Một khởi đầu khó khăn và kì diệu

Chào các bạn,

Mỗi năm trong mùa Giáng Sinh, mình lại suy nghĩ mãi về điều mà mình gọi là hiện tượng kỳ diệu về Chúa Giêsu và sự khởi nguyên của Kitô giáo.

Chúng ta có một anh thợ mộc sinh ra trong gia đình nghèo khó, không học hành chính thống cao cấp, ngoại trừ biết rành Thánh kinh, có lẽ nhờ đi nhà thờ thường xuyên từ bé. Năm 30 tuổi anh này đột nhiên đi giảng đạo, dù rằng trước đó chưa làm trợ lý giảng đạo cho ai cả. Rất nhiều người trong ĐCN xấp xỉ trên dưới 30 tuổi. Dù thời đó 30 tuổi xem như là già hơn 30 tuổi ngày nay, nhưng cũng là một tuổi chỉ thuộc loại nửa đời người.

Chọn đệ tử đầu tiên thì chỉ có 12 người, đa số là người đánh cá, một chữ cũng không rành. Chẳng nghe nói đệ tử nào ăn học chức tước gì cả.

Và giảng đạo chỉ được ba năm.

Mình đã viết trà đàm gần năm năm, gần 2 ngàn bài, số lượng lớn có lẽ bằng hàng trăm lần các lời nói của Giêsu được ghi chép lại.

Và bị hành hình, với những lý do mà đọc Thánh kinh ta cũng chẳng rõ là gì.

Mình có cảm tưởng lý do chính là vì các điều Giêsu dạy trực tiếp thách thức tư duy và tổ chức của xã hội của Do thái thời đó:

– Lấy lề luật giáo hội (và cũng là lề luật quốc gia) để mà trị nhau, trong khi Giêsu dạy lấy mến Chúa yêu người làm chính.

– Lấy trừng phạt làm chính, trong khi Giêsu dạy tha thứ và yêu thương làm chính.

– Xã hội có nhiều giai cấp, trong khi Giêsu xóa bỏ giai cấp và thường chung đụng với người hạ tiện và người “tội lỗi”.

– Xem thường tất cả dân tộc không phải là Do thái. Xem họ như người ngoại đạo. Trong khi Giêsu dạy xem tất cả mọi người của mọi dân tộc đều là con cái của Thượng đế.

Nói chung là các lời dạy của Giêsu trực tiếp lung lay cấu trúc của xã hội Do thái. Do đó các quý vị chức sắc Do thái yêu cầu quan chức La Mã (Rome) trị tội Giêsu, trong khi các quan chức La Mã cũng chẳng biết Giêsu có tội gì.

Nhưng quan chức La Mã là người cai trị, muốn làm vui lòng kẻ bị trị là quan chức Do Thái, nên làm theo yêu cầu của người Do Thái, xử tử Giêsu.

Đa số quan chức hai bên đều tin rằng với một nhóm người nhỏ nhoi ít học như vậy, giết người thủ lĩnh thì coi như nhóm đó sẽ chết.

Nhưng lịch sử đã cho thấy, nhóm người lớ ngớ rắn mất đầu đó đã không chết, dù là rất sợ. Và chỉ sau vài mươi ngày sợ hãi sau khi thầy chết, là hăng hái ra đường tuyên xưng Giêsu đấng cứu rỗi.

Rốt cuộc 12 đệ tử, thì có một người tự tử — Juda, người đã bán thầy mình cho quân La Mã. 10 người còn lại đều lần lượt bị tử hình. Chỉ có một người – John, người viết sách Tin Mừng của John – bị đầy đi đảo xa và được sống đến hơn 80.

Và nhóm tín đồ đầu tiên, càng bị bách hại, càng trốn chui trốn nhủi, thì họ lại càng đông.

Đến hơn 300 năm sau, Đại Đế La Mã Constantine theo Kitô giáo, biến Kitô giáo thành quốc giáo của đế quốc La Mã, và giáo hội bị bách hại bổng nhiên trở thành quyền lực số một của thế giới thời đó.

Khúc khởi đầu cực kỳ khó khăn, và sự tồn tại và trưởng thành kì diệu, làm mình luôn hỏi: Điều gì đã làm cho một nhóm người ngớ ngẩn như vậy sống sót, trưởng thành, và tạo được một tôn giáo lớn nhất thế giới trong nhiều nghìn năm?

Vì Giêsu là Chúa?
Vì các môn đệ tin rằng Giêsu là Chúa?
Vì tư tưởng bình đẳng và yêu người của Giêsu?
Vì tất cả mọi điều trên?

Dù sao thì sự sống sót và trưởng thành vượt bực của Kitô giáo trong những điều kiện lịch sử như vậy là một phép lạ, vượt hẳn mọi suy tư logic của con người.

Qua hai ngàn năm, giáo hội quyền lực, như mọi tổ chức quyền lực khác của con người, đã có khi có nhiều sai phạm, vấp ngã, tội lỗi. Nhưng tận trong gốc rễ, ngay từ thời khởi thủy, giáo hội đã có được một cái gì đó cao quý và tinh tuyền—một giáo huấn triệt để về bình đẳng và tình yêu. Và có lẽ là một hỗ trợ đặc biệt của Thượng đế–bàn tay Thượng đế đã sờ đến trái tim của những môn đồ đầu tiên.

Và có lẽ bàn tay Thượng đế vẫn thường xuyên sờ đến trái tim của những ai trong chúng ta ngày nay thực sự yêu thương Thượng đế và yêu thương loài người.

Chúc các bạn luôn bình đẳng và yêu người.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

15 thoughts on “Một khởi đầu khó khăn và kì diệu”

  1. Em cảm ơn anh vì những bài viết ở cấp độ ngày càng sâu sắc vào chiều sâu trái tim con người và cho em thêm tự tin.

    Em sau khi đọc những bài viết của anh về tư tưởng Ki-tô giáo, đã hiểu được “Nhưng tận trong gốc rễ, ngay từ thời khởi thủy, giáo hội đã có được một cái gì đó cao quý và tinh tuyền—một giáo huấn triệt để về bình đẳng và tình yêu”. Và “giáo hội quyền lực, như mọi tổ chức quyền lực khác của con người, đã có khi có nhiều sai phạm, vấp ngã, tội lỗi” là do hiểu lầm và làm sai những lời dạy về “tình yêu vô điều kiện”.

    Em đã nghĩ đến triết lý trong Phật giáo, phần lớn người ta chỉ hiểu được những điều dạy đơn giản về “làm điều thiện, không được làm điều ác”, nhưng tư tưởng cao nhất về bản chất Nhất nguyên và “Sắc sắc không không” không mấy ai hiểu được, cho nên tư tưởng Phật giáo gần như không hề có tác động gì đến kinh tế chính trị xã hội, đặc biệt là sau khi triết học Mác-Lê du nhập và dẫn đường cho tư tưởng của toàn bộ hệ thống chính trị. Hiểu lầm tư tưởng ở tầm cao của triết lý, so với theo đuổi một triết lý ở tầm thấp, thực sự khác nhau rất nhiều!

    Em mỗi khi nói đến một vấn đề nào đó, ví dụ như sự quá tập trung vào điểm số trong giáo dục, ngay lập tức được đặt câu hỏi: thế thay bằng cái gì để đánh giá? không tổ chức xã hội theo CNXH thì theo cái gì, theo tư bản ah?… Tự do nằm trong Chữ “Không” của Phật giáo, không có cái gì kìm kẹp chúng ta cả, cứ phải tìm cái gông khác để thay cho cái gông ta đang mang thì có ý nghĩa gì? Nhưng chỉ có anh nghe và hiểu lời em than thở thôi ^^ Em ước gì có thể làm được điều gì đó lớn lao hơn.

    Em Hường.

    Like

  2. Chị Hường ơi,

    Hình như chỉ mấy ngày không gặp chị mà em cảm thấy như lâu lắm rồi. Em vào đây chỉ để say hello chị thôi. Và thích câu “Tự do nằm trong Chữ “Không” của chị.

    Chúc chị luôn vui nhé.

    Em Hương,

    Like

  3. Hôm qua em xem một chương trình trên Discovery về Chúa, có phần nói rằng vì Chúa phản đối những trò lường gạt trong đền thờ Chúa cha. Trong đền thờ Chúa cha người ta luôn bắt mua đồ tế thần bằng tiền xu, chứ không phải loại tiền nào khác. Người đổi tiền nhân cơ hội đó làm khó và lường gạt những người dân đến đổi tiền. Tất cả những trò lường gạt này lại được các thày tu đỡ đầu và thu lợi. Do đó, để rộng đường làm ăn của mình, các thày tu muốn loại trừ Giesu, họ kích động dân chúng và các tầng lớp nắm quyền khác, kiến nghị lên quân La Mã đòi tử hình Chúa.

