Một sáng như mọi buổi sáng!

 

309717_315160498494610_1499943651_n

2/2012

9 giờ sáng.

Nắng ban mai rọi những tia dịu dàng vào chiếc giường cạnh cửa sổ, ‘’thượng tọa’’ ngay tầng ba của căn nhà 390B East Coast Rd. Cô nằm mơ màng trong cơn ngủ, thấy mình đang nắm tay một anh chàng đẹp trai đi dạo bên triền núi .Chợt nghe đâu đó có tiếng ‘’guru…gu…ru..’’

Bị đánh thức, cô mắt nhắm mắt mở vén bức màn trắng, ngó ra ngoài đường. Cách ngón tay áp út của cô chừng một gang tay, bên kia khung cửa kính là một chú bồ câu lông đen tuyền, mỏ vàng đang thong thả dạo bước trên bậc tường gạch trổ dư ra phía dưới khung cửa sổ. Cổ họng nó không ngớt phát ra những tiếng ‘’guru…gu..ru…’’. Bàn tay cô  sờ soạng tìm chiếc điện thoại vứt đâu đó trên giường. Phải nghe nhạc buổi sáng thì cô mới có hứng thú mà thức dậy.

“Summer has come and passed
The innocent can never last
Wake me up when September ends””

Giọng Bilie vang lên nóng ấm như sắc vàng của cánh đồng hoa trong đoạn dạo đầu clip nhạc nổi tiếng. Cô nằm oài người thêm một lúc nữa. Tai dóng lên nghe những giai điệu nhịp nhàng. Những nốt ghita dẫn đường cho khúc nhạc mùa hè buồn nhưng mạnh mẽ.

“Mùa hè đã đến, và cũng đã đi. Thời thơ ngây có bao giờ tồn tại mãi. Đánh thức tôi dậy nhé, khi tháng 9 vừa qua đi!”

Tháng 9 ở Mỹ, tháng của đau thương. Những xác người vương vãi dưới tòa Tháp đôi một ngày 11 năm cũ. Những cuộc chinh phạt của quân Mỹ trừng trị Iraq. Để gã trai trong đoạn clip bỏ lại người yêu dấu trong một tích tắc giữa làn súng đạn bắn như mưa. Còn lại cô gái đứng thẫn thờ nhìn cánh đồng hoa cô đơn trong chiều rơi muộn. Bên tai vẫn thì thầm những lời của người yêu.

Wake me up, when September ends!!

Đánh thức anh dậy nhé, khi tháng 9 vừa qua đi. Câu hát lặp đi lặp lại đầy ám ảnh.

Giờ đã là tháng 10 rồi…

Từ tốn chuyển tiếp từ khúc dạo đầu nhẹ nhàng, bài hát tuồn vào đoạn rock khí thế của Green Day.

Cô tỉnh ngủ. Tung chăn, ngồi dậy, cột lại tóc, mang dép, đi ra ngoài.

Liu Xue và Quan Yi đã đi làm từ sáng sớm. Mấy đứa phòng bên cạnh chừng như cũng còn vài đứa đang ngủ nướng. Cô nghe tiếng nói chuyện rì rầm nhưng tuyệt nhiên không thấy đứa nào chường mặt ra. Vicky và Tora có ca trưa trễ hơn cô. Thường vào giờ này thì cô cũng hiếm khi đụng mặt tụi nó.

Trên đương đi tới phòng vệ sinh ở cuối căn nhà dài hình chữ nhật, cô kéo hết tất cả mấy tấm màn trắng điệp sang một bên. Phòng khách và nhà bếp khoe mình trong ánh nắng sáng dịu đầy tinh khôi. Gió không lùa từng cơn mạnh mà thổi phà nhè nhẹ những làn hơi mát mẻ trong lành vào căn phòng rộng thênh. Vệ sinh, rửa mặt, đi phơi quần áo. Cho trứng vào chảo rán. Lấy sandwitch và nước táo từ trong tủ lạnh ra. Mở Channel News Asia. Thả người vào xa lông, vừa ăn vừa dỏng tai nghe tình hình nội chiến Thái Lan và kinh tế châu Á tiếp tục xuống dốc.

Được một lúc thì tai cô bắt đầu chuyển qua những âm thanh léo nhéo bên dưới, ngoài cửa sổ, không phải từ màn hình ti vi nữa.

Tiếng của 3 mẹ con người Úc ở căn nhà sang trọng phía bên trái. Hồ bơi của căn nhà này nằm ở dưới cửa sổ phòng khách nhà cô. Mỗi sáng, bà mẹ người Úc hay cho hai đứa bé con, một đứa chừng ba tuổi và đứa kia khoảng 5 tuổi xuống hồ tắm vào khoảng giờ này. Ngày nào cũng nghe tiếng hai đứa trẻ nghịch nước cười đùa với nhau. Riết rồi cô quen, có thể phân biệt được giọng của thằng nhóc anh với thằng em mà không cần chạy ra cửa sổ dòm lén như hôm đầu tiên nữa.

316650_315160758494584_461752663_n

Mẹ ơi, cho con xuống hồ bơi chút đi. Hôm nay trời thật đẹp! – Thằng bé nhỏ, Joe nũng nịu gọi mẹ nó.

Không, Joe! Nước còn đang lạnh lắm! Con bị cảm bây giờ. Tối hôm qua trời mưa đó, có nhớ không?

Nhưng con muốn bơi bây giờ mà mẹ, đi mẹ, một tí thôi! – Joe lại thét lên khe khẽ và xoắn lấy mẹ nó đòi cho bằng được.

Ê Joe, mẹ nói là không mà sao mày đòi hoài vậy! Tối về tao méc bố là hôm nay mày hư cho xem. – Có tiếng của thằng bé lớn, Collins, anh nó xen ngang. Chắc là đang ngồi nghịch ở đâu đó trong sân nhà cạnh hồ bơi. Giọng nói ra vẻ rất người lớn.

Cô nghe thấy mấy tiếng kèn cựa vòi mẹ của thằng em . Tiếng bắt nạt của thằng anh dù lớn hơn, nhưng vẫn bé xíu xiu. Bật cười. Những đứa con. Một tổ ấm. Cái niềm vui ấm áp mà bình dị. Sực nhớ mấy tháng rồi cô không có mẹ bên cạnh để làm nũng. Giờ này ở Sài Gòn chắc mẹ đang tất tả mũ nón đi chợ rồi..

Xong  các việc lặt vặt, cô thay đồ rồi khóa cửa xuống phố, đi bộ tới chỗ làm. Hôm nay là thứ Ba, một ngày giữa tuần. Mấy cửa hàng cạnh nhà đã mở cửa, không đông khách lắm. Ba quán ăn Tàu. Một quán bán đồ Thái. Một ghi Peranakan Food to tướng với tấm bảng hiệu lớn bên trong ghi tiếng Anh lẫn Hokkiens. Bình thường nếu đó là thứ Bảy và Chủ nhật thì khoảng 9 giờ đi ra cửa, cô đã thấy khách khứa nhiều ngồi chật mấy chiếc bàn kê ngoài khuôn viên các quán. Trên các bàn bốc ra làn hơi mỏng từ mấy đĩa mì xào thơm phức và trà sữa nóng đậm mùi kem. Hầu như quán nào cũng bán Laksa, món ăn truyền thống của người Peranakans. Mùi nước dừa thơm ngậy trộn lẫn gia vị cay nồng tỏa ra. Nghe mùi là có thể tưởng thấy một tô mì nóng hổi với những miếng chả cá, thịt sò tẩm ướp với con tôm sú đỏ hấp dẫn nằm thách thức bên trên.

