Tâm linh thì được gì?

 

Đời sống tâm linh giúp gì ta trong cuộc sống?
Nguyễn Chí Thuận, kỹ sư vi tính, Hà Nội

Làm thế nào để cả đất nước có một đời sống
tâm linh thực sự lành mạnh?
Đào Thu Hằng, NCS Tiến sĩ, Portugal

Mình sống để làm gì? Hình như trong giới trẻ
bây giờ có nhiều người đang khủng hoảng về
lý tưởng sống, mục đích sống.
Vũ Hồng Châu, nội trợ, Genève, Suisse và Tp HCM.

 

Spirit of peaceMục đích chính của đời sống tâm linh là giúp cho trái tim của chúng ta tĩnh lặng và tinh khiết. Người có trái tim tĩnh lặng và tinh khiết thì không bị căng thẳng và stress làm mình mệt mỏi, luôn vui vẻ hạnh phúc, luôn khiêm tốn thành thật và yêu người cho nên được người yêu quý, và luôn suy nghĩ khôn ngoan do không bị xúc cảm sôi động làm méo mó suy nghĩ của mình.

Đời sống tâm linh sâu sắc là nền tảng của lãnh đạo. Tất cả mọi đặc tính của trái tim linh thiêng của ta đều là những đức tính cần thiết cho lãnh đạo. Thực hành đời sống tâm linh là xây dựng nền tảng của nghệ thuật lãnh đạo ở mức sâu sắc nhất.

Đời sống tâm linh giúp bạn dễ thành công ở đời dù bạn làm gì—dạy học, bác sĩ, luật sư, quản lý, mở công ty mới… vì bạn có căn bản lãnh đạo tốt.

Hơn thế nữa, đời sống tâm linh giúp bạn yêu người và yêu đời. Đây sẽ là đóng góp lớn nhất của bạn vào cuộc đời, vì người yêu người và yêu đời luôn làm cho người khác yêu người và yêu đời theo, và giúp cho thế giới có thêm người yêu người và yêu đời.

Nếu chúng ta muốn phát triển cộng đồng của ta, đất nước của ta, thế giới của ta, trước khi nói đến những định chế chính trị, những văn bản pháp lý, những công thức kinh tế, ta phải nói đến trái tim con người—ta cần người tích cực và yêu thương. Tất cả mọi hiến pháp, mọi luật lệ, mọi hiệp ước đều chẳng nghĩa lý gì nếu mọi người thi hành các thứ đó đều là người tư duy tiêu cực và hành động tội phạm. Căn bản phát triển quốc gia cũng như phát triển thế giới là những con người—con người yêu thương và tích cực. Đời sống đặt căn bản trên trái tim tĩnh lặng sẽ tạo ra những con người yêu thương và tích cực.

Đời sống tâm linh là đời sống phục vụ và xây dựng—phục vụ và xây dựng con người, phục vụ và xây dựng xã hội, phục vụ và xây dựng đất nước, phục vụ và xây dựng thế giới… Đó là đời sống tự nó có ý nghĩa. Người có đời sống tâm linh phong phú không hỏi: “Tôi sống để làm gì?”, vì họ luôn sống để phục vụ đồng bào của họ, xã hội của họ, đất nước của họ, thế giới của họ…

Nhiều người trẻ ngày nay lạc đường, không có lý tưởng sống, không biết mình sống làm gì, sống với mục đích gì, chính vì các bạn mất đời sống tâm linh.

Trong thời chiến tranh mọi người sống để phục vụ cho đấu tranh độc lập của tổ quốc, để đồng tâm hiệp ý với nhau và hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh đó. Đó là văn hóa tâm linh phục vụ. Chiến tranh xong, văn hóa đó không còn lý do để hiện diện. Nhiều người lớn lại trở thành hư hỏng, càng làm cho nhiều người trẻ bế tắc. Tuổi trẻ ngày nay, do đó, cần một văn hóa mới về yêu thương và phục vụ làm nền tảng. Văn hóa yêu thương và phục vụ đó đến từ một đời sống tâm linh sâu sắc. Người có lý tưởng yêu thương và phục vụ đồng bào và đất nước luôn luôn có định hướng và mục đích trong đời sống. Họ luôn thấy cuộc sống họ có ý nghĩa, dù họ làm gì.

Các chuyên gia về tâm linh, đại khái là các cán bộ và lãnh đạo các tôn giáo, cần chứng minh sự hiện diện của mình là cần thiết cho đời sống trần thế này, bằng cách chú trọng vào đời sống tâm linh của chính mình và của mọi người, nhất là của tuổi trẻ–chú trọng vào đào tạo những trái tim khiêm tốn, thành thật, yêu người và tĩnh lặng, hiến dâng cuộc đời mình cho tình yêu tuyệt đối của Chúa hay Phật của mình, và cho an bình và thịnh vượng của đồng bào mình, thay vì tạo chia rẽ, kiêu căng, cục bộ, để chính mình trở thành không cần thiết cho xã hội, hay tệ hơn nữa, trở thành sức ì cho sự phát triển con người và phát triển đất nước.

