Muốn được khen

Chào các bạn,

Hôm qua ta bàn về việc khen người khác, hôm nay ta bàn về việc được người khác khen. Có lẽ chúng ta thường nghĩ rằng cả hai điều này chỉ là hai mặt của một đồng xu, nhưng thật ra thì không hẳn thế. Thông thường, ta không khen người nhưng lại cứ muốn người khen ta; đó chỉ là đường một chiều. 😦 Hoặc là ta khen người để được người khen ta lại; đó là đường hai chiều thuộc khu phố thương mãi. Con đường mà ta muốn đi là, ta khen bạn vì thực sự trong lòng thích khen bạn và muốn bạn vui, không khen vì mong cầu được khen lại. Đây là đường một chiều trong tâm, nhưng hai chiều trong thực tế.

Không chịu khen người nhưng cứ mong được người khen, thì “không tưởng” quá rồi. Không thể xảy ra được. Nếu bạn cả đời không khen ai, mở miệng thì chê hết người này đến người khác, bỗng nhiên có một cậu đến, tối ngày khen tặng tâng bốc bạn, thì có lẽ là bạn nên thầm hỏi tại sao.

Đằng khác, khen người để mong được người khen lại, hay để mong được cái gì đó từ người, thì đó là buôn bán. Đây là tính toán “có qua có lại.” Cũng công bình thôi. Nếu bạn khen thành thật, thì cũng được, nhưng e rằng hơi thiếu chiều sâu. Điểm yếu của chính sách thương mại này là, bạn sẽ không có được nội lực xuất phát từ tâm. Bạn có thể làm thương mãi được, nhưng không thể có bạn thân cách này. Vì tình thân chỉ có thể xảy ra giữa những quả tim rung động thật với nhau. Có nghĩa là sao? Có nghĩa là bạn có thể có “triệu người quen, chẳng mấy người thân.” Đó là một thế giới rất băng giá! Và trong trường kỳ, cơ hội thành công lớn cũng thấp, vì thông thường là ở cấp rất cao trong thế giới thương mãi cũng như thế giới chính trị, người ta thường tìm bạn bè thân để làm việc với nhau.

Bạn tôi
Bạn tôi

Khen người thật lòng nhưng không mong cầu được người khen lại. Đây có vẻ như là lối sống của thánh nhân, nhưng bạn đừng vội phàn nàn (“Trời ơi, ông ơi, tui đâu có muốn làm thánh. Tui còn đủ hỉ nộ ái ố bi lạc dục và còn muốn dancing và enjoy đời mà. Ông đừng biểu tui đi tu, tội nghiệp tui lắm”). Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Trong liên hệ con người, “bất chiến tự nhiên thành” gần như là quy luật bất di bất dịch. Hôm qua chúng ta có nói, người bán hàng không có chiều sâu cứ dùng mọi thủ thuật hời hợt để bán cho được hàng thì có lẽ là không bán được. Nhưng nếu cứ tận tâm phục vụ khách hàng nhiệt tình, như một người bạn tốt, mà không cần biết là người ấy sẽ mua hay không, thì mọi người sẽ đến mua hàng nhiều hơn. “Không đánh mà tự nhiên thắng” là vậy. Ai trong chúng ta cũng biết lý lẽ này.

Liên hệ con người thường như thế. Nếu ta hành động chỉ vì người, và không vì chính ta, thì mọi người tự nhiên muốn đến với ta. Mình gọi đây là quy luật “Cánh đồng trống.” Lòng ta là một cánh đồng, nếu cánh đồng không có một hòn đá “tôi” to như quả núi đè mất, thì chim chóc sẽ về tràn ngập cánh đồng xanh. Khen người chỉ vì ta quý người và muốn người vui, mà không mong cầu gì cho ta (ngoài việc ta vui vì đã làm người vui), thì tự nhiên là sẽ có nhiều bạn bè thân thiết, và cơ hội thành công lớn trong đời cứ như vậy mà tăng theo. Đó là tại sao mà mình nói bên trên: “Đây là đường một chiều trong tâm, nhưng hai chiều trong thực tế.”

Điều này nói thì dễ, làm thì khó. Vì chúng ta đã quen suy nghĩ về “tôi, tôi, và tôi” nhiều quá, nhất là trong thế giới làm ăn, cho nên ta cần có kỷ luật một tí để tập thói quen chú tâm đến cái hay cái đẹp và cái an vui của người khác trong liên hệ hằng ngày. Quy luật “cánh đồng trống” đúng ngay cả trong thương mãi. Thương mãi cũng chỉ là liên hệ con người như bao nhiêu loại liên hệ khác. Nếu ta cho rằng liên hệ thương mãi đòi hỏi ta phải ích kỷ và chụp giật, thì rõ ràng là ta chưa nắm vững được bản chất của thương mãi cũng như bản chất con người. Một điều khó khăn khác là, quy luật “cánh đồng xanh” đòi một tí kiên nhẫn. Phần thưởng sẽ đến từ từ–chậm nhưng chắc. Vì đây không phải là quy luật “tiền trao cháo múc”, cho nên bạn cần kiên nhẫn một tí. Nhưng không sao, vì khi áp dụng quy luật này, bạn đâu có mong cầu gì cho mình, phải không? Mà đã không mong cầu là thừa kiên nhẫn.

Điều cuối cùng ta cần nắm vững là, nếu ta cứ muốn được người khen thì ta sẽ rất chơi vơi và nhiều stress. Chơi vơi vì cứ phải cố làm cái gì đó để hằng trăm hằng nghìn người quanh ta thích thú khen ngợi. Mà mỗi người một ý. Chạy theo ý muốn của một nghìn người, đương nhiên là phải nhảy choi choi như con lật đật chơi vơi trên mặt nước. Và như vậy thì nhất định là sẽ rất nhiều stress. Mà stress thường phá vỡ mọi thứ, từ sức khỏe, đến công việc.

Nắm vững các quy luật liên hệ con người. Cứ từ tốn làm việc, và kiên nhẫn một tí. Kết quả sẽ đến nhanh hơn bạn nghĩ. Có lẽ bạn đã nghe, hoặc qua tiểu thuyết hoặc qua chuyện có thật, rất nhiều người than trước khi nhắm mắt: “Cả đời tôi không có được một người thân.” Bạn có bao giờ thắc mắc về câu đó không? Sống mấy mươi năm trong một thế giới mấy tỉ người mà lại không có được một người thân. Sao vậy? Đó không phải là một bi kịch sao?

Chúc các bạn một ngày vui vẻ,

Mến,

Hoành

Bài này đã được đăng trên ĐCN ngày 18-2-2009.

Bài cùng chuỗi:
Khen
Muốn đươc khen
.
© copyright 2024
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment