Nhạc cụ cổ truyền VN – Trống Quân/Trống Thùng

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn Trống Quân/Trống Thùng, một nhạc cụ nằm trong họ dây, chi gõ của Việt Nam.

Trống Quân, còn được gọi là Trống Thùng được sử dụng trong thể điệu hát giao duyên Hát Trống Quân ở đồng bằng Bắc Bộ, thường được tổ chức vào ban đêm, dưới những đêm trăng sáng, trong các dịp hội hè để phô diễn tài nghệ đối đáp trao đổi tâm tình của nam thanh nữ tú.

Trống Quân/Trống Thùng được chế tác bằng cách đào một hố đất hình vuông hoặc tròn, đậy kín bằng một cái thùng gỗ bên trên, phía trên thùng gỗ ngay chính giữa được cắm một chiếc cọc gỗ hình chữ V dựng ngược. Trên đầu của chiếc cọc chữ V dựng ngược được căng bằng một sợi dây mây dẽo chắc, và hai đầu dây mây được gắn chặt xuống đất.

Trống Quân/Trống Thùng trong điệu “Hát Trống Quân”.

Khi diễn tấu nghệ nhân dùng que gõ lên sợi dây mây giữ nhịp điệu. Khi hát dứt một câu, người hát lấy que gõ nhịp vào dây, tạo nên một cung âm rung chuyễn truyền qua cọc xuống chiếc thùng gỗ xuyên xuống hố đất bên dưới. Không khí chứa trong hố đất bên dưới dao động, phát ra âm thanh cộng hưởng “thùng, thình” vang động rất xa.

Chưa có ai khẳng định được Trống Quân/Trống Thùng ra đời vào lúc nào nhưng có một điều chắc chắn rằng Trống Quân/Trống Thùng là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của Việt Nam chúng ta.

Dưới đây mình có trích đoạn bài “Hát Trống Quân Người Việt” của anh Bùi Trọng Hiền và 1 clip “Trống Quân Dạ Trạch” để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

Trống Quân/Trống Thùng.
Trống Quân/Trống Thùng.

HÁT TRỐNG QUÂN NGƯỜI VIỆT

(Bùi Trọng Hiền)

Về mặt nghệ thuật, các hình thức sinh hoạt trống quân giao duyên có tổ chức bao giờ cũng đi đôi với việc sử dụng một nhạc cụ độc đáo, đó là cái trống quân.

Khi làng lập đám hát, việc đầu tiên phải làm là dựng trống (bắc trống). Trước hết, phải chuẩn bị một sợi dây mây tươi dài khoảng 4,5 – 5m, hai chiếc cọc tre hoặc gỗ dài chừng 35 – 40cm, một thùng gỗ (hoặc sắt tây) có đường kính từ 35 – 45cm, cao khoảng 45 – 50cm và một cái nạng gỗ (làm bằng chạc cây) cao chừng 12 – 15cm.

Khi bắc trống quân, người ta ngâm sợi mây xuống nước sao cho nó đạt tới độ mềm dẻo cần thiết rồi đập dập 2 đầu dây và buộc chặt vào 2 cái cọc. Dưới đây là cách buộc dây phổ biến.

tq_BTH1

Tiếp theo, người ta căng sợi mây ra và đóng lút 2 đầu cọc xuống nền đất rắn. Họ phải tính toán làm sao để khi kéo sợi dây mây gác lên nạng gỗ đặt trên cái thùng, nó phải đạt một độ căng tối đa để đảm bảo tiếng vang của trống quân.

Ở chính giữa sợi dây mây, người ta lật úp cái thùng gỗ xuống đất, miệng thùng được chêm cách đất để tạo khe thoát âm. Sau đó đặt cái nạng gỗ lên chính giữa đáy thùng và căng sợi dây mây lên đó. Cái thùng có vai trò như bầu cộng hưởng còn chiếc nạng là ngựa đàn.

tq_BTH2

Khi diễn xướng, 2 người hát bên nam và bên nữ bắc nghế ngồi chéo nhau quay mặt vào chỗ chiếc thùng gỗ. Đến phiên ai hát thì người đó dùng dùi gõ vào đoạn dây mây ở gần nạng gỗ, trống sẽ phát ra những âm thanh không xác định cao độ, sắc thái hơi giống với tiếng trống da loại nhỡ, nhưng nghe nhỏ và đanh hơn.

