Có không, không có

Chào các bạn,

Có hai câu kinh có lẽ mỗi bạn nên thuộc lòng để nhớ, vì hai câu đó gói ghém chân lý lớn nhất của đời sống con người. Đó là hai câu đầu của Bát Nhã Tâm Kinh:

Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-Nhã Ba-la-ma-mật-đa thời
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách

Nghĩa là:

Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ Bát Nhã giải thoát thâm sâu
Thấy rõ mình là Không, ngài vượt qua mọi khổ nạn

Tiếng Anh là:

When Avalokiteshvara Bodhisattva was practicing the profound prajna paramita, he illuminated the five skandhas and saw that they are all empty, and he crossed beyond all suffering and difficulty.

Bản chữ Hán là do Đường tăng Huyền Trang (trong truyện Tây Du Ký – Tề Thiên Đại Thánh) dịch từ tiếng Phạn. Hán Việt là do người Việt chuyển âm sang. Mình không biết ai dịch bản tiếng Anh. Lời dịch tiếng Việt là của mình.

Bồ tát (Boddhisattva) là một quả vị Phật, thấp hơn Phật viên mãn một chút, vì Bồ tát nguyện là sẽ độ hết mọi sinh linh rồi thì mới nhận quả vị Phật (Buddha).

Bồ tát Quán Tự Tại. Quán Tự Tại là tên của vị Bồ tát này, đồng thời còn có nghĩa là “nhìn hiện hữu tự chính nó” (looking at existence as it is”). Tên của các Bồ tát trong Phật giáo thường có hai nghĩa: một là tên riêng, hai là ý nghĩa triết lý như thế.

Tên tiếng Phạn của vị Bồ tát này là Bodhisattva Avalokiteshvara. Đây là một Bồ tát rất là thú vị, và có ảnh hưởng trong Phật giáo VN hơn tất cả mọi Bồ tát khác. Một tên Hán Việt của Bồ tát này là Quán Thế Âm Bồ tát, tức là “Phật Bà Quán Âm” đứng trên hoa sen, một tay cầm nhành dương liễu tượng trưng cho đức nhẫn nhục, và một tay cầm bình Thanh tịnh, bên trong chứa nước Cam lồ. Cam là ngọt, lồ là “lộ” tức là sương. Đây là nước sương ngọt, tượng trưng đức từ bi, dùng nước sương ngọt để cứu khổ chúng sinh đang bị thiêu đốt trong biển khổ.

Quán Thế Âm Bồ tát còn có hình dạng “ngàn tay ngàn mắt” (thiên thủ thiên nhãn), để nhìn thế gian đau khổ và để giang tay cứu độ.

Bodhisattva Avalokiteshvara nguyên thủy ở Nepal/Ấn Độ là nam. Sang Trung Hoa và Việt Nam thì được biến thành nữ.

Quán Thế Âm là tên tình yêu của Bồ tát. Quán Tự Tại là tên của triết lý và trí tuệ của Bồ tát. Chúng ta thấy tình yêu và trí tuệ không rời nhau.

Hai câu đầu của Bát Nhã Tâm Kinh là: Khi chúng ta thấy mình là Không, chúng ta được “giải thoát” (vượt qua đến bờ bên kia – paramita, balamậtđa. Đó là giác ngộ, thành Phật.

Nhưng “Không” đây không có nghĩa là “Không có.” Không đây là nền tuyệt đối (absolute) của vũ trụ, từ đó sinh ra mọi hiện tượng của vũ trụ tương đối (relative universe). Chúng ta là hiện tượng tương đối – có đó và mất đó – nhưng cũng là một phần của Không trường cửu, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm (không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm – Bát Nhã Tâm Kinh).

Đó có thể nói theo ngôn ngữ “có không” là: có mà là không, không mà là có.

Chúng ta có mà là không, không mà là có. Cứ vậy mà sống uyển chuyển, nghệ thuật, và thanh tịnh.

Chúc các bạn luôn tràn đầy trí tuệ.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment