Căn cơ

Chào các bạn,

Người tu tập thường nói đến từ căn cơ, để giải thích tại sao có người nắm được đạo lý rất nhanh, nhưng có người thì cả đời cũng không nắm được.

Và mình cũng hay nghĩ về căn cơ, vì thường thì luyện tâm chỉ có vài điều để tập luyện, nhưng tại sao nó lại quá khó cho rất nhiều người?

Mình thu lại chỉ còn ba điều thực hành – khiêm tốn, thành thật, yêu người – để tĩnh lặng. Có thể gọi là bốn điều cũng được. Và mình cũng thường nói là nếu các bạn muốn thu ba/bốn điều này vào một điều cũng được, ví dụ như là khiêm tốn. Thực hành một điều rốt ráo thì mình cũng tự nhiên thành được các điều khác.

Hoặc là tựa triệt để vào Thiên chúa thì mọi điều khác cũng tự thành.

Hoặc Thiền, vô ngã.

Hoặc niệm A di đà và quán mình là Phật (tức là quán Phật tính trong mình).

Pháp môn thì nhiều, nhưng mỗi người chỉ cần một pháp môn. Tại sao số người nắm được quá ít vậy?

Mình không nghĩ rằng đây là vấn đề thông minh hay không. Những điều này giải thích thì chỉ cần 5 phút là hết, và người nghe thì cũng sẽ không thấy có từ nào khó hiểu.

Đương nhiên là tập luyện thì có thể đòi rất nhiều thời gian, đôi khi cả đời. Nhưng đã tập luyện nghiêm chỉnh thì chỉ một thời gian ngắn là có thể “hiểu được”, hay nói cách khác là có “trí tuệ” thực sự. Trí tuệ đó là trí tuệ của người trong cuộc, người đang hành đạo.

Nếu bạn thực hành khiêm tốn thực sự trong lòng bạn, bạn thực sự thấy tất cả mọi người đều ngang với bạn, đều có những điều cho bạn ngưỡng mộ và học được, thì dù bên ngoài bạn làm gì – như là mắng mỏ học trò – thì bên trong bạn vẫn khiêm tốn, và một vị thầy vẫn nhận ra lòng khiêm tốn của bạn trong lời nói của bạn.

Mình nghĩ rằng căn cơ không có nghĩa là thiếu thông minh, mà là thiếu nghiêm chỉnh trong luyện tập, hoặc luyện tập sai đường. Như trong truyện Thiền Không có từ tâm:

    Một người phụ nữ ở Trung Quốc đã cấp dưỡng một vị sư hơn 20 năm. Bà đã làm một chòi nhỏ cho sư và lo việc ăn uống khi sư thiền định. Cuối cùng bà thắc mắc là không biết vị sư đã tiến bộ được gì trong suốt bao nhiêu năm.

    Để tìm câu trả lời, bà nhờ một cô gái đầy ham muốn giúp một tay. “Vào ôm ông,” bà bảo cô gái, “rồi hỏi đột ngột: ‘Làm gì bây giờ?’ ”

    Cô gái vào gặp sư và, chẳng nề hà gì, đến vuốt ve sư, hỏi sư phải làm thế nào về việc đó.

    “Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông,” vị sư trả lời đầy thi vị. “Chẳng nơi đâu có hơi ấm.”

    Cô gái trở về và báo cáo lại điều sư nói.

    “Nghĩ đến việc tôi nuôi ông này cả 20 năm!” bà than một cách giận dữ. “Ông ta chẳng tỏ vẻ gì quan tâm đến nhu cầu của cô, chẳng hề muốn giải thích tình trạng của cô. Ông ta không cần phải đáp lại ham muốn, nhưng ít ra ông ta cũng phải tỏ lộ được một tí từ tâm.”

    Bà liền đi ngay đến chòi của vị sư và đốt nó.

Vị thiền sư này đã tập sai đường. Ông chỉ chú trọng vào ông ta khi tập Thiền – để cho lòng mình hoàn toàn nguội lạnh, không cảm xúc: “Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông. Chẳng nơi đâu có hơi ấm.”

Nhưng Thiền là lòng tràn ngập từ tâm. Luôn có lòng thương nhân thế, đặc biệt là những người phụ nữ đem lòng yêu sư như trong truyện. Sư không cần phải đáp trả lại tình yêu đó, nhưng cũng có thể nói một vài lời để khai thị cho người kia, không cần phải tập trung chỉ nói về chính mình, đó là chấp ngã.

Chỉ một câu nói, một người thầy có thể biết học trò đã ngộ chưa, hay chưa đến nơi, hay đang lạc đường và có thể không bao giờ đến.

Câu truyện Thiền này cho thấy, chúng ta nói vô ngã cả đời, và vị Thiền sư này tu đã 20 năm mà không biết là mình đầy ngã chấp.

Đương nhiên đó là căn cơ. Nếu vị sư này luôn nghĩ đến thế giới loài người khổ đau, để yêu thương loài người mỗi ngày vô điều kiện trong tâm, thì trong 20 năm Thiền như thế, đương nhiên là sư đã thành Bồ tát.

Nhưng sư không đoái hoài gì đến ai, chỉ lo “công phu” cho mình.

Một sợi chỉ phân cách Thiền đúng cách và Thiền sai cách.

Sợi chỉ đó là yêu người hay yêu mình.

Mình nghĩ rằng căn cơ là ở đó.

Chúc các bạn luôn có căn cơ.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Căn cơ”

  1. Dear Anh Hai

    Em cảm nhận trong đời sống tâm linh nếu em tập luyện và sống tất cả chỉ vì yêu mến, chỉ vì tình yêu của em dành cho God và để mình mềm mại dưới tác động của Thánh Linh thì em có được căn cơ đồng hình đồng dạng với God trong khiêm tốn, thành thật, yêu người.

    Em cảm ơn và chúc anh Hai cuối tuần vui khỏe và an lành.

    Em M Lành

    Like

  2. Con không hiểu cụm từ ngã chấp và vô ngã có giống nhau.???

    Cảm ơn ạ

    Like

Leave a comment