Liên kết với thế giới tâm linh

Chào các bạn,

Hôm qua trong bài Cảm nhận thế giới tâm linh, mình có nói là chúng ta phải dùng trái tim của mình để có thể sờ vào thế giới tâm linh.

Thế giới tâm linh đó là trái tim của ta, ở trong trái tim của ta, nhưng cũng tràn ngập vũ trụ này. Thế giới đó có nhiều tên: Chúa, Phật, Đức mẹ, Quan Âm, Không… Tên gì thì không quan trọng, nhưng điều quan trọng là chúng ta thực hành tâm linh đúng đường thì phải có cách để nắm bắt được nguồn năng lượng vĩ đại đó, phải có thể kết hợp làm một với nguồn năng lượng vĩ đại đó. Đó mới là bằng chứng chúng ta đi đúng đường. Và đây là điều chúng ta có thể cảm nhận rất rõ trong tim mình.

Đây là điều rất quan trọng nếu bạn đã tập luyện đến mức cao điểm, đến mức đã có thể, và cần, vượt qua khỏi tầng công thức, để đến tầng chứng ngộ.

Ngày nay người ta lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào công thức: Đọc kinh, ngồi Thiền, cầu nguyện, đi nhà thờ, đi chùa, làm việc từ thiện… Chính vì vậy mà đời sống tâm linh bị đứng ngay tại mức nhập môn, dù đã thực hành mấy mươi năm. (Xem “Không có từ tâm”). Tất cả các công thức đều giúp chúng ta lúc nhập môn. Nhưng tự chúng nó, chúng chẳng giúp ta đi được đâu xa cả. Vì cánh cửa tâm linh để liên kết với thế giới tâm linh đòi hỏi những điều cao hơn là công thức. Liên kết tâm linh đòi hỏi trái tim của thánh nhân.

Trái tim thánh nhân đòi hỏi chúng ta: Từ bi vô lượng, đến mức yêu thương tất cả mọi người, vô điều kiện. Yêu đến mức không còn phân biệt ngã nhân, không còn phân biệt ta người.

(Trái tim thánh nhân có nhiều đức hạnh khác như là khiêm tốn, tĩnh lặng, không sợ… Nhưng nếu ta chỉ thuần thục một hạnh, như “yêu người vô điều kiện”, tự nhiên ta sẽ có được những hạnh khác, vì tất cả các đức hạnh đều chỉ là hoa quả của một trái tim tinh khiết).

Và các bạn đừng sợ cụm từ “trái tim thánh nhân” vì các bạn nghĩ mình không là thánh nhân. Các bạn, thánh nhân là người thánh, chỉ là người như chúng ta nhưng coi như đã có đai đen vài ba đẳng. Nếu bạn đang là đai vàng thì cũng có lúc có được đai đen mà.

Các bạn, yêu mọi người vô điều kiện là yêu anh xích lô vô điều kiện, yêu người ăn mày vô điều kiện, yêu kẻ cướp ngu si vô điều kiện…

Bạn không thể yêu “loài người” mà thôi, loài người là một từ rất tổng quát và mơ hồ. Dù bạn yêu cả loài người, bạn vẫn cần yêu từng người trong loài người, cảm xúc với từng người trong loài người.

Và yêu là một cảm xúc trong tim – yêu ái, xót xa, tưởng nhớ, quan tâm… Bạn không thể nói yêu bằng miệng mà trái tim không rung động thực sự.

Một trái tim đầy yêu thương là trái tim đầy Thượng đế, trái tim của Phật.

Một trái tim yêu thương là trái tim vô ngã, không còn tôi, vì còn tôi thì bạn sẽ yêu tôi và rất khó để mà yêu mọi người vô điều kiện.

Thông thường người tu hành lâu năm có thể cầu nguyện thường xuyên với Chúa/Phật, nhưng lại nghĩ đến đồng loại như một danh từ trừu tượng, mà không thực sự yêu từng người, yêu từng người trong tâm tưởng như yêu người yêu, đến mức khiêm tốn như khiêm tốn với người yêu, đến mức không còn mình (vô ngã) đối với người yêu. Cho nên, cánh cửa tâm linh của họ không mở. Và dù danh xưng hay chức vị của họ cao đến mức nào, họ luôn luôn đứng ở mức nhập môn, chẳng hiểu được gì sâu sắc.

Tất cả mọi điều này dễ dàng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Yêu mọi người vô điều kiện khó nhưng mà dễ. Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến thế giới quanh ta, ta sẽ biết yêu thương mọi người vô điều kiện. Ai quanh ta cũng khổ, cũng bị ở trong vòng tham sân si ngã mạn.

