Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Tóc Xưa” – Dương Văn Thiệt & Ngô Thụy Miên

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Tóc Xưa” của Thi sĩ Dương Văn ThiệtNhạc sĩ Ngô Thụy Miên.

Thi sĩ Dương Văn Thiệt là một bác sĩ y khoa làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Sài Gòn trước 1975. Sau 1975, ông cùng gia đình sang định cư ở Bolton, England.

Khoảng năm 2010, hiền thê của ông chẳng may bị bệnh ung thư qua đời. Trong nỗi nhớ thương người vợ hiền đã có hơn 40 năm chia sẻ cuộc đời cùng ông nên ông cảm tác bài thơ “Tóc Xưa” tưởng niệm. Bạn ông, Lê Văn Thu, giới thiệu bài thơ này đến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhờ phổ nhạc vì cảm nhận bài thơ thật hay.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên vì cảm kích mối tình tuyệt đẹp của hai ông bà nên đã phổ chẳng những một mà là hai bài “Tóc Xưa” – một cung trưởng và một cung thứ dành riêng cho bác sĩ Dương Văn Thiệt.

Mời các bạn đọc thêm các bài của ông Lê Văn Thu và ông Nguyễn Mạnh Tiến bên dưới để hiểu rõ thêm về thiên tình sử đầy nghĩa tình của đôi vợ chồng Dương Văn Thiệt & Thọ Chí và thi khúc “Tóc Xưa”.

Thủ bút của NS Ngô Thụy Miên. Cung trưởng (Version 1).
Thủ bút của NS Ngô Thụy Miên. Cung trưởng (Version 1).

 

Thủ bút của NS Ngô Thụy Miên. Cung thứ (Version 2).
Thủ bút của NS Ngô Thụy Miên. Cung thứ (Version 2).

 

Thi khúc “Tóc Xưa” (Thi sĩ Dương Văn Thiệt và Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)

Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm trong gối, sợi bay ra vườn.
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê.

Mượt mà một thuở tóc thề,
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm.
Sợi nào đánh rớt bên thềm,
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng.

Sợi nào sáng gội, chiều hong,
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành.
Lạc vào ngõ vắng nhà anh,
Quen người quen cảnh, không đành rời xa.

Tóc nào đen óng hôm qua,
Gởi vào trang sách, bên ta mỗi ngày.
Sợi nào là sợi tóc mai,
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng.

Để mà sáng đợi chiều trông,
Sợi kề bên má, sợi hôn môi người.
Sợi nào từ thuở đôi mươi,
Tóc tơ se kết, tiếng cười nỗi đau.

Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay.
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa…

Dưới đây mình có các bài:

– Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và “Tóc Xưa”
– Tản mạn bên cạnh chuyện ra đời của bản nhạc “Tóc Xưa” (trích)
– Câu chuyện âm nhạc: Tóc Xưa (trích)

Cùng với 4 clips tổng hợp thi khúc “Tóc Xưa” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và “Tóc Xưa”

(Nguyễn Ngọc Chính)

Tôi vốn là người “mê” mái tóc của phụ nữ. Có điều hơi khó tính, phải là tóc dài, thi vị hơn chút nữa là mái tóc đó tung bay theo gió. Kho tàng nhạc Việt đã có khá nhiều bài hát ca tụng những mái tóc. Thời còn thanh niên, bản nhạc Tóc Mây của Phạm Thế Mỹ là một trong số những bài hát tôi thích nhất, cả về ca từ lẫn âm điệu:

“Theo gió heo may đêm đêm gợi tình
Một trời áo tím trong mắt trên môi
Như chiếc nôi êm ru cơn mộng lành
Gọi vầng trăng cũ sáng cho hồn vui”

…Gần đây có một bài hát về tóc mà ít người biết đến qua một cái tên rất lạ Tóc Xưa được Ngô Thụy Miên sáng tác gần đây.

Câu chuyện về Tóc Xưa có liên quan đến ba người: hai bác sĩ và một nhạc sĩ. Trước hết là anh Dương Văn Thiệt, sinh sống tại Anh Quốc, nghề chính là bác sĩ nhưng lại là một nhà thơ “tay ngang”. Vợ anh Thiệt, chị Thọ Chí, chẳng may lìa đời. Anh Thiệt rất thương vợ, sau khi chị mất anh tình cờ thấy được một sợi tóc của người quá cố vẫn còn vương trên gối. Trong cơn xúc động, anh viết một bài lục bát lấy tên là Tóc Xưa:

“Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa

Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng

Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”

Một người bạn của anh Thiệt, anh Lê Văn Thu, cũng là bác sĩ, vốn trân trọng tình cảm của anh Thiệt đối với người vợ quá cố và cũng rất cảm động về những lời thơ ray rứt nên đã mạo muội viết một bức thư cho nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Thư anh Thu, đề ngày 18/2/2014, có đoạn viết:

“Tôi có một người bạn cùng lớp y khoa, hiện ở bên Anh, mới mất vợ cách đây gần 2 năm. Anh ấy rất thương vợ và đã làm rất nhiều thơ. Khi chị ấy mất, anh đã chôn hết thơ theo vợ; nhưng mới đây, trong một lần thấy được sợi tóc của vợ sót lại bên gối, anh đã viết được một bài thơ mà chúng tôi khi đọc đều thấy xúc động.

“Biết anh là một nhạc sĩ có tài phổ nhạc – chính những bản nhạc phổ thơ của anh mà mọi người, nhất là giới sinh viên thuở trước, mới biết đến Nguyên Sa – tôi xin mạn phép gởi anh bài thơ “Tóc Xưa” để anh xem. Nếu như bài thơ gợi cho anh chút cảm hứng thì xin anh phổ nhạc giùm. Anh Thiệt không nhờ tôi, nhưng tôi vốn rất thương anh ấy qua tư cách và tình cảm của anh ấy, và đồng thời rất quí trọng Thiệt, mặc dù mới quen – thấy anh chị rất hiền hòa, đôn hậu, khiêm nhượng – nên muốn được làm trung gian để giới thiệu bài thơ đó với anh.”

Đến ngày 5/8/2014 anh Thu nhận được email của Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với nội dung sau:

“Dear anh Thu,

Viết vội gửi anh bản chép tay Tóc Xưa tôi phổ từ bài thơ của anh Dương Văn Thiệt. Tiếc là sáng nay mới biết software Encore viết nhạc của tôi bị bịnh, nên không thể gửi bản máy computer viết đẹp hơn nhiều!

Như anh đã biết vì hoàn cảnh riêng, tôi đã không còn sinh hoạt âm nhạc, văn nghệ… Nhưng mến anh chị, cũng như quí tình bạn của hai anh, và nhất là tình nghĩa vợ chồng của anh Thiệt, tôi phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa và mong đó là một kỷ niệm đẹp cho anh ấy.

Thân,
Bình”

Ngô Quang Bình là tên thật của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, người đã một thời nổi tiếng với những bản nhạc trữ tình mang phong cách nhạc cổ điển. Thanh niên, thiếu nữ thời đó thuộc nằm lòng những lời ca “kinh điển” như… “nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông” hay “áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”…

Tất cả những ca từ đó có nguồn gốc từ thơ Nguyên Sa, giáo sư Triết, tên thật là Trần Bích Lan. Có thể nói, chính Ngô Thụy Miên đã chắp cánh cho những lời thơ Nguyên Sa để biến ông thành một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950 với những tác phẩm nổi danh như Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa…

Theo Ngô Thụy Miên, bản nhạc ông ưa thích nhất lại là Paris Có Gì Lạ Không Em. Ông giải thích:

“Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình? Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu”.

Từ bài thơ đó, Ngô Thụy Miên đi tìm một điệu nhạc để chuyên chở ý thơ hay phải đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc. Ông tâm sự: “Paris Có Gì Lạ Không Em khi đọc lên, tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971”.

Như đã nói ở trên, Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc cổ điển Tây Phương và đôi khi nhạc của ông lại mang phần nào âm hưởng của thánh ca như trong bài Từ giọng hát em. Bài hát này và bài Mắt Biếc đều được viết theo âm giai trưởng. Ngay tình khúc duy nhất Ngô Thụy Miên viết tại Sài Gòn sau năm 1975, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, cũng được viết theo tông trưởng.

