Đèn bão

Chào các bạn,

Người đi sông đi biển ban đêm thường treo một ngọn đèn bão trước khoang thuyền. Chiếc đèn dầu vàng vọt, lắc lư ngã nghiêng theo sóng nước. Và khi gặp bão, giữa những ngọn sóng gầm thét ào ạt, những cơn cuồng phong thác lũ, đèn cũng bị mưa sa gió tát nhồi dập cuồn cuộn theo thuyền. Ngọn sáng mờ mờ yếu ớt chập chờn chơi vơi ngã nghiêng giữa gió nước bão tố mênh mông.

Nhưng,
Đèn không bao giờ tắt!

Chỉ một chụp đèn tròn trịa bao bọc tim đèn kín mít, là ngọn đèn bé bỏng yếu ớt của ta, sống và sáng qua mọi con bão. Một phát minh giản dị và kỳ diệu!

Trái tim của chúng ta cũng thế.

Nó nhỏ bé, yếu đuối, ngã nghiêng trước những cuộc bão đời.

Nhưng nó sẽ không bao giờ ngừng tỏa sáng nếu nó được bảo vệ bởi một chụp đèn kín mít.

Đó là vòng chụp tư duy tích cực.

Trái tim ta không thể tỏa sáng trong cơn bão nếu ta không thường trực có một bóng đèn tư duy tích cực bao phủ trái tim thường trực.

Chúc các bạn một ngày tỏa sáng.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

14 thoughts on “Đèn bão”

  1. Hi anh,

    Anh đúng là một nghệ nhân làm, “đèn tư duy tích cực”:). Em cảm ơn anh nhiều ạ!
    Chúc anh có nhiều sức khỏe để có thể nắp được nhiều “đèn” hơn nữa cho mọi người!

    Em Thuận.

    Like

  2. Cám ơn anh Hoành! Em đọc bài viết của anh và tự dưng nhớ lại câu ” Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng / Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn / Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn / Cớ sao trăng lại chịu luồn đám mây?!”

    Phải chăng không có cái gì là hoàn hảo mọi lúc, mọi nơi?!

    Phải chăng luôn luôn sẽ có biện pháp khắc phục cho cái không hoàn hảo đó, ví như, cái chụp đèn!

    Phải chăng trái tim ta có lúc mềm lúc cứng, và sự hiểu biết sẽ giúp cân bằng con tim?!

    Like

  3. Hi Tùng,

    Tùy theo em hiểu mềm cứng là gì. Cứng là dao kề cổ cũng không sợ; và mềm là lễ độ với người nhỏ hơn mình 10 tuổi. Hay, mềm là sợ hãi run cầm cập, và cứng là như du đãng đang chém nhau?

    Mềm cứng vì thế là một khái niệm nguy hiểm cho người tu tập. Nó làm cho người ta đi lạc thường xuyên.

    Trái tim không phân đôi. Nó chì có một. Tĩnh lặng. Trái tim LUÔN tĩnh lặng. Và nó làm điều gì nó phải làm lúc nó phải làm–chiến đấu hay ôm ấp vỗ về.

    Like

  4. Anh Hoành à, (cho phép em gọi anh như thế, vì em đối với anh là lạ, nhưng anh đối với em là đã quá đỗi thân quen), vẫn biết khen anh là thừa, nhưng đúng là em thích câu này quá: “Trái tim không phân đôi. Nó chì có một. Tĩnh lặng. Trái tim LUÔN tĩnh lặng. Và nó làm điều gì nó phải làm lúc nó phải làm–chiến đấu hay ôm ấp vỗ về.”

    Cám ơn anh!

    Khi nói về trái tim, người còn quá non nớt, như em, thường chỉ nghĩ đến yêu thương giận hờn. Mềm là dễ xuôi lòng, cứng lại là lúc quá khô khan. Và bây giờ, em hiểu, cần phải có một trái tim TĨNH LẶNG!

    Like

  5. Hi cả nhà.
    Em nghi trái tim không tĩnh lặng. Sẽ cần tĩnh lặng và sẽ cần đập dồn dập khi cần thiết. Và đôi khi chỉ là hơi rung động.

    Like

  6. Mình thích câu kết”Trái tim ta không thể tỏa sáng trong cơn bão nếu ta không thường trực có một bóng đèn tư duy tích cực bao phủ trái tim thường trực”

    Like

  7. Hi anh,
    Cảm ơn anh vì bài viết. Em vô tình tách cái chụp đèn và ngọn đèn phía trong ra, và ở mức độ hiểu biết của em thì trách nhiệm của chúng ta là phải nuôi chụp đèn, bền bỉ theo thời gian, trước mọi thách thức, còn với chính cái ngọn đèn bên trong, thì những điều gì là cần thiết nhất, để nó bền bỉ cháy, và cháy tốt nhất vậy anh? Điều gì khác biệt trong cách nuôi chúng?
    Chúc anh một ngày vui!

    Like

  8. Hi Thắng,

    Câu hỏi của em rất hay. Điều gì làm năng lượng cho trái tim ta cháy mãi không ngừng?

    Tình yêu. Chỉ có tình yêu là có thể làm cho trái tim cháy sáng. Và đó là yêu người, yêu tất cả mọi người, vô điều kiện, vì chỉ có thế thì trái tim mới có thể cháy mãi không bao giờ ngừng cháy.

    Những loại năng lượng khác cho trái tim cũng có thể cháy sáng, nhưng chắc là không bền bỉ như tình yêu vô điều kiện.

    Like

Leave a comment