Ông Saadi Salama – Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Một người Việt Nam, quê “Hà Nội” và là “giai phố cổ”

DV – tháng 5/2023

Ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Một người Việt Nam, "quê" ở Hà Nội và là "giai phố cổ" - Ảnh 1.

Đại sứ Saadi Salama kính mến, tôi rất tò mò, cơ duyên nào đã thôi thúc chàng thanh Palestine 19 tuổi vượt ngàn dặm xa xôi tới học tập tại một quốc gia đang nhọc nhằn vật lộn với những khó khăn của một nền kinh tế bao cấp, vào 43 năm trước?

– Câu hỏi của nhà báo khiến tôi nghĩ ngay đến khái niệm rất thú vị của người Việt: “cơ duyên”. Ở góc độ ngôn ngữ, khái niệm ấy rất khó dịch ra tiếng Anh. Cơ duyên giống như “số phận”, nhưng có chiều sâu văn hóa hơn từ này rất nhiều. Trong tâm thức người Việt, sự gặp gỡ tốt lành giữa mỗi cá nhân với một chuỗi sự kiện trong cuộc đời không chỉ là sự sắp đặt của số phận, thuộc về những yếu tố sâu xa vô hình, thậm chí là có chút tâm linh, mà còn là sự tương hợp về tinh thần, tâm cảm của con người với cuộc sống.

Nhìn lại, tôi luôn cảm ơn cơ duyên đã đưa mình tới Việt Nam, cũng như đã biến hai chữ Việt Nam trở thành một phần quan trọng nhất trong cuộc đời của một chàng trai Palestine. Vì là cơ duyên, nên dù xa Việt Nam 5 năm hay 17 năm như đã từng xa, vùng đất ấy vẫn luôn được tôi đặt ở một vị trí thiêng liêng trong tâm khảm.

Trở lại câu hỏi, từ khi còn là cậu học sinh 10 tuổi ở Palestine, tôi đã rất quan tâm đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nên hay chú ý tìm hiểu về Việt Nam qua truyền hình, sách, báo.

Tôi nhớ rất rõ cảm xúc phẫn nộ khi được biết về chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ ồ ạt tiến công trên toàn bộ miền Bắc (Việt Nam). Đến khi Việt Nam giành thắng lợi, hoàn toàn thống nhất đất nước vào năm 1975, không chỉ cá nhân tôi, mà nhân dân Palestine đều vui mừng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập của Sài Gòn nay là TP.HCM.

Chúng tôi coi những thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của chính mình, bởi vì thắng lợi đó biểu trưng cho một nền độc lập, tự do và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Palestine. Mặc dù chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đã ở trong trái tim tôi từ những ngày đó.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã chọn Việt Nam và theo học về lịch sử, văn hóa Việt Nam bởi sự khao khát được hiểu về tư duy, tính cách, ý chí và nhân phẩm của một dân tộc đã tiến hành những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong lịch sử, luôn hướng tới một nền độc lập và hòa bình.

Dần dần, tôi trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi vào sâu bên trong trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi, trở thành quê hương thứ hai của tôi, không khác gì đất nước Palestine.

Bằng sự chân thành, yêu thương và thấu hiểu về Hà thành, về dân tộc Việt Nam, ông nhận thấy quê hương thứ hai của mình đã thay đổi ra sao trong 43 năm qua, kể từ khi chàng thanh niên Palestine lần đầu gp g?

– Lần đầu đến Việt Nam năm 1980, tôi thấy Thủ đô Hà Nội rất xinh đẹp, hiền hoà, yên bình, nhưng cũng cảm nhận được, nhân dân Việt Nam sống vất vả. Phương tiện chủ yếu là xe đạp, nhà cao nhất không quá 5 tầng.

Bây giờ, Hà Nội là một thành phố năng động, có tốc độ phát triển cao và quy mô lớn hơn trước rất nhiều về cả diện tích và dân số. Tôi nằm trong số 1,5 triệu người dân sống tại Hà Nội đầu thập niên 1980 và may mắn chứng kiến những đổi thay của thành phố này ở mọi bước ngoặt quan trọng nhất suốt hơn bốn mươi năm qua. Bởi thế, tôi luôn nhìn Hà Nội với hai cảm xúc, niềm vui về sự đổi mới của một Hà Nội hiện đại và chút luyến tiếc, hoài niệm khi những đường nét cũ đang dần mất đi.

Hà Nội của thế kỷ XXI là một Hà Nội đa sắc màu, muôn hình muôn vẻ. Đây là Thủ đô và cũng là trung tâm kinh tế phía Bắc của một Việt Nam đang liên tục đạt được những thành công trên lộ trình phát triển kinh tế và khẳng định vị thế quốc gia. Từ đất nước phải nhập gạo của nước ngoài, chủ yếu là gạo Ấn Độ với 5% tấm, những năm 1980. Việt Nam giờ có khi là thứ nhất, có khi là thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, tùy thuộc vào mùa vụ và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh toàn cầu khi xuất khẩu nhiều hải sản, nông sản nhất thế giới, nếu nhìn về cà phê, điều, hồ tiêu… Đó rõ ràng là sự thành công rất rực rỡ.

Cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu chế xuất… nối nhau mọc lên ở khắp mọi nơi. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài liên tục đổ về đây, gắn với hàng loạt tên tuổi lớn của các ngành công nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Đức, Pháp… Như một thống kê mà tôi được đọc, trong 32 năm kể từ 1988, Việt Nam đã hút về khoảng ba mươi ngàn dự án lớn nhỏ. Trong đó, cột mốc đáng kể đến vào năm 2017 khi Việt Nam vượt qua các quốc gia Đông Nam Á khác để đạt kỷ lục thu hút nguồn vốn FDI lên tới 36 tỷ USD.

Chỉ trong 37 năm đổi mới từ năm 1986 đến nay, mà Việt Nam đã có những thành quả đó. Nếu nhìn ra, so sánh với những quốc gia mà tôi đã từng làm, từng sống ở đó như Ghana, Yemen và một số quốc gia khác ở châu Phi, thì rõ ràng sự thành công, những thành quả của Việt Nam đã đi xa hơn rất nhiều.

Nếu phải lựa chọn một câu duy nhất để nói về sự thay đổi ấy, tôi sẽ nói rằng Việt Nam thay đổi với tốc độ ngoài sức tưởng tượng! Tôi có thể khẳng định với tất cả bạn bè nước ngoài và các bạn Việt Nam rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã có những bước phát triển đáng kể, mà tôi đã viết hẳn cuốn sách “Câu chuyện Việt Nam của tôi” vừa in xong quý I/2023.

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, làm thế nào ông có thể sở hữu “kỹ nghệ” phát âm chuẩn như tiếng mẹ đẻ và cả thứ tiếng Việt tinh tế, tràn ngập cảm xúc như hiện tại?

– Với tôi, tiếng Việt là tâm hồn, là trí tuệ, là cốt cách của một dân tộc từng chịu đựng nhiều khổ đau nhưng luôn kiên cường và bất khuất. Mục đích của tôi khi đến Hà Nội, đến khoa tiếng Việt của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1980) là để học tiếng Việt thật giỏi, để biết rõ, hiểu rõ về lịch sử, văn hóa của một dân tộc từng làm chấn động địa cầu với những chiến thắng lẫy lừng năm châu. Động cơ đó đã tạo nên niềm say mê và miệt mài học tập trong tôi.

Ban đầu, mục tiêu của tôi đến Việt Nam không phải là để trở thành Đại sứ. Điều đó là một cơ duyên và công việc Đại sứ đã chọn tôi. Trước đây, tôi rất thích trở thành nhà báo, thích khám phá, tìm hiểu văn hóa. Chính dân tộc Việt Nam đầy khác biệt và quyến rũ đã khiến tôi bị cuốn hút. Và tôi nhận thấy, người Việt Nam là kiến trúc sư của mọi thắng lợi. Tôi thực sự bị mê hoặc bởi thái độ, cách suy nghĩ, phong cách, cách sống và cuộc sống nề nếp của người Việt. Tất cả thôi thúc tôi phải tìm hiểu và tìm hiểu thật sâu sắc, phải đi đến tận cùng để trả lời mọi thắc mắc, nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của bản thân.

Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về điều khiến một người đàn ông Palestine, một nhà ngoại giao kỳ cựu ngưỡng mộ và quý mến nhất ở những con người Việt Nam?

– Người dân Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào to lớn về lịch sử của đất nước mình và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ. Tôi nhớ rất rõ, đầu năm 2018, bóng đá Việt Nam tạo được kỳ tích đặc biệt tại giải vô địch châu Á dành cho lứa tuổi dưới 23. Những đêm đó, mọi con đường của Hà Nội tràn ngập một màu đỏ. Từ già tới trẻ, từ những người bình thường tới các lãnh đạo cấp cao, người Hà Nội đổ xuống đường với băng rôn, áo đỏ và lá cờ tổ quốc trên tay. Một cách tự nhiên, biển người ấy phất cờ, hát quốc ca và hồ hởi reo vang hai chữ Việt Nam. Khu vực gần hồ Gươm nơi tôi ở rộn rã suốt đêm vì sự cuồng nhiệt ấy…

Tôi hiểu sự cuồng nhiệt ấy. Chỉ là một môn thể thao, nhưng đằng sau chiến thắng của bóng đá Việt Nam lại là khát vọng được khẳng định mình của cả một dân tộc.

Và trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh và khoảnh khắc đầy xúc động của người Việt Nam trong bệnh dịch. Ở đó, những điều tưởng như có thể bị cuốn đi theo những lo toan của cuộc sống thường nhật bỗng được đề cao và trở thành trọng yếu như phẩm giá con người và trách nhiệm với cộng đồng. Đối với tôi, Việt Nam là một quốc gia đáng đến và đáng sống.

Ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Một người Việt Nam, "quê" ở Hà Nội và là "giai phố cổ" - Ảnh 6.

Cảm ơn Đại sứ rất nhiều! Ngay lúc này đây, tôi đang vô cùng xúc động khi thấy đồng bào của mình, đất nước của mình vĩ đại hơn, đẹp hơn qua con mắt tinh tường của ông. Tôi được biết, vợ ông là người Việt Nam, bà đã sinh cho ông 4 người con giỏi giang, thành đạt?

– Đó cũng là điều tôi không thể ngờ nhất trong cuộc đời mình. Tôi kết hôn khi mới 23 tuổi với một cô gái Hà thành nền nã, đoan trang và một “tình yêu sét đánh” đủ độ chín.

Chàng rể Việt Nam – mấy từ ngắn gọn ấy đã đưa cuộc đời tôi sang một trang mới. Mảnh đất hình chữ S, nơi tôi hướng tới trong suốt những năm tuổi thơ, giờ đây đã thực sự trở thành quê hương của tôi, là tổ quốc thứ hai. Thêm nữa, như câu “nhập gia tùy tục” của Việt Nam, tôi sẽ phải học cách sống để người dân nơi đây chấp nhận mình như một người bản địa. Một người khách đến từ phương xa có thể được thông cảm nếu vô tình thất lễ, nhưng sự trông đợi dành cho một chàng rể Việt Nam tất nhiên sẽ khác.

Giờ tôi đã có “khối tài sản ròng” gồm 1 vợ và 4 con đã thành đạt. Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy! Nhưng, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt. Vì chúng tôi hiểu là con đường của chúng tôi còn dài. Tôi nghĩ rằng, Palestine cần có nhiều dân số để phục vụ cho nhu cầu của đất nước mình.

Đó quả là một câu chuyện tình yêu với cái kết mĩ mãn! Vậy sau khi kết hôn, gia đình ông duy trì các phong tục của Palestine hay Việt Nam?

– Vợ tôi, một phụ nữ Hà Nội xưa, chịu thương, chịu khó, chăm lo cho gia đình, đã giúp các con hiểu được văn hóa truyền thống của Việt Nam và Palestine. Tôi thường giới thiệu với bạn bè đây là tinh hoa của quan hệ thông gia giữa Palestine – Việt Nam. Nói cách khác thì hai đất nước đã kết mối nhân duyên cho vợ chồng tôi.

Các con tôi rất tự hào về hai quốc gia cùng sinh ra chúng và chúng có thể lồng ghép hài hòa, khéo léo giữa phong tục tập quán của Palestine và Việt Nam để trở thành những công dân toàn cầu.

Thế còn điểm khác biệt trong văn hóa gia đình Palestine và Việt Nam thì sao, thưa ông?

– Điểm khác biệt rất rõ mà tôi nhận thấy là ở Việt Nam, người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.

Tôi rất thích đi chợ. Gần nhà tôi có chợ Hôm và không tuần nào tôi không tới đó. Tôi nhấn mạnh là đi chợ nhé! Rất hiếm khi tôi vào siêu thị. Tôi đi chợ không chỉ để mua sắm mà còn để tìm hiểu, tiếp xúc và nói chuyện với những người bán hàng. Bật mí với nhà báo, tôi là khách quen của rất nhiều người bán hàng ở chợ Hôm. Họ luôn để dành và chọn cho tôi những thực phẩm chất lượng nhất, với giá hợp lý.

Ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Một người Việt Nam, "quê" ở Hà Nội và là "giai phố cổ" - Ảnh 9.

– Tôi chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, vì tôi muốn giới thiệu ẩm thực Palestine cho họ. Còn khi không có khách, chủ yếu tôi nấu và gia đình tôi ăn món Việt Nam. Món ăn Palestine cũng rất ngon, tôi cũng rất thích, nhưng chúng không tốt cho sức khỏe bằng những món ăn của Việt Nam.

Cá nhân tôi rất thích ăn những món bún, miến, đặc biệt là phở Việt Nam. Hằng tuần, ít nhất tôi phải dùng một tô phở bò hoặc phở gà, không thì không chịu được.

Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, người dân và du khách muốn ăn món gì cũng có, cả ẩm thực Việt Nam và thế giới. Điều đó làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thật tuyệt vời và hiếm người nước ngoài nào sinh sống ở đây cảm thấy không hài lòng vì đồ ăn.

Là một người Việt Nam, quê ở Hà Nội và là “giai phố cổ“, còn điều gì ông trăn trở và mong muốn sớm được cải thiện ở quê hương thứ hai của mình?

– Điều khiến tôi cảm thấy buồn nhất là nhiều cơ quan Việt Nam vẫn chọn lựa nhân sự theo góc độ tình cảm nên mới có chuyện con ông cháu cha. Hay trong nhiều lĩnh vực, cách xử lý công việc bị chi phối bởi lối nghĩ “nhất thân nhì quen”. Vào bệnh viện, tới trường học, đi nộp thuế hay phải làm việc với chính quyền, người ta đều tìm cách tận dụng tối đa những mối quan hệ quen biết của mình để được ưu tiên. Không quen biết thì một giải pháp quen thuộc sẽ được áp dụng là dùng phong bì. Thành ra trong tiếng Việt mới có cụm từ: “văn hóa phong bì”.

Chưa bao giờ tôi thấy việc đưa phong bì (tất nhiên, bên trong có kèm tiền) tại Việt Nam lại phát triển đến thế. Dường như, gắn với mọi lời cảm ơn trong bối cảnh hiện tại, phong bì sẽ là thứ đầu tiên xuất hiện. Trong bệnh viện, người nhà bệnh nhân tìm cách đưa phong bì cho bác sĩ trước khi mổ. Cuối năm học, phụ huynh học sinh cùng nhau gửi phong bì tới giáo viên để cảm ơn việc đã dạy dỗ con mình. Đến dịp lễ tết, trong gói quà mang tới tặng lãnh đạo của các nhân viên, phong bì gần như là thứ đương nhiên. Thậm chí, trong dịp sinh nhật, phong bì cũng đã được sử dụng, thay cho những món quà được lựa chọn cẩn thận để dành tặng nhau…

Bản thân tôi không thích lắm với sự thay đổi này. Nếu có thể tôi vẫn lựa chọn việc mua quà thay vì một chiếc phong bì đơn giản. Nhưng như câu “nhập gia tùy tục” của người Việt, trong nhiều trường hợp mà điển hình là khi tới dự đám cưới hoặc lễ tang, tôi vẫn sử dụng giải pháp ấy.