Đoạn gõ dùi

tq_BTH3

Tùy vào truyền thống từng vùng mà trống quân có những sự thay đổi nhất định về cấu tạo. Chẳng hạn có thể không cần dùng nạng chống mà căng thẳng dây mây lên mặt thùng.

tq_BTH4

Có vùng lại dùng cái chum sành thay cho chiếc thùng gỗ.

tq_BTH5

Có nơi, người ta đào hẳn một hố sâu làm thùng cộng hưởng. Trên bề mặt hố, người ta đặt ván gỗ hay một chiếc mâm đồng và ngựa đàn lúc này làm bằng một que chống khá dài.

tq_BTH6

Cũng có khi trong hố, người ta đặt chiếc chum sành và kê ván gỗ lên miệng chum.

tq_BTH7

Ngoài ra, từ đầu TK XX, người ta thường dùng dây thép hay dây đồng thay cho dây mây. Cá biệt, có nơi thay cho dây đàn, người ta còn dùng một thanh tre dài chừng 4 – 5m, gác 2 đầu lên đầu 2 chạc cây. Giữa thanh tre đó, người ta buộc lạt tre (hoặc dây mây) vít thanh tre xuống miếng ván mỏng được cố định trên miệng hố.

tq_BTH8

Nói chung, đây là những dạng cấu tạo trống quân phổ biến nhất đã được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận (6). Có thể thấy, cái trống quân do được tạo dựng trên mặt đất nên nó còn có tên nôm là trống đất. Xin nhắc lại rằng, nhạc cụ này chỉ dùng trong hình thức trống quân giao duyên nam nữ, còn trong hình thức trống quân nghi thức tín ngưỡng (trống quân Đức Bác), nhạc cụ chỉ là những chiếc trống da bò loại nhỏ. Người ta chơi trống bằng 2 dùi và không gọi đó là trống quân. Điều đặc biệt ở trống quân Đức Bác là chỉ có bên nam đánh trống và chiếc trống da luôn được đeo vào cổ bên nữ (7). Vì thế, đôi nam nữ luôn phải quấn quýt bên nhau trong quá trình diễn xướng từ bến sông về đình làng.

Theo cách phân loại ngày nay, có thể xếp trống quân vào loại nhạc cụ họ dây, chi dùi gõ. Còn người xưa có lẽ căn cứ vào phương pháp kích âm dùi gõ mà coi nó như một loại trống. Điều thú vị ở đây là tên gọi của thể loại đồng thời là tên gọi của nhạc cụ mà thể loại gắn bó. Hát trống quân giao duyên gắn liền với cái trống quân, bởi vậy có thể xác định, trống quân là một nhạc cụ mang tính chuyên dùng.

Ngoài chức năng giữ nhịp và tạo âm nền tiết tấu đệm cho giọng hát, trống quân còn được dùng để đánh dấu sự phân ngắt giữa các câu thơ, giữa các trổ hát. Bên cạnh đó, nó còn khỏa lấp chỗ trống khi người hát chưa kịp nghĩ ra lời ca tiếp theo. Dưới đây là một số mô hình tiết tấu phổ biến của trống quân:

tq_BTH9

Lời ca của hát trống quân xưa, có câu:

Trống quân anh đánh nhịp ba
Khi vào nhịp bảy khi ra nhịp mười

Cũng giống như khái niệm nhịp một, các khái niệm nhịp banhịp bảy… được dùng đơn thuần để chỉ số lượng âm thanh trong mỗi mô hình tiết tấu trống quân.

tq_BTH10

Đây là quan niệm phổ biến trong nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nó khác hẳn với quan niệm về nhịp trong nhạc Tây phương.

Chú thích:

1, 4, 7, 8. Thông báo khoa học, Viện Âm nhạc, số 9-2003.
2. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.581.
3. Xem Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Mai Lĩnh, Hà Nội, 1941.
5. Trần Việt Ngữ, Hát trống quân, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.31.
6. Trần Việt Ngữ, Hát trống quân, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002.

oOo

Trống Quân Dạ Trạch (Giới thiệu các nghệ nhân, tài liệu & HTQ):

Leave a comment