Làm việc cho người

Chào các bạn,

Bản chất của công việc (job) ta làm hằng ngày, ngày nay đã bị hiểu lầm quá xa làm cho rất nhiều người chán ngán công việc. Hỏi anh làm nghề gì. Kỹ sư, vậy là anh làm việc với computers. Luật sư, vậy là anh ra vô tòa. Tiếp thị, vậy là anh lo bán hàng. Bác sĩ vậy là anh lo giải phẫu.

Các bạn có thấy gì thiếu trong cách giải thích công việc bên trên không?

Thiếu người. Chỉ thấy computers, tòa án, hàng hóa, giải phẫu. Chúng ta không quen nói đến người.

Người ta mất đi ý nghĩa của công việc.

Ngày trước, công ty là gia đình. Ở Nhật trước đây, người ta làm với một công ty cả đời, và công ty lo lắng đầy đủ cho mọi nhân viên, như một đại gia đình. Nhưng những năm gần đây, áp lực kinh tế ép buộc một số công ty Nhật phải cho nhân viên nghỉ việc, phản lại truyền thống. Ở Việt Nam ngày xưa, mỗi tổ chức hành nghề – thợ bạc, thợ dệt chiếu, thợ gốm – thường là các hộ gia đình và nếu có người ngoài gia đình được cho vào thì cũng xử với nhau như trong gia đình. Nhưng ở Mỹ và Âu châu thì đã từ lâu rồi, liên hệ giữa nhân viên và công ty thuần túy là công việc và tiền bạc. Ít ai nghĩ rằng đó là gia đình. Và mô hình này hiện nay đã tràn lan khắp thế giới.

Cuối thế kỷ 19 và sang thế kỷ 20, nhiều nhà văn và triết gia Âu Mỹ nói về người lao động “vong thân” (alienation, alien có nghĩa là người lạ, người nước ngoài, người hành tinh khác), tức là đánh mất chính mình. Người lao động chỉ còn là cái máy trên những dây chuyền sản xuất, không biết sản phẩm mình làm ra là gì, vì mình chỉ vặn có một con ốc trên một chiếc xe, và liên hệ giữa mình và công ty thuần túy là làm việc nhàm chán vì phải có tiền. Đây là một phần tinh túy của triết lý hiện sinh thời đó (existentialism). Karl Marx biến các cảm xúc đó thành một triết lý cách mạng dữ dội hơn – lao động bị bóc lột, bị vong thân, bị mất giá trị con người của mình, và lao động làm cách mạng.

Những cảm xúc đó là đúng, vì công việc trở thành vô hồn và không còn gắn bó với con người, như con trâu, cái cày, mảnh đất và người nông phu thuở trước.

Nhưng dù thiên hạ có khuynh hướng loại bỏ yếu tố con người và chỉ nghĩ về sản phẩm, hàng hóa và tiền khi nói về công việc, chúng ta không cần phải tư duy kiểu đó và sống kiểu đó.

Hãy lấy liên hệ con người làm cốt lõi cho công việc của bạn. Nếu ở sở làm bạn chỉ huy một nhóm người, thì đừng nghĩ đến những người đó như những cái máy làm việc, hay chỉ như là một nhóm người làm cho xong việc. Hãy nghĩ về họ như là anh chị em của mình mà mình có nhiệm vụ chăm sóc. Nếu bạn bán hàng, đừng nghĩ về hàng bạn bán, mà nghĩ đến mọi khách hàng như là người cần bạn chăm sóc để hiểu biết hơn về món hàng và để biết chọn hàng nào tốt nhất cho nhu cầu của khách. Nếu bạn là luật sư việc chính của bạn không là vào tòa, mà là chăm sóc thân chủ, giúp cho họ được bình an hơn nhờ có bạn, hiểu luật hơn nhờ có bạn, và bạn là người đồng hành cùng thân chủ trên một con đường gai góc. Nếu bạn dạy học, đừng nghĩ đến thi cử và thành tích, mà nghĩ đến một nhóm em nhỏ hay cháu nhỏ cần mình nâng đỡ nuôi dưỡng lớn khôn.

Nếu chúng ta nhìn vào con người như thế, thì đó mới là cái nhìn chính xác, vì thực sự là dù bạn làm nghề gì, việc của bạn vẫn là phục vụ ai đó. Điều quan trọng hơn nữa là khi bạn nhìn vào con người làm tiêu điểm của công việc, công việc không còn vô hồn và nhàm chán nữa, mà trở thành nhiều ý nghĩa, và đời bạn bỗng nhiên vui vẻ và phong phú hơn.

Dù chúng ta làm gì ở đời, thì con người vẫn là trọng tâm của công việc ta làm. Vì chẳng ai làm việc gì để phục vụ alien cả.

Dùng con người làm trọng tâm của mọi tư duy của ta, không chỉ là công việc, mà mọi thứ như là môi trường, y tế, thể thao, giáo dục, kinh tế, chính trị…, thế giới đột nhiên trở thành một thế giới mới cho ta, ý nghĩa hơn, nhân ái hơn, và thêm một món quà thưởng là ta sẽ trở thành rất sâu sắc trong liên hệ với những người xung quanh cũng như trong những vấn đề lớn của đất nước.

Chúc các bạn luôn vui vẻ hứng khởi trong công việc.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Làm việc cho người”

  1. Cam on Anh Hoanh, da tra lai ” Gia tri cao ca ” cua moi nguoi
    Lao dong cua cac cong ty ….cam on Thuong De, da chi dinh
    Anh Hoanh, danh tieng chuong canh tinh nhan tinh vo minh …. trong do co ca ban than toi .

    Like

  2. “Dù bạn làm nghề gì, việc của bạn vẫn là phục vụ ai đó”.
    Mình tự khuyên mình: Hãy tâm niệm điều nầy!
    Cảm ơn anh Hoành!

    Like

  3. Cám ơn anh Hoành rất nhiều ạ! Bài viết giúp cảnh tỉnh em, ngày mới khởi nghiệp, dù khó khăn khốn đốn nhưng em dành thời gian rất nhiều để trải nghiệm, chia sẻ, đồng hành cùng các cộng sự. Song bây giờ, em bị chú tâm nhiều hơn tới việc bao nhiêu đơn hàng/ngày, doanh thu/lợi nhuận bao nhiêu,…Việc quan tâm, kết nối cộng sự/nhân viên đôi khi chỉ thông qua vài ba bữa liên hoan định kỳ,…
    Kết nối tới cộng sự trong công ty và tận tâm chăm sóc khách hàng là trọng tâm em sẽ làm mỗi ngày ở công ty, theo lời nhắc nhở của anh.

    Like

  4. Đây là quan điểm rất con người để tập trung vào Lãnh đạo, thay vì lúc nào cũng chỉ tập trung vào Quản lý, biến con người thành robot vô hồn. Nhưng thời đại công nghệ số ngày này lại càng là thách thức.

    Không chỉ là cảnh tỉnh nữa, mà là tiếng chuông báo động cho cả loài người!

    Cám ơn anh Hoành!

    Like

Leave a comment