Tạo cho mình cá tính với Tây

Chào các bạn,

Ngày nay mọi giống dân trên thế giới làm việc chung với nhau thường xuyên và người ta có khuynh hướng nói tiếng Anh và ứng xử như người Âu Mỹ – trang phục, cách giao tiếp, cách làm việc… Đương nhiên vậy thì tốt và dễ hiểu cho mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn thông minh, bạn sẽ chẳng muốn copy Tây 100% mà nên tạo cá tính cho riêng mình. Khi có cá tính riêng, mình sẽ khác thiên hạ chỉ một xíu, đủ để thiên hạ để ý đến mình và nhớ mình. Ngoại giao / giao tiếp mà được người ta để ý và nhớ, thì đó là một thành công đáng kể.

Ví dụ: Người Âu bắt tay thì đứng thẳng người, nhìn vào mắt nhau, và xiết chặt tay nhau. Người Á Châu thì có nhiều cách chào nhau rất lễ độ như cúi đầu, gập mình, chắp tay, v.v… Nếu bạn lấy những phong cách Á châu này thêm vào cái bắt tay của bạn một chút thì cái bắt tay của bạn sẽ có nhiều cá tính. Như là, vừa bắt tay vừa cúi đầu chào. Hay, vừa bắt tay vừa gập mình xuống một chút như người Nhật. Hay, bắt bằng hai tay. Hay, nếu bạn cảm thấy bắt hai tay thì quá lễ độ, thì bắt một tay và bàn tay kia đặt úp lên hai bàn tay (của bạn và của người kia) đang bắt – kiểu này thì vừa có vẻ như bắt hai tay lễ độ nhưng vừa có vẻ như vỗ về tay bạn bè. Hay, bắt tay xong thì chắp tay và gập mình một chút kiểu Thái Lan.

Nếu bạn cho một chút Á Châu vào cái bắt tay của bạn như thế, thì cái bắt tay đó có vẻ trân trọng và lễ độ hơn cái bắt tay của người Âu. Và do đó người kia sẽ rất tôn trọng và quý bạn (vì bạn trân trọng họ) và có ấn tượng rất tốt về bạn.

Đương nhiên là nếu bạn làm mà trong lòng có lòng tương kính như bên ngoài, thì sức thuyết phục mới mạnh, hơn là chỉ làm tay mà nét mặt mình thì khác.

Hoặc trao đổi tranh luận. Người Á Châu nổi tiếng hiền hậu và trọng tình nghĩa. Nếu bạn tranh luận mà luôn bắt đầu với câu “Điều anh nói thật là có lý / chính xác, tuy nhiên… [có lẽ là chúng ta nên nghĩ nên điều ABC này trong giải pháp].” Cách nói chuyện lễ độ, trọng hòa hợp như thế của người Á thường làm cho người Âu kính nể và ưa chuộng.

Hoặc nếu bạn đang họp thân thiện và informal với một nhóm người Âu, bạn mang vào một ít bánh trái gì đó cho mọi người ăn trong khi họp và nói: “These fruits have the Buddha’s blessing. I’ve just taken them down from the Buddha altar.” Mọi người sẽ cảm thấy rất vui và có cảm tình với bạn.

Hoặc trang phục, nếu bạn mặc gì đó rất Âu, nhưng thiết kế để có một chút xíu Á trên đó, thì có lẽ là hay hơn Âu hoàn toàn.

Những điều nhỏ nhặt để trình bày cá tính Á (hay Việt) của mình thường là những điều mạnh mẽ để nói: “Tôi là người Việt, và tôi hãnh diện tôi là người Việt, và tôi sẽ ứng xử với anh như là một người Việt kiểu mẫu. Anh có thể tin vào tôi.”

Nói chung là nếu bạn hành xử như Âu 100% thì có lẽ bạn chẳng gây ấn tượng mấy với Tây, nhưng nếu bạn Âu 80% và 20% Việt đây đó, thì 20% đó tạo ra ấn tượng rất mạnh.

Nguyên lý chung là: Học cái gì từ Âu thì, nếu có thể, cũng nên Việt hóa nó một chút, để hợp với văn hóa mình hơn, và có cá tính hơn.

Chúc các bạn thành công.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Tạo cho mình cá tính với Tây”

  1. Kính gửi Anh Hoành,

    Anh cho em hỏi câu này:
    Trích dẫn câu tiếng Anh trong bài Trà đàm hôm nay: “These fruits have the Buddha’s blessing. I’ve just taken them down from the Buddha altar.” Em nghe tin đồn truyền miệng trong dân gian Việt rằng người theo đạo Công giáo, Tin lành thì rất kiêng kỵ việc ăn đồ cúng (cúng Phật, cúng Tổ tiên). Cho nên, nếu mời họ ăn thức ăn đã được dâng cúng thì có thể gây hiểu lầm, hoặc vô lễ. Anh cho em hỏi là lời truyền miệng này có đúng không ? Và những người theo đạo Tin Lành, Công giáo ở Châu Âu, Châu Mỹ có ứng xử như vậy không ?

    Cảm ơn Anh,
    Em L.D

    Liked by 1 person

  2. Very good question, Du.

    Ngày trước người Công giáo VN hành xử như thế. Anh không thấy luật lệ đó chính thức ở đâu cả. Luật cổ của Do Thái Giáo có cấm điều đó – không đụng tới đồ gì mà các thánh của các đạo khác đã chạm.

    Nhưng anh có cảm tưởng dù ngày trước công giáo có luật cấm, thì ngày nay chắc chẳng ai quan tâm vì nó mê tín, và lạc hậu rồi. Ngày nay người ta thường quý quà tặng mà mình quý nhất – nếu mình quý thức ăn từ bàn thờ nhà mình mà tặng họ ăn, thì họ sẽ rất thích.

    Tuy nhiên đây là kỹ thuật ngoại giao: “Tôi đang tặng anh món ăn tồi rất quý, đã dâng lên Phật trên bàn thờ, và được Phật chúc lành.” Dù người kia nằm trong thiếu số “không ăn được” rất nhỏ, thì người ấy cũng rất quý lòng thành của mình. Tức là, ăn hay không chẳng quan trọng bằng mình tỏ được lòng thành và người ta dễ dàng thấy được lòng thành của mình.

    A. Hoành

    Liked by 3 people

  3. Hi anh,
    Em đang làm những điều này khá tự nhiên với người Âu. Em cũng đang làm khá tốt. Họ rất có ấn tượng và yêu quý mình.
    Em sẽ lưu tâm bài này và cố gắng hoàn thiện thêm.
    Em cảm ơn anh.
    A khoẻ nhé.

    Em Thắng

    Like

Leave a comment