Đời sống tâm linh

Chào các bạn,

Có thể các bạn lớn lên trong một khung cảnh hoàn toàn không đoái hoài gì đến đời sống tâm linh, nhưng nếu bạn là người nhạy cảm với chính mình thì một lúc nào đó bạn sẽ thấy đời bạn có gì đó thiếu thốn, thiếu vững chắc, có gì đó trống trải, thiếu một ý nghĩa gì đó…

Đó là lúc trái tim tâm linh của bạn bắt đầu làm việc và muốn bạn đi tìm những ý nghĩa sâu xa hơn cho đời sống. Đó là lúc các bạn bắt đầu lần mò khám phá đời sống tâm linh, hay đúng hơn là khám phá trái tim linh thiêng của chính mình.

Trung bình, nếu bạn là sinh viên đại học thì điều này có thể bắt đầu rõ ràng từ khoảng năm thứ hai đại học, và sẽ bắt đầu mạnh mẽ hơn theo mỗi năm học, cuối năm thứ 4 là đã rất mạnh, và đương nhiên lên học master hay học tiến sĩ thì còn mạnh mẽ hơn nữa.

Đương nhiên là có nhiều bạn sẽ chậm hơn hay nhanh hơn tiến trình trung bình này.

Rất ít người trên thế giới nằm ngoài chu trình này. Sự phát triển đời sống tâm linh của một người tự nhiên như em bé học đi học nói—đến tuổi nào đó thì tự nhiên là học điều gì.

Seek and you will find. Hãy tìm thì bạn sẽ thấy.

Nếu các bạn đi tìm điều gì để trả lời cho cảm giác thiếu thốn, trống trải trong lòng đó, thì tự nhiên bạn sẽ gặp thầy. Khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện.

Người ta gọi Phật pháp là super-psychology, siêu tâm lý. Nhưng từ này cũng dùng được cho tất cả mọi trường phái tâm linh. Mọi trường phái tâm linh đều là super-psychology, giúp cho tâm lý (trái tim và lý trí) của bạn hoạt động tốt ở một mức độ thực hành rất cao siêu (super), không như tâm lý người thường có qua có lại, mà là tâm lý một chiều – yêu một chiều, yêu mọi người, vô điều kiện.

Loại siêu tâm lý này không đòi hỏi tính toán hai chiều, mà chỉ thực hành một chiều, với một lòng tin mạnh mẽ vào cách sống một chiều đó.

Khi bạn đã ở vào vùng thực hành đó, bạn có thể lười biếng, nhưng bạn sẽ không bao giờ có thể bước trở lại vùng tâm lý thấp hơn của có qua có lại. Vì sao? Thưa vì, khi đã biết thì không thể trở thành không biết, như người đã xong tiến sĩ toán chẳng thể nào nghĩ về toán như người mới học lớp 5. Không thể từ biết trở thành không biết.

(Biết bằng trải nghiệm là biết thật. Biết bằng đọc sách thì thường là không biết, cho nên có thể đổi ý kiến thường xuyên).

Khi bạn đã thực hành siêu tâm lý, bạn chỉ có thể làm, và muốn làm, việc chỉ lại siêu tâm lý đó cho mọi người khác, vì bạn thương họ và muốn chia sẻ điều bạn biết với họ.

Đời sống tâm linh là vậy đó. Là trải nghiệm, là kinh nghiệm, là sống.

Cho nên nếu bạn có thôi thúc tìm kiếm trong lòng, hãy gõ cửa tìm thầy, và bạn sẽ gặp.

Đương nhiên là vì có nhiều loại thầy, nên bạn sẽ phải mất công tìm tòi một chút. Nhưng thường khi gặp thầy đúng thì bạn sẽ nhận ra, vì các vị thầy thật thường chỉ quan tâm đến sự phát triển của bạn mà chẳng quan tâm đến chính thầy.

Chúc các bạn luôn tìm thấy.

Mến,

Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Đời sống tâm linh”

  1. Hi anh Hoành,
    Anh nói đúng quá ạ, em thấy khi nỗi cô đơn che lấp phần nhiều cuộc sống thì niềm tin tâm linh ở trong em trở nên rất lớn.

    Em Giang,

    Like

Leave a comment