Trở lại chuyện Tóc Xưa, Ngô Thụy Miên đã gửi cho người bạn đồng môn trường Nguyễn Trãi, Lê Văn Thu, không chỉ một mà là hai bản phổ nhạc theo cung trưởng và thứ với lời giải thích:

“Hình như ở tuổi 60-70, người ta thường hay nhắc đến, hoặc dùng chữ “Xưa” như mắt xưa, áo xưa, dáng xưa, người xưa,… để kể lại một câu chuyện, để nhắc lại một ngày tháng nào? Có phải “Xưa” đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống?

Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta, “Xưa” cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình”.

Trước nhất là bản viết tay phổ nhạc theo Tóc Xưa viết theo âm giai trưởng. Điều đặc biệt là lời thơ được giữ nguyên văn, không sửa một chữ. Thông thường, khi nhạc sĩ phổ một bài thơ thường phải sửa đổi một số câu chữ cho hợp với âm điệu của bài hát. Nhưng Ngô Thụy Miên đã không làm như vậy.

Một tuần sau, anh Thu lại nhận được bản Tóc Xưa thứ hai do Ngô Thụy Miên viết theo cung thứ. Khi chuyển lại cho tác giả bài thơ, anh Thiệt quá xúc động, anh nói sẽ đóng khung bản nhạc và để bên cạnh di ảnh của vợ với hy vọng chị sẽ được an ủi về món quà đầy ý nghĩa này.

Sau này, trong thư trao đổi giữa Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Nhà thơ Dương Văn Thiệt, Ngô Thụy Miên viết:

“Mong rằng khi anh vui hãy nghe version 2, và khi buồn thì nghe version 1. Đó là để cân bằng tâm hồn mình với một kỷ niệm sống mãi với thời gian và không gian…”

Cả hai bản Tóc Xưa, âm giai trưởng và thứ, đã được ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền, em vợ nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (tức con gái thứ của cố nghệ sĩ Đoàn Châu Mậu), soạn hòa âm, đệm đàn và hát. Đoàn Thanh Tuyền là người đã cùng Đức Huy xuất hiện chung ở Sàigòn thập niên 70 trong hai vai trò, nhạc sĩ và ca sĩ chính, của ban nhạc trẻ Đức Huy.

Giọng hát Đoàn Thanh Tuyền vẫn mượt mà và Tóc Xưa với phong cách quý phái, cổ điển đã đưa người nghe vào không gian mộng mị của một cặp vợ chồng chung quanh những sợi tóc. Đoạn kết buồn khi người vợ ra đi về bên kia thế giới để lại trên gối một sợi tóc lẻ loi…

“… tóc xưa giờ đã xa bay, sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”.

(Nguyễn Ngọc Chính – Hồi Ức Một Đời Người)

duongvanthiet_ĐB

Tản mạn bên cạnh chuyện ra đời của bản nhạc “Tóc Xưa” (trích)

(Lê Văn Thu – 14 tháng 12 năm 2014)

Dẫn:

“Hình như ở tuổi 60-70, người ta thường hay nhắc đến, hoặc dùng chữ “Xưa” như mắt xưa, áo xưa, dáng xưa, người xưa,… để kể lại một câu chuyện, để nhắc lại một ngày tháng nào? Có phải “Xưa” đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống?

“Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta, “Xưa” cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình.

“Trong tâm tình đó, xin chia sẻ với người nghe hai ca khúc được viết theo cung trưởng và thứ tôi đã phổ từ cùng một bài thơ của nhà thơ Dương Văn Thiệt bên trời Âu (bạn của một đồng môn Nguyễn Trãi, Lê Văn Thu)”.

(Ngô Thuỵ Miên, 10/2014)
(http://phu-tran.blogspot.com/2014/11/tan-man-cuoi-nam-2014-ngo-thuy-mien.html)

Nhập:

Bài thơ Tóc Xưa đã đến với Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên qua một điện thư thân tình nhưng trân trọng của tôi đề ngày 18 tháng 2 năm 2014:

“Tôi có một người bạn cùng lớp y khoa, hiện ở bên Anh, mới mất vợ cách đây gần 2 năm. Anh ấy rất thương vợ và đã làm rất nhiều thơ. Khi chị ấy mất, anh đã chôn hết thơ theo vợ; nhưng mới đây, trong một lần thấy được sợi tóc của vợ sót lại bên gối, anh đã viết được một bài thơ mà chúng tôi khi đọc đều thấy xúc động. Thơ được làm theo thể lục bát:

TÓC XƯA

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa

Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng

Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa
(DVT – 2013)

Biết anh là một nhạc sĩ có tài phổ nhạc – chính những bản nhạc phổ thơ của anh mà mọi người, nhất là giới sinh viên thuở trước, mới biết đến Nguyên Sa – tôi xin mạn phép gởi anh bài thơ đó để anh xem. Nếu như bài thơ gợi cho anh chút cảm hứng thì xin anh phổ nhạc giùm. Anh ấy không nhờ tôi, nhưng tôi vốn rất thương anh ấy qua tư cách và tình cảm của anh ấy, và đồng thời rất quí trọng anh, mặc dù mới quen – thấy anh chị rất hiền hòa, đôn hậu, khiêm nhượng – nên muốn được làm trung gian để giới thiệu bài thơ đó với anh.”

Ngày 5 tháng 8 cùng năm, tôi nhận được điện thư của Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên trong khi đang lang thang thăm bạn bên Rochester, Minnesota, với nội dung sau:

“Dear anh Thu,

“Viết vội gửi anh bản chép tay Tóc Xưa tôi phổ từ bài thơ của anh Dương Văn Thiệt. Tiếc là sáng nay mới biết software Encore viết nhạc của tôi bị bịnh, nên không thể gửi bản máy computer viết đẹp hơn nhiều!

“Như anh đã biết vì hoàn cảnh riêng, tôi đã không còn sinh hoạt âm nhạc, văn nghệ… Nhưng mến anh chị, cũng như quí tình bạn của 2 anh, và nhất là tình nghĩa vợ chồng của anh Thiệt, tôi phổ nhạc bài thơ Tóc Xưa và mong đó là một kỷ niệm đẹp cho anh ấy.

“Thân,
Bình (Ngô Quang Bình là tên thật của Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên)”

duongvanthiet_Tóc Xưa (trưởng)

Thật ngạc nhiên và rất vui khi nhận được món quà vô giá này, tôi liền gởi ngay cho Dương Văn Thiệt, tác giả bài thơ. Thiệt cho tôi biết, anh sẽ đóng khung bản nhạc và để bên cạnh di ảnh của chị Thọ Chí với hy vọng chị sẽ được an ủi về sự kiện này.

Cuối tháng Tám, Thiệt từ Bolton, Anh quốc, bay qua Sydney, Úc, thăm con và cháu ngoại, cùng lúc có diễn ra một cuộc hội họp của giới y nha dược sĩ Việt Nam tại đây. Trong dịp này, Thiệt đã mang bản nhạc đến cho Nguyễn Mạnh Tiến, bạn cùng lớp Y khoa Saigon 1973, một nhạc sĩ. Chị Tiến, Cao Xuân Ái-Minh, một dương cầm thủ rất nổi tiếng về nhạc cổ điển Tây phương trước 1975 ở miền Nam Việt Nam, và hiện là giáo sư dương cầm ở Sydney, đã cùng với Tiến đàn và hát cho Thiệt nghe lần đầu. Không khí thật cảm động cho cả ba, vì với tài năng phổ thơ độc đáo của Ngô Thuỵ Miên, lời thơ và ý nhạc đã thấm vào lòng tác giả bài thơ, người hát, và người dạo đàn. Chị Ái-Minh và Tiến đã gởi cho tôi xem và nghe cả phần độc tấu lẫn phần có giọng ca của Tiến. Phần độc tấu dương cầm đã là một thích thú cho tôi vì tiếng đàn thanh thoát của chị Tiến hoà với nét nhạc dịu dàng, quí phái của anh Ngô Thuỵ Miên đã trở thành một phối hợp tuyệt vời. Giọng Tiến, tuy đã bị thay đổi với thời gian, nhưng vẫn gieo vào lòng tôi nỗi buồn man mác vì Tiến đã diễn tả được ý của bài thơ.

Tuần sau, ngày 10 tháng 9, tôi lại nhận được một thích thú khác: Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên gởi cho tôi bản nhạc Tóc Xưa, được soạn với âm giai thứ, da diết hơn bản đầu viết bằng âm giai trưởng. Cái đặc biệt trong cả hai lần phổ nhạc là người nhạc sĩ tài hoa này đã không sửa một chữ nào trong bài thơ, và các dòng nhạc đó – dù trưởng hay thứ – đều đã chuyên chở hết hồn thơ.

duongvanthiet_Tóc Xưa (thứ)

Chị Ái-Minh đã viết “vào đàn thử version 2 thêm vài lần thì càng đàn càng thấy thích, vì nó không còn giống một bài để hát nữa mà gần như một bài đàn solo.”

Trong thư trao đổi giữa Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và Nhà thơ Dương Văn Thiệt, Nhạc sĩ đã viết: “Mong rằng khi anh vui hãy nghe version 2, và khi buồn thì nghe version 1. Đó là để cân bằng tâm hồn mình với một kỷ niệm sống mãi với thời gian và không gian…(Nov. 2, 2014).”

Cả hai bản Tóc Xưa với hai âm giai trưởng và thứ đã được Ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền, em vợ Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên (tức con gái thứ của cố Nghệ sĩ Đoàn Châu Mậu), soạn hoà âm, đệm đàn và hát. Tưởng cũng nên biết, Ca sĩ Thanh Tuyền này là người đã cùng Đức Huy xuất hiện chung ở Saigon thập niên ‘70 trong hai vai trò, nhạc sĩ và ca sĩ chính, của ban nhạc trẻ Đức Huy. Giọng hát Thanh Tuyền vẫn mượt mà, đã diễn tả rất chuẩn cả hai bài, đưa người nghe vào môt không gian huyễn mộng của đôi nhân tình chung quanh mái tóc, và kết thúc bằng một đớn đau – “tóc xưa giờ đã xa bay, sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa”.

Gần đây, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến đã viết một đoản văn kể về tình nghĩa vợ chồng của bạn mình, DVTh, cùng với lý do xuất hiện của hai bài thơ, trong đó có bài Tóc Xưa. Đoản văn đã được đăng trên Việt Luận, số Giai Phẩm Xuân Ất Mùi 2015, ở Úc châu, ai nấy đọc đều không giấu được sự xúc động.

(Lê Văn Thu – 14 tháng 12 năm 2014)

duongvanthiet1

Câu chuyện âm nhạc: Tóc Xưa (trích)

(BS Nguyễn Mạnh Tiến)

Tôi sắp kể cho các bạn nghe một chuyện tình. Đây không phải là chuyện tình ly kỳ, lãng mạn của những người trẻ yêu nhau. Cũng không phải là một chuyện tình gay cấn, đầy tình tiết éo le như trong tiểu thuyết. Mà đây là một chuyện tình nhẹ nhàng, êm đềm, một chuyện tình đơn giản nhưng sâu đậm, mà dấu ấn của nó sẽ tồn tại suốt đời ngay cả khi một trong hai người đã vĩnh viễn ra đi.

Niên khoá 1967-1968, tôi học năm thứ nhất Y Khoa Saigon. Khi đi thực tập mổ xác người chết tại Cơ Thể Học Viện, đường Trần Hoàng Quân gần trường Chu Văn An, trong nhóm thực tập với tôi năm ấy có Th., cựu học sinh trường Petrus Ký, người miền Nam, cao ráo trắng trẻo, tương đối đứng đắn, ít đùa giỡn bông lơn như đa số chúng tôi. Sau khi ra trường cuối năm 1973, tôi gia nhập binh chủng Biệt Động Quân, sống đời lính thú “trấn thủ lưu đồn” nơi núi rừng biên ải. Th. được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, ở lại Sài Gònlàm việc cho một nhà thương.

