Đời sống tâm linh là nền tảng của tư duy tích cực

Chào các bạn,

Chúng ta dùng đời sống tâm linh làm nền tảng tối hậu cho tư duy tích cực. Câu hỏi là “tại sao ?” Bài nầy để trả lời câu hỏi đó.

Trước hết, chúng ta dùng từ “tâm linh” để chỉ “các vấn đề sâu thẳm của con tim”, sâu hơn luận lý dù vẫn có luận lý, sâu hơn tình cảm dù vẫn có nhiều tình cảm, sâu hơn triết lý dù có rất nhiều triết lý, bao gồm thêm điều chúng ta cảm nhận trong lòng mà con người qua nhiều niên đại đã dùng các từ quen thuộc để diễn tả, như là “tiếng nói của thượng đế trong lòng ta” hay “tiếng nói của tĩnh lặng” hay “tiếng nói sâu thẳm của con tim”…

“Tâm linh” bao gồm tất cả kiến thức và cảm xúc của con người qua luận lý, tình cảm, triết lý, và các cảm nhận mà ta tạm gọi là “ngoại cảm” vì nó khác hẳn mọi thứ khác.

Các tôn giáo thường lấy tâm linh làm căn bản, nhưng tâm linh không là tôn giáo. Tôn giáo là một đoàn thể nhiều người với những lề lối riêng của họ để khám phá và phát triển đời sống tâm linh của họ, cộng với đủ thứ khác—như tiền bạc, chính trị, v.v… Nhưng tâm linh có mặt trong mỗi người, trước khi có tôn giáo.

Dù vậy tôn giáo, nhất là các tôn giáo đã tồn tại với thử thách của thời gian qua nhiều ngàn năm, thường có nhiều kiến thức về khám phá và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Mỗi tôn giáo có những từ ngữ và phương thức hơi khác nhau, nhưng nếu nghiên cứu kỹ ta sẽ thấy, chúng đều nhằm khám phá chiều sâu của con tim của mỗi chúng ta.

Và ngoài tôn giáo ra, chẳng có môn học nào dạy khám phá tâm linh của ta cả.

Đó là tại sao ta dùng các cổ thư của các tôn giáo lớn để khám phá đời sống tâm linh của ta. Và trong khung cảnh Việt Nam, ta dùng hai truyền thống cổ đại của thế giới có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam ngày nay là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Đó là tại sao ta chú tâm đến các kiến thức từ Phật pháp và Thánh Kinh.

Trở lại với câu hỏi “Nhưng sao ta phải có tâm linh cho tư duy tích cực ?”

Thưa, vì chỉ có tâm linh mới thực sự cho ta tư duy tích cực.

Ta nói ta phải tin vào chính mình, phải tin là ta sẽ thắng. Nói thì dễ, nhưng nếu bạn đã và đang bị những cơn bão đời nhồi đập bạn cả 25 năm trong đời bạn và chẳng thấy ánh sáng le lói nào ở cuối đường hầm, thì làm sao bạn tin được là bạn sẽ hết bão, sẽ thắng, sẽ làm được gì đó có ý ‎ nghĩa trong đời? Bao nhiêu người trên thế giới làm được việc đó?

Ai cũng biết là nếu mọi người trên thế giới yêu nhau hết thì thế giới sẽ hòa bình. Nhưng làm sao ta có thể yêu mọi người khi thế giới có quá nhiều người làm nhiều chuyện rất điên rồ?

Nếu chúng ta không tin vào một năng lực, một quy luật, một cái gì đó cao hơn con người, chi phối đời sống con người một cách nào đó, thì ta không đủ sức mạnh để tin là cơn bão 25 năm của mình sẽ hết và mình sẽ khá. Hay, yêu mọi người kể cả những người “xấu”. Nếu có ai làm được các chuyện này trong khi họ chẳng quan tâm một tí nào về đời sống tâm linh của họ, thì đó là chuyện rất lạ thường. Không có đời sống tâm linh, con người thường xử với nhau thuần túy theo kiểu cá lớn nuốt cá bé.

Ai cũng có thể chiu cực khổ được nếu họ tin rằng có một thượng đế yêu thương và chăm sóc họ dù họ chẳng hiểu tại sao họ đang bị khổ, hay là cực khổ của họ chỉ là duyên nghiệp cũ và họ có thể thay đổi nó bằng cách tạo ra các duyên nghiệp mới. Hay yêu mọi người kể cả người xấu vì “thượng đế muốn tôi làm thế”, hay vì “gieo hạt tốt thì nhất định phải có quả tốt” dù mình không thấy được trước mắt, hay vì “trời phật biết là đủ.”

Tư duy tích cực không hiện diện được trong một người với đời sống tâm linh rất hời hợt. Họ có thể rất “tích cực” đến một mức nào đó, gặp trường hợp khó khăn hơn, áp lực hơn, họ bó tay.

Mà tư duy tích cực là vũ khí của thành công. Ở đời chỉ có hai loại người—tích cực và thành công; tiêu cực và thất bại.

Chúng ta muốn thành công, cho chính ta, cho anh em ta, và cho tổ quốc ta. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn truyền dạy tư duy tích cực, và nhắc nhở nhau huấn luyện con tim sâu thẳm của mình.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment