Báo chí chung tay làm sạch chính mình – 5 bài

Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện... phóng viên
Hai phóng viên cưỡng đoạt tài sản ở Thanh Hóa vừa bắt giam. Ảnh nhận tiền được cắt từ clip

***

Báo chí chung tay làm sạch chính mình – Bài 1:

“Nội soi” tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp

VNN – 31/07/2020    06:02 GMT+7

“Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài” – Đây là một chuyện không hiếm gặp qua lời kể của một đại diện truyền thông một tập đoàn lớn.

LTS: Một bộ phận phóng viên, đơn vị báo chí phần lớn nhũng nhiễu doanh nghiệp, cơ quan đơn vị là câu chuyện đáng tiếc là có thật. Thậm chí có ý kiến cho rằng, dịp đại hội đảng bộ các cấp là “mùa” làm ăn của những phóng viên, đơn vị báo chí này. Nhiều cách thức được thực hiện nhưng mục đích cuối cùng lại không phải là những thông tin hay đưa ra sự thật nhằm đấu tranh với những việc làm sai trái, những biểu hiện tiêu cực mà là hợp đồng truyền thông, quảng cáo, là lợi ích vật chất bất chính của một số cá nhân.

Bài thứ hai trong loạt bài phản ánh về câu chuyện này góp phần lý giải phần nào thực trạng nêu trên.

‘Chưa được vạ, má đã sưng’!

Khi chúng tôi đặt vấn đề về thực trạng doanh nghiệp bị một số tờ báo, tạp chí đe dọa để chào mời quảng cáo, đại diện nhiều doanh nghiệp, cả tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước, đều chung một câu trả lời: Nhiều không đếm xuể! Tuy nhiên, tất cả đều đề nghị giấu kín danh tính, vì  “sợ phiền phức”.

“Nội soi' tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp
 Nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình, báo Thương hiệu và Công luận bị bắt khi đang nhận 70.000 USD của công ty TNHH LEXSHARE- ICT Việt Nam có trụ sở ở tỉnh Bắc Giang

Vừa mở lời về câu chuyện ‘báo chí và doanh nghiệp’, ông T – đại diện truyền thông của một tập đoàn tư nhân lớn ngay lập tức cho tôi xem tin nhắn trên điện thoại. Tin nhắn vừa được gửi đến trong ngày.  


Nội dung là phóng viên đó đề nghị làm việc với người phát ngôn của tập đoàn để yêu cầu “cung cấp một số tài liệu liên quan để phục vụ tốt cho công tác phản ánh”. Nhưng do vấn đề phóng viên đó hỏi sai địa chỉ, không liên quan gì đến doanh nghiệp, nên vị này đề nghị gửi vấn đề cần trao đổi vào email để nắm thông tin, rồi sẽ có phản hồi. 

Phóng viên này nằng nặc từ chối, và nhắn rằng “nếu không gặp được người phụ trách” thì vẫn sẽ đăng bài, rồi không quên cảnh báo rằng ý kiến của lãnh đạo công ty thì sẽ ghi nhận và “đăng vào các kỳ sau của loạt bài”.

“Nhỡ họ cần thông tin thật để đăng tải khách quan thì sao”, chúng tôi hỏi lại. Vị này cười, lắc đầu: Không! Ở vị trí này lâu chúng tôi biết được những ai thực sự muốn gặp để lấy thông tin, ai gặp vì “chuyện khác”. Rồi ông kể tiếp một vài câu chuyện khác trong vô số những câu chuyện mà ông phải đối mặt với một số người tự xưng là “phóng viên” của các cơ quan báo chí.

“Họ toàn ở những tờ mà khi họ gọi đến chúng tôi mới biết là có cơ quan báo chí như vậy”, ông T kể, “Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài. Chúng tôi từ chối vì ký với người này thì sẽ có thêm rất nhiều “phóng viên” khác kéo đến”.

“Nội soi' tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp
Bị cáo Phạm Lê Hoàng Uyển và bị cáo Võ Hoàng Hà bị xử tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án nhận tiền để gỡ bài cho doanh nghiệp

Nói về lý do không phản ánh đến cơ quan chức năng trước việc những người tự xưng là phóng viên “vòi vĩnh” như thế, ông T bảo: Kể ra nếu báo công an thì xử lý được những người đó, nhưng ‘chưa được vạ má đã sưng’ nên chúng tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “Nhiều người đăng một vài bài xong không thấy chúng tôi ‘ý kiến gì’ thì chủ động yêu cầu chúng tôi sang gặp giải quyết. Chúng tôi xác định không làm gì sai thì không việc gì phải làm theo những gì họ nói.

“Bài” phổ biến của họ vẫn là tôi nắm được thông tin này, thông tin kia, nếu không muốn lên bài thì qua gặp lãnh đạo bên tôi. Và mục đích cuối cùng là… hợp đồng”, ông T chốt lại câu chuyện về những ấn tượng không hay ho với báo chí mà ông cho rằng “sẽ còn gặp nhiều nữa”. 

Còn đại diện truyền thông của một doanh nghiệp nhà nước bức xúc: Mỗi ngày tôi nhận được không biết bao nhiêu cuộc gọi mời chào truyền thông, quảng cáo, tài trợ sự kiện, tài trợ chương tình này nọ. Tôi không biết họ có phải là phóng viên thật không, hay chỉ là nhân viên các công ty truyền thông. Nhưng họ nói giọng trịch thượng. Khi không được đáp ứng thì liên tục gọi điện quấy nhiễu, rồi đe dọa. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, kinh phí cho truyền thông có giới hạn, đâu thể lúc nào cũng đáp ứng được.

Trường hợp của một lãnh đạo doanh nghiệp có vốn nhà nước sau đây cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm. Sức khỏe vị lãnh đạo này vốn không tốt, trong 3 tháng ông phải nhiều lần lên bàn mổ, chịu nhiều đau đớn. Đúng lúc đó, ông bị phóng viên của một số tờ báo đăng loạt mấy chục bài “đánh”. Họ vẽ ra những sai phạm của ông dựa trên tài liệu của một phía cung cấp.

Đỉnh điểm là lần ông lên cơn bệnh nặng, phải sang nước ngoài chữa bệnh gấp, nếu không nguy kịch đến tính mạng. “Thế nhưng, phóng viên một số tờ báo lại được ai đó bơm thổi để đăng bài tung tin tôi trốn đi nước ngoài”, ông kể, “Nhưng tôi không chấp họ. Tôi cũng không phản hồi gì với tòa soạn đó bởi vì họ không đáng để tôi phải bận tâm đến”.

Sau cùng, cơ quan thanh tra của bộ, rồi công an vào cuộc tìm hiểu hoạt động của công ty. Kết quả, nhiều sai phạm được phanh phui, nhưng là sai phạm dưới thời của một vị cựu lãnh đạo khác, không liên quan gì đến bộ máy lãnh đạo hiện tại. Còn đối tượng “mượn tay” báo chí để lũng đoạn doanh nghiệp nọ giờ đã bị khởi tố.

‘Sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ’ và tình trạng ‘tráo săm, sửa lốp’

Ngoài thực trạng ‘phóng viên đếm tầng’, ‘nhóm phóng viên IS’ mà chính các lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí từng nêu cũng như bản thân nhiều nhà báo chân chính thường gọi, còn tình trạng xua quân đi ‘đánh để lập kế hoạch quảng cáo cho năm sau’ và ‘bảo trợ đen’.

‘Đánh để lập kế hoạch quảng cáo’ xuất hiện vào dịp cuối năm, khi một  số tòa soạn ‘bật đèn xanh’ cho phóng viên đi quấy nhiễu doanh nghiệp, đơn vị để buộc lòng họ phải ‘im chuyện’ bằng hợp đồng truyền thông. Hợp đồng truyền thông sẽ được đưa vào kế hoạch cho năm sau.

Còn ‘bảo trợ đen’ là gì? V.X.H là phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản kể, tập đoàn nhiều dự án, với vài trò phụ trách cả vấn đề đối ngoại, anh thường xuyên phải tổ chức những bữa tiệc xử lý ‘truyền thông’, hay còn được gọi là ‘bảo trợ đen’. Trong bữa tiệc, vị phó tổng giám đốc được kết nối với những phóng viên mảng bất động sản.

Cứ mỗi lần tập đoàn chuẩn bị ra mắt dự án mới, anh phải ôm một cọc tiền đi xử lý những tờ báo, tạp chí hay ‘quấy bất động sản’. Gói “bảo trợ đen” được chuyển cho một nhà báo đứng đầu nhóm, rồi anh này sẽ chia đều cho các phóng viên khác. Khi dự án xuất hiện trên báo với thông tin xấu, sẽ được ‘xử lý’ đến phóng viên, thậm chí đến ban biên tập.

Xử lý được chia thành hai cách, một là trước khi xuất bản, khi phóng viên mới đi tìm hiểu dự án. Hai là khi đã lên bài, sẽ là quy trình ‘sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’. Thậm chí, có bài còn được xử lý nhanh, quy trình sẽ rút gọn về mặt thời gian ‘sáng đăng, trưa gặp, trưa gỡ’ hoặc khẩn cấp hơn còn ‘sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ’.

Chị S., một nhân viên truyền thông của một tập đoàn bất động sản ở Hà Nội nói rằng, quy trình được đẩy nhanh hơn, rút gọn hơn với những bài mà các doanh nghiệp không muốn lan truyền nhanh trên mạng xã hội, bị báo khác dẫn lại. Từ ‘sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’ đã có trường hợp chuyển thành ‘8h đăng, 9h gặp, 10h gỡ’. Tất nhiên, đây là với những tờ báo, tạp chí mà việc gỡ bài đôi khi còn dễ như hạ một status trên facebook!

Bên cạnh đó, là tình trạng không gỡ (vì bị phần mềm quản lý của cơ quan chức năng theo dõi) thì ‘tráo săm, sửa lốp’. Có nghĩa là thay đổi nội dung hoàn toàn hoặc một phần nào đó liên quan đến doanh nghiệp, sửa tít không gỡ bài.

‘Sợ báo chí hơn là sợ gặp lãnh đạo cấp trên của mình!”

Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức (Vụ trưởng, Trưởng phòng Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản) là một nhà báo từng trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực và cơ quan báo chí khi nói về tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp đã phải thốt lên: “Dù không phải là nhiều, nhưng nó mang tiếng xấu rất tồi tệ, thậm chí bây giờ có người dân, doanh nghiệp còn gọi là “bọn nhà báo”. Có những lúc tôi xấu hổ, không dám nhận mình là nhà báo!”.

“Nội soi' tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp
Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức

Tiến sỹ Thức cho rằng, thực trạng báo chí sách nhiễu doanh nghiệp hay các cơ quan công quyền là tình trạng đáng báo động, nó khiến các doanh nghiệp rất sợ gặp báo chí. Sợ ở đây, không phải vì công việc, mà là những tình cảnh doanh nghiệp, các cơ quan công quyền bị nhà báo dọa dẫm, ép xin quảng cáo, thậm chí còn có tình trạng đánh hội đồng doanh nghiệp.

Ông Thức chia sẻ: “Tôi được biết, có doanh nghiệp đưa tiền cho tờ báo này thì sau đó có nhiều cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc với kịch bản tương tự. Có một số lãnh đạo ở tỉnh, họ cảm giác sợ báo chí hơn là sợ gặp cấp trên của mình!”

Vì sao? Vì một số phóng viên và cơ quan báo chí không cân bằng, không công bằng thông tin, chỉ nhăm nhăm vào mặt trái, nhìn vào sai sót, chưa hoàn thiện để khoét vào xin tiền, tống tiền, dọa nạt để nhân danh nghề báo để trục lợi cá nhân. Tại sao những cơ quan báo chí khác không bao giờ thấy bị nhắc đến trên phương tiện truyền thông đại chúng hay trên các diễn đàn, mạng xã hội mà nhiều cơ quan báo chí, tạp chí từng dính líu liên tục có phóng viên cứ bị nhắc đến vì bị bắt, tống tiền?

Cho đến khi, doanh nghiệp không thể chịu đựng được, bắt buộc họ phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Và nhiều vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp đã được cơ quan công an bắt quả tang, sau đó tòa án đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh.

Cũng như Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức ở Tạp chí Cộng sản, ông Ngô Huy Toàn (Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng -Thanh tra Bộ TT&TT) cũng chia sẻ rằng, qua thực tế thanh tra, kiểm tra, thực trạng phóng viên, nhà báo ‘đếm tầng’ thường rơi vào một số cơ quan báo chí nhất định. Nhóm này bao gồm một số tạp chí điện tử của các hội. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài TNVN

Việc này không chỉ làm hỏng người làm báo mà còn làm hỏng cả lãnh đạo cơ quan báo chí (không khác gì người “phát canh thu tô”). Một cơ quan báo chí cũng giống như một gia đình, nếu như bố mẹ đàng hoàng, thương yêu con, có trách nhiệm thật sự với con thì những đứa con sẽ luôn kính trọng.

Nhưng nếu nuông chiều, bao che những đứa con hư hỏng, dùng cả những đồng tiền bản mà chúng kiếm được thì những đứa con đó càng hư, gia đình đang yên ổn bỗng xô lệch, đổ ngã các giá trị.

Trước hiện trạng này, đòi hỏi lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan chủ quản càng phải gương mẫu, trách nhiệm, nghiêm túc, quyết liệt . Cơ quan báo chí nào có bộ quy chế tốt, anh em được chăm lo bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, kiến thức xã hội, cách ứng xử tốt đẹp… thì cơ quan đó sẽ phát triển tốt, có uy tín. 

Hà Duy – An Phương – Mạnh Hưng – Lê Nam

***

Báo chí chung tay làm sạch chính mình – Bài 2:

Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện… phóng viên

01/08/2020    05:10 GMT+7

Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đau lòng, khi có nơi chính quyền phải in cả tờ rơi xuống từng xã nhận diện đâu là phóng viên thật, giả…

LTS: Thường trú là hoạt động không thể thiếu của nhiều cơ quan báo chí. Nhưng lĩnh vực này cũng chứa đựng nhiều biến thái, tiêu cực hơn cả. Khu vực Bắc Trung Bộ, hoạt động của nhiều phóng viên, cộng tác viên thường trú có lúc gây khiếp đảm cho người dân, doanh nghiệp sở tại. Đến mức, có nhưng nhà báo xuất thân từ đây, khi về thăm quê, người thân hỏi “dạo này làm gì?”. Khi nghe trả lời là làm báo, họ không ngần ngại nói thẳng “sao không kiếm nghề gì tử tế mà làm, lại đi làm báo”. 

Theo đánh giá, những năm qua, đóng góp của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí là không nhỏ, nhất trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Văn phòng thường trú, phóng viên thường trú là cánh tay nối dài của tòa soạn tới các vùng miền, địa phương.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do buông lỏng quản lý nên các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú một số nơi đã để xảy ra nhiều sai sót, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất của báo chí nói chung, gây phiền toái cho doanh nghiệp và địa phương.

“Cánh tay nối dài” đi quấy nhiễu   

Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều cơ quan báo chí có văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đây cũng là vùng được đánh giá xuất hiện nhiều tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, quấy rầy địa phương, giả danh nhà báo, nhà báo bị bắt vì tống tiền tổ chức, cá nhân…

Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện... phóng viên
Hai phóng viên cưỡng đoạt tài sản ở Thanh Hóa vừa bắt giam. Ảnh nhận tiền được cắt từ clip

Theo Sở TT&TT Nghệ An, tại đây có 61 cơ quan báo chí đại diện, thường trú và hàng trăm người làm báo hoạt động tác nghiệp trên địa bàn.  

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí về hoạt động của văn phòng đại diện (VPĐD) và phóng viên thường trú (PVTT) độc lập của cơ quan báo chí.Thông tin từ cuộc họp cho thấy, một số hiện tượng còn bất cập hiện nay như: Việc cấp giấy giới thiệu, giấy chứng nhận cho phóng viên thường trú còn tràn lan; còn hiện tượng khoán trắng hoạt động cho các văn phòng đại diện dẫn đến nhiều hệ lụy phát sinh. Hoạt động của một số văn phòng đại diện không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Việc tuyển chọn phóng viên thường trú, cộng tác viên quá dễ dãi, không có nghiệp vụ vẫn còn xảy ra…

Bà Nguyễn Nữ Lan Oanh – Trưởng Phòng thông tin báo chí (Sở TT&TT Nghệ An) cho biết, các cơ quan báo chí đại diện, thường trú trên địa bàn hoạt động tác nghiệp, đưa tin trên nhiều lĩnh vực khác nhau, phản ánh sinh động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng…

Tuy nhiên, không ít phóng viên, cộng tác viên gây nhiễu và làm ảnh hưởng đến môi trường tác nghiệp báo chí trên địa bàn. “Doanh nghiệp hoặc cán bộ chính quyền địa phương thường… ngại tố cáo PV, CTV khi vòi vĩnh và những hành vi không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan chủ quản đề ra và luật báo chí không cho phép. Và đã có nhiều phóng viên tống tiền doanh nghiệp bị cơ quan công an bắt giữ…”, bà Oanh cho biết.

Một cán bộ Sở TT&TT địa phương chỉ rõ, một số chuyên trang điện tử mà hoạt động xuất bản như một tờ báo điện tử trên địa bàn Nghệ An. Các tạp chí của từng ngành hoặc hội hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích  đề ra, thường xuyên gây phiền hà doanh nghiệp.

Không những thế, một số văn phòng tự nhận người và nhận phí xin việc. Khi vào làm việc tại các văn phòng này thì không có lương, phải im lặng chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Một số cơ quan báo chí còn khoán cho anh em văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải tự sống, phải tự lo kinh phí. Khi đó, anh em phải đi xin xỏ cơ sở, xin không được thì gạ gẫm, dọa nạt, viết bài bôi xấu.

“Có nhiều phóng viên không được trả lương, trả nhuận bút, do đó văn phòng tự hoạch toán và tự sống bằng doanh thu quảng cáo. Đây cũng là nguyên nhân khiến báo chí nhũng nhiễu ở nhiều địa phương” – nguồn tin nói với VietNamNet.

Theo Sở TT&TT Nghệ An, các địa phương phản ánh tình trạng phóng viên, CTV “ép” doanh nghiệp làm quảng cáo tiếp tục xuất hiện và gia tăng nhiều nhất ở thời điểm cuối năm.

Bà Oanh cho hay, có thực tế, nhiều vụ việc tiêu cực khi bị báo chí phản ánh, một số PV, CTV ở báo khác vẫn còn tình trạng đến tiếp cận vụ việc để viết né tránh hoặc tiếp cận để xin làm quảng cáo trước sự cố ‘khủng hoảng truyền thông’.

Sở đã nhiều lần nhắc nhở trong báo cáo họp báo thường kỳ và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhân sự. Qua đó góp phần đảm bảo quyền lợi và bảo vệ những nhà báo hoạt động nghề nghiệp chân chính. Khi phát hiện các phóng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây phiền hà đề nghị cơ quan, doanh nghiệp liên hệ và phối hợp với Sở TT&TT để hướng dẫn xử lý.

Sở TT&TT Nghệ An cho rằng, một số cơ quan báo cung cấp giấy giới thiệu phải ghi rõ vụ việc cụ thể, không ghi chung chung tránh hiểu nhầm khi các PV, CTV đến chỗ nào cũng vào tự tung tự tác.


Công tác tập huấn kỹ năng cung cấp thông tin, phát ngôn báo chí được triển khai từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Sở in ra các poter thông tin tuyên truyền gắn tại các trụ sở cấp huyện, xã để dễ dàng đối chiếu khi các nhà báo, PV, đến tác nghiệp.

Vì sao DN, địa phương ngại tố cáo?

Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cơ quan nhà nước tại Hà Tĩnh có tâm lý lo sợ mỗi khi có người xưng làm nghề báo… ghé thăm. Và có không ít doanh nghiệp “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tránh cảnh “đụng chạm” với báo chí.

Ở Hà Tĩnh đã xuất hiện trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm khó dễ doanh nghiệp, trường học, cơ quan nhà nước. Các PV, CTV thu thập thông tin sai phạm hoặc có dấu hiệu sai phạm sau đó liên hệ với chủ doanh nghiệp chia sẻ nội dung đề nghị kí hợp đồng tuyên truyền,  thậm chí uy hiếp, dọa dẫm, tống tiền doanh nghiệp.

Một lãnh đạo Sở TT&TT Hà Tĩnh tâm sự, các lĩnh vực các PV, CTV thường “nắm thóp” để bắt sai phạm chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, tài nguyên môi trường, xây dựng công trình…

Vị lãnh đạo này dẫn dắt câu chuyện: Đơn cử như trường hợp của ông D.C.S là phóng viên của tờ báo có đuôi…phapluat hoạt động tại Hà Tĩnh. Ông S. bị hiệu trưởng Trường tiểu học Vượng Lộc tố cáo vi phạm tư cách, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông D.C.S cho biết, ông “nghe” thông tin hiệu trưởng Trường tiểu học Vượng Lộc có nhiều vấn đề, khi làm việc với nhà trường thấy khu nhà ăn gần nhà vệ sinh, không có bản cập nhật thực đơn tại nhà ăn… 

“Theo thói thường, những anh em này ít có thái độ khách quan, đúng đắn khi tác nghiệp, khi thông tin về địa phương (nơi đã “xử lý” mình), nhiều người chỉ nhăm nhăm moi móc cái xấu của địa phương, còn những nỗ lực, kết quả thì không đưa tin, bài xứng đáng”, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài TNVN nói.

Lãnh đạo Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh cho hay, khi liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo nhà trường, ông D.C.S dọa sẽ viết bài, rải 500 tờ báo giấy trên địa bàn…, ông S. lý giải bản thân làm việc theo hợp đồng dài hạn với báo nhưng không có lương, chủ yếu hưởng nhuận bút.

Qua xác minh của Sở TT&TT cho thấy, ông D.C.S nguyên là một trạm trưởng trạm quản lý rừng phòng hộ. Sau khi nghỉ việc tại đây, ông S. đã làm việc cho tờ báo trên.

Trong quá trình tác nghiệp tại Hà Tĩnh, ông S. thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí nơi công tác; chưa công tâm trong quá trình làm việc; vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo…

Tạp chí hội văn học nghệ thuật chuyên… soi công trình

Theo Sở TT&TT Hà Tĩnh, tình trạng PV, CTV một số báo, tạp chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích, xuất hiện ngày càng nhiều. “Một tờ báo của hiệp hội văn học nghệ thuật tại một địa phương nọ nhưng khi có PV, CTV hoạt động tại Hà Tĩnh thì chuyên viết bài về xây dựng cơ bản; một tạp chí của hội phân bón lại suốt ngày săm soi mỏ đất, cầu đường… không hoạt động đúng tôn chỉ” – vị lãnh đạo này nói.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Hải cũng cho biết, tại Hà Tĩnh có hiện tượng PV, CTV tác nghiệp không đúng quy định pháp luật, sách nhiễu, hoạnh họe và thậm chí trục lợi báo chí.

Theo các lãnh đạo này, rõ ràng mỗi khi PV, CTV nắm bắt được sai phạm, hoặc cũng có thể các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chưa để ra sai phạm, nhưng mỗi khi PV, CTV “ghé thăm”, thậm chí là nhũng nhiễu cũng không dám tố cáo vì sợ đụng chạm.

Thống kê của Sở TT&TT Hà Tĩnh, trong khoảng 3 năm gần đây, Sở này đã lập hàng chục hồ sơ gửi Bộ TT&TT đề nghị xử lý những PV, CTV vi phạm trong hoạt động báo chí. Có trường hợp xử phạt đến hàng chục triệu đồng, buộc PV, CTV treo bút hoặc cho nghỉ việc.

Đơn cử như trường hợp của ông D.C.S. Vụ việc này đã được gửi lên Bộ TT&TT và Tổng biên tập nơi ông D.C.S làm việc đã ra quyết định đình chỉ và treo bút 6 tháng đối với ông này.

Sở TT&TT Hà Tĩnh đã có văn bản gửi cơ quan báo chí và Bộ TTTT đề nghị xử lý ông P. “Những PV, CTV hoạt động vi phạm, dọa dẫm, hoạnh họe doanh nghiệp, nhà trường đều được Sở nắm rõ, có trường hợp chúng tôi phối hợp với công an để “bắt” tại trận nhưng người này nhanh chân thoát” – một cán bộ Sở TT&TT Hà Tĩnh cho hay. Lập văn phòng đại diện chỉ để làm quảng cáo

Theo thống kê của Sở TT&TT TP.HCM, tổng số các cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện tại thành phố là 166 đơn vị, tuy nhiên chỉ có 87 đơn vị có thông báo hoạt động văn phòng đại diện. Một số cơ quan báo chí có hiện tượng khoán hẳn cho văn phòng đại diện từ việc tổ chức văn phòng, tuyển phóng viên, biên tập viên, trả lương, khoán chạy quảng cáo. Có thời điểm Văn phòng đại diện rao và tuyển dụng hơn trăm người.

Việc cấp giấy giới thiệu tràn lan dẫn đến việc không quản lý được, có cơ quan báo chí tự cấp thẻ nội bộ để phóng viên sử dụng đi tác nghiệp.

Có cơ quan báo chí ngoài văn phòng đại diện chính thức, còn mở nhiều văn phòng khác cho các chuyên trang, có nơi có đến 4, 5 văn phòng hoạt động trái pháp luật và Trưởng văn phòng đại diện không quản lý các đối tượng này. Nhiều cơ quan từ Hà Nội cấp trực tiếp giấy giới thiệu cho phóng viên với danh nghĩa tác nghiệp thực hiện mời gọi quảng cáo, làm khó, gây phiền hà cho các doanh nghiệp kể cả cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương.

Bên cạnh hoạt động báo chí còn xuất hiện các công ty truyền thông có tên tương tự gây ngộ nhận là cơ quan báo chí. Nhiều nhân sự khi bị phát hiện vi phạm ở cơ quan báo chí này thì lại được cơ quan báo chí khác tiếp nhận và có hành vi vi phạm tương tự.

Một số cá nhân còn tổ chức hoạt động trang thông tin điện tử (có phép và không phép) tổ chức tự viết tin bài, gạ gẫm doanh nghiêp gỡ bài…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí nhưng vẫn tổ chức hoạt động báo chí, dùng tên và con dấu tương tự giống cơ quan báo chí hoạt động ở TP.HCM và một số địa phương khác.

Theo một cán bộ Sở TT&TT TP.HCM, những hoạt động sai phạm, đi chệch tôn chỉ mục đích… như trên tạo ra những “ngòi bút” chỉ chuyên đi kiếm tiền là chính.

Trung Văn – Hạ Vũ – Lê Nam – Bình Minh

***

Báo chí chung tay làm sạch chính mình – Bài 3:

Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’

02/08/2020    05:30 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.

LTS: Trong tháng 7 vừa qua, hàng loạt phóng viên bị bắt quả tang, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi phạm pháp, đã khiến lương tri những nhà báo chân chính không khỏi đau lòng. Thậm chí, nhiều cơ quan, doanh nghiệp không sợ thanh tra, chỉ sợ một bộ phần nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”. Điều gì khiến những người đáng ra phải ‘đầy bản lĩnh chính trị, nhiệt huyết, có tấm lòng trong sáng, không bị tiêu cực chi phối’ trở nên đáng sợ trong mắt người dân, doanh nghiệp đến vậy? Bài tiếp theo của loạt bài ‘nội soi tiêu cực báo chí’ cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn thẳng và lời nói thật…

Không sợ thanh tra, chỉ sợ phóng viên ‘mắt cú’ 

Có tới 5 nhà báo bị bắt giữ, khởi tố trong vòng một tháng quả là điều xót xa đối với bất cứ ai tâm huyết, nặng lòng với nghiệp cầm bút. Một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người làm báo sa ngã, biến chất rồi rơi vào vòng lao lý là do bị đồng tiền cám dỗ, mê hoặc khiến họ không còn tỉnh táo, không làm chủ được vị thế, gìn gìn được phẩm giá, danh dự của mình. 

Không ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, giới báo chí nước nhà không khỏi phiền lòng khi xã hội ngày càng có cái nhìn khắt khe, soi mói hơn về nhà báo. Dư luận xã hội đã xuất hiện những từ ngữ không hay về nghề báo, như: “Nhà báo đếm tầng”, “đánh hội đồng”, “truyền thông bẩn”, “báo ít, chí nhiều”, “bảo trợ truyền thông đen”, “nhóm nhà báo IS”… 

Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’
Bị can Hoàng Anh Tuấn tại cơ quan điều tra. Phóng viên thử việc này của tạp chí Môi trường và Xã hội bị công an bắt quả tang khi đang nhận 30 triệu đồng từ một người dân tại Lai Châu

Sinh thời, nhà báo Hữu Thọ – một trong những cây bút lão luyện đã đúc kết bản lĩnh, phẩm chất, tài năng của những nhà báo chân chính Việt Nam bằng cụm từ “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Cụm từ này gần như đã trở thành câu nói cửa miệng trong đội ngũ những người làm báo nước ta và là niềm trân quý của đông đảo công chúng dành cho những người cầm bút chân tài thực đức. 

Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm về phòng ngừa khủng hoảng truyền thông do một doanh nghiệp tổ chức gần đây, có ý kiến đã phát biểu thẳng thắn rằng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.  

“Mắt cú” là nói gọi của từ “mắt cú vọ”. Khi nói đến “mắt cú vọ” là ám chỉ cái nhìn soi mói, rình mò để tìm cách gây hại người khác. “Lòng đen” hàm ý chỉ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đã bị hoen gỉ, mờ đục, u tối. “Bút chém” hàm chỉ những người cầm bút có thái độ sách nhiễu, vòi vĩnh, dọa dẫm theo kiểu “đâm chém” nhằm tống tiền doanh nghiệp. “Túi đầy” nghĩa là túi có nhiều tiền, do việc làm báo đã lún sâu vào trục lợi, thương mại hóa. 

Cụm từ “Mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy” nhằm ám chỉ, cảnh tỉnh, phê phán một bộ phận người cầm bút đã, đang rời xa những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của người làm báo cách mạng, bán rẻ lương tâm, chà đạp chuẩn mực đạo đức báo chí để lợi dụng nghề nghiệp kiếm chác lợi lộc, vinh thân, phì gia, làm ảnh hưởng nghiêm trọng vị thế, hình ảnh của giới báo nước nhà. 

Sớm lấy lại uy tín, danh dự của người làm báo chân chính 

Hai thập niên về trước, khi Internet và mạng xã hội chưa có mặt tại Việt Nam, báo chí nước nhà được đại đa số công chúng quý mến, tin tưởng. Hồi đó, nhà báo đi đến đâu cũng được đón tiếp khá thân thiện, cởi mở và cán bộ, người dân sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp thuận lợi. 

Nhiều nhà báo sinh ra, trải qua chiến tranh được công chúng trân trọng gọi những cái tên ý nghĩa như “nhà báo chiến sĩ”, “sứ giả đưa tin”, “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng”… Những câu cửa miệng như “báo đăng đây này”, “nói hay như đài” của người dân với hàm ý khẳng định những thông tin được đăng tải, phát sóng trên báo, đài là những nội dung đáng tin cậy, cần học tập, làm theo. 

Sở dĩ người dân đặt trọn niềm tin vào cơ quan báo chí và nhà báo bởi báo chí không chỉ làm tròn chức năng cung cấp thông tin trung thực, chuẩn mực cho công chúng, mà còn là sản phẩm văn hóa chứa đựng những giá trị chân – thiện – mỹ, góp phần làm đẹp thêm cuộc sống, làm giàu thêm đời sống tinh thần con người và xã hội. 

Trong suy nghĩ của nhiều người dân, ngòi bút của nhà báo được ví như biểu trưng của công lý, lẽ phải và nhân văn. Với một bộ phận giới trẻ trong xã hội, được học, theo nghề và làm việc ở các cơ quan báo chí là niềm tự hào không chỉ của bản thân mà là niềm vui của cả gia đình, dòng họ, thầy cô và bạn bè thân thiết. 

Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ truyền thông và sự bùng nổ của mạng xã hội, báo chí không còn là nguồn thông tin chính yếu, duy nhất nữa, mà cũng phải đổi mới, bứt phá để tìm lại thị phần thông tin cho xã hội. Đáng tiếc, trên hành trình chạy đua, tranh giành thông tin với mạng xã hội, một bộ phận nhà báo đã bị chênh chao bản lĩnh, ngả nghiêng tâm thế, bị đồng tiền chi phối, bị danh lợi mê hoặc nên không làm tròn bổn phận, sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo cách mạng. 

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ, tuy nhiên, người viết cho rằng, một trong những căn nguyên dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do nhà báo chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức văn hóa, chưa có tầm nhìn văn hóa về nghề báo, chưa có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực trong hoạt động báo chí. 

Đã theo đuổi, gắn bó với nghề báo, đừng ai đơn thuần nghĩ đây chỉ là công việc “kiếm cơm” như một số nghề nghiệp phổ thông khác, mà phải coi đây là một sứ mệnh cao cả để có thái độ ứng xử, hành nghề đúng đắn để xứng đáng với vị thế, vai trò của người “phò chính, trừ tà” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng căn dặn, mong muốn.   

Khi đã dấn thân vào nghề báo, những người cầm bút cần thấm nhuần rằng, đã gọi là tác phẩm báo chí, dù lớn hay nhỏ, dù ngắn hay dài, dù đề cập bất cứ đề tài nào, thể hiện ở thể loại báo chí gì thì cũng không bao giờ được phép xa rời những chuẩn mực cơ bản của nghề báo là phản ánh, soi chiếu, nhận định, đánh giá mọi sự kiện, vấn đề của xã hội phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, công bằng, cân bằng và thông qua lăng kính chính trị, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của nhà báo. 

Khi nhà báo có tri thức văn hóa dày dặn, tầm nhìn văn hóa sâu sắc, bản lĩnh văn hóa vững vàng thì ngòi bút sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp đời sống văn hóa con người và xã hội. Ngược lại, tri thức nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp, bản lĩnh non nớt sẽ làm cho ngòi bút của nhà báo dễ bị bẻ cong sự thật, từ đó tác động tiêu cực đến môi trường thông tin xã hội và khiến vị thế, hình ảnh người cầm bút bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng. 

Thiện Văn

***

Báo chí chung tay làm sạch chính mình – Bài 4:

‘Báo chí đen’ đang ở mức nghiêm trọng

03/08/2020    06:01 GMT+7

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong nói, ngay cả tờ báo của ông cũng bị báo chí đen đe dọa sau khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối.

LTS:Ngay cả cơ quan báo chí thuộc loại lớn còn bị báo chí đen đe dọa khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối. Hoạt động của báo chí đen đã đến mức nghiêm trọng và không thể không đòi hỏi có những giải pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn, dần làm trong sạch môi trường hoạt động của báo chí cách mạng. Cuộc trao đổi với nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong và nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập báo điện tử VTC News dưới đây góp thêm những góc nhìn về hiện tượng này. 

Theo ông, liệu có một nhóm lợi ích trong hoạt động báo chí chuyên đi nhũng nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi bất chính? 