Th. lấy vợ tương đối sớm. Anh quen bà xã, T.C., khi còn là sinh viên Y Khoa, gặp chị khi ấy đang học trường Dược. Sau 30/4/1975, anh tiếp tục làm việc trong nhà thương, nhưng phải chịu sự hành hạ của bọn tiếp quản từ miền Bắc vào. Một thời gian sau, Th. chán nản, chịu hết nổi nên tìm đường vượt biên cùng vợ và con nhỏ. May mắn được tàu Anh quốc vớt, gia đình anh được đưa vào định cư tại xứ sở Nữ hoàng năm 1979.

Sau vài năm định cư, cả anh lẫn chị đều lấy lại được bằng hành nghề. Anh chị dọn về ở Bolton, một thành phố nhỏ gần Manchester. Th. hành nghề bác sĩ gia đình, được nhân viên và bệnh nhân (đại đa số là dân địa phương người Anh) quí mến. Chị thì làm việc cho một dược phòng. Đời sống của họ trôi qua êm đềm hạnh phúc. Các cháu đều học hành giỏi giang, tốt nghiệp đại học và đều có việc làm vững chắc.

Tháng 3 năm 2012, anh chị sang Úc thăm cô con gái út, đã đỗ bác sĩ bên Anh và sang Sydney làm việc tại một bệnh viện. Vợ chồng tôi và vợ chồng anh N. – cũng là người bạn cũng lớp – có dịp tiếp đón hai người, đưa đi chơi đây đó. Chúng tôi cũng đưa anh chị vào tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm đó trong Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng ở Bonnyrigg. Chị TC rất vui tính và dễ thương, nói chuyện có duyên nên mấy bà trò chuyện cười đùa với nhau rất thoải mái.

Chỉ mấy tháng sau đó, chúng tôi bàng hoàng nhận được tin chị TC đã qua đời. Sau này hỏi ra, mới biết rằng chị đã mắc bệnh ung thư phổi từ năm 2010, và bệnh đã chuyển di đến các cơ quan khác, cho nên dù chữa trị cũng chỉ để kéo dài thêm thời gian chứ khó có thể mong hết bệnh. Biết chị không còn nhiều thời gian nữa, Th. đã nghỉ hưu sớm để săn sóc chị, đưa chị đi du lịch các nơi để chia sẻ với nhau những tháng ngày ngắn ngủi còn lại. Té ra là khi gặp chúng tôi lần trước, chị đã biết mình không còn sống bao lâu nữa, nhưng vẫn bình thản vui vẻ với bạn bè, không hề hé lộ một dấu hiệu bệnh hoạn hay rầu rĩ nào để tránh gây buồn bã hay bối rối cho mọi người chung quanh! Thật khó tìm được một người đàn bà can đảm và bản lĩnh như chị!

Chị mất đi, tinh thần Th. suy sụp đáng kể. Anh biếng ăn, ngủ không được vì cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng hình bóng của người bạn đời đã bốn mươi năm chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khổ đau nguy hiểm. Căn nhà vốn đã vắng vẻ vì các con của anh chị đều đã lớn, rời nhà đi làm xa, nay càng trống trải dễ sợ. Anh cô đơn lủi thủi ra vào, nhìn đâu cũng thấy đầy ắp kỷ niệm của chị. Nỗi đau mất mát tưởng chừng như không bao giờ nguôi.

Một vài tháng sau khi chị mất, Th. gửi cho tôi bài thơ này, cảm tác trong một đêm mất ngủ, quay quắt nhớ chị.

Nguyệt Lạnh

Đánh thức dùm ta trăng của ta,
Chưa khuyết mà sao bóng nguyệt tà.
Đêm soi trên gối, giờ đâu thấy,
Có phải vì ta mắt nhạt nhòa?

Bao đêm say đắm khúc nghê thường,
Ngờ đâu giờ cất tiếng thê lương!
Trăng hỡi đêm dài chưa muốn sáng,
Hãy giấu dùm ta nỗi đoạn trường.

Xin cho đôi cánh để ta bay,
Tìm trăng mòn mỏi suốt đêm dài.
Hình đây sao vẫn chưa thấy bóng,
Không rượu nhưng mà muốn tỉnh say.

Say không men rượu giấc chẳng nồng,
Tỉnh thức mình ta chốn thinh không.
Trăng ta ai nỡ đem đi giấu,
Hay đã lạc vào cõi mênh mông?

Ta hẹn chờ trăng suốt canh thâu
Có lẽ từ đây đến bạc đầu
Gối lạnh từ ngày trăng xa vắng
Hãy chỉ cho ta trăng ở đâu?

Ta mộng trăng về từ nẻo xa,
Đêm nay ta đón trăng về nhà.
Trăng ấm giờ sao là nguyệt lạnh,
Thức dậy đi trăng, trăng của ta…
(DVTh)

Năm ngoái. trong chuyến đi du lịch Âu Châu, vợ chồng tôi ghé Anh quốc, đến Bolton thăm Th. và ngủ lại một đêm để có thời giờ hàn huyên tâm sự. Căn nhà rất xinh xắn và gọn ghẽ của anh tọa lạc tại một khu vực yên tĩnh, có mảnh vườn nhỏ phía sau trồng đầy hoa. Anh đưa chúng tôi vào xem phòng của chị, vẫn giữ nguyên trạng như khi chị còn sống. Tấm ảnh chị trên bàn thờ, hai con mắt đen láy nhìn xuống chúng tôi, lấp lánh như chứa nụ cười.

Gần đây, Th. lại gửi cho tôi một bài thơ nữa anh mới sáng tác. Thuở trước trong khi chị đang phải chữa bệnh ung thư bằng hoá trị và xạ trị, tóc chị rụng nhiều. Ngày nào Th. cũng phải đi vòng vòng nhặt tóc rụng của chị rơi rớt quanh nhà. Anh cũng cất giữ một số tóc rụng đó để làm kỷ niệm. Nay nhìn tóc nhớ người, anh cảm tác nên bài thơ này:

Tóc Xưa

Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm trong gối, sợi bay ra vườn.
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê.

Mượt mà một thuở tóc thề,
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm.
Sợi nào đánh rớt bên thềm,
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng.

Sợi nào sáng gội, chiều hong,
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành.
Lạc vào ngõ vắng nhà anh,
Quen người quen cảnh, không đành rời xa.

Tóc nào đen óng hôm qua,
Gởi vào trang sách, bên ta mỗi ngày.
Sợi nào là sợi tóc mai,
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng.

Để mà sáng đợi chiều trông,
Sợi kề bên má, sợi hôn môi người.
Sợi nào từ thuở đôi mươi,
Tóc tơ se kết, tiếng cười nỗi đau.

Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay.
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa…
(DVTh)

Lời thơ thật thấm thía, mỗi chữ đọc chậm tưởng như một giọt nước mắt rơi đều xuống tim, lột tả tâm trạng đau đớn của người ở lại nhớ thương người đã ra đi. Hai câu kết nghe bâng khuâng như một tiếng thở dài…

Theo suy nghĩ của tôi, những bài thơ hay phải là những rung động đi thẳng từ tim ra mặt giấy mà không qua quá trình sàng lọc, chọn chữ, suy nghĩ của óc. Bài Tóc Xưa này, với tôi, là một bài thơ hay theo cách nhìn đó. Tôi đã xin phép tác giả để kể lại câu chuyện và đăng bài thơ lên số báo Xuân này, để mọi người cùng đọc và chia sẻ.

(BS Nguyễn Mạnh Tiến)

oOo

Tóc Xưa (cung trưởng – version 1) – Ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền:

 

Tóc Xưa (cung thứ – version 2) – Ca sĩ Đoàn Thanh Tuyền:

 

Tóc Xưa – Ca sĩ Bằng Kiều:

 

Tóc Xưa – Ca sĩ Kim Mai:

 

2 thoughts on “Tân Nhạc VN – Thơ Phổ Nhạc – “Tóc Xưa” – Dương Văn Thiệt & Ngô Thụy Miên”

Leave a comment