Các thầy cô trong các trường học các cấp cần nắm vững vai trò trồng người, trồng trái tim, của mình, để luôn nhắc nhở và làm gương cho sinh viên học sinh của mình về lý tưởng phục vụ cộng đồng, phục vụ đồng bào, phục vụ tổ quốc.

Đặc biệt là các bạn giới trẻ, các bạn cần chứng minh cho tất cả mọi người sự trưởng thành vượt bực của các bạn, thế hệ đầu tiên trong lịch sử có thể nhìn rộng ra thế giới chỉ trong vài giây đồng hồ với vài cái gõ của đầu ngón tay. Các bạn cần chứng minh với mọi người là các bạn có nhiều kiến thức sâu sắc bên cạnh các kiến thức kỹ thuật—các bạn hiểu tư duy tích cực, nắm vững teamwork, thấu hiểu thuật lãnh đạo, thấu hiểu văn hóa tâm linh làm nền cho lãnh đạo… Các bạn cần nắm vững các điều này, qua thực hành của các bạn, để các bạn có thể dạy lại học trò và các em trẻ tuổi hơn, thay vì chỉ có thể vào lớp để giảng mấy bài toán, mấy bài sinh học, mấy bài vi tính, và hoàn toàn vô dụng trong việc nuôi dưỡng trái tim con người.

Sự thật là ngày nay chúng ta không cần thầy, hay cần thầy rất ít, trong bất kì môn học nào, vì computer có thể làm hầu hết mọi việc mà một người thầy có thể làm, ngoại trừ việc đào tạo trái tim con người, vì đào tạo trái tim đòi hỏi 4 điều:

1. Một người thầy hiểu được những vấn đề sâu thẳm của trái tim con người,
2. Thầy đã có kinh nghiệm đào tạo chính trái tim của thầy,
3. Thầy biết cách chuyển tải kinh nghiệm đó,
4. Và thầy hiện diện để làm gương cho các trò.

Đây là loại giáo dục mà computer chẳng dự phần gì được (ngoại trừ việc chuyển các bài viết và lời nói đi xa), và một người thầy có khả năng là điều tất yếu.

Cho nên, khi các bạn nói “Tuổi trẻ hình như đang bị khủng hoảng về lý tưởng và mục đích sống”, thì bạn đang đứng ở vị thế của một người lớn hơn, hay ít nhất là hiểu biết hơn. Vậy thì bạn hãy là thầy. Hãy nắm vững những điều bạn nghĩ là tuổi trẻ cần nắm vững, rồi dạy lại cho họ.

Thiền tông Lục tổ Huệ Năng không biết đọc không biết viết, chỉ nghe người hàng xóm đọc Kinh Kim Cang, mà ngộ đạo và trở thành tổ sư lớn của Thiền tông đại thừa. Cho nên không khó để mỗi người chúng ta cố gắng thành thầy cho người khác, đặc biệt là những người trẻ hơn. Chẳng có gì là khó hiểu, khó học. Chỉ cần kỷ luật sống. Mọi người thích nói, nhưng không thích tự kỷ luật. Ta có thể tự kỷ luật, để có thể là thầy không?

Chúc các bạn luôn dũng tiến.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Tâm linh thì được gì?”

  1. Cám ơn anh Hoành. Cách tiếp cận khái niệm “tâm linh” của anh rất đời thường, rất thực tế.

    Em cũng luôn nghĩ dù mình theo đạo nào thì cũng phải hành đạo cho hợp lẽ đời, và sống ở đời như thế nào cho phải lẽ đạo. Em thì hiểu tâm linh là như vậy, nghĩa là tâm linh như một cái cầu bắc giữa Đời và Đạo vậy.

    Like

  2. Hãy thường xuyên chú ý đến Tâm.

    Vì “Nói, làm với ý chẳng hiền. Bánh xe, bò kéo, khổ liền theo sau!

    Và: “Nói, làm với ý tốt hiền. Như hình dọi bóng, vui liền theo sau!

    Xin ghi lại lời dạy giản dị của Phật, sau khi đọc “Tâm linh thì được gì?”

    Không ít người đặt tiền bạc và của cải vật chất lên trên hết, rồi đến thân, và cuối cùng là tâm!

    Like

  3. Bạn Mạnh Cường nói đúng. Mình đã đọc đâu đó câu thơ: “Đạo luôn ở trong Đời – Không lìa Đời mà có – Bỏ Đời đi tìm Đạo – Như tìm sừng con thỏ”.

    Like

  4. Một bài viết về tâm linh rõ ràng nhất mà em từng thấy 🙂
    Em cảm ơn anh Hoành 🙂

    Like

  5. Em cám ơn anh. Đúng là một đời sống tâm linh vững vàng là câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Sống để làm gì?”. Câu hỏi này, đằng sau 1 bề mặt luận lý của nó, là một sự chới với và trống rỗng trong tâm hồn.

    Một đời sống tâm linh vững vàng hơn đã giúp em xóa khỏi từ điển của mình một mớ khái niệm như “thất bại”, “khổ đau”, “tuyệt vọng”, “cay đắng”, … – và một số khái niệm mà em không nhớ ra nữa. 🙂

    Liked by 1 person

Leave a comment