Giải thoát

Chào các bạn,

Giải thoát là từ nhà Phật, nói đến giác ngộ, nói đến ta được giải thoát.

Giải thoát khỏi điều gì? Đương nhiên chúng ta biết giải thoát khỏi mọi tội lỗi.

Nhưng tội lỗi là gì? Đương nhiên trộm cắp, cướp của, giết người là tội lỗi. Nhưng không chỉ có vậy. Từ đúng nhất của nhà Phật là đau khổ. Giác ngộ là giải thoát khỏi đau khổ.

Cái nền của nhà Phật là Bốn Chân Lý: (1) Đời khổ, (2) Nguyên Nhân của Khổ, (2) Khổ có thể diệt, và (4) Con Đường Diệt Khổ. Đó chính là Con Đường Tám Nhánh (Bát Chánh Đạo).

Các bạn thấy, từ “tội lỗi” không có trong tư tưởng nền tảng nhất của Phật giáo nguyên thủy. Trong Phật gia, tội lỗi chính là khổ, khổ chính là tội lỗi. Khổ của nhà Phật bao gồm cả “tội” theo kiểu hình tội ngày nay, và cả điều không là hình tội nhưng mà là ngu si tạo ra khổ – tạm gọi theo từ quen thuộc của chúng ta là “tội” và “lỗi”, tức là “tội lỗi”.

Nhưng dù đã định nghĩa “tội lỗi” là tất cả mọi thứ tạo ra khổ cho ta. Thì những thứ đó là gì?

Những thứ đó gọi là “chấp” – bám vào, dính vào, trụ vào.

Nếu không còn chấp – vô chấp, không còn bám vào đâu, dính vào đâu, trụ vào đâu nữa – thì đạt đạo giải thoát. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm (Kinh Kim Cang).

Nhưng không bám, không dính, không trụ còn có nghĩa là gì? Là tự do tuyệt đối. Không còn bị dính vào đâu nữa cả. Tâm ta đạt được tự do hoàn toàn.

Vậy giải thoát khỏi mọi tội lỗi chính là tự do tuyệt đối. Điều này rất rõ trong chữ nghĩa: giải thoát là liberate, tự do là free. Hai từ này đồng nghĩa: to liberate tức là to free.

Nhưng “vô chấp” – không dính vào đâu – nói thì dễ, làm thì khó.

Thiên hạ giết nhau vì bị dính vào tôn giáo, dính vào Chúa Phật thần thánh.

Thiên hạ đánh nhau vì tiền, vì tình, vì tài sản.

Thiên hạ tranh nhau vì danh tiếng, vì chức vụ, vì thị trường, vì chủ nghĩa.

Thiên hạ điên rồ với nhau vì ghét nhau, vì thù nhau, vì say rượu.

Bạn chỉ ngón tay vào bất kì điều gì trên đời, vào bất kì chữ nào trong tự điển, bạn đều có thể chấp vào điều đó, chữ đó. Chỉ ngón tay vào cái bát, vâng, đã và sẽ có nhiều người trên thế giới cãi nhau, đánh nhau, thậm chí giết nhau chỉ vì một cái bát. Chỉ ngón vào từ pháp, vâng, đã có và sẽ có khối người thù nhau đánh nhau vì giáo pháp, của các tôn giáo khác nhau, hay của các nhánh trong cùng một tôn giáo. Cũng như thế, thiên hạ đánh nhau vì Chúa, vì Allah, vì Phật, vì tình yêu, vì tự do, vì dân chủ, vì bất kì điều gì ta có thể cho là tốt đẹp thánh thiện nhất.

Có hàng tỉ điều để chấp như thế, cho nên con người luôn ở trong tù ngục của chấp trước. Không còn chấp vào đâu cả, thì không còn một song sắt nào của nhà tù.

Chúng ta sống với nhiều thứ: thức ăn, áo quần, nhà cửa, xe cộ, bằng cấp, danh tiếng, tiền bạc, Phật pháp, chủ nghĩa kinh tế, hệ thống chính trị, gia đình, chồng vợ, con cái… Làm sao ta sống với những thứ này và những người quanh ta mà ta không chấp vào điều gì cả, không dính vào điều gì cả?

“Không chấp” không có nghĩa là “không có”. Tiền thì vẫn có trong túi để chi dụng, nhưng không chấp vào tiền, không dính vào tiền. Rượu thì vẫn uống một chút cho khỏe, nhưng không chấp vào rượu. Bằng cấp thì vẫn cao, nhưng không chấp vào bằng cấp.

