Trồng cây tâm linh cho chính mình

Chào các bạn,

Tiếp xúc với trí thức trẻ VN, mình thấy đa số các bạn cảm thấy có một khoảng trống trong kiến thức tâm linh và muốn hiểu biết về tâm linh, nhưng từ tâm linh mà chúng ta ở ĐCN giải thích là “trái tim linh thiêng”, tức là những điều sâu thẳm của trái tim của chính ta và những điều sâu thẳm của trái tim con người, thì thiên hạ ngoài kia đồng hóa tâm linh với tôn giáo, tử vi đẩu số, phong thủy, thậm chí đồng bóng…cho nên các bạn không biết đâu mà mò.

Ở ĐCN mình dùng các điều dạy chính thống của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu, cốt tủy của hai truyền thống tâm linh lớn của thế giới–và gạt ra ngoài các hình thức lễ bái cũng như tổ chức hành chánh và nhân sự của Phật giáo và Kitô giáo–như là nền tảng cho một hệ thống siêu tâm lý (meta-psychology) cho tâm thức của con người. Các bạn muốn hiểu tại sao mình dùng từ meta-psychology thì đọc các bài trà đàm của mình cho đến khi các bạn có thể mường tượng ra nó. Đó là một hệ thống tư duy dựa vào trải nghiệm về trái tim con người và kinh nghiệm sống, hơn là một hệ thống lý luận triết lý.

Điều quan trọng cho các bạn trí thức trẻ là: (1) Nếu các bạn chưa học các điều sâu thẳm về trái tim con người và cố gắng trải nghiệm để hiểu, các bạn sẽ vẫn tiếp tục hời hợt và ngu dốt, dù là bạn có thể có vài bằng tiến sĩ (và những người đã có kiến thức tâm linh sẽ nhận ra sự hời hợt của bạn qua lời nói hay cách viết của bạn), và (2) nếu nhẹ thì các bạn vô tích sự cho đất nước, nếu nặng thì các bạn có hại cho đất nước, dù bạn có vài bằng tiến sĩ.

Cho nên các bạn nên bắt đầu mở rộng đầu óc và trái tim của bạn. Hãy bắt đầu bằng đọc loạt bài Tư Duy Tích Cực trên ĐCN. Rồi từ từ các bạn sẽ biết nên học gì thêm, làm gì thêm. Và bạn sẽ thấy đời bạn thay đổi và sâu sắc hơn. Rồi các bạn sẽ giới thiệu đến các bạn khác vì bạn sẽ biết làm thế nào để giúp các bạn của mình và đất nước mình.

Khi trí thức trẻ hời hợt về kiến thức, mình rất lo lắng cho đất nước. Và khi trí thức trẻ sâu sắc, mình rất mừng cho đất nước và tạ ơn Thượng đế về điều đó.

Chúc các bạn luôn học hỏi và sâu sắc.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Trồng cây tâm linh cho chính mình”

  1. Em cảm ơn anh đã viết nhiều và cặn kẽ về nhiều khía cạnh khác nhau của tâm linh, của “trái tim linh thiêng”, để những ai nghiêm chỉnh thực hành “khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng” sẽ dần trở nên sâu sắc.

    Điều hiểu lầm phổ biến nhất hiện nay em nghĩ vẫn là: “thiên hạ ngoài kia đồng hóa tâm linh với tôn giáo”.

    “Ở ĐCN mình dùng các điều dạy chính thống của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu, cốt tủy của hai truyền thống tâm linh lớn của thế giới–và gạt ra ngoài các hình thức lễ bái cũng như tổ chức hành chánh và nhân sự của Phật giáo và Kitô giáo.” Có nghĩa là tập trung vào cái cốt lõi tâm linh thì những tổ chức luật lệ hành chánh không còn cần nữa.

    Với những tổ chức tôn giáo trong xã hội, em tưởng tượng rằng nếu đến một thời điểm tất cả mọi người trong tổ chức đó đều rành rẽ và sâu sắc trong tâm linh, phải chăng những “hình thức lễ bái cũng như tổ chức hành chánh và nhân sự” cũng không còn cần thiết nữa và biến mất?

    Tưởng tượng này của em bất chợt khiến em nhớ đến huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong trong triết học Mac-Lê: “Theo Chủ nghĩa Mác-Lênin thì Nhà nước vô sản là một kiểu nhà nước đặc biệt trong lịch sử. Tính chất đặc biệt của nó trước hết là ở chỗ nó chỉ tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, nó là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử của xã hội loài người.”

    Em nghĩ có thể tư duy của Mac và Ăng ghen thực sự ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng của Giê-su và tinh thần Ki-tô hữu rất mạnh, một cách vô thức đã nghĩ đến Nhà nước giống như là Giáo hội?

    Em Hường

    Like

  2. Hi anh,

    Em post lại một đoạn trong bài “Việt Nam yêu cầu ca” của Bác Hồ. Bài này khá dài, vì vậy bạn nào muốn đọc toàn bộ xin mời search trên mạng.

    Một xin tha kẻ đồng bào,

    Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.

    Hai xin phép luật sửa sang,

    Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.

    Những toà đặc biệt bất công,

    Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành.

    Ba xin rộng phép học hành,

    Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương.

    Bốn xin được phép hội hàng,

    Nǎm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do.

    Sáu xin được phép lịch du,

    Bốn phương mặc sức, nǎm châu mặc tình

    Bảy xin hiến pháp ban hành,

    Trǎm đều phải có thần linh pháp quyền

    Tám xin được cử nghị viên,

    Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.

    Tám điều cạn tỏ xa gần,

    Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình.

    Like

  3. Mình nhớ DaLai Lama 14 có nói đại ý: “Chúng ta có thể khước từ các thứ như tôn giáo, ý thức hệ, sự khôn ngoan lọc lõi. Nhưng chúng ta không thể không cần đến tình yêu và lòng thông cảm”.

    Nếu ta không thường xuyên tự kiểm soát mình để bỏ bớt tham sân si và thêm vào từ bi hỷ xả, thì đi chùa lạy Phật liệu có ích gì?

    Liked by 1 person

Leave a comment