Và khi trái tim bạn đã trưởng thành đến mức tiếp cận được với thế giới tâm linh rồi, thế giới tâm linh sẽ truyền thông (communicate) với bạn bằng ngôn ngữ văn hóa của bạn. Tức là, nếu bạn là người Công giáo, thế giới tâm linh là Chúa, Đức mẹ, các thánh. Nếu bạn là Phật giáo, đó là Phật bà Quan Âm, Phật Thích Ca, các Bồ tát, Không. Nếu bạn là Hồi giáo, đó là Allah, tiên tri Mohammad, các tiên tri Hồi giáo…

Các điều này bạn sẽ thấy rất rõ trong trái tim của bạn (Không nói đến một số ít trường hợp, có người thấy bằng mắt).

Thế giới tâm linh thường truyền thông với chúng ta qua ngôn ngữ văn hóa của ta. Ai đến với ta từ thế giới tâm linh không quan trọng, điều quan trọng là bạn biết trái tim đầy yêu thương của bạn đã đến mức hòa nhập với nguồn năng lượng tình yêu vô tận trong vũ trụ–bạn sẽ được vững mạnh, bình an, yêu thương, và trí tuệ.

Chúc các bạn luôn tinh tấn.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Liên kết với thế giới tâm linh”

  1. Em cảm ơn anh về những bài viết về tập trung vào “Yêu người vô điều kiện”, đây là con đường rất dễ hiểu, khó lạc đường, vừa rõ ràng từng bước trước mắt (yêu từng người cụ thể), vừa đạt đến đỉnh của con đường tu tâm khi “vượt qua phỏi tầng công thức, để đến tầng chứng ngộ”. Nhờ quán chiếu theo đường đó mà em dần hiểu được triết lý trong Phật giáo.

    Khi em quán về bước cuối cùng “chứng ngộ” hay “kết hợp làm một với nguồn năng lượng vĩ đại”, em thấy điều đó chỉ có khi không muốn có, chỉ nắm bắt được khi không muốn nắm bắt, mà là mở trái tim để cho nguồn năng lượng đó “chảy qua” người mình đến với xung quanh (làm theo thánh ý của Chúa theo ngôn ngữ Ki-tô).

    Em thấy rất kì thú khi nghĩ về bước này, vì nếu thực sự không muốn, không nghĩ đến nữa thì không thể biết là đã chứng ngộ hay chưa (lại càng không thể tự nói ra ^^), cho nên trong nhà Phật có một điều rất quan trọng là “ấn chứng” của thày, không chỉ là nghi lễ mà một điều logic suy ra từ lý thuyết (em vẫn duy lý và dựa vào công thức rất nhiều ạ).

    Em H

    Like

  2. Hường nói về “ấn chứng” rất hay và thú vị.

    Thực sự các bước như “chứng ngộ”, như Hường nói, chỉ là diễn tả lý thuyết. Hành giả đã đến mức đó rồi, thì chẳng còn mong cầu, chẳng còn chứng ngộ hay không (thường là chẳng còn gì cả), và chẳng cần thầy ấn chứng (vì thực ra thầy đôi khi cũng không biết).

    Nhưng sự thật là người quen quán sát tâm mình chính xác thường xuyên thì biết rất rõ chuyện gì xảy ra trong tim mình. Còn có nói ra hay không, thì thường là không, nhưng đôi khi các thày cũng nói vì nhu cầu giảng giải cho ai đó.

    Tại mức chứng ngộ, không có luật hành xử thế nào. Moi sự thường tùy theo nhu cầu, cơ duyên, vô ngã, vô trụ.

    Like

  3. Và yêu là một cảm xúc trong tim – yêu ái, xót xa, tưởng nhớ, quan tâm… Bạn không thể nói yêu bằng miệng mà trái tim không rung động thực sự.
    [/hết trích]

    em cám ơn anh. Em thấy là mình còn phải học nhiều nhiều và học dài dài nữa vì em còn lý thuyết quá.

    Like

  4. Trên đời này! Ko có gì là wan trọng, buôn xuống tất cả, sống một đời tĩnh lặng, ai làm gì mặc kệ, mặc kệ đời sẽ ra sao.

    Like

  5. Hi tttttttt,

    Câu này của em rất hay: Trên đời này! Ko có gì là wan trọng, buôn xuống tất cả, sống một đời tĩnh lặng.

    Câu này có nghĩa là em chưa hiểu: Ai làm gì mặc kệ, mặc kệ đời sẽ ra sao.

    Khi em đã thực hành tĩnh lặng đến mức, em sẽ có trái tim Bồ tát và sẽ không “mặc kệ” thế giới này.

    Like

  6. Cảm ơn câu trả lời của anh Hoành cho bạn ttttt !

    Chúc ttttt luôn được nhẹ nhàng trong tâm !

    Mình nghĩ, khi tâm ta đã buông xuống, không còn dính mắc gì cả, khi tâm ta đã trở nên nhẹ nhàng, thì cũng chính là lúc tâm ta nhạy cảm, nhiều cảm thông hơn, với người, với đời.

    Like

Leave a comment