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Có nhóm lợi ích hay không thì tôi không dám kết luận nhưng qua những vụ việc bị phát hiện, xử lý; qua báo cáo của các phóng viên Tiền Phong từ các địa phương; qua phàn nàn của nhiều đơn vị doanh nghiệp mà tôi tiếp xúc; qua dư luận xã hội thì phải khẳng định là đang có nhiều người / nhóm người làm báo hoặc những nhóm mượn danh, đội lốt báo chí (nhưng được cơ quan báo chí nào đó vô tình hay cố ý tạo điều kiện) đang đi nhũng nhiễu, đe doạ người dân, tổ chức, doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi bất chính.

'Báo chí đen' đang ở mức nghiêm trọng
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong

Từ thực tế hoạt động báo chí nói chung cũng như của đơn vị mình, ông thấy tình trạng nói trên ở mức độ nào thời gian qua?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Tôi cho là tình hình nghiêm trọng. Ngay cả báo Tiền Phong cũng có lần bị “mời quảng cáo” trên một ấn phẩm của một cơ quan quản lý nhà nước. Khi tôi nói rằng Tiền Phong có hệ thống ấn phẩm của mình, cần quảng bá chúng tôi sẽ tự quảng bá thì nghe những câu có hàm ý đe doạ. Khi tôi hỏi lãnh đạo cơ quan chủ quản của ấn phẩm đó thì vị đó nói: “Khổ quá, đó là bọn nó thầu phần quảng cáo”.

Tôi có người thân trong gia đình mở một trường học. Khi trường mới khởi công xây dưng, có nhóm “nhà báo” quây. Có người xưng là phóng viên của một tờ tạp chí của một bộ chả liên quan gì đến giáo dục nói rằng muốn gặp gỡ làm quen, đặt quan hệ. Và giá của cuộc gặp gỡ đó là 10 triệu đồng.

Khi bị từ chối thì lại có kẻ gọi điện đến nói là “trưởng ban” của “PV” kia và nói rằng “từ chối gặp PV của tôi thì nên gặp tôi”. Và giá cuộc gặp với “trưởng ban” được ra là 30 triệu đồng!

Văn bản số 2595/BTTT-CBC do Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo ký ngày 14/7 nêu rõ: “Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp về đường dây nóng của Cục Báo chí (số điện thoại: 0865282828; email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn) hoặc đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương mình để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm”.

Nhiều ý kiến từ những người có trách nhiệm nói thẳng rằng thời điểm hiện tại, tức là khi đại hội đảng các cấp đang được tiến hành thì đây chính là mùa làm ăn của nhóm lợi ích lợi dụng hoạt động báo chí để trục lợi, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Chắc chắn là như vậy. Khi nắm được thông tin bất lợi cho những nhân sự được cơ cấu trong các đại hội Đảng các cấp thì những kẻ “làm ăn” kia nhất định hành động.

Hoạt động báo chí  dạng này không những gây phiền hà cho người dân, tổ chức doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những tờ báo, những người làm báo tử tế, ông và tờ báo của ông chắc cũng gặp không ít phiền phức bởi những chuyện như vậy?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Uy tín toàn thể báo chí Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên không tờ báo nào và không người làm báo nào là không bị ảnh hưởng. Một người quen của tôi nói rằng, chồng chị là nhà báo nhưng đi các nơi nếu không vì công việc thì cố tránh giới thiệu mình là nhà báo.

Tôi nhớ đã khá nhiều năm trước, khi tình hình còn chưa xấu đến mức như bây giờ,  trong một cuộc giao ban báo chí hằng tuần, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến xã hội thì nhà báo đứng ở nhóm bị xã hội ghét nhất.

Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, nếu tổ chức, doanh nghiệp không có sai phạm thì báo chí đen có mưu mô gì đi nữa cũng không thể làm gì được. Ông có thấy như vậy?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Đúng như vậy. Nhưng với thực tiễn nước ta hiện nay thì các tổ chức, doanh nghiệp thật khó để không có sai phạm nào. Một lần, có một vị là phó chủ tịch một thành phố đến gặp tôi để nói đỡ cho một doanh nghiệp đã triển khai xây dựng dự án trước khi xin xong giấy phép dựng (ở chính thành phố đó) đã nói rằng ở nước mình nếu các DN cứ nhất nhất đợi làm đầy đủ thủ tục thì đều chết hết vì mất hết thời cơ kinh doanh.

Đó là chưa kể hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm lợi ích, nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, gian dối, bất chấp lợi ích của đất nước, người dân thì điều kiện cho báo chí đen làm ăn càng nhiều.

Cơ quan báo chí ông đang công tác có những biện pháp nào để lực lượng phóng viên hoạt động đúng tôn chỉ mục đích cũng như đạo đức nghề nghiệp?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Thứ nhất, phải nghiêm cấm việc nhũng nhiễu doanh nghiệp để kiếm chác dù là cho tập thể hay cá nhân. Việc này phải đưa vào phương hướng, nhiệm vụ của báo hằng năm và phải nhắc đi nhắc lại trong các diễn đàn nội bộ, các cuộc họp có liên quan.

Thứ hai, không giao chỉ tiêu phát hành và doanh số quảng cáo – truyền thông cho khối phóng viên và các bộ phận liên quan đến làm nội dung báo.

Thứ ba, phải cánh báo, nhắc nhở những ai có biểu hiện tiêu cực.

Thứ tư, phải tỏ thái độ dứt khoát từ chối thu lợi ích từ các doanh nghiệp từ các bài báo chống tiêu cực, phản biện, phê bình (có lần tôi đã phải gửi trả lại hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký sẵn do phóng viên mang về kèm công văn xin lỗi trong đó nói rõ là vì báo vừa có bài viết về sai phạm của doanh nghiệp nên hợp đồng này không thể hiện đúng nhu cầu quảng cáo thật của doanh nghiệp; Việc không / chưa ký hợp đồng để theo dõi doanh nghiệp có sửa sai, có tiến bộ hay không cũng thường xảy ra).

Tuy nhiên, tôi cũng không dám khẳng định là trong đội ngũ của Tiền Phong không có những cá nhân tìm cách nhũng nhiễu doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác. Có thể có nhưng chưa bị phát hiện hoặc các biểu hiện chưa đủ để có thể xử lý.

Theo ông, cơ quan quản lý cũng như người dân, tổ chức doanh nghiệp cần phải làm gì ngay để ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng “báo chí đen”, chuyên nhũng nhiễu trục lợi?

Nhà báo Lê Xuân Sơn: Tôi chán trả lời câu hỏi này vì điều này được nói quá nhiều rồi.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi chân thành.


'Báo chí đen' đang ở mức nghiêm trọng
Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập báo VTC News

Những kẻ trấn lột đội lốt nhà báo”Tôi cho rằng xã hội có lý khi đánh giá uy tín báo chí rất thấp như hiện nay. Quá nhiều nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra ở khắp nơi. Số vụ công an bắt quả tang những kẻ được gọi là phóng viên, nhà báo đang nhận tiền của doanh nghiệp sau nhiều cuộc ngã giá, mặc cả chắc chắn chỉ là rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra hằng ngày.

Chúng tôi không bao giờ coi họ là phóng viên, nhà báo. Đặt tên cho đúng bản chất của họ thì đây là “những kẻ trấn lột đội lốt nhà báo”. Những kẻ này làm gì có liêm sỉ ngoài những toan tính đi ăn cướp, đi trấn lột mà được gọi là nhà báo ư?.

Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những cảnh nhũng nhiễu, trấn lột  doanh nghiệp, thậm chí quan chức, do những kẻ mang danh nhà báo, phóng viên thực hiện nhiều như lúc này. Những nhà báo chân chính đau xót nhưng đành bất lực. Họ đau đớn, xót xa cho nghề nghiệp của mình – một nghề đáng lẽ được xã hội tôn trọng bởi sứ mệnh cao đẹp – thì nay lại bị rẻ rúng đến thế.

Với những gì chúng ta chứng kiến, không thể nói tình trạng hiện nay là “con sâu làm rầu nồi canh” được. Nhiều, rất nhiều kẻ đội lốt báo chí đang hằng ngày tung hoành ngang dọc, với con mắt cú vọ bới lông tìm vết doanh nghiệp để mặc cả, ngã giá. Tôi cho rằng phần lớn doanh nghiệp không dám tố cáo với cơ quan chức năng bởi rõ ràng họ có sai phạm, nói ra lại sợ “xấu chàng, hổ ai” nên tặc lưỡi đưa tiền với cái nhìn khinh bỉ “nhà báo” nhận tiền.

Một cán bộ ngành ở Thái Nguyên bị tố sai phạm. Lập tức từng tốp phóng viên 3 – 4 người kéo lên “làm việc”. Và sau mỗi cuộc “làm việc” ấy, mỗi phóng viên lại nhận được phong bì, ít thì 5 triệu, nhiều thì 10 triệu đồng. Cứ thế tốp này về thì tốp kia lại lên. Vị cán bộ vẫn cứ phải ngậm đắng nuốt cay phát phong bì cho tất các “nhà báo” đến “làm việc” đều đặn.

Có những toà soạn ngay từ đầu được lập ra với mục đích “đánh đấm kiếm tiền”. Họ lập ra hàng loạt cái gọi là “văn phòng đại diện”, tuyển người nhưng không bao giờ ký hợp đồng làm việc chính thức mà luôn để ở chế độ “phóng viên thử việc” hoặc “cộng tác viên” rồi “tạo cơ chế” cho đi đánh đấm, có tiền ăn chia với toà soạn. Khi những “phóng viên thử việc” hoặc “cộng tác viên” bị phát giác, toà soạn phủi tay liền.

Giải pháp chúng ta hay đưa là giáo dục, kêu gọi “giữ đạo đức nghề” tôi cho rằng rất ít, thậm chí không có hiệu quả gì. Đối với những kẻ trấn lột, tâm địa đen tối, xấu xa, sao đi nói chuyện đạo đức với họ được?. Cách tốt nhất trong thời điểm hiện nay, theo tôi, là các tổ chức, cá nhân bị “phóng viên, nhà báo” nhũng nhiễu, hạch sách tiền bạc cần dũng cảm tố cáo, phối hợp với cơ quan chức năng phanh phui việc làm phi pháp của họ. Và phải phanh phui được cả đường dây từ dưới lên trên. Có như thế mới mong báo chí dần trong sạch, dần lấy lại uy tín trong lòng bạn đọc và xã hội”.

Bắc Ninh (thực hiện)

***

LTS: Muốn hạn chế tiêu cực, điều đầu tiên là báo chí phải sống được bằng nghề. Bên cạnh sự nỗ lực tìm cách vượt lên khó khăn do thay đổi nhiều phương thức chuyển tải nội dung, phát hành, quảng cáo của nhiều cơ quan báo chí, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cũng đã thực sự xắn tay cùng báo chí tìm cách vượt khó.

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo

Báo chí Việt Nam bắt đầu được “bung ra”, “thị trường hóa” từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước khi nhu cầu đọc của người dân được nâng cao, nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp nở rộ do kết quả của công cuộc Đổi mới.

Ở những tờ chính trị – xã hội hàng đầu như Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, hay những tờ kinh tế hàng đầu như Đầu tư, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn,… người ta phải xếp hàng dài để chờ đăng quảng cáo. Còn những tờ Công an TP.HCM, An ninh Thế giới, Tuổi trẻ… phát hành hàng trăm ngàn bản mỗi số.

Không ít nhà báo nhớ lại, hồi đó họ nhận được nhuận bút trị giá cả vài chỉ vàng, thậm chí cao hơn cho bài phóng sự – điều mà giờ đây có nằm mơ cũng không thấy. Đỉnh cao đó không kéo dài do sự phát triển chóng mặt của công nghệ.

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo

Trên thực tế, một số cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được bao cấp về trụ sở, toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động. Một số cơ quan báo chí khác của các cơ quan Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu chi. Trong số 300 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính như nêu trên, cũng có không ít cơ quan vẫn được “bao cấp” ở mức độ nào đó.

Khi còn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cách đây một thập kỷ, ông Lê Doãn Hợp từng có ý tưởng thành lập một quỹ xuất bản có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ cho hoạt động báo chí, xuất bản. Đó là ý tưởng tốt trong bối cảnh nhiều tờ báo in đã bắt đầu gặp  khó khăn về phát hành, quảng cáo, trong khi xu hướng chuyển sang báo điện tử cũng bắt đầu đi vào cao trào ở nhiều cơ quan báo chí mà vẫn chưa có nguồn thu để bù đắp chi phí. Tiếc là quỹ đó không ra được.

Đi đầu có lẽ phải kể đến những tờ báo chuyên về công nghệ. Gần đây nhất, người ta không còn thấy ấn phẩm Thời báo Vi tính Sài Gòn đã tồn tại hơn 20 năm, theo sau số phận của những đối thủ đình đám một thời như PC World Vietnam, eCHIP,…  Kể cả các tạp chí lẫy lừng như Thế giới mới và Kiến thức Ngày nay vốn là bạn của nhiều thế hệ cũng đã không trụ nổi và phải ra đi cách đây 5 năm.

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị, một ấn phẩm từng quy tụ nhiều cây viết tên tuổi, cũng rã đám.Khi ông Lê Doãn Hợp có ý tưởng này, nhiều tờ báo in bắt đầu sa sút, trái ngược với sự phát triển của một vài báo trực tuyến. Lúc đó, internet đã vào Việt Nam được hơn 10 năm và xu thế làm báo trực tuyến bắt đầu nở rộ, kể cả ở các cơ quan có báo in truyền thống. Đáng tiếc là không nhiều tờ báo trực tuyến có thể kiếm được quảng cáo để tự trang trải được.

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo

Nhiều cơ quan báo chí lâm vào tình trạng có báo in ngày càng sụt giảm trong khi vẫn phải đầu tư cho báo trực tuyến mà không có được doanh số đáng kể. Tình trạng khó khăn là không thể tránh khỏi.

Nhiều tờ báo đã cố gắng đưa tờ báo in đến bạn đọc bằng cách cho không, nhưng cũng không thành công. Có cơ quan báo chí phát báo in miễn phí ở các chung cư mà người ta không lấy vì đã đọc báo trên điện thoại. Hàng chồng báo in nằm trơ trọi ở quanh khu vực lễ tân các tòa nhà.

“Nhuận bút không có cải thiện, nhiều tin bài vẫn chỉ được trả ở mức như cách đây 10,15 năm”, nhà báo Nghĩa Nhân, báo Pháp Luật TP.HCM nói.

Nhận xét đó chưa phải tất cả bức tranh. Có những cơ quan báo chí không có lương cho phóng viên. Kết cục là nạn “đếm tầng”, “báo chí IS” mọc lên chỗ này, chỗ khác, gây biết bao hệ lụy, phiền phức cho người dân và doanh nghiệp. Ở góc độ đó, có không ít tờ báo đã không còn là “công cụ” nữa.

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo


Quanh thời điểm Việt Nam vào WTO, các tờ báo đã đua nhau ra bản điện tử, nhiều tờ báo điện tử mới, trang tin điện tử được cấp phép.

Tất nhiên, không nhiều tờ báo thu được đủ nguồn tài chính để bù đắp cho chi phí.

Một nhà báo kể, tin, bài ở cơ quan báo nơi anh làm việc phải đạt mức 10.000 view mới có nhuận bút; một nhà báo khác cho biết, tin phải đạt ít nhất 300 view mới có nhuận bút 10.000 đồng, còn nếu dưới mức view đó thì không có nhuận bút. Kết quả là tình trạng “giật tít, câu view” không muốn vẫn cứ phải làm. Thực tế đó khác xa so với hình dung của một số đại biểu Quốc hội cho rằng, báo chí rất giàu có, phóng viên có thu nhập “khủng” khi thảo luận về Luật Báo chí năm 2016.Trong bối cảnh đông đúc, dường như ‘cuộc đua xuống đáy’ được khởi động. Phải càng có nhiều view thì tờ báo mới tăng rating, thuyết phục được khách hàng, bán được quảng cáo. Vô hình chung, những sự kiện nào có đông view luôn được ưu tiên tập trung phản ánh, mổ xẻ, phân tích, bất chấp tính chất suy đồi của nó. “Cướp, giết, hiếp” cũng vì thế mà “lên ngôi” ở không ít tòa soạn. Ở góc độ “thị trường”, khi một sự kiện thu hút độc giả, giúp tăng view thì báo chí đã nhiệt tình theo đuổi…

Tuy nhiên, những rào cản trên chưa đáng là bao nhiêu. Trên thực tế, quảng cáo cho báo trực tuyến cũng ngày một tăng do quy mô kinh tế tăng lên, nhu cầu quảng cáo cũng nở rộ. Chỉ có điều, đa số chi phí đó dành cho Facebook và Google, và một phần nhỏ chưa đến 5% dành cho báo cho báo trực tuyến trong nước.

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo

Một chuyên gia công nghệ nhận xét, các doanh nghiệp bỏ ra chi phí tới 80% dành cho marketing sản phẩm trên facebook và google, trong khi lại chỉ bỏ phần nhỏ để làm thương hiệu trên báo chí chính thống. Nhiều tờ báo lại làm làm đại lý cho chính Google, Facebook qua các quảng cáo adsense, vô hình chung lại làm cho chi phí quảng cáo của doanh nghiệp tiếp tục lại đổ vào hai nhà cung cấp nền tảng này. “Vậy là doanh thu của báo chí ngày càng nhỏ đi”, anh nói.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Tập đoàn truyền thông Le Bros cho biết, theo tính toán của tổ chức ANTS, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó miếng bánh cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550  triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này.

Năm 2019 thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến vào khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD.

Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.

Ông Vinh nhận xét, các xu hướng mới của báo chí gồm báo chí chậm, báo chí đầu tư sâu với xu hướng sáng tạo trong báo chí như phương thức đưa tin phi truyền thống và công cụ video, longform… đang làm tiết kiệm chi phí truyền thông cho doanh nghiệp. Cùng với đó, khối lượng thông tin khổng lồ từ báo chí là data dữ liệu cho doanh nghiệp. Loại hình longform của báo chí tạo ra sản phẩm truyền thông hoàn thiện hơn cho doanh nghiệp cũng như của một vấn đề của xã hội – đây là điều mà mạng xã hội không làm được. 

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo

Khi xây dựng dự thảo Luật báo chí năm 2016, Bộ TT&TT từng đưa ra hai phương án, trong đó có phương án cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.

Rõ ràng, làm kinh tế trong báo chí là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế, song trên thực tế, câu chuyện kinh tế báo chí vẫn còn nhiều tâm tư, cần có sự thay đổi từ nhiều bên liên quan, đặc biệt là thay đổi tư duy quản lý.Tiếc là hồi đó, nhiều ý kiến không đồng tình nên các cơ quan báo chí chỉ được công nhận là đơn vị sự nghiệp có thu, làm hạn chế sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ khác của các cơ quan báo chí.

Nhìn trên bình diện chung, phát triển kinh tế báo chí vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Đề án Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.

Hiện nay, nhằm gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí, Bộ TT&TT đang xây dựng tiêu chí để xác định các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, với quan điểm, nguyên tắc là những hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thì nhà nước sẽ đảm bảo về kinh phí, có thể bằng cơ chế đặt hàng, mua dịch vụ… để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí. Bộ đã kiến nghị và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét tăng ngân sách chi cho báo chí. 

Tuy nhiên, bản thân các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cũng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán tự chủ.

Đã đến lúc coi báo chí là một ngành kinh tế, các sản phẩm báo chí là hàng hóa, cơ quan báo chí là doanh nghiệp.

Lãnh đạo cơ quan báo chí phải tư duy theo hướng tờ báo của mình là một công ty trong ngành công nghiệp tin tức, và phải tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả cho tòa soạn.

báo chí,Lê Doãn Hợp,truyền thông,quảng cáo
Nhà báo Hoàng Lâm – Tổng thư ký tòa soạn báo Lao Động:Có một thực tế là báo chí hiện nay dựa khá nhiều vào quảng cáo để tồn tại, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây giảm nghiêm trọng, nhất là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo điện tử, nguồn thu từ báo điện tử dù có tăng nhưng theo tôi cần cải thiện nhiều mới đáp ứng được.Vấn đề là ở chỗ nếu chỉ trông chờ vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí luôn đối mặt với nguy cơ sụt giảm nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều như hiện nay.Về giải pháp, theo tôi, chúng ta cố gắng duy trì và hạn chế sự sụt giảm doanh thu của quảng cáo truyền thống, dù rằng điều này rất khó. Về ngắn hạn, các cơ quan báo chí cần phải có những giải pháp về doanh thu khác như tổ chức sự kiện, tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, bán nội dung độc quyền, bán sản phẩm qua kênh digital hoặc tìm ra giải pháp để thu tiền từ các sản phẩm báo điện tử…
Khi sửa đổi Luật báo chí năm 2016 nhiệm kỳ trước, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhận xét, có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Ông khẳng định, cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách.Cảnh báo của ông Thi cũng còn lấn cấn lâu sau đó, không chỉ ở Quốc hội mà còn Chính phủ. Chỉ rất ít cơ quan báo chí được sắp xếp lại trước  khi có quy hoạch, như một số tờ báo thuộc Bộ Giao thông – Vận tải.

 Vũ Minh

Leave a comment