321197_315163275160999_720622429_n

East Coast là con đường trọng điểm của Katong , khu dân cư giàu có bậc một vào những ngày đầu thiết lập quốc đảo Singapore. Đây cũng là nơi tập trung cộng đồng Peranakans, những hậu duệ của người Hoa lai với người Mã Lai từ eo biển Malacca di cư sang Singapore. Họ đã xây dựng nên một văn hóa đặc sắc với nhiều dấu ấn khai hoang. Cùng những người Anh, Ba Lan, Anglo Pháp khởi nghiệp từ những đồn điền dừa và cotton, người Peranakans còn di truyền những dấu tích nông nghiệp xưa vào lại những cửa hàng vải vóc, sản phẩm thêu, đồ nội thất nổi tiếng làm từ vật liệu nông nghiệp tự nhiên ở đây.

Cô đi ngang qua những ngôi nhà hai tầng được thiết kế cầu kì, nhiều màu sắc với trường phái Baroque. Tầng trệt là cửa hàng chuyên bán những bộ xống áo Nonya Kebayas truyền thống của người Peranakan. Những chiếc áo hoa bằng lụa hay cotton xẻ duyên dáng hai tà đằng trước, đường chỉ thêu hoa văn nhiều họa tiết chạy dọc hai bên sườn áo khẽ ôm lấy chiếc sarong tiệp màu, duyên dáng thả rủ xuống tận chân. Các cửa tiệm cũng trưng bày những đôi dép và túi xách được kết  cườm tỉ mỉ, sắc màu tươi sáng nằm duyên bên những đôi guốc gỗ màu đỏ.

Một đoạn đường East Coast. Still Rd. Marine Parade. Không gian tràn ngập bóng mát của cây xanh. Cô che dù đi lững thững trên vỉa hè, nhìn dòng xe gồm những chiếc xe hơi bóng lộn và những chiếc xe buýt sạch sẽ, xinh xắn lướt đi êm đềm trên mặt đường trơn.

Mới vài tháng trước, cô còn mắc kẹt giữa đoàn xe máy, tải, bus đầy bụi khói nối đuôi nhau trên quốc lộ 1A. Con đường bọc hậu thành phố Hồ Chí Minh ra vùng ngoại ô, tới làng đại học. Những chuyến xe bus nồng nặc mùi xăng, mồ hôi người phóng bạt mạng trên con đường hung thần nổi tiếng. Cô từng ngồi trong đó, nghĩ tương lai không biết mình sẽ đến những chân trời nào. Nó có giống như ở một Sài Gòn luôn bức nóng, ồn ào, ngổn ngang những con người tứ chiếng, những con người bưng thúng đội mẹt trên chuyến xe đông đúc cô vẫn len vào mỗi sớm mai?

376701_315162275161099_127362220_n

Và trước mắt cô bây giờ là con đường rộng lớn với những chung cư cao cấp, êm đềm xuyên trải ở hai bên. Cô lên bậc thang. Chiếc cầu vượt bắt ngang con đường cao tốc đầy hoa giấy nổi bật nhiều màu sắc trên thảm dây trường xuân xanh rờn. Đứng giữa hành lang có thể nhìn con đường chạy dài tít tắp từ dưới chân, mềm mại đổ theo chiều vòng cung ôm dọc bờ biển Đông rộng ngát. Khoảng trời xanh biếc nằm trên những lô nhà được quy hoạch ngăn nắp, giống một chiếc vung tròn bao bọc lấy chiếc những hình khối nhiều màu sắc đang im lìm nằm lặng bên trong.

Hôm nay trời đẹp làm sao! Giá thân người mình là đôi cánh chim. Cô sẽ thử  xoải cánh bay đi. Về cuối con đường kia, ngụp lặn giữa khoanh trời trong veo với nền là những vạt nước mênh mang và trần đang treo lửng lơ những vừng mây xốp trắng. Sẽ tuyệt biết mấy. Khi đập cánh giữa một bầu trời yên ả xinh đẹp như thơ..

Cũng may là đã hết đoạn cầu vượt bắt ngang. Cô cất giấc mộng hão huyền nhưng hấp dẫn đó sang một bên. Nhìn về thực tại với dòng người nhộn nhịp đang xuôi ngược tấp nập ở khu cộng đồng Marine Parade.

Trạm xe bus với hàng hiên dài che nắng chạy dọc suốt một bờ vỉa hè, chốc chốc lại rộn lên với một chiếc hộp chữ nhật khổng lồ in hình quảng cáo dát hết 4 mặt thành xe, khẽ khàng ghé trạm cho làn người bên trong quẹt thẻ bộ hành, trật tự bước xuống. Dòng người có những phụ nữ trẻ cỡ tuổi như cô và lớn hơn, mặc áo thun quần jean, khuôn mặt trang điểm. Cô dễ dàng nhận ra kiểu người làm việc trong những shopping malls gần đó. Họ sẽ còn phải qua một màn thay đồ đồng phục ở công ty trước khi vào Sales Floor gặp khách nên khuôn mặt phải trang điểm sẵn, nhưng quần áo có thể ăn mặc rất giản đơn. Vài người thanh niên mặc áo sơ mi bỏ thùng, quần jeans hoặc đồng phục màu đen của những promoters trong siêu thị. Dây tai nghe thòng ra, tay cầm Iphone vừa đi vừa lướt Net. Có những bà dì đứng tuổi, tay đẩy những chiếc shopping carts có bánh xe kéo đi trên đường. Thong dong, lỉnh đỉnh. Một lố học trò cấp hai trong áo sơ mi trắng, váy hoặc quần xanh lá cây nhã màu vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Cô yêu thứ Singlish có chất giọng trơn trớt pha lẫn âm sắc Hoa Tàu và những từ địa phương với tiếng “lah” luôn kèm sau những câu nói. Nhất là khi nghe tụi nhỏ người Sing giao tiếp. Chúng không nói nhanh và nối giọng tuyệt đối như những đứa người bản xứ nói tiếng Anh, mà nói bằng một thứ giọng rất trong và lên xuống theo ngữ điệu câu văn Á Đông một cách buồn cười mà đáng yêu lạ.

Cô băng qua góc ngã tư có những tường rào sắt cao chưa tới 1 met 2 bao ngoài một tòa nhà lớn. Nhữngchiếc xe đạp nằm ngoan khóa vào  song sắt tây bằng những sợi dây xích bản nho nhỏ. Bụi bặm, hiền hòa.

Ông lão Chin ngồi ở một góc đường nắng, kéo cây đờn cò những dòng âm réo rắt buổi sáng. “”Ní hào! Ní hào!” Giọng ông lão hân hoan chào một ngày mới. Nó gửi gắm những lời chúc thầm lặng cho bao nhiêu người đang lại qua góc đường quá quen thuộc của ông. Hôm nay cô chẳng có đồng xu lẻ nào bỏ vô chiếc giỏ đằng trước cho ông. Nhưng cô biết chỉ cần bước ngang qua và cười vơi ông lão một nụ thật tươi, ông sẽ toe toét cười mãn nguyện. Nụ cười của ông lão tuổi bảy mươi dùng tiếng đàn mua vui ở một góc đường quen trên hòn đảo ngọc. Nụ cười có hai hàm răng sún đằng trước, nhưng tươi thắm và ấm áp nhất cô từng thấy trong những ngày xa xứ ở đây.

Ní hào pa! Chào ông, chào buổi sáng!

 Ngọc Vũ
 

One thought on “Một sáng như mọi buổi sáng!”

  1. Cám ơn em, nhà văn Ngọc Vũ! 😀

    Cảm nhận văn hóa nước ngoài của em rất tinh tế và sâu sắc.

    Like

Leave a comment