Tôi hiểu đó là những vấn đề phát sinh trong một giai đoạn chuyển mình của xã hội, với nhịp sống ngày càng trở nên gấp gáp và hối hả. Nhưng trong tương lai, mọi thứ có lẽ nên thay đổi, để tinh hoa trong cách sống được bảo tồn và gìn giữ thay vì bị bào mòn bởi những thói quen tiện dụng.

Ở góc độ kinh tế, ông muốn nhìn thấy Việt Nam phát triển như thế nào và chúng ta cần làm gì để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến “làm tổ”, thưa ông?

– Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã đặt cho mình đích phấn đấu trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2030. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thế giới đang dần diễn ra theo xu hướng toàn cầu hóa, các quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau theo các chuỗi giá trị dần được định vị chứ không riêng lẻ như trước, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo các tiêu chuẩn cũ có lẽ đã có những điểm không còn phù hợp.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên ưu tiên cho những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao vốn là thế mạnh ở một đất nước có tài nguyên nông nghiệp trù phú. Còn lại, tùy theo từng địa phương, những ngành công nghiệp nhẹ hoặc thu hút công nghệ cao nên được ưu tiên đầu tư.

Với môi trường đầu tư, kinh doanh, cần phải có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến “làm tổ”. Trong đó, quảng bá và đầu tư cho hạ tầng du lịch cũng rất quan trọng. Bởi trước khi quyết định đầu tư ở một quốc gia nước ngoài, nhà đầu tư thường đi du lịch và tìm hiểu ở đó có thực sự tiềm năng không.

Tôi cho rằng, du lịch có thể là ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong tương lai. Năm 2019, trước dịch Covid-19, lượng du khách quốc tế đến đất nước hình chữ S khoảng 18 triệu người. Tôi tin nếu có những giải pháp hợp lý, con số này có thể tăng lên tới 50 triệu và sớm vượt qua Thái Lan, quốc gia số một về du lịch của Đông Nam Á, trong vòng vài chục năm tới.

Theo tôi, ngành du lịch Việt Nam phải biết tận dụng những tiềm năng quý báu để tiến cùng và vượt lên các nước trong khu vực. Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu của khách du lịch hiện nay đã đa dạng và cao hơn trước rất nhiều, đòi hỏi sự đầu tư đặc biệt về các dịch vụ giải trí, ẩm thực và phát triển kinh tế đêm. Việc phát triển thương hiệu Halal ở Việt Nam nhằm phục vụ thương mại, tổ chức những nhà hàng Halal cho khách du lịch đến từ các nước Hồi giáo cũng là giải pháp tốt.

Mọi thứ cần có thời gian cũng như cần thêm sự khoa học và thực tế trong chiến lược phát triển để Việt Nam có thể phát huy hết nội lực, phục hồi ngành du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và trở thành điểm đến của đời người.

Tự nhận mình là “giai phố cổ”, ông có hạnh phúc với cuộc sống hiện tại?

– Giờ đây, hạnh phúc với tôi rất bình dị, chỉ đơn giản là được sống và trải nghiệm những điều nhỏ bé hằng ngày ở Hà Nội. Tôi thích ghé những quán bình dân, ngồi vỉa hè thưởng thức một bát bún. Tôi thích ăn những quán chỉ mở một thời gian nhất định trong ngày. Có một quán phở như vậy ở phố Ngũ Xá, nước dùng rất thanh và thịt gà vừa thơm vừa dai.

Khi có bạn bè nước ngoài lần đầu tới thăm Hà Nội, tôi thường đưa họ tới quán chả cá ở phố Trần Hưng Đạo. Họ vừa thưởng thức món ăn ngon vừa xem những bức ảnh của Hà Nội xưa. Tôi sẽ hướng dẫn họ cách ăn mắm tôm với chả cá nướng trên bếp nóng, những điều ấy thật đặc trưng cho Hà Nội, và kể cho họ nghe về lịch sử của Hà Nội dựa theo những tấm ảnh trên tường.

Nhà tôi nằm ở trung tâm Thủ đô nên nếu không có công việc quan trọng vào buổi tối, tôi thường mặc đồ thể thao và đi ba vòng quanh hồ Gươm. Đó không chỉ là hoạt động thể dục mà là cách để tôi chiêm nghiệm về bản thân mình, về cuộc sống. Tôi nghĩ khu vực quanh hồ Gươm là nơi đẹp nhất của Hà Nội. Bất kỳ ai tới Hà Nội mà chưa đi dạo hồ Gươm thì coi như chưa tới. Hồ Gươm chính là tâm hồn của Thủ đô Hà Nội.

Ông đang ở tuổi 62, có lẽ đã sắđược nghỉ hưu. Khi tạm biệt sự nghiệp ngoại giao, ông sẽ tiếp tục sống ở Việt Nam hay Palestine? Ông sẽ vẫn tiếp tục làm cầu nối cho Việt Nam với các nước Ả Rập và thế giới ch?

– Một câu hỏi thật không dễ trả lời, khi với tôi, cả Việt Nam và Palestine đều thiêng liêng, gắn bó và ý nghĩa.

Palestine là tổ quốc, là nơi tôi chôn rau cắt rốn và trải qua thời niên thiếu. Hơn 40 năm gần như sống xa quê, sẽ tới lúc tôi phải dành thời gian cho Palestine.

Còn Việt Nam là mảnh đất tôi yêu quý và không thể xa rời. Đó là nơi tôi trải qua tuổi trẻ và những năm đẹp nhất trong cuộc đời mình, là nơi tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, là nơi để tôi bắt đầu sự nghiệp. Và hơn thế, từ trong suy nghĩ, tôi thấy mình luôn là một người Việt Nam với những mối quan hệ, cách tư duy và cả thói quen trong sinh hoạt hằng ngày.

Tôi đã quen với việc sống tại Việt Nam giữa rất nhiều người bạn, nhiều hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới. Đó là những người bạn đã có mối thâm giao từ hàng chục năm và cả những người bạn trong tương lai khi mà mỗi ngày, tôi đều có thể được chào đón ở mọi con đường, mọi góc phố trong vai trò của một ông Đại sứ “giỏi tiếng Việt không kém gì người Việt”.

Hơn thế, tôi vẫn còn rất nhiều kế hoạch, ý tưởng mà sự ràng buộc của công việc bây giờ chưa cho phép thực hiện. Một trong số đó là thành lập trung tâm trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước Ả Rập, để cả hai phía cùng có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và xích lại gần nhau hơn, như ước nguyện đang có ở mỗi quốc gia.

Tôi muốn hình ảnh và những câu chuyện về Việt Nam có thể được kể nhiều hơn, rộng hơn và chạm tới trái tim cũng như tâm trí của mỗi người Ả Rập giống như tôi đã được chiêm nghiệm trong cuộc đời mình. Khi có sự chia sẻ và đồng cảm về văn hóa, lịch sử, chúng ta sẽ có sự hợp tác tích cực hơn nhiều so với trước, cả về khoa học, giáo dục, du lịch hay kinh tế…

Và sau cuốn “Câu chuyện Việt Nam của tôi”, trong tương lai gần, tôi rất muốn viết thêm những cuốn sách khác về những kỷ niệm, suy nghĩ và tình cảm mà tôi dành cho Việt Nam.

Tôi muốn cảm ơn tất cả những người Việt Nam đã giúp đỡ tôi suốt quãng đường đời đã qua trên mọi lĩnh vực. Và hơn hết, họ giúp tôi hiểu rằng dù đến từ một nền văn hóa khác, bất cứ ai yêu mến đất nước và con người Việt Nam đều sẽ được đáp lại nhiều hơn thế!

Leave a comment