    Like

  4. Hi Thu Hương, chị cũng nhiều việc gia đình quá nên không vào ĐCN thường xuyên được, cảm ơn em đã nhớ chị 🙂 Hôm nay thấy anh Hoành nhắc đến tuổi xấp xỉ trên dưới 30 tuổi (Đức Phật Thích Ca cũng giác ngộ hoàn toàn năm 30 tuổi đó), chị thấy mình đúng đang ở mức nửa cuộc đời đó, nên ra mặt đáp lời: “Em cũng muốn làm gì đó lớn lao”, nhưng điều gì lớn cũng bắt đầu từ điều nhỏ, như là thể hiện quan điểm của mình qua những chia sẻ với anh chị em ở đây, em nhỉ!

    Chúc em và cả nhà Giáng sinh nhiều yêu thương.
    Chị H

    Like

  5. Em cám ơn anh Hoành về bài viết. Thật lòng là những hiểu biết của em về Chúa Jesus rất mù mờ, đọc nhiều lần mà không cảm nhận được yêu thương của Chúa như cách mọi người nói, cũng có thể vì chưa đủ nhân duyên. Nhờ bài viết của anh mà em thấy hiểu hơn về Chúa, và hiểu hơn về lịch sử của Kito giáo, sự ảnh hưởng của Kito giáo đến các nước….

    Chị Hường ơi, em vẫn tin, khi ta hội đủ những con người có trái tim trong sáng và thành thật, khao khát sống và cống hiến, thì ta sẽ làm được điều gì đó “lớn lao” thôi, không khi này thì khi khác. Chỉ cần ta đừng bao giờ bỏ cuộc 🙂

    Like

  6. Hi Hường,

    Anh hiều được “trái tim cháy như lửa” của Hường, vì anh đã rất nhiều năm như thế. Và cuối cùng anh nhận thấy, nếu chúng ta đặt trọng tâm vào các hệ thống quản lý là chúng ta làm việc ở ngoài da. Điều chính phải là “khiêm tốn, thành thật, yêu người” trong trái tim con người. Trái tim con người là nền của đất nước.

    Tập trung vào thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người, và dạy người ta làm thế, dùng Phật triết hay giáo huấn Kitô hay giáo huấn nào cũng đều được, miến là người ta thực sự thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người ở mức độ triệt để, thì chúng ta sẽ có cái nền tốt cho đất nước.

    Like

  7. Hi Hai,

    Câu chuyện trong đền thờ đó chỉ là một chuyện nhỏ, và Chúa Giêsu cũng chẳng đủ sức để thay đổi kiểu làm ăn trong đền thờ. Điểm chính là những tư tưởng sâu thăm trong trái tim con người, có thể làm cả một dân tộc thay đổi tư duy.

    À, câu chuyện này về việc Chúa Giêsu phá đổ những bàn đổi tiền trong đền thờ và là đánh đuổi những người đổi tiền, thường được người ta dùng để kích thích bạo động, nhất là bạo động chính trị.

    Sự thật là:

    — Đây là nói về giáo hội và những hàng chức sắc của giáo hội đã bị hư nát. Chúa Giêsu hoàn toàn không nói về chính trị bao giờ: “Hãy trả lại cho Cesar những vì thuộc về Cesar, và trả lại cho Thiên chúa những gì thuộc về Thiên chúa”. Nhưng Chúa Giêsu thường trực nói về sự hư nát của hàng giáo phẩm.

    — Chính cơ thể và trái tim của mỗi người chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa. Hãy giữ cơ thể và trái tim lành mạnh cho Thiên CHúa.

    Liked by 2 people

  8. Em cảm ơn anh Hoành đã nhắc em về điều cốt yếu nhất “Tập trung vào thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người trong trái tim con người, và dạy người ta làm thế”, em đã đi theo con đường đó, nhưng khi chỉ cho người khác thì em lại quên mất mà nghĩ rằng ai cũng đang ở cùng chỗ với em rồi. Khi em nhìn thấy những cái “gông” trong tư duy của mình, em tưởng rằng ai cũng nhìn thấy như thế và chỉ việc tháo ra là xong. Nhưng em đã quên là đầu tiên phải nhìn thấy điều đó đã, và để nhìn được thì cần một trái tim công chính, nếu có được sự “khiêm tốn, thành thật, yêu người” sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ khuất tất mà không những mình không được đánh mất mình theo nó, mà còn phải luôn tự đặt câu hỏi: Tại sao?

    Em sẽ cố gắng thay đổi những cách tiếp cận vấn đề của mình, để tập trung hơn vào trái tim con người.
    Em Hường

    Like

  9. “Hãy trả lại cho Cesar những vì thuộc về Cesar, và trả lại cho Thiên chúa những gì thuộc về Thiên chúa” Câu này em nghe từ lâu lắm rồi, và sau này em bắt đầu hiểu dần dần. Có lẽ đây là câu tác động đến hệ thống giá trị của mỗi con người và hệ thống giá trị xã hội: điều gì là quý, điều gì là giá trị, điều gì cần ưu tiên gìn giữ, … Khi trả lời câu hỏi “điều gì” không có nghĩa là những điều khác là vô giá trị mà là một tương quan lựa chọn, chú trọng, là nhận thức về những giá trị không cảm nhận được bằng 5 giác quan…

    Like

  10. Nhân câu nói của Hường “tư tưởng Phật giáo gần như không hề có tác động gì đến kinh tế chính trị xã hội, đặc biệt là sau khi triết học Mác-Lê du nhập và dẫn đường cho tư tưởng của toàn bộ hệ thống chính trị.”, em có một câu hỏi này (cho mình) xin chia sẻ với anh Hoành và cả nhà, nếu ai có câu trả lời giúp em được thì em rất cám ơn ạ:

    Em vẫn nghe nói, vào phần sau của thời Trần, triều đình quá chú trọng Phật giáo, đề cao tăng lữ và khiến cho đất nước bị suy yếu – đại loại là thế, em không nhớ chính xác. Vấn đề ở đây là gì? Vì hiện nay, em đang nghĩ rằng cũng như tinh thần Kyto hữu, tinh thần Phật giáo sâu nặng là điều tốt để giúp con người và đất nước cường thịnh chứ không phải làm đất nước suy yếu, em vẫn nghĩ truyền bá tinh thần Phật giáo, ở mức cá nhân là tu thân, tu tâm, vun đắp đạo đức cá nhân, hệ thống giá trị cá nhân, ở mức xã hội là đạo đức xã hội, hệ thống giá trị xã hội, rồi khái quát hơn là tư tưởng Phật giáo… chính là một góp phần khả thi và hữu hiệu trong việc giúp xã hội Việt Nam tốt đẹp, đất nước Việt Nam vững mạnh hơn. Lịch sử (nhà Trần) có đã chứng minh điều ngược lại hay có yếu tố gì của lịch sử mà chúng ta còn chưa hiểu hết hay hiểu sai?

    Nhân tiện nói đến Phật giáo thời Trần, em rất tâm đắc bài Cư Trần Lạc đạo mà anh Trần Hữu Vinh và anh Hoành giới thiệu với Đọt Chuối Non gần đây – và chưa thấy có điều gì sai khiến cho dẫn đến nước nhà suy yếu.

    Like

  11. Hi chị Quỳnh Linh,

    Em cũng có nghĩ đến vấn đề chị đặt ra, “vào phần sau của thời Trần, triều đình quá chú trọng Phật giáo, đề cao tăng lữ và khiến cho đất nước bị suy yếu” điều này hình như mình được dạy trong trường phổ thông chị nhỉ? Câu hỏi của chị khiến em nhớ đến bài viết “Phá bỏ rào cản tôn giáo” của anh Hoành, trong đó đã nói rằng “tôn giáo trở thành tồi tệ khi người ta dùng nó làm chính trị” và “Tâm linh là trái tim con người. Các kinh nghiệm và giảng dạy tâm linh thực ra là chỉ để cho trái tim của mỗi chúng ta.”
    “Nói về phương diện phát tiển tâm linh thì các tôn giáo LUÔN LUÔN trở thành tồi tệ khi dính dấp vào chính trị. Vì tâm linh là tầm cao hơn chính trị.”

    Phá bỏ rào cản tôn giáo

    Em hiểu điều đó nghĩa là, tư tưởng trong Ki-tô giáo hay Phật giáo tuy rằng tốt đẹp, nhưng chỉ có thể áp dụng cho mỗi cá nhân, và cụ thể hơn, là chính mình, chứ không thể giao quyền lực cho tổ chức tôn giáo, vì sự đạt tới chiều sâu tâm linh xảy ra đối với cá nhân, không phải đối với tổ chức. Việc của chúng ta là chọn ra những cá nhân xuất sắc đó để lãnh đạo, chứ không phải chọn những cá nhân xuất sắc trong một tổ chức có sẵn để lãnh đạo.

    Về sự suy thoái của nhà Trần, cũng như các triều đại phong kiến khác, em nghĩ là do chế độ “quân chủ chuyên chế” bất bình đẳng không thể tồn tại mãi mãi, và ngay cả bây giờ chúng ta vẫn đang hướng đến một xã hội coi trọng sự bình đẳng, và đủ bài học để biết rằng không có một ông vua hay một “Đảng tiền phong” nào ban phát điều đó cho chúng ta mà chúng ta phải tự tìm kiếm và tạo ra bình đẳng.

    Hôm nọ em nói chuyện với Hồng Thuận tụi em đều nhắc đến chị, mấy chị em mình mà gặp nhau chắc không bao giờ hết chuyện để nói đâu nhỉ, chị Quỳnh Linh ^^

    Em H

    Like

  12. Cám ơn câu trả lời của Hường. Mình cũng vừa đọc lại bài Phá bỏ rào cản tôn giáo và các comments. Mình sẽ còn suy nghĩ tiếp về chủ đề này và những điều Hường nói…. 🙂

    Đúng là các chị em gái mà gặp nhau thì chẳng đêm nào đủ dài. Phòng ngủ nhà mình đã nhiều lần làm chứng nhân cho điều đó, hihi…. 😉

    Like

  13. Hi Quỳnh Linh, Hường và các bạn,

    Nhà Trần nắm giữ vương quyền 175 năm (từ 1225 đến 1400), đó cũng là một thời gian dài cho một triều đại (một gia đình nắm quyền). 175 năm rồi mất đi thì cũng là chuyện bình thường và hợp lý).

    Phật giáo từ thời Trần Nhân Tông trở đi rất được ưu đãi, các chùa và tăng ni được cấp đất đai và quyền lợi. Khúc cuối của nhà Trần có nhiều mâu thuẫn giữa các công thần trong triều theo Nho học (Khổng học) và Phật giáo ưu quyền. Đó cũng có thể là lý do làm triều đình suy yếu.

    Sau đó thì Hồ Quý Ly chuyên quyền lật đổ nhà Trần.

    Nhưng khó mà nói là Phật giáo làm yếu đất nước. Mâu thuẫn giữa đám nho sĩ và Phật giáo làm yếu thì đúng hơn.

    Và nếu lấy Trúc Lâm Yên Tử (Trần Nhân Tông), Tuệ Trung Thượng Sĩ (Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn)… làm chuẩn thì có lẽ Phật giáo có vẻ thịnh hành trong hoàng tộc mà chưa vững trong dân gian. Dân gian có lẽ không nắm vững được tư duy Phật giáo, vì rất khó để nắm, nhất là tư tưởng thiền tông mà các quý vị hoàng tộc ưa chuộng.

    Ngay trong các bài thơ của Trần Nhân Tông, cố dùng chữ Nôm, nhưng chữ Hán Nôm vẫn phải dùng; và tư tưởng thì vẫn còn mượn nhiều khái niệm của Đạo học (Lão tử)… như là dùng khái niệm “nhàn” của Đạo học đồng nghĩa với khái niệm “thiền” và “tĩnh lặng” của Phật học. Sự thực thì có khác nhau nhiều giữa hai hái niệm. Tức là tư tưởng Phật giáo VN chưa được sắc bén và sâu sắc như một triết thuyết hàng đầu mà Phật giáo xứng đáng được nhận.

    Trong khi đó Nho học lại là Nho học đã bị khô cứng và hư hoại của Tống Nho bên Trung quốc.

    Cho nên đất nước không có sinh khí về tư tưởng. Mà lại có mâu thuẫn giữa Nho sĩ và hàng tăng lữ.

    Like

  14. 22/12/2014.

    Một năm trôi đi nhanh quá. Bao điều đã xảy ra.

    Nhờ có niềm tin, nhờ có Đọt Chuối Non mà em vẫn giữ được mình, không bị dòng đời xô đẩy dù cũng có lúc bị nó cuốn trôi đi mất một tẹo mà không biết gì.

    Nhân dịp Giáng Sinh, con cầu nguyện Chúa luôn che chở và phù hộ cho các anh chị trong Đọt Chuối Non và các anh chị em khác.

    Để lúc nào chúng con cũng được sống trong Chúa và sống vì Chúa và sống để vinh danh, ngợi ca Chúa.

    P/s: Con không theo Đạo nhưng con tin là có Chúa trên đời và có Chúa bên con

    Like

Leave a comment