Nhiều người tưởng rằng không chấp có nghĩa là không có, không đụng tới bao giờ. Người không đụng đến phụ nữ vẫn có thể nổi lòng tà khi đụng, nhưng Tanzan bồng kiều nữ bước qua vũng bùn mà lòng thanh tịnh như trăng sáng.

Không chấp có nghĩa là vẫn có thể sờ mọi thứ, làm mọi chuyện, mà lòng luôn thanh tịnh và trong sáng.

Đó là giải thoát, là tự do hoàn toàn. Không còn điều gì có thể làm tâm dao động. Đó gọi là không còn tội lỗi.

Đó là một trái tim tĩnh lặng. Dù vẫn sống ở đời, vẫn làm mọi chuyện cần làm, dùng mọi thứ cần dùng, mà tâm luôn thanh tịnh và tự do, hoàn toàn không bị dính vào đâu, không bị ảnh hưởng bởi điều gì.

Làm được điều đó hay không là chuyện của riêng bạn. Chẳng ai giúp bạn được.

Nhưng ít nhất bạn cần hiểu giải thoát là gì, tự do là gì, không tội lỗi là gì.

Chúc các bạn giải thoát.

Mến,

Hoành

Bài cùng chuỗi: Quyết tâm giải thoát

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

5 thoughts on “Giải thoát”

  1. Góp thêm vài dòng chia sẻ theo tựa đề Giải thoát của bài viết…

    Giải thoát là đích đến cho người đời trên bước đường học đạo, ngộ đạo, chứng đạo, thể nhập đạo…mà khi theo học đạo bạn thường nghe hoài nghe mãi một lộ trình phải đi qua qua một câu vắn tắt rút gọn : Giới , Định, Tuệ, Giải thoát và Tri kiến giải thoát.

    Rõ ràng khi y chỉ theo đúng lộ trình này thì tùy vào cơ duyên và nghiệp lực, tùy vào nỗ lực tự thân của mỗi người mà sự giải thoát hay hạnh phúc giải thoát an lạc rồi cũng sẽ đến sớm hay muộn mà thôi.

    Nhìn vào lộ trình đi đến giải thoát này thì bước đi cơ bản cần có đầu tiên là giữ Giới hạnh, việc giữ Giới hạnh sẽ tạo nền tảng tốt cho một cuộc sống điều hòa an ổn về thân và tâm. Từ sự điều hòa ổn định thân tâm mới giúp bạn dễ dàng đi vào tĩnh lặng hay đi vào Thiền Định. Thiền định hay tĩnh lặng thâm sâu sẽ phát sinh Trí tuệ hay Tuệ giải thoát giúp soi đường ra khỏi vô minh biết được những u ám nào làm rào cản mây mờ che lối ánh sang của cuộc đời để chọn hướng đi đúng đắn theo lộ trình tiến về giải thoát. Cơ sở của giải thoát là nằm ở Tuệ này mà thiếu vắng Tuệ thì bạn vẫn còn đang mò mẫm lò dò chưa thấy lối ra, chưa thấy đường về, chưa thấy đích đến thực sự.

    Cũng từ lộ trình này có thể thấy và hiểu rằng một cuộc sống không giới hạnh, sống buông lung, buông thả, buông xuôi, buông theo dòng chảy vật chất ngả nghiêng hấp lực lôi cuốn của dòng đời mà ai ai cũng vậy khi không kìm thắng được thì sẽ khó làm chủ được mình, khi không làm chủ thì khó mà kiểm soát được thân và tâm và cũng đồng nghĩa là khó thể đi vào tĩnh lặng nên Tuệ không phát sinh mà thiếu vắng Tuệ thì khác gì đi đêm không có đèn, đi đường không ánh sáng, rốt cục chỉ là lò mò, dò dẫm mãi mà chẳng thấy lối ra Đó là khổ ! Một cái khổ nữa là không thấy lối ra có khi đi lạc vào đường khác lại càng rối rắm khổ hơn nhiều.

    Nên hãy bắt đầu từ một cuộc sống giới hạnh nhẹ nhàng làm nền tảng đi vào tĩnh lặng, rồi bạn sẽ thấy sự thật an lac và hạnh phúc của cuộc đời từ từ lộ diện, những cái đôi khi là chân giá trị thật bất ngờ không phải ở đâu xa mà ta lại cứ mãi đi tìm.

    Tìm em tìm cả cuộc đời
    Mà sao em cứ để tôi mãi tìm ?!

    phuonghuycao@gmail.com

    Like

  2. Cảm ơn anh ạh.
    Cuối ngày làm việc cảm thấy rả rời, đọc được bài viết của anh thấy mình tươi mới trở lại.

    Chúc anh luôn khoẻ.
    Em Le Du

    Like

Leave a comment