người thiếu nữ. Tuy nhiên, thiếu nữ Phù Lá ngày nay thường mặc quần đen, ít mặc váy.

Nét độc đáo của trang phục truyền thống Phù Lá.
Nét độc đáo của trang phục truyền thống Phù Lá.

Bộ trang phục của nữ giới luôn đi kèm với dải yếm, tiếng địa phương gọi là “ù do ma” đeo trước ngực và dải dây thắt lưng buộc vòng ngang hông là điểm nổi bật nhất trên bộ y phục của nữ. Yếm là một mảng hoa văn lớn đủ màu sắc sặc sỡ kết hợp sự hài hòa của khoang màu tay áo, làm toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn của người phụ nữ vùng cao.

Tùy từng lứa tuổi và sở thích mà họ chọn những họa tiết hoa văn phù hợp. Yếm thường có nền tối, chủ yếu là màu đen để làm nổi bật những hoa tiết, hoa văn trang trí trên đó bằng các gam màu sáng như xanh, đỏ, vàng. Đường viền của dải yếm được khâu bằng các loại chỉ màu vừa để giữ các mép vải đồng thời vừa mang ý nghĩa trang trí.

Thiếu nữ Phù Lá thường đeo thêm trang sức để tôn thêm vẻ đẹp của trang phục truyền thống, nhất là trong ngày hội bản làng. Trang sức của thiếu nữ Phù Lá thường là những sợi dây xuyến khảm bằng bạc trắng đeo trước ngực buông dài xuống tận thắt lưng.

oOo

Dân ca cổ truyền – Hát ru con (dân tộc Phù Lá):

 

Mừng nhà mới vs múa dân tộc Xa Phó:

 

Nuosu Traditions Part 1:

 

Nuosu Traditions Part 2:

 

Life and culture of China’s Yi ethnic minority:

 

The Torch Festival of Yi people in Guizhou:

 

One Amazing Song from the Yi People of China:

 

Yi Dance – Heart Beat Torch Festival:

 

Pipa – Dance of the Yi People 彜族舞曲:

 

Yizu Wuqu (Dance of the Yi People):

 

Guzheng & Pipa duet – Yizu Wuqu (Dance of the Yi Tribe):

 

Yi Dance – Xuefei Yang:

 

A Happy Song on Yi River:

 

Ma Guo Guo sings a traditional song of Yi tribe:

 

Leave a comment